CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN (Chú giải Lời Chúa của Lm. Inhaxiô Hồ Thông)

Thứ hai - 07/11/2022 21:51
Ml 3, 19-20a
Cựu Ước gọi biến cố này là “Ngày của Chúa”. Ngôn sứ Ma-la-khi nói rằng đây sẽ là ngày Chung Thẩm, ngày nghiêm khắc đối với phường vô đạo, nhưng là ngày cứu độ đối với những tín hữu trung tín, trên họ “Mặt Trời Công Chính” sẽ mọc lên.

2Tx 3, 7-12
Trong Tân Ước, thánh Phao-lô là người đầu tiên lấy lại diễn ngữ “Ngày của Chúa”, nhưng áp dụng diễn ngữ này cho cuộc trở lại vinh quang của Chúa Ki-tô. Các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca mong chờ ngày này nôn nóng đến mức vài người trong họ cho rằng làm việc chẳng ích lợi gì. Thánh Phao-lô nhắc nhở họ hãy sống trật tự và công bố giá trị của công việc.

Lc 21, 5-19
Tin Mừng Lu-ca trích phần diễn từ cánh chung của Chúa Giê-su, được công bố ở Giê-ru-sa-lem, trước cuộc Thương Khó của Ngài. Chúa Giê-su rao giảng về cuộc tàn phá Đền Thờ, loan báo những cuộc bách hại và mô tả những dấu chỉ đánh dấu Triều Đại Thiên Chúa sắp đến gần. Bất chấp những gợi ý bi thảm này, sứ điệp là một lời khuyên hãy tin tưởng.

BÀI ĐỌC I (Ml 3, 19-20a)
Sứ điệp của ngôn sứ Ma-la-khi là lời cảnh cáo nghiêm khắc được gởi đến các tư tế Giê-ru-sa-lem cũng như cộng đoàn các tín hữu vào thời kỳ cẩu thả, thờ ơ, thậm chí ngờ vực nữa.

1.Bối cảnh:
Thời kỳ này được định vị vào tiền bán thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên, khoảng năm mươi năm sau việc tái thiết Đền Thờ. Đền Thờ này đã bị đạo quân Ba-by-lon phá hủy vào khoảng những năm 521-515 trước Công Nguyên. Biến cố này đã gây nên lòng nhiệt thành và canh tân; nhưng vài thập niên sau đó đã xuất hiện những dấu chỉ suy thoái vì nhiều lý do khác nhau, nhất là những cuộc cải cách bị trì hoản. Sự cẩu thả và lạm dụng được đưa vào trong việc phụng tự và lòng nhiệt thành của các tín hữu trở nên nguội lạnh, thờ ơ lãnh đạm.
Ngôn sứ Ma-la-khi (biệt danh này có nghĩa “sứ giả của Ta”) phản ứng mạnh mẽ và ra sức lay động lương tâm của mọi người. Ma-la-khi là vị ngôn sứ cuối cùng; với ông trào lưu ngôn sứ chấm dứt. Trào lưu này sẽ tái xuất hiện sau này, nhưng được lồng vào trong nền văn chương đặc thù, văn chương khải huyền.
Ngôn sứ Ma-la-khi đã đối thoại với những thái độ vô cảm và nghi ngờ này. Trong số những lập luận được viện dẫn, ngôn sứ Ma-la-khi lập đi lập lại với dân chúng sự kiện này: “Giờ đây chúng tôi cho những kẻ kiêu ngạo là có phúc; phải, những kẻ làm điều ác được thịnh đạt, họ thử thách Thiên Chúa mà chẳng hề hấn gì” (3, 15). Từ đó, các ngươi nghĩ rằng “Ai làm điều dữ cũng đều tốt trước mặt Đức Chúa” (2, 17); trong trường hợp này “Phụng thờ Thiên Chúa thật là viễn vông, tuân giữ các lệnh truyền của Đức Chúa… nào có ích lợi chi?” (3, 14).
Qua giọng nói của vị ngôn sứ, Thiên Chúa kêu mời hãy nhẫn nại! hãy kiên vững! Ngày của Chúa, tức là ngày xét xử, sẽ đến: mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ bị trừng phạt trong khi những kẻ kính sợ Thiên Chúa sẽ đón nhận ơn cứu độ.

2.Hình ảnh của lửa:
Lửa là hình ảnh kinh điển trong Cựu Ước – được lấy lại trong Tân Ước – để gợi lên ngày Chung Thẩm: “Vì này đây Đức Chúa ngự đến trong lửa, xa giá của Người như thể cuồng phong, để trút cơn giận trong trận lôi đình, và lời đe dọa như trong ngọn lửa thiêu. Vì Đức Chúa sẽ dùng lửa và lưỡi kiếm mà xét xử mọi người phàm; nhiều người phải mạng vong vì lưỡi gươm của Đức Chúa” (Is 60, 15-16; x. Ge 3, 3; Xp 1, 18; Is 34, 8-10; vân vân).
Lửa mặc lấy hai biểu tượng, vì lửa thiêu hủy muôn đời những phường gian ác, nhưng thanh luyện những người công chính. Bản văn Ma-la-khi phân biệt rất rõ nét: “Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ”. Lửa biểu tượng việc Thiên Chúa không nhân nhượng khi đối mặt với tội lỗi. Vị ngôn sứ xác định: “Đức Chúa các đạo binh phán: Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng, không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào”.

3.Mặt Trời Công Chính:
Nhưng lửa gợi ra một cách thế hiện diện khác của Thiên Chúa, như sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a: “Ánh sáng của Ít-ra-en (tức chính Đức Chúa) sẽ thành lửa và Đức Thánh của nó (tức sự Thánh Thiện của Ngài) sẽ thành ngọn lửa, sẽ đốt và thiêu rụi bụi rậm và gai góc của nó” (Is 10, 17).  Người công chính sẽ dự phần vào sự thánh thiện này mà ngôn sứ Ma-la-khi gọi là “Mặt Trời Công Chính”, diễn ngữ duy nhất trong Cựu Ước. Giáo Hội sẽ áp dụng diễn ngữ này cho Đức Ki-tô, nhất là trong phụng vụ lễ Giáng Sinh và phụng vụ lễ Hiển Linh, đó là hai phụng vụ ca ngợi ánh sáng.
Vị ngôn sứ tiếp tục: “Mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh”. Từ ngữ “chữa lành” có một ý nghĩa đặc thù trong Kinh Thánh, từ vựng này được dùng để chỉ ơn cứu độ thời thiên sai. Chính bằng ngôn từ chữa lành này mà I-sai-a gợi ra: “người điếc sẽ được nghe, người mù sẽ được thấy”; chính bằng ngôn từ chữa lành này mà Đức Chúa loan báo việc phục hưng tương lai dân Ngài theo sấm ngôn của Giê-rê-mi-a: “Ta sẽ mang lại cho nó một phương thuốc điều trị, sẽ chữa lành, sẽ tỏ cho chúng thấy một cảnh thái bình và một nền an ninh lâu dài” (Gr 33, 6).
Trong Tin Mừng, khi Chúa Giê-su muốn trấn an Gioan Tẩy Giả, ông nghi ngờ tính chất Thiên Sai của Ngài, Ngài nhắn gởi cho ông qua những người ông sai đến: “Các anh cứ thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11, 4-5).

4.Viễn cảnh lạc quan của ngày cánh chung:
Sứ điệp của ngôn sứ Ma-la-khi là lời kêu gọi hãy kiên trì và trung tín, đặc biệt trung tín phụng sự Chúa; sứ điệp này được gặp lại ở đoạn kết Tin Mừng hôm nay: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”.
Nhưng sâu xa hơn, sấm ngôn của Ma-la-khi về ơn cứu độ thời thiên sai loan báo viễn cảnh Tin Mừng, viễn cảnh này sẽ biến đổi thị kiến ngày tận thế. Đối lại với những hình ảnh khủng khiếp mà các sách khải huyền khai triển, Chúa Giê-su sẽ loan báo thái độ thanh thản của các môn đệ Ngài: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21, 28). Đấng đã đến để cứu độ sẽ không trở lại để kết án, nhưng phải trong tâm thế cảnh giác đối với những ai tôn vinh Chúa “mặc trời công chính sẽ mọc lên”.

BÀI ĐỌC II (2Tx 3, 7-12)
Hai thư của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca là hai bút tích Tân Ước cổ xưa nhất. Hai bút tích này đã được viết ở Cô-rin-tô vào những năm 51 và 52, tức là chỉ vào khoảng hai mươi năm sau khi Chúa Giê-su qua đời.

1.Bối cảnh:
Thê-xa-lô-ni-ca là thành phố thương mại và duyên hải, đông dân cư, và là thủ phủ của tỉnh Ma-kê-đô-ni-a, phía bắc Hy-lạp, thuộc đế quốc Rô-ma. Thành phố này bảo đảm những tuyến đường quan trọng của người Rô-ma. Ở đây có một cộng đồng kiều bào Do thái đông đúc và một hội đường. Đây là thành phố thứ hai Châu Âu thánh Phao-lô mang Tin Mừng đến, thành phố đầu tiên là Phi-líp-phê.
Trong hai bức thư gởi cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, đề tài Ngày của Chúa, tức là ngày Quang Lâm của Chúa Ki-tô, chiếm một chỗ quan trọng, và là chỗ trung tâm trong bức thư thứ hai. Thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên đã tin rằng ngày Quang Lâm của Chúa Ki-tô sắp đến. Để hiểu rõ tâm trạng này, điều quan trọng là phải đặt nó vào trong bối cảnh tôn giáo và văn hóa của thời đại.
Trước tiên, người Ki-tô hữu đặt niềm hy vọng của mình vào những lời hứa của chính Chúa Giê-su, Ngài đã nhiều lần gợi lên việc Con Người ngự đến và đã công bố điều đó trước những kẻ xét xử Ngài. Sau khi sống lại, Ngài đã nhiều lần hiện ra cho các môn đệ Ngài, phải chăng Ngài sẽ trở lại một lần sau cùng trong vinh quang của Ngài chứ? Đối với những người Ki-tô hữu gốc Do thái giáo được nuôi dưỡng bằng văn chương khải huyền, sự mong chờ có thể được biến đổi thành tâm lý: những biện luận về ngày tận thế là một chủ đề cốt yếu của văn chương này.
Về phía mình, thế giới ngoại giáo chung quanh từ nhiều thế kỷ qua đã trăn trở với những vấn đề về cuộc sống bên kia nấm mồ. Những tôn giáo đông phương được gọi là “những tôn giáo huyền bí” đảm bảo cho các tín đồ của mình cuộc sống tương lai này. Ở Thê-xa-lô-ni-ca, người ta tôn kính vị thần Hy-lạp Dionysos một cách đặc biệt, bởi vì mọi niềm hy vọng thần bí sâu xa nhất của tâm hồn Hy-lạp đã được gởi gắm hết vào vị thần này.
Vài thành viên của cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca đã lập luận rằng Chúa sắp đến rồi, nên sống vô kỷ luật và bỏ bê công việc. Trong đoạn trích thư hôm nay, thánh Phao-lô chỉnh đốn lại đời sống cộng đoàn và sửa sai những lập luận lầm lạc này.

2.Mẫu gương lao động của thánh Phao-lô:
Trước hết, thánh nhân nhắc nhớ gương của ngài, chính ngài đã tự túc kiếm sống bằng sức lao động của mình để khỏi nên gánh nặng cho bất kỳ ai khi đang ở với họ để loan báo Tin Mừng cho họ. Sách Tông Đồ Công Vụ kể ra nghề nghiệp của thánh nhân: nghề dệt lều (Cv 18, 3) mà thánh nhân đã học lúc còn bé trong xưởng dệt của gia đình ngài ở Tác-xô.
Theo sách Công Vụ, những ngày thánh Phao-lô lưu lại ở Thê-xa-lô-ni-ca thì không nhiều, chỉ độ vài tuần, bởi vì người Do thái đứng lên chống đối kịch liệt nên thánh nhân phải vội vả ra đi. Chắc chắn phải là lâu hơn, khoảng hai hay ba tháng, bởi vì thánh nhân đã có thời gian kiếm công việc để sinh sống, gặp cơn quẫn bách nên đón nhận sự trợ giúp của cộng đoàn Phi-líp-phê (Pl 4, 16) và quy tụ được một số người Ki-tô hữu gốc Do thái và lương dân.
Đáng ra thánh Phao-lô đã có thể xin tá túc và giúp đỡ từ một trong những gia đình Ki-tô hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca, nhưng thánh nhân đã không làm như thế vì muốn nêu tấm gương vô vị lợi; thánh nhân sẽ giải thích nhiều cách chi tiết hơn về thái độ này trong thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô: thánh nhân muốn rao giảng Tin Mừng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho mình (1Cr 9: 18), dù rằng nhà truyền giáo có quyền đòi hỏi những điều này (1Cr 9, 14).

3.Giá trị của công việc lao động:
Trong thế giới Hy-lạp, công việc lao động không được coi trọng, bởi vì đó là công việc dành cho những kẻ nô lệ. Dường như cộng đoàn Ki-tô hữu Thê-xa-lô-ni-ca non trẻ đã mướn những người thấp hèn, những nô lệ, những phu khuân vác, những người vô nghề nghiệp để khỏi làm những công việc lao động hèn hạ. Chỉ những nghệ nhân làm những công việc mang tính sáng tạo mới đáng coi trọng, còn giới thợ thuyền thì không.
Thánh nhân muốn nêu gương cho các tín hữu bắt chước, ngài muốn đánh giá lại những công việc lao động. Ngoài ra, thánh nhân muốn chứng minh rằng công việc lao động là một hành vi đức ái, vì vô công rỗi nghề là ăn bám người khác: “Ai không chịu làm thì đừng ăn”, biểu thức này là câu ngạn ngữ phổ thông mà người ta lại gặp thấy trong văn chương kinh sư.
Sau cùng, thánh nhân chế nhạo những kẻ vô công rỗi nghề, thay vì dành thời gian rãnh rỗi cho việc cầu nguyện, chiêm niệm thì “việc gì cũng xen vào”. Thánh nhân lập lại lời khuyên bảo này mà ngài đã nói trong thư thứ nhất: “Hãy cố gắng giữ hòa khí, ai lo việc nấy và lao động bằng chính bàn tay của mình… Như vậy, lối sống của anh em sẽ được người ngoài cảm phục, và anh em sẽ không cần nhờ đến ai” (1Tx 4, 11-12).
Đức cậy Ki-tô giáo không phải làm cho các tín hữu quay lưng lại với những bổn phận của mình, nhưng có bổn phận thực thi đức ái của mình đối với anh chị em mình. Đây mới là cách thức chuẩn bị chờ đón Ngày Chúa đến.

TIN MỪNG (Lc 21, 5-19)
Như thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô, thánh Lu-ca đặt diễn từ của Chúa Giê-su về ngày tận thế vào cuối sứ vụ của Ngài ở Giê-ru-sa-lem, trước cuộc Thương Khó của Ngài. Ba bản văn rất gần nhau, chung chung được gọi dưới nhan đề là “Khải Huyền Nhất Lãm”. Tuy nhiên, thánh Lu-ca định vị diễn từ này vào trong một khung cảnh khác, và phân biệt rõ nét hơn hai vị tiền nhiệm của mình, lời rao giảng liên quan đến việc phá hủy Đền Thờ và những lời rao giảng bàn đến tiến trình Lịch Sử và ngày tận thế.
Vào Chúa Nhật này, chúng ta đọc phần đầu diễn từ; chúng ta đã đọc phần cuối diễn từ này vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Trong cả hai phần này, bất chấp những gợi ý bi thảm, sứ điệp là lời mời gọi hãy tin tưởng và trông cậy.

1.Bối cảnh:
Tại Tin Mừng Mát-thêu và Tin Mừng Mác-cô, Chúa Giê-su ra khỏi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và trên đường cùng với các môn đệ lên núi Ô-liu. Chính ở đó, đối diện với Thành Thánh mà Chúa Giê-su công bố diễn từ cánh chung của Ngài.
Tại Tin Mừng Lu-ca, Chúa Giê-su vẫn còn ở trong Đền Thờ. “Mấy người” trong đám đông (chứ không các môn đệ) lưu ý đến “Đền Thờ được tranh hoàng bừng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng”. Đền Thờ này được vua Hê-rô-đê Cả tái thiết và quy hoạch trên bề mặt rộng lớn, xem ra đẹp lộng lẫy hơn bao giờ hết. Như vậy, chính ở giữa những công trình tuyệt vời này mà Chúa Giê-su loan báo Đền Thờ sẽ bị phá hủy; và chính đám đông mà Ngài ngỏ lời: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”.
Đây là những lời nói công khai sau cùng Chúa Giê-su với đám đông (phần theo sau cốt yếu ngỏ lời với các môn đệ); đây là những lời giả biệt của Ngài gởi đến Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và lời cảnh báo của Ngài gởi đến những người sắp ra tay giết Ngài.

2.Dấu chỉ:
Việc phá hủy Đền Thờ có giá trị dấu chỉ. Đền Thờ thứ nhất, Đền Thờ của vua Sa-lô-mon, đã bị phá hủy vào năm 587 trước Công Nguyên, vì dân Chúa chọn đã phản bội Giao Ước. Như vậy, Thiên Chúa muốn nói rằng Ngài đã đánh dấu sự đoạn tuyệt. Đền Thờ thứ hai được tái thiết và bị kết án là sẽ bị phá hủy thành bình địa. Chúa Giê-su đã xúc động nêu ra lý do: Giê-ru-sa-lem sẽ hoàn toàn bị triệt hạ và con cái của thành sẽ cùng chung số phận “vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (19, 41-44).
Các ngôn sứ đã có lý khi loan báo rằng kỷ nguyên thời thiên sai sẽ là kỷ nguyên Phán Xét. Việc Đền Thờ Giê-ru-sa-lem bị phá hủy thành bình địa là điềm báo trước. Bị phá hủy vào năm 70 trước Công Nguyên, Đền Thờ sẽ vĩnh viễn không được xây dựng lại, sẽ vĩnh viễn không còn có bàn thờ dâng lễ toàn thiêu và các hy lễ. Đó là lý do tại sao lời loan báo về sự sụp đỗ Đến Thờ hình thành nên một trong những dấu chỉ thời cánh chung.

3.Hãy cẩn trọng và nghiêm túc:
Lúc đó, họ hỏi Ngài: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”. Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp; Ngài đặt ngay những lời của Ngài trên bình diện tinh thần. Đối với những người sắp được ủy thác những trách nhiệm mục vụ nặng nề, Ngài đưa ra những lời khuyên cẩn thiết: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: Chính Ta đây, và Thời Ký đã đến gần; anh em chớ có theo họ”.
Về các thiên sai mạo danh và các ngôn sứ giả hiệu này, họ xuất hiện bất ngờ trong suốt thế kỷ thứ nhất, sách Công Vụ Tông Đồ, cũng như các thư của thánh Phao-lô và hai thư của thánh Gioan, cung cấp vài dữ kiện. Nhưng bản văn cũng hướng tư tưởng về những nguy cơ bội giáo, những người quá tin tưởng vào những dấu chỉ tận thế; quan niệm này xuất hiện rõ nét trong thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca: “Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào. Trước đó, phải có hiện tượng chối đạo, và người ta phải thấy xuất hiện người gian ác, đứa hư hỏng. Tên đối thủ tôn mình lên trên tất cả những gì được gọi là thần và được sùng bái, thậm chí nó còn ngồi trong Đền Thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa” (2Tx 2, 3-4). Cũng vậy, thánh Gioan viết trong thư thứ nhất của ngài: “Anh em đã biết là tên phản Ki-tô sẽ đến; thế mà giờ đây nhiều tên phản Ki-tô đã xuất hiện. Do đó, chúng ta biết được rằng đây là giờ cuối cùng” (1Ga 2, 18).
Đề tài này bắt nguồn từ các sách khải huyền. Không loại trừ rằng nó bị nhuốm màu ảnh hưởng I-ran, theo những viễn cảnh nhị nguyên, một cuộc chiến kịch liệt giữ thần Ác và thần Thiện xảy ra vào thời tận thế.
Còn những biến cố lịch sử mà diễn tiến của chúng được mô tả theo ngôn ngữ của các ngôn sứ (x. Is 24, 19-20; giặc giả, đói kém và ôn dịch thường hằng trong các tuyên sấm: x. Gr 14, 12), chúng không mảy may làm dao động tâm trí của các môn đệ. Những lời trấn an của Chúa Giê-su thì cũng như nhau tại ba Tin Mừng Nhất Lãm: “Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục đâu”.

4.Những bách hại:
“Nhưng trước khi tất cả các sự việc ấy xảy ra”, viễn cảnh tức thời là viễn cảnh của những bách hại giáng xuống trên các môn đệ. Còn ở đây, lời rao giảng được phát biểu theo cùng những ngôn từ tại Tin Mừng Lu-ca, Mác-cô và Mát-thêu. Lời này đã được hiện thực rất sớm: cuộc tử đạo của thánh Tê-pha-nô vào năm 36, của thánh Gia-cô-bê, anh của thánh Gioan vào năm 44.
Thánh Lu-ca, bạn đồng hành của thánh Phao-lô, hiểu câu nói: “nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy” không chỉ liên quan đến các môn đệ, nhưng còn có giá trị đối với các Ki-tô hữu thuộc những thế kỷ đầu tiên cũng như đối với những Ki-tô hữu thuộc mọi thời; lời công bố nầy vẫn luôn luôn là thật. “Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy”. Những người làm chứng cho Đức Ki-tô bằng mạng sống của mình sẽ được các thế hệ sau đó gọi là “các thánh tử vì đạo”.

5.Niềm tin tưởng:
Ngoài những lời khuyên bảo trước đó phải cảnh giác và bình tâm, Chúa Giê-su bổ túc một sứ điệp chan chứa niềm tin tưởng: “Anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thù của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được”. Thánh Mác-cô truyền đạt một sứ điệp tương tự, nhưng quy cho Chúa Thánh Thần ơn phù trợ dành cho những ai bị điệu ra trước các tòa án. Tại thánh Gioan, trong diễn từ Cáo Biệt, Chúa Giê-su cũng báo trước cùng một cách thức như vậy: “Họ cũng sẽ bắt bớ anh em… Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thấy” (Ga 15, 20-27).
Nhưng nếu thánh Lu-ca gợi lên ở đây chính Chúa Giê-su can thiệp, thì trong đoạn văn trước đó, thánh ký đã kể ra rất chính xác ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12, 11). Trong sách Công Vụ, thánh Lu-ca lập lại những ngôn từ tương tự để mô tả cuộc tranh luận của thánh Tê-pha-nô với những người bách hại ngài: “Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông” (Cv 6, 10).
Lời khuyên tiếp đó ẩn chứa một bức tranh tăm tối (sự phản bội của những người thân và sự thù ghét của mọi người) như những lời khuyên trước đó, tuy nhiên một huấn lệnh đầy lạc quan: “Dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu”. Đây là một thành ngữ để diễn tả Ơn Quan Phòng (1Sm 14, 15; 2Sm 14, 11; 1V 1, 52; Cv 27, 34). Thánh Lu-ca đã dùng rồi trong một đoạn văn nêu bật ý hướng này: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác… Năm con chim sẻ chỉ bán được hai xu phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi” (Lc 12, 4-7).
Sau cùng, lời khuyên cuối cùng: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”, mang đậm văn phong của thánh Phao-lô. Từ “kiên trì” không là từ vựng quen thuộc của thánh Lu-ca, nhưng thường hằng được lập đi lập lại dưới ngòi bút của thánh Phao-lô (1Tx 1, 3; 2Cr 1, 6; 6, 4; 12, 12; Rm 2, 7; 5, 3-4; 8, 25; 15, 4-5; Cl 1, 11). Lời khuyên này rất thích hợp ở đây, như lời khuyên chung, có giá trị đặc biệt hơn đối với thời kỳ thử thách và bách hại. Diễn từ của Chúa Giê-su được hoàn tất trên cùng một cung bậc: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 36).

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây