Thứ Tư tuần 10 thường niên.

Thứ ba - 08/06/2021 08:06

Thứ Tư tuần 10 thường niên.

"Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn".

 

Lời Chúa: Mt 5, 17-19

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn.

Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".

 

 

Suy Niệm 1: Để kiện toàn

Suy niệm :

Đã có thời người ta nghĩ rằng theo Công giáo là bất hiếu,

vì phải từ bỏ việc cúng giỗ cha mẹ tổ tiên.

Nếu người chết cũng có nhu cầu ăn uống tiêu dùng như người sống,

thì hiếu thảo đòi phải lo cho người đã khuất được đầy đủ, ấm no.

Nhiều người không dám theo đạo,

vì sợ theo đạo thì không được cúng giỗ tổ tiên, phải bỏ ông bà.

Vào thời thánh Mátthêu, một số người Do thái cũng có nỗi sợ tương tự.

Họ tin vào Đức Giêsu và muốn trở thành môn đệ của Ngài,

nhưng họ lại sợ làm thế là bỏ đạo của cha ông, bỏ Do thái giáo.

Họ sợ giáo huấn mới mẻ của Đức Giêsu làm họ bỏ Luật Môsê,

và không còn thuộc về dân Thiên Chúa nữa.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khẳng định :

“Đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hay lời các Ngôn sứ.

Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (c. 17).

Luật Môsê thật ra là Luật của Thiên Chúa trao qua trung gian ông Môsê.

Môsê đã làm nhiệm vụ trao lại cho dân Do thái và giải thích Luật ấy.

Người Do thái từ bao đời đã giữ Luật theo lời giải thích của Môsê.

Bây giờ có một Đấng mới xuất hiện, là Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.

Ngài biết rõ ý định của Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha.

Đức Giêsu không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê.

Nhưng Ngài sẽ giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa,

vì chẳng ai biết rõ ý Cha bằng Con.

Trong Bài Giảng trên núi mà ta sắp nghe trong những ngày tới,

ta sẽ thấy Đức Giêsu giải thích lại Luật Môsê như thế nào.

Hành vi đó được gọi là kiện toàn hay hoàn chỉnh.

Một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã được mở ra với Đức Giêsu.

Giai đoạn chung cục này vừa liên tục, vừa vượt quá giai đoạn cũ.

Đức Giêsu mời chúng ta tuân giữ nghiêm túc Luật Thiên Chúa đã ban,

nhưng theo cách giải thích mới mẻ, hoàn chỉnh và có thẩm quyền của Ngài.

Muốn trở nên hoàn thiện, muốn đón nhận Nước Trời do Ngài khai mở,

cần sống Luật Tôra đã được Ngài giải thích lại.

Người Kitô hữu gốc Do thái khi theo Đức Giêsu thì chẳng sợ mình bỏ đạo,

bỏ Lề Luật, bỏ các Ngôn sứ hay truyền thống của cha ông

Giáo huấn của Đức Giêsu đã chứa đựng cốt lõi tinh túy của Luật ấy rồi.

Làm thế nào để các Kitô hữu Á Châu cảm thấy đức tin của mình

không tạo ra sự xung đột hay đoạn tuyệt

với những giá trị của nền văn hóa mình đã lãnh nhận và đã sống?

Làm sao để mình sống viên mãn là một Kitô hữu, một người Công Giáo Rôma,

mà vẫn chẳng mất căn tính là người Việt Nam hay người Châu Á?

Chỉ cần một điều kiện, đó là thấy Kitô giáo không phá bỏ, nhưng kiện toàn

tất cả mọi giá trị cao quý có trong các nền văn hóa và tôn giáo khác.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,

Chúa đã muốn trở nên con của loài người,

con của trái đất, con của một dân tộc.

Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa

dù họ từ khước Tin Mừng

và đóng đinh Chúa vào thập giá.

Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,

một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu

sau những năm dài chiến tranh,

một quê hương đang mở ra trước thế giới

nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc

và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.

Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên

trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,

nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,

và làm một điều gì đó thật cụ thể

cho những đồng bào quanh chúng con.

Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước

bằng khối óc, quả tim và đôi tay.

Và ước gì chúng con biết khiêm tốn

cộng tác với muôn người thiện chí. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: Kiện toàn lề luật

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thấy Chúa Giê-su hành xử khá tự do. Chữa bệnh ngày sa-bát. Không ăn chay. Lui tới với người tội lỗi, phong cùi. Nhiều người nghĩ rằng Chúa đến để phá huỷ Lề Luật. Nhưng hôm nay Chúa minh định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”. Chúa kiện toàn thế nào? Có ba yếu tố cơ bản. Kiện toàn bằng tình yêu. Xưa kia luật là cứng ngắc. Khắt khe. Không nhân nhượng. Nhưng Chúa đã cho biết nền tảng của Lề Luật là tình yêu. Phải giữ luật vì lòng yêu mến. Mến Chúa và yêu người. Như Chúa dạy: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ”. Thậm chí Người còn ban hẳn một điều răn mới thay cho các điều răn cũ. Đó là phải thương yêu. Kiện toàn bằng lòng thương xót. Xưa kia máy móc nghĩ rằng cứ giữ luật là nên công chính. Tôi có thể tự mình nên công chính. Nay phải cậy nhờ lòng thương xót của Chúa. Chỉ nhờ lòng thương xót của Chúa tôi mới có thể được ơn cứu độ. Kiện toàn bằng Thần Khí. “Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống”

Ê-li-a là người đầy Thần Khí và có lòng yêu mến lớn lao nên dám hi sinh tính mạng khi chống lại hoàng hậu I-de-ven độc ác. Cả nước đã theo hoàng hậu mà thờ thần Ba-an, nhưng Ê-li-a, với lòng yêu mến Chúa trung tín, vẫn tuân giữ lề luật của Chúa. Ông tin tưởng vững vàng vào lòng thương xót của Chúa nên dám thách thức các sư sãi của Ba-an trong một buổi cầu nguyện dâng hi lễ công khai trước mặt toàn dân. Tin tưởng và khiêm nhường, ông đã cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en! Ước chi hôm nay người ta biết rằng trong Ít-ra-en Ngài là Thiên Chúa, và con là tôi tớ Ngài. Cũng vì lời Ngài phán mà con đã làm tất cả các việc này”. Vì thế Chúa đã nhận lời ngài. Cho lửa bởi trời xuống thiêu đốt lễ vật ông dâng. Và toàn dân đã lấy lại được niềm tin. “Toàn dân thấy vậy, liền phủ phục sát đất và nói: “Đức Chúa quả là Thiên Chúa!” (năm chẵn).

Thánh Phao-lô cho biết Chúa kiện toàn bằng Thần Khí. Giao Ước cũ căn cứ trên chữ viết. Giao Ước dựa vào Thần Khí. Chữ viết thì giết chết. Thần Khí mới ban sự sống. Chữ viết thì mau qua. Thần Khí thì vĩnh cửu. Vì thế Giao Ước mới là hoàn hảo. Và người phục vụ Giao Ước mới cũng sẽ được vinh quang. “Nếu việc phục vụ Lề Luật – thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá – mà được vinh quang đến nỗi dân Ít-ra-en không thể nhìn mặt ông Mô-sê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang – dù đó chỉ là vinh quang chóng qua -, thì việc phục vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao…Thật vậy nếu cái chóng qua mà còn được vinh quang, thì cái còn mãi lại chẳng vinh quang hơn sao”? (năm lẻ).

 

SUY NIỆM 3: Kiện toàn lề luật

Luật cơ bản nhất trong đời sống tu trì vốn là luật bác ái và nền tảng của luật này là sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Sự kiện này tiêu biểu cho chính sự tuân hành luật lệ trong Giáo Hội. Giáo Hội có luật lệ, nhưng không bao giờ dùng sức mạnh đe dọa để cưỡng bách người tín hữu tuân hành. Tinh thần đích thực của việc tuân hành luật lệ trong Giáo Hội chính là tình mến; không có tình mến, thì một bộ luật, dù hoàn hảo đến đâu, cũng không khác gì một cây khô héo.

Ý nghĩa và tinh thần ấy của luật lệ, chúng ta có thể đọc được trong Tin Mừng hôm nay. Những người Biệt phái, nhất là các Luật sĩ, vốn là những người rất trung thành với lề luật, họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng đàng sau sự trung thành ấy có hàm ẩn tự mãn: họ cho rằng trung thành với lề luật là đương nhiên trở thành người công chính, và vì nghĩ mình là người công chính, nên họ lên mặt khinh dễ những người không tuân giữ luật lệ một cách nghiêm chỉnh như họ.

Chúa Giêsu không phải là người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Môsê truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới, tức là tình mến.

Luật lệ vốn là lời loan báo của các tiên tri về Ðấng Cứu thế, do đó luật lệ có tính tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo Hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, một cách nào đó, khi người Kitô hữu tuân hành lề luật, họ cũng loan báo chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên, họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của Ngài. Xét cho cùng, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta và ban sức mạnh để chúng ta chu toàn lề luật của Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Rắc rối yêu thương

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ. Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt. 5, 17)

Quá nhiều luật lệ!

Hai mươi hoặc ba mươi năm vè trước, người Kitô hữu phải tuân giữ nhiều luật lệ và điều răn hơn hôm nay. Điều gì phải làm hay không được làm đều đã được phân định rạch ròi đến từng chi tiết. Thời ấy người ta rất tỉ mỉ, phải nói là quá tỉ mỉ nữa.

Khoảng mấy năm gần đây, nhiều sự đã thay đổi. Hôm nay người ta thường nghe nói rằng chẳng còn luật lệ gì nữa. Có người tiếc rẻ, người khác lại vui mừng. Những người luyến tiếc mạnh miệng nói rằng Giáo hội bây giờ dễ dãi quá, để mặc cho ai nấy muốn làm gì thì làm.

Đức Giêsu với lề luật

Chúa Giêsu bảo ta rằng “dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, cũng không được bãi bỏ”. Nói được rằng Chúa Giêsu ủng hộ việc có nhiều luật lệ và điều răn chăng? Chắc chắn là không.

Như ta biết, đối với Chúa Giêsu chỉ có một điều răn thâu tóm mọi điều răn khác. Đó là điều răn dạy phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như chính mình. Nhưng bởi chỉ có một điều răn nền tảng, thì không có nghĩa là không có điều răn nào khác cũng quan trọng.

Để yêu thương như Chúa muốn, người ta không thể giữ mực chung chung, mà phải đi vào cụ thể, phải chú ý đến cả những điều nhỏ nhặt. Tình yêu được hình thành từ vô vàn những sự chăm chú, từ vô số những cái tế nhị, từ ngàn lẻ một những chuyện nhỏ nhặt. Ta đừng tin những ai nói mình yêu Chúa yêu anh em mà lại bất chấp mọi điều khác.

Những điều răn nhỏ nhất phải tuân giữ mà Chúa nói đến ở đây, chính là những điều tế nhị phải có trong khi yêu thương vậy.

 

Suy Niệm 5: GIỮ LUẬT THEO TINH THẦN CỦA CHÚA (Mt 10, 7-13; hoặc Mt 5, 17-19)

Xem lại CN 6 TN A, Thứ Tư tuần 3 MC

Chuyện cổ Đông phương kể rằng: ngày xưa, có một vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn thần kỳ và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quý hiếm và gắn đầy kim cương lóng lánh: nó kỳ diệu ở chỗ nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, làm cho ngón tay trở nên đau đớn.

Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần là Lề Luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chiếc nhẫn thần đó mang lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc hay đau khổ là do thái độ của chúng ta với chúng. Thái độ đó là yêu mến hay bị ép buộc?

Hôm nay, khi thấy Đức Giêsu làm phép lạ trong ngày Sabát, giới lãnh đạo Dothái tỏ vẻ khó chịu và nghi ngờ việc Đức Giêsu bất chấp Lề Luật. Thấy được sự sầm sì của họ, Đức Giêsu lên tiếng dạy các môn đệ và cũng một cách gián tiếp giáo huấn những người Pharisêu: "Các con đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Lề Luật hay Lời các ngôn sứ; Thầy không đến để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn" (Mt 5,17). Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn mặc cho Lề Luật một ý nghĩa mới, đó là Luật vì con người chứ không phải con người vì Luật. Khi Luật vì con người, thì tình yêu sẽ vượt lên trên Lề Luật, còn khi con người vì Luật, thì chính Luật sẽ đè bẹp và giết chết con người trong sự vô nhân đạo.

Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để chúng con tuân giữ Lề Luật của Chúa trong sự ép buộc, nhưng là trong lòng mến, để qua đó, nhờ Lề Luật mà làm cho chúng con được gần Chúa và anh chị em chúng con hơn. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Giữ luật theo ý Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu kiện toàn luật Cựu ước, vì Người cho ta hiểu được ý nghĩa của lề luật, và vì Người thực hiện những lời tiên báo trong Cựu ước. Phải giữ luật theo ý hướng của Chúa Giêsu thì mới trở nên công dân Nước Trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ban lề luật cho con là để con được tự do, được nên thánh, lề luật của Chúa là những bậc thang vững chắc đưa con đến với Chúa, đưa con vào Nước Trời.

Thế nhưng nhiều khi con có cảm tưởng luật Chúa ràng buộc con, làm con mất tự do thoải mái trong cuộc sống. Nhiều khi con cảm thấy nặng nề khi đi lễ ngày Chúa nhật. Nhiều khi con thấy luật hôn nhân công giáo giới hạn tự do của con. Nhiều khi luật Chúa đưa con đến những chọn lựa khó khăn và ngăn cản con chọn những giải pháp dễ dãi.

Với Lời Chúa hôm nay, con muốn đặt niềm tin vào Chúa. Chính vì yêu thương mà cha mẹ cấm cản hoặc truyền dạy con cái làm điều này điều nọ. Cũng vậy, con xác tín rằng chính vì yêu thương và muốn con sống tốt mà Chúa ban luật Chúa cho con. Xin cho con biết tin vào Chúa và vào tình thương của Chúa để con yêu mến và sống theo luật Chúa.

Lạy Chúa, xin ban cho con tinh thần tôn trọng lề luật Chúa. Chắc chắn con sẽ phải hy sinh ý riêng mình rất nhiều, nhưng con tin rằng khi con hết lòng với Chúa, Chúa sẽ ban cho con cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc. Đời con sẽ như cây trồng bên bờ suối và trổ sinh hoa trái đúng mùa. Amen.

Ghi nhớ : “Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn”.

 

Suy Niệm 7: Giữ Luật Chúa với tình yêu mến

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Cổ ngôn Đông phương có nói: “Nhân vô thập toàn”, nghĩa là con người không đủ mười phần hoàn toàn, lời của cổ nhân xác nhận sự chưa hoàn thiện của con người để khích lệ mọi con cháu thăng tiến thêm trên đường cải thiện. Các luật lệ đã được quy định để định hướng giúp con người làm việc thiện tránh điều ác. Thánh Tôma Aquinô định nghĩa: “Luật pháp là những quy định của lý trí nhằm công ích, được ban hành do người điều khiển cộng đồng”. Thánh Giacôbê khẳng định Đấng Tối Cao tức Thiên Chúa tạo tác mọi quyền hành và luật lệ khi viết: “Chỉ có một Đấng làm ra Luật Lệ” (Gc 4,12).

Có Thiên luật và Nhân luật.

Thiên luật là luật thiên nhiên, luật phát sinh từ tâm linh của Thiên Chúa, chi phối mọi hành động và sinh hoạt (Summa Theologia, I-II, q. 93, a). Là luật tự nhiên được ban cho con người cùng với những hợp lý như những quy tắc của các hành vi tự do. Hay luật Thiên Chúa ban hành qua con người là những luật lệ được mạc khải trực tiếp cho nhân loại. Loại luật này được phân làm hai: Luật Cũ, cũng gọi là Cựu ước (ban hành qua Abraham, Môisê và các ngôn sứ) và Luật Mới, cũng gọi là Tân ước (ban hành cho con người qua Đức Giêsu).

Nhân luật được coi phát sinh từ Thiên Chúa khi giải thích những luật lệ do Thiên Chúa mạc khải, khuyến dụ mọi người tuân giữ để đạt tới cứu cánh thiện hảo, là luật dân sự hay Giáo luật.

Suy niệm

Ngay từ thời xa xưa, Thiên Chúa đã ban cho con người luật pháp. Luật này càng phát triển và hoàn thiện dần trong lịch sử cứu độ.

Khổng Tử dạy các môn đệ rằng: “Trước hết hãy có sẵn một nền trắng, rồi sau mới vẽ thành bức họa” (Luận ngữ II, 8). Phải có phông nền rồi mới có thể tiếp tục công trình hội họa. Công trình hoàn thiện Luật được theo một tiến trình phát triển được Chúa mạc khải sơ khởi phông nền với các tổ phụ, đặc biệt là Môisê qua mười điều răn, được các ngôn sứ phát triển và được chính Con Thiên Chúa, Đức Giêsu hoàn thiện.

Thật thế trong Đức Giêsu Kitô, Giáo huấn của Ngài làm nên Luật Kitô giáo: Tân ước hoàn thành các Lề luật đã được mạc khải sơ khởi mà ta gọi là Luật Do Thái giáo: Cựu ước. Tân ước là một chồi non làm sinh hoa kết trái nhưng được nuôi từ gốc và bằng nhựa của cây ôliu cũ tức “Cựu ước”, để làm cho cây sinh ra nhiều quả (x. Rm 11,17-24). Chính Đức Giêsu là Đấng đã được loan báo và chuẩn bị cả ngàn năm mong đợi của dân Do Thái khi chờ đón Đấng Cứu Thế, Đấng đến cứu họ được tự do và để kiện toàn Luật và lời các ngôn sứ đã loan báo trước làm hoàn thành toàn bộ Kinh Thánh với hai phần rõ rệt: Tân ước và Cựu ước. Luật cũ cho ta ý niệm là dân được tuyển chọn phải sống qua mười điều răn, là những hướng dẫn con người cách thức mến Chúa và yêu người bằng cách chỉ rõ thánh ý Chúa đối với thái độ và hành động trong đời sống thường nhật.

Các kinh sư và biệt phái giữ luật rất đúng, nhưng giữ “luật vì luật” và kiên định tới mức trở thành câu nệ hình thức cứng nhắc, khắt khe: Luật là cứu cánh. Cách sống của họ trong tư cách bậc thầy và mô phạm làm cho mọi người nghĩ rằng đức công chính chỉ gói gọn trong việc chu toàn Lề Luật: Tất cả vì luật. Chúa Giêsu lên án cách giữ luật hình thức, vì thế biệt phái và luật sĩ đã liệt Ngài vào hạng tội lỗi, khi cho rằng Ngài có thái độ coi thường, bất tuân luật thánh, cụ thể trong việc giữ ngày Sabát (x. Lc 6,8-11; 13,14; 14,1-6; 6,1-2…). và các nghi thức thanh tẩy trước khi ăn (x. Lc 11,38). Họ cho rằng: Ngài muốn phá bỏ Lề Luật, nhưng Chúa Giêsu tuyên bố: “… đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môisê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).

Xin Chúa thổi tình yêu của Ngài vào trong cuộc sống chúng ta, để khi tuân giữ giới răn Đạo Chúa và giáo huấn của Giáo hội Chúa Kitô, chúng ta giữ Luật Chúa không chỉ vì sợ và tỏ lòng kính tôn, nhưng thực thi với tinh thần của tình yêu.

Ý lực sống:

“Hãy yêu mến Chúa rồi làm điều bạn muốn” (thánh Augustinô).

 

Suy Niệm 8: Kiện toàn lề luật (Mt 5,17-19)

(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa Giêsu tuyên bố cho mọi người biết: Ngài đến không phải để bãi bỏ luật Maisen và lời dạy của các tiên tri trong Cựu ước, nhưng làm cho hoàn hảo và đầy đủ hơn.

Vì Chúa Giêsu dạy một số điều xem ra không đúng với luật Maisen và giáo huấn của các tiên tri theo lối giải thích của những người Biệt phái, nên nhiều người tưởng Ngài muốn hủy bỏ Luật Maisen. Vì thế Ngài phải giải tỏa sự hiểu lầm ấy: Ngài không huỷ bỏ mà là kiện toàn chúng. Kiện toàn bằng cách dạy người ta hiểu những khoản luật đó là ý muốn của Cha trên trời nên phải sống những khoản luật đó trong tinh thần Cha – Con.

Hôm nay, khi thấy Chúa Giêsu làm phép lạ trong ngày Sabat, giới lãnh đạo Do thái tỏ vẻ khó chịu và nghi ngờ việc Chúa Giêsu bất chấp Lề luật. Thấy được sự xầm xì của họ, Chúa Giêsu lên tiếng dạy các môn đệ và cũng một cách gián tiếp giáo huấn những người Biệt phái: “Các con đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Lề luật hay lời các tiên tri; Thầy không đến để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Khi nói như thế, Chúa Giêsu muốn mặc cho Lề luật một ý nghĩa mới, đó là Luật vì con người chứ không phải con người vì Luật. Khi Luật vì con người, thì tình yêu sẽ vượt lên trên Lề luật, còn khi con người vì Luật, thì chính Luật sẽ đè bẹp và giết chết con người trong sự vô nhân đạo.

Chúa Giêsu không phải là con người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Maisen truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ Lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ Lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho Lề luật một tinh thần mới, tức là tình mến (Mỗi ngày một tin vui).

Ngay những năm đầu của lịch sử Giáo hội đã xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng có nguy cơ làm tan nát Giáo hội còn non trẻ: đó là có cần phải tuân giữ những truyền thống của Luật Maisen hay không. Luật giữ ngày hưu lễ có còn đòi buộc nữa không, một khi người ta đã trở nên môn đệ của Chúa Giêsu? Đó cũng là những vấn nạn của mọi thời: trung thành bảo vệ truyền thống hay cách mạng đổi mới tận căn? Người ta nghĩ rằng đối với người môn đệ của Chúa Giêsu, mọi giáo huấn Cựu ước không còn giá trị nữa. Chúa Giêsu đã trả lời: “Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn”.

Đối với Ngài, vấn đề không hệ tại ở việc bảo thủ một ý hướng cứng nhắc, cũng chẳng phải là lật đổ đổi mới, mà là trao ban cho quá khứ một sự sống mới. Vì đâu có phải mọi truyền thống đều tốt và nên bảo vệ cả đâu. Cũng chẳng phải hễ cái gì mới cũng quí cả đâu! Điều mà các bậc tổ tiên đã sống, đã hệ thống hóa trong những thời xa xưa là điều đáng quí, nhưng chúng cần được Chúa Giêsu kiện toàn bằng cách lột bỏ sự khô cứng của Lề luật (5 phút Lời Chúa).

Chuyện cổ Đông phương kể rằng: ngày xưa, có một vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn thần kỳ và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quí hiếm và gắn đầy kim cương lóng lánh: nó kỳ diệu ở chỗ nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, làm cho ngón tay trở nên đau đớn.

Mỗi người chúng ta cũng có chiếc nhẫn thần là Lề luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chiếc nhẫn đó mang lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc hay đau khổ là do thái độ của chúng ta đối với chúng. Thái độ đó là yêu mến hay bị ép buộc.

Truyện: Tiếng nói lương tâm của một vị vua

Dạo tháng 4 năm 1990 để khỏi ký đạo luật cho phép phá thai do Quốc hội thông qua, vua nước Bỉ đã từ chức trước đó hai ngày, vì với tư cách là Kitô hữu, lương tâm không cho phép ông ký nhận. Theo hiến pháp Bỉ, do sự từ chức của Nhà vua, Hội đồng Bộ trưởng sẽ thay nhà vua để công bố đạo luật. Theo đạo luật này, nếu gặp khủng hoảng khó khăn và có chứng nhận của bác sĩ, người phụ nữ có quyền phá thai trong 12 tuần lễ đầu. Nhà vua từ chức được đúng hai ngày, Quốc hội tuyên bố việc từ chức của ông chấm dứt, và ông lại tiếp tục cai trị.

Một ông vua từ chức để một luật lệ bất nhân ra đời, đó là hình ảnh của luật pháp loài người: hoặc con người tìm kẽ hở của luật pháp để thủ lợi và hành động ngược với tiếng lương tâm, hoặc do con người nhân danh pháp luật để chà đạp người khác. Mục đích của luật pháp là để phục vụ con người, do đó nếu luật pháp đi ngược lại con người và chối bỏ Thiên Chúa, thì lúc đó thà vâng lời Thiên Chúa còn hơn vâng lời loài người (Mỗi ngày một tin vui).

 

SUY NIỆM

Đức Ki-tô đến là để cho con người được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10); thế mà con người không thể sống mà không có Lề Luật: Lề Luật cần thiết cho sự sống con người, nhưng cũng có thể gây ra bầu khí chết chóc và chính sự chết, khi trở thành phương tiện, thậm chí “vũ khí” của Sự Dữ. Vì thế, Đức Ki-tô không thể nào không có lập trường đối với Lề Luật. Và cái chết của Ngài trên Thập Giá, cũng là một cái chết được mệnh danh là công lí của Lề Luật.

Nhưng chính khi Ngài để cho con người lên án Ngài nhân danh Lề Luật, Ngài mặc khải cho loài người chúng ta vấn đề lớn nhất của Lề Luật và khuôn mặt thật của Sự Dữ : Luật một khi bị cắt đứt khỏi nguồn gốc và cùng đích, sẽ trở thành phương tiện hại người của Sự Dữ và của những người hành động theo Sự Dữ, ý thức hay không ý thức; như thánh Phao-lô nói trong thư Roma, Sự Dữ dùng điều tốt là Lề Luật để thực hiện ý xấu (x. Rm 7, 13).

 1. Biến cố Sinai và biến cố “Bài Giảng Trên Núi”

Trong “Bài Giảng trên Núi”, sau khi công bố các mối phúc, Đức Giê-su trình bày lập trường của mình đối với Lề Luật: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là hoàn tất lề luật”. Và lời giảng dạy của Đức Giê-su về việc hoàn tất Lề Luật sẽ được ứng nghiệm nơi chính cuộc sống của Ngài, một cuộc sống hướng tới mầu nhiệm Thập Giá.

Để giải thích cách Ngài hoàn tất Lề Luật, Đức Giêsu đặt mình đối diện với Mười Điều Răn, vốn là trung tâm của toàn bộ Lề Luật: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng…Còn thầy, thầy nói…”. Ngày nay, Mười Điều Răn vẫn còn hiện diện như bộ luật căn bản của Giáo Hội. Dĩ nhiên, ngoài Mười Điều Răn ra, còn vô số những luật lệ khác mà người giáo dân vẫn đọc lại vào ngày Chúa Nhật. Tuy nhiên, Đó không phải là những điều luật thêm vào, nhưng là một giải thích hay chi tiết hóa Mười Điều Răn. Mười Điều Răn chi phối tất cả các lề luật khác như ngọn núi vượt trên đồng bằng, hay đúng hơn, chứa đựng tất cả những lề luật này. Chúng xuất phát từ Mười Điều Răn và trở về với Mười Điều Răn. Chính vì thế, lề luật được Đức Giê-su hoàn tất không chỉ là “luật cũ” của Cựu Ước, nhưng là mọi lề luật của loài người, thuộc mọi thời.

Đã được nói cho người xưa… Nhưng Thầy nói với anh em…”[1]. Công thức này được Đức Giê-su dùng tới năm lần, nếu không kể c. 31-32. Chúa Nhật hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta nghe ba lần đầu (c. 17-37), và chúng ta sẽ được nghe hai lần sau vào Chúa Nhật tới (c. 38-48). Chúng ta chỉ hiểu được tầm mức của những lời này của Đức Giêsu, nếu đặt vào bối cảnh. Đó là những lời được công bố từ trên núi, cho các môn đệ và cho cả đám đông nữa (x. Mt 5, 1; 7, 28). Và vì lời của Ngài đối diện trực tiếp với những điều luật của Mười Điều Răn (x. Xh 20; Đnl 5), chúng ta không thể không so sánh bối cảnh của Bài Giảng Trên Núi và bối cảnh của Mười Điều Răn.

  • Đức Giêsu đã vượt qua mọi giới hạn có trước, nghĩa là trước đó, người ta chỉ giải thích Luật Mô-sê; ở đây, Ngài đặt chính mình vào chỗ mà từ đó Mô-sê đã lên tiếng công bố Mười Điều Răn.
  • Điều đó vẫn chưa là mới tuyệt đối, vì Mô-sê ban luật nhân danh Đức Chúa, còn Đức Giê-su ban luật mới nhân danh chính ngôi vị của mình. Trong những lời này, Đức Giêsu đặt chủ thể của mình vào chủ thể của Đấng ban Lề Luật ở núi Sinai. Từ núi này đến núi kia, biến cố mà Đức Giê-su tạo ra thật là lớn lao.
  • Ngoài ra, núi Sinai còn là nơi dành cho sự hiện diện của Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Israel[2], bởi lẽ Lề Luật sẽ là gì nếu không có sự Hiện Diện? Con rắn làm cho con người chỉ nhớ tới luật, mà quên đi Đấng Ban Luật, vốn là Đấng đã ban biết bao nhiêu ân huệ trước khi ban luật. Vì thế, có rất nhiều những giải thích lời giảng dạy của Đức Giêsu, có rất nhiều những hướng dẫn thực hành, nhưng thường bỏ quên sự hiện diện, ngôi vị của ngài, Đấng đến để phục vụ cho sự sống con người bằng “tình yêu đến cùng”. Người nghe được mời gọi hiểu biết, cảm mến, đi vào tương quan thiết thân với Ngài, thì mới có thể mở trí mở lòng ra đón nhận những lời lạ lùng này của Ngài.

 2. Tại sao phải hoàn tất Lề luật?

Tại sao phải hoàn tất Lề luật? Bởi vì một đàng con người không thể sống mà không có Lề Luật, nhưng đàng khác, con người lại “khổ sở” vì Lề Luật!

(1) Thật vậy, trong thực tế, có người dùng Luật để hại người và kẻ đầu tiên là “Con Rắn”, đã dùng chính lệnh truyền của Thiên Chúa để gieo rắc sự nghi ngờ, ghen tị và ham muốn (St 3, 1-7). Chính vì thế, Sách Khải Huyền gọi Satan lả Kẻ Tố Cáo (Kh 12, 7-10). Luật được lập ra là để phục vụ cho sự sống, nhưng trong thực tế, luật trở thành phương tiện hại người, thậm chí giết chết. Như thế, Luật bị cắt đứt khỏi cùng đích là sự sống. Chẳng hạn, có người dùng luật “chớ giết người” để giết người bằng cách vu cáo. Bởi lẽ, để hại người mà mình vẫn an toàn, thì không có cách nào khác là phải dựa vào luật. Chính Đức Giê-su sẽ là nạn nhân tuyệt đối của hành vi kết án nhân danh Lề Luật, bởi vì Ngài là Con Chiên Vô Tôi tuyệt đối: « Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết » (Ga 19, 7)[3]. Nhưng Ngài dùng chính hành động giết Ngài nhân danh Lề Luật, để “hoàn tất” Lề Luật, theo cách thức của Thiên Chúa.

(2) Ngoài ra, loài người chúng ta, dưới sự mê hoặc của Sự Dữ, khi sống Lề Luật, đã cắt đứt Lề Luật ra khỏi nguồn gốc, là tương quan ơn huệ với Thiên Chúa, qua trung gian xã hội, Giáo Hội, Hội Dòng, gia đình… Hậu quả là, thay vì sống lề luật để bày tỏ lòng biết ơn, để lớn lên trong tương quan tình yêu nhưng không, trong tương quan giao ước, con người dựa vào chữ của lề luật để tạo lập sự công chính của mình; từ đó, sẽ dẫn đến thái độ kiêu ngạo và thú vui dò xét và lên án người khác. Đây chính là thái độ của những người Pha-ri-sêu, kinh sư và luật sĩ. Hoặc ngược lại, chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy mình “công chính”, khi đối diện với Lề Luật; vì thế, chúng ta luôn bị dày vò bởi mặc cảm tội lỗi. Chính Đức Ki-tô sẽ hoàn tất Lề Luật cách tận căn bằng Thập Giá, để trao ban cho chúng ta sự công chính của Ngài.

(3) Hơn nữa Lề Luật có những giới hạn tự tại. (a) Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: để ngăn chặn sự dữ, dừng lại ở hành vi thôi chưa đủ, dừng lại ở hành vi giết người hay hành vi ngoại tình thôi chưa đủ, bởi vì nguồn gốc của hành vi chính là cõi lòng của con người. Trước khi giết người khác, người ta đã loại bỏ người ấy ở trong lòng của mình rồi; trước khi có hành vi ngoại tình hay những hành vi phạm lỗi khác, người ta đã ham muốn trong lòng rồi. Chẳng hạn, chẳng ai trong chúng ta đã vi phạm luật “chớ giết người”, và có lẽ đến cuối đời, chắc chắn cũng chẳng bao giờ vi phạm. Nhưng, phải chăng như thế đã là công chính, khi mà cõi lòng của chúng ta đầy giận hờn ghét ghen, khi mà lời nói của chúng ta gây ra tai họa cho người khác, thậm chí có khả năng “giết chết”. Sách Huấn Ca nói: “Có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người? (Hc 28, 18). Và thánh Gioan nói rằng ai ghét anh em mình đã là kẻ sát nhân rồi. Lời này của thánh Gioan là một kết luận thật chính xác từ chính lời của Đức Giêsu nói: ai giận, mắng hay chửi anh em thì đáng bị xét xử y như người phạm tội giết người. Bởi lẽ, khi ghét anh chị em của mình, là chúng ta đã loại trừ người ấy ngay trong lòng của mình rồi; và nghiêm trọng hơn, lòng ghen ghét là nọc độc gây chết chóc cho người mang nó trong người và cho cả người phải gánh chịu nó. Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng nào khi nhận ra rằng có ai đó ghét bỏ mình. Bởi vì lòng ghen ghét tự nó có khả năng giết chết. (b) Lề Luật quy định những điều phải làm và những điều phải tránh; nhưng còn lại rất nhiều hành vi và hành động Lề Luật bỏ ngỏ, không quy định. Vậy, chúng ta phải hành động theo năng động nào, nhằm mục đích gì? Năng động xấu sẽ lẻn vào, nếu chúng ta không sống theo một năng động khác khởi đi từ con tim, là năng động của Thần Khí, là tình yêu, là nhưng không, là vì chính Thiên Chúa, Cha mọi người, như chính Đức Giê-su đã sống đến cùng trong mầu nhiệm Vượt Qua.

3. Đức Giê-su hoàn tất như thế nào?

Đối diện với Luật, Con Rắn (Satan, Sự Dữ, Tội) xúi dục con người quên ơn, nghi ngờ Thiên Chúa, ham muốn, ghen tị và cuối cùng là vi phạm; hậu quả là chết trong tương quan với mình, với Thiên Chúa và với người khác; điều này đúng ở tất cả bình diện: tôn giáo, đời tu, gia đình, xã hội (x. St 2-3 và Rm 7, 7-13). Những người thuộc về Satan cũng dùng Luật như phương tiện để hại người khác.

  • Dùng Luật như phương tiện, Con Rắn (Satan, Sự Dữ, Tội) gieo vào “tai” con người nọc độc quên ơn, nghi ngờ Thiên Chúa, ham muốn, ghen tị và cuối cùng là vi phạm; hậu quả là chết trong tương quan với mình, với Thiên Chúa và với người khác; điều này đúng ở tất cả bình diện: tôn giáo, đời tu, gia đình, xã hội). Những người thuộc về Satan cũng dùng Luật như phương tiện để hại người khác.
  • Ngoài ra, Con Rắn còn dựa vào Lề Luật để rình rập, gài bẫy, vu cáo, lên án.
  • Trong cuộc sống, hầu như hằng ngày chúng ta nghe đến chán chê qua báo chí, các bài diễn văn hay các bài giảng, vô vàn những lời lên án mọi lỗi lầm của người khác, của xã hội và thậm chí của cả loài người! Hành động này là đúng: vì có luật, có vi phạm, thì phải dựa vào luật mà tố cáo, kết án và thi hành án phạt. Nhưng phải chăng Luật được lập ra với chức năng chính yếu là được dùng để tố cáo và kết án nhau? Hơn nữa, kết án nhân danh Lề Luật, theo mặc khải Kinh Thánh, lại là hành động đặc trưng của Satan!

Vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta giữ Lề Luật, không chỉ ở bề ngoài, nghĩa là ở mức độ hành vi có thể quan sát được, nhưng giữ Luật Lề khởi đi từ chốn vô hình không ai thấy được: đó là con tim của chúng ta, là cõi lòng chúng ta, là chốn thâm sâu nhất của chúng ta. Và như thế mới là giữ Lề Luật một cách đích thật, mới là sống Lề Luật trong sự thật, mới là “hoàn tất Lề Luật”. Do đó, hoàn tất lề luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.

Như thế, sự công chính đích thực mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống, không hệ ở việc giữ luật thật chi li, bởi vì nơi của sự công chính đúng hơn nằm ở trung tâm vô hình sâu thẳm của con người. Chính con người cũng chẳng đạt tới đó được nếu chỉ với nỗ lực riêng của mình. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới “thanh tẩy” được chốn thâm sâu đó của con người mà thôi.

Nhưng nào ai nhận định được các lầm lỗi của mình ?
Xin thanh tẩy con khỏi những lầm lỗi vuột khỏi con.
(Tv 19, 13)

Một cách tận cùng, lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi đến tâm tình khiêm tốn, khiêm tốn với Thiên Chúa, khiêm tốn với người khác và khiêm tốn với chính mình. Như thế, hoàn tất không phải là bổ túc thêm, làm cho hoàn chỉnh luật đã có, cũng không phải đưa ra một bộ luật mới đòi hỏi tận căn hơn, nhưng là đẩy luật đi đến cùng đích của nó và để đi đến cùng, phải khởi đi từ đầu.

Hoàn tất lề luật theo Đức Kitô không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức theo chữ viết, nhưng, là một chuyển động của Thần Khí vượt qua Lề Luật, từ khởi đầu đến cùng đích.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] “Công thức” này ở đây được dịch sát bản văn Hy Lạp.

[2] Nếu khác đi, Luật sẽ không là gì cả. “Này đây, Đức Chúa đã nói với anh em mặt đối mặt, trên núi, từ trong đám lửa”, Mô-sê nói (Đnl 5, 4). Và dân chúng đáp lại: “Này Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi, đã cho chúng tôi thấy Người thật vinh quang và vĩ đại, và chúng tôi đã nghe tiếng của Người từ trong đám lửa.” (Đnl 5, 24).

[3] Và trước đó, đã biết bao lần, họ nhân danh luật Sa-bát, trung tâm của Mười Điều Răn (Xh 20, 8-11), họ rình rập, lên án và lập mưu giết Đức Giê-su (x. Mc 3, 1-6).
 

Ai tuân hành và dạy các điều răn thì là người lớn nhất – SN song ngữ 9.6.2021

 
 

 

Wednesday (June 9):  Great are those who teach and obey the commandments

 

Scripture: Matthew 5:17-19

17 “Think not that I have come to abolish the law and the prophets; I have come not to abolish them but to fulfill them. 18 For truly, I say to you, till heaven and earth pass away,not an iota, not a dot, will pass from the law until all is accomplished. 19 Whoever then relaxes one of the least of these commandments and teaches men so, shall be called least in the kingdom of heaven; but he who does them and teaches them shall be called great in the kingdom of heaven.

Thứ Tư  9-6          Ai tuân hành và dạy các điều răn thì là người lớn nhất

 

Mt 5,17-19

17 “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

Meditation: 

 

Why do people tend to view the “law of God” negatively rather than positively? Jesus’ attitude towards the law of God can be summed up in the great prayer of Psalm 119: “Oh, how I love your law! It is my meditation all the day.”

For the people of Israel the “law” could refer to the ten commandments or to the five Books of Moses, called the Pentateuch or Torah, which explain the commandments and ordinances of God for his people. The “law” also referred to the whole teaching or way of life which God gave to his people. The Jews in Jesus’ time also used it as a description of the oral or scribal law. Needless to say, the scribes added many more things to the law than God intended. That is why Jesus often condemned the scribal law because it placed burdens on people which God had not intended.

The essence of God’s law 

Jesus made it very clear that the essence of God’s law – his commandments and way of life, must be fulfilled. God’s law is true and righteous because it flows from his love, goodness, and holiness. It is a law of grace, love, and freedom for us. That is why God commands us to love him above all else and to follow in the way of his Son, the Lord Jesus who taught us how to love by laying down our lives for one another.

Reverence and respect 

Jesus taught reverence for God’s law – reverence for God himself, reverence for the Lord’s Day, reverence or respect for parents, respect for life, for property, for another person’s good name, respect for oneself and for one’s neighbor lest wrong or hurtful desires master and enslave us. Reverence and respect for God’s commandments teach us the way of love – love of God and love of neighbor. What is impossible to humans is possible to God who gives generously of his gifts and the Holy Spirit to those who put their faith in him. 

God gives us the grace, help, and strength to love as he loves, to forgive as he forgives, to think and judge as he judges, and to act as he acts with mercy, loving-kindness, and goodness. The Lord loves righteousness and hates wickedness. As his followers we must love his commandments and hate every form of sin and wrong-doing. Do you seek to understand the intention of his law and to grow in wisdom of his ways?

The Holy Spirit transforms our minds and hearts

Jesus promised his disciples that he would give them the gift of the Holy Spirit who writes God’s law of love and truth on our hearts. The Spirit teaches us God’s truth and gives us wisdom and understanding of God’s ways. The Spirit helps us in our weakness, strengthens us in temptation, and transforms us, day by day, into the likeness of Christ himself. There is great blessing and reward for those who obey God’s commandments and who help others, especially the younger generations, to love, respect, and obey the Lord. Ask the Holy Spirit to fill your heart with a burning love and reverence for God’s word so that you may grow day by day in the wisdom and knowledge of God’s truth and goodness.

“Lord Jesus, grant this day, to direct and sanctify, to rule and govern our hearts, minds, and bodies, so that all our thoughts, words, and deeds may be in accord with your Father’s law and wisdom. And thus may we be saved and protected through your mighty help.”

Suy niệm:

 

Tại sao người ta có xu hướng nhìn “lề luật của Chúa” một cách tiêu cực hơn là tích cực? Thái độ của Ðức Giêsu đối với lề luật Chúa có thể tóm tắt trong lời cầu nguyện của thánh vịnh 119: “Ôi, con yêu mến luật Chúa biết bao! Thánh chỉ Ngài, con suy gẫm đêm ngày.”

Đối với dân Israel, “lề luật” thường ám chỉ mười điều răn hay năm quyển sách của Môisen, được gọi là ngũ thư, các sách giải thích các điều răn và những huấn lệnh của Chúa đối với dân Người. “Lề luật” cũng nhắm tới toàn bộ lời giảng dạy hay cách sống mà Thiên Chúa ban cho dân Người. Người Dothái thời Ðức Giêsu cũng sử dụng nó như sự diễn tả của luật truyền miệng hay văn bản. Không cần phải nói, các kinh sư đã thêm thắt nhiều điều vào lề luật của Chúa. Đó là lý do tại sao Ðức Giêsu thường lên án lề luật của các kinh sư. Nó đặt những gánh nặng trên người ta mà Thiên Chúa đã không đưa ra.

Bản chất lề luật của Thiên Chúa

Tuy nhiên, Ðức Giêsu đã tuyên bố rõ ràng rằng bản chất của luật Chúa – các giới răn và đường lối sống của Người, phải được thực hiện. Luật Chúa là sự thật và công chính vì nó xuất phát từ tình yêu, lòng nhân hậu, và sự thánh thiện của Người. Đó là lề luật của ơn sủng, tình yêu, và tự do cho chúng ta. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa ra lệnh cho chúng ta yêu mến Người trên hết mọi sự và đi theo con đường Con của Người, là Chúa Giêsu, Đấng đã dạy chúng ta cách thức yêu thương bằng việc hiến mạng sống mình cho người khác.

Lòng kính sợ và tôn kính

Ðức Giêsu dạy người ta tôn kính lề luật Chúa – tôn kính chính Thiên Chúa, tôn kính ngày của Chúa, tôn kính hay tôn trọng cha mẹ, tôn trọng sự sống, của cải vật chất, danh tiếng của người khác, tôn trọng chính mình và tha nhân, để những ước muốn sai trái và nguy hại không làm chủ chúng ta. Sự kính sợ và tôn kính các giới răn của Chúa dạy chúng ta cách thức yêu thương – mến Chúa và yêu người. Điều gì không thể đối với con người thì có thể đối với Thiên Chúa, Đấng quảng đại ban các ân sủng và Chúa Thánh Thần cho những ai đặt niềm tin nơi Người.

Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn sủng, sự trợ giúp, và sức mạnh để yêu thương như Người yêu thương, để tha thứ như Người tha thứ, để suy nghĩ và phán đoán như Người phán đoán, và để hành động như Người hành động với lòng thương xót, lòng trìu mến và nhân hậu. Chúa yêu thích sự công chính và ghét sự độc ác. Là những người theo Chúa, chúng ta phải yêu mến các giới răn của Người và ghét mọi hình thức tội lỗi và việc làm sai trái. Bạn có tìm cách để hiểu biết ý định của lề luật Người và lớn lên trong sự khôn ngoan của các đường lối Người không?

Chúa Thánh Thần biến đổi trí óc và tâm hồn chúng ta

Đức Giêsu hứa với các môn đệ rằng Người sẽ ban cho họ ân huệ Chúa Thánh Thần, Đấng viết lề luật yêu thương và sự thật của Thiên Chúa trong lòng chúng ta. Thần Khí dạy chúng ta sự thật của Thiên Chúa và ban cho chúng ta sự khôn ngoan và hiểu biết các đường lối của Thiên Chúa. Thần Khí giúp chúng ta trong sự yếu đuối, củng cố chúng ta trong sự cám dỗ, và biến đổi chúng ta từng ngày nên giống Đức Kitô hơn. Có ơn phúc và phần thưởng lớn lao cho những ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa và giúp người khác, đặc biệt các thế hệ trẻ yêu thương, tôn kính, và vâng phục Chúa. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần lấp đầy lòng bạn với tình yêu cháy bỏng và sự tôn kính lời Chúa để bạn có thể lớn lên mỗi ngày trong sự khôn ngoan và hiểu biết sự thật và tốt lành của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, ngày hôm nay xin Chúa hướng dẫn và thánh hóa, thống trị và cai quản tâm trí, hồn xác con, để tất cả mọi tư tưởng, lời nói, và việc làm của con có thể phù hợp với lề luật và sự khôn ngoan của Chúa Cha. Và nhờ đó, con có thể được cứu độ và được bảo vệ qua sự trợ giúp quyền năng của Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây