Cha Raymond J. de Souza: Khí phách của Đức Tổng Giám Mục Gomez trong Thông điệp gởi Joe Biden

Thứ bảy - 06/02/2021 19:53

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trong một bài phân tích đăng trên tờ National Catholic Register ngày 28 tháng Giêng, 2021, ngài phân tích về tình hình của Giáo Hội Hoa Kỳ một tuần sau khi ông Joe Biden nhậm chức.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Archbishop Gomez Rock-Solid in His Inauguration Day Message

By Fr. Raymond J. de Souza

Đức Tổng Giám Mục Gomez cứng rắn trong thông điệp Ngày nhậm chức


Lễ nhậm chức của vị tổng thống Công Giáo thứ hai đã làm nổi bật một thách thức của các giám mục Hoa Kỳ, thể hiện rõ qua lời chỉ trích công khai của Hồng Y Blase Cupich về tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục José Gomez, chủ tịch USCCB.

Cuộc tranh cãi này chỉ ra cách các giám mục Hoa Kỳ đang hoạch định để giải quyết một tình huống vô tiền khoáng hậu của một tổng thống Công Giáo, là người đã mâu thuẫn trong nhiều thế hệ với quan điểm lâu đời của Giáo Hội về sự thánh thiêng của cuộc sống, hôn nhân và tự do tôn giáo.

Tuyên bố nhậm chức

Diễn văn nhậm chức của ông Joe Biden liên tục mời gọi “đoàn kết”, nhưng ngày đầu tiên nắm chính quyền của ông đã được đánh dấu bởi một sự chia rẽ sắc nét giữa các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ - hoặc ít nhất là giữa một Hồng Y và một giám mục anh em của ngài.

Với tư cách là chủ tịch USCCB, Đức Tổng Giám Mục Gomez của Los Angeles đã chuẩn bị một tuyên bố trong ngày nhậm chức ca ngợi “lòng mộ đạo” và “cam kết lâu dài của vị tổng thống Công Giáo đối với người nghèo là ưu tiên của Phúc âm”, đồng thời chỉ rõ quan điểm của Biden đối với việc phá thai, tự do giới tính và tự do tôn giáo là không phù hợp với đức tin Công Giáo.

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez không có gì khác với những gì các giám mục Hoa Kỳ đã nói trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Hồng Y Cupich của Chicago đã phản đối mạnh mẽ cả giọng điệu lẫn thời điểm đưa ra tuyên bố. Không thành công trong việc tập hợp các giám mục anh em đứng về phe mình, ông đã cố gắng yêu cầu Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trì hoãn tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục từ sáng đến chiều. Do đó, tuyên bố chỉ được đưa ra sau thông điệp chúc mừng từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới tân tổng thống; một thông điệp giáo hoàng tuyên bố thiện chí chung chung.

Tại sao Đức Tổng Giám Mục Gomez muốn hành động trong ngày nhậm chức? Hầu chắc là do các quan chức mới của Biden đã chỉ ra rằng tân tổng thống sẽ ký hàng chục sắc lệnh hành pháp trong 24 giờ đầu tiên của mình - một số trong số đó liên quan đến chính xác những vấn đề mà Đức Tổng Giám Mục Gomez đã nêu ra, bao gồm một sắc lệnh xác định lại một cách sâu rộng ý nghĩa của “tính dục” trong luật liên bang.

Uy tín Hồng Y Cupich đang suy giảm và McCarrick đã biến mất

Đức Hồng Y Cupich, đã không thể thuyết phục bất kỳ giám mục anh em nào tham gia với mình một cách công khai, nên đã gửi một số tweet bày tỏ sự không hài lòng trước tuyên bố mà ngài gọi là “thiếu cân nhắc” của Đức Tổng Giám Mục Gomez và đưa ra lời chúc tốt đẹp đến Biden của riêng mình. Đức Hồng Y Cupich tiếp tục bày tỏ quan điểm của ông rằng cần có một nghiên cứu tổng thể của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về “sự thất bại thể chế trong nội bộ”, đã dẫn đến tình trạng là ý kiến của một Hồng Y không được xem trọng và lời phản đối của ông không được ai đoái hoài trong ngày hôm đó.

Phải chăng đây là sự tức giận của một vị Hồng Y nổi tiếng mà ảnh hưởng của ông trong số các giám mục anh em của mình không được như ông muốn?

Đúng vậy, bởi vì Hồng Y Cupich đã được Đức Thánh Cha Phanxicô cử đến Chicago để kế nhiệm Đức Hồng Y Francis George, người lãnh đạo trên thực tế của các giám mục Hoa Kỳ trước khi ngài qua đời vào năm 2015. Nhiệm vụ của Hồng Y Cupich là trình bày rõ ràng, thuyết phục và dẫn dắt hàng giám mục Hoa Kỳ trong các ưu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đó là một đòi hỏi quá cao; Hồng Y Cupich không phải là một bộ óc thần học sắc sảo cũng không phải là một nhà quan sát văn hóa nhạy bén như cố Hồng Y George. Thực tế là không có được cả hai. Tuy nhiên, sự tương phản còn đáng chú ý hơn ở một người kế vị thiếu cả kinh nghiệm mục vụ và lòng quý trọng huynh đệ mà người tiền nhiệm của ngài rất nổi bật.

Sẽ khó có ai có thể thành công trong việc trở thành một nhân vật tầm cỡ như Đức Hồng Y George; nó đặc biệt khó khăn cho Hồng Y Cupich. Bất chấp những dấu hiệu ủng hộ liên tục từ Rôma, ảnh hưởng của ngài trong USCCB không có những tác động mà ngài muốn, bất kể - hoặc có thể chính là vì – ngài là một trong những người can thiệp thường xuyên nhất tại các cuộc họp của USCCB.

Cuộc tranh chấp công khai này cho thấy ảnh hưởng của Hồng Y Cupich đã suy giảm nhiều như thế nào. Đồng thời, nó cũng cho thấy rõ ràng rằng không ai, kể cả Hồng Y Cupich, dám chọn đi theo vết xe đổ của McCarrick. Vị cựu Hồng Y hiện đã bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ, Theodore McCarrick, là người phù hợp để đưa ra những bao che cho các chính trị gia Công Giáo khét tiếng cực đoan trong việc cho phép phá thai không giới hạn.

Năm 2004, McCarrick, khi đó đang là tổng giám mục của Washington, đã đứng ra bảo vệ ứng cử viên ủng hộ quyền phá thai của đảng Dân chủ là John Kerry, và vào năm 2009, ông chủ sự việc chôn cất Ted Kennedy, đọc bậy bạ một điếu văn do ông ta sáng tác ra theo các cung cách của Vatican, giả vờ rằng đó là lời chúc phúc từ Đức Bênêđictô XVI đối với sự nghiệp chính trị cấp tiến lâu dài của thượng nghị sĩ quá cố.

Nếu McCarrick không bị thất sủng và không bị loại, chắc chắn ông ta sẽ có một vai trò nổi bật trong lễ nhậm chức, nếu sức khỏe cho phép. Nhưng ông ấy đã ra đi, và không có vị Hồng Y nào ở Hoa Kỳ sẵn sàng theo đuổi sự phô trương công khai của ông về nền chính trị Dân chủ cấp tiến.

Biden và những chiếc kéo Dòng Tên

Joe Biden, người được bầu vào Thượng viện trước khi phán quyết Roe kiện Wade được đưa ra, không cần Hồng Y nào cung cấp vỏ bọc Công Giáo cho ông ta. Hơn nhiều thập kỷ phục vụ, ông là một bậc thầy về chính trị trong việc làm nổi bật đức tin Công Giáo của mình trong khi đồng thời chống lại các giáo huấn của Giáo Hội trong các quan điểm chính trị.

Vào ngày đầu tiên làm tổng thống, đường lối của Biden đã rất rõ ràng. Ông ta sẽ áp dụng một thủ thuật nhào lộn hình chiếc kéo [scissors maneuver] đối với các giám mục Hoa Kỳ - cụ thể là dùng các chiếc kéo Dòng Tên [Jesuit scissors]. [Tác giả dùng cụm từ có tính hình dung là scissors maneuver, một kỹ thuật nhào lộn của các phi công chiến đấu trong thời đệ nhất thế chiến: phối hợp các tư thế nhào lộn, và bất ngờ quay ngược lại theo hình cái quai của chiếc kéo để tránh hỏa lực đối phương, và chờ cho đối phương bắn hết đạn. Ý muốn nói là Biden tìm cách lợi dụng Dòng Tên tại Mỹ để né tránh bị tấn công – chú thích của người dịch].

Vòng nhào lộn thắt lại ở trên cao nơi Đức Thánh Cha Phanxicô, khi Biden tự giới thiệu mình là đồng minh của Đức Thánh Cha, ngay cả khi điều đó rất bất bình thường. Thật vậy, khi trang trí lại Phòng Bầu dục, Biden đã đặt một bức ảnh của mình với Đức Giáo Hoàng Phanxicô trên cái bàn phía sau bàn làm việc. (Ông ta đã thay đổi nhiều bức tranh và tượng bán thân khác, bao gồm thêm cả Franklin và Eleanor Roosevelt, tổng thống và đệ nhất phu nhân khi Biden được sinh ra.)

Bức ảnh của Giáo hoàng không tương hợp chút nào với buổi chiều ngày nhậm chức, khi Biden ký sắc lệnh hành pháp liên quan đến những người chuyển giới, với hình ảnh Đức Thánh Cha nhìn qua vai ông ta. Không có tiếng nói nào nổi bật hơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi chống lại cái mà ngài gọi là “ý thức hệ giới tính”.

Vòng nhào lộn thắt lại từ bên dưới với các tu sĩ Dòng Tên, thân thiện qua nhiều thế hệ với các chính trị gia cấp tiến của Hoa Kỳ, kể cả những người ủng hộ phá thai cực đoan. Trong khi tổng thống rõ ràng đang lợi dụng Đức Thánh Cha, thì đây là trường hợp các tu sĩ Dòng Tên mong muốn được ông Joe Biden lợi dụng.

Vào ngày nhậm chức, Thánh lễ buổi sáng tại nhà thờ chính tòa Thánh Matthêu và lời cầu khẩn trong ngày nhậm chức đều do các tu sĩ Dòng Tên chủ sự, và vào Chúa Nhật sau lễ nhậm chức, Biden đã tham dự Thánh lễ tại giáo xứ Holy Trinity, một giáo xứ Dòng Tên gần Đại học Georgetown.

Đó chính là Đại Học Georgetown khét tiếng đã che đi huy hiệu quan thầy của mình là họa tiết gồm ba chữ viết lồng vào nhau “IHS” biểu tượng cho tên của Chúa Giêsu, trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama trong năm 2012. Không chút nghi ngờ rằng Dòng Tên tại Mỹ sẽ bao che cho cái mác Công Giáo của Biden tùy theo ý thích của ông ta. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi linh mục Dòng Tên James Martin có mặt bên cạnh tổng thống trong một buổi lễ ký kết tại Phòng Bầu dục.

Đá, Tổng Thống, Những Chiếc Kéo

Đức Tổng Giám Mục Gomez phải gánh vác trên vai nhiệm vụ đứng đầu các giám mục Hoa Kỳ khi đối mặt với nỗ lực của Biden sử dụng các chiếc kéo của Dòng Tên. Ngài xem ra hăng hái gánh vác nhiệm vụ này.

Trong nhiều thập kỷ, hai ưu tiên chính sách công lớn nhất của USCCB là chương trình nghị sự vì cuộc sống và các chính sách nhập cư rộng rãi hơn. Trong thập kỷ qua, có lẽ không có giám mục nào trên thế giới gắn bó chặt chẽ với chương trình nhập cư hơn Đức Tổng Giám Mục Gomez – trừ ra một người, Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Tổng Giám Mục Gomez biết rằng ngài sẽ thường xuyên hỗ trợ chính quyền Biden về các vấn đề nhập cư. Đó là một phần lý do tại sao ngài sớm có quan điểm về cuộc sống và quyền tự do tôn giáo, để tránh bị lôi kéo và xuyên tạc.

Khi các giám mục Hoa Kỳ làm việc với chính quyền mới, chính Đức Tổng Giám Mục Gomez sẽ trở thành thông dịch viên đích thực của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hoa Kỳ về cuộc sống, tự do và nhập cư. Ngài có thể là tảng đá làm gãy những chiếc kéo.


Source:National Catholic RegisterArchbishop Gomez Rock-Solid in His Inauguration Day Message

Nguồn tin: vietcatholicnews.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây