Cuộc trò chuyện với ĐHY tân cử Arthur Roche, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích

Chủ nhật - 26/06/2022 08:35

Cuộc trò chuyện với ĐHY tân cử Arthur Roche, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích

26/06/2022

Trong một cuộc phỏng vấn về nhiều đề tài của Vatican News, Đức Hồng y tân cử Arthur Roche, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, đã chia sẻ về việc ngài được bổ nhiệm và về nhiều đề tài khác liên quan đến phụng vụ, các bí tích và việc loan báo Tin Mừng. Ngài đề nghị chúng ta tái khám phá ý nghĩa thánh thiêng của các ngày Chúa Nhật.

Cuộc phỏng vấn được Vatican News đăng vào Lễ Trọng Mình Máu Thánh Chúa, trong đó ĐHY Tổng trưởng suy tư về những cuộc tranh luận gần đây về phụng vụ và Thánh Thể, và lưu ý rằng “đó là một thảm kịch” vì “Thánh Thể, về bản chất, là bí tích hiệp nhất toàn thể Giáo hội.”

Thưa ĐHY, ngài đã ở đâu và đang làm gì khi biết Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Hồng y?

Thực sự, tôi đang sửa cái cầu chì ở hầm, ngay trước buổi đọc Kinh Truyền Tin mà tôi thường theo dõi mỗi Chúa Nhật. Tôi gặp một vấn đề. Tôi thấy có điều gì đó không ổn và tôi xuống hầm để sửa chữa nó. Khi tôi quay trở lại, thì cả điện thoại nhà lẫn điện thoại di động của tôi đều reo điên cuồng. Và cuộc gọi đầu tiên tôi nhận được là từ Tổng Thư ký của Bộ, Đức Tổng Giám mục [Vittorio Francesco] Viola. Và ngài nói với tôi “Oh, Tanti auguri – chúc mừng”, và như bạn biết, “rất nhiều lời chúc mừng.” Và tôi nghĩ ngài đang nói về Lễ Thăng Thiên, được mừng tại Ý vào Chúa Nhật đó. Vì vậy, tôi đã nói với ngài, “Vâng, buona festa (Chúc Mừng Lễ) với ngài.” Và ngài ấy nói, “Không, không, ngài được bổ nhiệm làm hồng y.” “Cái gì?”

Với tư cách là Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, và là một Hồng y tương lai người Anh, ngài mong muốn cố vấn Đức Thánh Cha thế nào?

Vâng, tôi nghĩ đó rõ ràng là trách nhiệm mà tôi phải đảm nhận với tư cách là Tổng trưởng của Bộ này, phụ trách về phụng vụ nói chung, và cả các vấn đề kỷ luật liên quan đến các bí tích mà Đức Thánh Cha sẽ xin ý kiến của tôi. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô, như bạn biết, bất cứ khi nào chúng ta gặp ngài, dù không xảy ra thường xuyên, ngài đều rất quan tâm đến ý kiến ​​của bạn về những điều khác nữa. Vì vậy, chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra bởi vì với tư cách là một Hồng y, thì bạn sẵn sàng theo sự sắp xếp của ngài và bạn phải sẵn sàng ở đó để giúp ngài và không chất thêm gánh nặng cho ngài. Vì vậy, chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra.

Chuyển sang đề tài phụng vụ và cải cách. Gần đây đã có nhiều cuộc tranh luận về phụng vụ, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Theo quan điểm của ngài, tại sao điều lẽ ra tạo nên sự hiệp nhất lại tiếp tục gây tranh cãi như vậy?

Đã từng có những ý kiến ​​bày tỏ về những mối bận tâm cụ thể. Ví dụ về việc Rước Lễ, ngay sau khi chén thánh không còn cho tất cả mọi người tham dự Thánh lễ nữa, thì đã có những tranh luận về điều đó, nhưng chưa bao giờ có tranh luận về phụng vụ theo cách mà chúng ta đang trải qua ngày nay, một phần vì trước đây chưa từng có hai phiên bản Sách lễ Rôma – Sách lễ Rôma từ năm 1962, và sau đó là Sách lễ Rôma từ năm 1970, được soạn thảo với sự hậu thuẫn toàn lực của Công đồng Vatican II và được ban hành bởi Đức Phaolô VI.

Thật là một bi kịch khi ngày nay xảy ra sự tranh luận này, cái gọi là ‘cuộc chiến’ về phụng vụ, bởi vì Bí tích Thánh Thể, về bản chất, là bí tích hiệp nhất toàn thể Giáo hội.

Và như Đức Thánh Cha đã chỉ ra trong tự sắc Traditionis custodes – Những người gìn giữ truyền thống, có một luật phụng vụ giúp chúng ta tin tưởng vào sự lưu truyền giáo thuyết của Giáo hội. Vì vậy, việc cải cách phụng vụ thực sự là một vấn đề rất quan trọng ngày nay và cũng không phải là điều bị coi là tuỳ chọn.

Nhưng một trong những vấn đề, thách đố, của thời đại chúng ta là sự gia tăng chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tương đối, rằng ‘tôi thích điều này hơn.’ Việc cử hành Thánh lễ không phải là vấn đề chọn lựa cá nhân. Chúng ta cử hành với tư cách là một cộng đoàn, vì toàn thể Giáo hội và Giáo hội xuyên suốt nhiều thế kỷ, đã luôn quy định hình thức phụng vụ, được tin rằng, thích hợp hơn cho một thời đại cụ thể.

Cha [Jozef Andreas] Jungmann, một tu sĩ Dòng Tên người Áo mới qua đời vào đầu thế kỷ này, trong các nghiên cứu của mình, ngài đã cho thấy Thánh lễ đã được thay đổi theo cách này qua nhiều thế kỷ như thế nào để phù hợp với nhu cầu của thời đại. Và việc chống lại điều này là một vấn đề khá nghiêm trọng, điều mà Đức Thánh Cha đã chỉ ra trong tài liệu của ngài về phụng vụ, Traditionis custodes.

Vì vậy, điều đang nói ở đây là việc điều tiết phụng vụ cũ của Sách Lễ năm 1962 bằng cách ngừng cổ võ nó, bởi vì rõ ràng Công đồng, các Giám mục của Công đồng, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, đã đưa ra một phụng vụ mới cho sự sống sinh động của Giáo hội, cho sức sống của Giáo hội. Và điều đó thực sự rất quan trọng. Và việc cưỡng lại điều đó cũng là điều gì đó thực sự khá nghiêm trọng.

Chúng ta hãy dành chút thời gian nói về việc tiếp cận các bí tích sau Thượng hội đồng về Amazon. Một số bày tỏ sự thất vọng, cho rằng nó không giải quyết được những gì từng được gọi là cuộc khủng hoảng bí tích đối với các giáo hội truyền giáo có lãnh thổ rộng lớn và ít linh mục. Đây có còn là một mối bận tâm không?

Ở đây có hai khía cạnh. Một là vấn đề về tình trạng thiếu linh mục. Và tôi nghĩ đó luôn là một thực tế. Thực sự, trong suốt lịch sử của Giáo Hội, ngay cả trong Tin Mừng, chính Chúa chúng ta đã thấy trước rằng lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Và câu hỏi thứ hai là về việc người Amazon sử dụng nghi lễ Roma. Nói cách khác, sự hội nhập văn hóa của Sách Lễ Rôma vào văn hóa Amazon. Có những công việc đang làm. Nhưng trước hết, nó phải được thực hiện bởi các Giám mục được gọi là các giám mục vùng Amazon ở Brazil và ở Peru, v.v. Vì vậy, họ đã thành lập một Uỷ ban và đang bắt đầu suy nghĩ về điều đó. Và công việc đó sẽ cần một thời gian, tôi nghĩ vậy.

Vấn đề khác liên quan đến ơn gọi là điều chúng ta phải luôn cần đặt lên hàng đầu, bởi vì người cha của bất kỳ cộng đoàn nào cũng là người có trách nhiệm mang bánh về nhà cho con cái.

Và như thế, Thánh Thể là một phần rất quan trọng của điều đó. Vì vậy, đó là một sự cân nhắc khác cần phải được xem xét bởi các Giám mục, và thực sự, bởi chính Đức Thánh Cha.

Ngài có nghĩ rằng căn tính bí tích của phó tế vĩnh viễn được mọi người hiểu và hiểu đúng đắn không?

Tôi nghĩ rằng nó nên được hiểu. Ý tôi là cho dù có đúng như vậy hay không, điều đó sẽ phụ thuộc vào cách thức điều này được tiếp nhận ở các quốc gia khác nhau. Có một điều thú vị là trong suốt quá trình diễn ra Công đồng Vatican II, các giám mục từ Châu Phi, không muốn có phó tế vĩnh viễn, vì họ thấy rằng những gì họ đã có sẵn, qua sứ vụ của các  giáo lý viên, đã có từ lâu trước công đồng, điều đó đã thực sự hoàn thành vai trò của phó tế vĩnh viễn, bởi vì giáo lý viên ở các nước Châu Phi có thể chứng hôn, có thể rửa tội, và có thể cử hành tang lễ, v.v., và cũng có thể đưa Mình Thánh Chúa đến các nơi xa xôi của các khu vực giáo xứ, nơi mọi người tập trung và nơi mà linh mục không thể đến được, vì vậy có sự khác biệt về quan điểm về nó.

Nhưng tôi nghĩ rằng ở nơi nào có vấn đề về căn tính bí tích của phó tế vĩnh viễn thì nó cần thực sự được hiểu đúng đắn. Có một số người thúc đẩy để các phó tế có thể đảm nhận các bí tích khác, chẳng hạn như Xức Dầu Bệnh Nhân.

Nhưng điều đó là không thể bởi vì việc xức dầu cho bệnh nhân cũng mang lại sự tha thứ tội lỗi, điều là trách nhiệm của linh mục. Vì chúng ta thành lập Hội đồng cũng chưa lâu, và rất nhiều việc cần thời gian để ổn định. Và tôi nghĩ rằng, nói chung, vai trò của phó tế được hiểu rõ. Nó khá được chấp nhận. Đó là một phúc lành cho rất nhiều nơi trên thế giới, nơi chúng ta đang sống.

Và ngài có xem nó như một phương thuốc cho sự suy giảm ơn gọi linh mục không?

Không, tôi không nghĩ thế, vì nếu chúng ta thay thế linh mục bằng phó tế, thì chúng ta sẽ trở thành một Giáo hội phó tế thay vì một Giáo hội tư tế. Nhưng căn tính của phép rửa tội của chúng ta là căn tính tư tế.

Và chức tư tế thừa tác là chìa khóa gói gém điều ở trung tâm của Giáo hội, đó là Bí tích Thánh Thể. Vì vậy, tôi không thấy đó là giải pháp, nhưng tôi thấy các phó tế có ý nghĩa mục vụ và sự trợ giúp to lớn cho cả các linh mục và giám mục ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo kinh nghiệm của ngài trong vài thập kỷ qua, những thay đổi lớn nhất trong việc thực hành tôn giáo là gì?

Tôi nghĩ đó là sự suy giảm việc thực hành tôn giáo vào ngày Chúa Nhật, nhưng chủ yếu ở phương Tây, và tôi nghĩ điều đó chủ yếu cũng là do sự tục hóa và do sự thay đổi vị thế của ngày Chúa Nhật.

Khi tôi còn trẻ, các cửa hàng không bao giờ mở cửa vào Chúa Nhật. Và người ta rất hiếm chơi bóng đá, ngoại trừ có lẽ vào buổi chiều. Nhưng buổi sáng là bất khả xâm phạm vì thực hành chung là mọi người đều đi nhà thờ và ‘tên gọi Domenica – Chúa Nhật trong tiếng Ý, đối với chúng ta được đặt sau chữ Chúa, Ngày của Chúa.

Và đó là điều mà chúng ta thực sự cần lấy lại cách nào đó. Tôi nghĩ chúng ta có thể làm điều đó bằng cách gia tăng việc dạy giáo lý và gần gũi với mọi người. Khi tôi còn là một linh mục trẻ, giám mục của tôi thường nói rằng một linh mục đi cùng con người sẽ làm cho mọi người tham dự Thánh lễ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sự gần gũi của linh mục với cộng đoàn của mình là rất quan trọng trong vấn đề này.

Nhìn vào sự thế tục hóa và phụng vụ, có mối liên hệ nào giữa hai điều này không?

Tục hóa cố gắng làm giảm tầm quan trọng của điều thiêng liêng, và chúng ta phải rất cẩn thận về điều đó, bởi vì khi chúng ta đến nhà thờ, khi chúng ta cử hành phụng vụ, chúng ta đến đó để thờ phượng Thiên Chúa. Chúng ta không đến đó để giải trí cá nhân hay cộng đoàn.

Đó là cộng đoàn hiện diện để ngợi khen Thiên Chúa về những hồng ân mà Người đã ban cho chúng ta, đặc biệt là qua Con của Người, Đấng đã chết vì chúng ta và Đấng hiện diện trong bánh và rượu, nơi hiện diện đầy đủ mình máu, linh hồn và thần tính, Người diện diện trong Thánh Thể. Vì vậy, chúng ta phải rất chú ý, nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới thế tục.

Và vì vậy, chúng ta phải là những người loan báo Tin Mừng. Và sức mạnh cho việc loan báo Tin Mừng đến từ việc cử hành Thánh Thể. Vì vậy, vào cuối Thánh lễ, khi phó tế nói, ‘hãy ra đi trong bình an của Đức Kitô,’ hoặc Thánh lễ kết thúc, và ‘hãy đi bình an’, hoặc ‘giờ đây chúng ta hãy ra đi để ngợi khen Đức Kitô bằng cuộc sống của chúng ta,’ trong thế giới mà chúng ta đang sống, thì chúng ta được sai đi để trở nên những người loan báo Tin Mừng, trở thành những giáo lý viên trong thế giới mà chúng ta đang sống. Vì vậy, đó là một liên kết rất chặt chẽ với hai văn hóa, nếu bạn muốn nói như thế, và đó là điều có thể mang lại sự toàn vẹn tuyệt vời cho một xã hội thế tục.

Việc thờ phượng có thể đóng vai trò gì trong việc tái loan báo Tin Mừng của các quốc gia nơi Kitô giáo suy giảm?

Chính Thánh Thể mang giáo lý của Giáo hội. Tất cả những lời cầu nguyện trong cử hành phụng vụ Chúa Nhật chủ yếu là từ Sách Thánh. Gần như luôn luôn, gần như mọi từ, gần như mọi sắc thái, đều đến từ Kinh Thánh hoặc từ Giáo huấn của các Giáo phụ trong Giáo hội. Chính vì vậy, khi bạn tham dự Thánh lễ, bạn đang nhận lấy giáo huấn của Giáo hội. Người ta thường nói rằng Thánh Bernard thành Clairvaux vào Thế kỷ 12 đã biết Kinh Thánh rõ ràng đến nỗi ngài nói ‘theo kiểu nói của Kinh Thánh.’ Tôi cho rằng những người trẻ của chúng ta ngày nay sẽ nói rằng ngài nói ‘Kinh Thánh’. Người ta nói vậy bởi vì ngài đã thấm nhuần Kinh Thánh.

Khi chúng ta thấm nhuần tất cả phụng vụ của Giáo Hội, thì chúng ta đón nhận giáo lý. Khi chúng ta hấp thụ cách cầu nguyện, theo Kinh Thánh, thì chúng ta đón nhận những gì mà Lời Chúa, dưới hình thức được mặc khải, mang lại cho chúng ta sự sống của Giáo Hội. Vì vậy, nếu bạn tham dự Thánh lễ và nếu bạn tham dự phụng vụ và thực sự cầu nguyện tất cả những nội dung có trong phụng vụ, thì bạn đang chuẩn bị để trở thành một người rất quan trọng rao giảng Tin Mừng.

Nguồn: Đài Vatican News

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây