Những suy niệm trong Tuần Thánh

Thứ ba - 12/04/2022 08:03
GIUĐA HÔN CHÚA

Hôn để bày tỏ tình thương yêu mà con nguời dành cho nhau. Cha mẹ hôn con cái, bạn hữu tỏ bày tình thương thắm thiết. Vợ chồng trao nhau những nụ hôn nồng ấm hương bay  ngọt ngào. Giuđa hôn Chúa Giêsu, nhưng nụ hôn này không chứa đựng sự ngọt nào mà trái lại nó chứa đựng một vị đắng của sự bội phản. 
Giuđa là người môn đệ của Chúa, ông được tuyển chọn trong nhóm mười hai (Mt 10,4), chắc hẳn Chúa không ghét ông. Trái lại Ngài yêu thương ông rất mực. Khi biết Giuđa sẽ phản bội, chúa Giêsu đã nói xa nói gần và Ngài nói rất thật:“ Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”(Mt 26, 21). Các môn đệ rất ngạc nhiên và Giuđa cũng vờ hỏi Chúa: “ Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?”, và Chúa Giêsu đã khẳng định điều này. Lòng giả tâm của Giuđa được thể hiện qua nụ hôn của mình, một mật khẩu được đưa ra: “ Tôi hôn ai thì chính là người đó”(Mt 26, 48). Giuđa hôn Chúa và Chúa Giêsu đón nhận  nụ hôn của sự bất trung,  nụ hôn của một tình yêu bị phản bội. 

Nụ hôn như một mũi tên bắn ra nhằm hai mục đích. Có thể là dấu chứng của tình thương yêu mà chúng ta tặng ban cho nhau . Nhưng cũng có thể là nọc độc của sự ác tâm được ngụy trang bằng những hình thức hoa mỹ ở bên ngòai . Đã có lần Đức Giêsu cay đắng nói lên điều này : “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng , còn lòng trí chúng thì lại xa ta”( Mt 15 , 8 ) .
Chắc hẳn không ai trong cuộc đời muốn  nhận những nụ hôn như của Giuđa. Ai cũng muốn mình được đón nhận những nụ hôn của tình chung thuỷ, của sự kết nối trung thành, của tình bạn gắn bó keo sơn. Làm sao để cuộc sống bớt đi những nụ hôn mang lại oan trái khổ sầu, và cầu mong những nụ hôn  mang hoài những nụ cười của hạnh phúc. Đã một lần Giuđa hôn bán Chúa, xin một lần thống hối ăn năn.

RỬA CHÂN


Rửa chân chỉ là một nghi thức trong Thánh lễ Tiệc Ly của ngày thứ năm Tuần Thánh. Thế nhưng, với việc cử hành này, đã nói lên biết bao điều gởi trao của Chúa Giê-su, trước cuộc Khổ nạn của Ngài. Chúa Giê-su gởi trao cho các môn đệ ba điều :
- Gởi trao tình yêu
- Gởi trao sự phục vụ khiêm tốn
- Gởi trao niềm hy vọng, hạnh phúc Nước trời.
Gởi trao tình yêu
Tin Mừng của Gioan cho ta thấy rõ điều này là : “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc vế mình còn ở thế gian, và Người vẫn yêu thương họ đến cùng”(Ga 13, 1). Chỉ trong một bối cảnh hết sức đặc biệt này mà các môn đệ có thể nhận ra Thầy yêu thương họ như thế nào. Chúa Giê-su biết cuộc ra đi của Ngài, nên đây là một bữa ăn cuối cùng, bữa ăn mang đậm nét biệt ly. Rồi đây, giữa dòng đời đầy phong ba, bão nổi, các môn đệ không còn có Thầy bên cạnh nữa. Một điều quan trọng không thể thiếu để các học trò có thể đứng vững đó là: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 15, 12). Vâng chỉ với tình yêu cháy bỏng và mãnh liệt của các môn đệ mới có thể là bằng chứng sống động của sự hiện diện của Thiên Chúa trải qua dòng thời gian. Từ gởi trao lòng mến Chúa Giê-su thực hiện một cử chỉ mà xem ra ít có người thủ lãnh, người lãnh đạo nào cũng có thể làm: Rửa chân cho các môn đệ.
Gởi trao sự phục vụ khiêm tốn
Ông Phê-rô kịch liệt phản đối: Vậy Người đến chỗ ông Si-mon Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”(Ga 13, 6). Làm sao con có thể chấp nhận được khi trong con là người tội lỗi, còn Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Suy nghĩ cũa Phê-rô hoàn toàn có lý và có tình. Không thể với con người nhưng với Thiên Chúa là điều có thể. Từ trong vinh quang và quyền năng không thể thấu đạt, ấy vậy mà Thiên Chúa đành bỏ tất cả vinh hoa phú quý để đến với con người, trong phận kiếp là một người tôi tớ. Quả vậy, Chúa Giê-su vẫn biết các môn đệ cững chưa thể thoát ra được những danh vọng, quyền lực và lạc thú trần gian đang cám dỗ họ. Nên đây là một hành động hết sức có ý nghĩa để từ đây trong các môn đệ, ai muốn làm đầu, thì hãy làm người phục vụ anh chị em mình. Sau khi đã rửa chân cho các môn đệ, chúa Giê-su bảo họ : “Anh em gọi Thầy là Thầy và là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy và là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 12-14).
Và sau cùng, Chúa Giê-su gởi trao cho họ: niềm hy vọng, hạnh phúc nước Trời.
Trước sự ngỡ ngàng và đầy hoang mang của các môn đệ, Chúa Giê-su đã trấn an họ: “Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu” (Ga 13, 19). Hay ở những đoạn tiếp theo trong diễn từ ly biệt, chúng ta có thể thấy rất rõ Chúa Giê-su đang chuẩn bị hạnh phúc Nước Trời cho những ai yêu mến và tuân giữ lời của Ngài: “Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 1-3). 
Cử chỉ của Chúa Giê-su vẫn đang được đón nhận và trao ban trong cuộc sống hằng ngày của các môn đệ, những người đi theo Chúa. Chỉ với tình yêu thương, con người mới có thể chấp nhận tha nhân như là đối tượng để quên mình, hy sinh phục vụ, và chỉ trong niềm tin vào ơn cứu rỗi, thì mỗi ngưới mới có thể rửa chân cho nhau trong tình yêu cao độ nhất.

NÚI TABOR VÀ NÚI CÂY DẦU

Đau khổ và vinh quang là hai trạng thái, hai cụm từ luôn gắn chặt vào cuộc sống của mỗi con người. Bất cứ một thành quả nào của sự thành công thì đằng sau nó, luôn thấp thóang bóng dáng dệt nên của chuổi ngày đau khổ. Đức Giêsu trong cuộc đời tại thế, luôn có những phút giây ở đỉnh vinh quang trong quyền năng của Ngài, nhưng cũng có những lúc trong cực hình tan nát của kiếp con người.
Đường lên đỉnh Tabor
Cuộc hiển dung trên núi được Phúc âm Marcô và Luca thuật lại, sau khi Chúa Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn lần thứ nhất. Trong khi ba môn đệ: Phêrô, Giacôbê và Gioan mục kích một cách say sưa vinh quang chói ngời của Chúa Giêsu. Họ đâu biết rằng cuộc vinh hiển này báo trước một cuộc vinh hiển mới mà Đức Giêsu thực hiện trong đau khổ tột cùng. Thánh sử Luca thuật lại:”Khỏang tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người biến đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa”(Lc 9,28-29 và Mc 9,2-3). Một cuộc vinh quang ngòai sức tưởng tượng của các môn đệ, nên họ đề nghị Chúa làm nhà và định cư ngay trên núi, mặc dù với độ cao 600m và nhiệt độ khỏang 4 độ C. Nhưng một khi được sống trong những giây phút hạnh phúc rạng ngời như thế, chắc không ai mong muốn điều gì khác hơn. Còn chúa Giêsu Ngài biết trước điều gì sẽ xảy ra với Ngài ở núi Cây Dầu.
Đường đến núi Cây Dầu
Sau khi rời nhà Tiệc Ly, Chúa Giêsu đi ra, đến núi cây Dầu(Lc 22,39). Tại đây cũng trong vinh quang và quyền năng, Chúa Giêsu thực hiện Thánh ý của Cha qua con đường khổ giá, Ngài đem lại ơn cứu độ cho con người. Trước đó ít Ngài, Chúa Giêsu cỡi lừa tiến vào Thành Thánh giữa tiếng tung hô của dân chúng trước khi chịu khổ nạn. Ngày nay, vào chúa nhật đầu Tuần Thánh hằng năm, vẫn lập lại sự kiện trên đây của Chúa Giêsu. Tảng đá nơi Chúa Giêsu cầu nguyện, một thánh đường mang tên:Thánh đường các dân tộc được xây dựng vào khỏang năm 1919 do kiến trúc sư người Ý Antonio Barluzzi. 
Núi Cây Dầu và Núi Tabor
Hai biến cố trên bao gồm cho con người nhiều sứ điệp:Cũng như Chúa Giêsu, Ngài mang trong mình hai bản tính: Thần linh và nhân lọai, con người cũng thế.
Có sự liên hệ mật thiết giữa Adam củ và Adam mới là Đức Giêsu.
Con người cũng có những phút giây như trên đỉnh Tabor là khi trong những lúc thành công, hạnh phúc, yêu thương và tràn trề sự sung mãn. Nhưng cũng nhớ cho rằng Núi cây dầu, nơi tràn đầy khổ đau, đến nỗi mồ hôi máu chảy ra. Và điều quan trọng ở hai ngọn núi, Chúa Giêsu luôn trầm mặc trong những phút giây của nguỵện cầu. Phải chăng Ngài cũng mời gọi mỗi người, dù trong thành công hay thất bại, vẫn luôn luôn tín thác và cầu nguyện.

BẢN ÁN ĐỨC GIÊSU

Đã hơn hai ngàn năm qua rồi , nhưng hôm nay những bản án bất công “GIÊSU” vẫn đầy dẫy trong xã hội. Những con người “Thấp cổ bé họng” vẫn phải ngày đêm quay quắt , lặn lội , đốt nến cầu nguyện cho công lý và sự thật ở khắp muôn nơi.
Lật giở lại vụ án tử hình Chúa Giêsu chúng ta thấy một sự bất công không thể tưởng được, đành rằng đây là con đường cứu độ của Thiên chúa, nhưng chúng ta không thể nào lọai ra bên ngòai trách nhiệm của con người . Phúc âm của thánh Marcô cho chúng ta thấy rõ điều đó : “ Bấy giờ các Thượng tế và tòan thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra” ( Mc 14 ,55 ) . Làm sao có thể kết tội Chúa Giêsu được khi mà cả cuộc đời của ngài là hiến thân và phục vụ . Ngài đến để mưu cầu hạnh phúc cho con người Các thượng tế , kỳ mục và các kinh sư cùng với những Tổng trấn Rôma sợ mất ảnh hưởng trong dân chúng . Họ sợ mất quyền lực và bổng lộc , cái mà họ sợ nhất là dân chúng mất lòng tin nơi họ . Bởi vì họ không sống theo sự thật , họ luôn tìm cách che đậy sự thật , họ đồng lõa với tội lỗi và bóng tối , nên lọai trừ được Đức Giêsu là lọai trừ được một hiểm họa . Giết chết Đức Giêsu họ tưởng như vậy là xong chuyện . Nhưng con người đã sai lầm , một khi giết chết Thiên Chúa con người cũng sẽ tự đào mồ cho chính mình . Ngày ngày những bản án bất công luôn diễn ra trong đời thường , những bào thai vô tội bị chính cha mẹ mình lên án tử khi người ta cho phép phá thai .. Những cha mẹ già trong các viện dưỡng lão là nạn nhân của chính những đứa con mình khi người ta cho phép trợ tử . Dân oan đi khiếu kiện khi họ không còn nhà để ở , đất để làm kế sinh nhai . Ô nhiễm môi trường từ những khai thác và kinh doanh thao túng của con người . Con người lên án tử cho thiên nhiên khi trái đất dần dần nóng lên .Đức Giêsu chết và bản án của Ngài cũng đã khép lại . Thế nhưng con người vẫn tạo nên những bản án mới trong đời sống của mình . Ước mong sao qua cái chết của chúa Giêsu , con người khám phá ra mầu nhiệm khổ gía trong cuộc đời của minh để cùng nhau xóa đi những án tử bất công trong cuộc đời.

DI CHÚC CỦA ĐỨC GIÊ-SU

Mỗi khi có những người thân yêu trong các gia đình sắp rời cõi thế, thì luôn có những di chúc để lại cho con cháu, hay anh chị em, những người thân yêu của mình, trước lúc nhắm mắt xuôi tay. Nếu là ông bà, hay cha mẹ thì luôn trăn trối lại cho con cháu không phải của cải, vật chất, nhưng là tình yêu thương, mối dây liên kết đùm bọc lẫn nhau, để giúp nhau trong những khi khốn khó, hay những lúc thành công. Là vợ chồng bằng hữu thì luôn để lại cho nhau những khoảng khắc nồng thắm và hy vọng, kẻ ở lại luôn sống tốt và tôn trọng những gì mà người ra đi để lại.
Trong những ngày bước vào Tuần Thánh, chúng ta nghe rất nhiều những lời tâm sự của Chúa Giê-su, trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn. Tin mừng của Chúa nhật lễ lá khai mở cho mỗi người hành trình Thập Giá của Đấng cứu nhân độ thế: “ Đang bữa ăn, Người nói: “ Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” ( Mt 26, 22). Và rồi tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Chúng con không thức được với Thầy một giờ hay sao. Trong bữa ăn sau cùng với các môn đệ, những người thân yêu nhất của mình, Đức Giê-su đã trối lại cho các Tông đồ một di chúc quý báu, một gia sản cho con đường nên thánh và phục vụ của mình. Đang khi giữa bữa ăn, Đức Giê-su lấy nước và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Cử chỉ này, năm nay không được cử hành, vì lý do đặc biết. Thế nhưng ai cũng hiểu, đằng sau của những hành động này, chính là bản di chúc về điều răn mới, và thật cao cả hơn, cho những ai hy sinh mạng sống mình cho những người khác.  Người ta cứ dấu nầy mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau.( Xem Ga, 13,35). Trong suốt gần hơn một năm trời, khi dịch bệnh virut covid xảy ra, biết bao nhiêu tấm gương về sự hy sinh xả thân, quên mình của các Giám mục, linh mục, tu sỹ, các nhà lãnh đạo, các y bác sỹ, những nhân viên y tế, những nhà hảo tâm đang ngày đêm cố gắng để giúp nhau trong những hoàn cảnh hết sức đen tối, mà nhân loại đã đang và sẽ gánh chịu, như trong năm những năm 2020 ,  2021 và 2022 này.
Di chúc của Đức Giê-su về một thế giới, và nhân loại luôn sống trong tự do, hòa bình, tôn trọng và yêu nhương nhau vẫn còn là kim chỉ nam cho những ai cất bước theo Ngài.  Nếu tin và yêu Chúa, thì luôn hãy nhớ: “ Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. (Ga 13,13-14).

Chuyện Tình Hoa màu tím

Nhiều loài hoa mang tên một cuộc tình, như hoa sim tím trong bài thơ nổi tiếng của tác giả Nguyễn Hữu Loan. Bài thơ: “Màu tím hoa sim”, diễn tả một cuộc tình có thật giữa tác giả là người trai chinh chiến với một người vợ là em gái hậu phương. Rồi một chiều không chết người trai khói lửa, mà chết người gái nhỏ đồng quê, để chiều hành quân qua những đồi sim tím chạy mãi không hết. Cứ vậy để tình yêu màu hoa sim tím mãi không ngơi trong lòng những người chinh phụ nhớ chinh phu.
Hoa tím đời người sao có thể sánh bằng hoa tím chiều trên đỉnh Calve. Một người lê bước đi, vai mang nặng Thập hình, thân lao đao giữa chiều đau khôn cùng. Với một  tình yêu chạy xa tít len qua từng phận người, xuyên qua những đớn đau, cùng khổ . Người đó là người tình tuyệt vời của hơn 7 tỷ con người trên trái đất này. Người mang tên GIÊ-SU, quê ở làng thôn Nazareth. Sao không chết những con người tội lỗi, những người ăn ở thất đức, những người phản thầy chối bạn, những người đầu trộm đuôi cướp. Vâng họ không chết, để chết người hiền lành vô tội, để chết đi người con duy nhất của bà góa phụ Maria. Cũng là Người con một dấu yêu của Chúa Cha. Rồi từng chiều đau, trải qua hơn hai ngàn năm, nhân loại vẫn còn chìm trong “binh biến”, hàng ngàn trẻ thơ vô tội bị tước đoạt quyền sống. Những em thơ đành mất tuổi thơ. Công nghị và những bản án  bất công, những cái chết oan nghiệt, vẫn tàn nhẫn giày xéo trên những con người thấp cổ bé họng. Một thế giới vắng bóng Thiên Chúa tưởng là hoàn thiện, có đâu ngờ bao biến động, bất an lan tràn khắp noi nơi. Bản án Giêsu, bản án con người của ngày hôm nay trước những hận thù, chia rẻ, khủng bố, nghèo đói, thiên tai…
Chiều tím và những chiều đi không hết, Giê-su ơi sao nhân loại vẫn vô tình trước cái chết nghẹn ngào của Chúa. Mới hôm nào tung hô, xưng tụng, rồi sau đó là ném đá đóng đinh. Chúa chết thay cho con người, những con người mỏng dòn và yếu đuối. Chúa chết thay cho mỗi người trong chúng con, khi hằng ngày vẫn thấy mình là người có tội.
Lạy Chúa Giê-su, từ  máu chảy ra nơi cạnh sườn bị đâm thâu của Ngài, mà  phát xuất tình yêu cứu độ chúng con, xin phó dâng nhân loại, những con người đau khổ vì dịch bệnh cho tình yêu nhân từ của Chúa. Amen.

Câu chuyện Chúa Phục Sinh

Cứ mỗi đêm, một câu chuyện được kể, và một mạng người được thoát chết. Nhà vua cứ mãi lắng nghe, từng nhịp, từng nhịp, dòng chảy của thời gian. Cho đến khi không còn ai phải chết. Hai môn đệ trên đường Emmau, quay trở về Giêrusalem và thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và họ đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Như giữa hư và thực, các môn đệ bàng hoàng và ngây ngất, họ như tỉnh như say. Tâm trạng các môn đệ chất chứa đầy những hoang mang. Họ chụm vào nhau và kể cho nhau nghe những lần Chúa Giêsu hiện ra với họ. Đang lúc "tranh tối, tranh sáng" thì chúa Giêsu hiện đến, thế nhưng thay vì nhận ra Chúa thì các ông:" kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma"( Lc24, 37). Thật là tội nghiệp cho các ngài, như vừa trải qua cơn ác mộng, sự thất vọng và những nỗi chán chường đã gặm nhấm tâm hồn các Ngài. Làm sao mà có thể "bình chân như vại được", khi câu chuyện Chúa Giêsu sống lại cứ ngày một lan xa. Thấy các học trò còn e dè, và thậm chí còn ngờ vực, Chúa Giêsu phải trấn an các Ngài:" Sao anh em lại hỏang hốt? sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay thầy coi, chính Thầy đây mà! cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" (Lc 24, 38-39). Chúa Giêsu lại tiếp tục kể cho các Tông đồ nghe, bắt đầu bằng Kinh Thánh: sách luật Mô-sê, các sách ngôn sứ và Thánh vịnh. Tâm hồn các Ngài chợt bừng tỉnh, Chúa Giêsu kéo họ ra khỏi những giấc mộng vàng của kiếp phù vân, Ngài sai các tông đồ ra đi và làm chứng cho Tin mừng Phục sinh. Đấng phục sinh còn ăn uống trước mặt họ. Ôi quả thật hạnh phúc, các tông đồ không còn nhát đảm và sợ sệt nữa, Đức Giêsu Phục sinh đã làm cho niềm vui của các ngài òa vỡ, không thể im lặng được, họ cùng nhau đi đến với muôn dân loan tin mừng Chúa đã sống lại. Và phép lạ phục sinh đã xảy ra, người ta sám hối, con người tìm về với Chúa, lương tâm mọi người thức tỉnh, họ bắt đầu phản tỉnh: "Thưa các ông, vậy chúng tôi phải làm gì?" (Cvtđ 2,37).
Câu chuyện phục sinh chẳng bao giờ khép lại, người ta cứ mải mê kể cho nhau nghe," khi ấy... Đức Giêsu...", và mọi người thay nhau kể về câu chuyện hai môn đệ trên đường đi Emmau. Ngày hôm nay, cộng động Emmau do cha Henri Groúes sáng lập, nhằm giúp những người không nhà, không cửa tự tay xây dựng đời sống cho chính mình đã có mặt tại năm mươi quốc gia với 250 cộng đòan.
Trong thánh lễ mỗi ngày, linh mục cùng với cộng đòan dân Chúa, tiếp nối sứ mạng đã được Đức Giêsu ủy thác để vẫn mãi kể về câu chuyện Đấng đã Phục sinh . Alleluia!

Lm Giacôbê Tạ Chúc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây