1. Những gay go trong tiến trình xác nhận Thẩm Phán Amy Coney Barrett tại Thượng viện.

Như chúng tôi đã loan tin, lúc 5g chiều ngày thứ Bẩy 26 tháng 9 theo giờ miền Đông Hoa Kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện, qua đó tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ và ông hy vọng sẽ tạo ra một động lực cần thiết cho nỗ lực tái tranh cử của mình.

Việc đề cử này đã khởi động một tiến trình xác nhận rất được người Công Giáo và những người chủ trương phò sinh mong đợi trong một thời gian căng thẳng chưa đầy sáu tuần trước cuộc bầu cử tổng thống.

Lan Vy xin được giải thích với quý vị và anh chị em một chút về tiến trình này:

Đề cử của Barrett hiện được chuyển đến Thượng viện, nơi các thành viên của Ủy ban Tư pháp sẽ nghe lời khai của cô, đặt câu hỏi và gọi các nhân chứng, như một phần của quá trình “Advice and Consent”, nghĩa là “Tư vấn và Chuẩn thuận” được quy định trong Hiến pháp hk hk.

Sau các phiên điều trần, ủy ban có một số lựa chọn liên quan đến việc đề cử Barrett. Các thành viên có thể bỏ phiếu để gửi đề cử này đến toàn bộ Thượng viện một cách thuận lợi, không thuận lợi hoặc không có đề xuất— hoặc họ có thể chọn không hành động gì cả.

Khi đề cử của cô ấy được gửi đến toàn thể Thượng viện, cơ quan này sau đó sẽ cân nhắc và bỏ phiếu để xác nhận của cô ấy.

Các xác nhận gần đây về việc đề cử vào Tòa án Tối cao cho thấy toàn bộ quy trình thường kéo dài từ hai đến ba tháng. Lãnh đạo đa số tại Thượng Viện Mitch McConnell của Đảng Cộng Hòa đơn vị Kentucky nói rằng ông sẽ gặp Barrett trong tuần này và Thượng viện sẽ bỏ phiếu xác nhận bà “trong vài tuần tới”, nhưng không nêu rõ là ngày nào.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham thuộc Đảng Cộng Hòa đơn vị South Carolina cho biết các phiên điều trần xác nhận của Barrett sẽ bắt đầu vào ngày 12 tháng 10 và “sẽ kéo dài từ ba đến bốn ngày mà thôi.”

Phiên điều trần đầu tiên sẽ bao gồm các tuyên bố mở đầu của các thành viên trong ủy ban và của Barrett, sau đó là các thành viên chất vấn cô. Tiếp theo là lời chứng của những người hiểu rõ nhất về Thẩm Phán Barrett và các chuyên gia pháp lý.

Barrett dự kiến sẽ không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào từ các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, là những người cho rằng việc xác nhận nên đợi cho đến sau cuộc bầu cử. Thượng nghị sĩ Mazie Hirono của đảng Dân Chủ đơn vị Hawai, và Richard Blumenthal của đảng Dân Chủ đơn vị Connecticut đã nói rằng họ sẽ không gặp Barrett trước phiên điều trần của ủy ban. Blumenthal đi xa đến mức tweet rằng việc đề cử này là một phần của “quy trình giả mạo bất hợp pháp, chỉ trong một tháng trước một cuộc bầu cử.”

Đảng Cộng hòa chiếm một chút lợi thế về số lượng thành viên ủy ban và trong toàn bộ Thượng viện, và do đó có thể xác nhận Barrett bằng các phiếu bầu theo đường lối của đảng. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Susan Collins của Đảng Cộng Hòa đơn vị Maine đã nói rằng bà ta sẽ bỏ phiếu chống, và Lisa Murkowski của Đảng Cộng Hòa đơn vị Alaska đã phản đối việc đề cử trước cuộc bầu cử, mặc dù cả hai đều nói rằng họ sẽ gặp Barrett để nghe cô trình bày.


Source:Catholic News Agency'Advice and Consent': How the Senate will vet Amy Coney Barrett
2. Thẩm phán Amy Coney Barrett là người thường xuyên bị bách hại vì niềm tin Công Giáo của cô

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Để hiểu tiến trình xác nhận Thẩm Phán Amy Coney Barrett tại Thượng viện sẽ gay go như thế nào, Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết như sau:

Trong quá trình xác nhận Barrett làm Thẩm Phán Tòa án phúc thẩm thứ bảy vào năm 2017, cô đã phải đối mặt với những câu hỏi về niềm tin tôn giáo của mình trong một số vấn đề nhất định.

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của đảng Dân Chủ đơn vị California, Thành viên cấp cao của ủy ban, ca ngợi Barrett, lưu ý rằng “ thật tuyệt vời khi có bảy đứa con mà vẫn làm được những gì bạn làm.” Tuy nhiên, sau lời ca ngợi này ba ta đã ra đòn tới tấp nhằm hạ gục Barrett vì đức tin Công Giáo của cô. Bà ta gọi việc đề cử Barrett của Tổng thống Trump là một hành động gây tranh cãi, vì Barrett ‘có một lịch sử lâu dài đề cao niềm tin Công Giáo’.

“Bạn đang gây tranh cãi vì nhiều người trong chúng tôi đã sống một cuộc sống của những người phụ nữ thực sự nhận ra giá trị cao cả của khả năng kiểm soát hệ thống sinh sản của chính mình, như Roe đã làm.”

“Và tôi nghĩ trong trường hợp của bạn, thưa giáo sư, khi bạn đọc các bài phát biểu của mình, kết luận mà người ta rút ra là các giáo điều sống rất ồn ào trong lòng bạn. Và đó là điều đáng quan tâm,” Feinstein nói.

Thượng nghị sĩ Dick Durbin của đảng Dân Chủ đơn vị Illinois, một người xưng mình là Công Giáo cũng tấn công Barrett tới tấp. Năm 2004, Dick Durbin đã bị Đức Cha George Joseph Lucas Giám Mục Springfield, Illinois cấm rước lễ vì lập trường ủng hộ phá thai của ông ta. Hai ngày trước lễ nhận tòa của ngài vào ngày 22 tháng 6, 2010, Đức Cha Thomas Paprocki, người kế vị Đức Cha Lucas cũng nói rõ là lệnh cấm của vị tiền nhiệm vẫn có hiệu lực. Dick Durbin đã công kích Barrett vì dùng thuật ngữ “orthodox Catholic”, nghĩa là “Công Giáo chính thống” trong một tác phẩm cô viết chung với giáo sư Luật John Garvey. Dick Durbin cho rằng Barrett là người Công Giáo quá khích, chứ không “cởi mở” như ông ta, và do đó, không nên được đề cử giữ chức Thẩm Phán.

Nếu Thẩm Phán Amy Coney Barrett vào được Tối Cao Pháp Viện, nhóm phò sinh sẽ có đến 6 Thẩm Phán trong số 9 Thẩm Phán. Hơn thế nữa, các Thẩm Phán của Tòa Án Tối Cao tại Hoa Kỳ không có nhiệm kỳ. Khi vào được, họ sẽ ở đó cho đến khi họ qua đời hay đến khi họ muốn từ chức. Thẩm Phán Ruth Bader Ginsberg là một ví dụ, bà ở đó cho đến khi qua đời ở tuổi 87.

Vì thế việc đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện sẽ tái định hình một cách mạnh mẽ cơ quan tư pháp liên bang, tạo ra những ảnh hưởng phò sinh kéo dài hàng thế hệ.

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ nhanh chóng xác nhận việc bổ nhiệm cô Barrett trước cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11, vì họ nhắm đến việc bảo đảm lợi ích của các chính sách phò sinh trong cơ quan tư pháp liên bang trước khi có khả năng xấu nhất là phải chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden.


Source:Catholic News Agency
'Dogma lives loudly in you' - Amy Coney Barrett's 2017 confirmation hearing
3. Thẩm phán Amy Coney Barrett theo lời giới thiệu của Tổng thống Trump

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện, ông đã giới thiệu cô như sau:

Thẩm phán Barrett tốt nghiệp đại học Rhodes và khoa luật trường Đại học Notre Dame. Tại Notre Dame, cô giành được học bổng toàn phần, từng là biên tập viên điều hành của tờ báo về luật. Tốt nghiệp hạng nhất trong lớp và nhận được giải thưởng của trường luật về thành tích và học bổng xuất sắc nhất. Sau khi tốt nghiệp, cô trở thành thư ký cho thẩm phán Lawrence Silberman tại Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ ở thủ đô. Amy sau đó đã nhận được một trong những danh hiệu cao quý nhất. Cô là một luật sư trẻ đã được phục vụ trong tư cách một thư ký tại Tòa án tối cao cho Thẩm Phán Antonin Scalia. Một giáo sư luật rất được kính trọng tại Notre Dame đã viết thư cho Justice Scalia trong một lá thư giới thiệu chỉ có một câu duy nhất.

Ông ấy viết: “Amy Coney là sinh viên giỏi nhất mà tôi từng có”, một câu thật tuyệt. Thẩm Phán Scalia đã tuyển dụng cô ấy ngay lập tức và chúng tôi rất vinh dự khi có người vợ tuyệt vời của ông ở đây, Maureen, Maureen đâu rồi? Maureen Scalia có mặt với chúng ta ngày hôm nay. Cảm ơn bà. Và có cả Bộ Trưởng Lao Động tuyệt vời của chúng ta. Cảm ơn rất nhiều. Xin cảm ơn ngài Bộ Trưởng. Tôi có thể nói là có những gen rất tốt trong gia đình đó, những gen rất tốt. Trước khi được bổ nhiệm làm quan toà, Thẩm phán Barrett đã có 15 năm làm giáo sư tại khoa luật trường Đại học Notre Dame. Cô nổi tiếng với học bổng của mình, được đồng nghiệp tôn vinh và học sinh yêu quý. Ba lần, cô được chọn là giáo sư xuất sắc trong năm của Notre Dame. Khi tôi đề cử thẩm phán Barrett phục vụ tại tòa phúc thẩm Hoa Kỳ thứ bảy vào năm 2017, mọi thư ký luật trong thời gian cô ấy làm việc tại tòa án tối cao, đã ca ngợi cô và tán thành việc đề cử cô ấy.

Xin được trích dẫn những gì họ viết: “Chúng tôi là các đảng viên Dân chủ, Cộng hòa và Độc lập, nhưng chúng tôi viết chung để ủng hộ việc đề cử giáo sư Barrett làm thẩm phán tòa kháng án. Giáo sư Barrett là một phụ nữ thông minh và có nhân cách đáng nể. Cô ấy có đủ điều kiện xuất sắc cho công việc này.” Và tôi có thể nói với các bạn, tôi cũng đã làm như thế. Tôi đã xem xét và tôi đã nghiên cứu và thấy rằng cô rất có khả năng xuất sắc cho công việc này. Cô sẽ trở nên một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện tuyệt vời, cảm ơn bạn, thực sự tuyệt vời. Toàn bộ các giảng viên và khoa luật trường Đại Học Notre Dame, tất cả mọi người ở trường đó đều đồng thanh như vậy. Họ cho biết: Chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư, và cũng đã viết thư ủng hộ việc đề cử Amy vào tòa phúc thẩm thứ 7: “Bất chấp sự khác biệt của chúng tôi, chúng tôi đồng thanh nhất trí rằng hệ thống hiến pháp của chúng ta phụ thuộc vào một nền tư pháp độc lập do những người tài năng, cống hiến cho sự quản lý pháp luật công bằng và khách quan của nhà nước pháp quyền. Và chúng tôi nhất trí rằng Amy là một người như vậy. Trong ba năm qua, Thẩm phán Barrett đã phục vụ thật xuất sắc tại tòa án liên bang. Amy không chỉ là một học giả và một thẩm phán xuất sắc, cô ấy còn là một người mẹ tận tụy sâu sắc.

Gia đình cô ấy là một phần cốt lõi của con người Amy. Cô đã mở rộng ngôi nhà và trái tim của mình và nhận nuôi hai đứa trẻ xinh đẹp từ Haiti. Mối quan hệ đáng kinh ngạc của cô với đứa con út, cậu con trai mắc hội chứng down là nguồn cảm hứng thực sự. Nếu vị Thẩm Phán này được xác nhận, Barrett sẽ làm nên lịch sử với tư cách là người mẹ đầu tiên phục vụ tại tòa án tối cao Hoa Kỳ với những đứa con đang còn trong độ tuổi đi học. Điều đó rất tốt. Tôi chào các con của cô, Emma, Vivian, Tess, John Peter, Liam, Juliet và Benjamin. Cảm ơn các con đã chia sẻ người mẹ tuyệt vời của các con với đất nước của chúng ta. Cảm ơn rất nhiều. Amy Coney Barrett sẽ quyết định các trường hợp dựa trên văn bản của hiến pháp như đã viết. Như Amy đã nói, “Làm thẩm phán cần có sự can đảm. Các bạn không ở đó để quyết định các trường hợp tùy thích. Các bạn ở đó để thực hiện nghĩa vụ của mình và tuân theo luật pháp bất cứ trong mọi tình huống nào do dòng đời đưa đẩy đến. Đó chính xác là những gì Thẩm phán Barrett sẽ làm tại tòa án tối cao Hoa Kỳ.


Source:The White House
Remarks by President Trump Announcing His Nominee for Associate Justice of the Supreme Court of the United States
4. Ðức Thánh Cha cử hành lễ bổn mạng đội Hiến Binh Vatican.

Nhân lễ Tổng lãnh Thiên thần Micae, bổn mạng và bảo trợ của Cảnh sát Ý và Ðội Hiến binh Vatican, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ cho đội Hiến binh Vatican vào chiều ngày 26 tháng 9, tại bàn thờ Ngai tòa của đền thờ Thánh Phêrô.

Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha nói đến việc hoán cải, đề tài của bài Tin Mừng Chúa Nhật XXVI Thường niên năm A. Ðức Thánh Cha chỉ ra con đường hoán cải là đến gần, là sự gần gũi, một sự gần gũi phục vụ: “Mỗi khi anh em gần gũi để phục vụ, hãy bắt chước Chúa Giê-su. Mỗi khi anh em thực hiện việc giữ trật tự, hãy nghĩ rằng anh em đang phục vụ, đang thực hiện một sự hoán cải, đó là phục vụ. Khi làm như thế, anh em sẽ làm điều tốt cho tha nhân. Và vì điều này, tôi cám ơn anh em.”

Ðức Thánh Cha giải thích với các Hiến binh rằng phục vụ là con đường hoán cải. Ngài nhấn mạnh rằng hoán cải giống như vòng tay của Thiên Chúa, con đường gặp gỡ nhau trong đó xảy ra như trong câu chuyện người cha với đứa con hoang đàng. Một người đi gặp gỡ một người khác: một bên là một người rời bỏ tất cả để ôm lấy người khác, một bên là một người không cảm thấy bị phạt nhưng được lắng nghe và tha thứ. Và Ðức Thánh Cha nhấn mạnh đó là cách thế mà các hiến binh Vatican cần theo.

Kết thúc bài giảng, Ðức Thánh Cha cám ơn các Hiến binh Vatican: “Cám ơn sự phục vụ của anh em. Cám ơn anh em vì sự phục vụ theo cách thức này của anh em. Ðôi khi có người trượt ngã một tí, nhưng có ai lại không vấp ngã trong cuộc sống? Tất cả. Nhưng chúng ta hãy trỗi dậy và nói: 'Tôi đã không làm tốt, nhưng từ bây giờ tôi sẽ làm tốt'. Hãy theo cách thế này để hoán cải chính mình và hoán cải người dân”.


Source:Catholic Sentinel
Pope gives message to police
5. Thánh tích của thánh Gioan Phaolô II bị ăn trộm tại nhà thờ chính tòa Spoleto.

Hôm 23 tháng 9 năm 2020, Ðức Tổng giám mục Renato Boccardo của giáo phận Spoleto-Norcia, ở miền trung Italia, kêu gọi kẻ ăn trộm hãy trả lại thánh tích là giọt máu của thánh Gioan Phaolô II.

Thánh tích đặt trong một mặt nhật, được giữ và tôn kính trong nhà nguyện Chúa Chịu Ðóng Ðanh, thuộc Vương cung thánh đường Spoleto. Thông cáo của tòa Tổng giám mục địa phương cho biết, bà từ coi nhà thờ đã phát hiện vụ trộm khi đóng cửa thánh đường. Tòa Tổng giám mục đã báo ngay cho cảnh sát địa phương và các nhân viên đang tiến hành cuộc điều tra, xem lại những hình ảnh được thu lại trong máy video canh chừng.

Ðức Tổng giám mục Boccardo đã bày tỏ đau buồn và kinh ngạc khi được tin này và lên án hành động phạm thánh, làm thương tổn sự nhạy cảm và lòng sùng mộ của bao nhiêu người. Ngài gửi một sứ điệp Video kêu gọi thủ phạm hãy trả lại thánh tích, đồng thời hy vọng vụ trộm này không nhắm mục đích mưu lợi lộc.

Thánh tích là những giọt máu của thánh Gioan Phaolô II, đựng trong một ống nhỏ, và giữ trong một mặt nhật mạ vàng, được Ðức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, cựu bí thư của Ðức Cố Giáo hoàng, và bấy giờ là Tổng giám mục giáo phận Cracovia, tặng cho nhà thờ chính tòa Spoleto. Thánh tích này, theo dự kiến sẽ được chuyển qua nhà thờ mới thánh Nicolò, ở Spoleto dâng kính thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng và sẽ được thánh hiến ngày 22 tháng 10 năm 2020.

Thánh Giáo hoàng qua đời hồi tháng Tư năm 2005, cho đến nay mới được 15 năm. Theo thông lệ, mộ chỉ có thể được mở ra 30 năm, sau khi thánh nhân qua đời.


Source:Aleteia
Pope John Paul II relic stolen from Italian cathedral