CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN – NĂM B

Thứ sáu - 04/10/2024 11:05
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN – NĂM B
St 2,18-24; Dt 2,9-11; Mc 10,2-16
 


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
2Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” 3Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông
thế nào?” 4Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. 5Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. 6Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. 7Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, 8và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. 9Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.
10Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. 11Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. 12Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.
{13Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. 14Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. 15Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. 16Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.

SUY NIỆM 1: GIA ĐÌNH LÀ NỀN TẢNG CỦA XÃ HỘI VÀ CỦA GIÁO HỘI

Một số người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu đặt câu hỏi về việc ly dị để gài bẫy Người: Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?”. Nhưng Chúa Giêsu trả lời bằng một câu hỏi, bắt họ phải nhìn nhận công khai rằng, việc được ly dị không phải là một điều luật trong luật Môisen, nhưng chỉ là một điều được Môisen cho phép. Bấy giờ, Chúa Giêsu tuyên bố rằng sở dĩ ông Môisen cho phép viết chứng thư mà rẫy vợ vì họ lòng chai dạ đá. Nhưng lời miễn chuẩn này không hủy bỏ được Luật căn bản.
Dù truyền thống Do Thái có cổ xưa đi chăng nữa, Chúa Giêsu vẫn nhắc lại ý muốn của Đấng Tạo Hóa khi kể lại câu chuyện trong sách Sáng Thế (bài đọc I). Bằng những hình ảnh đơn sơ, nhiều tưởng tượng nhưng đầy ý nghĩa, giống như truyền thuyết “Một mẹ trăm con” của dân tộc Việt Nam, tác giả sách Sáng Thế giúp chúng ta khám phá ra những chân lý căn bản và sâu sắc về mối tương quan vợ chồng cũng như về gia đình.
1/ Đàn ông ở một mình không tốt”. Câu này làm đề tài cho nhiều cuộc tranh luận sôi nổi cũng như nhiều chuyện phiếm khôi hài. Thực ra, đây là do bản văn cũ dịch sai! Tên Adong hay Ađam có nghĩa là “con người”, là nhân tính; dịch ra tiếng Anh là “man”, tiếng Pháp là “homme”. Chữ này có hai nghĩa: con người và đàn ông. Do đó câu dịch đúng sẽ là: Con người ở một mình không tốt”. Con người sinh ra là để sống cùng và sống với, với người khác, với gia đình, đoàn thể, xã hội... chứ không thể sống đơn độc một mình.
2/ Hình ảnh ông Ađam ngủ say khi Chúa tạo dựng bà Evà là một biểu tượng gồm nhiều ý nghĩa: “người khác” vẫn là một điều bí mật; tác động của Chúa luôn là một mầu nhiệm; chính Chúa sáng tạo sự sống chứ không phải con người.
3/ Người nam và người nữ bình đẳng như nhau vì được dựng nên từ cùng một xương, một thịt, cùng một nhân tính, một phẩm giá.
4/ Đôi vợ chồng phải sống trong sự hợp nhất thâm sâu và bất khả phân ly. Sự hợp nhất ấy được biểu lộ qua sự truyền sinh. Con cái chẳng phải là “một thân thể” xuất phát từ tình yêu vợ chồng hay sao?
Sự hợp nhất chủ yếu này phải đuợc duy trì và bảo vệ bằng mọi giá, vì đó là ước muốn của Thiên Chúa đối với đôi vợ chồng cũng như đối với gia đình. Vì thế, Chúa Giêsu mạnh mẽ xác nhận: Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Người đến để khôi phục sự sáng tạo theo lệnh truyền của Đấng Tạo Hóa.
Thế nhưng, những người Do Thái giải thích bản văn của sách Sáng Thế về đôi vợ chồng theo lối của họ. Những người Pharisêu tự cho phép né tránh luật Chúa và đề xuất một vài luật trừ. Theo hướng của các ngôn sứ, Chúa Giêsu trở về nguồn và phản đối những giải thích sai lầm của họ: Tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?... các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa?” (Mt 15,3-6).
Chúa nhật hôm nay, Giáo Hội nói về gia đình và cầu nguyện cho gia đình. Gia đình là nền tảng của xã hội và của Giáo Hội. Thiên Chúa là nguồn sự sống, nhưng tình yêu vợ chồng làm cho sự sống đó được sinh ra; gia đình là vườn ươm trồng cho sự sống được phát triển và sinh hoa kết trái. Gia đình cũng là nơi gieo mầm đức tin và rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu cũng cần một gia đình để được sinh ra, lớn lên và phát triển về nhân tính. Cha Stan Rougier có nói: Nếu Thiên Chúa phát minh gia đình, bởi vì gia đình giống Người. Thiên Chúa của Kitô hữu không đơn độc. Người cần Ba Ngôi để thành Thiên Chúa”.
Nhưng trong cuộc sống, không có con đường nào hoàn toàn trơn tru, thẳng tắp cả, nhất là con đường tình yêu hôn nhân. Đời sống gia đình không thể tránh khỏi những khó khăn, thử thách. Trong hôn nhân, chung thủy và tha thứ luôn gắn bó với nhau. Chồng hoặc vợ tha thứ cho nhau là vì để muốn tỏ cho người bạn đời của mình hiểu rằng cuộc sống ngày mai sẽ khá hơn ngày hôm qua. Tha thứ không phải chỉ là quên những chuyện quá khứ, nhưng còn cao xa hơn nữa: tha thứ là để muốn cùng nhau tiếp tục xây dựng tương lai. Gia đình luôn là nơi cao trọng của tình yêu con người, của tình yêu lâu bền, chung thủy, mạnh hơn cả những thử thách và thất bại.
Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta không nên phán xét và kết án. Chúng ta hiểu rõ rằng luật xã hội và luật Giáo Hội rất cần thiết, nhưng sự phán xét của Chúa không bị giới hạn trong sự phán xét của loài người. Người nhìn xa và rộng hơn.
Xin Chúa chúc lành và ban ơn cho mỗi gia đình chúng ta luôn biết sống thương yêu nhau trong sự chung thủy, tin tưởng, nhẫn nại và tha thứ. Ước gì mỗi gia đình và mỗi người chúng ta là những chứng nhân tình yêu của Chúa, vì ở đâu có tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa hiện diện.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

SUY NIỆM 2: BÀI TÌNH CA ĐẦU TIÊN
“Đây là xương bởi xương tôi…”
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một quan niệm về tình yêu hôn nhân và gia đình trong đạo mới.
Trước hết, Sách Sáng thế mô tả cái nhìn đầu tiên, âu yếm và ngây ngất của ông Ađam trên Eva, người bạn đường từ trong bàn tay tạo dựng của Thiên Chúa xuất hiện. Đó là bài tình ca đầu tiên: “Đây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là đàn bà (Ishâh) vì bởi đàn ông (Ish) mà ra”. (Stk 2,23). Hai nguyên tổ là những tạo vật do Thiên Chúa dựng nên, giống hình ảnh Người và do một tình thương đặc biệt. “Người đàn ông ở một mình không tốt, Ta phải ban cho nó một người bạn tri kỷ”. Vì thế, hai người sẽ phối hợp với nhau trở nên một xương một thịt. Tình yêu vợ chồng phải là một tình yêu, duy nhất và chung thủy: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.
Nhưng tình yêu loài người có thể vươn lên tột đỉnh non cao, mà cũng có thể rơi xuống hố sâu vực thẳm. Sách Sáng Thế mở màn bằng mối tình keo sơn giữa hai nguyên tổ. Nhưng, than ôi, lịch sử cũng đầy nhan nhãn những cuộc chia ly, đổ vỡ và phản bội. Không phải chỉ trong hàng ngũ người ngoại đạo mà cả trong tập đoàn dân Chúa. Theo linh mục Lawrence Wrenn, chánh án tòa án hôn phối giáo phận Hartfort, Connecticut, thập niên trước đây có 120,000 đôi ly hôn tại tòa án dân sự và có phân nữa tái hôn. Họ cảm thấy bối rối, buồn phiền nên lập ra nhiều nhóm đòi sự thông cảm của Giáo Hội.
Ngày xưa, người Do Thái nói với Chúa: Ông Môsê cho phép rẫy vợ thì ngày nay họ nói: Luật pháp cho phép! Như xưa Chúa trả lời vì sự cứng đầu của các ông, thì ngày nay Chúa vẫn khẳng định: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Lời Chúa đưa ta đến nhận định này: Luật pháp trần gian chỉ có hiệu lực khi không phản lại luật Thiên Chúa. Chứng chỉ ly dị, trước mặt Chúa chỉ là mảnh giấy vụn: “Ai bỏ vợ mình mà lấy vợ khác thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác thì cũng phạm tội ngoại tình”. Những nguyên tắc căn bản của luật Chúa sẽ giúp cho đôi vợ chồng trong lúc gặp khó khăn, bão bùng, giông tố, biết tự chủ, biết nhịn nhục, để giữ vững hạnh phúc. Đó cũng là một ơn của Bí tích hôn nhân.
Và Phúc Âm Marcô kết luận bằng một bối cảnh rất dễ thương. Một đám con trẻ đến quây quần chung quanh Chúa. Ngài ôm chúng vào lòng và đặt tay chúc lành cho chúng. Phải chăng đó cũng là một sự mời gọi các đôi vợ chồng, các người làm cha mẹ? Khi trái tim đôi bên không còn cùng rung một nhịp, khi phải chước cám dỗ muốn từ bỏ, chia ly, hãy nhìn vào con cái mình, những nạn nhân vô tội. Bỏ nhau, đường ai nấy đi là một cách giải quyết cho mình, nhưng còn chúng, chúng đi đâu? Biết dâu chúng lại trở nên kẻ thù của cha mẹ, bỏ công sinh thành. Đây chứng từ của một em bé tên là Nina, trích trong cuốn “Dossier des enfants du divorce” (Con cái người ly dị) của Jeanne Delas: Ba thương mến, con viết về bàn giấy của ba vì con không biết bây giờ ba ở đâu, vì ba đã bỏ gia đình. Con mong rằng ba mạnh khoẻ và nhớ đến bé Nina mỗi tối khi ba đi ngủ. Con mong rằng bà ấy không dữ lắm. Con chắc là bà dữ, vì bà đã bắt ba bỏ nhà ra đi. Con hôn ba. Nina” (trg 74).
Chúa phán: “Hãy để con trẻ đến với Ta, dừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng”. Nước Trời là thiên đàng của nhi đồng. Một người thanh niên đã nói: “Nhìn thấy cha mẹ tôi thương yêu nhau, tôi hiểu hơn về Thiên Chúa”.
Phía sau đại thánh đường kính Bà Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu ở Lisieux, có hai phần mộ nằm song song. Đó là các phần mộ của thân phụ và thân mẫu của Thánh Nữ. Ông Louis Martin và bà Zelie Guérin. Trước hai phần mộ có pho tượng vị Thánh Nữ, với câu khắc ghi lời Bà đã nói: Tôi cám ơn Thiên Chúa đã cho tôi những người làm cha mẹ đáng thiên đàng hơn là trần thế (Đọc: Chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu của H.P. trg 246).
“Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trogn gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như chồi non của nhóm ôliu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. Đó là phúc lột dành cho người biết kính sợ Chúa” (Tv 127, 1-2 – Đáp Ca)
 Lm. Hồng Phúc

SUY NIỆM 3: GIA ĐÌNH- HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA BA NGÔI
Gia đình là phần tử nền tảng của Giáo Hội và xã hội. Gia đình được xây dựng trên tình yêu: tình yêu của vợ chồng với nhau, tình yêu của cha mẹ đối với con cái, và tình yêu của con cái đối với cha mẹ. Tình yêu, tương quan giữa con người với nhau, cần được trân trọng và vun trồng, để đạt tới mức trọn hảo trong Thiên Chúa.
I. Thật tuyệt vời tình yêu nam nữ
Sách Sáng Thế chương hai cho thấy Thiên Chúa đã tạo dựng con người, đặt con người trong vườn địa đàng, và cho con người được quyền đặt tên mọi sinh vật. Adam không tìm thấy cái gì thích hợp với mình cho tới khi Thiên Chúa tạo dựng Evà, và dẫn Evà tới gặp Adam. Adam tìm được niềm vui đặc biệt khi được Evà sống bên cạnh làm bạn đồng hành. Người nam và người nữ được tạo dựng, để sống bên nhau và nâng đỡ nhau, để cùng nhau tiến bước về với Thiên Chúa.
Thật đẹp tình yêu giữa người nam và người nữ. Hai người quyến luyến và cảm nghiệm hạnh phúc bên nhau. Họ sẵn sàng hy sinh cho nhau, hạnh phúc khi thấy người mình yêu hạnh phúc. Họ sống cho nhau và vì nhau. Con cái là tình yêu của hai người, là điểm nối kết hai người, giúp họ sống triển nở và hạnh phúc. Tình yêu và hạnh phúc giữa hai người nam nữ, là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện và chúc phúc cho con người, cụ thể là hai người đang yêu nhau này. Không ai phá hủy được tình yêu giữa hai người, nếu không phải là chính một trong hai người. Hành vi tội của một trong hai, có thể phá vỡ hạnh phúc của họ.
Sau khi Evà và Adam phạm tội, Adam đã nhìn Evà với một ánh mắt khác, như nguyên nhân làm cho mình trở nên tệ hơn và xa lìa Thiên Chúa: “chính người đàn bà mà Ngài đã đặt bên tôi, đã hái trái Ngài cấm đưa cho tôi nên tôi đã ăn”. Adam đã không dám nhận trách nhiệm và đổ lỗi cho Evà. Đúng là Evà có cám dỗ Adam ăn trái cấm, nhưng Adam hoàn toàn tự do. Nếu Adam dứt khoát không ăn, thì Evà đâu có làm gì được ông. Adam ăn, là do chọn lựa của ông, vì Adam tự do!
II. Điều Thiên Chúa liên kết con người không được phân ly
Tình yêu không chỉ là cảm tính mà còn là hành vi nhân linh. Để thành vợ thành chồng, hai người nam nữ phải chọn nhau suốt đời. Họ muốn chọn nhau ngay cả lúc bệnh hoạn yếu đau, họ chọn nhau lúc vui cũng như khi buồn, khi thành công cũng như khi thất bại. Tuy nhiên, con người là hữu thể tự do, một hữu thể có thể thay đổi chọn lựa của mình. Hôm nay một người chọn điều này, ngày mai có thể họ lại chọn điều khác. Hai người nam nữ muốn thành vợ thành chồng, họ cũng ý thức thân phận con người mong manh mỏng dòn đó, nhưng họ vẫn muốn tình yêu của họ thành vĩnh cửu, thế nên họ đã thề nguyền chọn nhau cả đời, thề nguyền trọn đời chung thủy với nhau.
Tội là cố tình làm điều xấu. Chính hành vi chọn điều xấu này đã làm biến dạng con người phạm tội, đã làm họ ra khác, trở nên “xấu như quỷ”. Quỷ chính là thiên thần đã muốn độc lập với Thiên Chúa, đã không vâng phục Thiên Chúa, đã từ chối sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Evà đã muốn thành một thần linh không tùy thuộc Thiên Chúa; tuy nhiên không thể là một thần linh mà không tùy thuộc Thiên Chúa vì con người chỉ là tạo vật. Không chấp nhận thân phận thụ tạo, là không chấp nhận chính mình, là muốn phản kháng chống lại Thiên Chúa. Một hành vi như vậy không làm con người triển nở và hạnh phúc; Hành vi đó đã làm biến dạng con người, đã làm họ ra xấu, và làm họ không hạnh phúc; Họ không hạnh phúc với chính họ, và không hạnh phúc với người khác.
Không chung thủy, muốn chọn người khác, là một cám dỗ có thể xảy đến trong đầu của một người đã lập gia đình. Con người được mời gọi để thắng vượt cám dỗ, để là một người vợ người chồng chung thủy và tuyệt vời. Muốn những điều mới lạ, đó là khuynh hướng bình thường của con người; tuy nhiên, con người được mời gọi vươn lên thành người tuyệt vời qua việc thắng vượt chính mình, để người bạn đời là người chồng người vợ và con cái được hạnh phúc hơn. Chung thủy trong đời sống gia đình, là dấu chỉ của một người trưởng thành thật sự.
III. Tình yêu cần được vun tưới nuôi dưỡng
Tình yêu là tương quan giữa ngôi vị. Làm sao để hai người mãi yêu nhau? Làm sao để hai vợ chồng tin nhau hơn, trân trọng nhau, quan tâm săn sóc nhau hơn? Có lẽ hai người cần biết rằng tình yêu có thể chết nếu không được vun tưới chăm bón. Nghĩa là, họ có thể mất nhau nếu họ không cố gắng để đẹp hơn mỗi ngày. Nét đẹp về thể lý có thể mai một nhưng nét đẹp về tinh thần có thể được tăng lên với thời gian. Để được vậy, người này phải để ý tới người kia, phải quan tâm đến người bạn mình khi họ vui khi họ buồn, nâng đỡ họ khi họ gặp khó khăn.
Con người, cần được yêu một cách thật cụ thể, chẳng hạn, cần được yêu qua lời nói, qua sự quan tâm săn sóc. Con người cần thấy mình được yêu mỗi ngày. Mỗi người cũng cần cho thấy mình đẹp, mình đáng yêu mỗi ngày. Để được vậy, mỗi người phải tập quên mình, phải tập sống cho người khác, phải tập quan tâm đến người khác, tập săn sóc và biểu lộ tình thương yêu đối với người khác, tập coi người khác là quan trọng và rất quý đối với mình. “Anh (em) cần em (anh) để hạnh phúc” là một câu mà người bạn đời của mình thích được nghe lại, vậy tại sao mình lại tiết kiệm lời này?
Thiên Chúa là tình yêu. Mọi tình yêu đều đến từ Thiên Chúa. Tình yêu nam nữ cũng có nguồn gốc nơi Thiên Chúa. Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau đến độ tất cả tùy thuộc lẫn nhau. Đức Yêsu luôn lấy Ý Cha làm lương thực và lẽ sống cho mình; Ngài luôn cố gắng lấy Ý Cha làm ý mình. Là một trong thân xác, chưa đủ để duy trì và phát triển tình yêu; con người cần là một trong tâm trí, trong phán đoán, trong chọn lựa giáo dục con cái, trong cách sống… Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Thiên Chúa Ba Ngôi là nguyên mẫu và phải là nguyên mẫu của tình yêu gia đình.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Làm sao để chung thủy trong đời sống gia đình?
2. Làm sao để tình yêu vợ chồng không bị mai một nhưng mỗi ngày một sâu đậm hơn?
3. Theo bạn, có nên ly dị không? Tại sao?
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

 

SUY NIỆM 4: HÃY GÌN GIỮ HẠNH PHÚC  

Có lần đọc trên báo một tâm sự của một cô gái trẻ viết về nỗi đau của gia đình mình. Ngày ấy cô còn bé lắm. Một buổi sáng, còn đang ngon giấc trên giường, bỗng cô nghe bàn tay thô ráp của cha mình gọi dậy. Cha bắt hai chị em cô thay quần áo để cùng cha mẹ ra tòa ly dị. Hiểu được đây là một rủi ro, cô ôm đứa em trai của mình chui vào một góc nhà ngồi khóc tấm tức, cho đến khi cha cô bế xốc hai chị em cô ra xe và chở đi. Còn mẹ đạp xe theo sau mà dòng nước mắt chảy quanh. Trên đường ra tòa, hai ông bà không nói với nhau nửa lời. Cô cũng không thể nhớ trước tòa, cha mẹ cô đã nói với nhau điều gì, nhưng hình như có lúc hai người rất to tiếng với nhau. Chỉ biết sau phiên tòa, cô theo mẹ, còn em trai của cô thì theo cha. Căn nhà, nơi mà chị em cô đã từng được hưởng những ngày hạnh phúc, người khác đã mua. Thế rồi chị em cô cũng lớn lên. Ngày cô lên xe hoa, không có sự hiện diện của cha cô. Ngày hạnh phúc nhất của đời người con gái, cũng lại là ngày cô tủi thân nhất. Suốt tuổi nhỏ, cô đã không có cha ở bên cạnh yêu thương, dạy dỗ, chăm sóc, đã là một mất mát. Bây giờ lên xe hoa theo chồng, không có mặt cha, cô càng hụt hẫng. Dường như tình cha trong cô không còn chút nào nữa. Em trai của cô bây giờ đang ở tuổi thanh niên. Rồi đây, nó cũng sẽ lập gia đình. Cô tin rằng, ngày đám cưới của em không đầy nước mắt như ngày đám cưới của cô. Cô tha thiết ước mong, cha mẹ cô cố nén giận, cố nén tự ái để mà tham dự đầy đủ, để em cô được vui và không mặc cảm bị bỏ rơi như chính cô.
Đọc những lời trên đây của cô gái trẻ, tôi có cảm giác, cô không chỉ viết cho cha mẹ mình, mà hình như viết cho những ai đang làm cha, làm mẹ, và tất cả những người sẽ sống đời sống gia đình, sẽ làm cha, làm mẹ, để họ hiểu rằng, hạnh phúc gia đình là do chính vợ chồng tạo ra, nhưng hạnh phúc gia đình mất thì không chỉ gây bất hạnh cho chính vợ chồng, mà còn gây đau khổ cho những người liên hệ, cụ thể là những đứa con mà vợ chồng sanh ra nó. Bởi những đứa con thay vì có đủ cha mẹ, lại trở thành những đứa trẻ mồ côi. Thú thật, không có gì bi đát cho bằng mồ côi cha mẹ trong khi cha mẹ còn sống. nếu mồ côi thật sự, đứa bé có thể chấp nhận được, vì nó biết rõ, cha mẹ nó đã chết. Nhưng đàng này, cha mẹ nó còn sống mà nó phải thiếu cha hoặc thiếu mẹ.
Nhưng không phải tự dưng mà tôi nói đến gia đình, nói đến bất hạnh của việc vợ chồng bỏ nhau. Đúng hơn, do chính Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta. Bài đọc I, trích sách Sáng Thế diễn tả lời vui mừng của Ađam khi lần đầu tiên thấy Evà: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Ngay từ khởi đầu của nhân loại, Ađam, Evà đã ý thức được sự cao cả của tình yêu vợ chồng. “Xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” nghĩa là gì? Nghĩa là vợ chồng phải gắn bó với nhau như xương với thịt, đúng hơn: như xương trong thịt và thịt gắn chặt vào xương. Bởi thế, không thể tách xương ra khỏi thịt, hoặc tách thịt ra khỏi xương mà không gây đau đớn, không gây tê tái cho nhau.
Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nhắc ta về sự chung thủy của vợ chồng một cách dứt khoát hơn, nhấn mạnh hơn: “Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly”. Rõ ràng, trong lời dạy này, Chúa nhấn mạnh, hôn nhân là do Thiên Chúa muốn. “Thiên Chúa liên kết” kia mà! Do đó, nếu ai manh tâm phản bội vợ hay chồng của mình, phản bội hạnh phúc gia đình mà chính mình tạo ra, người đó cũng bắt đầu động chạm đến Thiên Chúa, vì đã cố tình đi ngược ý Thiên Chúa muốn. Nói cách khác, khi xúc phạm đến hôn nhân, không đơn thuần chỉ là xúc phạm đến những người có liên quan, mà còn xúc phạm đến chính Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra, chúc lành cho hôn nhân và làm cho hôn nhân trở nên tốt đẹp.
Ước mong các gia đình luôn luôn là mái ấm của tình yêu thương. Đặc biệt, gia đình Công giáo hãy là những mái ấm thật sự, nơi mà mọi người trong đó đều cảm thấy được yêu thương, vỗ về và cảm nhận hạnh phúc mà ngoài mái ấm gia đình ra, mình không thể tìm ở bất cứ nơi đâu. Những gia đình Công giáo phải là những gia đình đùm bộc nhau, để không còn cảnh ngay cả nhìn mặt nhau cũng không có, không còn cảnh vợ chồng bỏ nhau, không còn cảnh có những đứa con ôm nhau mà khóc vì cha mẹ chúng bất hòa, không còn cảnh những đứa con phải mồ côi cha mẹ trong khi cha mẹ còn sống, hay thiếu vắng cha mẹ trong ngày vui của những đứa con mà lẽ ra cả hai đều phải hiện diện, nhưng chỉ vì tự ái mà điều ấy đã không xảy ra.
Trên hết tất cả, chúng ta hãy để cho Lời Chúa thẩm thấu vào tâm hồn mình, để Lời Người dạy thực sự là lời thúc bách ta trong từng ngày sống của mình: sống làm sao đúng với mục đích của hôn nhân: Sinh con và giúp đỡ lẫn nhau. Ta hãy nhớ rằng: “Sự gì Thiên Cha đã liên kết, loài người không được phân ly”, để gia đình mãi mãi là gia đình hạnh phúc, và mọi người trong gia đình mãi mãi hưởng bình an.

 Lm. Vũ Xuân Hạnh.

 

SUY NIỆM 5: HÔN NHÂN TRONG TIN MỪNG NHÂN ÁI

Hôn nhân, với các khía cạnh liên quan của nó, vẫn luôn là một vấn đề lớn của xã hội loài qua các thời đại. Trước đây tôi vẫn thường coi nó là một vấn đề thuần luân lý. Chính vì suy nghĩ như thế cho nên trong công tác mục vụ, tôi thường xuyên phải đối mặt với, một bên là những đòi hỏi bền vững của các ràng buộc luân lý, bên kia là sự yếu đuối mỏng dòn của thực tế con người. Không ít lần trong thâm tâm tôi cảm thấy bị xâu xé khủng khiếp; không biết cách nào trung hòa giữa hai trạng thái đối nghịch nhau như thế.
Xét về khía cạnh con người vốn mãi mãi là ‘lòng chai dạ đá’, thì luân lý hôn nhân, ngay cả trong các nền luân thường đạo lý chặt chẽ nhất, chẳng hạn như Luật Mô-sê của Cựu Ước, cũng vẫn phải mở ra lối thoát; “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ”. Đối với một xã hội thượng tôn luật pháp như Do Thái Giáo thời Đức Giêsu, thì ly dị trong một số trường hợp được pháp luật qui định, đúng là một lối thoát cần thiết. Xã hội nào cũng vậy, thời xưa cũng như ngày nay, mọi người đều nhận thức, cách này hay cách khác, giá trị của hôn nhân, và đều mong muốn duy trì nó cho thật bền vững. Thế nhưng thực tế phũ phàng không ngừng yêu cầu phải chấp nhận, trong một số trường hợp bất khả kháng, một sự phân ly dưới hình thức này hay hình thức khác, ly dị hay ly thân… hay gọi là gì cũng được. Mấy ông Pha-ri-sêu quen đề cao luật pháp, khi đặt câu hỏi trước Thầy Giêsu, họ cũng thừa biết rằng học thuyết mà Người đang giảng dạy, cho dầu có cao đẹp tới mấy, cũng khó có thể đi ra ngoài cái lẽ thường tình này. Hiểu như thế, ta sẽ thấy câu Đức Giêsu trả lời họ thực không đơn giản chút nào. Rõ ràng ở đây Thầy không giới thiệu một nền luân lý mới, chắt chẽ hơn, khắt khe hơn những gì họ từng giảng dạy. Vì là một người phàm ‘giống chúng ta mọi đàng’ (Dt 4:15), Người chắc chắn không thể nhắm mắt làm ngơ trước một nhân loại mỏng dòn yếu đuối, nhất là trong lãnh vực tình dục nhạy cảm của hôn nhân. Và vì là người đang rao giảng về một Thiên Chúa nhân ái và thứ tha, Đức Kitô chắc chỉ muốn cống hiến một giải pháp cho vấn đề hóc búa này hoàn toàn dưới nhãn quan Tin Mừng. Theo một số nhà chú giải Kinh Thánh thì, trong nền văn hóa cổ đại, ‘lúc khởi đầu công trình tạo dựng’ không chỉ mang ý nghĩa thời gian hoài cổ, mà còn để chỉ thời vàng son của mạc khải Thiên Chúa (xem chú thích trong Christian Community Bible). Vậy thì rõ ràng Đức Giêsu đang muốn đặt hôn nhân trong bối cảnh của Tin Mừng cứu độ.
Phải rồi, chỉ trong tình yêu bao dung và tha thứ của Thiên Chúa – Đấng đã yêu thương con người tội lỗi tới độ chết trên thập giá, thì ‘lòng chai dạ đá’ của con người đầy dục vọng mới tìm được thuốc chữa. Chữa đây không phải là tiêu diệt hoàn toàn bất trung – lăng loàn – ‘fornicatio’ (xem Mt 19,9), để có thể sống trọn đời trung thủy. Nếu có phương pháp cụ thể nào giúp cho các cặp vợ chồng đạt được điều này, thì thật đáng mừng cho hôn nhân biết mấy… Mong rằng, luật pháp cũng như các tổ chức xã hội loài người sẽ ngày càng tiến bộ hầu có thể tiến dần tới mục tiêu hoàn hảo đó. Hãy cứ để các xã hội dân sự, với nền văn hóa và truyền thống của riêng mình, giúp cho hôn nhân ngày càng được thêm củng cố bền vững, dựa trên các qui định của luật pháp con người! Kitô hữu chúng ta chân thành cầu mong cho nền dân luật ngày càng tiến bộ và sáng suốt hơn. Thế nhưng tham lam và yếu đuối vẫn luôn mãi là thực tế phũ phàng mà chỉ lòng nhân ái bao dung của Tin Mừng Đức Kitô mới cống hiến được liều thuốc chữa lành hữu hiệu nhất. Phaolô đã từng so sánh hôn nhân với tình yêu mà Đức Kitô dành cho Hội Thánh; một tình yêu bền vững, không phải là vì Hội Thánh tự mình đã ‘xinh đẹp lông lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn, hoặc bất cứ một khuyết điểm nào’, nhưng vì nhờ ‘Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống’ mà Hội Thánh mới được nên ‘thánh thiện và tinh tuyền’ như thế (Ep 5,25-27).
Hôn nhân Tin Mừng là như thế đó! Ta không thể hiểu đây là một nền luân lý đối kháng với các nền luân lý khác, cũng chẳng phải là một lề luật cạnh tranh với các luật lệ dân sự hay tôn giáo khác, nhưng là niềm tin thâm sâu vào tình yêu Thiên Chúa cứu độ. Thế nhưng, như Đức Giêsu chứ không như các Pha-ri-sêu, mỗi khi đề cập tới hôn nhân gia đình, chúng ta sẽ luôn đề cao giá trị nhân ái – bao dung của Tin Mừng làm nền tảng cho lòng trung tín. Hôn nhân, nếu muốn thực sự là Tin Mừng, phải lấy giới luật yêu thương mới làm nền tảng duy nhất cho mình; “anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34). Phải chăng đó mới đích thực là mong muốn của Đức Giêsu khi Người lên đưa ra một khẳng định xem ra mang nặng tính luật pháp: “Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”?
Lạy Chúa là Đấng thủy trung, Chúa đã đến trần gian không phải để dạy cho con người biết cách cử xử với nhau dựa trên một luân lý hay luật pháp cao đẹp. Tin Mừng nhân ái của Chúa phải trổi vượt trên tất cả, vượt thắng mọi bế tắc của con người yếu đuối! Xin Chúa giúp con, trong khi thi hành mục vụ hôn nhân, luôn biết xa tránh nhãn quan luân lý – luật lệ hạn hẹp, để biết hướng các anh chị em Kitô hữu tới diện mạo Thiên Chúa nhân ái, thứ tha và cứu độ, như cột trụ chống đỡ cho đời sống hôn nhân của họ. Amen.

 Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty







 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây