Thứ Hai Tuần XXVI Mùa Thường Niên - THÁNH GIÊRÔNIMÔ, LINH MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH. Lễ nhớ
Lc 9,46-50
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
46 Khi ấy, các môn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất.
47 Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, 48 và bảo các ông rằng: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”.
49 Gioan lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con”.
50 Chúa Giêsu bảo ông rằng: “Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con”.
SUY NIỆM 1: HẠNH PHÚC CỦA CHÚNG TA Ở TRÊN TRỜI
Như chúng ta biết, động lực ban đầu khiến các tông đồ theo Chúa Giêsu không phải vì họ nhận ra ngài là đấng Mêsia, là Thiên Chúa cứu độ, nhưng họ chỉ coi Chúa Giêsu như một nhà chính trị, một nhà cách mạng có thể giải phóng họ khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma thời bấy giờ. Như vậy, với cái nhìn của các tông đồ, thì Nước Trời không phải là thiên đàng, nhưng chỉ được hiểu như là một cường quốc trần gian.
Cho nên không lạ gì mà bài Tin mừng hôm nay cho thấy các tông đồ cứ mãi băn khoăn trong đầu về những điều to lớn để được làm ông này bà nọ trong nước của Chúa Giêsu. Trong khi các ông đang tính toán hơn thua về danh vọng địa vị, thì Chúa Giêsu lại dùng một trẻ nhỏ để làm tiêu chuẩn cho các ông. Có lẽ đây là một cú sốc đối với các tông đồ, vì trong cái nhìn của người Do Thái, trẻ em dưới 12 tuổi thì chẳng có gì để tự hào, để kiêu hãnh, để người khác phải học hỏi và tôn trọng. Vậy hành động này của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì?
Trước tiên, Chúa Giêsu muốn bẻ cong ước muốn và tham vọng rất đời của các tông đồ. Ngài muốn các ông hiểu rằng, Nước Thiên Chúa không thuộc về thế gian này. Nước ấy ngự trị bằng tình yêu thương, chứ không bằng binh khí hay quyền lực.
Kế đến, Chúa Giêsu cũng mời gọi các tông đồ góp phần xây dựng Nước Trời bằng cách đón nhận chứ không phải loại trừ, không chỉ đón nhận trẻ nhỏ mà thôi, nhưng còn phải đón nhận cả những người tội lỗi và bệnh tật vốn luôn bị xã hội coi thường. Chúa Giêsu muốn các tông đồ hiểu rằng, những thành phần mà xã hội Do Thái muốn loại trừ lại là những thành phần mà Ngài đang nhắm đến, vì “Ta đến là để kêu gọi những người tội lỗi”.
Và sau cùng, Chúa Giêsu muốn các tông đồ hãy có một suy nghĩ như trẻ nhỏ: trong sáng, lạc quan, không tính toán. Và chỉ có những ai nhìn nhận mình nhỏ bé thì mới có thể đồng cảm với những người bé nhỏ nghèo hèn xung quanh mình. Người đó mới có thể cúi mình xuống phục vụ mọi người. Đó mới là điều Chúa muốn nơi các tông đồ của ngài, và cả chúng ta ngày hôm nay. Vì “Ai muốn làm lớn thì phải là người rốt hết và phục vụ mọi người”. Nhưng điều quan trọng hơn hết vẫn là: “Chúa mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những ngưởi bé nhỏ”.
Hành trình đức tin của người kitô hữu chúng ta là một cuộc lữ hành theo bước Chúa Giêsu. Chúng ta đã biết Chúa Giêsu là ai, biết Nước của Ngài ở đâu, và biết tiêu chuẩn nào để được làm công dân Nước Trời. Ước gì chúng ta biết mặc lấy tâm hồn của một trẻ thơ, và biết thanh luyện những ước muốn rất con người của chúng ta; hầu chúng ta xứng đáng được Thiên Chúa tuyển chọn vào hàng ngũ công dân Nước Trời. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 2: “TRONG CÁC ÔNG, AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT?”
1. “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”
Trên đường đi theo Đức Giêsu, đến một lúc nào đó, các môn đệ tranh cãi với nhau để xác định “ai là người lớn nhất” trong nhóm hoặc trong Nước Trời. Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều thuật lại cuộc tranh luận này và đặt ngay sau lần loan báo Thương Khó lần thứ hai, để làm bật lên hai con đường, con đường của Đức Giê-su và con đường của các môn đệ.
Theo Tin Mừng Luca, đó là « một câu hỏi chợt đến với các môn đệ », nhưng sau này, họ lại tiếp tục tranh luận về vấn đề ai là người lớn nhất ngay sau Bữa Tiệc Ly (x. Lc 22, 24-27). Điều này cho thấy, đó là một trong những vấn đề các môn đệ « trăn trở ở trong lòng ». Và trong bài Tin Mừng theo thánh Matthêu, chính các môn đệ đến hỏi trực tiếp Đức Giêsu: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” (Mt 18, 1-5)
Lược qua bối cảnh và cách ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật như thế, là quá đủ để chúng ta nhận ra rằng đây là một « căn bệnh » nghiêm trọng của các môn đệ vào thời của Đức Giêsu và của các môn đệ thuộc mọi thời. Bệnh nghiêm trọng, vì đó là một thứ bệnh ung thư gây mất hiệp nhất, vì sẽ phải tranh cãi với nhau, ganh tị nhau, loại trừ nhau; ngoài ra, đó là một căn bệnh nghiêm trọng, còn là vì bệnh này là bệnh “mãn tính” và lây lan, có mặt ở mọi nơi và mọi thời.
Ngoài ra, đó còn là não trạng “bẩm sinh” của con người, luôn muốn hơn và muốn đứng đầu trong mọi lãnh vực, thậm chí trong các nhân đức, trong đó có nhân đức khiêm nhường! Con người khổ sở vì sự thua thiệt trong thân phận và trong ganh đua; tự xếp loại mình và tự xếp loại nhau; từ đó không chấp mình không chấp nhận nhau trong trong thâm tâm. Rộng hơn nữa, đó còn là cách sống, cách làm việc và cách tổ chức của con người ngoài đời cũng như trong đạo: thi đua, thi tuyển, phân cấp, xếp bậc, xếp loại…. Kết quả là những người “bé nhỏ”, theo nghĩa rộng và ở nhiều bình diện khác nhau và cũng là nhóm người đông đảo nhất, bị khinh chê, thậm chí bị loại trừ. Hơn nữa, tranh đua dựa trên qui luật “mạnh được yếu thua”, vốn qui luật ít nhân tính nhất, nếu không muốn nói, thuộc bình diện thú tính!
2. Cách Đức Giêsu « chữa lành »
Cách Đức Giêsu chữa căn bệnh này, và cách các Tin Mừng kể lại càng làm cho chúng ta nhận ra rằng đây là một thứ bệnh khó chữa. Ba Tin Mừng Nhất Lãm không hoàn toàn đồng nhất với nhau khi kể lại cách Đức Giêsu giải quyết (x. Mc 10, 13-16; Mt 18, 3 và 9, 13-15; Lc 18, 15-17) ; nhưng cả ba đều có ít nhất ba điểm chung :
Ø Đảo lộn hoàn toàn quan niệm lớn-bé của các môn đệ và của loài người chúng ta : muốn làm lớn phải không ? Ai là người nhỏ nhất trong nhóm, thì là người lớn nhất (theo Thánh sử Luca) ; hãy thay đổi và trở nên như trẻ con (theo Thánh sử Mát-thêu) ; hãy trở nên người rốt hết và trở nên người phục vụ mọi người.
Ø Để các môn đệ đừng hiểu lệch lạc những khái niệm « nhỏ nhất », « trẻ con », « người rốt hết và người phục vụ », Đức Giêsu đem một em bé tới đặt giữa họ.
Ø Cuối cùng, giảng giải bằng lời và bằng minh họa vẫn chưa đủ, Đức Giêsu đi đến cùng, bằng cách đồng hóa mình với em nhỏ : « Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ».
Loài người ham muốn vị trí “lớn nhất”, Đức Giêsu lại đẩy về một cực khác, là “nhỏ nhất”. Cách Đức Giêsu trả lời như thế và cách ba Tin Mừng thuật lại như vậy, trong thực tế có thể lại gây ra một cuộc tranh luận khác, còn sôi nổi và gay gắt hơn : thế nào là nhỏ nhất, thế nào trẻ em, thế nào là rốt hết, thế nào là người phục vụ ? Bằng chứng là, chẳng có chú giải nào giống chú giải nào, chẳng có bài giảng nào giống bài giảng nào về vấn đề này.
Đó là vì, lời Đức Giêsu không phài là lí thuyết, thúc đẩy người ta phải đưa ra định nghĩa chính xác về khái niệm « nhỏ nhất » ; hơn nữa, điều mà Đức Giê-su muốn diễn tả, cũng không thể định nghĩa được. Thật vậy, « nhỏ nhất là gì », phải chăng là tuổi tác, là vóc dáng, là chức vụ, là trình độ học vấn, mức độ thánh thiện hay tội lỗi ? Lời của Đức Giê-su không đưa ra một tiêu chuẩn khác để xếp loại hay áp đặt một mô hình thứ bậc khác, nhưng là một tinh thần khác, một năng động khác, một con đường khác.
Vì thế, thay vì định nghĩa hay tranh cãi, lời của Đức Giê-su mời gọi chúng ta đưa ra một lựa chọn của con tim. Một khi con tim được Đức Giê-su chữa lành khỏi căn bệnh quyền bính, căn bệnh hơn người, căn bệnh vẻ bề ngoài, sẽ tìm được cách diễn tả tốt nhất trong cộng đoàn, dù mình là ai, có trách nhiệm hay nhiệm vụ gì.
Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này : “Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó” (Mc 9, 36). Và Ngài sẽ thực sự trở nên “em bé” đối với Cha và loài người trên Thập Giá. Vì thế, Chúa chữa lành chúng ta không chỉ bằng lời nói quyền năng, nhưng còn bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá, vốn cũng là một Lời, “Lời Thập Giá” (x. 1Cr 1, 18).
Thật vậy, nơi Thập Giá, Ngài sống như một em bé: yếu đuối, bất lực và tự đặt mình vào vị trí tận cùng của bậc thang xã hội: tử tội và chết treo trên Thập Giá! Bởi vì, trẻ em và những người bé nhỏ, giới hạn yếu đuối là “nơi” bày tỏ tốt nhất sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa, như lời Thánh Vịnh loan báo (Tv 8, 3):
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.
3. “Đừng ngăn cản người ta”
Chứng kiến điều kì diệu, đó là Danh Thầy Giê-su được tuyên xưng vượt khỏi giới hạn nhóm của mình, và Danh của Người có sức mạnh trừ quỉ, nhưng thay vì tạ ơn Chúa, ca tụng Thầy và chúc mừng người ta, với tâm hồn trẻ thơ, thì môn đệ Gioan và các môn đệ khác lại “cố ngăn cản”, vì người này không thuộc nhóm các môn đệ đi theo Đức Giê-su !
Trong đời sống đức tin và cả trong đời sống ơn gọi nữa, cái nhìn của chúng ta về người khác, về những gì họ làm và những gì thuộc về họ cũng thường hay bị chi phối phối nặng nề bởi những khuôn khổ, những qui luật, những nguyên tắc, những tư tưởng, những cách hiểu hay cả một ý thức hệ có sẵn của chúng ta. Tương tự như cái nhìn của người con lớn về người em, trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (x. Lc 15, 11-32), phản ứng của ông trưởng hội đường đối với người phụ nữ còng lưng được Đức Giê-su chữa lành (x. Lc 13, 10-17), cái nhìn của ông Simon về người phụ nữ tội lỗi (x. Lc 7, 36-50) hay như quyết định cực đoan (cùng nhau bàn tính, lập mưu để giết chết) của những người Pha-ri-sêu đối với Đức Giê-su, sau khi chứng kiến Người chữa lành người bị bại tay trong hội đường, vào ngày Sa-bát (x. Mc 3, 1-6). Vì thế, chúng ta không thể mở mắt, mở tai và mở lòng ra để nhận ra sự hiện diện của Thánh Thần Thiên Chúa, hoạt động kỳ diệu của Người nơi mọi người và mọi nơi, vượt xa mọi khuôn khổ, với tâm tình tạ ơn và ca tụng.
Đức Giê-su mời gọi các môn đệ: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Như thế, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ của Người, các môn đệ lắng nghe trực tiếp lời của Đức Giê-su và các môn đệ thuộc mọi thời, là chúng ta hôm nay, những người nghe được lời của Đức Giê-su trong các sách Tin Mừng, một đàng nhận ra rằng, có những người “thuộc về” Đức Ki-tô, cho dù không công khai thuộc về “nhóm chúng ta”, và đàng khác, các môn đệ được mời gọi nhận ra điều kì diệu. Điều kỳ diệu ở đây là Danh Thầy Giê-su có sức mạnh đẩy lui sự hiện diện và hành động của ma quỉ. Không chỉ Danh Thầy được “chúng ta” tuyên xưng, nhưng mọi sự trong mọi người, ở mọi nơi và mọi thời, thuộc về Danh Thầy, với tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa, đều có sức mạnh đánh tan bóng tối, bầu khi chết chóc, ma quỉ và Sự Dữ. Bởi vì “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3).
Thay vì khép kín, chúng ta được mời gọi nhận ra Danh Thầy Giê-su, với tư cách là Ngôi Lời, được tuyên xưng và phát huy sức mạnh nơi mọi người, nơi các nền văn hóa, nơi các dân tộc, nơi các tôn giáo, và cả trong sáng tạo nữa, bởi vì:
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
…………………
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
(Tv 19, 2-5; x. Rm 10, 18)
Cuối cùng Đức Giê-su nêu ra “một qui tắc” nhận định, có giá trị cho mọi nơi và mọi thời, để nhận biết ai thuộc về, hay rộng hơn, những gì thuộc về “chúng ta”; “chúng ta” là chính Ngài và những người đi theo Ngài, vốn sẽ làm nên Giáo Hội.
Đức Giê-su nói: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Qui tắc này vượt xa những khác biệt về nguồn gốc, chủng tộc, văn hóa và tôn giáo, để nhận ra những giá trị phù hợp với Tin Mừng mà Đức Ki-tô và Giáo Hội của Người rao giảng, để nhận ra, dưới tác động của Thần Thần, Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa hiện diện ở khắp nơi trong sáng tạo và trong lịch sử (x. Tv 136), lịch sử cứu độ, lịch sử loài người và trong cuộc đời của từng người chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM 3: MUỐN LÀM LỚN... PHẢI TRỞ NÊN BÉ NHỎ
Khi Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn đầu tiên, các môn đệ can ngăn. Lần thứ hai thì không ai dám nói gì. Tuy nhiên, vì biết Thầy sắp ra đi, vị trí lãnh đạo sẽ khuyết, nên các ông bắt đầu nẩy sinh chuyện tranh dành xem ai là người lớn nhất trong anh em. Biết được tâm tưởng của các môn đệ, nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã ban nhiều huấn dụ cho các ông để các ông hiểu và đi theo đúng con đường mà Ngài mong muốn nơi môn sinh của mình.
Huấn giáo của Đức Giêsu đã gây nên một ấn tượng mạnh nơi các môn đệ khi Ngài dẫn một em nhỏ đến bên cạnh và nói: "Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất". Qua đó, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ phải từ bỏ tính tham quyền cố vị. Tránh đi thái cực muốn được người khác ca tụng, hay thích ăn trên ngồi trước. Cần loại bỏ sự mong muốn được người khác phục vụ, rồi thích thống trị thiên hạ bằng quyền lực.
Ngày nay, hình ảnh và lối suy nghĩ của các môn đệ khi xưa vẫn thường diễn ra trong cuộc sống của chúng ta!
Thật vậy, vẫn còn đó những người Kitô hữu có suy nghĩ và hành xử bè phái, cục bộ, không phục vụ vì Chúa và các linh hồn, nhưng là vì mình. Không quy về Đức Giêsu mà lôi kéo để mình có ảnh hưởng. Tính háo danh và ham địa vị, cũng như tính hay ghen tỵ cũng diễn ra thường xuyên.
Tất cả những thứ đó làm nguy hại đến tinh thần hiệp nhất và sứ mạng loan báo Tin Mừng rất lớn.
Vì thế, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:
Luôn sống kết hiệp với Thiên Chúa qua việc lắng nghe Lời Ngài dạy dỗ, bảo ban. Cần trở nên như trẻ nhỏ trong thái độ đơn sơ, chân thành và phục vụ cách vô vị lợi. Khiêm tốn và từ bỏ ham quyền, cố vị. Sẵn sàng cộng tác với hết mọi người để ra đi loan báo Tin Mừng cách trung thành.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống tinh thần của Chúa là trở nên như hạt lúa, chấp nhận chôn vùi đi để sinh nhiều bông hạt khác. Xin cho chúng con có được tinh thần của trẻ thơ, để không màng chi đến danh vọng, nhưng chỉ một lòng yêu mến Chúa và yêu người tha thiết. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 4: PHỤC VỤ VÀ KẾT BẠN
Chúa Giêsu dạy các môn đệ ba điều. Ba điều này ngược hẳn suy nghĩ của các ông:
- Lớn và nhỏ:mọi người, trong đó có các môn đệ và có cả chúng ta nữa, đều muốn làm người lớn, người cao trọng nhất, nghĩa là có địa vị, có uy thế, có quyền lợi. Các môn đệ của Chúa Giêsu ngày xưa cũng như thế. Chúa Giêsu biết ý nghĩ của các ông, nên Ngài bảo các ông đừng nghĩ tới vấn đề đó nữa, mà hãy nghĩ ngược lại: hãy trở thành kẻ bé nhỏ nhất, nghĩa là đừng nhắm địa vị, uy thế và quyền lợi mà hãy sống khiêm tốn phục vụ mọi người.
Năm thành viên của một gia đình nọ đang nghỉ ngơi và vui đùa ở một bãi biển. Các đứa bé tắm và nghịch ngợm xây những lâu đài bằng cát, khi cách đó không xa, xuất hiện một bà già gầy còm, đầu tóc rối bung trong gió và áo quần thì rách rưới, bẩn thỉu. Bà vừa đi vừa lảm nhảm điều gì đó trong miệng và cúi xuống nhặt các vật trên bãi cát, bỏ vào một cái bị.
Bố mẹ vội kêu các con lại bên họ và bảo chúng đứng tránh xa bà già kia ra. Khi đi ngang qua họ, bà cúi xuống nhặt bên trái, bên phải các vật trên cát, rồi bà nhìn và cùng mỉm cười với cả gia đình họ. Song thái độ thân thiện của bà ta không được đáp trả.
Nhiều tuần sau, họ biết được rằng, người đàn bà già yếu rách rưới đó đã bỏ những tháng ngày ròng rã để nhặt những mảnh vụn chai, sắt, thiếc trên bãi biển hầu các em nhỏ có thể nô đùa mà không bị thương tổn.
- Vấn đề đón nhận người khác:Thường thì chúng ta thấy người ta dễ dàng niềm nở với những ai có lợi cho mình, chẳng hạn người có thế giá, có địa vị, có quyền hành, có của cải v.v….
Chúa Giêsu lại dạy khác: hãy có thái độ rộng mở đón tiếp mọi người, dù đó là một đứa trẻ chẳng có địa vị quyền hành gì cả.
Nhạc sĩ Howard Kelly cũng là nhà vật lí, bác sĩ, sinh vật học nổi tiếng và cũng là một Kitô- hữu. Lần kia, sau một cuộc nghiên cứu, ông dừng lại nhà một nông dân xin nước uống. Một cô bé xuất hiện và khi biết ông muốn xin bát nước, em chạy vào nhà rồi đưa ra cho ông một ly sữa tươi mát. Ông ân cần cám ơn và nói, nếu người nhà có ai bị đau cứ việc đến bệnh viện của bác sĩ Kelly. Cô bé cũng cảm kích trước lòng tốt của ông. Ít lâu sau, mẹ cô đau và cô đưa đi bệnh viện của bác sĩ Kelly. Một sự đón tiếp đặc biệt dành cho hai mẹ con. Và khi mẹ cô khỏi bệnh ra về, bác sĩ còn gửi cho cô một số tiền lớn để bồi dưỡng cho mẹ cùng với lời ghi chú: “Để trả ơn một ly sữa.”
Giá mỗi người chúng ta biết đối xử với nhau như thế thì cuộc đời sẽ đẹp hơn biết bao.
- Vấn đề thuận và nghịch:Trong cuộc sống, người ta thường dùng cái khung phe nhóm để định hướng thái độ của mình. Ai thuộc phe nhóm mình thì là bạn mình và mình hợp tác. Ngược lại, ai không thuộc phe nhóm mình thì là kẻ thù của mình và mình phải chống lại. Chúa Giêsu lại dạy ngược lại: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!” (Lc 9,50)
Tổng thống Abraham Lincoln của Hoa Kỳ có thói quen áp dụng một phương pháp bất thường để kết bạn. Một lần kia, ông đã dùng những lời hay ý đẹp để nói về những chính trị gia đối lập với mình. Nghe thế một phụ nữ thắc mắc:
– Tại sao ông lại ca ngợi những địch thủ của mình mà không phê bình, chỉ trích và tiêu diệt họ ?
Tổng thống Abraham Lincoln đã trả lời bằng một câu hỏi:
– Biến kẻ thù thành bạn hữu, không phải là tôi đã tiêu diệt kẻ thù hay sao ?
Một hoàng đế Trung Hoa nói:
– Một khi chinh phục quốc gia ấy rồi, ta sẽ tiêu diệt tất cả các địch thù của ta!
Ông đã chinh phục các nước ấy và cả đình thần của ông đều chờ đợi một cuộc thảm sát địch quân. Họ mong những địch thù đó sau khi bị hành hình thì đem chém đầu. Nhưng họ rất bỡ ngỡ khi thấy tất cả bọn địch thù cùng ngồi ăn với vua và lại nói cười vui vẻ nữa. Họ tâu vua:
– Muôn tâu Hoàng Thượng, ngài đã nói sau khi thắng trận sẽ tiêu diệt tất cả địch thù kia mà!
Hoàng đế trả lời:
– Ta đã tiêu diệt tất cả bọn họ rồi đó, tiêu diệt bằng cách tha thứ cho họ và biến họ thành những người bạn của ta!
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa không gọi chúng con là tôi tớ,
Chúa cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Chúa còn coi chúng con như bạn hữu của Chúa,
Hơn nữa, sau Phục Sinh,
Chúa đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên, Chúa đã tự nhận mình là Anh Trưởng đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng con luôn thi hành ý muốn của Cha để trở nên những người em cùng huyết nhục với Chúa. Amen.
Lm Giuse Đinh Tất Quý
SUY NIỆM 5: NHÂN DANH CHÚA GIÊSU
Tên tuổi có một ý nghĩa và sức mạnh đặc biệt trong cuộc sống con người. Người ta thường kể về tên tuổi Alexandre Ðại Ðế của Hy Lạp giai thoại như sau:
Trong quân đội của ông có một binh sĩ rất nhát đảm, cứ mỗi lần nguy ngập anh đều tìm cách thoái lui. Alexandre cảm thấy bị xúc phạm về hành vi của người binh sĩ này vì anh ta cũng mang tên Alexandre như ông. Một hôm, ông gọi anh ta lại và bảo: “Ta cho nhà ngươi một chọn lựa: hoặc là chấm dứt thái độ nhát đảm hoặc là đổi tên đi”.
Tên tuổi là một sức mạnh. Ðược nổi danh vốn là một trong những khát khao tự nhiên của con người. Trong Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta Suy niệm về ý nghĩa, sức mạnh và quyền năng của Danh Chúa trong cuộc sống người Kitô hữu chúng ta.
Tin Mừng được ghi lại những sự kiện được liên kết với nhau bằng Danh Chúa. Chỉ nhân danh Chúa mà đón tiếp những người bé nhỏ nhất, cụ thể là các em nhỏ và cũng chỉ nhân Danh Chúa, con người mới có thể khu trừ ma quỉ, chữa lành bệnh tật và làm phép lạ.
Ngày nay, Giáo Hội cũng nhân Danh Chúa để tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Ngài. Giáo Hội nhân Danh Chúa để cử hành các bí tích, để thực thi công tác bác ái, tranh đấu cho công lý. Nhưng phải chăng Danh Chúa Giêsu là một thứ bùa chú, một công thức ma thuật?
Chúng ta biết rằng nội dung niềm tin Kitô chính là tin rằng Thiên Chúa đã phục sinh Chúa Giêsu từ cõi chết, tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa và kêu cầu Danh Ngài. Cả ba kiểu nói này đều tương tự như nhau. Các Kitô hữu tiên khởi thường tự gọi mình là những kẻ kêu cầu Danh Chúa. Ðiều này được thể hiện một cách rõ rệt trong nghi thức rửa tội. Kêu cầu Danh Chúa có nghĩa là tin nhận rằng Ngài là Chúa và đặt mình dưới sự thống trị của Ngài. Duy chỉ mình Ngài mới có thể đem lại ơn cứu rỗi và sự sống, duy chỉ có mình Ngài mới có thể là lý tưởng của đời sống Kitô hữu.
Xét cho cùng, niềm tin của chúng ta không phải là một giáo điều để tuyên xưng, một số kinh kệ phải đọc làu làu, một số biểu dương tôn giáo cần bày tỏ ra bên ngoài. Niềm tin thiết yếu của chúng ta là Chúa Giêsu, Ðấng đang hiện diện cách sống động trong mỗi người chúng ta. Sống niềm tin ấy chính là luôn ý thức về sự hiện diện ấy của Ngài và không ngừng đi vào tương quan mật thiết với Ngài. Sống niềm tin ấy chính là để Ngài thấm nhập vào từng suy nghĩ, tâm tư và hành động đến độ có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 6: NGHĨA MỚI VỀ GIÁ TRỊ
Người liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” (Lc. 9, 47b-48)
Các môn đệ đã không hiểu ý nghĩa quan trọng về sự đau khổ mà Đức Giêsu sắp phải chịu. Người vừa loan báo về cái chết của Người là đỉnh cao của sứ vụ giữa loài người. Chính ra các ông phải xúc động và đổi đời, phải lo Suy niệm những lời giảng bi thảm của Thầy, để rút ra những điều bổ ích và chuẩn bị những hậu quả của những ngày đau khổ sắp tới.
Trái lại, các ông cứ tiếp tục nuôi dưỡng những ảo vọng danh lợi mong Đức Kitô sắp tới giờ vinh quang phục hưng vương quốc thế gian. Các ông hằng mơ thấy như thế. Đức Kitô đã không thành công trong khi thuyết phục các ông, Người không đến để làm như thế. Vì thế các ông đang nghĩ xem ai là người lớn nhất trong các ông, ai có chức vị cao nhất trong Nước Đức Kitô. Thánh Marcô cho thấy tính cách thô lỗ, thô bạo khi ông kể lại cuộc tranh giành giữa các tông đồ để biết ai được địa vị cao nhất. Đức Giêsu sắp hoàn toàn lật đổ quan niệm của các ông về giá trị mới trong nước trời. Người liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình mà nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy, và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Đó là địa vị danh dự bên Đức Giêsu. Địa vị này không dành cho kẻ sáng giá nhất, thông minh nhất, tài năng nhất, có huy chương nhiều nhất! Nó chỉ dành cho ai đặt mình phục vụ những kẻ hèn mọn nhất, trơ trụi nhất, bị kinh bỉ nhất. Vì ai là người nhỏ nhất trong mọi người, chính là người lớn nhất.
Còn lời nào ngược đời đối với kẻ luôn luôn đòi cai trị người khác, nghịch lý đối với hạng chủ trương dùng quyền lực thống trị người khác. Đức Kitô quả quyết, cai trị là làm tôi tớ như chính Người đã làm gương, cai trị là hy sinh hủy mình đi vì người khác, chứ không phải là bắt họ làm nô lệ mình. Hủy mình đi vì thực thi bác ái của Đức Kitô để yêu người đến độ có thể hiến mạng sống mình vì họ.
Nhỏ bé là như thế, mới đạt tới sự cao cả duy nhất, như Đức Kitô kêu gọi chúng ta.
GF
SUY NIỆM 7:
46. Khi ấy, các môn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. 47. Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người,
• Sau khi Đức Giêsu tiên báo cuộc thương khó lần thứ hai, các môn đệ sợ không dám hỏi Ngài về điều đó. Điều gì đã khiến các ông sợ? Tin mừng kể lại các ông đang nghĩ ngợi trong lòng xem ai là người cao trọng nhất. Nỗi sợ của các ông chính là thầy mình lại không đi đúng con đường các ông đã nghĩ.
• Các môn đệ cầm đèn chạy trước ôtô và muốn thầy Giêsu đi theo. Thế nhưng, Đức Giêsu đã chỉnh lại suy nghĩ của các ông. Ngài muốn các ông can đảm, sống đơn sơ và phục vụ. Ngài không muốn các ông lo nghĩ điều không thuộc về các ông.
• Con người vẫn thường bị nỗi sợ cám dỗ vì những tính toán thiệt hơn và nhất là những tính toán không thuộc về mình mà vẫn muốn sở hữu. Sống đúng với nhiệm vụ và căn tính của mình vẫn là một thách đố không nhỏ cho mỗi người chúng ta.
→ Lời của Chúa vẫn êm ái và nhắc riêng từng người chúng ta đang có nỗi sợ gì? Đang có những toan tính nào? Những toan tính đó có đưa tôi đến gần Chúa hơn không?
→ Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại.
Br. Vincent SJ
SUY NIỆM 8: NHỎ VÀ LỚN
Các môn đệ tuy ở với Chúa Giêsu nhưng vẫn mang trong mình những suy nghĩ theo kiểu thế gian. Các ông tính toán và nghĩ đến chức quyền trong cộng đoàn. Chúa Giêsu biết suy nghĩ của các ông nên giải thích cho các ông biết người lớn nhất trong mắt Thiên Chúa là như thế nào. Đối với Thiên Chúa, người lớn nhất là người biết cúi xuống phục vụ người nhỏ nhất. Quan niệm của Thiên Chúa hoàn toàn đi ngược với thế gian, vì theo thế gian thì người nhỏ phục vụ người lớn. Cho nên người ta mới ham thích quyền lực và tranh giành địa vị trong xã hội.
Thiên Chúa không trao quyền cho ai, nhưng chỉ trao trách nhiệm và bổn phận. Tuy nhiên, chúng ta thường thích quyền hơn thích bổn phận. Cho nên, khi được trao một trách nhiệm nào đó, chúng ta dễ lạm quyền để tìm lợi ích cho bản thân, từ đó gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho người khác. Mỗi người đừng nuôi tham vọng trong lòng nhưng hãy sống tinh thần khiêm nhường trong phục vụ và quan tâm đến những người nghèo khổ xung quanh mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng bao giờ để quyền lực chiếm hữu, nhưng luôn sống tinh thần phục vụ vô vị lợi khi giúp đỡ mọi người xung quanh. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy