SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN
Lc 9,18-22
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
18 Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?”
19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”
20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. 22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
SUY NIỆM 1:
Trong số các trò chơi để trắc nghiệm mức hiểu biết của các em, có trò chơi đưa hình một danh nhân cho các em xem, sau đó yêu cầu các em nói thật vắn tắt và chính xác về nhân vật ấy. Em nào trả lời đúng sẽ được thưởng. Chúa Giêsu đã có lần áp dụng phương thức này với các môn đệ, chỉ khác ở chỗ nhân vật được đưa ra không ai xa lạ hơn là chính Ngài. Ðã có những câu trả lời được đưa ra, nhưng chỉ có câu trả lời của Phêrô là đúng, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu vốn là một vấn đề khó hiểu đối với nhiều người. Những giả thuyết về Ngài đều từ từ bị chứng minh là sai. Có người bảo Ngài là Gioan Tẩy giả, nhưng trong cách sống và giáo lý của Ngài, có nhiều điểm khác với Gioan Tẩy giả; có kẻ bảo Ngài là Êlia hay một ngôn sứ nào đó, nhưng ở đây cũng vậy, giáo lý và thái độ của Chúa Giêsu có nhiều điểm vượt quá và cắt đứt với giáo lý và thái độ của bất cứ ngôn sứ nào trong Cựu Ước. Dù đồng hóa Chúa Giêsu với Gioan Tẩy giả, với Êlia hay với một ngôn sứ nào đó, tất cả đều giống nhau ở chỗ chưa có câu trả lời nào nhận ra Chúa Giêsu là nhân vật chính, còn các vị kia chỉ là người loan báo và chuẩn bị.
Chúa Giêsu đã bị dư luận quần chúng coi là một trong các vị tiền hô cuối cùng, cho đến khi Phêrô đưa ra câu trả lời chính xác: “Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa”. Phêrô đã nhìn thấy nơi Chúa Giêsu chính nhân vật mà muôn dân mong đợi. Ngài là Ðức Kitô, có nghĩa là Ðấng hội tụ mọi hy vọng và chờ mong của con người, là Ðấng quyết định vận mệnh của dân tộc và cá nhân, là Ðấng nắm giữ và đưa lịch sử đến hồi kết thúc. Ðức Kitô có đủ mọi tư cách đó, bởi vì Ngài là Ðấng được Thiên Chúa sai đến, Ngài là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu linh cảm thấy lời tuyên xưng của Phêrô có thể bị giải thích sai lạc, nếu được tung ra cho mọi người biết; chính vì thế chẳng những Ngài cấm ngặt các ông không được nói điều ấy với ai, mà kể từ đó Ngài còn đích thân nói rõ về tư cách Kitô của Ngài. Ước gì chúng ta cũng biết lặp đi lặp lại mỗi ngày lời tuyên xưng của thánh Phêrô: “Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa” để chúng ta vững bước trên con đường theo Chúa và làm chứng cho Chúa.
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
SUY NIỆM 2: TRẢ LỜI VỀ CHÚA
Trời xế chiều, xa xa dưới ánh sáng của mặt trời phản chiếu hai bóng người mờ mờ, không còn trông thấy rõ. Vị sư phụ gọi các đồ đệ lại và hỏi người thứ nhất: “Con nói xem, hai bóng người kia họ đang làm gì vậy?” Người đồ đệ trả lời: “Thưa thầy, có lẽ đó là hai thương gia đang bàn thảo về hợp đồng làm ăn và bắt tay nhau để hợp tác!” Người đồ đệ thứ hai trả lời: “Thưa thầy, con nghĩ đó là hai gã đàn ông đang tranh cãi nhau về một điều gì đó, họ vung tay chuẩn bị đánh nhau đến nơi rồi!” Người môn đệ thứ ba trả lời: “Thưa thầy, đó là hai người hết sức yêu thương nhau, họ giơ tay ra nâng đỡ, dìu dắt nhau về nhà sau một ngày lao động mệt nhọc!
Câu truyện trên cho chúng ta nhận ra bài học thực tế của cuộc sống là cùng một sự kiện, con người, nhưng mỗi người có cách nhìn nhận, lý giải không giống nhau về chúng. Thông thường lòng chúng ta để tâm nhiều vào điều gì, thì chúng ta có khuynh hướng nhìn nhận sự việc theo chiều hướng ấy. Chẳng hạn đối với một thương gia khi nhìn thấy một cánh rừng, họ có thể nhìn thấy cách thức kiếm tiền, khả năng kinh doanh; còn đối với một người có tâm hồn ăn uống thì họ có thể nhìn ra những gia vị, những món ăn ngon lành từ đây… Vấn đề chúng ta cần lưu tâm là có nhiều cách suy nghĩ về cùng một sự kiện như vậy, nhưng đâu mới thực là điều đúng với sự kiện, hoặc nói cách khác căn tính chân thật của điều ấy là gì? Đó là câu hỏi mà chúng ta nên xác định trước mỗi sự kiện. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Các môn đệ cho biết có nhiều luồng dư luận, có nhiều câu trả lời về căn tính của Chúa Giêsu: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác thì cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”.
Trước nhiều luồng dư luận, nhiều câu trả lời về Chúa như thế, Ngài đã thẳng thắn hỏi các môn đệ xem Ngài là ai: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đây chính là bài học Chúa muốn dạy các môn đệ và chính chúng ta: Mọi người nói gì, nhận định gì không quan trọng cho bằng chính chúng ta phải đưa ra câu trả lời cho chính mình, chính chúng ta phải xác định đâu là điều thật sự cần thiết cho hạnh phúc đời đời của chúng ta. Quả thật ngày nay chúng ta đang phải đối diện với vô vàn thông tin, đầy những quảng cáo, quá nhiều những lựa chọn liên quan trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta. Chúng ta bắt gặp những xu thế của xã hội khi ra đường người ta ganh nhau về sự sành điệu của thời trang, người khác lại coi hơn kém nhau ở việc có nhiều tiền của, của việc biết thưởng thức một đời sống tiện nghi… Trong khi đó việc tuân theo những gì mà tôn giáo ràng buộc như là một rào cản cho sự thăng tiến của chúng ta, những lời dạy của Chúa có vẻ sáo rỗng, hình thức và bất khả thi. Chính chúng ta đang phân vân trước nhiều chọn lựa sống của mình!
Bài Tin Mừng hôm nay một lần nữa Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy xác định cho mình một lối sống đúng đắn, một chọn lựa nền tảng cho cả cuộc sống đời này và đời sau của chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta nhìn lại chính mình, xác định lại vị trí và câu trả lời của chúng ta dành cho Chúa đến mức nào! Vì Chúa đã bảo rằng kho tàng của chúng ta ở đâu thì lòng chúng ta ở đó. Nếu quả thật tình yêu của chúng ta dành cho Chúa không đủ lớn, quá ít ỏi thì làm sao chúng ta dám hy sinh cho Chúa, làm sao chúng ta có thể nghĩ về Chúa trước những cám dỗ đầy hấp dẫn của cuộc sống tiện nghi kia! Cách tự nhiên, chúng ta sẽ không thể có được gì nếu chúng ta không đầu tư, không hy sinh. Chúng ta xin Chúa giúp sức, nâng đỡ để dám can đảm dành riêng cho Chúa những phút giây mỗi ngày qua kinh nguyện, qua bí tích Thánh Thể hầu được bình an và yêu mến Ngài nhiều hơn.
Giuse Đinh Thành Đạt SDB
SUY NIỆM 3:
Con người không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa
1/ Hiểu được ý nghĩa việc Chúa làm
Con người thường tìm cách tránh đau khổ, chối từ đau khổ. Nhưng Thiên Chúa thì chọn đau khổ.
Trong Tin mừng Luca. Vào lúc “Chúa Giêsu đang cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Ngài”. Và Ngài quay sang hỏi các ông. “Người ta bảo Thầy là ai”. Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, là ông Ê-li-a, là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại." Đây là những danh hiệu vinh dự. Và Chúa Giêsu hỏi tiếp. "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa." Đây là vinh dự trên cả tuyệt vời, bởi đó là danh xưng Messia, Đấng được xức dầu, Đấng giải thoát. Nếu dừng lại ở đây thì chẳng có gì để nói, nhưng Chúa Giêsu lại loan báo về Đấng Kitô bị đau khổ, thì quả là điều khó chấp nhận với các ông. Vì các ông không hiểu được ý nghĩa việc Chúa làm.
Thánh Luca kể biến cố này khi Chúa Giêsu đang cầu nguyện, khác với Máccô, Chúa Giêsu đang trên đường đi. Vậy chỉ có cầu nguyện mới hiểu được ý nghĩa việc Chúa làm. Chỉ có cầu nguyện mới hiểu được tại sao Chúa trao thánh giá cho chúng ta. . .
2/ Hiểu được công trình của Thiên Chúa
Sách Giảng Viên nơi bài đọc một viết: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời” tác giả kể ra hai mươi tám công việc nhân loại, đối nghịch và mâu thuẫn nhau, nhịp theo những chuyển biến cuộc đời: Xây dựng- phá đổ? Tác giả xác quyết: “Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.” Do đó con người phải tin vào sự an bài của Thiên Chúa.
Ở ven đường của vùng nông thôn phía bắc Hàn Quốc có rất nhiều vườn hồng. Đến mùa thu hoạch, những người nông dân nơi đây đều để lại những trái hồng chín mọng ở trên cây. Người dân địa phương ở đây nói rằng, cho dù những trái hồng có to đến cỡ nào đi nữa, có ngon đến cỡ nào đi nữa, họ cũng lưu lại để làm thức ăn cho chim Hỷ Thước. Vì sao lại có tập quán như vậy?
Nguyên do, nơi này là nơi mà chim Hỷ Thước thường xuyên dừng lại. Mỗi khi mùa đông đến, chim Hỷ Thước đều kéo đến đây, xây tổ trên những cây hồng và sống sót qua mùa đông giá rét.
Năm ấy, trời đặc biệt lạnh, tuyết lại rơi rất nhiều. Hàng trăm chú chim Hỷ Thước vì không kiếm được thức ăn, lại lạnh giá nên trong một đêm mà chết hết.
Mùa xuân năm sau, những cây hồng ở đây lại nảy mầm xanh non, ra hoa và kết quả. Nhưng đúng lúc ấy, bỗng nhiên một loại côn trùng không rõ tên từ đâu đến tạo thành một loại dịch họa, khiến cho năm đó hồng gần như không còn quả nào.
Từ đó về sau, mỗi năm đến mùa thu – mùa thu hoạch hồng chín, người dân nơi đây lại để lại một số hồng chín, làm thức ăn cho chim Hỷ Thước ăn qua mùa đông. Những trái hồng trên cây vừa to vừa ngon, hấp dẫn rất nhiều đàn chim Hỷ Thước đến nơi đây sinh sống qua mùa đông.
Lm. Tam Thái
SUY NIỆM 4:
Bài Tin Mừng hôm nay nói đến lời tuyên xưng đức tin căn bản của thánh Phêrô và cũng là lời tuyên xưng của Hội thánh Chúa Ki-tô qua mọi thời đại cho đến muôn đời. Lời tuyên xưng “THẦY LÀ ĐỨC KI-TÔ, CON THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG” được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật (Mt 16,13-21 // Mc 8,27-31 // Lc 9,18-22) và đoạn Tin Mừng này cũng được kể là đọc nhiều nhất trong một năm Phụng Vụ (ít nhất là 6 lần). Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Lời Tuyên Xưng Đức Tin phải được mọi Ki-tô hữu ý thức và sống đức tin ấy:
1. Khuôn mặt của Chúa Giê-su diễn tả mọi nét mặt của nhân loại.
Những ghi nhận của mọi người về Chúa Giê-su thật ra không phải là sai, nhưng chưa đủ, mà chỉ nói lên được một khía cạnh trong sự tròn đầy của khuôn mặt Đức Giê-su là Chúa:
Là Êlia (một ngôn sứ quyền năng, làm phép lạ…)
Là Giêrêmia (một ngôn sứ bị bắt bớ và đầy đau khổ)
Là Gio-an Tẩy giả (rao giảng sự sám hối và sống khắc khổ)
Là một ngôn sứ nào đó (đời sống chứng nhân và rao giảng).
Câu trả lời do mặc khải của Chúa Cha cho Phêrô: “Đức Giê-su, Con Thiên Chúa”. Danh hiệu Con Thiên Chúa bao gồm trọn vẹn mọi hình ảnh trên, trong một Đức Giê-su Ki-tô Tử Nạn và Phục Sinh.
2. Còn anh em gọi Thầy là ai?
“Thầy là Đấng Ki-tô”. Chúng ta tuyên xưng một Đức Giê-su là Đấng được xức dầu (Christo) và là Chúa, nghĩa là Đức Giê-su quyền phép chữa lành bệnh tật và uy thế trước thế quyền (Êlia), một Chúa Giê-su đau khổ nơi người bất hạnh (Giêrêmia), một Đức Giê-su rao giảng ơn sám hối (Gio-an Tẩy giả), một Đức Giê-su chứng nhân và rao giảng (các ngôn sứ)…
Hôm nay Chúa chất vấn từng người: “Này anh, này em, này bạn, các anh chị gọi Tôi là ai”?
Chúng ta ai cũng phải có câu trả lời thật cho chính mình. Chúng ta có còn tuyên xưng Chúa là Chúa trong cuộc đời chúng ta nữa không? hay là chỉ tuyên xưng ông thần tài…? Sự tuyên xưng đó được cụ thể bằng việc bước theo con đường thánh giá mà Chúa Giê-su đã đi, như Người đã báo trước cho các môn đệ.
Nếu coi Chúa là bạn, thì hãy mời Chúa vào chơi nhà tâm hồn mình, hàn huyên tâm sự qua lời cầu nguyện.
Nếu coi Chúa là “Anh Hai” thì đừng làm “Anh Hai” buồn và biết lắng nghe “Lời Anh Hai” dặn.
Nếu coi Chúa là “người yêu”, thì hãy năng đến bên Thánh Thể mà tâm sự với “người yêu Giê-su”, hãy cùng san sẻ vui buồn với Người.
Nếu coi Chúa là Cha, là Mẹ, là Chị, là… thì cũng hãy sống với Người như tâm tình con thảo, như người em ngoan ngoãn…
Đặc biệt, hãy cố gắng nên giống Chúa, là Giê-su thứ hai, giống Giê-su hi sinh, bác ái và yêu thương.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết tuyên xưng Ngài là Chúa của cuộc đời mỗi người chúng con, được cụ thể bằng sự phó thác và chấp nhận hy sinh, sẵn sàng và vui lòng đón nhận thử thách vì Chúa, hầu cộng tác với Chúa cứu độ các linh hồn. Amen
Hiền Lâm.
SUY NIỆM 5: PHÊ-RÔ TUYÊN XƯNG ĐỨC GIÊ-SU
1. Trong dân chúng có ba dư luận về Đức Giê-su: Ngài là Gio-an Tẩy Giả sống lại, là Êlia xuất hiện, hay một tiên trì thời xưa sống lại. Đại khái họ coi Ngài không phải là một người thường như mọi người, nhưng đặc biệt là người thuộc hàng tiên tri: giảng dạy và có khả năng làm phép lạ. Riêng ông Phê-rô được ơn trên soi sáng đã tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”. Tuy thế, ông vẫn nghĩ về Đấng Ki-tô theo cách thông thường của đa số người thời đó, tức là một Đấng Cứu Thế oai phong hiển hách. Bởi đó Đức Giê-su phải sửa lại cách nghĩ ấy: Ngài là Đấng Ki-tô chịu nạn chịu chết và phục sinh.
2. Hôm nay, qua bài Tin Mừng, các môn đệ lâm vào cảnh khó tin và rất bất ngờ. Bởi vì, sau những phép lạ Chúa làm, như phép lạ hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn, danh tiếng của Chúa lẫy lừng khắp nơi. Người ta còn muốn tôn người làm vua nữa. Ai ngờ hôm nay, Ngài tuyên bố những điều thật khó hiểu, làm mất hứng: ”Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.
Đức Giê-su là Đấng Messia như Phê-rô đã đoán chính xác. Nhưng Ngài không là Đấng Messia vinh quang như dân chúng đã mong chờ. Ngài phải là Đấng Messia đau khổ. Ngài không thống trị, Ngài chỉ phục vụ. Đức Giê-su không quan tâm chiếu rọi loại hình ảnh mà dân chúng muốn. Ngài biết Ngài có một số phận mà Thiên Chúa đã định mà Ngài phải hoàn thành, không sai sót.
3. Tiếp theo đó, Đức Giê-su đưa ra lời mời gọi mọi người chứ không riêng gì các môn đệ, là hãy theo Ngài: ”Ai muốn theo Ta”. Đức Giê-su muốn khơi động lòng muốn cho những ai theo Ngài. Điều đó chứng tỏ Chúa tôn trọng quyền tự do lựa chọn của con người, theo hay không theo cũng được. Tiếng Latinh dùng chữ “Si quis” (nếu ai) càng rõ nghĩa hơn: chữ “nếu” nói lên sự tự do hoàn toàn.
Nếu câu hỏi của Đức Giê-su chỉ có bấy nhiêu chữ “Nếu ai muốn theo Ta”, thì tất cả chúng ta, những người đã được rửa tội, đều có thể đáp lại thật nhanh: ”Con muốn… Con muốn theo Chúa”. Nhưng nếu nghe trọn câu Ngài nói: ”Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”, thì chắc hẳn số người nhanh chóng trả lời “Con muốn” sẽ giảm đi rất nhiều.
4. Có một câu hỏi quan trọng trong cuộc đời cần được trả lời: ”Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai”? Đây không phải là bài thi trắc nghiệm để biết kết quả đúng sai, cũng chẳng nhằm xem bao nhiêu phần trăm ủng hộ hay chống đối, mà là một bước để tỏ bầy, để đi vào một tương quan mới. Từ câu hỏi thăm dò xa xa, chung chung “Đám đông nói Thầy là ai”? đến câu hỏi mang tương quan cá nhân, biệt vị “còn anh em”. Câu trả lời không có chỗ cho sự hời hợt, sự giả vờ, lấy lệ, hay xã giao. Câu trả lời của ta xuất phát từ con tim, kinh nghiệm, sự hiểu biết dựa trên nền tảng đức tin, cũng như từ sự kín đáo của ơn mạc khải: ”Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”(5 phút Lời Chúa).
Hôm nay Thầy Giê-su vẫn đặt câu hỏi ấy với bạn: ”Đối với con, Thầy là ai”? Bạn sẽ trả lời thế nào? Phải chăng là những gì được tuyên xưng trong kinh Tin Kính, hay được “vay mượn” từ người khác? “Nếu muốn trả lời Người cách xa xa, ta sẽ khám phá ra một điều làm mình chắc chắn là sự sống lại, nghĩa là sự sống phát xuất từ mầu nhiệm sự đóng đinh và sự chết… “Đối với con, Thầy là ai? Con có liên kết số mệnh con với số mệnh của Thầy không? Con có nhận rằng Thầy cần sự đau khổ của con để Thánh giá của Thầy có đầy đủ kích thước không? Nếu có, con sẽ sống” (A. Degeest).
5. Cùng với thánh Phê-rô, chúng ta hãy tuyên xưng Chúa Giê-su là Đức Ki-tô của Thiên Chúa. Tuyên xưng như thế cũng có nghĩa là tuyên xưng mầu nhiệm Thập giá. Chúa Giê-su là Đức Ki-tô, bởi vì Ngài đã chấp nhận đi qua con đường Thập giá để cứu rỗi con người. Tuyên xưng mầu nhiệm ấy cũng chính là để mầu nhiệp Thập giá tỏ bày trong cuộc sống chúng ta. Chính trong mầu nhiệm Đức Ki-tô, con người có thể hiểu chính mình. Do đó, để thực hiện ơn gọi Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đi lại con đường Thập giá mà Chúa đã đi qua (Mỗi ngày một tin vui).
6. Truyện vui: Vác thập giá mình.
Vào chiều thứ Sáu Tuần Thánh, cha sở kêu gọi giáo dân: khi quí vị đến nhà thờ đi chặng đàng Thánh giá để tưởng niệm sự chết và đau khổ của Chúa Giê-su, mỗi người nên làm một cây thập giá bằng bất cứ vật liệu nào tượng trưng cho sự đau khổ của mình trong cuộc sống đang phải chịu. Sau chặng đàng Thánh giá yêu cầu quí vị mang lên bàn thờ cho tôi làm phép. Mọi người đều mang lên đủ loại thập giá. Ông trùm bước lên tay không, cùng với bà vợ. Khi cha sở hỏi, thập giá của ông đâu, ông chỉ ngay vào bà vợ và nói: ”Thưa cha, đây là thập giá của con”. Cha sở cũng làm phép, nhưng sau đó liền bảo ông rằng: ”Bây giờ ông hãy ôm lấy cây thập giá này và hôn lên cây thập giá của ông đi”.
Đây là câu chuyện vui cười ! Nhưng Thập giá Đức Giê-su đề cập đến không phải chỉ là bà vợ hay ông chồng. Nó không đơn thuần chỉ là một đám cưới không hạnh phúc, hay những trở ngại khó khăn đến với chúng ta ngoài ý muốn, cũng không chỉ là những điều xui xẻo, không may xẩy đến như thi rớt, bệnh tật, mất việc. Thập giá Đức Giê-su đề cập chính là sự chọn lựa từ bỏ mình để dâng hiến hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa (Rm 6,13;12,1). Từ bỏ những ý kiến, suy nghĩ riêng tư, cả cái tôi kiêu căng, tự ái, ích kỷ và lòng ham hố danh lợi (Pl 2,21). Đó là tự làm rỗng mình đi cho Thần Khí của Thiên Chúa ngự trị, để làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Đó là với Đức Tin Cậy Mến chúng ta biến đổi Thập giá thành Thánh giá, đau khổ trở nên giá cứu chuộc linh hồn cho mình và cho nhân loại.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm