SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 25/09/2024 08:33

SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN
Lc 9,7-9

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

7 Tiểu vương Hêrôđê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy.”
8 Kẻ khác nói: “Ông Êlia xuất hiện đấy! “ Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.”
9 Còn vua Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? “ Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu.


SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Tư tưởng và hành động của Chúa Giêsu đã tạo ra vấn nạn cho người đương thời: Chúa Giêsu là ai ? Trải qua các thời đại, cho đến hôm nay, người ta vẫn không ngừng tìm hiểu về Ngài: Bởi vì con người Giêsu là một mầu nhiệm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, những người Do thái đã gặp gỡ Chúa, đã sống với Chúa, nhưng họ vẫn không biết rõ về Chúa. Vua Hê-rô-đê đã nghe dư luận về Chúa và ông thắc mắc muốn tìm hiểu để biết Chúa là ai. Nhưng cuối cùng ông không được toại nguyện, vì ông chỉ muốn thoả mãn tính hiếu kỳ mà thôi.
Lời Chúa hôm nay nhắc con tự vấn thái độ của con qua những lần con gặp Chúa trong thánh lễ và các bí tích. Khi tìm hiểu lời nói, hành động của Chúa trong Tin Mừng, con ngỡ rằng đã hiểu Chúa nhiều hơn, nhưng thực ra nhiều lần con đã chẳng hiểu gì. Xin Chúa giúp con không bao giờ đóng khung khuôn mặt của Chúa trong những chữ viết, trong những thành kiến, nhưng biết khám phá khuôn mặt Chúa đang sống động trong cuộc đời con, nơi anh em con, nhất là nơi những người nghèo khổ và bất hạnh.
Lạy Chúa, không ai có thể khám phá khuôn mặt Chúa thay con được, nhưng chính con phải tự khám phá trong suốt cả cuộc đời. Xin Chúa giúp con luôn kiên nhẫn kiếm tìm. Xin ban cho con đôi mắt luôn trong sáng để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong từng giây phút của cuộc sống. Xin ban cho con đôi tai luôn biết mở rộng để lắng nghe tiếng Chúa gọi mời. Xin giúp con sống điều Chúa dạy để người khác cũng nhận ra bóng dáng Chúa đáng yêu nơi chính cuộc đời con. Amen.
Ghi nhớ: “Ông Gioan đã bị trẫm chém đầu rồi, ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế”.
TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM 2: ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI NỔI TIẾNG
(Lễ thiếu nhi)
Thiếu nhi chúng con rất thân mến, Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy triều đình của vua Hêrôđê đang có “biến”. Lý do là có người kể về Chúa Giêsu và những việc vĩ đại mà Ngài đã làm, khiến cho nhà vua và cả triều đình xôn xao và bấn loạn. Họ ngạc nhiên đến mức xoắn não vì không biết người tên Giêsu này là ai mà lại “đỉnh” như thế: Vừa đẹp trai phong độ, vừa giảng dạy cuốn hút, và còn làm được nhiều phép lạ.
Vì suy nghĩ mãi mà không biết Chúa Giêsu là ai, nên người ta bắt đầu gán ghép cho Ngài những tên tuổi lừng danh thời ấy: người cho là Gioan Tẩy Giả, người khác cho là Êlia, có người cho Ngài là một vị ngôn sứ…Nói cho cùng, dù chưa một lần tiếp xúc, nhưng khi nghe đến tên Giêsu, nhiều người đã thần tượng Ngài. Thánh Phaolô cho biết, Chúa Giêsu vốn là một người nổi tiếng như thế, vì “khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2,10).
Ngày nay, có những tên tuổi khi nhắc đến cũng làm cho nhiều người khác phải ngưỡng mộ, chẳng hạn như Mẹ Têrêxa nổi tiếng với việc giúp đỡ người nghèo, cô học sinh Nguyễn Thị Thu Hằng với danh hiệu quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020, hay 7 chàng trai của nhóm nhạc BTS làm dậy sóng làn âm nhạc với vẻ điển trai, giọng ca truyền cảm và một khả năng diễn xuất đầy phong cách.
Ngược lại, cũng có những người vì muốn được nổi tiếng nên đã tạo nên những câu nói “đao to búa lớn”, những hành động scandal để câu like hay cày wiew; mặc dầu nó đi ngược lại với thuần phong mỹ tục và luân thường đạo lý, rồi bị cộng đồng mạng ném đá.
Chúng con được hãy noi gương Chúa Giêsu, sống làm sao để người khác nể chứ đừng để người ta khinh. Bởi trong số những bạn bè đồng trang lứa với chúng con, vì muốn trở thành “soái ca” giữa chúng bạn, nên có người đã làm càn, làm liều và làm bậy. Khi nhắc đến tên những người này, bạn bè không nể nhưng là sợ; không trầm trồ khen ngợi nhưng là ‘trề môi bĩu miệng”, không gật gù tán dương nhưng là lắc đầu “bó tay chấm com”. Và như thế, những bạn ấy không phải là soái ca nhưng là “đại ca”, cũng không phải là người nổi tiếng mà là người tai tiếng.
Còn chúng con là những thiếu nhi Công giáo thì phải khác. Chúng con phải sống làm sao để mình luôn là niềm tự hào của ba mẹ; Phải ăn ở làm sao để mỗi khi nhắc đến tên mình, những người xung quanh đều trầm trồ khen ngợi.
Tóm lai, chắn chắn ai trong chúng con cũng muốn được người khác ca ngợi. Do đó, mỗi người chúng con phải cố ăn ở thật tử tế, học hành cho đàng hoàng, xa lánh những điều xấu… Có như thế, chúng con mới trở thành những “soái ca” đúng nghĩa. Amen.
Lm An tôn


SUY NIỆM 3:
Đó là câu hỏi mà vua Hêrôđê đã đặt ra khi ông nghe nhiều người nói về Đức Giêsu. Có thể nói rằng vua Hêrôđê dường như bị ám ảnh bởi con người của Gioan tẩy giả, vì Gioan là người duy nhất đã dám lên tiếng vạch trần tội ác và cái xấu của nhà vua. Cũng như nhiều chế độ chính trị khác, việc kết tội các nhà lãnh đạo là một việc làm có thể nguy hiểm đến tình mạng, thế mà Gioan đã không sợ hãi điều đó, ông đã chỉ thẳng vào nhà vua và nói rằng: Vua không được cướp vợ của anh mình. Vì lúc đó cuộc sống bất hợp pháp của vua Hêrôđê với chị dâu đã là một gương xấu cho toàn dân, mà không ai dám nói, cuối cùng chỉ có Gioan là người dám lên tiếng tố cáo sự xấu xa ấy.
Cũng chính vua Hêrô đê đã trả thù cho hành động thẳng thắn của Gioan bằng việc giam ông trong ngục, và cho chém đầu ông để đáp lại lời cầu xin mưu mô của mẹ con bà Hêrôđiađê. Cho nên khi nghe nói về Chúa Giêsu, thì Hêrôđê dường như đã bị ám ảnh và cứ nghĩ rằng Ông Giêsu là Gioan từ cõi chết sống lại, vì chắc chắn Hêrôđê cũng đã từng nghe về sự thu hút của Đức Giêsu với đám đông dân chúng, đã từng nghe người ta kể về những phép lạ và nhữung giáo huấn cùa Ngài, và nhất là đã nghe về sự thẳng thắn của Ngài đối với các luật sĩ và biệt phái, Đức Giêsu đã từng trả lời cho những người do vua Hêrôđê sai đến rằng: Các người hãy về nói với con cáo già ấy…tức là Chúa Giêsu đã vạch trần sự mưu mô xảo trá của Hêrôđê, và nhiều lần Ngài cũng đã làm cho những người thuộc phe phái của Hêrôđê phải cứng miệng.
Hêrôđê đã tự trấn an mình và đồng thời cũng đặt câu hỏi cho chính mình: Ông Gioan thì chính ta đã cho chém đầu rồi, còn ông này là ai mà ta nghe đồn về những chuyện như thế? Rồi vua tìm cách gặp Chúa Giêsu. Chính ông đã xác định thái độ độc ác của mình khi khẳng định chính mình đã chém đầu Gioan, để chặn đứng những lời cảnh cáo của ông, và cũng là chặn đứng một nguy cơ, theo cái nhìn của Hêrôđê, khi thấy có nhiều người tin và theo Gioan và ảnh hưởng của Gioan ngày càng lên cao. Như thế việc ông muốn tìm gặp Chúa Giêsu chắc chắn không phải vì những mục đích tốt lành thiện chí, cũng không phải vì muốn nghe lời Chúa Giêsu rao giảng, mà vì ông đã nhìn thấy Chúa Giêsu là một người cản trở cuộc sống hiện tại của ông, là một người đã đụng chạm đến cuộc sống và lương tâm của ông và cũng là một người đang có nhiều ảnh hường trên dân chúng sau cái chết của Gioan, và vì thế trong mưu đồ của Hêrôđê, ông tìm gặp Chúa Giêsu là để loại trừ Người như ông đã từng gặp để nghe Gioan giảng rồi bỏ tù và giết Gioan.
Thưa quý ông bà anh chị em, tâm trạng của vua Hêrôđê có khi cũng là tâm trạng của nhiều người trong chúng ta, kể cả những người ngoại đạo, vì ngày nay có nhiều lối sống và nhiều việc làm của xã hội của thế giới mà Giáo hội đang nhân danh Thiên Chúa để cảnh cáo họ, đó là những lối sống vô luân và vô nhân, những lối sống đang làm hạ thấp phẩm giá con người và phẩm giá Con Thiên Chúa, những lối sống bất công và những việc làm chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá mà giáo Hôi đang lên tiếng. Chính vì sự lên tiếng này mà thế giới muốn loại trừ Đức Giêsu và Giáo Hội của Người.
Tâm trạng của Hêrôđê, có thể cũng là tâm trạng của nhiều người tín hữu, do đời sống bê tha tội lỗi, hoặc do sự lười biếng, và nhiều người đang cố tình lao vào con đường nghịch với giới răn lề luật của Thiên Chúa, nên nhiều người cũng đã nhìn Thiên Chúa như một kẻ cản trở công việc và đời sống của họ, coi Lời Chúa như là cái gai cứ ngày đêm đâm vào lương tâm họ khiến họ khó chịu và do đó họ tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình.
Là người Kitô hữu, song nhiều người cũng giống như Hêrôđê, chỉ nghe nói về Chúa Giêsu chứ chưa thực sự chưa gặp, chưa biết Chúa Giêsu là ai. Nhiều người chỉ nghe về Chúa Giêsu như nghe một câu chuyện cổ tích và không ảnh hưởng gì đến cuộc đời của họ. Trái lại, biết Đức Giêsu không chỉ là sự hiểu biết mà còn phải là kinh nghiệm gặp gỡ tiếp xúc với Ngài trong thân tình qua cầu nguyện, và đụng chạm đến Ngài như là người bạn bằng xương bằng thịt.
Giống như Hêrôđê, nhiều người tín hữu chỉ tìm gặp Đức Giêsu khi gặp khó khăn thất bại, chỉ để cầu xin ơn này ơn khác, còn những khi thành công thì họ cho rằng đó là do sự khôn khéo của mình, và không mấy khi nhớ đến Ngài với tâm tình biết ơn. Nhiều người chỉ lo đi tìm Chúa ở nơi này nơi khác, trong khi đó Chúa Giêsu đang hiện diện một cách cụ thể nơi Lời của Chúa, nơi Bí tích Thánh Thể, nhưng nhiều người tín hữu dường như đã không quan tâm đến sư hiện diện của Ngài.
Nhiều người xưng mình là Kitô hữu, song họ không tìm kiếm Đức Giêsu, không để tâm học biết về Ngài, nên không biết gì hoặc biết một cách hết sức mơ hồ về Chúa Giêsu. Nhiều người tin Chúa Giêsu mà vẫn chạy theo của cải tiền bạc vật chất danh vọng quyền lực, kể cả chạy theo ma quỷ và các thứ bùa chú và đặt Đức Giêsu xuống hàng thứ yếu tùy phụ trong các lo toan của mình.
Lời sách Giảng Viên hôm nay lặp lại cho chúng ta nhớ rằng mọi sự ở thế gian này đều là phù vân, tất cả tiền bạc của cải danh vọng sẽ tan đi như mây khói, chỉ có Chúa mới là hạnh phúc đích thực và trường tồn. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết tìm kiếm Chúa và đặt Ngài làm trung tâm của cuộc sống và để cho Ngài làm chủ và chi phối cuộc đời của chúng ta, và xin cho chúng ta biết can đảm, sẵn sàng vâng nghe sự chỉ dạy của Người. Amen
Lm. Đỗ Đức Trí

SUY NIỆM 4:

Câu chuyện
Lạ lùng vì được thụ thai trong lòng một bà già đã quá tuổi sinh con.
Lạ lùng vì khi đang còn ở trong bụng mẹ, đã được sạch tội tổ tông.
Lạ lùng vì khi đang còn thanh niên đã lên núi, sống cuộc đời thinh lặng và khắc khổ.
Lạ lùng vì khi được dân chúng hoan hô khen ngợi như Đấng Cứu Thế, thì vẫn khiêm nhượng xưng mình chỉ là kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.
Lạ lùng vì cái chết đầy anh dũng để bảo vệ Luật Chúa: Chết vì bị các kẻ dâm ô chặt đầu bỏ trên đĩa để cười đùa.
Đó là Gioan Tẩy giả…
Suy niệm
Chúa Giêsu đã không ngừng là một dấu hỏi cho người đương thời, với những giáo huấn mới lạ đầy quyền uy, những phép lạ làm cho người câm nói được, người điếc được nghe, người mù thấy được, người què và bại liệt đi lại được, người bị quỷ ám được giải thoát…
 Vua Hêrôđê phân vân trước những phản ứng của người đời nói về Đức Giêsu: Ngôn sứ  Êlia, vị ngôn sứ phải đến chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế, hay Gioan Tẩy giả mà chính mình đã sát hại nay sống lại hay một ngôn sứ thời xưa đã sống lại… Hêrôđê đã tự đặt câu hỏi về Chúa Giêsu: “Ngài là ai?” Và ông đã tìm cách tiếp xúc với Ðức Giêsu để khám phá ra con người của Ngài. Tuy nhiên, Hêrôđê đã không được diện kiến Chúa Giêsu trong suốt thời gian Ngài đi công bố Tin Mừng vì ông muốn gặp Chúa Giêsu để thỏa mãn óc hiếu kỳ, sự tò mò... chứ không phải đi tìm kiếm chân lý với sự cảm phục yêu mến như Giakêu (x. Lc 19,3-4) đã được gặp Ngài và được ơn công chính… Hêrôđê không gặp được Ngài vì quyền năng của Thiên Chúa chưa muốn tỏ hiện: “Vì giờ của Con Người chưa đến” (Ga 7,30b). Chỉ khi giờ đến, những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu: Philatô chuyển giao Ngài cho ông nên ông mới gặp được Chúa: “Hêrôđê mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn gặp Người” (Lc 23,8). Nhưng vua không nhận ra Ngài là ai. Cơ hội gần kề nhưng vua không tận dụng được cơ hội khám phá ra nguồn chân lý.
“Chúa Giêsu, Ngài là ai”. Mỗi người một câu trả lời, nhưng bất cứ ai cũng được mời gọi để bày tỏ lập trường đối với con người của Chúa Giêsu. Riêng vua Hêrôđê muốn đến gặp Chúa Giêsu vì tò mò. Chúng ta, những người Kitô hữu, biết hướng về Chúa, kiếm tìm và ao ước gặp Chúa trong cuộc sống vì Ngài “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
Ý lực sống
Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài (Tv 25,4c.5a).

Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ


SUY NIỆM 5: KHAO KHÁT ĐƯỢC GẶP CHÚA GIÊ-SU
Tiểu vương Hê-rô-đê đã nghe về Chúa Giê-su, đã cảm thấy phân vân và tự hỏi Người là ai? Ông cũng tìm cách gặp Chúa nhưng ông chỉ có thể thấy Người trong cuộc khổ nạn, khi Phi-la-tô gửi Người đến cho ông để xét xử (x. Mt 23,8-12). Lúc đó ông đã mừng rỡ vì được thỏa mãn ước vọng bấy lâu nay. Tuy nhiên ông đâu có mong chờ một điều gì mới từ Chúa. Ông chỉ thích được thấy phép lạ từ Người để thỏa mãn tính tò mò của ông. Ông đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng Chúa đều im lặng, không trả lời. Như thế, vị tiểu vương này đã có ước mong gặp Chúa, đã thấy Chúa cách trực tiếp, tuy nhiên ông gặp mà như chưa gặp vì lòng ông không mở ra để đón nhận Người. Tâm hồn ông vẫn tràn đầy sự xảo quyệt, độc ác và gian tà giống như “con cáo” (x. Mt 13,32). Một con người như vậy, thật khó có thể nhận ra Con Một Thiên Chúa, là Đấng giàu lòng yêu thương và nhân hậu.
Nhiều người Do thái thời đó cũng mang trong lòng một nỗi khao khát đón chờ Đấng Mê-si-a. Tuy nhiên, trước những gì mà Chúa Giê-su đã và đang thực hiện, họ cũng chỉ coi Chúa như những tiên tri trong Cựu ước như ông Ê-li-a chẳng hạn hay là so sánh với ông Gio-an tẩy giả. Đối với những người này, Chúa Giê-su cũng giống như những con người mà trong lịch sử họ đã biết. Họ chưa sẵn sàng đón nhận Chúa với những điều mới lạ, với vị thế của Đấng Mê-si-a, Con Thiên Chúa. Họ đã mong mỏi và được gặp Chúa, nhưng chưa nhận ra Người.
Thưa anh chị em, ngày hôm nay, là người tín hữu, đôi khi chúng ta cũng khát khao được gặp Chúa Giê-su trong cuộc đời. Người vẫn luôn hiện diện trong Lời Chúa, trong cử hành các Bí tích, cách đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, hoặc nơi anh chị em… Có thể nhiều lần chúng ta đã “thấy” Người, nhưng tâm hồn chúng ta chưa cảm nhận được sự hiện diện của Người vì còn vướng vân và bị lôi cuốn bởi nhiều thứ ở trần gian. Cuộc sống hôm nay thật ồn ào, bon chen mệt mỏi với những lo toan, tính toán chuyện cơm áo gạo tiền và ước mong rằng mỗi chúng ta luôn dành khoảng thời gian tĩnh lặng, suy nghĩ về sự hiện diện của Chúa và những điều mới mẻ mà Người đã mang đến trong cuộc đời của chúng ta: là sự sống vĩnh cửu, là niềm vui và bình an đích thực.
Lm. Gio-an Trần Văn Viện
SUY NIỆM 6:
Vua Hêrôđê vì một chút sỉ diện và ham mê nhục dục đã ra tay giết hại thánh Gio-an Tẩy Giả. Bây giờ khi nghe dân chúng đồn đoán Gio-an đã sống lại nơi Đức Giê-su thì ông đã phân vân lo lắng vì hành động của mình. Mới hay, đôi khi có những kẻ tìm kiếm Chúa không phải vì mến Người hay để xin theo Người, mà là vì sự phân vân lo lắng và lương tâm cắn rứt vì đã hành động tội lỗi:
1. Tìm gặp Chúa vì phân vân.
Những ghi nhận của mọi người về Chúa Giê-su thật ra không phải là sai, nhưng chưa đủ, mà chỉ nói lên được một khía cạnh trong sự tròn đầy của khuôn mặt Đức Giê-su là Chúa: Là Êlia (một ngôn sứ quyền năng, làm phép lạ…), là Gio-an Tẩy giả (kêu gọi sám hối), là một ngôn sứ nào đó (đời sống chứng nhân và rao giảng).
Khi nghe những lời đồn đại về Chúa Giê-su, quận vương Hêrôđê đã phân vân và tìm cách gặp Người. Có thể cuộc gặp này để kiểm chứng thực hư, nhưng tiếc là ông ta không có cơ hội gặp, mà đến ngày Chúa bị kết án thì ông mới được Philatô giải đến cho gặp.
Còn chúng ta? Có bao giờ chúng ta dành ra những phút hồi tâm suy nghĩ về Thiên Chúa hiện hữu và tác động trên đời ta, qua những dấu chỉ cuộc sống, qua những gương chứng nhân, qua Phụng vụ Bí tích, qua đời sống đạo… để rồi chúng tìm đến gặp Chúa và tạ ơn Người không?
2. Tìm gặp nhau vì lương tâm cắn rứt.
Dân gian có câu:
“Hổ giết người hổ lăn ra ngủ,
người giết người thức đủ năm canh”
Thái độ thứ hai của Hêrôđê là hoang mang vì đã đổ máu người vô tội. Chính vì một chút sỉ diện và ham mê nhục dục mà ông đã ra tay giết hại thánh Gio-an Tẩy giả. Bây giờ khi nghe dân chúng đồn đoán Gio-an đã sống lại nơi Đức Giê-su thì ông hoang mang muốn gặp…
Sự xuất hiện của Chúa đã làm phơi bày ra những tội ác của kẻ ác, và đặt mọi người vào thế đối diện với chính mình và phải tự vấn lương tâm.
Điều này cho thấy, khi chúng ta hành động tội lỗi, thì lương tâm sẽ cắn rứt và làm cho chúng ta mất bình an (trừ khi lương tâm đã ra chai đá). Để tìm lại được sự bình an, chúng ta hãy mau tìm đến gặp Chúa nơi Bí tích Giải tội, để được Chúa tha thứ và giúp chúng ta hoà giải với Chúa và tha nhân.
Lạy Chúa Giê-su, Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa Chúa chất vấn từng người chúng con về niềm tin vào Ngài là ai?  Xin cho chúng con dám đối diện với chính mình xem chúng con có còn tuyên xưng Chúa là Chúa trong cuộc đời chúng con nữa không? Hay là chỉ tìm đến với Chúa vì những lời đồn đoán và vì phân vân lo lắng những hành động tội lỗi chúng con bị phơi bày… Amen.
Hiền Lâm

SUY NIỆM 7:

Thông thường mong muốn được gặp gỡ một ai đó là vì mộ mến, muốn được học hỏi những điều tốt đẹp nơi con người ấy. Nhưng khao khát gặp gỡ Chúa Giêsu của vua Hêrôđê không phải thế mà là vì hiếu kỳ nên ước muốn của ông bất thành.  Đó những điều mà Tin mừng hôm nay muốn nói với chúng ta.
Tin mừng hôm nay cho biết danh tiếng Chúa Giêsu được nhiều người biết đến, bởi những lời giảng dạy khôn ngoan và những phép lạ lớn lao Người thực hiện. Danh tiếng Người đã được mọi người ngưỡng mộ nên cả vua Hêrôđê cũng muốn gặp gỡ để tìm hiểu xem Đức Giêsu là Người thế nào.
Do đó ước muốn gặp gỡ của Vua Hêrôđê không phải là vì thiện chí nhưng là nhằm để:
– Xác định xem Đức Giêsu có phải là Gioan Tẩy Giả mà ông đã nhẫn tâm giết chết không?
– Vì hiếu kỳ muốn xem Đức Giêsu có thực sự tài năng xuất chúng như dân chúng đồn đoán không?
– Nhằm chấn an lương tâm bất ổn vì ông đã phạm quá nhiều tội ác: giết các hài nhi từ 2 tuổi trở xuống ở Bêlem và các vùng phụ cận khi Chúa Giêsu giáng sinh, khiến cho những tiếng khóc than ai oán thét gào không ngưng của bà Rakhen khóc thương con mình. Cướp lấy bà vợ của anh mình là bà Hêrôđia. Nhất là ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả.
Vì ý muốn gặp gỡ Chúa Giêsu không phát xuất từ ý định thiện hảo nên mãi khi Chúa Giêsu bị những người Do Thái và giới lãnh đạo tôn giáo bắt và đem đến trình diện để ông xử án, thì ông mới gặp được Chúa Giêsu. Nhưng trong cuộc gặp gỡ này ông cũng không đón nhận được bất cứ điều gì nơi Đức Giêsu. Bởi lẽ cuộc gặp gỡ này không phải vì chủ đích tốt lành; cũng như tâm hồn ông còn chất chứa quá nhiều tội ác mà không muốn sám hối thay đổi nên không trở nên ân phúc cho ông.  
Xin cho chúng ta luôn biết tìm đến Chúa bằng một tấm lòng chân thành khiêm tốn với ước muốn được đón nhận ơn tha thứ và lời chỉ dạy của Chúa. Nhờ đó ta mới có thể đón nhận những ơn lành của Chúa mà biến đổi cuộc đời nên tốt đẹp hơn. 
Lm. Seoka

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây