CHÚA NHẬT KÍNH TRỌNG THỂ LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Thứ sáu - 04/10/2024 10:56
 
CHÚA NHẬT KÍNH TRỌNG THỂ LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38




Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”
35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

SUY NIỆM 1: MARIA, MẸ HỘI THÁNH
Lời Chúa: “Này Tôi là tôi tớ Chúa. Tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1,38).
Nhập lễ:   
Kính thưa cộng đòan phụng vụ,
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng kính Ðức Mẹ Mân Côi. Mừng kỷ niệm biến cố chiến thắng đạo quân Hồi giáo tại vịnh Lepente vào thế kỷ 16. Biến cố này giúp ta tái khám phá sự hiện diện của Mẹ Maria trong Hội Thánh lữ hành:
Siêng năng lần hạt; canh tân,
Tôn sùng Thánh Mẫu Mẹ khuyên ba điều.
Thuyền trần chao đảo truân chuyên,
Mẹ thương mách bảo chớ nên khinh thường.
Lơ – păng kỷ niệm vấn vương,
Nhắc ta nhớ lại: cậy nương vào Người.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết đón nhận thánh ý Chúa như lời Mẹ dạy: Sám hối, cầu nguyện và siêng năng lần chuỗi Mân Côi, để nhờ Mẹ cầu cùng Chúa ban cho chúng ta có được cuộc sống bình an và hạnh phúc. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa làm người đã sinh ra từ cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã cho Đức Maria cộng tác vào trong chương trình cứu độ của Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa đã đặt Đức Maria làm Mẹ của Hội Thánh. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Hội Thánh Công Giáo được Chúa Ktiô thiết lập trên nền tảng các Tông đồ, Đấng làm chủ vũ trụ và Người muốn cho tất cả mọi người được cứu độ. Hội Thánh hoàn toàn ý thức những kỳ công của Thiên Chúa trong ngày Ngũ tuần tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu nói các thứ tiếng tùy theo Thánh Thần ban cho. Ở chặng đầu cuộc hành trình này, Mẹ Maria đã hiện diện ở giữa các thánh Tông đồ trong nhà tiệc ly, và cùng với các ngài đồng tâm nhất trí, chuyên tâm cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần ngự xuống.
Thưa anh chị em, trong biến cố truyền tin Thánh Thần đã xuống trên Mẹ Maria. Cũng từ đó, Mẹ Maria đã trở thành hiền thê trung tín của Thánh Thần. Mẹ Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa, và đã dâng lên Thiên Chúa sự quy phục hoàn toàn của lý trí, ý chí và đức tin: “Này Tôi là tôi tớ Chúa. Tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”. Lời xin vâng này được thể hiện từng giây phút trong cuộc đời của Mẹ Maria mãi tới đỉnh cao đồi Golgotha khi Mẹ đứng dưới chân thập giá của núi sọ. Như vậy, ngày lễ ngũ tuần ở Giêrusalem đã được chuẩn bị bởi thập giá nhưng cũng bởi giờ phút truyền tin ở Nagiareth. Tại nhà tiệc ly, hành trình của Mẹ Maria gặp gỡ hành trình của Hội Thánh trong đức tin: Mẹ Maria gắn bó chặt chẽ với mầu nhiệm Chúa Kitô, và cũng gắn bó với mầu nhiệm Hội Thánh ngay từ lúc khai sinh. Trong suốt cuộc hành trình của Hội Thánh, Mẹ Maria luôn hiện diện như “đấng đã tin rằng, Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói”. Và như thế, Mẹ Maria như đấng cầu bầu cho Hội Thánh, đặc biệt trong những giờ phút lâm nguy. Vì, Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ cũng là Mẹ của Hội Thánh. Bằng sự quan tâm hiền mẫu của mình, Mẹ luôn đỡ nâng chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu. Mẹ dạy chúng ta phó thác nơi Chúa, như Mẹ đã kiên trung tín thác suốt đời, để thánh ý của Chúa được thực hiện, vì ơn cứu độ của toàn thể nhân loại. Bằng sự quan tâm hiền mẫu như thế, qua các biến cố lịch sử của Hội Thánh đều có cánh tay Mẹ chở che, và cũng qua đó nói lên sự hiện diện đầy tình hiền mẫu của Mẹ trong cuộc lữ hành của Hội Thánh.
Lịch sử ghi lại rằng, trước sức mạnh đe dọa của đạo quân Hồi Giáo tại vịnh Lepente vào thế kỷ 16 (1571) trên phần đất nước Ý, Đức Giáo hoàng Piô V đã kêu gọi con cái mình chung sức bảo vệ. Đạo binh Thánh Giá lên đường ra tiền tuyến. Hậu phương yểm trợ bằng Kinh Mân Côi. Đoàn chiến thuyền hùng hậu của đạo quân Hồi Giáo đang tiến nhanh trên mặt biển Địa Trung Hải như đi vào chỗ không người, gió lại rất thuận lợi vì thổi sau lưng họ làm cho họ tiến lên dễ dàng, nhưng kỳ lạ thay, tàu bè của họ bỗng nhiên quay lộn lại đâm mạnh vào nhau, làm cho tàu chìm, người chết, chiến thắng trở về với người Công giáo. Kể từ đó, Đức Giáo Hoàng Pio V đã đặt lễ Kính Mẹ Mân Côi vào ngày này (07/10) để kính nhớ sự bảo vệ đầy quyền năng của Mẹ đã làm cho Hội Thánh.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Khi mừng kỷ niệm chiến thắng tại vịnh Lepente, chúng ta thêm một lần nữa cảm nhận sự hiện diện đầy tình mẫu tử của Mẹ Maria từ khi Ngôi Lời nhập thể đến chân thập giá và trong suốt dòng lịch sử của Hội Thánh bằng sự can thiệp của Mẹ. Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, là dịp để chúng ta đi vào chương trình cứu rỗi của Chúa Giêsu, cầu nguyện cho mọi người đón nhận và tuân hành thánh ý Thiên Chúa. Trong các lần hiện ra ở Lộ Đức cũng như Fatima, Đức Mẹ đều khuyên nhân loại phải ăn năn sám hối, lần chuỗi Mân Côi và sống trung thành với Chúa để chúng ta được ơn làm nghĩa tử và được gọi Thiên Chúa là Cha.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ rất thánh Mân Côi, xin Mẹ giúp chúng con biết nhìn ngắm đời sống của Mẹ để noi gương đời sống đức tin anh dũng, đồng thời biết chạy đến cùng Mẹ để được Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban ơn cho chúng con. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.
SUY NIỆM 2: KINH MÂN CÔI – LỜI KINH NỐI KẾT
Có lẽ, trong các kinh nguyện của Giáo hội, không có lời kinh nào có sự kết nối phong phú, nhiều chiều như lời kinh Mân Côi. Thật vậy, khi ta lần chuỗi Mân Côi là ta được nối kết với Chúa Giêsu, với Chúa Cha, với Mẹ Maria, với Chúa Ba Ngôi, với các linh hồn, và với tất cả anh chị em trong cùng một đức tin.
- Nối kết với Chúa Giêsu qua việc suy ngắm các mầu nhiệm Vui - Sáng - Thương - Mừng, như là bản tóm lược các Tin Mừng. Tương ứng với mỗi mầu nhiệm là một ơn xin đặc biệt (Ta hãy xin cho được…, ta hãy xin cho được…).
- Nối kết với Chúa Cha qua lời kinh lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy các mộn đệ, cũng là lời kinh đẹp nhất (kinh Lạy Cha), với những ơn xin đi kèm cho các nhu cầu thiết yếu  cả về phần xác lẫn phần hồn (…).
- Nối kết với Mẹ Maria qua lời kinh Kính Mừng, lời kinh mà Đức Mẹ thích nhất. Trong kính Kính Mừng, ta lặp lại lời chào của sứ Thần Gapriel “Kính mừng Maria đầy ơn Phúc…”, và lời tán dương của bà Elisabeth “Bà thật có phúc hơn mọi người nữ…”), để tán tụng ca khen Đức Mẹ, như là một cách thức nối kết trực tuyến (online) với Đức Mẹ. Kèm theo đó là lời van xin Đức Mẹ cầu bầu cho chính chúng ta là kẻ có tội.
- Nối kết với Chúa Ba Ngôi với ý nguyện cho Danh Thánh Ba Ngôi Thiên Chúa được cả sáng, qua lời kinh Sáng Danh (…).
- Nối kết với các linh hồn qua lời nguyện vắn ngay sau kinh Sáng Danh: “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho các linh hồn ...”.
- Nối kết với tất cả anh chị em trong cùng một đức tin, dù ta có đọc một mình đi nữa, vì “đại từ nhân xưng” trong các lời nguyện xin của chuỗi kinh Mân Côi đều luôn ở hình thức số nhiều: “chúng con”.
Cám ơn Mẹ Giáo Hội đã thiết lập và cho phổ biến chuỗi kinh có sự kết nối “vi diệu” như thế.
Nhưng điều quan trọng là chúng ta có yêu mến chuỗi kinh Mân Côi, và năng thực hành việc lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày hay không? Và mỗi khi lần chuỗi, ta có mặc lấy tâm tình sốt sắng hay không? Bởi vì lần chuỗi là lặp đi lặp lại những lời kinh, nên ta dễ đọc một cách máy móc, tức là đọc mà không mấy ý thức; hoặc nữa là đọc mà lo ra, trông cho mau xong, nên cứ liếc nhìn tràng hạt xem đã gần hết chục kinh chưa, nếu lần năm chục thì trông cho mau đến chục thứ  năm, v,v…
Để tránh những tiêu cực không đáng có ấy, ta cần làm gì? Ta cần phải xin ơn với Đức Mẹ mỗi khi lần chuỗi. Và ơn đầu tiên mà ta cần xin với Đức Mẹ là xin được thêm lòng yêu mến việc lần chuỗi Mân Côi. Đơn giản vì khi có lòng mến, ta sẽ lần chuỗi sốt sắng. Ơn thứ hai là xin Mẹ cho ta, mỗi khi lần chuỗi, cảm nghiệm được sức mạnh nâng đỡ của Chúa và của Mẹ. Có được sức mạnh đỡ nâng, ta sẽ lần chuỗi mà không chán, và không mỏi mệt.
Được như thế, chắc chắn việc lần chuỗi sẽ mang lại ơn ích thiêng liêng dồi cho ta, và giúp ta ngày càng thêm lòng yêu mến Chúa, yêu mến Đức Mẹ, và yêu mến các linh hồn. Amen.
Lm. Giuse NTL

SUY NIỆM 3: HÃY SIÊNG NĂNG LẦN HẠT MÂN CÔI
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả các tín hữu trên thế giới cùng đọc kinh Mân Côi hằng ngày trong suốt tháng 10 này. Ngài cũng mong rằng cộng đoàn tham gia hiệp thông, sám hối, cùng thỉnh cầu Đức Maria và Tổng lãnh thiên thần Micae bảo vệ Giáo hội khỏi quỷ dữ – là kẻ luôn muốn tìm cách chia rẽ chúng ta khỏi Thiên Chúa và anh chị em.
Trước khi lên đường tông du đến các quốc gia vùng Baltic, Đức Phanxicô đã gặp Cha Fréderic Fornos, dòng Tên, giám đốc “Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu cùng Đức Thánh Cha” và đề nghị Cha quảng bá lời kêu gọi này đến với các tín hữu trên thế giới.(Vatican News, 29/9/2018.)
Các Đức Giáo Hoàng đều cổ võ việc đọc kinh Mân Côi, nhất là trong các gia đình.
Đức Piô IX khuyên nhủ: “Kinh Mân côi là kho tàng quý giá của Giáo hộihãy lần chuỗi mỗi buổi tối trong gia đình”. Đức Lêô XII thiết lập tháng Mân Côi. Đức Piô X khẳng định: “Nếu các con muốn cho gia đình mình hạnh phúc thì hãy lần chuỗi với nhau mỗi buổi tối”.
Đức Piô XI  huấn dụ: Chúng tôi khuyên các bậc làm cha làm mẹ hãy tập cho con cái mình thói quen lần chuỗi. Mỗi lần tiếp kiến các đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi đều khuyên nhủ họ hãy siêng năng lần chuỗi. Ngay cả chúng tôi nữa, không ngày nào mà chúng tôi không lần chuỗi. Đức Thánh Cha Piô XII mời gọi các bạn trẻ : Hãy yêu mến Mẹ qua việc lần chuỗi Mân côi. Năm 1951 ngài đã ra thông điệp về Kinh Mân côi, và xin các tín hữu hãy lần chuỗi gấp đôi trong tháng Mân côi. Trong một lần tiếp kiến, ngài nói với một vị Giám mục: Hãy yêu cầu các linh mục của ngài cầu nguyện và hãy nói cho họ biết: Đức Thánh Cha vẫn lần chuỗi mỗi ngày. Khi về già, trước lúc đi ngủ, dù là nửa đêm, ngài cũng vẫn lần chuỗi. Thánh Gioan XXIII, ngay trong năm đầu của triều đại cũng đã ra một thông điệp về Kinh Mân côi. Thánh Gioan Phaolô II, ngay trong tuần lễ sau khi đắc cử Giáo Hoàng, đã nói với tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô khi đọc kinh Truyền Tin: “Chuỗi Mân côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lập lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy”. (Tông thư Kinh Mân Côi).
Các Đức Thánh Cha đều khẳng định về sự tuyệt diệu của Kinh Mân côi và mong muốn mọi tín hữu hãy siêng năng lần chuỗi, đặc biệt là giờ kinh tối gia đình.
Hơn bao giờ hết, gia đình đang bị các sự dữ tấn công; thế giới đầy những biến động đe dọa hòa bình công lý. Mỗi Gia đình hãy hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thực hiên ba lời dạy của Đức Mẹ Fatima : Hãy ăn năn, hãy tôn sùng Trái tim Mẹ, hãy năng lần hạt Mân Côi để được Chúa thương xót.
Giờ kinh tối trong gia đình chính là giờ “ngồi bên nhau” và “cùng nhau ngồi bên Mẹ, ngồi bên Chúa”, là giờ của chân lý, là một khám phá kỳ diệu, là một liều thuốc thần tiên xây dựng gia đình hạnh phúcKinh nguyện gia đình là phương thế hữu hiệu của việc giáo dục đức tin cho con cái và là chất keo xây dựng gia đình hạnh phúc. Thế nhưng, phương thế này đang bị các gia đình Công Giáo lãng quên và thay vào đó bằng những phương thế giải trí: phim ảnh, truyền hình, máy vi tính, game, điện thoại, những cuộc vui chơi bên ngoài gia đình…Do đó, để củng cố đức tin cho cả nhà và xây dựng mái ấm hạnh phúc, mỗi gia đình đã tổ chức những giờ kinh tối trong gia đình.
Suốt tháng 10, mỗi lời kinh Mân Côi là một đóa hoa hồng diễn tả tình yêu của đoàn con cái dành cho Mẹ hiền. Qua Kinh Mân Côi, đoàn con thảo đọc đi đọc lại cả trăm cả ngàn lần kinh Kính Mừng, như trăm ngàn đóa hoa hồng dâng kính Mẹ từ ái.
Chất lượng kinh nguyện của từng gia đình tỷ lệ thuận với đời sống hạnh phúc. Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đã từng nhắn nhủ: “Chúng ta hãy thương yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu thương mỗi một người chúng ta. Mà tình yêu này được bắt đầu ở đâu? Ở ngay gia đình của chúng ta. Nó được bắt đầu ra sao? Ở việc gia đình cùng nhau cầu nguyện”.
Chuỗi Mân Côi là một bản tóm tắt gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Mân Côi là những bông hồng đẹp được tượng trưng bằng các kinh Kính Mừng để tôn vinh Người. Đức Mẹ đã có mặt trong cuộc đời Chúa Cứu Thế từ những giây phút đầu cho đến những giây phút cuối.
Lần chuỗi Mân Côi, cả gia đình cùng đọc những kinh trọng nhất trong đạo: Kinh Lạy Cha là kinh chính Chúa Cứu Thế đã dạy; Kinh Kính Mừng gồm lời chào của sứ thần Gabriel và lời ca tụng Đức Mẹ của bà Êliazabeth; Kinh Sáng Danh là lời tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi của Hội Thánh. Các mầu nhiệm suy gẫm là các mầu nhiệm trong đời Chúa Cứu Thế và Đức Mẹ. Ví dụ suy gẫm thứ hai mùa Vui, Đức Bà đi thăm bà Êliazabeth, cần phải cố gắng bắt chước Đức Mẹ thực hiện đức yêu thương ngay trong gia đình, với bà con, với mọi người. Thứ hai mùa Mừng, Chúa Giêsu lên trời, cần phải suy rằng cuộc đời này phải ăn thì phải làm lụng, buôn bán nhưng phải cố gắng nhớ đến mục đích đời này là để chuẩn bị về với Chúa đời sau, nên phải ăn ở lương thiện, tránh gian tham lỗi công bằng… Các mầu nhiệm khác cũng tương tự như thế. Đó là cách lần hạt hữu ích nhất.
Kinh Mân Côi là lời kinh phổ cập, đó là kinh của mọi tín hữu. Ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người ít học, người giàu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Kinh Mân Côi có thể đọc được ở bất cứ đâu hay trong hoàn cảnh nào, ở nhà thờ, ở nhà mình, ở ngoài đường, trong nơi yên lặng hay giữa chốn ồn ào náo động và nhất là đọc chung với nhau trong gia đình hay những khi có đông người công giáo họp nhau lại. Đọc Kinh Mân Côi với ý thức là mình đang làm một công việc có chất Tin Mừng, được Giáo Hội công nhận và nhiệt tình khuyến khích, một công việc thu tóm lại tất cả cuộc đời Chúa Cứu Thế.
Đức Giáo hoàng Phaolô VI khích lệ: “Bản chất việc đọc kinh Mân côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người ta có thời gian suy gẫm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gũi nhất với Chúa”. Chuỗi hạt Mân Côi nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Chuỗi Mân Côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ Maria. Cầm Chuỗi Mân Côi trên tay, chúng ta sẽ thấy mình được tăng thêm nghị lực, sống vươn lên với niềm Tin, Cậy, Mến. Chuỗi hạt Mân Côi mang đến vô vàn ơn phúc huyền diệu cho mỗi người, mỗi gia đình.
Kinh Mân côi là kinh hạt phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào. Điều thuận lợi của chuỗi Mân côi là lần hạt ở đâu cũng được. Ta không buộc phải đọc 50 Kinh Mân côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào: khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh… thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết gia Jacques Maritain gọi là “chiêm niệm bên vệ đường”. Kinh Mân Côi chính là người bạn chân tình, dễ tính, trung thành luôn sẵn sàng hiện diện mọi lúc, mọi nơi.
Nếu nhân đức là việc tốt lành được tập tành lập đi lập lại thành thói quen phản xạ tự nhiên, thì Kinh Mân Côi chính là một bửu bối không thể thiếu được cho người tu thân luyện đức theo gương Đức Mẹ và theo chân Chúa Giêsu từ Máng cỏ ấp ủ qua Thập giá trui rèn tới Nhà Tạm chiêm ngưỡng. Mỗi một mầu nhiệm xướng lên là một nhân đức khơi gợi, để theo lời kinh nhỏ nhẹ và dưới tác động của ơn thánh, lòng người được bớt bất xứng hơn, tạo điều kiện thuận lợi dần dần cho việc nên thánh.
Những nhà thông thái có sách vở chữ nghĩa, những nhà cai trị có sức mạnh quyền hành, những nhà tu trì có bầu khí ổn định làm phương tiện, còn người tín hữu là những nhà “tu hành” nghĩa là “tu thân bằng việc hành đạo”, thì Kinh Mân Côi chính là hành trang gọn nhẹ đeo cổ tay giúp thánh hóa bản thân gia đình và xã hội. Theo nghĩa này, Kinh Mân Côi không khác gì điện thoại di động hòa đời ta vào mạng sự sống thiêng liêng.
Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta quyết tâm sống theo lời Mẹ trong dịp hiện ra lần cuối tại Fatima là “hãy siêng năng lần hạt”. Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán” (Đường Hy vọng số 947).
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con siêng năng lần hạt Mân Côi trong mỗi ngày sống, nhờ đó chúng con được hiệp thông nối kết với nhau và cầu nguyện cho nhau. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

SUY NIỆM 4: KINH MÂN CÔI, LỜI KINH KỲ DIỆU
Người Việt Nam ta từ xưa tới nay, và chắc chắn về sau cũng vậy, lòng tôn sùng Mẹ Maria vẫn luôn là một nét đẹp trong lòng Hội Thánh. Lòng yêu mến ấy được bày tỏ trong các gia đình, nơi các đền đài, nhà thờ, dòng tu và những trung tâm hành hương tôn kính Đức Mẹ đó đây.
Nhưng yêu mến Đức Mẹ mà lại thiếu việc lần hạt Mân côi thì quả là một thiếu sót lớn! Bởi lời kinh Mân côi chính là lời tôn vinh chúc tụng Mẹ đẹp nhất, đơn sơ, chân thành và hiệu quả nhất. Và đặc biệt, Đức Mẹ muốn chúng ta lần chuỗi Mân côi, bởi vì Mẹ nhận ra lời kinh ấy có sức mạnh cứu chúng ta khỏi mọi nguy khốn ở đời này.
Khi đọc lại lịch sử của Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta thấy nhờ việc đọc kinh Mân Côi mà Đức Mẹ đã nhiều lần can thiệp để Giáo Hội được bình an.
Đầu tiên phải kể đến Giáo hội Pháp vào thế kỷ thứ 13, lúc này có nhiều bè rối nổi lên chống đối Giáo hội. Thấy được mối nguy cơ khó giải này, nên thánh Đaminh đã phát động chiến dịch lần chuỗi Mân Côi. Cuối cùng, Đức Mẹ đã đưa được những tâm hồn ngông cuồng ấy trở về với Chúa.
Tiếp đến, vào khoảng cuối thế kỷ thứ 16, lúc ấy Giáo Hội đang bị quân Hồi Giáo đe dọa tiêu diệt. Họ đang sôi sục tiến về Rôma với mục đích bắt Đức Giáo Hoàng Piô V, cũng như tham vọng bình địa đền đài và biến thủ đô Rôma trở thành trung tâm của Hồi Giáo. Họ sẵn sàng bắt bớ và chém giết tất cả những ai chống đối.
Khi nghe tin dữ này, Đức Giáo Hoàng đã phát động phong trào lần Chuỗi Mân Côi để phó thác mọi sự cho Đức Mẹ. Quả thật, Mẹ Maria đã cứu Giáo Hội một cách nhiệm mầu! Chẳng mấy chốc, tin thắng trận của người Công Giáo đã đến Rôma. Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố, đây là hồng ân phép lạ do lời chuyển cầu của Mẹ Maria, để rồi chúng ta có ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay.
La Vang, Trà Kiệu… của Giáo Hội Việt Nam cũng thế. Tại đây, cha ông chúng ta đã phải hứng chịu biết bao gian lao khốn đốn do nạn bắt đạo gắt gao của các vua chúa quan quyền thời ấy. Đời sống đức tin của các tín hữu lúc đó luôn bị đe dọa.
Giữa cơn cuồng phong bão táp, cha ông chúng ta đã phải trốn chạy vào những nơi rừng thiêng nước độc, hay chui rút trong các nhà thờ đóng kín cửa.... Lúc này, các ngài chỉ biết cậy trông lòng thương xót của Thiên Chúa qua trung gian Mẹ Maria. Vì thế, tay không lúc nào rời Chuỗi Mân Côi, miệng không ngừng vang lên lời kinh Kính Mừng, với ước mong Mẹ thương cứu giúp.
Cuối cùng, Mẹ đã nhận lời để an ủi, củng cố lòng tin, bảo vệ con cái và hứa sẽ nâng đỡ cho khỏi ngàn nỗi hiểm nguy. Để rồi hôm nay, những nơi ấy trở thành trung tâm hành hương để chúng ta tôn kính Mẹ.
Chắc anh chị em vẫn chưa quên, trong những tháng năm đầu sau biến cố 1975, chúng ta không thể đến với thánh lễ mỗi ngày, hay mỗi tuần vào ngày Chúa nhật; thì chính chuỗi kinh Mân côi đã nuôi sống đức tin của mỗi chúng ta, giúp chúng ta vượt qua bao sóng gió của thời cuộc và của chế độ, để giữ vững lòng tin của mình.
Có thể nói rằng, trải qua dòng thời gian, Giáo hội không ít lần đối diện với bến bờ vực thẳm do lòng đạo đức xuống dốc và suy thoái, hoặc bị kẻ thù tấn công. Trong những thời điểm quan trọng đó, để cứu vãn tình thế, Đức Mẹ đã hiện ra nơi này nơi kia để hướng dẫn và dìu dắt con thuyền Giáo Hội. Trong các lần hiện ra đó, lúc nào Mẹ cũng mời gọi con cái mình siêng năng lần Chuỗi Mân Côi để đón nhận được nhiều ơn lành của Thiên Chúa.
Nhắc lại một vài biến cố vui buồn trong lịch sử của Giáo Hội để thấy rằng, lời kinh Mân Côi quả thật rất gần và rất cần cho đời sống đạo của người kitô hữu của chúng ta. Bởi vì chuỗi Mân Côi chính là vũ khí sắc bén để chống lại 3 thù, là liều thuốc hòa bình cho những ai bất an, là nguồn nâng đỡ cho những ai yếu đuối, là niềm hy vọng cho những người tội lỗi, là ngọn lửa mến cho những ai nguội lạnh, là bảng chỉ đường và là ngọn hải đăng cho những ai lạc lối.
Có lẽ hơn ai hết, chính anh chị em là người đã từng cảm nhận được giá trị của chuỗi kinh Mân Côi trong đời sống đức tin của mình: quen thuộc, êm đềm, lắng động và bình an cõi lòng.
Đang trên cuộc hành trình đức tin dương thế, chắc chắn bản thân và gia đình mỗi người không tránh khỏi những lần lận đận lo toan hay buồn đau trong kiếp sống. Những lần như thế, anh chị em hãy nhớ lại và làm theo lời khuyên nhủ sau đây của Đức Giáo Hoàng Piô X: “Khi gia đình không được an vui hoà thuận, hãy lần Chuỗi Mân Côi để xin Mẹ ban cho được hoà thuận yêu thương. Khi gặp người chồng hay người vợ thiếu trách nhiệm, hãy chạy đến với Mẹ nhờ tràng Chuỗi Mân Côi, để xin Mẹ cảm hoá. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần Chuỗi Mân Côi, xin Mẹ tạo sự cảm thông”. Ngài nói thêm: “Nếu các con muốn cho gia đình được bình an, thì đừng quên lần hạt Mân côi mỗi ngày”. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 5:  KINH MÂN CÔI:
Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu nghĩa của hai chữ “Mân côi”:
Mân Côi hay còn gọi là Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi là các danh từ Hán việt. Đây là những cách phiên âm Hán việt khác nhau của danh từ Latinh ở số nhiều “Rosarium”, tiếng Anh là Rosary, có nghĩa là một vườn hoa hồng; một tràng, một chuỗi, một xâu hoa hồng; hay một xâu chuỗi hạt trai, hạt đá quý để đeo quanh cổ người phụ nữ.
Theo Công Giáo Báck Khoa Từ Điển, ấn bản Anh ngữ, sở dĩ gọi là Kinh Hoa Hồng là do tích truyện một thầy tu khi đọc kinh Kính Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình. Tiếng Anh gọi là Corona, Chaplet, Garland là Vòng Hoa Hồng hay Chuỗi Hạt, tương đương với ý nghĩa từ Rosarium của Latinh.
Còn tiếng Hán Hiện đại (Hoa ngữ) dịch nghĩa chữ “Rosarium” tiếng Latinh là “ ” (phiên âm theo Bắc Kinh là ‘méiguijing’), đọc theo âm Hán việt là “Mân Côi kinh”.
Theo các Từ Điển (hay Tự Điển) Hán Việt cổ và Từ Điển Hán Việt Hiện đại thì chữ “Mân” () còn có âm đọc là “Mai”, “Môi” hay “Văn” là một thứ đá quí, ngọc quí, hoa hồng (chỉ thực vật). Còn chữ “Côi” (), hay cũng có âm đọc là “Khôi”, có nghĩa là ngọc quí hay mang nghĩa (tính từ) là hiếm, quý, lạ. Như thế, “Mân côi” có nghĩa là một chuỗi ngọc quí hiếm hay chuỗi hoa hồng. Bởi thế, theo cách tạo từ của chữ Nôm thì “kinh Mân côi” ( ) có nghĩa là kinh chuỗi ngọc quí hay kinh chuỗi hoa hồng [1].
Thứ đến, chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa phụng vụ của thánh lễ hôm nay. Lễ Đức Mẹ Mân Côi không nhằm vào xâu chuỗi cho bằng hướng về Thánh Mẫu Mân Côi, đó là Đức Trinh nữ Maria. Thánh Lễ được Đức Giáo Hoàng Piô V, xuất thân từ Dòng Đa Minh, lập ra vào năm 1572 để kỷ niệm chiến thắng của Hạm đội Công giáo trên dân Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lepanto ngày 7.10.1571. Và sau cuộc chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Peterwardein xứ Hungaria ngày 5.8.1716, theo yêu cầu của vua Charles VI, Đức Giáo Hoàng đã cho phép mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi trong toàn Hội Thánh. [2]
Như thế, phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta hướng về Đức Mẹ để noi gương bắt chước Người và sử dụng phương thế quí báu và hữu hiệu mà Mẹ đã trao ban cho chúng ta là tràng chuỗi Mân côi để thánh hóa cuộc đời chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta noi gương Đức Mẹ sống vâng phục Thiên Chúa cách hoàn toàn. Chính Đức Mẹ đã thốt lên với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Nhưng làm sao chúng ta có thể vâng phục Thiên Chúa cách hoàn toàn như Mẹ?
Xin được minh họa bằng một nhân vật trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Chắc ai cũng mến mộ Trương Lương, một trong những vị tướng tài ba của Lưu Bang. Thuở nhỏ, Trương Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông. Thấy một ông lão ăn mặc rách rưới nằm ngủ trên cầu. Ông lão ngủ say làm rơi một chiếc dép xuống sông. Thấy Trương Lương, ông sai bảo: “Thằng bé, nhặt chiếc dép cho ta”. Trương Lương vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép kính cẩn đưa lại cho cụ già. Cụ cầm lấy. không một lời cám ơn. Loay hoay xỏ mãi không vào, cụ đánh rơi chiếc dép một lần nữa. Cụ lại quát bảo Trương Lương: “Thằng bé, xuống nhặt dép cho ta”. Trương Lương vẫn vui vẻ giúp cụ. Lần thứ ba cũng thế. Thấy vậy, ông lão khen: “Thằng bé này dạy được đây”. Thì ra cụ là một cao nhân lỗi lạc. Và cụ nhận Trương Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông. Nhờ thế, Trương Lương trở nên một danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên nghiệp đế vương.
Cho dù tích truyện trên chỉ là sự hư cấu của tác giả La Quán Trung, tuy nhiên qua nhân vật Trương Lương cho ta thấy một qui luật làm nên cốt cách của con người đó là sự tập luyện. Không phải một sớm một chiều mà Trương Lương có được nhân đức khiêm nhường tùng phục để giúp ông sau này làm nên nghiệp lớn. nhân đức ấy đã được Trương Lương luyện tập, đã đi vào máu thịt cốt tủy của ông ngay từ bé và đã lộ diện khi gặp quí nhân bên bờ sông. Sự thành công của Trương Lương không phải bởi cơ may gặp được thầy giỏi, nhưng phần lớn là nhờ nhân đức khiêm nhường tùng phục vụ, một nhân đức nhân bản mà ông đã luyện tập đến chín mùi.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy, không phải bỗng dưng mà Đức Mẹ thốt lên được hai tiếng “xin vâng” với sứ thần. Đức Mẹ cũng có thắc mắc nghi nan. Nhưng một khi biết được thánh ý Chúa và nhờ nhân đức khiêm nhường vâng phục đã được Đức Mẹ tập luyện ngay từ thuở bé, đã trở nên máu thịt cốt tủy của Mẹ. Bởi thế, cho dù Đức Mẹ đã có chương trình riêng. Chương trình đó là sống độc thân trinh khiết, là một chương trình tốt đẹp. Nhưng khi Thiên Chúa ngỏ ý muốn Đức Mẹ theo chương trình của Ngài, Đức Mẹ đã mau mắn từ bỏ chương trình riêng tư của mình để đi vào chương trình của Thiên Chúa.
Nhân đức “khiêm nhường vâng phục” mà Đức Mẹ luyện tập là một nhân đức nhân bản, nhân đức nhân bản này đã được bén rễ trong nhân đức đối thần là Đức tin. Nhờ tập luyện thường xuyên và kiên trì nên nhân đức này đã thắng vượt những thắc mắc nghi nan của Đức Mẹ. Khiêm nhường vâng phục đã trở nên một thái độ kiên định vững chắc giúp Đức Mẹ vâng phục Thiên Chúa suốt cả cuộc đời.
Sách Giáo Lý 1992 đã nói rõ: “Nhân đức nhân bản là những thái độ vững chắc, những xu hướng kiên trì, những trọn hảo thường xuyên của lý trí và ý chí, nhằm điều khiển các hành vi của chúng ta, điều tiết các đam mê của chúng ta, và hướng dẫn nếp sống của chúng ta phù hợp với lý trí và đức tin. Các nhân đức này đem lại cho con người sự thoải mái, sự tự chủ và niềm vui, để sống một đời sống tốt lành về mặt luân lý” (số 1804). “Nhân đức nhân bản được bén rễ trong nhân đức đối thần, là những nhân đức thích ứng các tài năng của con người để dự phần vào bản tính Thiên Chúa” (số 1812).
Chính Tràng Kinh Mân côi là tràng hoa hồng thơm ngát, là tràng chuỗi ngọc quí giá và hữu hiệu trình bày cho chúng ta con đường “khiêm nhường vâng phục” thánh ý Thiên Chúa của Đức Mẹ. Nếu chúng ta đọc kinh Mân côi cách liên lỉ, đọc không ngừng nghỉ, đọc mọi nơi mọi lúc mọi hoàn cảnh thì nhân đức “khiêm nhường vâng phục” thánh ý Thiên Chúa thấm nhập vào thân xác, linh hồn; là thái độ, là phương châm hành động của mỗi người chúng ta. Có như thế mỗi người chúng ta mới có thể “vâng phục” Thánh ý Thiên Chúa một cách hoàn toàn, vâng phục trong từng phút giây, vâng phục suốt cả cuộc đời như Đức Mẹ. Amen.
Lm.Thomas Nguyễn Văn Hiệp
SUY NIỆM 6: PHƯƠNG THUỐC THẦN DIỆU
Mọi tội lỗi của con người đều do một cội rễ mà sinh ra, đó là tội không vâng lời Thiên Chúa. Sở dĩ thủy tổ loài người là A-đam và E-và bị trục xuất khỏi vườn địa đàng, phải chịu đau khổ và phải chết, để lại hậu quả tai hại cho con cháu đời sau… là vì hai ông bà đã không vâng lời Thiên Chúa, không đi theo đường lối Người. Sự bất tuân nầy cũng giống như tàu đi trật đường rầy. Một khi nguyên tổ là đầu tàu đi trật đường rầy, cả đoàn tàu là muôn vàn con cháu cũng bị lao vào vực thẳm. “Thật vậy, vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân…” (Rôma 5, 19)
Vậy muốn cứu loài người khỏi tội, khỏi đau khổ và sự chết, thì vấn đề tiên quyết là phải diệt trừ tận gốc căn nguyên gây nên tội, đó là tình trạng bất phục tùng Thiên Chúa.
Tràng chuỗi Mân Côi được xem là phương thuốc thần diệu để diệt trừ tận gốc căn bệnh trầm kha nầy vì chuỗi Mân Côi dạy ta biết vâng phục thánh ý Thiên Chúa như Mẹ Maria và Chúa Giê-su.
* Gương Vâng Phục Của Mẹ Maria
Lắm khi chúng ta muốn Thiên Chúa thi hành ý muốn của mình hơn là mình phải thi hành ý Chúa.
Khi đau bệnh, chúng ta muốn Thiên Chúa chữa chúng ta mau lành; khi đói khát, chúng ta muốn Thiên Chúa lo liệu cho chúng ta cơm ăn nước uống; khi sắp đi thi, chúng ta muốn Thiên Chúa giúp chúng ta thi đậu; khi làm việc, chúng ta muốn Thiên Chúa giúp chúng ta thành công; khi hết tiền, chúng ta muốn Thiên Chúa cho chúng ta đầy túi…
Nếu Thiên Chúa không mau mắn nghe lời chúng ta xin, chúng ta sẽ hờn giận Chúa, chúng ta hăm bỏ đạo, có khi chúng ta hạ bệ Chúa xuống khỏi bàn thờ…
Thế nhưng, dù Mẹ Maria được Thiên Chúa đưa lên địa vị cao vời làm Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, thì Mẹ vẫn tự coi mình là người nữ tỳ hèn mọn, không hề đòi hỏi Thiên Chúa điều gì mà chỉ biết vâng theo lệnh Chúa truyền. “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Đó là bài học vâng phục mà Mẹ Maria dạy chúng ta qua mầu nhiệm vui.
Sự vâng phục trong tinh thần khiêm tốn của người nữ tỳ nơi Mẹ Maria đã làm đẹp lòng Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã tôn vinh Mẹ, ban cho Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác (gẫm thứ tư thuộc năm sự mừng) rồi lại trọng thưởng Mẹ trên thiên quốc (gẫm thứ năm thuộc năm sự mừng).
* Gương Vâng Phục Của Chúa Giêsu
Song song với tấm gương vâng phục của Mẹ Maria là tấm gương vâng phục sáng chói của Chúa Giê-su trong mầu nhiệm thương.
Trong Vườn Dầu, dẫu phải “lâm cơn xao xuyến bồi hồi, và mồ hôi Ngài như những giọt máu rơi xuống đất… (Luca 22, 44) thì Chúa Giê-su cũng xin thưa với Cha: “Xin đừng làm theo ý Con, mà làm theo ý Cha!” (gẫm thứ nhất năm sự thương)
Kế đó, khi bị đưa ra toà xét xử, và dù phải chịu đòn vọt tơi bời (gẫm thứ hai năm sự thương), Chúa Giê-su vẫn cắn răng chịu đựng và xin thưa với Cha: “Xin cho ý Cha thể hiện”.
Sau đó, quân dữ bện vòng gai làm như một thứ ‘vương miện’, chụp lên đầu Ngài, lại còn thay nhau khạc nhổ, phỉ báng, nhạo cười… (gẫm thứ ba năm sự thương), Chúa Giê-su vẫn bằng lòng chịu đựng và xin thưa với Cha: “Xin đừng theo ý Con, mà làm theo ý Cha”.
Dù đã đến lúc sức tàn lực kiệt, lại phải vác lấy thập giá nặng nề, lảo đảo bước lên đồi Can-vê như một tên tử tội khốn nạn nhất, phải ngã xuống nhiều lần (gẫm thứ tư), Chúa Giê-su vẫn xin vâng: “Xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha”.
Dù phải chịu đóng đinh ô nhục và chịu chết rất đau thương trên thập giá giữa hai tên tử tội, chịu bao kẻ qua lại thách thức nhạo cười (gẫm thứ năm), Chúa Giê-su vẫn một lòng vâng theo ý Cha và xin Cha tha thứ cho những việc họ làm. (Luca 23, 34)
Như thế, từ gẫm thứ nhất cho đến thứ năm thuộc mầu nhiệm thương, rực sáng lên tấm gương vâng phục của Chúa Giê-su. Tấm lòng vâng phục vô bờ bến đó đã được thánh Phao-lô khắc hoạ lại trong bài ca gửi tín hữu Philíp:
“Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự…” (Philíp 2, 6-8)
Sự vâng phục đến mức tuyệt đối của Chúa Giê-su rất đẹp lòng Thiên Chúa Cha nên Ngài đã cho Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại và lên trời vinh hiển (gẫm thứ nhất và thứ hai năm sự mừng) và siêu tôn Chúa Giê-su vượt bậc: “Chính vì thế, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Người, ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu…” (Philíp 2, 9)
Thế là từ đây, nhờ sự vâng phục tuyệt đối của Chúa Giê-su, mọi kẻ tin sẽ được cứu độ, con cháu Ađam tưởng đã phải hư mất đời đời nay lại được cứu rỗi: “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất (Ađam) đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất (Chúa Giê-su) đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.(Rôma 5, 19)
Như thế, chuỗi Mân Côi chứa đựng bài học vô giá về đức vâng lời: Vâng phục Thiên Chúa là phương thuốc diệt trừ tận gốc cội rễ mọi tội lỗi là sự bất phục tùng Thiên Chúa; vâng lời là phương thế giúp con người khỏi sa đoạ và là con đường dẫn đưa nhân loại về cõi trời.
Phương thuốc thần diệu đó đã được Mẹ Maria và Hội Thánh trao vào tay mỗi người chúng ta qua tràng chuỗi Mân Côi. Ước gì mỗi người vui lòng đón nhận phương dược Mẹ ban để diệt trừ tận căn mầm mống tội lỗi ngay trong lòng mình.
Lm Trần Ngà. (Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)

SUY NIỆM 7: SỐNG XIN VÂNG QUA CHUỖI MÂN CÔI
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Mẹ Mân Côi. Thánh lễ này đưa chúng ta về thời gian lịch sử đầy sóng gió của Giáo Hội, nhất là trong trận chiến Lêpantô. Chính chuỗi mân côi đã mang lại bình an cho Giáo Hội. Sự phát triển của chuỗi kinh Mân Côi trải qua một quá trình lịch sử dài. Trước tiên, chuỗi kinh được bắt đầu với lối thực hành đọc 150 Kinh Lạy Cha của các Giáo Phụ để phỏng theo 150 Thánh Vịnh. Sau đó, song song với lối thực hành trên là lối thực hành đọc 150 Kinh Kính Mừng. Không lâu sau đó, một mầu nhiệm về cuộc đời của Chúa Giêsu được gán cho mỗi Kinh Kính Mừng. Mặc dù việc Đức Mẹ trao chuỗi Mân Côi cho Thánh Đa Minh được chấp nhận như một truyền thuyết, sự phát triển của chuỗi Mân Côi mắc nợ những người môn đệ của Thánh nhân, một trong số đó là Alan de la Roche. Người này được biết đến như là “vị tông đồ của chuỗi Mân Côi.” Alan thiết lập hiệp hội Mân Côi đầu tiên vào thế kỷ 15. Vào thế kỷ 16, chuỗi Mân Côi được phát triển thành hình thức như chúng ta đọc ngày hôm nay – với 15 mầu nhiệm [ngắm], chia ra làm ba mùa: vui, thương, và mừng. Năm 2002, Thánh Gioan Phaolô II thêm vào năm mầu nhiệm sự sáng. Như vậy, chuỗi Mân Côi chúng ta có hôm nay gồm 20 mầu nhiệm về cuộc đời của Chúa Giêsu, và được chia ra làm bốn mùa: Vui, sáng, thương và mừng.
Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta vai trò quan trọng của Mẹ Maria ở giữa các môn đệ sau khi Chúa Giêsu lên trời. Mẹ như một người mẹ dịu hiền hiện diện giữa con cái mẹ [hiện diện với Giáo Hội] ngay từ buổi đầu. Mẹ cũng “đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện” cùng với các môn đệ (x. Cv 1:14). Mẹ hiện diện với Giáo Hội tiên khởi trong giây phút chờ đợi lời hứa của Chúa Giêsu, đó là ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, Đấng đã rợp bóng trên Mẹ và làm cho Mẹ cưu mang Chúa và trao ban cho nhân loại. Thì bây giờ, Mẹ cũng hiện diện với các môn đệ để chuẩn bị họ cho việc “rợp bóng” của Chúa Thánh Thần hầu họ có thể mang Chúa trao ban cho mọi người đến tận cùng trái đất.
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về việc truyền tin của Thiên Thần Gáprien cho Mẹ Maria. Câu chuyện truyền tin này cho thấy hành trình đức tin [hành trình lên trời] của Mẹ. Hành trình của mẹ bắt đầu với một tình yêu con người. Điều này được diễn tả qua việc Mẹ là một trinh nữ “đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít” (Lc 1:27). Tình yêu con người này được thăng hoa và biến đổi qua tình yêu Thiên Chúa. Đây là một bước ngoặt lớn trong hành trình đức tin của mẹ. Bước ngoặt này được bắt đầu với một lời chào và tiếp tục với một cuộc đối thoại, và kết thúc với lời “xin vâng.”
Điều xảy ra đầu tiên trong bước ngoặt đời Mẹ Maria là lời chào của Thiên Thần Gáprien: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1:28). Những lời này chứa đựng ba điều quan trọng nhất cho hành trình của Mẹ Maria [và của mỗi người chúng ta], đó là niềm vui, ân sủng và Thiên Chúa ở cùng. Hai yếu tố thứ nhất là hoa quả của yếu tố thứ ba. Nói cách khác, chúng ta chỉ có được niềm vui đích thật và ân sủng khi có Chúa ở cùng [hoặc vì có Chúa ở cùng nên chúng ta có niềm vui và ân sủng]. “Đức Chúa ở cùng” là điệp khúc thường được lặp lại trong Cựu Ước khi Đức Chúa chọn và sai một người nào đó để thực hiện một sứ mệnh Ngài trao. Khi nghe những lời này, Mẹ ngạc nhiên, “bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có ý nghĩa gì” (Lc 1:29). Mẹ bối rối và tự hỏi vì Mẹ nhận ra thân phận tôi tớ hèn mọi của mình mà được Đức Chúa ghé mắt nhìn đến. Mẹ bối rối và tự hỏi vì Đức Chúa muốn gì trên cuộc đời Mẹ. Đức Chúa cũng luôn ở cùng chúng ta, vì đó là điều Chúa Giêsu đã hứa trước khi Ngài được đưa về trời: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Như vậy, mỗi ngày Chúa cũng chọn và sai chúng ta đi thực hiện sứ mệnh yêu thương và tha thứ Ngài trao. Chúng ta đã thực hiện sự mệnh này như thế nào?
Điều thứ hai là cuộc đối thoại giữa Thiên Thần và Mẹ Maria. Trong cuộc đối thoại này, Thiên Thần đã giải thích cho Mẹ tất cả những gì làm Mẹ bối rối và tự hỏi. Thiên Thần bắt đầu với lời trấn an Mẹ: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1:30). Đứng trước một sứ mệnh vượt trên sức con người, ai trong chúng ta cũng cảm thấy sợ hãi. Điều này cũng xảy ra với Mẹ và Thiên Thần đã trấn an Mẹ. Mẹ đừng sợ vì Mẹ được đẹp lòng Thiên Chúa. Đây là lời mời gọi và cũng là thách đố cho mỗi người chúng ta: khi đứng trước toà Chúa vào ngày phán xét, mong rằng chúng ta cũng không sợ hãi vì chúng ta đã được đẹp lòng Thiên Chúa. Sau khi trấn an Mẹ, Thiên Thần trình bày cho Mẹ điều Thiên Chúa muốn thực hiện trên cuộc đời Mẹ: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1:31-33). Những lời này đưa Mẹ vào trong “quỹ đạo tình yêu” của Thiên Chúa và làm Mẹ hỏi về điều “nghịch với” tình yêu con người: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1:34). Đứng trước điều này, Sứ Thần cho Mẹ biết là điều không thể với tình yêu con người thì có thể với tình yêu Thiên Chúa: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:35-37). Đây là mấu chốt và trung tâm của cuộc đối thoại: Những điều không thể với lối suy luận và hiểu biết của con người thì luôn có thể với Thiên Chúa. “Như trời xa hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng của ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi như thế” (Is). Chi tiết này mời gọi chúng ta đi vào trong quỹ đạo của tình yêu Chúa để hiểu được thánh ý của Ngài. Nói cách khác, để hiểu được thánh ý Thiên Chúa, chúng ta phải ra khỏi lối suy nghĩ [lối sống] quen thuộc của mình để bắt đầu hành trình mà Thánh Anselm gọi là “đức tin đi tìm sự hiểu biết.”
Điều cuối cùng trong bước ngoặt đời Mẹ là Mẹ nói lên lời “xin vâng”: “Bấy giờ bà Maria nói với sứ thần: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.’ Rồi sứ thần từ biệt ra đi” (Lc 1:38). Mẹ thốt lên lời xin vâng với trọn con tim mình. Niềm tin của Mẹ đã giúp mẹ hiểu rằng: Những điều con người không thể làm được thì Thiên Chúa có thể làm. Mẹ đã để Chúa hoàn toàn chiếm lấy đời Mẹ để Ngài thực hiện tất cả những gì Ngài muốn trên cuộc đời Mẹ. Mẹ không giữ lại gì cho chính mình! Đây chính là đỉnh cao của hành trình đức tin, đó là hoàn toàn phó thác đời mình vào tay Thiên Chúa để Ngài thực hiện những gì Ngài muốn trên cuộc đời chúng ta.
Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ đi trên “hành trình” với Chúa Giêsu. Chúng ta suy gẫm thời kỳ thơ ấu qua mùa vui, cuộc sống sứ vụ qua mùa sáng, cuộc thương khó qua mùa thương và sự phục sinh qua mùa mừng. Hành trình này cũng là hành trình của mỗi người chúng ta: sinh ra [mùa vui], làm chứng cho Chúa qua đời sống phục vụ thường ngày [mùa sáng], đối diện với đau khổ và sự chết [mùa thương], được vinh phúc ở đời này và đời sau [mùa mừng]. Hãy lần chuỗi Mân Côi, để cùng với Mẹ, chúng ta đi trọn hành trình về Thiên Đàng!
Lm. Ngọc Dũng, SDB

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây