Suy niệm - Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Thứ sáu - 29/09/2023 11:06
SUY NIỆM 1: SUY NIỆM LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI - Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Đức Mẹ Mân Côi, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng ta biết: Đức Kitô, Con Chúa, đã xuống thế làm người, và chúng ta xin Chúa đổ ơn thánh đầy lòng chúng ta, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, và nhờ lời Mẹ chuyển cầu, chúng ta sẽ được sống lại hiển vinh. Qua Lời Tổng Nguyện, chúng ta thấy: các nhà phụng vụ muốn đưa dẫn chúng ta đi vào mầu nhiệm cứu độ: từ biến cố truyền tin, qua thập giá, và cuối cùng là phục sinh vinh hiển, theo tiến trình của các mầu nhiệm mà chúng ta hằng chiêm ngắm qua Kinh Mân Côi.

Trong biến cố Truyền Tin, Mẹ đã thưa xin vâng, khi trao dâng cung lòng trinh trong để đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể, và Mẹ đã được lãnh nhận: thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa. Trong biến cố Thập Giá, Mẹ cũng đã thưa xin vâng, khi trao dâng cõi lòng tan nát để đón nhận cả nhân loại, và Mẹ đã được lãnh nhận: thiên chức làm Mẹ toàn thể chúng sinh. Trong biến cố Mẹ được đưa về trời cả hồn lẫn xác, Mẹ đã thưa lời xin vâng cuối cùng khi hoàn tất sứ mạng, và Mẹ đã được lãnh nhận: thiên chức làm Nữ Hoàng Thiên Quốc, trở nên niềm hy vọng tràn trề cho chúng ta, là khởi đầu và là hình ảnh Hội Thánh sẽ được thành toàn trên Nước Trời mai sau.

Ca Nhập Lễ và câu Tung Hô Tin Mừng của ngày lễ hôm nay cho thấy Mẹ là Đấng Đầy Ân Sủng, Mẹ được chúc phúc nhất, giữa những người phụ nữ. Mẹ luôn ý thức được đặc ân cao trọng mà Chúa đã dành cho Mẹ, và Mẹ đã luôn quảng đại đáp lại hồng ân cao cả đó bằng một tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ, được diễn tả qua lời Kinh Magnificat của bài Đáp Ca mà các nhà phụng vụ đã cho cho ngày lễ hôm nay: Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. 

Tất cả những gì chúng ta tin về Mẹ đều quy hướng về đức tin của chúng ta đặt nơi Đức Giêsu, Con của Mẹ, bởi vì, hơn ai hết, Mẹ đã theo sát Đức Giêsu từ khi Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng Mẹ cho đến tận chân thập giá. Lời “xin vâng” của Mẹ được lấy mẫu từ lời “xin vâng” của Đấng Vâng Phục, Đấng mà Mẹ hằng dõi bước theo, và liên lỉ bắt chước để trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Mẹ trong vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha. Bài đọc một được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ đã cho thấy: Khi Chúa về trời, Mẹ vẫn tiếp tục sứ mạng “vâng lời” làm Mẹ của toàn thể chúng sinh, cùng đồng hành với Hội Thánh, chuyên cần cầu nguyện với các môn đệ trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần đến.

Cùng với Mẹ, chúng ta chiêm ngắm các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, chiêm ngắm Mầu Nhiệm Vâng Lời của Đấng Vâng Phục. Trong bài đọc hai, thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô đã cho thấy: Đấng Vâng Phục đã chấp nhận sinh vào trần gian làm con một người phụ nữ và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử, nghĩa là, đồng thừa kế với Đức Kitô.

Cả cuộc đời Mẹ luôn kết hiệp khăng khít với Đấng Vâng Phục: Mở đầu bằng lời thưa “xin vâng” gián tiếp qua sứ thần để làm Mẹ Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, và kết thúc bằng lời thưa “xin vâng” trực tiếp với Đấng Vâng Phục để làm Mẹ toàn thể nhân loại trong Mầu Nhiệm Thập Giá. Ước gì khi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Vâng Lời của Đấng Vâng Phục qua các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, chúng ta cũng bắt chước Mẹ can đảm thưa “xin vâng”, như lời cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay: Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.

Đấng Vâng Phục đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá để cứu độ chúng ta. Con đường vâng phục là con đường cứu độ, Đấng Vâng Phục đã đi con đường đó, và Mẹ của Đấng Vâng Phục cũng đã tiếp bước Con của Mẹ, đến lượt chúng ta, nếu chúng ta muốn được cứu độ, chúng ta cũng không có con đường nào khác, ngoài con đường vâng phục. Mẹ được gọi là Đấng Đầy Ân Sủng, Đấng Toàn Phúc, bởi vì, Mẹ hoàn toàn buông mình trong tay Thiên Chúa, như chiếc lá khô hoàn toàn bay theo làn gió Thánh Thần, hoàn toàn để Chúa làm cho Mẹ; còn chúng ta, nếu chúng ta cứ giành làm với Chúa, và không để Chúa làm cho chúng ta, thì đừng trách: sao cuộc đời chúng ta toàn là tai họa. Ước gì chúng ta biết ngoan ngùy như Mẹ, như cục đất sét trong tay người thợ gốm, để chúng ta cũng được như Mẹ, trở thành một kiệt tác tuyệt vời của Chúa. Ước gì được như thế! 


SUY NIỆM 2: KINH MÂN CÔI:
LỜI KINH CỦA TIN MỪNG VÀ LỜI KINH CỦA GIA ĐÌNH - LM. PHÊRÔ NGUYỄN TRỌNG CHỨC


“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28)
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ
Lòng tôn kính Đức Mẹ đã lớn lên và phát triển từng ngày qua các thời đại kế tiếp nhau. Trong những ngày đầu thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu đã cầu nguyện cùng với Mẹ Maria theo sách Công vụ Tông Đồ đã ghi lại: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1,14). “Cầu nguyện cùng với Đức Mẹ” để vừa chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu, và vừa noi gương Đức Mẹ mà mở lòng đón nhận Lời Chúa. Một thực hành đạo đức trong việc cầu nguyện cùng với Đức Mẹ mà Giáo Hội khuyến khích, phổ biến và hướng dẫn, là việc lần chuỗi Mân Côi: đó là lời kinh của Tin Mừng và cũng là lời kinh của gia đình. 
Lời kinh của Tin Mừng.
Chuỗi Mân Côi được gọi là “bản kinh tóm lược Tin Mừng” (ĐGH. Phaolô VI, Tông Huấn Marialis Cultus, số 42). Tại sao chúng ta lại gọi như vậy? Khởi đi từ Tin Mừng, chuỗi Mân Côi rút ra các mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa Giêsu: từ lúc Chúa xuống thế làm người, trải qua cuộc khổ nạn hồng phúc và phục sinh vinh hiển, cho đến khi Chúa lên trời vinh quang. Cho nên, chuôi kinh Mân Côi là một lời kinh mang tính chất Tin Mừng. 
Tính chất Tin Mừng càng nổi bật hơn nữa trong những yếu tố của chuỗi kinh Mân Côi: một mầu nhiệm trong một chuỗi các mầu nhiệm được chia ra thành bốn nhóm: Vui, Sáng, Thương, Mừng; lời kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh sáng danh. 
Kinh Lạy Cha vốn dĩ nổi danh là lời kinh Chúa dạy cho các môn đệ và cho Hội Thánh của Chúa, nên kinh này luôn là lời kinh căn bản của Kitô giáo (x. GLHTCG 2759). “Lời Kinh Chúa dạy” là lời cầu nguyện tuyệt hảo (x. GLHTCG 2763). Các Kitô hữu tiên khởi đọc kinh Lạy Cha “ba lần trong ngày” (x. GLHTCG 2767). Lời kinh Lạy Cha đã bén rễ sâu trong phụng vụ: trong giờ kinh sáng và kinh chiều của các giờ kinh phụng vụ; trong ba bí khai tâm Kitô giáo; trong phụng vụ Thánh Thể. Lời kinh này nằm ở tâm điểm của Sách Thánh (GLHTCG 2774). 
Kinh Kính Mừng được đi từ chục này sang chục khác tựa như việc đi bước đều nhịp nhàng. Mỗi lần lời kinh này được cất lên là mỗi lần hai lời Kinh Thánh được vang lên như tiếng chuông ngân: một là lời chào của thiên thần với Mẹ Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28); và hai là lời chúc phúc của bà Êlisabeth: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,42). 
Sau đó là lời cầu của Hội Thánh: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con”. Những gì đức tin Công giáo tin về về Mẹ Maria, đều đặt nền tảng trên những gì đức tin đó tin về Chúa Giêsu (GLHTCG 487). Thánh Phaolô nói: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà” (Gl 4,4), vì vậy chúng ta tin và tuyên xưng rằng: “Chúa Giêsu Nazareth, bởi phép Chúa Thánh Thần mà xuống thai sinh bởi Mẹ Maria, là Con Thiên Chúa, đã làm người” (x. Dz 30). Niềm xác tín “Đức Mẹ là Thân mẫu của Thiên Chúa” (Dz 252) được chúng ta là những Kitô hữu hiện nay tiếp nối những Kitô hữu ở năm 325, tựa như thân sóng tiếp nối ngọn sóng cứ mãi trào dâng không ngừng. 
Kết thúc mười kinh Kính Mừng là lời kinh Sáng Danh, một lời kinh  tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Như bánh lái định hướng cho con tàu đi đúng hướng, việc tôn vinh Thiên Chúa định hướng cho mọi việc đạo đức Kitô giáo, vì Chúa Giêsu nói: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4,8). 
Quả thật, chuỗi kinh Mân Côi giúp mỗi chúng ta mở lòng ra với Tin Mừng. Vì khi chúng ta lần hạt Mân Côi, Đức Maria với tình yêu dịu hiền từ mẫu dẫn chúng ta ngày càng đi sâu hơn vào các mầu nhiệm của Con Mẹ, những biến cố cứu độ trong đó chúng ta gặp được tình yêu và lòng thương xót tràn trề của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lời kinh của gia đình
Có người sẽ hỏi rằng: “Mẹ Maria có đọc kinh Mân Côi hay không?” Câu trả lời sẽ là không. Thế nhưng tại sao Đức Mẹ lại kêu gọi chúng ta hãy năng lần hạt Mân Côi? Thánh Luca ghi lại rằng Mẹ Maria, sau khi sinh Chúa Giêsu và đón tiếp các mục đồng đến thăm, đã “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19), và chắc chắn việc suy ngẫm này tiếp tục suốt cuộc đời của Mẹ. Tuy Đức Mẹ không lần hạt Mân Côi, nhưng Đức Mẹ sống bằng Kinh Mân Côi. Khi chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, chúng ta chia sẻ kinh nghiệm sống của Mẹ và trong quá trình đó, chúng ta ngày càng trở nên phù hợp hơn với sự thánh thiện của Chúa Giêsu, Con Một yêu dấu của Mẹ.
Giống như các Tông đồ sum họp với Đức Maria trong phòng Tiệc Ly, chúng ta cũng nên sum họp để cùng lần hạt Mân Côi và chúng ta nên hướng dẫn gia đình mình cùng nhau lần hạt Mân Côi, bất cứ khi nào có thể, vì “gia đình cầu nguyện cùng nhau, là gia đình ở cùng nhau.” Có một điều đáng buồn là việc đọc kinh gia đình đã vắng bóng trong một số gia đình, không còn như trước đây. Thay cho những lời kinh là những lời phim ảnh. Thay cho những cái nhìn lên bàn thờ Chúa là những cái nhìn vào màn hình TV hay điện thoại. Thay cho những cuộc tụ họp để đọc kinh là những cuộc tụ tập tệ nạn. Nếu gia đình thiếu vắng những lời kinh, thì sẽ tăng lên những lời thiếu bác ái, những lời vô tâm. Nếu gia đình thiếu vắng sự hiệp nhất, thì sẽ tăng lên sự bất hòa, sự chia rẽ. Nếu gia đình thiếu vắng việc cầu nguyện, thì sẽ tăng lên những xúc phạm, gây gỗ, bất công và bỏ rơi.   
Cuộc sống của chúng ta trong thời đại hiện nay khó có điều kiện để các thành viên trong gia đình gặp mặt. Chắc chắn sẽ rất khó. Nhưng không phải thấy khó mà chúng ta nhường bước, ngược lại phải vượt qua, phải đối mặt, phải chống lại tất cả những gì ngăn cản việc sum họp và cầu nguyện gia đình. Trong thời gian gần đây, các Đức Giáo Hoàng khuyến khích việc lần chuỗi Mân Côi tại gia đình. Đức Giáo hoàng Piô XII nói: “Không có phương tiện nào tốt hơn để cầu xin phúc lành của Thiên Chúa xuống trên gia đình… cho bằng việc lần chuỗi mỗi ngày.”  Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (1958-1963) nói: “Nếu bạn đọc Kinh Mân Côi trong gia đình, tất cả hiệp nhất, bạn sẽ cảm nếm được bình an.”  Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I nói: “Kinh Mân Côi - ngay cả khi nó được rút ngắn và thích nghi - được các bậc cha mẹ cùng với con cái đọc vào buổi tối, là một hình thức phụng vụ gia đình.”  Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Tuyệt vời biết bao khi mỗi gia đình đọc Kinh Mân Côi mỗi tối”.  Trong một buổi triều yết vào tháng 5 năm 2006, Đức Benedict XVI đã mời gọi các cặp vợ chồng trẻ “có thể tận dụng việc đọc kinh Mân côi trong gia đình như một khoảnh khắc làm thăng tiến tâm linh dưới cái nhìn đầy trìu mến của Đức Trinh Nữ Maria.”  
Đức Maria đã biết được sợi dây thần linh nối kết tất cả các mầu nhiệm của kinh Mân Côi lại với nhau: đó là “tình yêu không lay chuyển của Thiên Chúa”. Mẹ Maria cũng mời gọi chúng ta trải nghiệm điều đó như Mẹ đã trải nghiệm. Đức Mẹ là thân mẫu của Thiên Chúa và là thân mẫu của chúng ta, nên Đức Mẹ chỉ muốn điều tốt nhất, tuyệt vời nhất cho chúng ta là những đứa con thân yêu của Mẹ. Xin cho chúng ta nghe lời cầu xin của Mẹ dành cho chúng ta để chúng ta cũng suy ngẫm, đón nhận Chúa Kitô mà Mẹ đã sinh ra.
Xin cộng đoàn cùng nhau đọc một kinh Kính Mừng dâng kính Mẹ Mân Côi: “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà đầy phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.”


SUY NIỆM 3:  Lời Kinh Gần Gũi Cuộc Sống - Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Phụng vụ bước vào tháng Mân côi. Suốt tháng này, lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi. Mọi tín hữu được cùng với Đức Mẹ trên từng cây số cuộc đời Chúa Giêsu và theo phong cách của Đức Mẹ là “lưu giữ và suy niệm trong lòng” qua từng lời kinh chuỗi hạt Mân côi. Tràng hạt Mân côi là một hành trang và là phương tiện “bỏ túi”, “đeo tay” “đeo cổ” gọn nhẹ. Lời kinh kỳ diệu này giúp thánh hóa bản thân, gia đình và xã hội. Kinh Mân côi không khác gì điện thoại di động hòa đời người vào mạng lưới sự sống thiêng liêng.
Chuỗi Mân Côi trong tiếng Latinh là “rosarium” nghĩa là “vườn hoa hồng”. Tháng 10, lần hạt Mân côi, đoàn con cái hiếu thảo dâng biết bao hoa hồng lên Đức Mẹ. Bằng chuỗi Mân côi, Giáo hội trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp tiến dâng Mẹ hiền.
Kinh Mân côi đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng
Chuỗi Mân côi thật cao quí, ai biết siêng năng lần hạt sẽ nhận được hiệu quả phi thường.
Vào thế kỷ 13, bè rối Albigeois nổi lên ở miền Nam nước Pháp. Với Chuỗi Mân côi do Đức Mẹ truyền dạy, chỉ trong một thời gian ngắn, thánh Đaminh đã cảm hóa được 150.000 người theo bè rối trở về cùng Giáo Hội.
Thế kỷ 16, ảnh hưởng của Tin lành mạnh mẽ và đe dọa toàn cõi Âu Châu. Dân thành Luxembourg vẫn trung thành với Giáo Hội. Hôm ấy toàn thể dân phố được mời tới nhà thờ để nghe giảng thuyết. Khi vị mục sư bước lên tòa giảng, một người giáo dân xướng kinh và tất cả nhà thờ đều lần hạt to tiếng cho đến lúc vị mục sư phải bước xuống tòa giảng và ra khỏi nhà thờ. Nhờ kinh Mân côi, dân thành Luxembourg giữ vững niềm tin và trung thành với Giáo Hội.
Năm 1511, lịch sử được chứng kiến một thành quả vĩ đại của Kinh Mân côi mang lại. Chính biến cố lịch sử này là nguồn gốc lễ kính Thánh Mẫu Mân côi. Khi ấy quân Hồi xâm lăng Âu Châu, tàn phá những nơi họ đi qua, tiêu diệt dân Công giáo. Cùng với việc triệu tập đạo quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha, Đức Giáo hoàng Piô V kêu gọi mọi người siêng năng lần chuỗi Mân côi. Cuộc chiến quá chênh lệch đã diễn ra tại vịnh Lepante, nhưng với quân số ít ỏi và khí giới thô sơ, người Công giáo đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi giáo đông đảo và trang bị hùng hậu. Từ Roma, Đức Giáo hoàng nghe tin chiến thắng và nói với các vị trong giáo triều hãy tạ ơn Chúa. Hôm đó là ngày 07 tháng 10. Đức Giáo hoàng đã thiết lập lễ Mân côi để tạ ơn Đức Mẹ và ghi nhớ cuộc chiến thắng lịch sử này.
Trước năm 1917, Bồ Đào Nha ở vào một tình trạng suy thoái một cách trầm trọng về phương diện tôn giáo. Gần hai thế kỷ, óc bè phái đã gây nên những chia rẽ và những cuộc nội chiến. Giáo Hội bị bách hại bởi những kẻ theo nhóm tam điểm. Nhà thờ bị phá hủy, các linh mục và tu sĩ bị bắt bớ, khắp nơi người ta tổ chức những đoàn hội chống lại Giáo Hội. Thế nhưng kể từ năm 1917, năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha đã đi vào một khúc quanh mới của lịch sử. Người ta tổ chức những đoàn hội chuyên lo lần hạt Mân côi để xin Mẹ chấm dứt những xáo trộn và ban mọi ơn lành xuống cho đất nước. Bồ Đào Nha đã xứng đáng với tước hiệu quê hương của kinh Mân côi.
Lịch sử còn ghi lại nhiều thành quả kỳ diệu khác nữa của Kinh Mân côi. Chẳng hạn Kinh Mân côi đã mang lại chiến thắng tại Vienna ngày 12 tháng 9 năm1683, hay đã chấm dứt bệnh dịch tại Milan… Chuỗi Mân côi vẫn còn là một phương thế cứu rỗi hữu hiệu của mỗi tín hữu. Khi hiện ra tại Lộ Đức hay tại Fatima, Đức Mẹ đều kêu gọi chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân côi.
Tạp chí Reader’s Digest số ra tháng 4 năm 1991 có kể lại cuộc gặp gỡ kỳ thú giữa Mẹ Têrêxa Calcutta và một thương gia người Mỹ như sau:
 Trên chuyến máy bay từ Chritiamy về Thanasity, thương gia trẻ tên là Jim Caiso ngồi kề bên Mẹ Têrêsa và một nữ tu khác. Jim Caiso nhận ra ngay khuôn mặt của người nữ tu thường được báo chí nhắc đến. Khi những người khách cuối cùng ngồi vào yên vị trên máy bay thì Jim thấy hai người nữ tu từ từ rút chuỗi ra khỏi áo và lâm râm cầu kinh. Tuy không phải là một người công giáo sùng đạo nhưng Jim cũng cảm thấy bị lôi cuốn bởi sự cầu kinh của hai người nữ tu. Khi máy bay đã lên cao, Mẹ Têrêsa quay nhìn người thanh niên và hỏi: – Anh có thường lần chuỗi không?
Anh trả lời:– Thưa không.
Anh vừa trả lời thì Mẹ cầm tay anh, trao cho anh tràng chuỗi rồi mỉm cười nói: – Vậy thì hãy bắt đầu lần chuỗi đi.
Ra khỏi phi trường Jim vẫn còn cầm trên tay tràng chuỗi của Mẹ Têrêsa Calcutta. Anh kể lại cho vợ nghe cuộc gặp gỡ với Mẹ Têrêsa và kết luận như sau: “Anh có cảm tưởng như mình đã gặp một nữ tu đích thực của Chúa”.
Chín tháng sau, Jim và vợ anh đến thăm một người đàn bà đã từng là bạn của hai người từ nhiều năm qua. Người đàn bà này bác sĩ cho biết bà đã bị ung thư tử cung. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp đáng lo ngại. Nghe thế, Jim đưa tay vào túi quần, rút ra tràng chuỗi của Mẹ Têrêsa Calcutta và trao cho người bạn. Anh nói: – Chị cầm lấy cái này, nó sẽ giúp chị.Mặc dù không phải là người Công giáo, người bạn này vẫn mở rộng bàn tay ra và trân trọng đón nhận món quà quí giá ấy. Một năm sau gặp lại vợ chồng Jim, người đàn bà vui vẻ cho biết bà đã mang trong mình tràng chuỗi trong suốt năm qua và giờ đây trao lại cho Jim để may ra có thể còn giúp đỡ cho người khác. Trong thời gian đó, người chị vợ của Jim đang bị khủng hoảng sau cuộc ly dị, bà cũng muốn được mượn tràng chuỗi của Jim. Sau này bà kể lại rằng: – Hằng đêm, tôi đeo chuỗi vào người. Tôi rất cô đơn và sợ hãi, nhưng khi mang chuỗi vào người, tôi cảm thấy như đang cầm lấy một bàn tay thân yêu.Tràng chuỗi mầu nhiệm ấy không mấy chốc đã được trao từ tay người này đến người khác. Mỗi khi gặp khủng hoảng hay bệnh tật, người ta thường gọi điện thoại đến Jim để mượn cho bằng được tràng chuỗi ấy.
Jim suy nghĩ: phải chăng tràng chuỗi có một sức mạnh lạ lùng, hay đúng hơn, sức mạnh tinh thần được canh tân nơi tất cả những ai mượn tràng chuỗi ấy. Jim chỉ biết rằng, hễ có ai ngỏ ý mượn tràng chuỗi, anh luôn đáp trả một cách vui vẻ, và lần nào anh cũng căn dặn: “Khi nào không cần nữa cho tôi xin lại. Có thể sẽ có người khác cần đến”.
Cuộc sống của Jim cũng thay đổi kể từ cuộc gặp gõ đó với Mẹ Têrêsa Calcutta. Khi Jim nhớ lại rằng: Mẹ Têrêsa mang tất cả hành lý của Mẹ trong cái xách tay nhỏ, anh cũng cảm thấy được thôi thúc để làm cho cuộc sống của anh được đơn giản hơn. Anh nói như sau: – Tôi luôn cố gắng nhớ rằng: điều quan trọng trong cuộc sống không phải là tiền bạc, danh vọng mà chính là tình yêu chúng ta dành cho người khác.
Kinh Mân côi, một kho tàng quý giá của Giáo hội.
Chuỗi hạt Mân côi 200 hạt, 150 hạt, 50 hạt hay 10 hạt được dùng để đếm số Kinh Kính mừng là “…lời ca tụng Đức kitô không ngừng. Đức Kitô được nhắc đến trong mỗi Kinh Kính Mừng cũng là Đấng được trình bày trong chuỗi các mầu nhiệm: Người là Con Thiên Chúa và là Con Đức Trinh Nữ…” (ĐGH Phaolô VI, Rosamrum Virginis Mariae, số 18).
Chuỗi Mân côi lần lượt diễn tả:
–         Mầu nhiệm Vui: đồng hành với mầu nhiệm Nhập thể và đời sống âm thầm của Chúa Giêsu.
–         Mầu nhiệm Sáng: đồng hành với những mốc thời gian hoạt động đặc biệt có ý nghĩa trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.
–         Mầu nhiệm Thương: đồng hành với những đau khổ của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu.
–         Mầu nhiệm Mừng: đồng hành với vinh quang phục sinh của Đức Kitô.
Vì thế, Chuỗi Mân côi là kho tàng thiêng liêng quý giá của Giáo hội.
Thánh Gioan Phaolô II nói: “ Chuỗi Mân côi là lời kinh tuyệt diệu, tuyệt diệu trong đơn sơ và trong sâu thẳm của nó…”.
Đức Thánh Cha Lêô XIII là vị Giáo Hoàng của kinh Mân côi. Ngài đã ban hành 12 thông điệp nói về Kinh Mân côi. Ngài đã thiết lập tháng Mân côi và thêm vào kinh cầu Đức Bà câu: Nữ vương rất thánh Mân côi, cầu cho chúng con.
Đức Thánh Cha Piô X đã nhắn nhủ các gia đình Công giáo: “Khi gia đình được an vui hoà thuận, hãy lần chuỗi Mân côi để xin Mẹ ban cho sự an vui hoà thuận yêu thương. Khi gặp người chồng thiếu trách nhiệm, hãy chạy đến với Mẹ nhờ tràng chỗi Mân côi, để xin Mẹ cảm hoá. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần chuỗi Mân côi, xin Mẹ tạo sự cảm thông”.
Thánh Piô Năm Dấu Thánh chia sẻ: “Vũ khí của tôi là tràng hạt Mân côi. Đức Mẹ không từ chối tôi điều gì khi tôi xin với Mẹ qua chuỗi Mân côi. Muốn làm Đức Mẹ vui lòng và muốn được Đức Mẹ thương yêu hãy lần chuỗi Mân côi”.
Cha Stefano Gobbi viết: “Chuỗi Mân côi mang lại hòa bình cho bạn. Với lời Kinh Mân côi, bạn sẽ có thể nhận được từ Thiên Chúa hồng ân vĩ đại nhất là canh tân đời sống, thu phục các linh hồn về với Chúa trong sự ăn năn tội, tình yêu và thánh ân”. Và “Chuỗi Mân côi là lời kinh của tôi. Những lời kinh này dù khiêm nhường và mong manh cũng sẽ nên như xích sắt để khóa lại quyền lực tối tăm của thế giới, kẻ thù của thế giới và của các tín hữu”.
Đức Thánh Cha Piô IX đã khuyên nhủ: hãy lần chuỗi mỗi buổi tối trong gia đình.
Đức Thánh Cha Piô X cũng nhắc bảo: Nếu các con muốn cho gia đình được bình an, thì hãy lần hạt mỗi buổi tối.
 
Đức Thánh Cha Piô XI viết:Chúng tôi khuyên các bậc làm cha làm mẹ hãy tập cho con cái mình thói quen lần chuỗi. Mỗi lần tiếp kiến các đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi đều khuyên nhủ họ hãy siêng năng lần chuỗi. Ngay cả chúng tôi nữa, không ngày nào mà chúng tôi không lần chuỗi.
 
Đức Thánh Cha Piô XII khuyên nhủ các bạn trẻ : Hãy yêu mến Mẹ qua việc lần chuỗi Mân côi. Năm 1951 ngài đã ra thông điệp về Kinh Mân côi, và xin các tín hữu hãy lần chuỗi gấp đôi trong tháng Mân côi. Trong một lần tiếp kiến, ngài nói với một vị Giám mục :
– Hãy yêu cầu các linh mục của ngài cầu nguyện và hãy nói cho họ biết : Đức Thánh Cha vẫn lần chuỗi mỗi ngày.
Khi về già, trước lúc đi ngủ, dù là nửa đêm, ngài cũng vẫn lần chuỗi.
Thánh Gioan XXIII, ngay trong năm đầu của triều đại cũng đã ra một thông điệp về Kinh Mân côi.
Thánh Gioan Phaolô II, ngay trong tuần lễ sau khi đắc cử Giáo Hoàng, đã nói với tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô khi đọc kinh Truyền Tin: “Chuỗi Mân côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lập lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy”.
Các Đức Thánh Cha đều khẳng định về sự tuyệt diệu của Kinh Mân côi và mong muốn mọi tín hữu hãy siêng năng lần chuỗi. Các tín hữu đã đáp trả lời mời gọi tha thiết ấy.
Đức Mẹ rất yêu mến những ai siêng năng đọc Kinh Kính Mừng. Qua kinh Mân côi, chúng ta lặp đi lặp lại không những một hai lần Kinh Kính Mừng, nhưng là đọc đi đọc lại cả một trăm năm mươi lần, như một trăm năm mươi đóa hoa hồng dâng kính Mẹ, như lời Đức Giáo Hoàng Piô V đã nói: “Đây là việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria bằng cách đọc một trăm năm mươi Kinh Kính Mừng, theo con số các thánh vịnh của Đavít, chia thành từng chục kinh một với một Kinh Lạy Cha, đồng thơi suy ngắm các mầu nhiệm về toàn thể cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô.”.
Kinh Mân côi, lời kinh gần gũi cuộc sống
Sau hai mươi lăm năm, tức là vào dịp mừng Ngân khánh Giáo Hoàng, trong Tông thư “Kinh Mân côi”, một lần nữa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ân cần nhắc lại kỷ niệm xưa mà nay đã trở thành xác tín: Kinh Mân côi là lời kinh kỳ diệu. Đơn giản trong hình thức, đơn sơ trong nội dung, nhưng không đơn thuần là một kinh dành cho giới bình dân như có thời người ta nghĩ, nhất là sau Vatican II khi Phụng Vụ tìm lại được vị thế đỉnh cao và trung tâm.
Kinh Mân côi là kinh hạt phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ngày nay nhiều người phàn nàn không có giờ đọc kinh vì phải lo học hành, lo làm ăn xuôi ngược. Chuỗi hạt Mân côi sẽ nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Con người hôm nay mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, vội vã. Chuỗi Mân côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ.
Đức Giáo hoàng Phaolô VI khích lệ: “Bản chất việc đọc kinh Mân côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người ta có thời gian suy gẫm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gũi nhất với Chúa.”.
Điều thuận lợi của chuỗi Mân côi là lần hạt ở đâu cũng được. Ta không buộc phải đọc 50 Kinh Mân côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào : khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh … thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết gia Jacques Maritain gọi là “chiêm niệm bên vệ đường”.
Kinh Mân côi là một vũ khí, nhưng là vũ khí hòa bình luôn đem lại hiệu quả tích cực. Ai yếu đuối, Kinh Mân côi đem cho sức mạnh; ai tội lỗi, Kinh Mân côi dắt về ơn thánh; ai bất hạnh, Kinh Mân côi giúp bình tĩnh tìm ra hướng lối vươn lên; ai khô khan, Kinh Mân côi giúp khám phá ra những ánh lửa vẫn còn ẩn giấu trong những đám tro tưởng như nguội lạnh.
Kinh Mân côi là một kinh quý báu của Giáo hội và của mọi người, đó là kinh phổ biến, vừa dễ đọc vừa dễ cầu nguyện mà lại mang lại nhiều ích lợi cho linh hồn.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết yêu mến tràng Chuỗi Mân côi, siêng năng lần hạt trong mỗi ngày sống và xin Mẹ khẩn cầu cho con bên tòa Chúa. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây