Thứ Bảy tuần 23 thường niên

Thứ sáu - 15/09/2023 09:50
Lời Chúa: Lc 6, 43-49

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra.
Tại sao các con gọi Thầy: 'Lạy Chúa, lạy Chúa', mà các con không thi hành điều Thầy dạy bảo? Ai đến cùng Thầy, thì nghe lời Thầy và đem ra thực hành. Thầy sẽ chỉ cho các con biết người ấy giống ai. Người ấy giống như người xây nhà: ông ta đào sâu và đặt nền móng trên đá. Khi có trận lụt, dù nước ùa vào nhà, cũng không làm cho nó lay chuyển, vì nhà đó được đặt nền trên đá. Trái lại, kẻ nghe mà không đem ra thực hành, thì giống như người xây nhà ngay trên mặt đất mà không có nền móng. Khi sóng nước ùa vào nhà, nó liền sụp đổ, và nhà đó bị hư hại nặng nề”.

cn xxiii tn t7

Suy niệm 1: Nghe mà không thực hành   
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)


Có nhiều cách để nhận biết sự thật về một người.
Chúng ta có thể bị hấp dẫn bởi những lời giảng hùng hồn.
Chúng ta cũng có thể bị đánh lừa bởi thái độ khôn khéo giả tạo.
Đức Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn để nhận ra con người thật:
“Xem quả thì biết cây” (c. 44).
Quả ở đây là đời sống thực sự của người đó, là những việc họ làm.
Nếu nhìn kỹ công việc của một người, chúng ta có cơ may biết họ là ai.
Đức Giêsu nói lên một luật tự nhiên của cây cỏ.
Cây tốt sẽ sinh trái tốt, cây bị sâu sẽ sinh ra trái không ngon.
Người công chính được nhận biết qua đời sống tốt lành của họ,
qua những thử thách họ đã vượt qua, qua những hy sinh họ dâng hiến.
Người bất chính sẽ lộ ra qua đời sống xấu xa.
Đời sống và hành động của một người phản ánh con người thật của họ.
Bụi gai không sinh được trái vả, bụi rậm không cho được trái nho.
Bụi gai và bụi rậm chẳng thể nào sinh hoa trái tốt đẹp.
Đời sống là tiêu chuẩn để nhận ra người môn đệ thật của Đức Giêsu.
Không phải chỉ là tuyên xưng đức tin vào Thầy
bằng cách kêu lên: “Lạy Chúa! lạy Chúa!”
Vấn đề là làm điều Thầy dạy (c. 46).
Đức Giêsu đặt câu hỏi tại sao đầy ngạc nhiên với các môn đệ:
Tại sao tin vào Thầy mà lại không sống điều Thầy truyền dạy?
Kitô hữu chân chính là người đến với Chúa Giêsu,
lắng nghe những lời của Ngài và thi hành những lời ấy (c. 47).
Nghe thôi thì chưa đủ.
Lời của Chúa Giêsu phải thấm nhuần vào đời sống của ta,
chi phối mọi hành động, quyết định và lựa chọn.
Đức Giêsu kết thúc Bài Giảng của mình bằng dụ ngôn về hai người xây nhà.
Nhiều người đã nghe Bài Giảng này, đã cảm thấy hay,
nhưng có bao nhiêu người sẽ thực hành những giáo huấn trong đó?
Người thực hành Lời Chúa được ví như người xây nhà có nền vững chắc.
Còn người không thực hành thì giống như người làm nhà không nền.
Bề ngoài có vẻ hai căn nhà không khác nhau.
Chỉ khi nước lụt dâng lên, và dòng nước ùa vào nhà, mới thấy sự khác biệt.
Một căn đứng vững vì có nền tử tế, căn kia bị sụp đổ tan tành.
Chúng ta thích xây nhà cao, nhưng lại ít để ý tới nền móng.
Chúng ta đã được nghe quá nhiều đoạn Lời Chúa,
nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc suy niệm, cầu nguyện.
Lời Chúa chưa thực sự bám rễ trong hành động và cuộc sống,
vì điều đó đòi một sự trả giá mà chúng ta muốn quay lưng.
Chính vì thế căn nhà tâm linh của chúng ta vẫn không vững.
Xin Chúa cho chúng ta can đảm để làm lại nền cho căn nhà đời ta.
 
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu
Con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
Vì chỉ biết thích thú nghe lời Chúa dạy,
Nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
Đừng hời hợt khi nghe lời Chúa,
Đừng để nỗi đam mê làm lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mãnh đất đời mình,
Để hạt giống lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
Được xây trên nền tảng vững chắc,
Đó là lời Chúa
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
 
Suy niệm 2: Nghe và thực hành Lời Chúa
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Thời gian là lời phán xét chính xác. Thời gian sẽ cho biết cây nào xấu cây nào tốt khi chúng ra quả. Cứ xem quả thì biết cây. Thời gian sẽ cho biết ai thật ai giả.Người thật hay người giả. Đừng tin ngay vào lời nói, cứ chờ xem họ làm thế nào. Thời gian sẽ chứng nghiệm công trình xây dựng. Công trình xây dựng có giá trị hay không, mưa nắng sẽ chứng nghiệm chất lượng. Chúa Giêsu cũng căn cứ vào kết quả để biết rõ ai là môn đệ thật. Người môn đệ thật là cây tốt sinh trái tốt. Người môn đệ tốt là người không chỉ nói ngoài miệng nhưng tin thật trong lòng. Người môn đệ trung tín là người thực hành niềm tin đã lãnh nhận được. Khó khăn thử thách là tự nhiên trong đời sống. Cũng như bão lụt là hiện tượng không thể tránh khỏi. Nhà xây vững chắc sẽ bền vững qua thời gian. Người nghe và thực hành Lời Chúa đứng vững trong mọi gian nan thử thách. Người ấy đã chọn Chúa thì trung tín suốt đời.
Nhưng chọn lựa không chỉ một lần mà trải dài suốt cuộc đời. Có bao nhiêu năm tháng là có bấy nhiêu chọn lựa. Để trung tín với Chúa và với chính mình, với niềm tin, với lời tuyên xưng, người môn đệ phải chiến đấu không ngừng. Chúa mời ta dự tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Nhưng thế gian cũng có những bàn tiệc hấp dẫn. Ma quỉ cũng biết bày ra những bàn tiệc lạc thú thịnh soạn, cũng biết nâng những chén rượu danh vọng hấp dẫn mời mọc. Lại còn thêm thói đời, người đời thân thiết lôi kéo. Nhất là khi chung quanh ta ai cũng làm giống nhau. Ta sống khác được sao? Ta phải cảnh giác để giữ lòng trung tín như thánh Phao-lô khuyên dạy: “Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỉ được; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỉ được” (năm chẵn).
Một cách giữ lòng trung tín với Chúa là nhớ lại thuở ban đầu. Thánh Phao-lô luôn nhắc nhở về thời chìm đắm trong tội lỗi để thấy ơn Chúa thương xót hoán cải ngài, tuyển chọn ngài và ban cho ngài được làm môn đệ Chúa. Vì thế ngài luôn nhớ ơn Chúa, luôn tận tâm phục vụ Chúa, sẵn sàng hi sinh tính mạng vì Chúa. Hãy chọn lựa Chúa. Vì chỉ có Người thương yêu ta. Hãy tạ ơn Chúa. Vì chính Người hạ cố đến cứu độ ta. Hãy thờ lạy Chúa. Vì chỉ có Người là vua thật thống trị vũ trụ. Hãy noi gương thánh Phao-lô mà xưng tụng: “Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen” (năm lẻ).

SUY NIỆM 3: CẢM NHẬN SÂU SẮC MÌNH ĐƯỢC CỨU ĐỘ - LM. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Ông Phaolô có cảm nhận sâu sắc mình là người tội lỗi và do đó, mình là người được cứu độ.
“Anh thân mến, đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời.” (1Tm 1,15-16)
Hai lần ông nói rằng mình là “người đầu tiên” được cứu độ. Điều này không hiểu theo nghĩa thời gian, nhưng theo nghĩa ông cảm nhận cách rõ ràng mình là người tội lỗi thực sự, tội nặng nề vì bắt bớ những người tin vào Chúa Giêsu Kitô, nhưng ông lại được tha thứ và được chọn làm tông đồ, không hề do công trạng gì của ông cả! Ông cảm thấy rõ ràng và mạnh mẽ về tội lỗi của mình và về ơn cứu độ mình nhận được, nên ông tự gọi mình là “người đầu tiên”, người đã được hưởng nhiều hơn hết ơn tha thứ và sự vực dậy từ Chúa Giêsu Kitô!
Nhiều khi người ta nghĩ rằng ý thức tội lỗi, ý thức về những giới hạn, thiếu sót của mình, là một thứ mặc cảm tiêu cực đè trên con người. Điều đó đúng nếu người ta “nằm lại” ở đó! Nhưng đây là ơn cứu độ, có nghĩa là con người được cứu thoát bởi quyền năng và nhất là bởi tình thương của Thiên Chúa. Cho nên, ý thức tội lỗi trong niềm tin kitô giáo phải đi đến xác tín về tình thương cứu thoát, tình thương nâng lên đến từ Thiên Chúa. “Người ta được chọn không phải vì muốn hay chạy vạy, nhưng vì được Thiên Chúa thương xót.” (Rm 9,16)
Những ý thức này làm cho kitô hữu bình an trước tội lỗi và giới hạn của mình, sống trong niềm hân hoan vì mình được cứu độ nên cũng hết mình phụng sự Thiên Chúa, khiêm tốn trong ý thức mình cần đến sự bổ túc từ người chung quanh. Khi có được những ý thức và cảm nhận này, kitô hữu thực sự đã bắt đầu được hưởng hoa trái của ơn cứu độ ngay từ cuộc sống hôm nay! Hạnh phúc dường bao những người cảm nhận cách sâu sắc rằng mình được cứu độ! 

SUY NIỆM 4: NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Người môn đệ của Chúa là người tu sĩ, là người phải biết hoán cải từ cõi lòng mình. Nơi đây là tình yêu, là niềm tin, là hy vọng được ân sủng Thánh Linh rèn luyện với sự cộng tác tự do của con người. Đó là lòng khao khát sự thánh thiện, ý chí sửa mình, say mê Tin mừng như vạn vật hướng về ánh sáng, như hoa quỳ hướng về mặt trời. Từ một cõi lòng như vậy, cuộc sống chúng ta sẽ là hoa trái tốt đẹp cho Chúa và cho nhân loại.
Vì thế Chúa dạy cho các tông đồ bài học căn bản hôm nay: hãy hoán cải cõi lòng.
“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng không có cây nào sâu lại sinh quả tốt”. “Người tốt thì lấy cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình”.
Vậy chúng ta phải làm gì để cõi lòng chúng ta trở thành kho tàng tốt? Chúa trả lời: “Tại sao anh em gọi Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Mà anh em không làm điều Thầy dạy?” một câu hỏi mà cũng là một bài học, vì tôn Ngài làm Chúa, làm chủ mình thì đòi hỏi chúng ta phải đặt mình dưới quyền uy của Ngài, trong tâm tình mến yêu vâng phục. Chính lòng tin, cậy, mên yêu, vâng phục là phần việc của sự tự do của chúng ta.
Nếu ta vô tình trước Tin mừng của Ngài, thì đời tu của chúng ta là danh từ trống rỗng. Nghe và giữ lời Ngài, hay là sống lời Ngài, là căn bản của đời sống tu trì. Và xây dựng đời tu như vậy được Chúa ví như xây nhà trên nền đá móng vững vàng, để có sức đối phó với mọi thử thách ở đời. Cuộc đời như dòng thác của trăm ngàn thử thách, mà đời tu trì như con thuyền đi ngược dòng đời đó. Tuy vậy, lời Chúa và ân sủng của Ngài vẫn là yếu tố quyết định sự thành công.
Có những thử thách trong tâm tư chúng ta như: Cảm thấy chán ngán cuộc đời lý tưởng, ngã lòng trước những nhược điểm sẵn có nơi mình, lơ là đời sống cầu nguyện, buồn giận anh em… Những thử thách nội tâm này cần có ân sủng, cần có chia sẻ với người đạo đức. Để lâu là thất bại, cần tiếp cận lời Chúa nhiều hơn.
Có những thử thách bên ngoài như có nhiều mặc cảm với anh em, thất bại trong học hành, sức khỏe không tốt, bị cấp trên hiểu lầm…Cần coi đó như những tiếng gọi của yêu thương. Nghĩa là phải vận dụng đến tình yêu của Tin mừng để có thể “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”.
Đây là đòi hỏi lớn của Tin mừng, nhưng cũng là những đỉnh cao giá trị của đời tu. Và dấu ấn đời tu từ cõi lòng ta, lúc đó mới rõ rệt là kho tàng tốt của lòng mình.
Chúng ta sẽ tìm thấy những giá trị đó trong chính cuộc đời của Chúa. Và vì thế Chúa luôn mời gọi ta chiêm ngắm Ngài. Và sự chiêm ngắm đó, luôn luôn có sức mạnh để ta tiến bộ, trong cuộc đời tu trì của mình.
Ba mười năm trời sống với Chúa, Mẹ đã trở nên người môn đệ tuyệt vời của Chúa dưới chân thập giá của Ngài. Xin Mẹ nâng đỡ đời tu chúng con.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, bài học nào của Chúa cũng là thần dược chữa trị cuộc đời tăm tối và yếu đuối của chúng con. Xin Chúa ban Thánh Linh vào lòng chúng con để chúng con càng lâu càng hiểu biết lời Chúa hơn và say sưa đem ra thực hành. Xin Chúa cho chúng con ơn sức mạnh để thanh lọc những thái độ, tâm tình nơi chúng con chưa hợp ý Chúa.
Lạy Chúa, Chúa bắt đầu đào tạo một lớp trẻ khao khát theo Chúa, nhưng với những giấc mơ trần tục. Chúa đã kiên trì dạy dỗ và đưa họ vào con đường Chúa đi. Xin Chúa cũng kiên nhẫn với những bất xứng của chúng con trên đường theo Chúa. Xin Chúa đừng bỏ rơi tuổi trẻ yếu đuối của chúng con và xin gìn giữ chúng con trung thành với Chúa cho đến cùng Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây