G. Trần Đức Anh, O.P.
Hiện diện trong buổi tiếp kiến tại thư viện dinh Giáo hoàng, ngoài Đức Thánh cha và hai giám chức thuộc Phủ Giáo hoàng, có tám linh mục thông dịch bài huấn giáo và những lời chào của Đức Thánh cha ra các sinh ngữ chính. Các vị giữ một khoảng cách an toàn đối với nhau để tránh lây nhiễm. Và như thường lệ, các cơ quan truyền thông Vatican: Vatican News và Vatican Media, cũng như đài truyền hình TV 2000 của Hội đồng Giám mục Italia trực tiếp truyền đi.
Trong phần tôn vinh Lời Chúa đầu buổi tiếp kiến, các linh mục đã đọc một đoạn ngắn trong thư thứ nhất của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu thành Côrintô, đoạn 13, trong đó thánh nhân nói đến tăng trưởng trong hành động của con người, khi còn trẻ thì nói năng như trẻ con, khi trưởng thành thì hành động như người lớn. Bây giờ chúng ta chỉ thấy lờ mờ như trong gương, mai sau chúng ta sẽ được thấy Thiên Chúa diện đối diện (1 Cr 13, 11-12).
Mở đầu bài huấn giáo, Đức Thánh cha nói:
“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, chúng ta cùng đọc Mối Phúc thứ Sáu, hứa cho những người có tâm hồn thanh sạch được hưởng kiến Thiên Chúa.
Một thánh vịnh nói: “Tâm hồn con lập lại lời mời của Chúa: “Các người khác tìm thánh nhan Ta”. Lạy Chúa, con tìm kiếm thánh nhan Ngài. Xin đừng che giấu con thánh nhan Chúa” (27,8-9).
Ngôn ngữ này biểu lộ lòng khao khát một tương quan thân tình với Thiên Chúa, không có tính cách máy móc, mơ hồ, nhưng có tính chất bản thân, điều mà cả sách ông Gióp cũng diễn tả như dấu chỉ một tương quan chân thành: “Trước đây con chỉ được nghe nói về Chúa, nhưng giờ đây mắt con đã thấy Chúa” (G 42,5). Và bao nhiêu lần tôi nghĩ rằng đây là con đường sự sống, trong các tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta biết Thiên Chúa vì nghe nói, nhưng với kinh nghiệm, dần dần chúng ta tiến đến chỗ biết Chúa trực tiếp. Đó chính là sự trưởng thành trong Thánh Linh.”
Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Làm sao đi đến sự thân mật ấy? Ta có thể nghĩ đến các môn đệ làng Emmaus. Họ có Chúa Giêsu ở bên cạnh, “nhưng mắt họ bị cản ngăn không nhận ra Ngài” (Lc 24,16). Chúa sẽ mở mắt họ vào cuối hành trình, với cao điểm là việc bẻ bánh và được khởi đầu bằng một lời khiển trách: “Hỡi những người tối dạ và chậm tin tất cả những gì đã được các ngôn sứ báo trước!” (Lc 24,25). Nguồn gốc sự tối dạ của họ là: con tim họ u tối và chậm chạp.
Sự khôn ngoan của Mối Phúc này hệ tại điều này: để có thể chiêm ngắm, thì cần phải đi vào trong nội tâm chúng ta, và dành chỗ cho Thiên Chúa, vì như thánh Augustino đã nói: “Chúa ở sâu thẳm hơn cả nội tâm của tôi” (interior intimo meo: Confessioni, III, 6,11). Để thấy Thiên Chúa, không cần phải thay kiếng hoặc đổi vị trí quan sát, nhưng cần giải thoát con tim khỏi những lừa đảo của nó!
Một sự trưởng thành rất quan trọng, là khi chúng ta nhận thấy rằng kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta thường ẩn nấp trong tâm hồn chúng ta. Trận chiến cao thượng nhất là trận chiến chống lại những lường gạt trong nội tâm do các tội lỗi của chúng ta sinh ra. Vì tội lỗi thay đổi cái nhìn nội tâm, thay đổi sự đánh giá của chúng ta về sự vật, khiến ta nhìn các sự vật không trung thực.”
“Vì thế, điều quan trọng là hiểu “tâm hồn thanh khiết” là gì. Để hiểu điều này, cần nhớ rằng đối với Kinh thánh, con tim không phải chỉ hệ tại những tình cảm, nhưng là nơi thâm sâu nhất của con người, là không gian nội tâm trong đó con người thực là mình.
Chính Tin mừng theo thánh MatThêu đã nói: “Nếu ánh sáng ở trong ngươi là tăm tối, thì tăm tối sẽ lớn lao dường nào!” (6,23). “Ánh sáng” này là cái nhìn của con tim, là viễn tượng, là tổng hợp, là điểm từ đó ta đọc thực tại (Xc. Tông Huấn Evangelii gaudium, 143).
Nhưng “thanh khiết” có nghĩa là gì? Người có tâm hồn thanh khiết sống trước sự hiện diện của Chúa, bảo tồn trong tâm hồn mình những gì tương xứng tương quan với Chúa. Chỉ như thế họ mới có một cuộc sống nội tâm “nhất thống”, ngay thẳng, không quanh quéo, nhưng đơn sơ.”
Đức Thánh cha giải thích rằng: “Vì thế, con tim được thanh tẩy là kết quả của một tiến trình bao gồm sự giải thoát và từ bỏ. Có tâm hồn thanh khiết không phải là điều bẩm sinh, sinh ra đã được như vậy, nhưng phải số gắng sống nội tâm đơn sơ, học cách từ bỏ sự ác nơi bản thân, điều mà trong Kinh thánh được gọi là “sự cắt bì tâm hồn” (Xc. Dnl 10,16; 30,6; Ez 44,9; Gr 4,4).
Sự thanh tẩy nội tâm như thế bao hàm một sự nhìn nhận một phần con tim chúng ta còn ở dưới ảnh hưởng của sự ác, để học nghệ thuật luôn để cho mình được Thánh Linh dạy dỗ và hướng dẫn. Vì vậy, qua hành trình nội tâm như thế, chúng ta “thấy được Thiên Chúa”.
“Trong sự hưởng kiến hạnh phúc ấy, có một chiều kích tương lai, mai hậu, như trong tất cả các Mối Phúc: đó là niềm vui Nước Trời mà chúng ta đang đi tới. Nhưng cũng có một chiều kích khác: thấy Thiên Chúa có nghĩa là hiểu những ý định quan phòng của Chúa trong những gì xảy ra cho chúng ta, nhìn nhận sự hiện diện của Chúa trong các bí tích, nơi anh chị em, nhất là nơi những người nghèo khổ, và nhận ra Chúa tại nơi Ngài tự biểu lộ (Xc. SGLHTCG 2519).
Mối phúc này phần nào cũng là kết quả của các Mối Phúc trước đó: Nếu chúng ta đã nghe biết sự khao khát điều thiện ở trong chúng ta và chúng ta ý thức mình sống bằng lòng thương xót, thì đó là khởi đầu một hành trình giải thoát kéo dài trọn đời và dẫn chúng ta đến trời cao. Đó là một công việc nghiêm túc và đặc biệt; đó là một công trình của Thiên Chúa nơi chúng ta - trong những thử thách và trong những thanh tẩy cuộc sống - đưa tới một niềm vui lớn, một an bình đích thực và sâu xa. Chúng ta đừng sợ, hãy mở các cánh cửa tâm hồn chúng ta cho Chúa Thánh Linh, vì Ngài sẽ thanh tẩy và dẫn chúng ta tiến bước trong hành trình tiến về niềm vui trọn vẹn.”
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, các linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau.
Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Tôi thân ái chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý. Tôi đặc biệt nghĩ đến các nhóm từ lâu đã xin giữ vé để hiện diện hôm nay. Trong số các nhóm ấy, có các thiếu niên tuyên xưng đức tin, thuộc giáo phận Milano, hiện đang theo dõi cuộc gặp gỡ này qua các phương tiện truyền thông xã hội. Các con thân mến, cho dù cuộc hành hương của các con về Roma chỉ có tính cách tiềm thể, nhưng cha cảm thấy như có sự hiện diện vui mừng và ồn ào của các con. Cha cám ơn và khích lệ các con hãy hăng say luôn sống đức tin, và không mất niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu, người bạn thân tín luôn làm cho cuộc sống chúng ta tràn đầy hạnh phúc, cả trong những lúc khó khăn.”
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Tôi chào thăm, các bạn trẻ, các bệnh nhân, người già và các đôi tân hôn. Ước gì giai đoạn chót của Mùa chay chúng ta đang sống, giúp chuẩn bị thích hợp để cử hành Lễ Phục sinh, dẫn mỗi người chúng ta đến gần Chúa Kitô một cách đậm đà hơn nữa. Tôi thân ái ban phép lành cho tất cả mọi người.”
Buổi tiếp kiến của Đức Thánh cha kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của ngài cho các tín hữu theo dõi qua các phương tiện truyền thông.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn