Buổi cầu nguyện Đức Thánh cha chủ sự giữa mùa đại dịch

Thứ bảy - 28/03/2020 04:16

Buổi cầu nguyện Đức Thánh cha chủ sự giữa mùa đại dịch

Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi cầu nguyện đặc biệt giữa mùa đại dịch | Vatican Media

Lúc 6 giờ chiều, thứ Sáu ngày 27/3/2020 vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi cầu nguyện đặc biệt giữa mùa đại dịch, để xin Chúa giải thoát dân Chúa khỏi thảm họa và cầu cho các nạn nhân đã thiệt mạng.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Buổi cầu nguyện kéo dài một tiếng đồng hồ và diễn ra trước tiên tại thềm Đền thờ thánh Phêrô, trước quảng trường trống vắng người, vì lý do an ninh y tế, không có sự tham dự của giáo dân, nhưng được trực tiếp truyền đi qua các phương tiện truyền thông.

Trước hai cột hai bên cổng chính của Đền thờ, bên phải có Ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma, và bên trái có tượng Thánh giá thánh Marcello Giáo hoàng được đưa đến đây từ Đền thờ kính thánh nhân. Tượng này vẫn được dân Roma rước đi trong những mùa dịch tễ, và chính Đức Thánh cha Phanxicô cũng đã đến thánh đường này để kính viếng trong thời gian qua.

Ngoài một số chức sắc cộng tác vào buổi cầu nguyện, chỉ có 10 giáo dân nhân viên Đền thờ, đứng từ xa xa ở cửa Đền thờ, để tham dự buổi cầu nguyện đặc biệt này.

Buổi cầu nguyện gồm có phần phụng vụ Lời Chúa, kèm theo bài giảng của Đức Thánh cha; tiếp đến là chầu Thánh Thể với phần kinh cầu, và sau cùng là phép lành Mình Thánh Chúa do Đức Thánh cha ban, kèm theo ơn toàn xá Urbi et Orbi, cho Roma và toàn thế giới.

Sau kinh nguyện mở đầu, mọi người đã nghe công bố bài Tin mừng theo thánh Marco, đoạn 4, từ câu 35 đến 41, thuật lại biến cố con thuyền Chúa Giêsu và các môn đệ đi trên đó bị bão tố, nhưng Chúa Giêsu vẫn ngủ. Các môn đệ phải đánh thức Chúa dậy và kêu cứu. Chúa làm phép lạ khiến sóng yên biển lặng nhưng Ngài trách các môn đệ thiếu lòng tin.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng, Đức Thánh cha nhắc đến thảm họa đại dịch đang đe dọa nhân loại, như bão tố vùi dập con thuyền của các môn đệ, khiến bao người ngày nay lo sợ, ngỡ ngàng, nhưng đồng thời cũng cảm thấy mình cùng chung số phận với nhau, cần cùng chèo với nhau, “nhận thấy mình không thể tiến bước nếu mỗi người chỉ lo cho mình, nhưng phải cùng nhau.”

Đại dịch vạch rõ nhược điểm của con người

Đức Thánh cha nhận xét rằng: đại dịch ngày nay, như cơn bão tố “vạch trần sự dễ thương tổn của chúng ta và cho thấy những an ninh giả tạo và thừa thãi, qua đó chúng ta đã xây dựng những chương trình hoạt động, những dự án, các tập quán và ưu tiên của chúng ta. Nó tỏ cho thấy chúng ta đã lơ là và bỏ qua điều nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban sức mạnh cho cuộc sống và cộng đoàn của chúng ta. Bão tố để lộ tất cả những chủ tâm “gói lại” và quên đi những gì đã nuôi dưỡng cái hồn của các dân tộc chúng ta; tất cả những toan tính gây mê với những tập quán có vẻ là “cứu thoát”, nhưng không có khả năng tham chiếu những căn cội và nhắc nhớ tới các vị tiền bối của chúng ta, và vì thế khiến cho chúng ta không còn khả năng miễn dịch cần thiết để đương đầu với nghịch cảnh. Bão tố cũng làm rơi mất những mánh khóe chúng ta dùng để ngụy trang “cái tôi” của chúng ta, luôn lo lắng về hình ảnh của mình; một lần nữa, chúng ta khám thấy điều tốt lành là chúng ta cùng thuộc về nhau, cùng là anh chị em của nhau.

Nhược điểm của nhân loại

Đi xa hơn, Đức Thánh cha vạch rõ những khuyết điểm của con người ngày nay mà thảm họa đại dịch là cơ hội cho thấy rõ. Ngài nói: “Lạy Chúa, Lời Chúa chiều tối hôm nay đánh động và có liên hệ tới tất cả chúng con. Trong thế giới chúng con hiện nay, thế giới mà Chúa yêu thương nhiều hơn cả chúng con yêu, chúng con tiến bước rất mau lẹ, cảm thấy hùng mạnh và có khả năng trong mọi sự. Chúng con ham hố lợi lộc, để cho mình bị vật chất thu hút mất và bị choáng váng vì vội vã. Chúng con không dừng lại trước những lời nhắc nhở của Chúa, không thức tỉnh trước những chiến tranh và bất công trên thế giới, chúng con đã không lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo và của trái đất của chúng con đang bị bệnh nặng. Chúng con cứ tiếp tục tiến bước không chút sợ hãi, nghĩ rằng mình sẽ luôn khỏe mạnh trong một thế giới bị bệnh. Giờ đây, trong lúc chúng con đang ở giữa biển động, chúng con khẩn cầu Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy thức dậy!”

Đức Thánh cha cũng thưa với Chúa rằng: “Trong Mùa chay này vang dội lời kêu gọi cấp thiết của Chúa: “Hãy hoán cải”, “hãy hết lòng trở về cùng Ta” (Gl 2,13). Chúa gọi chúng con hãy đón nhận thời điểm thử thách này như ‘một thời điểm chọn lựa’..., chọn lựa điều gì đáng kể và điều gì chóng qua, tách biệt điều cần thiết ra khỏi điều không cần. Lạy Chúa, đây là lúc điều chỉnh lại hành trình cuộc sống của chúng con hướng về Chúa và hướng về tha nhân. Và chúng con có thể nhìn bao nhiêu bạn đồng hành gương mẫu, trong sợ hãi, họ đã phản ứng bằng cách hiến mạng sống mình”.

Biến bất hạnh thành cơ hội thực thi điều thiện

Trong phần còn lại của bài giảng, Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu hãy biến thảm họa đại dịch hiện nay thành cơ hội thực thi điều thiện, tình liên đới và gia tăng hy vọng. Hy vọng nơi thập giá của Chúa Kitô, khơi dậy niềm tin... Ngài nói: “Trong thập giá của Chúa, chúng ta được cứu thoát để đón nhận hy vọng và để cho niềm hy vọng ấy củng cố và nâng đỡ tất cả các biện pháp và những con đường khả dĩ giúp chúng ta bảo tồn bản thân và giữ gìn. Đón nhận Chúa để đón nhận hy vọng: đó là sức mạnh của đức tin, giải thoát khỏi sợ hãi và mang lại hy vọng.”

Chầu Thánh Thể

Sau bài giảng, Đức Thánh cha đến trước Ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của dân Roma và cầu nguyện qua bài thánh ca Sub tuum praesidium, chúng con chạy đến cùng Mẹ trong cơn gian nan, rồi Đức Thánh cha đến trước tượng Thánh giá thánh Marcello, và cầu nguyện, trong lúc ca đoàn bốn người ở bên trong tiền đường Đền thờ hát bài ca Thánh giá và bài ca “Xin Chúa tha tội cho chúng con”.

Buổi cầu nguyện được tiếp nối với nghi thức Chầu Thánh Thể, với bàn thờ được đặt ở tiền đường bên trong Thánh đường. Tại đây có sự hiện diện của một số Giám chức và giáo dân. Đức Thánh cha xông hương Mình Thánh Chúa, trong lúc ca đoàn hát bài Adoro Te devote, Con thờ lạy hết tình, Chúa ngự trong Phép Thánh.

Sau những phút thờ lạy trong thinh lặng, với phần kinh cầu xin Chúa cứu chữa nhân loại đang bị đe dọa vì đại dịch và những tai ương khác. Đức Hồng y Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ thánh Phêrô, thông báo cho các tín hữu chủ ý của Đức Thánh cha ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho các tín hữu ở Roma và trên thế giới, tham dự qua các phương tiện truyền thông.

Đức Thánh cha cầm Mặt Nhật Mình Thánh Chúa, tiến ra cuối Đền thờ và ban Phép lành cho tất cả các tín hữu.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây