G. Trần Đức Anh, O.P.
Hiện diện trong buổi tiếp kiến lúc 10 giờ rưỡi, có đại diện của 183 quốc gia và một số tổ chức quốc tế có quan hệ với Tòa Thánh trên cấp đại sứ, cùng với đại diện của chính quyền Palestine. Ngoài ra, cũng có đại diện của Liên Hiệp Âu Châu và Hội Hiệp Sĩ Malta. Có 89 vị đại sứ thường trú và gần 100 vị khác từ các nhiệm sở khác ở Âu Châu cũng đến Vatican trong dịp này.
Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Đại Sứ nước Cipro, Ông George Poulides, Đức Thánh Cha đã lên tiếng chào thăm và chúc mừng năm mới tất cả các vị đại sứ, và đặc biệt cám ơn vị niên trưởng ngoại giao đoàn. Ngài mời gọi mọi người hãy có thái độ hy vọng trong tinh thần thực tế, dù năm mới này dường như không có những dấu chỉ khích lệ, nhưng đúng hơn có những căng thẳng và bạo lực gia tăng.
Dựa vào 7 cuộc tông du của ngài tại 4 châu lục trong năm vừa qua, Đức Thánh Cha lần lượt đề cập đến những vấn đề chính yếu cũng như tình hình của các nước liên hệ, kèm theo những mong ước.
Nhắc đến Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 34 hồi tháng giêng năm ngoái (2019) ở Panama, Đức Thánh Cha tái lên án tệ nạn lạm dụng tính dục người trẻ do những người lớn, kể cả một số thành phần của hàng giáo sĩ. Ngài nói: họ phạm “những tội ác rất nặng nề chống lại phẩm giá của người trẻ, các trẻ em và thiếu niên, vi phạm sự hồn nhiên và thân mật của các em. Đó là những tội ác xúc phạm đến Thiên Chúa, gây thiệt hại thể lý, tâm lý và tinh thần cho các nạn nhân và làm thiệt hại đến cuộc sống của toàn thể cộng đoàn”.
Đức Thánh Cha nhắc đến những biện pháp của Tòa Thánh chống lại tệ nạn này với các qui luật thích hợp để đối phó trong lãnh vực giáo luật và cộng tác với các chính quyền dân sự. Ngài cũng nhấn mạnh nghĩa vụ giáo dục người trẻ, và trong ý hướng đó, ngày 14-5 tới đây, Đức Thánh Cha cổ võ một cuộc gặp gỡ quốc tế với chủ đề “Tái tạo Hiệp Ước giáo dục hoàn cầu”.
Đức Thánh Cha cũng ca ngợi sự dấn thân của nhiều người trẻ cho chính nghĩa bảo vệ môi trường và sự hoán cải về môi sinh. Ngài lấy làm tiếc vì chính trị quốc tế vẫn chưa mang lại những câu trả lời thích đáng cho các vấn đề do sự thay đổi khí hậu. Hội nghị thế giới COP25 ở Madrid hồi tháng 12 năm ngoái về vấn đề này, là một tiếng chuông cảnh giác mạnh mẽ về sự thiếu ý chí của cộng đồng quốc tế trong việc đương đầu một cách khôn ngoan và hữu hiệu đối với hiện tượng hâm nóng trái đất. Hiện tượng này đang đòi một câu trả lời tập thể, có khả năng làm cho công ích trổi vượt hơn các tư lợi.
Đức Thánh Cha cũng nói đến những quan tâm về môi sinh được bày tỏ trong dịp Thượng HĐGM miền Amazzonia hồi tháng 10 năm ngoái, và ngài bày tỏ quan tâm vì sự gia tăng các cuộc khủng hoảng chính trị tại nhiều quốc gia ở Mỹ châu, với những căng thẳng và những hình thức bạo lực khác thường, gia tăng những xung đột xã hội và tạo nên những hậu quả trầm trọng về xã hội, kinh tế và nhân đạo. Đức Thánh Cha nói: “Sự phân cực (polarizzazioni) ngày càng mạnh ở các nước đó, không giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết thực sự của dân chúng, nhất là những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất. Cả bạo lực cũng chẳng giải quyết được các vấn đề ấy. Bạo lực không thể được chấp nhận vì bất kỳ lý do gì như một phương thế để đương đầu với các vấn đề chính trị và xã hội”.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “nói chung các xung đột ở vùng Nam Mỹ, tuy có nhiều căn cội khác nhau, nhưng đều có chung nguyên do là sự chênh lệch sâu đậm, những bất công và tham nhũng kinh niên, và do những hình thức nghèo đói làm thương tổn phẩm giá con người. Vì thế các vị lãnh đạo chính trị cần cố gắng cấp thiết tái lập một nền văn hóa đối thoại vì công ích và củng cố các cơ chế dân chủ, thăng tiến sự tôn trọng nhà nước pháp quyền, để phòng ngừa những sai trái phản dân chủ, mỵ dân và cực đoan”.
Đức Thánh Cha cũng kể lại cuộc viếng thăm của ngài tại Abu Dhabi và cùng với Đại Imam al-Tayyeb ký văn kiện về “Tình Huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và sự sống chung”, nhắm thăng tiến sự cảm thông giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo, cũng như sự sống chung trong những xã hội ngày càng đa chủng tộc và đa văn hóa.
Trong cuộc viếng thăm Maroc, Đức Thánh Cha đã cùng với quốc vương Mohammed VI đưa ra lời gọi chung về thành Jerusalem và ngài nói thêm rằng:
“Tôi không thể không nghĩ đến toàn thể Thánh Địa để nhắc nhở điều cấp thiết, là Cộng đồng quốc tế cần can cảm và chân thành, trong niềm tôn trọng công pháp quốc tế, tái khẳng định quyết tâm hỗ trợ tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine”.
Trong chiều hướng này, Đức Thánh Cha cũng phê bình sự thinh lặng của Cộng đồng quốc tế có “nguy cơ che đậy chiến tranh đang tàn phá Siria trong thập niên này. Nhất là cần tìm ra những giải pháp thích hợp và sáng suốt giúp nhân dân Siria, vốn kiệt quệ vì chiến tranh, tìm lại được hòa bình và khởi sự tái thiết đất nước”.
Đức Thánh Cha tái bày tỏ quan tâm về sự gia tăng căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ, có nguy cơ tạo nên những thử thách cam go cho tiến trình chậm chạp trong việc tái thiết Irak, và tạo ra những căn bản cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn mà mọi người đều mong muốn có thể ngăn chặn. Đức Thánh Cha nói: “Tôi tái kêu gọi mọi phe liên hệ hãy tránh gia tăng đụng độ và duy trì ngọn lựa đối thoại và tự chế, trong sự hoàn toàn tôn trọng công pháp quốc tế”.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Tôi cũng nghĩ đến Yemen đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất trong lịch sử gần đây, giữa một bầu không khí dửng dưng của Cộng đồng quốc tế, và tôi nghĩ đến Libia, từ nhiều năm nay, đang trải qua tình trạng xung đột. Tình trạng này trầm trọng thêm vì sự xâm nhập của các nhóm cực đoan và cường độ bạo lực tăng thêm trong những ngày gần đây. Bối cảnh đó tạo nên môi trường thuận lợi cho tai ương bóc lột và buôn người, do những kẻ vô lương tâm, khai thác nghèo đói và đau khổ của bao nhiêu người trốn chạy những tình trạng xung đột hoặc nghèo đói cùng cực. Trong số ấy, có nhiều người trở thành con mồi cho những tổ chức bất lương thực sự, giam cầm họ trong những tình trạng vô nhân đạo, làm suy thoái nhân phẩm, tra tấn, hãm hiếp và tống tiền họ.”
Trong diễn văn trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến sự cần thiết phải hỗ trợ đối thoại và tôn trọng công pháp quốc tế để giải quyết những cuộc xung đột âm ỉ ở Âu Châu có từ nhiều thập niên, và đòi được giải quyết, như tình trạng tại miền tây bán đảo Balcan, miền nam Caucase, trong đó có nước Georgia, tình trạng đảo Cipro cần được tái thống nhất, xung đột ở miền đông Ucraina.
Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến kỷ niệm 70 năm (1949) thành lập Hội đồng Âu Châu và sau đó là sự thông qua Hiệp Ước Âu Châu về các quyền con người.
Theo Đức Thánh Cha, “Vụ hỏa hoạn Nhà thờ chính tòa Paris cho thấy, thật là mong manh và dễ phá hủy điều có vẻ là vững chắc. Những thiệt hại gây ra cho thánh đường quan trọng này đối với các tín hữu Công Giáo nhưng cho cả nước Pháp và nhân loại, đã khơi dậy đề tài các giá trị lịch sử và văn hóa của Âu Châu, cũng như những căn cội của đại lục này. Trong bối cảnh ấy, vì thiếu những giá trị tham chiếu, người ta dễ tìm thấy những yếu tố chia rẽ, hơn là những yếu tố liên kết với nhau”.
Nhắc đến kỷ niệm 30 năm bức tường Berlin sụp đổ, Đức Thánh Cha tố giác sự kiện “ngôn từ oán ghét ngày càng được phổ biến trên Internet và các mạng xã hội. Chúng ta mong ước những nhịp cầu hòa giải và liên đới, hơn là những hàng rào oán ghét, ước muốn những gì làm chúng ta xích lại gần nhau, hơn là điều làm cho chúng ta xa cách nhau, với ý thức rằng “không có hòa bình nào có thể được củng cố [..], nếu đồng thời không làm cho những oán hận dịu bớt đi, nhờ sự hòa giải dựa trên lòng yêu thương nhau”, như Đức Giáo Hoàng Biển Đức 15 đã viết cách đây 100 năm.
Trong năm qua, Đức Thánh Cha đã viếng thăm Mozambique, Madagascar ở Phi châu và quần đảo Mauritius trong Ấn độ dương. Và tháng 11, ngài thăm Thái Lan và Nhật Bản.
Nhắc đến các cuộc tông du này, Đức Thánh Cha cho biết ngài thấy “những dấu chỉ hòa bình và hòa giải tại Mozambique qua việc ký kết hiệp định đình chiến chung kết ngày 01/8 năm ngoái...”. Tuy nhiên, mở rộng tầm nhìn, ngài đau lòng nói đến bạo lực còn hoành hành tại các nước Burkina Faso, Mali, Niger và Nigeria: bao nhiêu người vô tội bị sát hại, trong đó có nhiều Kitô hữu bị giết vì trung thành với Tin Mừng. Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng quốc tế nâng đỡ cố gắng của các nước này trong việc đánh bại nạn khủng bố đang làm đổ máu ngày càng lan tràn tại nhiều nơi ở Phi châu.”
Đức Thánh Cha cũng cầu mong cho nhân dân Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan sớm được hưởng an bình.
Sau cùng, nhắc đến Nhật Bản, Đức Thánh Cha tái lên án võ khí hạt nhân và cầu mong rằng “Trong Hội nghị thứ 10 về việc cứu xét Hiệp Ước chống lan tràn loại võ khí này, sẽ nhóm từ ngày 27/4 đến 22/5 tới đây tại New York, cộng đồng quốc tế sẽ tìm được một sự đồng thuận chung kết và hữu hiệu về những thể thức thi hành Hiệp Ước quốc tế chống võ khí hạt nhân.
(SS. Vat 9-1-2020)
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn