G. Trần Đức Anh, O.P.
Đức Thánh Cha bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới các Bệnh nhân Lần thứ 28 sẽ được cử hành vào ngày 11/02/2019 tới đây, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, với chủ đề là lời Chúa Giêsu: “Hãy đến cùng Ta, hỡi tất cả những ai mệt mỏi và bị đè nén, và Ta sẽ bổ sức cho” (Mt 11,28).
Đức Thánh Cha viết: “Trong Ngày Thế giới các bệnh nhân Lần thứ 28, Chúa Giêsu gửi lời mời gọi đến những người bệnh và bị đè nén, những người nghèo biết hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa, và, vì bị thương vì gánh nặng của thử thách, họ đang cần được chữa lành. Chúa Giêsu Kitô không áp đặt luật lệ cho người sống nỗi lo âu vì tình trạng mong manh, đau khổ và yếu ớt của họ, nhưng Ngài cống hiến lòng thương xót, nghĩa là bản thân có sức phục hồi của Ngài...”
Đức Thánh Cha cũng giải thích rằng: “Sở dĩ Chúa Giêsu Kitô có những tâm tình như thế đối với người bệnh và những người bị áp bức, vì chính Chúa đã trở nên yếu đuối khi cảm nghiệm đau khổ của con người và nhận được sự bổ dưỡng từ Chúa Cha... Thực vậy, chỉ ai đích thân cảm nghiệm như thế mới biết cách trở thành niềm an ủi cho tha nhân. Có những hình thức đau khổ trầm trọng khác nhau: các bệnh nan y bất trị và kinh niên, những bệnh tâm lý, những thứ bệnh cần phục hồi hoặc chữa trị chống đau, các thứ khuyết tật, bệnh trẻ em và bệnh người già... Trong những hoàn cảnh ấy, ta cũng cảm thấy một sự thiếu thốn tình người và vì thế chúng ta cần nhân bản hóa lối tiếp cận với người bệnh, không những chữa trị bệnh tật mà thôi, nhưng còn chăm sóc người bệnh, để đạt tới một sự chữa trị con người toàn diện...”
Đức Thánh Cha viết thêm rằng: “Trong khi bị bệnh, con người không những cảm thấy sức khỏe thể lý của mình bị thương tổn, nhưng cả những chiều kích tương quan, trí thức, tình cảm, tâm linh cũng bị ảnh hưởng. Vì thế, ngoài các biện pháp trị liệu, người bệnh còn chờ đợi sự nâng đỡ, ân cần quan tâm... tóm lại là họ chờ đợi tình thương. Ngoài ra, bên cạnh người bệnh, còn có một gia đình đang đau khổ và cũng cần được an ủi và gần gũi”.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ anh chị em bệnh nhân rằng: “Giáo Hội muốn luôn luôn và ngày càng trở thành “nhà trọ của Người Samaritano Nhân Lành là Chúa Kitô (Xc. Lc 10,34) nghĩa là nhà mà anh chị em có thể tìm được ân sủng của Chúa, được biểu lộ qua sự thân mật, tiếp đón, và an ủi. Trong nhà này, anh chị em có thể tìm được những người, sau khi đã được lòng thương xót của Chúa chữa lành trong sự yếu đuối của họ, nay họ biết giúp đỡ anh chị em vác thánh giá...”
Trong hoạt động phục hồi cho các anh chị em bệnh nhân, có việc phục vụ của các nhân viên y tế, các bác sĩ, y tá, nhân viên hành chánh và trợ tá, cũng như những người thiện nguyện. Vì thế, Đức Thánh Cha viết:
“Các nhân viên y tế thân mến, mỗi sự can thiệp, chẩn bệnh, phòng ngừa, chữa trị, nghiên cứu, chăm sóc và phục hồi đều nhắm tới người bệnh... Vì thế, hãy làm sao để hoạt động của anh chị em luôn hướng tới phẩm giá và sự sống của con người, không chiều theo những hành vi làm cho chết êm dịu, hoặc trợ tử hay hủy diệt sự sống, cả khi bệnh tật ở mức độ không thể hồi phục được... Anh chị em cũng hãy cởi mở đối với chiều kích siêu việt. Điều này giúp anh chị em ý thức hoàn toàn về nghề nghiệp của mình. Hãy nhớ rằng sự sống là thánh thiêng và thuộc về Thiên Chúa, vì thế sự sống là bất khả xâm phạm và không tùy thuộc sự sử dụng hay xếp đặt của chúng ta (Xc. Huấn thị Hồng ân sự sống (Donum vitae 5).”
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc đến bao nhiêu anh chị em trên thế giới không có cơ hội được chữa trị vì họ sống trong nghèo khổ. Vì thế, ngài viết: “Tôi kêu gọi các tổ chức y tế và các chính quyền mọi nước trên thế giới, khi cứu xét khía cạnh kinh tế, đừng lơ là đối với công bằng xã hội. Tôi cầu mong rằng nhờ liên kết các nguyên tắc liên đới và phụ đới (sussidiarietà), chúng ta cộng tác với nhau để tất cả mọi người được chăm sóc thích đáng, nhắm cứu vãn và phục hồi sức khỏe”
(SS. Vat. 3-1-2019)
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn