Thứ Ba tuần 20 thường niên.
"Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời".
Lời Chúa: Mt 19, 23-30
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo thật các con: Người giàu có thật khó mà vào Nước Trời. Thầy còn bảo các con rằng: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời".
Các môn đệ nghe vậy thì bỡ ngỡ quá mà thưa rằng: "Vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa Giêsu nhìn các ông mà phán rằng: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được".
Bấy giờ Phêrô thưa Người rằng: "Này đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?"
Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Thầy bảo thật các con: Các con đã theo Thầy, thì trong ngày tái sinh, khi Con Người ngự trên toà vinh hiển, các con cũng sẽ ngồi trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nhưng có nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết".
SUY NIỆM 1: Lạc đà qua lỗ kim
Suy niệm :
Người thanh niên giàu có đã bỏ đi
khi Thầy Giêsu mời anh bán tài sản và cho người nghèo.
Của cải đã trói buộc anh, dù anh là người có thiện chí.
Anh tìm sự sống đời sau, nhưng lại bị vướng bởi vật chất đời này.
“Người giàu có thật khó vào Nước Trời” (c. 23).
Câu nói này của Thầy Giêsu khiến các môn đệ rất đỗi ngạc nhiên (c. 25),
vì vào thời đó, giàu sang thường được coi là dấu hiệu Chúa chúc lành.
Thầy Giêsu dùng một hình ảnh ngoa dụ, cường điệu,
để diễn tả việc người giàu khó vào Nước Trời,
khó hơn con lạc đà rất to chui qua lỗ kim rất nhỏ.
Dĩ nhiên lạc đà thì chẳng thể nào chui qua lỗ kim được,
nhưng người giàu thì vẫn có thể được vào Nước Trời, dù rất khó khăn,
“vì đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (c. 26).
Đã có những người giàu tốt bụng đi theo Thầy Giêsu.
Họ là Giuse Arimathia, Nicôđêmô, Dakêu, là các phụ nữ.
Giuse và Nicôđêmô đã lo mộ phần và việc tẩm liệm Thầy Giêsu.
Dakêu đã tự nguyện chia nửa phần tài sản mình cho người nghèo khó.
Các phụ nữ theo Thầy từ Galilê đã giúp đỡ vật chất cho Thầy (Lc 8, 3).
Có vẻ họ được tự do với của cải trần thế.
Của cải không ngăn cản họ trở thành người môn đệ Thầy Giêsu.
Nhưng cũng phải nhìn nhận của cải vật chất có sức mạnh của nó.
Như người ta hay nói: có tiền mua tiên cũng được.
Tiền bạc của cải có vẻ đem lại chỗ dựa vững chắc cho chủ nhân,
chính vì thế người ta thích thu tích của cải một cách vô độ (Lc 12, 21).
Của cải làm chúng ta phải bận tâm:
“Kho tàng anh em ở đâu, trái tim anh em ở đó” (Mt 6, 21),
kho tàng dưới đất sẽ giữ tim ta dưới đất.
Ham mê của cải có thể bóp nghẹt hạt giống lời Chúa trong tim ta (Mt 13, 22).
Nó làm chúng ta dễ trở nên nô lệ:
“Anh em không thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia…
Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6, 24).
Như thế nó có khả năng đẩy Thiên Chúa xuống hàng thứ yếu.
Quả thực của cải dễ làm ta khép lòng lại trước Thiên Chúa và tha nhân,
và làm cái tôi của ta trở nên cứng cỏi, tự mãn.
Khác với anh thanh niên giàu có, nhóm Mười Hai đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.
“Vậy chúng con sẽ được gì ?”, họ đã hỏi Thầy Giêsu như vậy.
Thầy hứa sẽ cho họ được cùng Thầy xét xử Israel trong ngày tận thế.
Hơn nữa, Thầy còn hứa bất cứ ai chịu mất mát về gia đình, cơ nghiệp,
đều được đền bù gấp trăm, và nhất là được sự sống đời đời (c. 29).
Hôm nay chúng ta cũng hỏi Ngài như vậy, về cái được, cái mất.
Chúng ta có thể bỏ mất nhiều điều mà thiên hạ coi là giá trị,
như một đời sống tiện nghi, một chỗ làm ổn định, hay một chút tiếng tăm.
Chỉ mong được tấm lòng luôn an vui, hạnh phúc,
vì biết mình được Đức Kitô và ở lại trong Ngài (Pl 3, 8-9).
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: ĐỨNG ĐẦU VÀ ĐỨNG CHÓT
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Chúa hay làm những chuyện ngược đời: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu”. Ghít-ôn là người nhỏ nhất trong một chi tộc nhỏ nhất lại được Chúa chọn làm Thủ lãnh của dân Chúa (năm lẻ). Người thanh niên đạo đức và giầu có, về phương diện xã hội vượt trội hẳn Phê-rô, nhưng chắc chắn sẽ trở thành kẻ đứng chót vì anh ta chối từ lời mời gọi của Chúa. Còn Phê-rô, người ngư phủ nghèo hèn thất học lại trở thành người lãnh đạo Giáo hội. Thành Tia giầu có và kiêu hãnh sẽ bị Chúa cho ngoại bang đến tàn phá, cả đến mạng sống cũng không giữ được (năm chẵn).
Chẳng thể giải thích được nếu không trở lại nguyên lý nền tảng: Chúa là tất cả, con người là hư vô. Có Chúa là có tất cả. Không có Chúa là không có gì hết.
Người giầu sang phú quí dễ gắn bó với tiền bạc hơn với Chúa và dễ cậy dựa vào thế lực đời này hơn là cậy dựa vào Chúa. Và vì thế dễ tin tưởng vào tiền bạc hơn tin Chúa. Đối với họ, tiền bạc có thể giải quyết tất cả. Chả thế mà thành Tia đã tự coi mình như vị thần ngang hàng với Chúa. Chả thế mà người thanh niên giầu có đã quay lưng trước lời mời gọi của Chúa. Còn người nghèo khó thì không có gì để mất nên dễ yêu mến Chúa. Không có thế lực nào để cậy dựa nên dễ cậy dựa vào Chúa. Chẳng thể tin tưởng vào đâu nên chỉ còn biết tin tưởng vào Chúa. Chẳng còn gì nên dễ nhận ra Chúa là tất cả, là gia nghiệp, là kho tàng, là nguồn mạch mọi sự. Và quả thực chỉ có Chúa mới giải quyết được tất cả mọi vấn đề của con người.
Đặc biệt khi người như thánh Phê-rô, tự trở nên nghèo vì Chúa, vì Chúa mà bỏ tất cả mọi sự, dù là những sự chẳng đáng giá gì như manh lưới rách, chiếc thuyền mục, thì Chúa hứa trả lại gấp bội. Nhưng phần thưởng cao quí nhất là chính Chúa. Người nghèo nhất, chẳng còn gì cho mình đã trở nên nhỏ bé để có thể chui qua lỗ kim. Nhưng rồi được Chúa lại có tất cả.
Giá trị của người theo Chúa không tính bằng thời gian, số lượng công việc nhưng tính bằng tình yêu. Người yêu ít thì trở thành đứng chót. Người yêu nhiều sẽ đứng đầu. Kẻ yêu nhiều nhất là dám bỏ tất cả chỉ để được một mình Chúa.
Hãy noi gương thánh Phê-rô, từ bỏ manh lưới rách, chiếc thuyền mục, căn nhà cũ và gia đình nghèo. Vậy mà có khi ta chỉ gắn bó với những cái cũ kỹ, rách nát chẳng có giá trị gì đấy. Hãy sáng suốt nhận định để từ bỏ những thứ vô dụng để được Chúa là tất cả của ta.
SUY NIỆM 3: Giáo Hội Của Người Nghèo
"Giáo Hội của người nghèo", "Ưu tiên phục vụ người nghèo", đó là những khẩu hiệu đã trở thành thời trang trong Giáo Hội kể từ vài thập niên qua. Bất cứ ai có ý thức về công bằng xã hội hoặc đôi chút trăn trở về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, cũng đều thốt lên những khẩu hiệu ấy. Nhưng Giáo Hội có thực sự là Giáo Hội của đại đa số dân nghèo khổ chưa?
Sự hiện diện của người nghèo quả là một thách đố lớn cho Giáo Hội. Ngày nay, tiếng kêu than của họ luôn là một nhắc nhớ cho Giáo Hội về bản chất và sứ mệnh của mình trong thế giới. Cuộc trở lại của Hoàng đế Constantinople vào thế kỷ thứ 4 đã chấm dứt những cuộc bách hại đẫm máu và đã biến Tây Phương thành thế giới Kitô giáo, nhưng không chừng đã làm Giáo Hội quên đi bản chất đích thực của mình. Sự tương nhập giữa thế quyền và giáo quyền đã biến Giáo Hội thành một thế lực chính trị, và các vị lãnh đạo Giáo Hội thành những vua chúa trần gian. Nhiều người đã có lý để nói rằng nhờ những lay động của Karl Marx mà Giáo Hội đã lắng nghe được tiếng kêu than của người nghèo, đồng thời ý thức được vai trò và sứ mệnh của mình trong thế giới ngày nay.
Ngay từ khi mới khai sinh, cộng đoàn Kitô tiên khởi đã ý thức được vấn đề ấy. Tin Mừng hôm nay là một phản ánh về những trăn trở của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, cách riêng cộng đoàn Giêrusalem là cộng đoàn gồm toàn những người nghèo trong xã hội thời bấy giờ. Ðọc lại giáo huấn của Chúa Giêsu về thái độ của Kitô hữu đối với tiền bạc của cải, cộng đoàn tiên khởi đặt lại vấn đề về sự hiện diện của người giầu trong Giáo Hội. Theo quan niệm quen thuộc của người Do thái, thì sự giầu sang phú quí là một chúc lành của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đánh đổ quan niệm sai lầm ấy, khi nói rằng: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó", và rằng sự nghèo khó là điều kiện thiết yếu để vào Nước Trời.
Giáo Hội của người nghèo, điều đó có nghĩa là trước tiên tất cả những ai thuộc về Giáo Hội đều phải có tinh thần nghèo khó đích thực, họ phải sống phó thác và quảng đại chia sẻ cho nhau. Các Kitô hữu tiên khởi đã hiểu được điều ấy: họ để chung của cải lại, chia sẻ với nhau và yêu thương đùm bọc nhau như trong cùng một gia đình. Giáo Hội của người nghèo, điều đó cũng có nghĩa là các tín hữu phải lấy sự phục vụ người nghèo làm ưu tiên hàng đầu. Bản sắc của người Kitô hữu do đó được xác nhận bằng chính tương quan với người nghèo.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách sống đạo của chúng ta. Thách đố của Giáo Hội hiện nay cũng chính là thách đố của mỗi người chúng ta. Nếu những người cùng khổ chưa phải là thao thức trăn trở của chúng ta, thì có lẽ chúng ta còn quá xa với Giáo Hội Chúa Kitô. Nếu cuộc sống chúng ta chưa phải là cuộc sống liên đới chia sẻ với người khốn khổ, thì có lẽ chúng ta chỉ là những Kitô hữu hữu danh vô thực.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Chiến Thắng Mọi Cám Dỗ (Mt 19,23-30)
Sự ham tiền và bám víu vào tiền của làm cho con người trở nên mù quáng và cản bước con người trên con đường theo Chúa. Bài Phúc Âm hôm qua mô tả thái độ của chàng thanh niên buồn rầu bỏ cuộc, không muốn theo Chúa nữa vì anh ta có nhiều của cải. Chúa Giêsu rút ra bài học cho các môn đệ như sau: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa". Câu kết luận xem ra thật khắt khe, nhưng đây là một lối nói phóng đại của vùng Cận Ðông nhằm đánh động người nghe, khơi lên ý thức về một sự thật quan trọng. Trong đời thường, có bao giờ con lạc đà có thể chui qua lỗ kim nhỏ xíu được. Thế nhưng, giả như có thể có trường hợp này thì nó cũng còn dễ dàng hơn việc người giàu có vào nước Thiên Chúa. Và cách nói qua hai lần phủ định cho rằng không thể được đã nói lên sự thật quan trọng.
Chúng ta không nên hiểu lầm phán quyết khắt khe của Chúa Giêsu về thái độ bám víu của cải và quí trọng của hơn là con người. Chàng thanh niên rút lui vì có nhiều của cải, không phải chỉ có mà thôi nhưng còn bám víu vào đó.
Lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu không phải chỉ áp dụng cho những ai sắp dấn thân bước theo Chúa cách đặc biệt mà thôi, nhưng còn cho tất cả những ai đang theo Chúa nữa. Cám dỗ của quyền lực và tiền của là cám dỗ trường kỳ của thân phận làm người. Thoát ra khỏi cám dỗ này không phải là việc dễ dàng, vì thế Phêrô vội vàng hỏi Chúa Giêsu: "Vậy thì ai có thể được rỗi?" Ðáp lại, Chúa Giêsu mạc khải bí quyết sống cho các môn đệ và cũng là trấn an các ngài: "Ðối với con người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể".
Thiên Chúa có thể làm được mọi sự, con người cần tin tưởng phó thác vào Người. Bí quyết của Chúa Giêsu đề ra qua câu nói trên là bí quyết sống kết hiệp với Chúa để nhờ sức mạnh của Người mà chiến thắng cơn cám dỗ và thoát khỏi những cản trở không cho ta gặp Chúa. Sự bám víu vào của cải là dấu chỉ của người đồ đệ chưa phát triển được mối tương quan thân tình với Chúa. Chúng ta đang ở mức độ nào đây?
Lạy Chúa
Xin thương giúp con phát triển mối thân tình. Xin giúp con tăng sự sống kết hiệp với Thiên Chúa để trổ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy chúng con không làm chi được.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 5: Từ Bỏ Tất Cả
Bấy giờ Đức Giêsu nói với các môn đệ của Người: “Thầy bảo thật anh em, người giầu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào Nước Thiên Chúa.” (Mt. 19, 23-24)
Của giầu mà cậy chi giầu…
Hiển nhiên là đống vàng chẳng tạo ra được liêm chính hay bất chính. Kẻ tôn thờ của cải chẳng khá bao giờ, mà còn bị lòng tham và tính hà tiện dày vò; Người giầu trong đoạn Tin Mừng này chắc chắn là người có gia tài kếch sù và đối với nó có gí trị sinh sống.
Tất nhiên, Đức Giêsu biết tài sản sở hữu không phải là không có giá trị, nó là loại khá quan trọng như tiền bạc, bất động sản, nữ trang. Nó giúp cho có đủ khả năng chính đáng khi người ta biết dùng của cải để thương giúp người khác. Không ai phủ nhận những việc làm tốt lành đó, nếu họ không hoàn toàn từ bỏ Thiên Chúa.
Những kẻ đứng đầu những kẻ rốt hết…
Phê-rô phản ứng đúng theo những ước muốn của chúng ta, những đòi hỏi của chúng ta, cũng là bầy tỏ lòng chân thành. Như hầu hết chúng ta, Phê-rô không ngại phát biểu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy…” Bỏ ai, bỏ gì? truyền thống cho biết phải có gia đình, có nhà cửa ở Ca-phát-na-um, gần biển hồ, có thuyền chài lưới. Ông chưa bỏ nhà cửa, thuyền lưới, người ta thấy ông nhiều lần đem thuyền đi đánh cá. Thế mà ông quả quyết: Chúng con bỏ mọi sự. Chúa đã không trách chi, trái lại Chúa nói: “Anh em hãy theo Thầy.”
Đó là lời mời gọi tiến hơn nữa để yêu mến Chúa. Một tình yêu độc nhất phải từ bỏ tất cả. Người không muốn các ông dựa vào ai nữa.
Người luôn luôn nhắc nhở chúng ta: càng trơ trọi càng gần Thiên Chúa. Càng nghèo khó, càng cố kết với Thiên Chúa. Trong nhiều dụ ngôn Chúa đã nói như thế. Giờ đây chúng ta chọn Chúa hay chọn Mammon (thần tài)?
J.M
SUY NIỆM 6: TẠI SAO GIÀU CÓ LẠI KHÓ VÀO NƯỚC TRỜI? (Mt 19, 23-30)
Xem lại CN 28 TN. Thứ Ba tuần 8 TN.
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối trình thuật hôm qua về chuyện một thanh niên đến xin Đức Giêsu chỉ giáo để làm sao đạt được sự sống đời đời. Vì thế, Đức Giêsu đã bảo anh ta về bán tất cả của cải để bố thí cho người nghèo thì sẽ được sự sống viên mãn như anh mong muốn. Tuy nhiên anh ta đã buồn rầu và bỏ đi vì lòng anh đã bị đồng tiền che lấp mục đích đời đời.
Khi thấy như thế, Đức Giêsu quay sang các môn đệ và dạy cho các ông bài học về tác hại đồng tiền nếu coi đó là mục đích, là ông chủ. Ngài nói: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời".
Thực ra thì Đức Giêsu dùng lối nói ngoa ngữ để cho người nghe thấy được sự nguy hiểm của đồng tiền nếu làm sai mục đích.
Thật thật, vào được Nước Trời thế nào khi đồng tiền đó là quà hối lộ; là của cướp dật; là đâm thuê chém mướn; là cờ bạc...! Tệ hơn nữa, vì không phải là đồng tiền của mình làm ra bằng mồ hôi nước mắt, bằng công lao vất vả, nên lại dùng đồng tiền bất chính đã chiếm đoạt được để làm những chuyện bất chính khác ...!
Chỉ cần suy tư một chút thôi thì cũng đủ thấy sự nguy hiểm của đồng tiền khi đặt nó sai vị trí và sử dụng không đúng mục đích.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học:
Hãy dùng của cải để xây dựng hạnh phúc cho mọi người, từ trong gia đình đến xã hội cũng như lo việc bác ái, truyền giáo và xây dựng Giáo Hội.
Được như thế, ấy là chúng ta đã nghe theo Chúa và đi trên con đường hoàn thiện mà Chúa muốn chúng ta đi. Như vậy, sự bình an, hạnh phúc chính là phần thưởng Chúa dành cho những ai trung tín và khôn ngoan khi biết quản lý và biết sinh lợi nén bạc Chúa trao theo thánh ý Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chọn Chúa là lẽ sống và gia nghiệp của mình. Như thế, xin cho chúng con biết coi mọi sự chỉ là phù du, phương tiện để đạt được hạnh phúc. Amen.
Ngọc Biển SSP
Tuesday (August 18): Who can enter the kingdom of heaven? Scripture: Matthew 19:23-30 23 And Jesus said to his disciples, “Truly, I say to you, it will be hard for a rich man to enter the kingdom of heaven. 24 Again I tell you, it is easier for a camel to go through the eye of a needle than for a rich man to enter the kingdom of God.” 25 When the disciples heard this they were greatly astonished, saying, “Who then can be saved?” 26 But Jesus looked at them and said to them, “With men this is impossible, but with God all things are possible.” 27 Then Peter said in reply, “Behold, we have left everything and followed you. What then shall we have?” 28 Jesus said to them, “Truly, I say to you, in the new world, when the Son of man shall sit on his glorious throne, you who have followed me will also sit on twelve thrones, judging the twelve tribes of Israel. 29 And every one who has left houses or brothers or sisters or father or mother or children or lands, for my name’s sake, will receive a hundredfold, and inherit eternal life. 30 But many that are first will be last, and the last first. |
Thứ Ba 18-8 Vậy ai có thể vào được nước Trời?
Mt 19,23-30 (23) Bấy giờ Ðức Giêsu nói với các môn đệ của Người: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. (24) Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. (25) Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” (26) Ðức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: “Ðối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được”. (27) Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (28) Ðức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ít- ra-en. (29) Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.(30) “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu”. |
Meditation: Was Jesus really against wealth (Matthew 19:23)? And why did he issue such a strong warning to the rich (as well as to the rest of us who desire to be rich)? We know that Jesus was not opposed to wealth per se, nor was he opposed to the wealthy. He had many friends who were well-to-do, including some notorious tax collectors! One even became an apostle! Jesus’ warning reiterated the wisdom of the Old Testament: “Better is a poor man who walks in his integrity than a rich man who is perverse in his ways” (Proverbs 28:6; see also Psalm 37:16). “Do not wear yourself out to get rich; be wise enough to desist” (Proverbs 23:4).
We are all poor beggars in need of God Jesus seems to say that it is nearly impossible for the rich to live as citizens of God’s kingdom. The camel was regarded as the largest animal known by the Jews where Jesus lived and taught. The “eye of the needle” could be interpreted quite literally or it could figuratively describe the narrow and low gate of the city walls which was used by travelers when the larger public gate was locked at night. Normal sized people had to “lower” themselves to enter that gate. A camel would literally have to kneel and crawl through it. Until we humbly kneel before the Lord and acknowledge our total need and dependence on him, we will not find true peace, security, and happiness that can sustain us now and forever. Only God alone can satisfy our deepest need and longing.
Augustine of Hippo reminds us that we are all poor beggars of God. “Even though you possess plenty, you are still poor. You abound in temporal possessions, but you need things eternal. You listen to the needs of a human beggar, yet you yourself are a beggar of God. What you do with those who beg from you is what God will do with his beggar. You are filled and you are empty. Fill your empty neighbor from your fullness, so that your emptiness may be filled with God’s fullness.” (Sermon 56,9)
Possessions can create false security and independence Why is Jesus so cautious about wealth? Wealth can make us falsely independent. The church at Laodicea was warned about their attitude towards wealth and a false sense of security: “For you say, I am rich, I have prospered, and I need nothing” (Revelations 3:17). Wealth can also lead us into hurtful desires and selfishness (see 1 Timothy 6:9-10). Look at the lesson Jesus gave about the rich man and his sons who refused to aid the poor man Lazarus (see Luke 16:19ff). They neglected to serve God. Only those who put their trust in God and who depend on him, and who share what they have with those in need, will find true peace, security, and happiness which lead to everlasting life and joy in God’s kingdom.
Where is your treasure? The Scriptures give us a paradox – we lose what we keep and we gain what we give away. Generosity will be amply repaid, both in this life and in the age to come (Proverbs 3:9-10, Luke 6:38). Jesus offers us an incomparable treasure which no money can buy and no thief can steal. The thing we most set our heart on is our highest treasure. Material wealth will shackle us, like a bound slave, to this earth unless we guard our heart and set our treasure in God and his kingdom of everlasting life and joy. Where is your treasure?
“Lord Jesus, you have captured our hearts and opened to us the treasures of heaven. May you always be my treasure and delight and may nothing else keep me from giving you my all.
|
Suy niệm:
Có phải Đức Giêsu thực sự chống lại sự giàu có chăng (Mt 19,23)? Tại sao Người đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ với người giàu có (cũng như hầu hết chúng ta là những người ước muốn được giàu có)? Chúng ta biết rằng tự bản chất Đức Giêsu không hề chống đối sự giàu có hoặc những người giàu có. Người có nhiều bạn hữu giàu có, kể cả một số người thu thuế có tiếng xấu xa! Thậm chí một người trong số họ trở nên tông đồ của Chúa! Lời cảnh cáo của Đức Giêsu lặp lại lời khôn ngoan trong sách Cựu ước: “Thà nghèo mà ăn ở vẹn toàn, còn hơn giàu mà ăn ở quanh co” (Cn 28,6; và Tv 37,16). “Chớ nhọc công thu tích của cải, và cũng đừng bận tâm tới nó” (Cn 23,4). Tất cả chúng ta đều là ăn xin trước TC Xem ra Đức Giêsu muốn nói rằng những người giàu có dường như khó trở thành công dân nước Trời. Con lạc đà được xem là con vật lớn nhất ở nước Palestine. “Lỗ kim” có thể được giải thích hoàn toàn theo nghĩa đen hay một cách ẩn dụ, nó có thể mô tả cái cổng thành chật hẹp và thấp mà những người lữ khách sử dụng khi cổng lớn đã đóng lúc trời tối. Một người có kích thước bình thường cũng phải “cúi mình” xuống khi đi qua cổng đó. Theo nghĩa đen, con lạc đà phải quỳ xuống và bò qua nó. Nếu như chúng ta không khiêm tốn quỳ trước mặt Chúa và nhận biết mình cần và lệ thuộc vào Người, chúng ta sẽ không tìm được sự bình an, an toàn, và hạnh phúc đích thật có thể gìn giữ chúng ta bây giờ và mãi mãi. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể làm thỏa mãn nhu cầu và khát vọng sâu xa nhất của chúng ta. Thánh Augustin thành Hippo nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là kẻ ăn xin cần đến Chúa. “Cho dù bạn có nhiều tài sản, bạn vẫn nghèo. Bạn có những của cải tạm bợ, nhưng bạn thiếu những của cải vĩnh cửu. Bạn lắng nghe tiếng kêu cầu của người ăn xin, nhưng chính bạn lại là kẻ ăn mày cần đến Chúa. Những gì bạn làm cho kẻ cầu xin bạn chính là những gì Thiên Chúa sẽ làm cho kẻ kêu xin Người. Bạn giàu có nhưng bạn vẫn nghèo khó. Hãy chia sẻ sự giàu có của mình cho tha nhân, để sự nghèo khó của bạn sẽ được Chúa đong đầy” (Bài giảng 56,9). Của cải có thể tạo ra sự bảo đảm và độc lập giả tạo Tại sao Đức Giêsu quá thận trọng về sự giàu có? Sự giàu có có thể làm cho chúng ta độc lập một cách giả dối. Giáo hội ở Laodicea bị cảnh cáo về thái độ của họ đối với sự giàu có và ý nghĩa giả tạo của sự bảo đảm: “Ngươi nói, tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Kh 3,17). Sự giàu có cũng có thể dẫn chúng ta tới những ước muốn và sự ích kỷ tai hại (1Tm 6,9-10). Hãy xem bài học Đức Giêsu đưa ra về người giàu có và con cái ông đã từ chối giúp đỡ người nghèo Lagiarô thế nào (Lc 16,19). Họ cũng quên lãng việc phụng sự Chúa. Chỉ có những ai đặt niềm tin cậy nơi Thiên Chúa và phụ thuộc vào Người, chia sẻ những gì họ có với người túng thiếu, mới tìm được bình an, bảo đảm, và hạnh phúc dẫn tới sự sống và niềm vui vĩnh cửu trên Thiên đàng. Kho báu của bạn ở đâu? Kinh thánh cho chúng ta một sự nghịch lý: chúng ta mất những gì chúng ta giữ, và chúng ta có những gì chúng ta cho đi. Lòng quảng đại sẽ được đáp trả thật bội hậu, cả đời này lẫn đời sau (Cn 3,9-10; Lc 6,38). Đức Giêsu ban tặng cho chúng ta một kho báu khôn sánh mà không tiền bạc châu báu nào có thể mua được, hay không có người trộm nào có thể lấy được. Điều chúng ta quan tâm nhất, đó chính là kho báu quý nhất của chúng ta. Sự giàu có về của cải vật chất sẽ trói buộc chúng ta vào thế giới này, trừ khi chúng ta cảnh giác và lấy Chúa và nước Trời làm kho báu của mình. Kho báu của bạn ở đâu? Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy chiếm hữu lòng con và tỏ cho con thấy kho báu nước Trời. Ước gì Chúa luôn luôn là kho báu và niềm vui của con và không có gì ngăn cản con dâng cho Chúa tất cả mọi sự. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
SUY NIỆM
1. “Thế thì ai có thể được cứu?”
Sau khi người thanh niên giàu có khước từ lời mời gọi đem bán tài sản mình có, phân phát cho người nghèo và đi theo Đức Giê-su, Người nói:
Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim[1] còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.
(c. 23-24)
Câu nói này của Đức Giê-su dường như chỉ liên quan đến “những người giàu có”, chứ không liên quan đến các môn đệ, và cũng không liên quan đến nhiều người trong chúng ta, vốn không phải là “những người giàu có”. Thế nhưng tại sao các môn đệ lại vô cùng sửng sốt và kêu lên: “Thế thì ai có thể được cứu!”?
Bởi vì, lời của Đức Giê-su không xét đoán của cải, vì của cải tự nó không phải là điều xấu hay sự dữ, nhưng liên quan đến tương quan gắn bó của con tim đối với của cải, mà “những người giàu có” rất dễ mắc phải. Nhưng vì vấn đề là tương quan với của cải, chứ không phải của cải, nên lời của Đức Giê-su liên quan tất cả mọi người: người có của, người có ít của, và kể cả người không có của. Người thanh niên, tuy đã giữ tất cả Lề Luật từ nhỏ và giữ một cách hoàn hảo, nhưng lòng anh lại gắn bó mật thiết với điều anh có, vốn là đối tượng mà Lề Luật không thể đụng chạm tới được. Bằng lời mời gọi thật triệt để dành cho anh cách đích danh, Đức Giê-su cảm thương anh (x. Mc 10, 21) và muốn giải thoát anh khỏi sự quyến luyến lệch lạc làm cho anh không bình an, mặc dầu đã tuân giữ các giới răn, và hướng lòng anh tới “kho tàng trên trời”.
Các môn đệ, dường như hiểu ra được vấn đề là sự gắn bó của con tim đối với của cải, vốn liên quan đến mọi người, nên đã thốt lên: “Thế thì ai có thể được cứu?” Và Đức Giê-su đã xác chuẩn cách hiểu này và hướng lòng các môn đệ tới sức lôi cuốn mạnh mẽ của chính Thiên Chúa, được thể hiện nơi ngôi vị của Đức Ki-tô (x. Pl 3, 7-6), khiến chúng ta có khả năng tự do với những điều chúng ta có, và thậm chí với chính sự sống của chúng ta. Thật vậy, Người nói:
Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được. (c. 26)
Điều này có nghĩa là, Thiên Chúa có khả năng làm cho “con lạc đà chui qua lỗ kim” được! Đó là điều Thiên Chúa đã làm trong lịch sử cứu độ, đã và đang thực hiện cho các môn đệ của Đức Giê-su thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay.
2. “Chúng con đã bỏ lại mọi sự…”
Tuy nhiên, những người đã bỏ hết mọi sự để đi theo Đức Giê-su, như các môn đệ và như nhiều người trong chúng ta, vẫn có những vấn đề thâm sâu cần được soi sáng và giải tỏa, chẳng hạn vấn đề “được gì, mất gì?”. Đức Giê-su dùng chính cách nghĩ “được gì mất gì” để dẫn các môn đệ đi vào chiều kích nhưng không, ngang qua con số biểu tượng “ gấp trăm”, nghĩa là “điều được mất” không thuộc bình diện lương bổng, phải được hoàn trả một cách sòng phẳng và cân xứng; và vì là nhưng không, nên người môn đệ cũng có thể, khi đi bỏ hết mọi sự để đi theo Đức Ki-tô, không được gì cả, thậm chí mất tất cả, như chính Đức Giê-su sẽ sống điều này trong cuộc Thương Khó.
Với một vài khác biệt, cả ba Tin Mừng nhất lãm đều thuật lại câu nói của thánh Phêrô: “Chúng con đây (nghĩa là không như anh thanh niên có nhiều của cải), chúng con đã bỏ lại tất cả và chúng con đi theo Thầy”: thánh sử Mác-cô tường thuật lại tương tự như câu nói chúng ta vừa trích dẫn (Mc 10, 28); thánh sử Luca thêm một chi tiết: “tất cả những gì thuộc về chúng con” (Lc 18, 28); và theo thánh sử Mát-thêu, thánh Phêrô nói thêm: “vậy chúng con sẽ được gì?” Ba cách tường thuật hơi khác nhau, diễn tả những tâm tình và những kinh nghiệm khác nhau của từng người chúng ta, dù tất cả chúng ta đều thực hiện cùng một quyết định: “bỏ lại tất cả” để “sang bờ bên kia” theo tiếng gọi của Đức Giêsu.
3. “Vậy chúng con sẽ được gì?”
Câu hỏi này có vẻ hàm chứa sự tính toán về quyền lợi và lương bổng. Nhưng Đức Giêsu cũng trả lời; và khi trả lời, Người dùng chính cách nghĩ “được gì mất gì” để dẫn các môn đệ đi vào chiều kích nhưng không, ngang qua con số biểu tượng “ gấp bội”.
Câu trả lời của Đức Giêsu có hai phần, phần dành cho Mười Hai tông đồ: “khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en” (c. 28) và phần dành cho tất cả mọi người. Trong phần dành cho tất cả mọi người, Đức Giêsu đều kể ra những gì mà Phêrô và tất cả những ai đi theo Ngài đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người cha, người mẹ, con cái, ruộng đất. Tất cả tạo nên một hình ảnh hoàn chỉnh và rất đỗi thân thương: căn nhà, tất cả những người ở trong nhà và đất đai chung quanh nhà; nói cách khác, đó là hình ảnh “một căn nhà tranh, hai trái tim vàng”! Như tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm, hình ảnh “một căn nhà tranh, hai trái tim vàng” rất đỗi thân thương này, chúng ta không thể từ bỏ một lần là xong, nó thường hay trở lại, mỗi khi chúng ta gặp khó khăn nhất là ơn gọi đi theo Đức Ki-tô trong đời sống dâng hiến.
Theo thánh sử Mát-thêu, Đức Giêsu trả lời chung chung và hướng về tương lai: “sẽ được gấp bội”. Nhưng theo Thánh sử Mác-cô, câu trả lời của Đức Giêsu vừa rất cụ thể và vừa nhấn mạnh đặc biệt đến thời gian hiện tại: “Bây giờ, trong thời này, anh em sẽ nhận được gấp trăm”; và Ngài kể lại chính xác những gì người môn đệ đã từ bỏ: nhà cửa, anh em, chị em, người mẹ, con cái, ruộng đất.
Và quả thật, các môn đệ và đến lượt chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, trong hành trình từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Giêsu, mình đã thực sự nhận lại nhà, đất, anh em, chị em, mẹ, con cái gấp trăm. Bởi lẽ, quả thật chúng ta có nhiều nhà, nếu không muốn nói ở đâu cũng là nhà; và ai cũng là người thân của chúng ta, khởi đi từ những chị em hay anh em cùng chia sẻ một ơn gọi. Gấp trăm xảy ra được, bởi vì chúng ta vượt qua tương quan huyết thống và sở hữu, để đi vào tương quan Nước Trời, đó là tương quan hiệp thông và chia sẻ.
Nhưng không thể không có những khó khăn, như mọi người chúng ta, dù lớn hay bé trong ơn gọi, đều có kinh nghiệm. Có khó khăn, và cả những ngang trái nữa, đòi rất nhiều sự hi sinh và sức chịu đựng, bởi vì đó là kinh nghiệm tái sinh: để đi vào một gia đình mới, vào những tương quan mới, chúng ta phải được “sinh ra” một lần nữa. Thế mà cuộc sinh ra nào mà lại không có khó khăn, hi sinh, chịu đựng và nhất là cho đi. Chúng ta không có kinh nghiệm làm mẹ, nhưng tất cả chúng ta đều có mẹ! Và điều đó đủ để chúng ta nhận ra thế nào là sinh ra và thế nào là được sinh ra. Và ơn tái sinh còn đòi hỏi hi sinh hơn thế nữa, vì đó là cuộc tái sinh trong mầu nhiệm Chịu Chết và Sống Lại của Đức Kitô.
Nhưng Đức Giê-su hứa rằng, chúng ta sẽ “được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp”. Đó không phải là phần thưởng hay lương bổng, nhưng là “ơn huệ dư tràn” đến từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, ban tặng cho những ai khao khát Người.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] “Lỗ kim” có lẽ là một cái lỗ nhỏ ở cổng thành mà người ta có thể chui qua.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn