THỨ NĂM TUẦN III MÙA VỌNG - NGÀY 19/12
Lc 1,5-25
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca
5Thời vua Hêrôđê cai trị miền Giuđê, có một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, tên là Dacaria; vợ ông là Êlisabét cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon. 6Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. 7Nhưng họ lại không có con, vì bà Êlisabét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên. 8Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông: 9Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. 10Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài. 11Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án.
12Thấy vậy, ông Dacaria bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông.
13Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan. 14Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. 15Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. 16Em sẽ đưa nhiều con cái Ítraen về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. 17Được đầy Thần Khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” 18Ông Dacaria thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi.” 19Sứ thần đáp: “Tôi là Gáprien, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo Tin mừng ấy cho ông. 20Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.” 21Dân chúng đợi ông Dacaria, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. 22Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm. 23 Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. 24Ít lâu sau, bà Êlisabét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. 25Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”
SUY NIỆM: HÃY KÝ THÁC ĐƯỜNG ĐỜI CHO CHÚA
Chúng ta đang sống trong giai đoạn 2 của mùa Vọng, là khoảng thời gian mà chúng ta được mời gọi hãy hướng tâm hồn về mầu nhiệm Giáng sinh. Và lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm lại những chặng đường, mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Ngôi Hai nhập thể làm người. Một trong những số đó là sự tượng thai của Gioan Tẩy Giả, vị Tiền Hô của Đấng Cứu thế.
Như chúng ta đã biết, ông Dacaria và bà Êlisabet vốn là đôi vợ chồng son sẻ không con, và đã bước qua ngưỡng cửa cái tuổi bát tuần. Chính ông bà cũng chẳng còn hy vọng gì về chuyện con cái.
Thế nhưng, ông bà đã được Chúa đoái thương nhìn tới. Ngài sai sứ thần đến báo tin vui, 1 niềm vui vỡ òa trong hạnh phúc, đó là bà Êlisabet sẽ được mang thai và sinh hạ con trai. Người con ấy sẽ nên cao cả trước mặt Chúa, được đầy tràn Thánh Thần khi còn trong lòng mẹ. Và đặc biệt, người con ấy sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người.
Thật ra, trong Cựu ước Thiên Chúa đã nhiều lần can thiệp như thế thưa anh chị em. Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả sách Thủ Lãnh cho biết, sự ra đời của Sam-son cũng có bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Sứ thần Chúa cũng từng hiện ra với bà Mô-na-ác, và loan báo sự ra đời của Sam-son, trong khi bà vốn là 1 người son sẻ.
Hay chúng ta nhớ lại câu chuyện của cụ Abraham và bà Sara với sự ra đời của Isaac. Bà Sara đã cười ra tiếng khi nghe sứ thần báo là bà sẽ mang thai, vì đối với bà, ở cái tuổi gần đất xa trời thì chuyện đó là không thể. Nhưng bà nào có biết, điều đó là sự thật. Bà đã thật sự mang thai và hạ sinh Isaac, đứa con của lời hứa.
Và thưa anh chị em, việc Thiên Chúa sai sứ thần đến báo tin sự ra đời của Isaac, của Samson và của Gioan Tẩy Giả, là cách thức Thiên Chúa chuẩn bị cho sự ra đời của Đấng Cứu Thế.
Khi cho chúng ta nhìn lại những việc kì diệu mà Thiên Chúa đã làm, chúng ta được mời gọi xác tín 2 điều này: Một là, những gì Thiên Chúa đã hứa là Ngài sẽ làm. Ngài không hề lừa dối chúng ta bao giờ. Và hai là, đối với Thiên Chúa, không gì là không thể làm được.
Phần chúng ta, mỗi người hãy đặt trọn niềm tin tưởng và cậy trông nơi Ngài. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: TRUYỀN TIN CHO ÔNG DA-CA-RI-A
1. Thời vua Hê-rô-đê, có vị tư tế tên là Da-ca-ri-a và vợ là Ê-li-sa-bét. Cả hai là người công chính, nhưng đã già mà không có con. Một hôm ông Da-ca-ri-a trúng thăm vào cung thánh dâng hương cho Chúa. Đang lúc dâng hương ông thấy Thiên thần hiện ra báo cho ông biết: Chúa đã nhận lời ông cầu nguyện, vợ ông sẽ mang thai và sinh con trai đặt tên là Gio-an. Người này sẽ nên cao trọng, sống khắc khổ, sẽ dọn đường cho Chúa Cứu Thế.
Nhưng ông Da-ca-ri-a không tin, nên ông bị câm. Còn vợ ông thì thật sự có thai đúng như lời Thiên thần truyền.
2. Thử thách đối với ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét.
Trong những lúc bị thử thách, chúng ta không biết bám víu vào đâu vì những người chung quanh đều bất lực không thể giúp chúng ta. Lúc đó, chúng ta chỉ biết dựa vào đức tin phó thác cho Chúa, xin Ngài đến cứu giúp.
Kinh Thánh cho biết hai ông bà là người công chính trước mặt Thiên Chúa (Lc 1,6), nhưng Chúa lại để cho hai ông bà bị hiếm muộn, son sẻ, mà theo quan niệm người Do thái là người có tội bị Thiên Chúa phạt, như người ta nói:
“Cây khô không lộc, người độc không con”.
Nhưng công việc của Thiên Chúa thì chúng ta không hiểu được. Có thể đó là những điều Chúa thử thách rồi Người sẽ ban ơn cho như trường hợp hai ông bà hôm nay.
Vấn đề son sẻ được đề cập đến rất nhiều trong Cựu Ước như bà Sa-ra, bà Rê-bê-ca, bà Ra-khen, mẹ ông Sam-son, mẹ ông Sa-mu-en và Ê-li-sa-bét đều là những phụ nữ son sẻ, nhưng đã sinh con và những người con của họ đều là những người đã được Thiên Chúa chọn và dùng vào trong công trình vĩ đại của Người. Điều đó cho chúng ta thấy sự bất lực của con người lại tỏ bày quyền năng của Thiên Chúa trong công việc của Người.
3. Theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay, một gia đình đã có một lời cầu nguyện rất sốt sắng: Lạy Chúa, qua câu chuyện trên đây, Chúa muốn cho con biết: nếu con sống đẹp lòng Chúa, thì dù con xin điều gì khó khăn cách mấy, Chúa cũng sẽ sẵn sàng ban cho con. Như trường hợp vợ chồng ông Da-ca-ri-a không hy vọng gì có con, nhưng ông bà là người công chính luôn luôn sống đẹp lòng Chúa, nên chẳng những cho được sinh con mà còn chọn con ông bà làm tiền hô dọn đường cho Chúa.
Xin cho gia đình con và các gia đình luôn sống đẹp lòng Chúa, hằng ngày siêng năng sốt sắng thờ phượng Chúa, tuân giữ luật Chúa, để được Chúa ban ơn cần thiết, nhất là để được Chúa thương chọn nhiều người trong gia đình chúng con giúp việc Chúa.
4. Theo gương thánh Gio-an Tẩy giả đến làm chứng cho ánh sáng cũng là làm chứng cho Chúa Cứu Thế. Chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa bằng bất cứ cách nào: ”Các con là chứng nhân của Thày” (Lc 24,48).
Chúng ta có thể làm chứng cho Chúa bằng lời nói, chữ viết hay bất cứ phương tiện nào, nhưng phương tiện có tính cách thuyết phục nhất là đời sống thức tế của chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa. Trong việc phong thánh cho Linh mục Gio-an Vi-a-nê, cha sớ xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ về đời sống của ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: ”Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.
5. Truyện: Một chứng tích hùng hồn.
Sau những tháng năm làm đầy tớ cho một gia đình quí phái, Sophie Beranski phải thất nghiệp.
Ngày kia, gia đình Hersten, một gia đình Do thái thuê nàng về chăm sóc cho mấy đứa trẻ trong nhà họ. Ngay hôm đầu tiên khi biết được Sophie là người Công giáo, ông chủ đã đặt điều kiện là nàng không được “giảng đạo” cho con cái ông. Sophie nhận lời. Và chiều hôm ấy, lúc còn lại một mình trong phòng, nàng lấy một mảnh giấy nhỏ, viết một dòng chữ xếp lại và bỏ vào chiếc huy chương cha nàng để lại, rồi mang vào cổ. Lũ trẻ trong nhà nhiều lần đòi Sophie cho coi chiếc huy hương ấy nhưng nàng nhất định không cho: bí mật của đời cô mà!
Dưới sự săn sóc chỉ bảo của Sophie, lũ trẻ trong gia đình của Hersten càng ngày càng trở nên nhu mì ngoan ngoãn. Cuộc sống đang lặng lẽ trôi qua, tai họa dồn dập xảy đến: Bé Naim đau nặng. Cả nhà cuống quít đưa đi bệnh viện. Sophie tình nguyện túc trực ngày đêm ở đó. Rồi thêm hai đứa nữa cũng ngã bệnh. Gánh đã nặng lại càng nặng thêm. Tuy nhiên Sophie vẫn tận tình phục vụ cách vui vẻ cho đến khi ba đứa nhỏ trở lại bình thường. Rồi một hôm, kết quả của những ngày lao nhọc thức khuya dậy sớm, Sophie ngã bệnh và từ trần.
Hai năm trôi qua. Hôm nay là ngày giỗ của Sophie Beranski. Người ta thấy cả gia đình Hersten dậy sớm và cùng nhau đến nhà thờ Công giáo dự thánh lễ. Phải chăng là phép lạ.
Không! Sau khi Sophie đã mất được ít lâu, tình cờ khi mở chiếc huy chương mà tụi trẻ đã vất lăn lóc từ lâu trong một hộc tủ, ông Hersten rút ra được mảnh giấy trên có ghi dòng chữ: ”Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi, tôi quyết sống đạo của tôi trước mặt họ như một chứng từ hùng hồn”.
Ông hết sức cảm phục. Cả gia đình ông cũng thế. Sau đó tất cả mọi người đều đến nhà thờ xin được học đạo và lãnh nhận bí tích Rửa tội.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM: TIN TƯỞNG VÀ VÂNG PHỤC
Qua Lời Tổng Nguyện của ngày lễ hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Qua điềm lạ Đức Trinh Nữ sinh con, Chúa đã tỏ cho trần gian thấy Vầng Hồng chiếu tỏa vinh quang Chúa, là chính Đức Giêsu Kitô, và xin Chúa giúp chúng ta biết họp mừng Mầu Nhiệm Giáng Sinh với một niềm kính tin toàn vẹn, và một lòng vâng phục thẳm sâu.
Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia đã cho thấy: Thiên Chúa muốn dùng việc Người làm đối với Babylon, để nói với một thế giới chỉ tin cậy vào sức riêng của mình, và Người nói cho họ biết: sự khôn ngoan kiêu hãnh của họ, sẽ đưa họ đến chỗ suy vong. Ơn cứu độ đích thực ở bên những người nghèo của Thiên Chúa: những người hằng luôn tin kính và vâng phục thánh ý Người, cho dẫu, họ phải đối mặt với bao thử thách, gian truân.
Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Irênê đã nói: Người nào không kiêu căng, không tự phụ; người nào sống trong tình yêu của Thiên Chúa, lại biết vâng phục và tạ ơn, người ấy sẽ được Thiên Chúa ban cho vinh quang lớn lao hơn, và được tăng triển cho đến khi nên giống Đấng đã chịu chết vì mình, và họ sẽ không có chi phải sợ, bởi vì, Thiên Chúa sẽ làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng. Người sẽ đến xét xử và thưởng phạt: chính Người sẽ đến để cứu thoát chúng ta.
Ca Nhập Lễ cho chúng ta thấy: Đấng phải đến sẽ đến, Người không trì hoãn đâu! Và trên khắp cõi bờ, chúng ta sẽ không còn phải sợ, vì chính Người là Đấng Cứu Độ chúng ta. Chính Chúa sẽ cứu độ chúng ta, phần chúng ta là cộng tác với Người bằng lòng tin tưởng toàn vẹn và sự vâng phục thẳm sâu.
Bài đọc một, được trích từ sách Thủ Lãnh, đã cho thấy: nhờ lòng tin tưởng và sự vâng phục của hai vợ chồng ông Manôác, mà ông Samson đã được sinh ra như lời sứ thần loan báo.
Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 70, vịnh gia đã chúc tụng: Miệng chứa chan lời tán tụng Chúa, suốt ngày con chẳng ngớt tôn vinh Ngài. Vì lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi, lạy Thiên Chúa, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân. Từ thuở sơ sinh, con nương tựa vào Ngài, Ngài đã kéo con ra khỏi lòng mẹ.
Câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay cho thấy: việc Samson và Gioan Tẩy Giả được sinh ra cách lạ lùng là điều báo trước: Đức Kitô là chồi non từ gốc tổ Giêsê, cũng sẽ được sinh ra cách lạ lùng, Người sẽ đến chiêu tập muôn dân dưới cờ hiệu và giải thoát chúng ta. Chính Người là Vầng Đông rực rỡ soi chiếu cho chúng ta.
Trong bài Tin Mừng, sứ thần đã nói với ông Dacaria: Này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi. Khi đi trong đường hầm tăm tối, chúng ta nhìn thấy có một ánh sáng nhỏ phía trước, nếu chúng ta cứ kiên trì, nhẫn nại tiến về phía ánh sáng đó, thì dần dần chúng ta sẽ thoát khỏi bóng tối đang vây bủa chúng ta. Khi đối mặt với những khó khăn, thử thách, chúng ta hãy cứ vững dạ an tâm, bởi vì, như lời Ca Hiệp Lễ hôm nay: Chúa chính là Vầng Đông rực rỡ, tự chốn cao vời sẽ viếng thăm ta, Người sẽ dẫn ta bước vào đường nẻo an bình. Ước gì chúng ta hằng luôn tin tưởng và vâng phục thánh ý Chúa, nhất là, trong những hoàn cảnh éo le, tưởng chừng như không có lối thoát. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
SUY NIỆM: NHỮNG CON ĐƯỜNG ĐÁNG KINH NGẠC
“Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?”.
“Chúng ta đã quen nghe tin xấu! Hầu hết những ‘tin tức’ được coi là ‘tin tức’ trên các ‘chương trình tin tức’ gần như là tin xấu. Những điều sai trái trên thế giới xem ra luôn đáng để đưa tin hơn những điều đúng đắn. Vì thế, khi nghe một tin tốt, chúng ta có thể nghi ngờ về nó; liệu có đúng không? Và chúng ta bắt đầu tìm kiếm những nhược điểm trong đó!” - Martin Hogan.
Kính thưa Anh Chị em,
“Liệu có đúng không?” cũng là những gì câu chuyện ly kỳ Tin Mừng hôm nay tường thuật! Zacharia, người được sứ thần Gabriel truyền đạt một tin tốt: Elisabeth, vợ ông, sẽ sinh cho ông một con trai. Nhưng với ông, nó quá tốt để trở thành sự thật! “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?”. Lý luận của con người thường nông cạn; vì thế, nó đánh mất bao cơ hội để có thể hiểu được ‘những con đường đáng kinh ngạc’ của Thiên Chúa.
Zacharia không cho phép mình tận hưởng một tin tốt lành đến thế để có thể vui mừng vì nó. Việc không tin dẫn ông đến việc mất ‘khả năng nói’. Việc không chịu lắng nghe, hoặc không lắng nghe kỹ dẫn chúng ta đến chỗ không tin. Như Zacharia, bạn và tôi có thể chậm nghe những tin mừng, kể cả tin mừng về những sáng kiến yêu thương Chúa dành cho mình qua Chúa Giêsu. Chúng ta nghĩ, đây có thể là tin tốt cho người khác, nhưng với tôi thì không. Hãy dành cả ngày sống để lắng nghe những thông điệp của Chúa; đặc biệt trong Lời của Ngài! Hãy dành cả cuộc đời để học cách lắng nghe Tin Mừng! Hãy tiếp thu nó, để nó định hình chúng ta là ai, làm gì, nói gì và nói như thế nào hầu có thể khám phá ‘những con đường đáng kinh ngạc’ của Ngài!
Bài đọc Thủ Lãnh hôm nay cho thấy mẫu gương lặng thinh đáng bắt chước của vợ chồng Manôac trước tin vui của sứ thần. Bà mẹ được báo cho biết sẽ sinh một con trai, Bà đi vào và nói với chồng rằng, “Một người của Thiên Chúa đã đến gặp tôi”. Họ đã tin, Samson đã chào đời. Và hai người đã có thể cất lên “Miệng chứa chan lời tán tụng Chúa, suốt ngày con chẳng ngớt tôn vinh Ngài” như lời Thánh Vịnh đáp ca.
Kính thưa Anh Chị em,
“Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?”. Khi Thiên Chúa kéo ai vào sự hiện diện của Ngài, Ngài muốn người ấy tĩnh lặng trước mặt Ngài để có thể lắng nghe Ngài. Bạn có chăm chú lắng nghe tiếng Chúa và suy gẫm lời Ngài với lòng tin tưởng, cậy trông không? Hay bạn thường lý luận và tệ hơn, với những lý luận ‘thuần thế tục’. Zacharia chưa đủ cởi mở trước những đường lối khôn lường của Thiên Chúa và sự hiểu biết của ông chỉ ở tầm thấp. Tin Mừng mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận ‘những con đường đáng kinh ngạc’ của Thiên Chúa; đồng thời cảnh báo chúng ta rằng, những ‘kỳ vọng hạn chế’ của chúng ta nơi Thiên Chúa có thể cản trở công việc của Ngài và cũng có thể khiến chúng ta kém sống động hơn với những gì Ngài đã dự định cho mỗi người. Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, dạy con lặng thinh và chìm sâu vào trong trước mỗi thông điệp của Chúa; bằng không, con sẽ đánh mất cơ hội khám phá ‘những con đường đáng kinh ngạc’ Chúa dành cho con!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
SUY NIỆM: thÁnh ý thiên chúa được thể hiện
Hôm nay, chúng ta đã lắng nghe những đoạn Kinh Thánh nói về hai tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, một người trong thời Cựu Ước và một người khác từ thời Tân Ước. Chúng ta đã nghe những hoàn cảnh xảy ra trước khi con của họ được sinh ra, và sự ra đời và cuộc sống con của họ được các Thiên Thần hiện ra với cha mẹ họ thông báo, tuyên bố họ sẽ làm gì để tôn vinh Thiên Chúa.
Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, chúng ta nghe sách các Thủ Lãnh nói về ơn gọi của Samsôn, người nổi tiếng với sức mạnh phi thường và đã chiến thắng quân Philitin áp bức dân Ítrael. Dân Chúa không vâng lời Thiên Chúa và thờ cúng các thần ngoại giáo. Sau đó, Thiên Chúa rút sức mạnh của Ngài và điều đó cho phép người Philitin đàn áp dân Ítrael và gây ra đau khổ cho họ. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi dân Ngài, vì Ngài vẫn yêu thương họ, và Ngài đã ban cho họ một người giải cứu là ông Samsôn.
Kể từ khi thụ thai, Samsôn đã được thánh hiến cho Thiên Chúa, với tư cách là tôi tớ của Thiên Chúa, và Thiên sứ nói rằng anh ta không được cắt tóc hay uống rượu mạnh, như điều thường thấy đối với tất cả những ai dâng đời mình cho Thiên Chúa. Samsôn còn được gọi là Nadia của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã ở cùng Samsôn trong suốt cuộc đời ông, ban cho ông sức mạnh phi thường, nhờ đó ông đã giải phóng dân Ítrael khỏi sự áp bức của người Philitin.
Tương tự, trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta nghe về Thánh Gioan Tẩy Giả, việc thụ thai và hạ sinh cũng được Thiên Thần báo tin cho cha là Dacaria trong Đền thờ Thiên Chúa. Thánh Gioan Tẩy Giả cũng sẽ được tận hiến và thánh hiến cho Thiên Chúa ngay từ khi còn trong lòng mẹ là bà Elizabeth, sống một cuộc đời hoàn toàn dâng mình cho Thiên Chúa. Thánh Gioan Tẩy Giả đã trở thành sứ giả về Đấng Mêsia, loan báo sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế cho trần gian và kêu gọi dân chúng ăn năn sám hối để dọn đường cho Ngài.
Qua câu chuyện về hai tôi tớ tận tụy của Thiên Chúa, những người theo cách riêng của họ đã sống trung thành và tuân theo sứ mệnh được giao phó, tất cả chúng ta là Kitô hữu sẽ được truyền cảm hứng để bước đi theo bước chân của họ. Điều này đặc biệt thích hợp khi chúng ta đang ở giữa mùa Vọng, khi chúng ta chuẩn bị tinh thần để có thể đón lễ Giáng sinh một cách đúng đắn và xứng đáng.
Chúng ta hãy nhớ lý do tại sao chúng ta tổ chức lễ Giáng sinh ngay từ đầu, rằng tất cả là do Thiên Chúa và tình yêu lớn lao của Ngài dành cho mỗi người chúng ta, những người con yêu dấu của Ngài. Đây là một lễ kỷ niệm về Thiên Chúa và tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, điều mà Ngài đã làm cho chúng ta trở nên thực sự và cụ thể, qua hiện thân của Đức Giêsu Kitô, Ngài chính là Thiên Chúa đã mặc lấy xác thịt con người, để Ngài trở thành Thiên Chúa và Con người, và chính mạc khải này mà chúng ta mừng lễ Chúa Giáng sinh, về việc Thiên Chúa đã làm người và sinh ra trong thế giới của chúng ta
Và với tư cách là Kitô hữu, nghĩa là những người tin nhận Đức Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, chúng ta nên thực sự hiểu niềm vui đích thực của Lễ Giáng Sinh, và chúng ta phải chia sẻ niềm vui này với nhau, bằng cách trở thành nhân chứng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Giống như những gì mà hai tôi tớ Chúa đã thể hiện, đó là Samsôn và Thánh Gioan Tẩy Giả. Tất cả chúng ta nên được truyền cảm hứng từ đức tin can đảm và trung tín của họ, và chúng ta cũng nên làm như vậy với cuộc sống của mình.
Điều đó có nghĩa là, lễ Giáng Sinh của chúng ta phải là một lễ mà chúng ta chia sẻ niềm vui và phúc lành của mình với những người khác, đặc biệt là những người có ít hoặc không có gì cho mình, điều này khiến họ khó có thể vui mừng như chúng ta. Thay vì tập trung vào các khía cạnh vật chất của việc mừng lễ của chúng ta, như thế giới vẫn thường quảng bá, chúng ta hãy làm cho Lễ Giáng sinh của chúng ta trở thành một lễ kỷ niệm thực sự lấy Chúa Kitô làm trung tâm và có ý nghĩa, bởi vì chúng ta thể hiện tinh thần của Lễ Giáng sinh, đó là tình yêu.
Bằng cách yêu thương những người gặp khó khăn và chia sẻ niềm vui với họ, chúng ta đã sống đức tin của mình theo những gì Thiên Chúa đã dạy. Và qua tất cả những điều này, cuối cùng chúng ta sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn trong đức tin của mình, và chúng ta sẽ ngày càng nhận ra ý nghĩa thực sự của Giáng Sinh hơn bao giờ hết. Cầu chúc cho chúng ta có một mùa Vọng tốt lành, để chuẩn bị cho một mùa Giáng Sinh thật tuyệt. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta. Amen.
Bertrand Nguyễn Thanh Hoài, CSF
SUY NIỆM:
Gần đến lễ giáng sinh sẽ có rất nhiều niềm vui bất ngờ đến với ta. Niềm vui khi nhận được những cánh thiệp giáng sinh xinh xinh của những người quen. Niềm vui khi đọc được những dòng tin nhắn chúc mừng giáng sinh thật ý nghĩa của người thân yêu. Niềm vui khi đón nhận được những món quà giá trị do bạn bè gửi tặng. Vui vì được sum hợp bên gia đình với những bữa cơm đầm ấm của ngày lễ…
Tin mừng hôm nay cũng nói đến niềm vui bất ngờ mà TC hứa sẽ tặng ban cho ông bà Giacaria và Elisabeth. Đó là bà “Elisabeth vợ ngươi sẽ hạ sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên trẻ là Gioan”.
Đây quả là một món quà vô cùng lớn lao mà TC thương ban cho ông bà. Cao quý bởi vì quà TC ban tặng không phải là món quà vật chất, nhưng chính là người con mà ông bà luôn hằng mong mỏi đợi chờ. Cao quý vì với qùa tặng này TC sẽ làm tan biến hết mọi nỗi tủi nhục mà hai ông bà đã gánh chịu suốt bao năm dài. “Chúa đã làm cho tôi thế nầy, trong những ngày Người đoái thương, cất nổi khổ nhục tôi khỏi người đời”.
Có lẽ chính vì quá bất ngờ trước hồng ân lớn lao mà TC thương ban, nên đã làm cho ông Giacaria vui mừng đến ngỡ ngàng đến nỗi không thể thốt nên lời! Chỉ có thinh lặng trong cầu nguyện, Giacaria mới có thể cảm nếm được thế nào là mầu nhiệm tình thương cao cả của TC.
Tuy nhiên, để đón nhận được món quà cao quý và tận hưởng niềm vui lớn lao ấy, ông Giacaria và bà Elisabeth đã phải nỗ lực sống đời công chính và âm thầm cầu nguyện trong gần hết cuộc đời.
Muà giáng sinh này chắc mỗi chúng ta cũng có những niềm vui. Nhưng niềm vui lớn nhất vẫn là niềm vui được Thiên Chúa yêu thương nên đã ban tặng cho ta chính Người Con yêu quý của Người là Hài Nhi Giêsu. Xin cho chúng ta cảm nhận được niềm vui lớn lao đó mà kiên tâm sống đời công chính và kiên trì cầu nguyện để đón nhận được niềm vui ơn cứu độ.
Lm Seoka