THỨ TƯ TUẦN III MÙA VỌNG - NGÀY 18/12
Mt 1,18-24
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
18Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.
19Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.
20Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.
21Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”
22Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”
24Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
SUY NIỆM: CHẤP NHẬN Ý CHÚA
Nhân dịp kỷ niệm 150 năm Đức Giáo Hoàng Piô thứ IX chọn Thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo hội Công giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư “ Trái tim của người Cha”, và công bố “Năm thánh đặc biệt về Thánh Giuse”.
Trong tông thư “Trái tim của người cha”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lần lượt giới thiệu cho chúng ta 7 nét nổi bật trên khuôn mặt của Thánh cả Giuse. Và 1 trong 7 nét đẹp đó được nói đến trong bài Tin mừng hôm nay, đó là: Thánh Giuse là một người cha biết sẵn sàng chấp nhận.
Thứ nhất là Ngài đã chấp nhận thánh ý Thiên Chúa qua lời của Sứ thần. Tin mừng thuật lại, trước đó Thánh Giuse đã có ý định bỏ đi cách kín đáo. Cái quyết định ra đi ấy có lẽ xuất phát từ 1 sự đau đớn và hờn tủi, trước bào thai của người con gái mà mình yêu thương nhất, bởi tác giả lại không phải là mình. Trước sự thật phũ phàng ấy, tưởng chừng như Thánh Giuse sẽ không chấp nhận bất kì 1 lời giải thích nào. Nhưng không, Ngài đã sẵn sàng đón nhận lời truyền tin của sứ thần, và chấp nhận để thánh ý Chúa được thực thi.
Thứ hai là Ngài đã chấp nhận đón mẹ con Maria về nhà mình 1 cách vô điều kiện, để bảo vệ danh thơm tiếng tốt, phẩm giá và mạng sống của mẹ con Maria. Chưa hết, một khi quyết định đón Trinh nữ Maria về làm vợ theo thánh ý Thiên Chúa, thì phải hiểu rằng, từ nay ngài mãi mãi chỉ là cha nuôi, mà không bao giờ có cơ hội được làm cha ruột. Điều đó cho thấy, Thánh Giuse đã từ bỏ tất cả mọi sự, bỏ cả thiên chức làm cha, vốn là khát vọng thiêng liêng và cao cả của những người nam, để phục vụ cho công trình của Thiên Chúa.
Bấy nhiêu thôi cũng đủ để Thánh Giuse được gọi là người công chính, và Ngài xứng đáng để trở thành đấng bảo trợ, là cha tinh thần của toàn thể Giáo Hội
Và kính thưa cộng đoàn, cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng có không ít những cái bất ngờ, bất ngờ đến hoang mang, đến sợ hãi. Thế nhưng, kinh nghiệm cho thấy, càng tránh né, càng than trách; chỉ càng làm ta thêm mệt mỏi và thất vọng.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy học lấy con đường thiêng liêng của Thánh Giuse, là dám đối diện và chấp nhận mọi điều Chúa gởi đến cho chúng ta. Vì ta hãy tin rằng, không có điều gì nằm ngoài thánh ý của Thiên Chúa.
Hơn nữa, Thánh Phaolô đã từng khẳng định: “Thiên Chúa không bao giờ thử thách vượt quá sức chịu đựng của chúng ta”. Và Đức Giáo Hoàng Benêdictô thứ 16 còn an ủi chúng ta như sau: “Nếu không còn ai nghe tôi nữa, Chúa vẫn nghe tôi. Nếu tôi không thể nói chuyện với ai nữa, tôi vẫn còn có thể nói chuyện với Chúa. Nếu không còn ai có thể giúp tôi, thì Chúa vẫn còn có thể giúp tôi”.
Ước gì trong những ngày còn lại của mùa Vọng này, mỗi người cũng biết dẹp bỏ ý riêng để sống chấp nhận: chấp nhận ý Chúa và chấp nhận nhau. Thiết nghĩ đó là món quà đẹp và ý nghĩa nhất, để chúng ta dâng lên Chúa Hài Đồng trong Lễ Giáng Sinh năm nay. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM:
Thiên Chúa bất ngờ và mãi mãi bất ngờ.
Ngài muốn cứu độ nhân loại bằng cách sai Con Một làm người.
Cách trở thành người của Con Thiên Chúa
vừa bình thường, lại vừa tuyệt đối khác thường.
Bình thường vì Ngài được một phụ nữ sinh ra (x. Gl 4, 4).
Khác thường vì Ngài được sinh ra không do một người cha ruột,
nhưng do quyền năng của Thánh Thần (cc. 18. 20).
Đây là niềm tin ngay từ thuở ban đầu của các Kitô hữu.
Giáo Hội sung sướng đến với máng cỏ
để chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu và Mẹ đồng trinh của Ngài.
Nhưng chúng ta không được quên thánh Giuse.
Giuse đã bối rối, đau khổ khi thấy vị hôn thê của ông mang thai,
dù Maria chưa về chung sống với ông, dù chưa làm đám cưới.
Ông không muốn tố cáo Maria vì tội ngoại tình,
nhưng ông cũng không thể lấy Maria làm vợ,
với thai nhi trong bụng không phải của ông.
Cuối cùng ông chọn giải pháp là chia tay bà một cách kín đáo (c. 19).
Như thế ông hy vọng sẽ bảo vệ được danh dự và an toàn cho Maria.
Nhưng Thiên Chúa Cha cần Giuse,
cần một người cha nhân loại cho Con mình.
Con Thiên Chúa không thể sinh ra trong một gia đình không cha.
Người cha cần biết bao cho sự phát triển quân bình của đứa trẻ.
Maria cũng cần chỗ dựa và không thể một mình nuôi con.
Qua sứ thần, Thiên Chúa mong Giuse đón Maria về làm vợ (c. 20),
nghĩa là làm đám cưới chính thức với Maria.
Việc này đi kèm với việc đặt tên cho người con trai của Maria,
nghĩa là nhận người con ấy là con của mình trước pháp luật (c. 21).
Một lời mời quan trọng chờ nơi Giuse một tiếng Xin Vâng.
Đâu phải Thiên Chúa chỉ cần tiếng Xin Vâng của Maria là đủ.
Giuse có thể từ khước vì thấy mầu nhiệm khó hiểu và khó tin.
Làm sao quyền năng Thánh Thần lại có thể làm cho Maria mang thai?
Giuse có thể sợ vì thấy mình phải chịu trách nhiệm làm chồng làm cha,
dù thực sự mình chẳng hề là thế.
Thiên Chúa đã mời Giuse trong giấc ngủ đêm khuya.
Và ông đã làm y như lời sứ thần truyền khi thức dậy (c. 24).
Tiếng Xin Vâng của Giuse quá quan trọng cho kế hoạch cứu độ,
nhờ đó Con Thiên Chúa đàng hoàng bước vào cuộc đời,
có một mái nhà, có mẹ, có cha, có tên, có tuổi.
Ý cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
SUY NIỆM: SỰ HIỆN HỮU CỦA CON NGƯỜI
Một đứa trẻ chào đời, không chỉ là niềm vui vì nó được hiện hữu, nhưng theo lẽ thường, còn là niềm vui của người thân: cha mẹ, anh chị, họ hàng… Sự xuất hiện của đứa trẻ mở ra nhiều mối tương quan mới trong cuộc sống, cho chính nó và những người khác. Hơn nữa, ngoài sự hiện hữu của đứa trẻ, người ta còn mong ước đứa trẻ ấy lớn lên sẽ mang lại những điều hữu ích cho gia đình, cho quê hương, cho xã hội. Dĩ nhiên, gốc tích của đứa bé cũng phần nào tiên báo được tương lai của nó, mặc dù có những ngoại lệ.
Hôm nay, Tin Mừng kể cho chúng ta nghe về gốc tích của Đức Giêsu - Đấng mà chỉ một tuần nữa thôi, chúng ta vui mừng kỷ niệm sinh nhật của Người. Ra như có một điều gì đó không bình thường trong việc thành thai của Người. Quyền năng Chúa Thánh Thần là sao? Thật khó hiểu trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Bà Maria đã xin vâng và đón nhận Con Thiên Chúa ngự vào cung lòng. Nhưng sẽ giải thích thế nào về người bố? Ai sẽ can đảm đứng ra “gánh chịu” sự bất thường này? May thay, ông Giuse là người công chính, đã đón nhận lời báo mộng của sứ thần Chúa, và đón Maria về nhà mình.
Sự khởi đầu của Đấng Cứu Thế khi đi vào trần gian gặp trắc trở. Đó là điều không thể hiểu với chúng ta. Thế nhưng, Thiên Chúa đã trù liệu một công trình cứu độ nhân loại theo cách của Ngài. Thiên Chúa cần sự cộng tác, với lòng can đảm của con người. Ông Giuse, con cháu vua Đa-vít đã sẵn sàng cộng tác. Lời sấm của Đức Chúa: “Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực” (Gr 23,5), đã được ứng nghiệm. Tên Giêsu sẽ được đặt cho con trẻ, vì Người sẽ cứu dân khỏi tội lỗi. Đó là sứ mạng của Người.
Chúng ta là con của Chúa. Chúng ta sinh ra trong gia đình có Đạo. Đó là hạnh phúc của chúng ta. Thế nhưng, điều ấy không đương nhiên loại khỏi cuộc đời của chúng ta những trục trặc, những yếu đuối, những đau khổ. Chúng ta cần cộng tác với ơn Chúa, để bước đi cách vững vàng trong đức tin, nhất là những khi gặp thử thách. Bên cạnh đó, chúng ta cũng hãy sẵn lòng cộng tác với người khác, cộng tác với Giáo hội địa phương, thi hành sứ mạng của người giáo dân, mang niềm vui của Chúa Hài Nhi đến cho người khác. Đó là sứ mạng của chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho sự hiện hữu của con là niềm vui cho mọi người. Xin cho con luôn sẵn sàng loan báo Tin Vui Giáng sinh cho mọi người, bằng chính đời sống đầy hy vọng và vui tươi của con. Amen.
Lm. Mai Văn Điệp, O
SUY NIỆM:
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội muốn cho chúng ta chiêm ngưỡng khuôn mặt của Thánh Giuse, người đã góp phần không nhỏ vào việc Nhập Thể, Giáng Sinh của Đức Giêsu.
Với bài Tin Mừng vừa nghe, thánh sử Matthêu đã giới thiệu Thánh Giuse là một người công chính. Vậy công chính có nghĩa gì?
Nếu hiểu theo Cựu Ước thì công chính là người biết chu toàn luật lệ của Thiên Chúa, còn hiểu theo Tân Ước thì công chính là người biết đặt niềm tin vào Đức Giêsu. Thánh Giuse, vì là điểm gạch nối giữa Cựu Ước và Tân Ước, nên chúng ta có thể hiểu sự công chính nơi Ngài theo cả hai ý nghĩa trên. Trước hết, khi thấy Đức Maria mang thai, Thánh Giuse thật bối rối, không biết phải xử trí thế nào: vẫn lấy Maria làm vợ thì không ổn, mà trình bày sự việc đó với hội đồng bô lão thì chắc rằng Đức Maria sẽ bị ném đá vì bị kết vào tội bất trung. Lưỡng lự mãi, cuối cùng Thánh Giuse đã chọn giải pháp là hủy bỏ cuộc hôn nhân bằng việc bỏ trốn, lìa bỏ Maria cách kín đáo. Dự định ấy là cách để bảo vệ thanh danh, và mạng sống cho Maria, đồng thời cũng là cách để không nhận là của mình những gì không thuộc về mình. Qua hành động đó Thánh Giuse đã bộc lộ một tình yêu đối với Đức Maria, và một sự công bằng đối với bào thai, từ đó Thánh Giuse thực đúng là một người công chính của Cựu Ước.
Rồi khi được thiên thần giải thích cho biết lý do Đức Maria mang thai và chỉ thị việc tiếp tục nhận Đức Maria làm vợ thì Thánh Giuse đã thực hiện theo như vậy. Từ đó Thánh Giuse cũng thực là một mẫu gương về sự công chính trong thời Tân Ước, bởi vì công chính là tin, là nghe và thi hành lời Chúa truyền dạy.
Nhìn vào Thánh Giuse để rồi chúng ta nhìn lại bản thân của mình. Phải thú nhận rằng chúng ta chưa yêu mến người khác cho đủ, bằng chứng là chúng ta hay nghĩ xấu cho người khác, nói xấu về người khác, lỗi phạm đức công bằng đối với người khác và nhất là chưa mau mắn thực hiện ý Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Thánh Giuse nâng đỡ để chúng ta biết sống theo mẫu gương của Ngài.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin Chúa dạy chúng con biết khiêm nhường đón nhận ý Chúa và mau mắn thi hành ý Chúa theo gương Thánh Giuse, nhờ đó chúng con có thể chia sẻ niềm vui và bình an của Chúa cho mọi người xung quanh chúng con. Amen.
Lm. J.P
SUY NIỆM:
Suốt thời gian đầu Mùa Vọng, chúng ta được nghe nhiều về một nhân vật tiền hô cho Chúa Giê-su là Gioan Tẩy Giả, hôm nay, trong những ngày cận kề Lễ Giáng Sinh, Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta một nhân vật đặc biệt là thánh cả Giu-se, là người cha “pháp lý” của Chúa Giê-su trong sự kiện nhập thể, giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giê-su.
Tin Mừng diễn tả sự kiện trăn trở của thánh cả Giuse (người công chính) khi chưa nhận được lời giải thích từ sứ thần Chúa. Đồng thời, Tin Mừng cũng giới thiệu thánh Giuse như một tấm gương sáng ngời về niềm tin:
1. Thánh Giuse – gương đức tin.
Điều rất đặc biệt của thánh Giuse mà có lẽ tác giả viết Tin Mừng cũng chào thua là không tìm được một lời nào của thánh Giuse nói, dù trong khi tường thuật về một cuộc truyền tin quan trọng như vừa tường thuật. Được thiên thần hiện ra tỏ tường giữa ban ngày mà Giacaria còn vặn hỏi, mẹ Maria còn đối đáp, còn thánh Giuse thì toàn bộ Thánh Kinh không tìm được lời nào của ngài. Điều này cho thấy, thánh Giuse là một con người của niềm tin và sự chiêm ngắm kết hiệp với Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, thậm chí nhận ra cả ý Chúa trong giấc mơ. Ngài tin tưởng tuyệt đối vào ý định của Thiên Chúa, và từ đó tin tưởng người bạn đời là Đức Maria. Niềm tin thể hiện bằng hành động, khi ngài vui vẻ đón nhận mẹ Maria và tận tụy lo cho gia đình Thánh Gia được êm ấm.
2. Thánh Giuse – Đấng gìn giữ Đấng Emmanuel.
Duy nhất trong đoạn Tin Mừng này, có một danh xưng đặc biệt dành cho Chúa Giêsu, là “Emmanuel”, được thánh ký Mátthêu trích dẫn lại lời ngôn sứ Isaia: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Is 7,14).
Sấm ngôn này vừa là dấu chỉ cho toàn dân lúc đó áp dụng cho vợ vua Akhab sinh con, vừa tiên trưng cho Đức Trinh Nữ Maria sinh hạ Đấng Cứu Thế.
Dấu chỉ người trinh nữ sinh con là điềm lành cho vương quốc Giuđa ngày xưa, thì nay việc Trinh Nữ Maria sinh Con cũng là Tin Mừng cho muôn thế hệ; Emmanuel, dấu chỉ Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta xưa ở nơi Hòm Bia đi theo dân Israel suốt hành trình và ngự trong đền thờ Giêrusalem, cũng là Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã nhập thể và nhập thế thực sự, đã đến trong cung lòng Đức Maria, làm người, sinh ra và sống với mọi người, và cuối cùng ở với mọi người cho đến tận thế qua các Bí Tích, đặc biệt nơi huyền nhiệm Thánh Thể.
Thánh ký Mátthêu đã khéo léo đặt lời sấm này trên môi miệng sứ thần để giải thích cho thánh Giuse hiểu, nói lên một sứ vụ hết sức cao cả và một trách nhiệm lớn lao dành cho thánh Giuse. Đó là: Việc con Thiên Chúa muốn ở giữa nhân loại (Emmanuel) thì Người cần đến một nơi giữa nhân loại để sinh ra, để lớn lên và thực hiện công cuộc cứu độ. Thật vậy, xét về mặt pháp lý, Chúa Giê-su cần một sự hợp pháp trong việc khai sinh, mẹ Maria cần có một người chồng pháp lý về mặt dân sự, nếu không sẽ bị khai trừ khỏi đời sống tôn giáo lúc bấy giờ và bị người đời khinh miệt. Lại nữa, Chúa Giê-su và mẹ Ma-ri-a cần một mái ấm và một nơi nương tựa, cần được bảo vệ và chăm sóc, nhất là trong thời kỳ thơ ấu của Chúa Giê-su.
Lạy Chúa, thời đại hôm nay đang sống như vắng bóng Thiên Chúa, thậm chí như Thiên Chúa đã chết rồi. Vì thế, hơn lúc nào hết, xin giúp chúng con biết trở thành những chứng nhân sống động của Tin Mừng, để nhờ đó mà mọi người nhận ra Đức Giêsu Nazareth chính là Đấng Emmanuel đã đến, đã sống và đang sống ở giữa nhân loại. Amen
Hiền Lâm
SUY NIỆM: THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA
Giữa lúc dân Israel đang quằn quại trong cảnh lưu đầy tại Babylon. Dân mong ngóng được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh sầu thương tang tóc. Sự mong đợi của dân đã được Thiên Chúa nhìn đến khi cho xuất hiện tiên tri Giêrêmia đến để loan báo tin vui cho dân, ngài loan báo: một vị Vua Công Chính, Khôn Ngoan sẽ ngự trị để lãnh đạo dân, và Ngài sẽ được gọi là: “Chúa công bình của chúng ta”. Sứ vụ của vị vua này chính là đưa dân trở về quê hương để lập lại một dân mới.
Sang bài Tin Mừng, thánh Mátthêu giới thiệu cho chúng ta biết vị vua đó chính là Đấng Emmanuel, nghĩa là Đấng Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài ngự giữa dân cách cụ thể và cứu dân bằng con đường tự hủy. Ngài vốn là một Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không dành cho mình địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, mà Ngài đã tự hủy mình đi, nhận lấy thân phận người phàm, trở nên giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi để cứu chuộc chúng ta.
Thật vậy, Đức Giêsu, Đấng là Emmanuel đó đã xóa đi mọi ngăn cách để ở giữa loài người và không ngừng thi ân giáng phúc cho mọi người.
Trong những ngày này, nhiều nơi đang chuẩn bị làm hang đá, tập những bài thánh ca... để chuẩn bị đón mừng đại lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, những việc làm đó sẽ trở nên vô ích khi chính đời sống nội tâm chúng ta không chuẩn bị thanh lọc những thứ như đố kỵ, giận hờn, ghen ghét... Vẫn còn bộn bề với lối sống hình thức bên ngoài...!
Nếu không chừng, Đấng Emmmanuel, đã ở cùng nhân loại nhưng vô phúc cho chúng ta vì Ngài lại không có một chỗ để ở trong cung lòng của ta!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy yêu thương nhau, đón nhận nhau trong tình huynh đệ. Hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn để trong sâu thẳm nội tâm, chúng ta có một chỗ cho Đấng Emmanuel ở cùng chúng ta.
Lạy Đấng Emmanuel, xin cho tâm hồn chúng con xứng đáng là máng cỏ cho Ngài ngự trị. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP