Thứ Tư tuần 29 thường niên.

Thứ ba - 20/10/2020 10:05

 Thứ Tư tuần 29 thường niên.

"Người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều".

 

Lời Chúa: Lc 12, 39-48

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".

 

 

Suy Niệm 1: Trung tín, khôn ngoan

Suy niệm:

Kẻ trộm xưa cũng như nay đều đến mà không báo trước,

bất ngờ khoét vách nhà khi gia chủ còn ngủ say.

Đức Giêsu, qua một dụ ngôn, đã dám so sánh mình với kẻ trộm,

chỉ vì Ngài giống anh ta ở nét bất ngờ (cc. 39-40).

“Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ anh em không ngờ, Con Người sẽ đến.”

Ông chủ có thể trở về khi trời gần sáng, lúc canh ba.

Sẵn sàng là mở cửa ngay cho chủ, vì vẫn còn thức, còn chờ, còn đèn sáng.

Thiếu sẵn sàng là ngủ mê, không nghe được tiếng gõ cửa.

Ngủ mê làm chủ nhà không biết kẻ trộm đang khoét vách.

Thiếu tỉnh thức để đón Chúa Giêsu, cũng đem lại hậu quả khôn lường.

Tỉnh thức sẵn sàng là thái độ cần có của chủ nhà, của người lãnh đạo.

Khi Phêrô hỏi Đức Giêsu xem dụ ngôn trên áp dụng cho ai (c. 41),

cho dân chúng hay cho nhóm Mười Hai là những người lãnh đạo,

Ngài đã kể cho họ một dụ ngôn khác về người quản gia.

Vì ông chủ đi vắng nên anh được ông đặt lên coi sóc gia nhân trong nhà,

tuy anh vẫn là một đầy tớ giữa những đầy tớ khác (c. 43).

Chính sự vắng nhà của ông chủ đã làm lộ ra thực chất của người quản gia.

Người quản gia trung tín sẽ chăm chỉ làm tròn bổn phận được giao.

Việc quan trọng là cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc (c. 42).

Anh này chẳng để ý gì đến chuyện khi nào chủ mình về.

Khôn ngoan đối với anh là làm theo đúng ý của chủ.

Anh chỉ tập trung vào việc phục vụ những người được chủ giao phó,

và phục vụ đúng giờ.

Hẳn anh sẽ được ông chủ khen ngợi và đặt ở một vị trí cao hơn,

nếu bất ngờ ông về mà thấy anh đang phục vụ chăm chỉ.

Nhưng quản gia lại có thể là một người thiếu trách nhiệm.

Thời gian ông chủ vắng nhà cũng là thời gian anh ta có quyền.

Anh đã tận dụng quyền hành có trong tay để áp chế các đầy tớ khác,

và sống một cuộc sống buông thả, vô độ.

“Anh bắt đầu đánh đập các tôi trai tớ gái, và chè chén say sưa” (c. 45).

Lý do hư hỏng của anh này rất đơn giản.

Anh nghĩ “chủ ta còn lâu mới về”, nên ta cứ thoải mái ăn chơi.

Anh chỉ cố làm sao khi chủ về, chủ thấy anh đang làm việc tử tế.

Tiếc thay chủ về sớm hơn anh nghĩ,

“vào ngày anh không ngờ, vào giờ anh không biết” (c. 46).

Sự thật ê chề được phơi bày không thể chối cãi.

Những đầy tớ bị anh hành hạ và bỏ đói, những phung phí tài sản,

là bằng chứng cho sự thất tín của anh.

Kitô hữu là những người đã biết ý Chúa, mà không làm theo,

sẽ bị phạt nặng hơn những người không biết.

Những nhà lãnh đạo được trao quyền hành và trách nhiệm

cũng phải trả lời trước mặt Chúa về cách phục vụ của mình.

Chúng ta đều sợ khi nghe những lời này của Đức Giêsu:

“Ai được cho nhiều, sẽ bị đòi nhiều.

Ai được giao phó nhiều sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới,

nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.

Chúng con phải đối diện

với bao thách đố của cuộc sống,

của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình,

của nghề nghiệp chuyên môn.

Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy

của vật chất và quyền lực,

nhưng cho chúng con

giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu,

lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.

Lạy Chúa Giêsu,

xin dạy chúng con sống thực tế,

nhưng không thực dụng ;

biết xoay xở nhưng không mưu mô ;

lo cho tương lai cá nhân,

nhưng không quên bao người bất hạnh cần nâng đỡ.

Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc,

giữa những xâu xé trước bao lựa chọn,

xin cho chúng con biết tìm những phút giây trầm lắng,

để múc lấy ánh sáng và sức mạnh,

để mình được thật là mình trước mặt Chúa.

Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu,

xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân,

làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh,

và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Việc chờ đợi của chúng ta không giản đơn là tỉnh thức. Nhưng còn là có trách nhiệm. Vì trong khi Chúa vắng nhà Chúa trao cho ta quyền quản gia. Nhiệm vụ của quản gia được Chúa định nghĩa là trung tín và khôn ngoan. Khôn ngoan là “cấp phát lúa gạo đúng giờ đúng lúc”. Có của cải nhưng phải biết dùng đúng nơi, đúng lúc, đúng cách, mới sinh hiệu quả tối đa. Làm lợi cho kho tàng của chủ. Đó là người quản gia khôn ngoan. Ta quản chính con người mình với những tài năng của thân xác, trí tuệ và linh hồn. Làm sao phân phát lương thực đúng thời đúng lúc cho chúng phát triển? Trung tín là ta không được gian tham chiếm đoạt của chủ. Trong Tin Mừng Chúa cho biết sự bất trung đó là: “Người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Còn lâu chủ ta mới về”, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gài và chè chén say sưa”. Dùng những gì Chúa ban để thoả mãn dục vọng. Và tệ hơn, không làm phát triển anh em. Nhưng bóc lột anh em. Đó là bất trung, gian tham.

Thư Rô-ma cho biết bất trung xảy ra vì ta làm nô lệ cho thân xác. Nô lệ cho thân xác tội lỗi sẽ phải chết. Hãy làm nô lệ cho Thiên Chúa ta sẽ nên công chính và được sống. “Anh em không biết sao? Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục: hoặc làm nô lệ tội lỗi, thì sẽ phải chết; hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa, thì sẽ được nên công chính”. Thánh nhân khuyên nhủ ta: “Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa” (năm lẻ).

Thư Ê-phê-sô cho thấy việc quản lý cao quí nhất chính là quản lý Tin Mừng. Vì thế việc phục vụ cao quí nhất cũng là phục vụ Tin Mừng. Và phải phân phát lương thực Tin Mừng cho mọi người đúng nơi đúng lúc. Thánh Phao-lô hãnh diện vì nhiệm vụ đó: “Thưa anh em, hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô….Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi” (năm chẵn).

Tạ ơn Chúa cho ta được làm quản gia của Chúa. Và đã trao cho ta kho tàng quí giá nhất là Tin Mừng cứu độ. Nhưng bổn phận phân phát Tin Mừng đúng nơi đúng lúc là nhiệm vụ vô cùng cấp bách và khó khăn. Biết bao linh hồn đang khao khát Tin Mừng cứu độ. Tôi làm nhiệm vụ phân phát thế nào? Có xứng đáng là quản gia trung tín và khôn ngoan không?

 

Suy Niệm 3: Tỉnh Thức Trong Phục Vụ

Danh họa Ý Leonard de Vinci có kể một dụ ngôn:

Giữa một ngôi vườn xinh tươi, có một cây sồi cao, chung quanh là một rừng cây. Cây sồi ngày một lên cao ngạo nghễ. Một hôm, từ trên nhìn xuống, nó ra lệnh cho người làm vườn đốn những cây chung quanh, vì chúng làm vướng víu, quấy rầy và che bóng của nó. Và như thế, cây sồi loại hết mọi cây cỏ để chỉ còn một mình bá chủ ngôi vườn. Thế nhưng một ngày kia, một trận cuồng phong nổi lên, không còn cây cối chung quanh chống đỡ cho bớt gió, cây sồi ngả rạp giữa vườn và chết một cách thê thảm.

Số phận của những người chà đạp người khác để tiến thân cũng giống như cây sồi trong dụ ngôn trên đây. Người ta thường nói: "Trèo cao, té nặng", bởi vì để lên cao, họ đã đạp đổ tất cả người khác, đến độ khi trượt chân té ngã, họ không còn ai nâng đỡ họ.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói lên quan niệm của Ngài về quyền bính. Các Tông đồ không ngừng tranh luận với nhau về quyền bính; cái giấc mộng công hầu khanh tướng luôn ám ảnh các ông, ai trong các ông cũng muốn ngồi chỗ cao trong Vương Quốc mà họ tưởng Chúa Giêsu đã đến để thiết lập. Nhưng đối lại với tham vọng ấy, Chúa Giêsu cho thấy rằng quyền bính là để phục vụ; trong Nước Ngài, kẻ càng được trao nhiều quyền hành, càng phải là người phục vụ, mà phục vụ theo đúng nghĩa là hoàn toàn quên mình để sống cho người khác.

Do phép Rửa, người Kitô hữu chúng ta được tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô. Chúa Kitô là Vua, nhưng là Vua của phục vụ. Cung cách vương giả của Ngài là quì trước các môn đệ và rửa chân cho họ. Do đó, tham dự chức vụ vương giả của Chúa Kitô, chúng ta cũng được trao cho một thứ quyền bính, và quyền bính ấy tương đương với phục vụ. Người ta không thể là Kitô hữu, không thể là môn đệ Chúa Kitô mà lại khước từ phục vụ.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục vụ. Càng phục vụ, họ càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội là để san sẻ; tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban. Sự thức tỉnh đích thực của người Kitô hữu chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực, vì "cho thì có phúc hơn là nhận". Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh trong hướng đi ấy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Tỉnh Thức Và Sẵn Sàng

Với thắc mắc của tông đồ Phêrô: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay chỉ về cho mọi người", Chúa Giêsu khai triển thêm về chủ đề tỉnh thức và sẵn sàng, và có vẻ như trong lần khai triển này Ngài nhắm đến những người có trách nhiệm trong cộng đồng.

Chủ đề tỉnh thức và sẵn sàng được nối tiếp với những giáo huấn của Chúa Giêsu dành cho giới có trách nhiệm trong cộng đồng dân Chúa. Và dĩ nhiên trước tiên là những người có trách nhiệm trong cộng đồng dân Chúa, họ phải gương mẫu trong thái độ tỉnh thức và sẵn sàng vì không những là sự tỉnh thức, sẵn sàng cần thiết cho ơn cứu độ của bản thân họ mà họ còn phải tỉnh thức và sẵn sàng để người khác có được ân sủng của Chúa nữa.

Công việc của một người có trách nhiệm trong dân Chúa thì muôn vẻ, muôn mặt và thường là những công việc không tên, không tuổi. Họ sống cho dân Chúa và ở giữa dân Chúa để mọi người có thể thấy Chúa qua họ. Trong cuộc sống rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài liên tục kiếm tìm, khuyên lơn, an ủi, thánh hóa và giải cứu cho con người. Ngài không có thời khóa biểu cho công việc của mình mà trọn vẹn Ngài sống là cho đi, là trao ban, là sứ mệnh. Dĩ nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi những người có trách nhiệm của chúng ta làm như Chúa Giêsu được, nhưng đòi hỏi phải tỉnh thức và sẵn sàng hơn những người khác để xứng đáng là môn đệ, xứng đáng là những người gần Chúa hơn, hầu có thể đem Chúa đến cho mọi người, vì dù sao đi nữa thì các vị ấy cũng được gọi và bản thân của họ tình nguyện để đi theo Chúa.

Anh chàng thanh niên khi nghe Chúa nói: "Anh hãy về bán của cải cho người nghèo rồi hãy đến theo Ta". Anh đã lẳng lặng bỏ đi vì anh không thể làm được chuyện ấy. Chúa Giêsu có buồn đôi chút nhưng Ngài tôn trọng tự do của anh, nếu anh vẫn sống trọn vẹn các giới răn như anh đã thưa với Chúa thì anh vẫn là người rất tuyệt. Thế nhưng, theo rồi mà không dành tất cả cho Chúa và cho anh chị em của mình như Chúa dạy thì thế nào cũng bị Chúa khiển trách. Thỉnh thoảng, có những vị phân bua: "Là gì đi chăng nữa thì cũng phải có những khoản riêng cho mình chứ, có những thứ thuộc đời tư của mình chứ". Không đâu, quí vị không còn đời tư nữa, quí vị không còn gì là riêng rẽ nữa. Tất cả đã là của Chúa và của anh chị em mình, ban cho ai nhiều thì đòi kẻ ấy nhiều; giao phó cho ai nhiều thì đòi kẻ ấy nhiều hơn.

Lạy Cha,

Tất cả chúng con đều là những đầy tớ phải biết thức tỉnh và sẵn sàng, nhưng hôm nay thì Chúa Giêsu, Con Cha, nói về những vị đầy tớ đặc biệt. Ðiều đó quá đúng, vì dù sao thì trong một tổ chức, một cơ cấu, cũng có nhiều công tác khác nhau, và mỗi người đều có một cách phục vụ tùy theo chỗ đứng, tùy theo công việc được giao phó. Chúng con cầu nguyện cho những người được giao cho những trách nhiệm đặc biệt ấy, để các ngài năng giống Con Cha hơn, không có thời khóa biểu cho riêng mình nhưng có thời khóa biểu để phục vụ Cha nơi những anh chị em được trao phó.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Đầy Tớ Chè Chén Say Sưa

“Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc. 12, 39-40)

Đức Giêsu tiếp tục khuyên nhủ các môn đệ phải luôn luôn tỉnh thức chờ ngày Chúa trở lại. Điều chắc chắn: Đức Giêsu sẽ trở lại. Nhưng khi nào? “Vào giờ các bạn không ngờ”, không được thông báo trên đài phát thanh. Thông báo được người ta chờ đợi rất vắn và là tin cuối cùng, nếu người ta không luôn luôn lắng nghe, người ta sẽ bỏ lỡ.

Đầy tớ trung tín:

Phê-rô và phần lớn Kitô hữu, được rửa tội, giữ đạo đều đều, không làm hại ai. Vậy họ sẽ được bảo đảm ơn cứu độ. Thế mà tại sao Đức Giêsu vẫn liên tục nhắc nhở họ phải tỉnh thức chờ Người trở lại một cách bất ngờ? Như đài ra-đa luôn luôn chờ nghe những tin báo khẩn cấp. Thế thì việc gì Đức Giêsu phải nói: “Hỡi đoàn chiên nhỏ, đừng sợ, Cha các con hảo tâm ban cho các con nước trời rồi”.

Nếu Thầy chí thánh trao cho chúng ta nhiệm vụ quản gia, chúng ta phải có trách nhiệm lo phân phát của ăn thiêng liêng cũng như lương thực tạm thời. Chúng ta càng nhận biết thánh ý Chúa, chúng ta càng phải có trách nhiệm hướng dẫn gia đình sao cho mọi sự được trật tự, không bị một trục trặc sai trái nào, để bất kỳ lúc nào chủ về xem xét và thấy hài lòng trọn vẹn. Lúc đó, chủ an tâm về chúng ta đã được Ngài chọn lựa tốt và cho chúng ta được đời sống phong phú đời đời.

Không tha cho kẻ chè chén say sưa:

Nếu chúng ta không lo tỉnh thức, lại lạm dụng địa vị để say sưa chè chén lãng phí, chủ bất ngờ trở về, chúng ta sẽ bị băm ra trăm miếng, như tập tục của người Ba-tư đối với đầy tớ bất trung. Sự tuyển chọn ban đầu không che chở chúng ta khỏi những xét xử đó, vì chúng ta đã sống vô trách nhiệm, nên hoàn toàn phải chịu tội. Mức độ bị xử phạt tùy theo sự hiểu biết về thánh ý Chúa và chức quyền đã được trao phó. Lỗi của chúng ta là thiếu đức tin, đức cậy, đức mến đối với lời kêu gọi liên tục mà Chúa rất nhân từ quảng đại ban cho chúng ta được phúc sống trước tôn nhan Chúa.

RC

 

Suy Niệm 6: HÃY QUẢN LÝ CÁCH TRUNG TÍN (Lc 12, 39-48)

Xem CN 19 TN C

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối hôm qua. Tuy nhiên, cùng một đề tài về sự tỉnh thức. Nhưng nếu hôm qua, Đức Giêsu nhắm đến đối tượng chính là các môn đệ nói chung, thì hôm nay, Ngài trực tiếp để ý đến những người quản lý, hay nói đúng hơn là những người lãnh đạo.

Thật vậy, qua dụ ngôn này, Đức Giêsu nhắm đến sự trung thành, tận tụy với công việc được giao. Ngài nói: không được chè chén say sưa, ngược đãi người khác. Nếu không làm được điều này thì ắt sẽ bị đòn nhiều: “Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".

Mỗi người chúng ta, một cách nào đó, hẳn đều là những người lãnh đạo. Có thể là chủ công ty, xí nghiệp, trưởng hội này, nhóm kia, hoặc ít ra là cha là mẹ trong gia đình. Nhìn rộng ra thì hết thảy ai ai cũng đều được Chúa trao cho những nén bạc như: sự sống, tài năng, sức lực... Khi được trao ban như thế, ấy là lúc Chúa tin tưởng và trao phó trách nhiệm cho chúng ta, để trong mọi hoàn cảnh, môi trường, chức nghiệp, chúng ta phải làm vinh danh Chúa và lợi ích cho phần rỗi của mình cũng như anh chị em.

Làm được điều đó, chúng ta được Chúa ví như một quản gia trung thành và khôn ngoan.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng để chu toàn bổn phận được trao. Hãy luôn nghĩ đến giờ chết của mình để chuẩn bị sẵn sàng trong tư thế của người môn đệ là lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Cần nhạy bén với ơn Chúa và các dấu chỉ để ý thức chu toàn bổn phận.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng, để biết chu toàn bổn phận của mình cách trung thành. Xin cho chúng con luôn biết ý thức mình sẽ chết, để từ đó biết sám hối và canh tân đời sống ngay trong giây phút hiện tại. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

Hãy sẵn sàng vì Chúa đã đến gần – SN song ngữ 21.10.2020

Wednesday (October 21): “Be ready to answer – the Lord draws near”

 

Scripture:  Luke 12:39-48

39 But know this, that if the householder had known at what hour the thief was coming, he would not have left his house to be broken into. 40 You also must be ready; for the Son of man is coming at an unexpected hour.” 41 Peter said, “Lord, are you telling this parable for us or for all?” 42 And the Lord said, “Who then is the faithful and wise steward, whom his master will set over his household, to give them their portion of food at the proper time? 43 Blessed is that servant whom his master when he comes, will find so doing. 44 Truly, I say to you, he will set him over all his possessions. 45 But if that servant says to himself, `My master is delayed in coming,’ and begins to beat the menservants and the maidservants, and to eat and  drink and get drunk, 46 the master of that servant will come on a day when he does not expect him and at an hour he does not know, and will punish him, and put him with the unfaithful. 47 And that servant who knew his master’s will, but did not make ready or act according to his will, shall receive a severe beating. 48 But he who did not know, and did what deserved a beating, shall receive a light beating. Every one to whom much is given, of him, will much be required; and of him to whom men commit much, they will demand the more.

Thứ Tư     21-10            Hãy sẵn sàng vì Chúa đã đến gần

 

Lc 12,39-48

39 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu.40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người? “42 Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta.44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa,46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.47 “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều.48 Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

Meditation:

 

What lesson can we draw from Jesus’ parable about a thief in the night and the parable of the rich master who returns unexpectedly to reward or dismiss his servants for how they have served his estate while he was away? Both parables confront us with the possibility of losing everything we possess and treasure now as well as the future inheritance that is saved up for us.  

The thief in the night 

Jesus’ story (parable) of the thief in the night brings home the necessity for careful watchfulness and staying alert to avert the danger of plunder and loss of livelihood (all that we need to sustain us now and in the future). The thief comes uninvited, especially under the cover of darkness and secrecy! While no thief would announce his intention in advance, nor the time when he would strike, lack of vigilance invites serious loss for those who have not kept their home and treasure secure at all times! The intruder strikes when he is least expected!

Don’t lose the treasure of God’s kingdom

What kind of treasure does the Lord Jesus expect us to vigilantly guard and protect in this present life? It is the treasure of his kingdom and the gifts and graces he has won for us – the gift of salvation purchased by the blood of Christ who died for us on the cross to free us from slavery to sin and Satan, and the gift of abundant new life which Christ won for us through his resurrection victory over death, and the gift of the Holy Spirit who comes to live in us and empower us with supernatural faith, hope, and love that endure forever. The Father and the Son come to dwell in us through the gift of the Holy Spirit who makes his home with us. But we can lose the treasure and gifts of God if we do not guard our hearts and minds and hold to the truth of God’s word and live according to his wise precepts, teaching, and just laws. Whose voice and counsel do you trust and follow? 

Satan comes like a thief in the night to rob us of our faith and to draw us away from God’s will for our lives. Satan works in the “world” (that society of men and women who are opposed to God and his commandments) and with our own “flesh” (those sinful inclinations within us that tempt us to do what is wrong and evil). And Satan whispers to us false promises to make us believe that we can find happiness and joy apart from God and his will for us. 

The prophet Jeremiah reminds us that our hearts apart from God are easily deceived (Jeremiah 17:9). How easily we put off for another day what God requires of us today – to walk humbly, repent sincerely, forgive quickly, and to trust in his merciful love and grace at all times. God offers us his mercy and abundant grace (his divine presence, power, and wise counsel) to turn away from sin, deception, and disobedience. But we must not presume that we can put off for another day what must be done today. 

 

 

The Lord Jesus reminds us that the “Day of the Lord” will come unexpectedly like a thief in the night. Will we be ready to receive the Lord when he comes to speak to us today, and when he ushers us to stand before his throne and meet him face-to-face to hear his final verdict on the Day of Judgment. Which verdict do you wish to hear? In Matthew’s Gospel account, Jesus opens the curtain of the heavenly court room and gives a glimpse of his verdict on that day:34 Then the King will say to those at his right hand, `Come, O blessed of my Father, inherit the kingdom prepared for you from the foundation of the world; 35 for I was hungry and you gave me food, I was thirsty and you gave me drink, I was a stranger and you welcomed me, 36 I was naked and you clothed me, I was sick and you visited me, I was in prison and you came to me.’ …41 Then he will say to those at his left hand, `Depart from me, you cursed, into the eternal fire prepared for the devil and his angels; 42 for I was hungry and you gave me no food, I was thirsty and you gave me no drink, 43 I was a stranger and you did not welcome me, naked and you did not clothe me, sick and in prison and you did not visit me.’ – Matthew 25:34-36, 41-43

 

The Lord rewards those who are faithful and wise

Jesus ends his teaching on watchfulness and vigilance with another parable about a master and his servants (Matthew 24:.45-49). The storyline is similar. There is an element of surprise – the master suddenly returns home unexpectedly, probably from a long journey. He rewards one servant for his faithful loyalty and devoted service to his master. He has performed his service dutifully and has done all that the master required of him.  

 

He punishes the other servant who was disloyal, disobedient and acted shamefully. This servant was not only irresponsible – he was frequently absent from his work and misused his master’s money for personal gain by throwing lavish parties (eating and drinking) for his friends. The disloyal servant also abused his fellow workers with physical force and violence – probably to make them do the work he was supposed to do for his master. When the master returns and discovers the unfaithful servant who has wasted his master’s goods and mistreated his fellow servants, the master gives him what he deserves. He dismisses him from his service and throws him out of his house – and sends him to the worst of possible places – a prison of no return where there is nothing but torment and misery. Should we be surprised to see the master acting with such swift judgment? The master rewards his faithful servants with honour, blessing, and promotion in his service, and he gives to his disobedient and unfaithful servants the just punishment they deserve – the loss of honour, privilege, and joy of sharing in the master’s good friends forever.

Are you ready to meet the Lord?

The Lord Jesus calls us to be vigilant in watching for his return and to be ready to meet him when he calls us to himself. The Lord gives us his Holy Spirit so that we may have the wisdom, strength, and help we need to turn away from own sin and to embrace God’s way of love, justice, and holiness. The Lord’s warning of judgment causes dismay for those who are unprepared, but it brings joyful hope to those who eagerly wait for his return in glory. God’s judgment is good news for those who are ready to meet him face to face when he returns. Their reward is God himself, the source of all truth, beauty, goodness, love and everlasting life. Are you ready to receive his grace and help today to walk in faithfulness and obedience, trust and hope, steadfast love and mercy?

 

 

 

“Lord Jesus, you have captured my heart for you. Make me strong in faith, steadfast in hope, and generous in love that I may seek to please you in all things and bring you glory.  May I always be watchful and ready to answer when you draw near.”

Suy niệm: 

 

Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ dụ ngôn của Đức Giêsu về người trộm trong đêm tối và dụ ngôn về người chủ giàu có trở về đột ngột để thưởng công hay sa thải các gia nhân vì cách thức họ đã sử dụng tài sản trong lúc ông đi xa? Cả hai dụ ngôn đưa chúng ta đối diện với khả năng đánh mất mọi thứ mà hiện nay chúng ta đang có và tích lũy, cũng như sự thừa kế dành cho chúng ta trong tương lai.

Tên trộm trong đêm tối

Dụ ngôn của Đức Giêsu về tên trộm trong đêm tối đưa ra sự cần thiết cho sự cảnh giác và tỉnh thức không ngừng để ngăn ngừa nguy hiểm của sự cướp bóc và mất cả kế sinh nhai (tất cả những gì chúng ta cần để sống bây giờ và tương lai). Tên trộm không mời mà đến, đặc biệt dưới sự che chở của đêm tối và lén lút. Đồng thời, không có tên trộm nào lại có ý định thông báo trước ý định của mình và thời gian đột nhập, thiếu sự cảnh giác sẽ kéo đến tai họa cho những ai không chịu lo cho sự an toàn của nhà mình và tài sản! Kẻ đột nhập sẽ tấn công vào lúc người ta ít cảnh giác nhất!

Đừng đánh mất kho báu nước Chúa

Kho báu nào mà Chúa Giêsu muốn chúng ta phải thận trọng gìn giữ trong cuộc sống hiện tại này? Đó chính là kho báu vương quốc của Người và những ơn sủng Người đã đem lại cho chúng ta – ơn cứu độ đã được mua chuộc bằng giá máu của Đức Kitô, Đấng đã chết vì chúng ta trên thập giá để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và Satan, và ơn huệ Chúa Thánh Thần, Đấng đến ngự trong chúng ta và nâng đỡ chúng ta với đức tin, đức cậy, và đức mến luôn tồn tại. Chúa Cha và Chúa Con qua ân huệ của Chúa Thánh Thần đến để ở lại với chúng ta. Nhưng chúng ta có thể đánh mất kho báu và các ân huệ của Thiên Chúa nếu chúng ta không canh chừng lòng trí của mình và bám vào lời chân thật của Thiên Chúa và sống theo các mệnh lệnh, giáo huấn và lề luật công minh và khôn ngoan của Người.

 

Satan đến như tên trộm trong đêm tối để cướp đi niềm tin của chúng ta và lôi kéo chúng ta xa lánh ý định của Thiên Chúa dành cho mình. Satan hoạt động trong “thế gian” (xã hội của những người chống lại Thiên Chúa và các điều răn của Người) và với “xác thịt” của chúng ta (các xu hướng tội lỗi trong lòng xúi giục chúng ta làm những điều sai trái và xấu xa). Satan còn thì thầm với chúng ta những lời hứa giả dối để làm cho chúng ta tin rằng chúng ta có thể tìm được hạnh phúc và niềm vui, xa rời Thiên Chúa và ý Người dành cho đời mình.

Ngôn sứ Giêrêmia nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta xa lìa Thiên Chúa sẽ dễ dàng bị lừa dối (Gr 17,9). Chúng ta thường dễ dàng trì hoãn tới ngày mai những gì Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta hôm nay – sống khiêm tốn, thành tâm thống hối, tha thứ mau lẹ, và tin cậy vào tình yêu thương xót và ơn sủng của Người luôn. Thiên Chúa ban thương xót chúng ta và ban cho ơn sủng dồi dào (sự hiện diện, quyền năng, và lời dạy khôn ngoan của Người) để xa lánh tội lỗi, sự lừa dối, và bất tuân. Nhưng chúng ta không được tự phụ rằng chúng ta có thể trì hoãn qua ngày khác những gì phải làm hôm nay.

Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng “Ngày của Chúa” sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm trong đêm. Chúng ta sẽ sẵn sàng tiếp đón Chúa khi Người đến nói với chúng ta hôm nay, và khi Người đưa chúng ta tới trước ngai tòa và gặp Người mặt đối mặt để nghe lời tuyên án cuối cùng của Người vào ngày Phán xét không? Bạn muốn nghe lời tuyên án nào? Trong câu chuyện Tin mừng Matthêu, Đức Giêsu mở bức màn của tòa án trên trời và cho thấy thoáng qua lời tuyên án của Người vào ngày đó: 34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”41 Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống;43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” (Mt 25,34-36.41-43).

Chúa ban thưởng cho những ai trung tín và khôn ngoan

Đức Giêsu kết thúc lời giáo huấn của Người về sự sẵn sàng và tỉnh thức với một dụ ngôn khác về người chủ và các đầy tớ (Mt 24,45-49). Nội dung câu chuyện cũng tương tự. Có một yếu tố đáng lưu ý là người chủ trở về nhà cách bất ngờ, có thể từ một chuyến đi xa. Ông ban thưởng cho người đầy tớ về sự trung tín và hết lòng phục vụ chủ mình. Người đầy tớ đã chu toàn công việc của mình với sự cần cù và thực hiện mọi việc mà chủ trao phó.

Người chủ xử phạt người đầy tớ bất trung, bất tuân, và hành xử độc ác. Người đầy tớ này không chỉ thiếu trách nhiệm mà còn thường xuyên bỏ công việc của mình và phung phí tiền bạc của chủ mình cho những bữa tiệc (ăn nhậu) hoang phí với bạn bè của mình. Người đầy tớ bất trung cũng ngược đãi những người bạn đồng nghiệp của mình – với sức mạnh và bạo lực – có thể bắt người khác làm những công việc mà lẽ ra hắn phải làm cho chủ. Khi người chủ trở về và khám phá ra người đầy tớ bất trung đã hoang phí tài sản và ngược đãi các bạn đồng nghiệp, người chủ đã đối xử với hắn thật xứng đáng. Người chủ không chỉ tống họ ra khỏi nhà (cho thôi việc), mà còn cho hắn vào nơi ở tồi tệ nhất có thể – nhà tù là nơi không có đường trở về và chỉ có tra tấn và đau khổ. Chúng ta có ngạc nhiên khi thấy ông chủ hành xử cách mau lẹ như thế không? Ông ban thưởng cho những đầy tớ trung tín với sự kính trọng, phúc lành, thăng chức, và xử phạt những đầy tớ bất tuân và bất trung cách xứng đáng – mất danh dự, mất đặc ân, mất niềm vui chia sẻ tình bằng hữu của chủ mãi mãi.

 

 

 

Bạn đã sẵn sàng gặp Chúa chưa?

Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta tỉnh thức trong việc chờ đợi sự trở lại của Người và sẵn sàng đi gặp Người khi Người gọi chúng ta. Chúa ban Thánh Thần của Người cho chúng ta để chúng ta có thể có sự khôn ngoan, sức mạnh, sự trợ giúp, và sức mạnh cần thiết để từ bỏ tội lỗi, để bước theo đường lối yêu thương, sự công chính, và thánh thiện của Thiên Chúa. Lời cảnh báo về sự xét xử của Thiên Chúa đem lại sự nhụt chí cho những ai không sẵn sàng, nhưng đem niềm hy vọng vui mừng cho những ai hăm hở chờ đợi sự trở lại của Người trong vinh quang. Sự xét xử của Thiên Chúa là tin mừng cho những ai sẵn sàng để gặp gỡ Người mặt đối mặt khi Người trở lại. Phần thưởng của họ chính Thiên Chúa, nguồn mạch của tất cả sự thật, vẻ đẹp, lòng nhân, tình yêu, và sự sống vĩnh cửu. Bạn có sẵn sàng đón nhận ơn sủng và sự trợ giúp của Người hôm nay để bước đi trong sự trung tín và vâng phục, tin cậy và hy vọng, tình yêu bền vững và lòng thương xót chưa?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chiếm hữu con cho Chúa. Xin cho con mạnh mẽ trong đức tin, vững vàng trong đức cậy, và quảng đại trong đức mến, để con có thể tìm cách làm hài lòng Chúa trong tất cả mọi sự và mang lại cho Chúa sự vinh quang. Chớ gì con luôn luôn tỉnh thức và sẵn sàng để trả lời khi Chúa đến.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

SUY NIỆM

1. Lời Chúa là thần khí

Lời Chúa trong những ngày vừa qua có một lời mời gọi có lẽ sẽ luôn gây khó khăn cho chúng ta; đó là:
Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó. (c. 33-34).

Chúng ta có thể thoái thác lời mời gọi này của Đức Giê-su, bằng cách cho rằng lời này không nói với mình, nhưng chỉ ngỏ với một số ít người mà thôi. Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng, Chúa nói những lời này với các môn đệ, chứ không nói với đám đông, mặc dù đám đông đang có ở đó. Thế mà, với tư cách là Ki-tô hữu, nếu chúng ta có mặt, chúng ta sẽ thuộc nhóm các môn đệ, chứ không thể ở trong đám đông. Bởi vì chúng ta là Ki-tô hữu, nghĩa là những người thuộc về Đức Ki-tô, là những người tin và đi theo Ngài, trong đời sống hôn nhân hay trong đời sống tu trì, vì Ngài là Đường Đi, là Sự Thật và là Sự Sống của chúng ta.

Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận rằng, Lời này của Chúa thật khó thực hành, nếu không muốn nói, là không thể thực hành: làm sao tôi có thể bán hết tài sản rồi đem đi bố thí được; tu sĩ, linh mục, các Nhà Dòng cũng không thể làm được! Và Đức Giê-su cũng có những lời mời gọi triệt để khác tương tự: “Nếu mắt phải của anh em làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi… Nếu tay phải của anh em làm cớ cho anh em sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi” (Mt 5, 29-30). Nếu phải thực hành những lời này của Chúa, thì chắc chắn mọi người sẽ trở nên đui mù và cụt tay hết!

Tuy nhiên, khó khăn mà Lời Chúa gây ra cho chúng ta, lại giúp chúng ta hiểu được bản chất của Lời Chúa: Lời Chúa không phải là chữ viết của Lề Luật, cứ như thế mà đem ra áp dụng; nhưng Lời Chúa là tinh thần, là thần khí. Khi nghe Lời Chúa, chúng ta cần hiểu ở mức độ tinh thần, và tinh thần này có khả năng làm cho con tim chúng ta bừng cháy, như hai môn đệ Emmau (x. Lc 24), có sức mạnh làm cho chúng ta sống, và có năng lực hướng dẫn, thôi thúc và biến đổi chúng ta luôn mãi và hơn nữa, tùy theo hoàn cảnh, khả năng, mức độ lớn lên trong đức tin và sự sẵn sàng của người mỗi người. Giống như khi Đức Giê-su giải thích dụ ngôn Người Gieo Giống: “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13, 23). Như thế, cần phải hiểu Lời Chúa, trước khi sống, thì mới đem lại nhiều hoa trái.

2. Từ bỏ quyền làm chủ

“Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí”. Để giúp chúng ta hiểu lời mời gọi này, Chúa dùng nhiều lần hình ảnh nói về mối tương quan giữa người chủ nhà và người quản gia. Vì thế, ở đây Chúa mời gọi chúng ta không phải bán những gì mình có, nhưng là từ bỏ quyền làm chủ, và sống như người quản gia hay tôi tớ:

– “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay”.

– Đức Giê-su còn nói: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?”

Kinh nghiệm cuộc sống cho thấy rằng, chúng ta sẽ bình an hơn, hòa thuận và hạnh phúc hơn, nếu chúng ta biết sống tâm tình của người tôi tớ, hay nói như Đức Maria, tâm tình của người “Nữ Tì”: đó là đón nhận như là ơn huệ Chúa ban, không chỉ tài sản, nhưng là tất cả mọi sự: gia đình, con cái, những người thân yêu, cộng đoàn, anh em, chị em và cả sự sống của chúng ta nữa. Điều lạ lùng là, khi chúng ta từ bỏ quyền làm chủ, để làm điều Chúa chờ đợi, thì chúng ta không chỉ không bị mất mát, nhưng còn được gấp trăm, như Abraham đối với con của mình là Isaac. Ngược lại, mỗi khi chúng ta tự biến mình thành bà chủ hay ông chủ, nhất là trong tương quan với những người thân yêu và người khác, trong bổn phận hay sứ vụ, khi đó sẽ là tai họa, tai họa cho mình và cho người người khác, nhất là chúng ta sẽ đánh mất người khác và chính khi chúng ta đánh mất người khác, là chúng ta đánh mất chính mình.

* * *

Nhưng điều gì có sức lôi cuốn chúng ta mạnh mẽ đến độ khiến chúng ta có thể từ bỏ quyền làm chủ mọi sự, nếu đó không phải là Ngôi vị của Chúa, tình yêu của Ngài, lòng thương xót của Ngài và những gì thuộc về Ngài. Tình yêu và lòng thương xót của Chúa thật nhưng không và vượt quá sự chờ đợi của chúng ta, như chính Chúa nói trong bài Tin Mừng:

– “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.”

– “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.”

Trên thế gian này không có người chủ nào hành động như “ông chủ Giêsu” của chúng ta: “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”. Có thể nói, người chủ tự hạ mình thành tôi tớ để phục vụ. Thế mà Đức Giê-su vẫn làm như thế hằng ngày đối với từng người trong chúng ta: Ngài ban cho chúng ta sự sống và tất cả những gì để sống mỗi ngày, cho dù ngày sống đó như thế nào, Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng cách trao ban cách quảng đại Lời của Ngài, mình và máu Ngài trong Thánh Lễ, và Ngài đã hạ mình thấp hơn cả người tôi tớ, khi rửa chân cho các môn đệ, để báo trước rằng, mình sẽ bị chà đạp và bị giết chết trên Thập Giá hầu bày tỏ cho loài người chúng ta lòng bao dung và thương xót vô hạn của Thiên Chúa.

Chúa nói: “Kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó”. Vậy lòng chúng ta đang hướng về kho tàng nào? Kho tàng tất yếu sẽ qua đi hay kho tàng sẽ vững bền mãi mãi, là tình yêu bao dung chúng ta dành cho nhau, còn sống cũng như đã qua đời, như là tình yêu bao dung Chúa vẫn luôn dành cho mỗi người chúng ta?

3. “Hãy sẵn sàng”

Và để sống tâm tình của người tôi tớ, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy sẵn sàng; vì tư thế sẵn sàng nói lên yếu tính của người tôi tớ. Hơn nữa, chúng ta phải sẵn sàng, như Lời của Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng, vì chúng ta không biết ngày nào Chúa của chúng ta sẽ đến. Ngày Chúa của chúng ta sẽ đến là ngày Quang Lâm, nghĩa là thời điểm tận cùng của thời gian và của lịch sử loài người; ngày này chắc chắn sẽ đến, vì chúng ta không sống trong vĩnh cửu, nhưng đang sống trong thời gian có thủy có chung. Nhưng thời điểm tận cùng của thời gian chắc là còn lâu.

Nhưng nếu chúng ta hiểu ngày của Chúa chúng ta sẽ đến là thời điểm tận cùng, không phải của loài người, nhưng của chính mỗi người chúng ta, thì thời điểm này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, dù chúng ta ở trong độ tuổi nào. Ai còn trẻ, thì người đó hi vọng sống được nhiều năm nữa; nhưng đâu có chắc chắn, chỉ hi vọng thôi. Hơn nữa, môi trường chúng ta đang sống, có quá nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe và cá tính mạng nữa.

Vì thế, lời Chúa nhắc nhở chúng ta hãy canh thức, là đưa chúng ta trở về với sự thật của cuộc sống, đó là chúng ta phải luôn sẵn sàng, để trả lại cho Chúa sự sống của chúng ta. Đó là một sự thật hay bị quên lãng, vì chúng ta quá bận rộn, quá bận tâm và quá gắn bó với những gì trong cuộc đời này. Tuy nhiên, mọi sự không tồn tại mãi, nhưng sẽ qua đi, chúng ta cũng không tồn tại mãi, nhưng có một ngày chúng ta sẽ qua đi, và có thể qua đi bất cứ lúc nào.

Và trong khi chờ đợi và canh thức, Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống như người tôi tớ trung tín và khôn ngoan: người tôi tớ khôn ngoan là người hiểu ra rằng Chúa có thể đến bất cứ lúc nào; và vì thế, người này lúc nào cũng trung tín với Chúa, ngang qua việc khiêm tốn và kiên nhẫn “đúng giờ và đúng lúc”, thi hành sứ mạng được giao. Và như thế, Chúa có thể đến bất cứ lúc nào và ban phúc cho người tôi tớ. Và lời Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng trở thành người tôi tớ bất trung và ngu dại: đó là người tôi tớ nghĩ trong lòng một cách sai lầm rằng: còn lâu chủ ta mới về! Và vì thế, anh ta tự biến mình thành chủ nhân, chiều theo lòng ham muốn, sống một cuộc sống bạo lực, lệch lạc và bê tha.

Vậy, chúng ta được mời gọi canh thức, để chờ đợi ngày Chúa đến. Nhưng thực ra Chúa vẫn đến với chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ, qua những ân huệ và biến cố của từng ngày sống. Do đó, chúng ta có thể thực tập đón Chúa đến mỗi ngày, để cho lúc Chúa thực sự đến, chúng ta không còn bị bất chợt và sợ hãi; nhưng chúng ta đón mừng Chúa đến trong niềm vui của đợi chờ, giống như niềm vui được lập lại hằng năm của thời gian chờ đợi Chúa đến lần thứ nhất, trong đêm Giáng Sinh.

* * *

Và để có thể nhận ra Chúa đến và hiện diện, không có cách nào tốt hơn là cầu nguyện, cầu nguyện với Lời Chúa và cầu nguyện với ngày sống hay một giai đoạn sống của chúng ta.

– Cầu nguyện trong những giờ dành riêng cho việc cầu nguyện.

– Và chúng ta cũng được mời gọi sống ngày sống của chúng ta như là một lời cầu nguyện.

Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống cầu nguyện hằng ngày. Không có cách nào khác, là chính chúng ta phải tự tìm ra cho riêng mình những phương cách để vượt qua khó khăn và duy trì đời sống cầu nguyện. Có hai tâm tình có thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn trong việc cầu nguyện:

– Cầu nguyện là để sống tương quan với Chúa trong mọi sự; thay vì đối diện với “mọi sự” một mình và tự mình.

– Cầu nguyện là dâng lại cho Chúa một ít thời gian của chúng ta một cách nhưng không.

– Và cầu nguyện là lời tạ ơn và ca tụng Chúa, về “những điều cao cả” Chúa làm cho chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi và trong từng ngày sống.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

………………………………………………………

[1] Hiện nay có những người đi qui tụ người ta để chờ ngày tận thế! Nhưng hình như đó là cớ để lừa gạt.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây