THỨ HAI TUẦN II PHỤC SINH
Ga 3,1-8
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan
1 Bấy giờ, trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái. 2 Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông nói với Người:
“Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy”.
3 Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”.
4 Ông Ni-cô-đê-mô thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được ? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao ?”
5 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.
6 Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt ; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. 7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.
8 Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy”.
SUY NIỆM: NHỚ LẠI ƠN BAN CỦA BÍ TÍCH RỬA TỘI
Trong cuộc đối thoại với Nicôđêmô được thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết giá trị và tầm quan trọng của Bí tích Rửa tội mà mỗi người Kitô hữu chúng ta đã lãnh nhận, khi Ngài nói: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí”.
Trong Cựu ước, nước và Thần Khí được nhắc đến rất nhiều. Đó là 2 yếu tố rất quan trọng trong đời sống của dân Do Thái: Nước đã vọt ra từ tảng đá nơi sa mạc trong cuộc hành trình tiến về đất hứa. Thần Khí cũng đã xuống trên các tiên tri, trên những người được xức dầu, trên những người được Môsê đặt tay cầu nguyện.
Còn trong Tân ước, nước được Thánh Gioan Tẩy Giả dùng vào việc Thanh tẩy, còn Thần Khí đã xuống trên Đức Maria ngày Truyền Tin; xuống trên Đức Kitô ngày chịu phép rửa trong sông Giođan, và dẫn đưa Ngài vào sa mạc để ăn chay cầu nguyện và chịu ma quỉ cám dỗ; Thần Khí còn xuống trên các Tông Đồ ngày lễ Ngũ Tuần, trên nhóm Kitô hữu khi nghe các Tông Đồ giảng… và còn nhiều biến cố khác nữa.
Đến thời chúng ta, khi mà mỗi người được đổ một chút nước trên đầu trong ngày rửa tội làm dấu chỉ, chính lúc ấy chúng ta được sinh ra trong Thần Khí, được tẩy sạch tội Tổ tông truyền, được phục hồi nhân phẩm, và đặc biệt là được trở thành con Thiên Chúa.
Chính Thánh Phaolô cũng từng khẳng định về điều này trong thư Rôma như sau: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người. Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết, nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”.
Và thưa anh chị em, sở dĩ chúng ta nhận được ân phúc ấy là nhờ vào giá máu và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng ta.
Phần chúng ta, khi suy gẫm về ơn cao trọng này, chúng ta được mời gọi sống hai điều sau đây:
Thứ nhất, mỗi người hãy sống đúng ơn ban đã lãnh nhận qua Bí tích Rửa tội, sống xứng đáng là người con cái Chúa, xứng danh là kitô hữu giữa đời.
Thứ hai, mỗi người hãy sống tình liên đới với anh chị em trong cùng đại gia đình đức tin, đại gia đình Giáo Hội, vì chúng ta có cùng một Cha trên trời.
Nguyện xin ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả chúng ta.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: ĐỜI SỐNG MỚI ĐƯỢC SINH RA TRONG THÁNH THẦN
Con người ngày hôm nay thường tìm niềm vui và trú ẩn trong những căn biệt thự đắt tiền hoặc trong những khu chung cư nổi tiếng. Chẳng mấy ai muốn ở trong những ngôi nhà không mấy đầy đủ tiện nghi. Khi mua nhà, ai cũng để ý đến những tiêu chuẩn: gần chợ, gần trường, gần chỗ làm việc. Không ai nghĩ đến tiêu chuẩn đầu tiên là gần nhà thờ. Lời Thánh Vịnh Đáp Ca hôm nay nhắc nhở chúng ta về một nơi mà sẽ làm chúng ta được hạnh phúc, đó là “hạnh phúc thay những ai ẩn náu bên Ngài [Thiên Chúa]” (Tv 2:12d). Liệu điều này có đúng với chúng ta không?
Bắt đầu từ tuần này, chúng ta sẽ nghe các bài đọc Lời Chúa để chuẩn bị đón mừng đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta tìm thấy “lời kinh chung” đầu tiên của các Tông Đồ. Trong lời kinh này, chúng ta có thể nhận ra những yếu tố sau: (1) tôn vinh Thiên Chúa bằng cách nhớ lại những công trình kỳ diệu Ngài đã làm (Cv 4: 24-26); (2) trình bày tình trạng đang xảy ra (Cv 4:27-28); (3) xin Chúa ra tay trợ giúp (Cv 4:29-30). Đây là mẫu cầu nguyện tuyệt hảo nhất mà chúng ta có thể sử dụng trong ngày sống. Khi đến với Chúa, thái độ đầu tiên cần phải có đó là tôn vinh và khẳng định lại Thiên Chúa là ai đối với mình, đồng thời nhớ lại những kỳ công Ngài thực hiện trên cuộc đời chúng ta. Bước này giúp chúng ta vững niềm tin vào Thiên Chúa vì chúng ta nhận ra Ngài là Chúa và Ngài đã thực hiện những kỳ công trong quá khứ thì Ngài cũng sẽ giúp chúng ta trong những cơn khốn cùng của hiện tại và tương lai vì Ngài là Thiên Chúa trung thành với lời hứa. Hai yếu tố kế tiếp của lời kinh giúp chúng ta sống “chân thành” hơn trong kinh nguyện của chúng ta. Nói cách cụ thể, khi cầu nguyện chúng ta cần nói cho Chúa nghe những gì đang xảy ra “cho chúng ta” [cho gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, Giáo Hội hay xã hội]. Cầu nguyện là một cuộc đối thoại giữa “hai người yêu nhau.” Vì vậy, họ trải lòng cho nhau, không dấu điều gì để cảm thông và trợ giúp nhau bước trên con đường yêu thương. Chúng ta cũng cần có thái độ này khi chúng ta đến với Chúa. Hãy trải lòng ra với Chúa và Ngài sẽ trợ giúp chúng ta. Đừng đến với Ngài với thái độ và tâm hồn giả tạo!
Trong bài đọc 1, Chúa Thánh Thần được trình bày như là Đấng dùng miệng tổ phụ Đavít để tuyên sấm (x. Cv 4:25) và làm cho các Tông Đồ mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa. Điều này được Giáo Hội tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần … Người đã dùng miệng các tiên tri mà phán dạy.” Không những phán dạy qua các tiên tri, Chúa Thánh Thần còn ban cho họ sự can đảm để làm chứng cho Lời Thiên Chúa mà họ rao truyền, dù phải trả giá thật đắt là bị chống đối và giết chết. Điều này nhắc nhở cho chúng ta về vai trò của Chúa Thánh Thần trong ngày sống của mình. Nhiều khi chúng ta vẫn chưa dùng miệng lưỡi của mình để “mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.” Ngược lại, chúng ta dùng miệng lưỡi của mình để mạnh dạn nói những lời không chân thật và làm tổn thương người khác. Hãy xin Chúa Thánh Thần “linh hứng” chúng ta mỗi khi chúng ta nói, để lời nói của chúng ta không gì khác hơn là Lời Thiên Chúa, lời mang lại niềm vui và an ủi cho anh chị em của chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu thuật lại cho chúng ta nghe cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô. Đây là cuộc gặp gỡ và đối thoại về việc đón nhận sự sống đời đời (Ga 3:1-15). Như chúng ta biết, Nicôđêmô là một bậc thầy người Do Thái có lòng bao dung nhưng không phải là một người tin (x. Ga 7:50-51; 19:39). Theo các học giả Kinh Thánh, mặc dù Nicôđêmô là một cái tên Hy Lạp, nhưng từ này là một từ mượn từ Aramaic và được gắn cho một gia đình quý tộc ở Giêrusalem. Nhiều nhà chú giải cho rằng cuộc gặp gỡ của Nicôđêmô với Chúa Giêsu là nhằm mục đích vẽ lại sự phát triển của hành trình đức tin. Nicôđêmô được phân biệt khỏi những người có đức tin giả tạo bị loại ra trong Ga 2:23 và ông ta là một bậc thầy trong Israel (x. Ga 4:10). Điều này cho thấy, thánh sử có ý định trình bày ông như một ‘người Do Thái thật” được phân biệt khỏi “người Do thái,” là những người cầm quyền muốn loại bỏ Chúa Giêsu cách công khai. Chúng ta có thể rút ra được điều gì từ bài Tin Mừng hôm nay?
Thứ nhất, thái độ khao khát để gặp và biết Chúa Giêsu của Nicôđêmô: “Trong nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Do Thái. Ông đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông nói với Người: ‘Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy’” (Ga 4:1-2). Chúng ta không biết động lực của Nicôđêmô khi đến với Chúa Giêsu là gì. Có lẽ là tò mò hay ái mộ, cũng có thể là đến để học hỏi. Để hiểu đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể làm một sự tương phản giữa Nicôđêmô và người phụ nữ Samaria (x. Ga 4:1-42): Nicôđêmô được gọi đích danh, trong khi đó người phụ nữ không có tên; Nicôđêmô là người có danh tiếng [một thủ lãnh của người Do Thái], còn người phụ nữ thì không có danh phận gì; Nicôđêmô đến gặp Chúa Giêsu ban đêm, còn người phụ nữ đến gặp Chúa Giêsu giữa ban ngày. Những chi tiết này chỉ ra cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đến gặp hết mọi người, không phân biệt họ là ai, làm gì. Chỉ cần họ khát khao gặp Ngài và Ngài sẽ đưa họ vào trong cuộc đối thoại và hành trình đức tin. Chúng ta thấy trong trường hợp của Nicôđêmô, ông ta chân nhận Chúa Giêsu là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Ông tuyên xưng như vậy vì ông nhận ra Thiên Chúa ở cùng với Chúa Giêsu qua những dấu lạ Chúa Giêsu thực hiện. Điều này cho thấy Nicôđêmô đến với Chúa Giêsu với lòng thành muốn được biết những gì ‘xảy ra trong Thiên Chúa,’ hay đúng hơn những gì xảy ra trong Nước Thiên Chúa. Ước vọng này là khởi điểm cho cuộc đối thoại về việc sinh ra bởi ơn trên. Trong cuộc sống của mình, chúng ta cũng có những ước vọng riêng mà muốn Thiên Chúa hoàn thành, hãy đem đến cho Thiên Chúa và Ngài sẽ thoả mãn ước vọng của chúng ta với tình yêu và sự quảng đại của Ngài.
Thứ hai, điều kiện để thấy Nước Thiên Chúa: “Đức Giêsu trả lời: ‘Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.’ Ông Nicôđêmô thưa: ‘Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?’ Đức Giêsu đáp: ‘Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí’” (Ga 4:3-5). Trong những lời này, Chúa Giêsu chỉ cho Nicôđêmô thoả mãn ước vọng được biết những gì xảy ra trong Nước Trời, đó là phải sinh ra bởi ơn trên. Nhưng Nicôđêmô đã không hiểu những gì Chúa Giêsu nói và đã đặt vấn nạn với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã kiên nhẫn hướng dẫn ông trong hành trình đức tin. Chúng ta khác với Nicôđêmô, chúng ta đã được sinh ra bởi nước và thần khí và như thế chúng ta đã thấy Nước Thiên Chúa được hiện thực hoá nơi con người Chúa Giêsu. Điều đáng để chúng ta suy gẫm là chúng ta có thấy Chúa Giêsu trong mọi biến cố cuộc đời mình không hay chúng ta vẫn lầm lũi đi trong bóng đêm vô vọng của những khát vọng trần thế của mình?
Cuối cùng là lời giải thích của Chúa Giêsu về việc sinh ra bởi Thần Khí: “Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 4:6-8). Chúng ta thấy ở đây hai loại sự sống, sự sống bởi xác thịt và sự sống bởi Thần Khí. Chỉ những người sinh ra bởi Thần Khí mới có khả năng ‘sáng tạo’ và ‘uyển chuyển.’ Nói cách khác, những người sống dưới sự hướng dẫn của Thần Khi luôn sống đời sống được sinh ra từ trên trong bất kỳ nơi nào và hoàn cảnh sống nào. Chúng ta có thuộc nhóm những người này không?
Lm Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM: CHÚA GIÊ-SU VÀ NI-CÔ-ĐÊ-MÔ: CHÚNG TA PHẢI ĐƯỢC SINH LẠI
Nói đến Ni-cô-đê-mô là người ta nói đến một người Pha-ri-sêu, thành viên thuộc Tòa công luận tối cao của người Do Thái. Ông là người có danh tiếng tốt, có địa vị trong xã hội Giê-ru-sa-lem. Chính Chúa Giê-su xác định ông là thầy của Israel (x.Ga 3,9).
Nhưng dầu sao ông vẫn còn vướng mắc thành kiến của người biệt phái và luật sĩ thời đó. Với sự hiểu biết Kinh Thánh của mình, Ni-cô-đê-mô tưởng đã có thể sử dụng mớ kiến thức ấy để tìm hiểu về con người Chúa Giê-su. Nhưng Chúa Giê-su đã đặt ông trước một thách đố mà ông không bao giờ ngờ trước. Chúa Giê-su bảo ông phải tái sinh thì mới thực sự thấy và hiểu được Kinh Thánh cũng như con người Chúa Giê-su. Ông phải tái sinh thì mới có thể trở thành con người mới với cái nhìn mới và sự cảm nhận mới.
Tư tưởng tái sinh làm cho ông thắc mắc: “Làm sao có thể xảy ra như vậy?” Chúa Giê-su bảo ông: “Ông là bậc làm Thầy của Ít-ra-en, mà điều ấy ông lại không biết?” (Ga 3,9-10). Ông nghĩ, không lẽ phải chui vào bụng mẹ để sinh lại sao.
Sau này, khi cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su và nhóm biệt phái xảy ra, chính Ni-cô-đê-mô nói: “Há Luật của chúng ta lại lên án người nào trước khi nghe người ấy, và biết người ấy làm gì ư?” Họ đáp lại và nói với ông: “Dễ chừng ông cũng là người Ga-li-lê sao?” (Ga 7,50-51).
Tại sao anh ta đến gặp Chúa Giê-su vào ban đêm? Vì vậy, là một người Pha-ri-sêu và cũng là một nhà lãnh đạo trong số những người Do Thái, Ni-cô-đê-mô, hẳn phải có một hành trang kiến thức lớn. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những kiến thức này, tôi cần phải đi tìm Chúa Giê-su để có thể trò chuyện riêng với Người, để có thể hiểu những gì Chúa đang nói.
Khi Ni-cô-đê-mô đến trước mặt Chúa Giê-su, ông biện minh cho chuyến viếng thăm của mình bằng cách diễn đạt sau: “Lạy Thầy, chúng tôi nhận biết Thầy là một vị tôn sư Thiên Chúa ủy phái đến” (Ga 3,2).
Ni-cô-đê-mô đến với từ “chúng ta biết”, khiến Chúa Giê-su thấy rằng không chỉ ông đã suy luận hợp lý. Rằng ai đó đã làm những dấu hiệu như vậy, đó là bởi vì Chúa đã ở trên người đó. Có nghĩa là, nếu chúng ta dựa vào câu trích dẫn sau đây, một số thành viên của Tòa Công luận hoặc người Pha-ri-sêu đã đồng ý về kết luận giống như Ni-cô-đê-mô. Chúa Giê-su đáp lại ông: “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa” (Ga 3,3). Làm thế nào tôi có thể vào Nước Đức Chúa Trời? Câu hỏi mà Chúa Giê-su đã trả lời nằm trong lòng của Ni-cô-đê-mô và đó là: Làm sao tôi có thể vào Nước Đức Chúa Trời? Theo Chúa: Con người không thể tự cứu mình, như luận điểm của người Pha-ri-sêu bảo vệ. Con người cần khoác lên mình một bản chất mới, khai tử bản chất cũ và điều này chỉ có thể được thực hiện qua Chúa Giê-su Ki-tô.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM:
1/ Cầu nguyện để xin ơn mạnh dạn làm chứng về Chúa Phục Sinh.
Đúng ngày 21 tháng 4 năm 2019, ngày toàn thể Giáo Hội Công giáo La mã mừng Đại lễ Phục Sinh, thì Giáo hội địa phương Sirlanka đón nhận một cảnh tang tóc bi thảm, khủng bố tại nhà thờ St Anthony’s ở Colombo, Sir Lanka. Sáng hôm đó khi cộng đoàn đang tham dự mừng Đại lễ Phục Sinh. Số nạn nhân hơn 300 người chết và 500 người bị thương.
Sự khủng bố những người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh xem ra không chỉ có thời nay, mà cách đây 20 thế kỷ. Sách CVTĐ kể lại: Thánh Phêrô và Thánh Gioan cũng đã từng bị bắt và cảnh cáo không được rao giảng về Đức Giêsu Sống Lại.
Và thời nay hay thời các tông đồ, đứng trước sự khủ bố và bắt hại, niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh không cho phép người tín hữu đáp trả lại với những người khủng bố và bắt hại, như ăn miếng trả miếng, mà là cầu nguyện. Sách CVTĐ kể: “Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn”. Cầu nguyện để xin Chúa nâng đỡ, cầu nguyện để xin Chúa cất những tai ương, và cầu nguyện để thêm sự mạnh dạn là chứng.
2/ Cầu nguyện để xin ơn thánh hóa các cấp lãnh đạo và người cuồng tín
Thứ sáu tuần Thánh, sau bài thương khó, Giáo hội có những lời cầu nguyện cho các cấp lãnh đạo quốc gia, cho sự hiệp nhất, và cho những người vô thần, để họ được thánh hóa và đồng hành với Giáo hội.
Tin mừng hôm nay kể lại, một vị quan chức Do Thái là ông Ni cô đê mô. Ông là một người thiện chí, ban đêm đến gặp Chúa Giêsu. Qua lời giảng dạy của Chúa, “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí”. Cuộc sinh ra bởi nước và thần Khí không phải cuộc sinh lại mà là cuộc biến đổi, Qua Bí tích Rửa tội, con người được Thần Khí biến đổ và hướng dẫn, nhờ đó trở nên con người mới, sống cho sự thật, công lý và hòa bình, là người làm chứng Chúa Giêsu Phục Sinh. Ni cô đê mô đại diện cho cấp lãnh đạo, đại diện cho người vô thần, đại diện cho kẻ đối lập, và ông đã tin.
Trong buổi tiếp kiến vào hôm thứ Năm 11. 4. 2019 trong 2 ngày tĩnh tâm đặc biệt dành cho các thủ lãnh đang đối đầu nhau trong cuộc nội chiến cuả Nam Sudan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quỳ gối xuống trước các nhà lãnh tụ, và hôn giày của họ với lời cầu xin là họ hãy tiếp tục duy trì thoả thuận ngừng chiến giữa hai phe.
“Tôi kêu xin quí vị bằng tất cả trái tim,” Đức Giáo Hoàng nói với tổng thống Salva Kiir Mayardit và lãnh tụ phe đối lập Riek Machar, và với đôi tay chắp lại, Ngài van xin “Hãy duy trì hòa bình.” “Ở trước mặt toàn dân, quí vị hãy nắm tay nhau.” Có như vậy, ĐGH nói, “quí vị mới trở thành cha đẻ cuả đất nước.”
Bà Phó tổng thống Rebecca Nyandeng Garang cuả Nam Sudan cho biết cử chỉ cuả ĐGH đã làm cho bà thổn thức.
“Tôi chưa bao giờ thấy một việc như thế. Tôi đã chảy nước mắt đầm đià,”
Như thế cầu nguyện và có ơn Chúa Thánh Thần, thì điều gì cũng có thể xẩy ra.
Lm. Tam Thái
SUY NIỆM: TÁI SINH
Bài Tin Mừng thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô về sự tái sinh. Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô rằng: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5).
Nước được xem là nguồn phát sinh sự sống. Nơi nào có nước, nơi đó có sự sống. Thánh Thần là Đấng thánh hóa muôn loài, và là Đấng ban sự sống. Tái sinh bởi nước và Thánh Thần được hiểu là tái sinh nhờ bí tích Rửa Tội, qua đó chúng ta được tha hết mọi tội lỗi, được tái sinh và trở thành một con người mới trong thân thể Chúa Kitô. Tuy nhiên, tấm áo trắng tinh tuyền mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội có thể bị hoen ố nhiều theo năm tháng. Nhiều lần, chúng ta đã sa đi ngã lại trong sự ích kỉ và “lòng dục” của mình. Bởi vậy, như áo quần cần được giặt và tẩy rửa để trở nên sạch sẽ, thì chúng ta cũng cần tẩy rửa con người mình một cách toàn diện để được tái sinh.
Trong đêm Vọng Phục Sinh, mỗi người chúng ta đã tuyên xưng lại lời hứa của mình khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội: từ bỏ Xatan cùng những gì thuộc về nó, và trung thành phụng sự một Thiên Chúa duy nhất. Với việc tuyên xưng lại lời hứa khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta quyết tâm chọn con đường sự sống, là đi theo Đức Kitô, nghĩa là chúng ta cùng bước vào Mầu Nhiệm Khổ Nạn với Người để được sống lại với Người.
Sự thường, con người ai cũng muốn được tái sinh, muốn sống mầu nhiệm phục sinh, nhưng không ai muốn bước vào cuộc khổ nạn. Tuy nhiên, dù muốn hay không, cách này hay cách khác, con người chỉ có thể bước vào vinh quang qua con đường thập giá. Điều quan trọng là ta có bước vào cuộc khổ nạn đó với Chúa hay không hay ta có để Thần Khí hướng dẫn đời mình để được tái sinh hay không.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được sinh ra và được tái sinh nhờ bí tích Rửa Tội. Chúa đã tái sinh chúng con bằng giá máu của Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức và sống xứng đáng với ân huệ mà Chúa đã ban cho chúng con nhờ Thánh Thần Chúa.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Cương, SVD
SUY NIỆM: TÁI SINH BỞI NƯỚC VÀ THÁNH THẦN
Kính thưa cộng đoàn!
Nếu không tái sinh bởi nước và Thánh Thần, thì không ai được vào nước Thiên Chúa. Sự gì sinh bởi huyết nhục, thì là huyết nhục; và sự gì sinh bởi Thần Linh, thì là thần linh.
Mọi người vẫn thường băn khoăn, khắc khoải về thân phận mình: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tôi đến thế giới này để làm gì và tôi sẽ đi về đâu? Từ đó, chọn lựa cách sống xứng hợp. Khắc khoải, kiếm tìm, cũng là thái độ của ông Nicôđêmô mà Tin mừng theo Thánh Gioan hôm nay thuật lại. Nicôđêmô vốn là một chức sắc trong giới lãnh đạo tôn giáo Do thái, nhưng không giống như những người khác, ông luôn ưu tư về thân phận và chung cục của cuộc đời con người. Không những thế, ông còn có một cái nhìn tích cực về Đức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy." (Ga 3, 2)
Những khắc khoải của Nicôđêmô dẫn đến một mặc khải của Đức Giêsu: “Không có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra bởi Nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Chúa Giêsu có ý nhấn mạnh tới vị trí của Chúa Thánh Thần trong ơn cứu độ. Là người Kitô hữu, chúng ta đã được thanh tẩy bởi Nước và Thần Khí, trong ngày chịu phép Rửa Tội, chúng ta đã trở nên con cái của Thiên Chúa. Là người Kitô hữu, chúng ta đã được thanh tẩy bởi Nước và Thần Khí, trong ngày chịu phép Rửa Tội, chúng ta đã trở nên con cái của Thiên Chúa. Chúng ta cần sống làm sao để đúng với ơn gọi làm người và làm con Chúa mới là điều quan trọng. Thế nhưng, biết bao lần chúng ta chếnh choáng với men đời, buông mình theo những đam mê dục vọng . Tấm áo trắng ngày nào chúng ta mặc trong ngày Rửa Tội, liệu có còn trắng ? Ánh lửa liệu còn cháy sáng, hay đã lụi tàn theo phong trần nhân thế?
Chúng ta được mời gọi suy ngẫm về Bí tích Thánh Tẩy. Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được đổi mới nhờ mặc lấy Đức Kitô và thuộc về Ngài. Phục sinh là thời điểm chúng ta được mời gọi nhiều hơn hết để làm mới lại Bí tích này. Hãy tìm kiếm để hiểu và để sống một đời sống mới mà chúng ta đã được trao ban trong suốt mùa Phục sinh này.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban cho chúng con ơn can đảm để dám sống theo tinh thần của Chúa, và xin cho chúng con được ơn biến đổi từng ngày để xứng đáng là con Chúa và trở nên anh chị em với nhau. Amen.
Tu sĩ Tôma Aquinô Hoàng Văn Quyết, MF