THỨ TƯ TUẦN II PHỤC SINH
Ga 3,16-21
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan
16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.
17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.
18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.
19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.
20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.
21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”
SUY NIỆM:
Sứ điệp: Đón nhận hay chối từ Chúa Con, chính là đón nhận sự sống hay bị kết án. Chỉ vì tình yêu thương bao la mà Thiên Chúa đã ban Con của Ngài cho chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi con yêu quý một số vật dụng cách quá đáng, trong lúc ấy lại xem thường những gì đáng quý. Con chăm lo bộ ghế, chiếc xe, tivi, đồng hồ, quần áo, v.v… Thế mà có những điều rất đáng quý nhưng đôi khi con lại xem thường. Con lao thân vào cơn say sưa chè chén, mà bất kể đến hậu quả tổn hại cho sức khoẻ bản thân và làm hại gia đình. Con không biết quý trọng sự ấm êm trong gia đình, con chưa ý thức rằng có được một người cha đức độ, có một người mẹ đảm đang, có một người con ngoan ngoãn… là con đã có được một hồng phúc cao cả. Con chưa biết rằng có một sức khoẻ tốt là ơn Chúa ban, có một công ăn việc làm ổn định là ơn Chúa ban, có được ăn no mặc ấm là ơn Chúa ban. Nhất là vì yêu thương thế gian, Chúa đã ban Chúa Giêsu cho chúng con, Người là nguồn mạch sự sống của chúng con, và cho chúng con được mang danh Kitô hữu. Ôi! phải chi con “nhận ra ơn huệ Chúa ban”.
Đôi khi trong thực tế hằng ngày, con thấy ngại cầu nguyện, thấy sao nặng nề mỗi khi đến nhà thờ, mỗi khi gặp gỡ Chúa. Lạy Chúa, con đã thích bóng tối hơn ánh sáng, đã muốn chìm vào trong thế gian này mà không muốn mở rộng đôi tay đón nhận ơn cứu độ, đón nhận Con Một, đón nhận tình thương quá to lớn của Chúa.
Lạy Chúa, xin mở đôi mắt của con, xin nhóm lên trong lòng con nguồn sáng của Chúa, đốt lên trong con ngọn lửa tình yêu Chúa, để con trở nên con cái sự thật, và nên con cái của Chúa là Cha chúng con. Amen.
Ghi nhớ: “Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM: CHÚA GIÊSU LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN
Ánh sáng và bóng tối là 2 nguyên lý đối lập đang chi phối cuộc sống nhân sinh, và cả đời sống đức tin của chúng ta.
Ánh sáng là biểu tượng của sự sống, của điều thiện điều lành, của sự minh bạch và chân thật, của sự chân chính và ngay thẳng… Ngược lại, bóng tối là vương quốc của sự chết, của điều dữ điều xấu, của sự dối trá và mờ ám, của sự bất chính và lươn lẹo…
Nhưng oái ăm thay, trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại cho chúng ta biết một sự thật đáng buồn là: Con người mọi thời lại chuộng bóng tối hơn là ánh sáng (x.Ga 3,19), tức là chuộng điều xấu hơn điều tốt.
Vì yêu chuộng bóng tối, nên năm xưa phái Xa-đốc và giới cầm quyền Do Thái giáo đã tìm cách tiêu diệt các tông đồ, đơn giản là các ngài đã thắp lên trong lòng dân một nguồn ánh sáng, ánh sáng của sự thật và niềm tin vào Đức Kitô đã chết và nay đã sống lại.
Cũng vì yêu chuộng bóng tối, nên xã hội chúng ta đang sống đầy dẫy sự bất công. Mọi tia sáng của sự thật và công lý được thắp lên đều bị dập tắt. Tương quan giữa người với người, giữa nhà nước với dân, đã có một khoảng cách quá lớn được tạo nên bởi sự dối trá và nghi ngờ lẫn nhau.
Cũng vì yêu chuộng bóng tối, nên chính bản thân mỗi người cứ nuông chiều theo những đam mê dục vọng và sống hưởng thụ một cách vô độ, mà bất chấp mọi nguyên tắc đúng sai trong chọn lựa.
Nói tóm lại, xu hướng của xã hội và con người ngày nay là muốn bóng tối hóa tất cả mọi sự, để mình được hả hê làm điều mình muốn. Nhưng đó là suy nghĩ của những người không có đức tin.
Còn chúng ta là con cái Chúa, chúng ta phải sống khác. Hãy nhớ rằng, Chúa Kitô là nguồn ánh sáng vô tận đã bừng lên giữa thế gian, và đã chiếu soi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống và lòng người. Trước mặt Ngài, không gì có thể che giấu được, mọi cái tốt xấu đều lộ ra bên ngoài.
Do đó, hôm nay Chúa Giêsu mời gọi mỗi người hãy can đảm bước ra và đối diện với ánh sáng. Chỉ có như thế, chúng ta mới nhìn thấy được con đường đi đến sự hoàn thiện.
Ước gì nhờ ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh gìn giữ, chúng ta sẽ không hôi tanh mùi bùn dù đang sống giữa bùn, ngọn nến đức tin của mỗi người vẫn luôn được tỏa sáng và cùng nhau chiếu soi vào những vùng tăm tối của cuộc sống này. Amen.
SUY NIỆM: TÌNH YÊU VÔ BIÊN CỦA THIÊN CHÚA TRONG ĐỨC KITÔ
Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng đã một lần hành động với sự ghen tức. Khi hành động như thế, chúng ta luôn muốn hãm hại hoặc mong ước những điều không tốt không lành xảy ra cho người chúng ta ghen tức. Đây chính là điều mà chúng ta thấy trong bài đọc 1 hôm nay: “Bấy giờ, vị thượng tế cùng tất cả những người theo ông – tức là phái Xađốc – ra tay hành động. Đầy lòng ghen tức, họ bắt các Tông Đồ, nhốt vào nhà tù công cộng” (Cv 5:17-18). Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn đứng về phía những người kính sợ Ngài hầu giải cứu họ khỏi tay những kẻ hãm hại họ: “Nhưng ban đêm thiên sứ của Đức Chúa mở cửa ngục, đưa các ông ra mà nói: ‘Các ông hãy đi, vào đứng trong Đền Thờ mà nói cho dân những lời ban sự sống.’ Nghe thế, các ông vào Đền Thờ ngay từ lúc rạng đông và bắt đầu giảng dạy” (Cv 5:19-21). Những chi tiết này giúp chúng ta nhìn lại cuộc sống mình trong ánh sáng của sự phục sinh của Chúa Giêsu. Những người sống đời sống mới trong Chúa Giêsu là những người can đảm làm chứng cho tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa dẫu phải bị người khác ghen tức và hãm hại. Sự can đảm này đến từ sự kiện là Thiên Chúa sẽ luôn ở bên những kẻ kính sợ người để giải thoát chúng ta. Liệu chúng ta có đặt trọn niềm phó thác vào Ngài không?
Thánh Gioan trình bày cách rõ ràng cho chúng ta mục đích Chúa Cha sai Con Một đến trong thế gian trong bài Tin Mừng hôm nay. Thánh sử đã đưa vào trong cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Nicôđêmô câu chuyện nói về việc Chúa Cha sai Con Một đến để mang sự sống cho thế gian. Chúng ta không thể không cảm thấy hạnh phúc và an ủi khi nghe những lời đầy yêu thương này: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Động lực để Thiên Chúa sai Con Một của Ngài là vì yêu chúng ta. Tự bản chất, Thiên Chúa là tình yêu, nên tất cả những gì Ngài làm cũng đều phát xuất từ tình yêu. Những gì phát xuất từ tình yêu luôn mang lại niềm vui và sự sống. Tình yêu luôn vượt qua sự chết và đau khổ. Nhìn từ khía cạnh này chúng ta hiểu được phần nào ý nghĩa của những lời trên. Tuy nhiên, để được sự sống muôn đời, chúng ta cần phải tin vào Con Một Thiên Chúa, là ‘sự nhập thể của tình yêu Thiên Chúa’ cho con người có thể đụng chạm đến và cảm nghiệm cách cụ thể qua đời sống thường ngày.
Đề tài đức tin trở nên tâm điểm của bài Tin Mừng: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:17-18). Đức tin sẽ là tiêu chuẩn để phân biệt người bị lên án hoặc không bị lên án. Ở đây, chúng ta thấy một câu khẳng định mang tính Kitô học, đó là ơn cứu độ chỉ có được nơi Đức Kitô. Chính niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng yêu thế gian đến nỗi ban con một của mình là điều mang lại cho chúng ta sự an ủi và cũng là một thách đố cho chúng ta. An ủi vì chúng ta biết Thiên Chúa luôn yêu chúng ta và mọi sự Ngài làm cho chúng ta xuất phát từ tình yêu vô bờ bến của Ngài; thách đố vì chúng ta được mời gọi sống xứng đáng với tình yêu đó để không phải bị lên án. Thông thường, chúng ta nghĩ rằng đức tin là một cái gì đó rất trừu tượng. Thật ra, đức tin là ‘sự gặp gỡ cá vị giữa tôi với Chúa.’ Chính trong cuộc gặp gỡ cá vị này mà chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, cũng như qua đó chúng ta diễn tả tình yêu của mình dành cho Ngài. Tóm lại, chính việc gặp gỡ Chúa Giêsu mỗi ngày sẽ giúp chúng ta hiểu được tình yêu của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng kết thúc với hình ảnh quen thuộc trong Tin Mừng, đó là sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối: “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3:19-21). Như chúng ta biết, ánh sáng là một trong những biểu tượng quan trọng trong đêm vọng phục sinh và trong mùa phục sinh. Ánh sáng từ cây nến phục sinh, từ chính Chúa Giêsu phục sinh soi chiếu cho ta “biết bao điều cảm mến sướng vui.” Chính trong ánh sáng của Chúa Giêsu phục sinh mà chúng ta có thể phân biệt được bóng tối của sự chết, của con người cũ đang còn lại trong chúng ta. Thánh Gioan chỉ rõ cho chúng ta thấy ai là người sống trong ánh sáng phục sinh, đó là những người mà việc làm của họ không bị chê trách. Họ là những người luôn sống theo sự thật, nơi họ không có một dấu tích gì của Satan, cha của những kẻ gian dối. Là những người đang sống trong ánh sáng phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta hãy thực hiện tất cả mọi việc của mình trong Thiên Chúa, tức là trong tình yêu.
Lm Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM: TIN CHÚA SẼ ĐƯỢC TRƯỜNG SINH
1. Bài Tin Mừng tiếp tục nói về việc sinh lại. Đây là hậu quả của việc chịu hoặc không chịu sinh lại:
– Chịu sinh lại thì được cứu độ; không chịu thì phải hư mất.
– Thực ra, khi cho Con mình xuống thế gian, Thiên Chúa không hề muốn luận phạt thế gian, mà chỉ muốn cứu thế gian.
– Nhưng thế gian cũng phải góp phần của mình: ai tin vào Chúa Con thì được cứu, kẻ không tin thì bị luận phạt.
– Sự luận phạt ấy là do chính những người ấy tự chọn cho mình.
2. “Thiên Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã sai Con Một mình…”
Con người được Thiên Chúa yêu thương. Đây là một chân lý mà không ai chối cãi được. Chân lý gây xúc động sâu xa nhất mà Giáo hội rao giảng là chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương từ trước muôn đời. Ki-tô giáo được xây dựng trên một niềm xác tín rằng tình yêu Thiên Chúa đã hạ cố đến thế gian đau khổ bệnh tật qua con người Đức Kitô. Đối với mọi tín hữu, đây là lời cốt tủy của Tin Mừng. Không có đoạn văn nào trong Thánh Kinh nói rõ điều này hơn là lời Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô: ”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một Mình, ngõ hầu những ai tin vào Ngài sẽ không phải chết nhưng sẽ được sống đời đời” (Ga 3,15).
Thiên Chúa yêu thương từng người chúng ta cứ như là không còn ai khác để cho Ngài yêu thương. Ngài như người cha luôn mong muốn cùng gia đình đồng hành suốt cuộc đời, và không thể an lòng cho đến khi con cái đi đây đó, ai nấy đều an toàn trở về mái ấm gia đình.
3. Ai tin thì sẽ được sống.
Thánh Gio-an nói: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ, Ai tin vào Con của Ngài, thì không bị lên án; những kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,20). Tin đối với Gio-an là nhìn nhận Đức Giê-su là Con và là sứ giả của Chúa Cha, là đến với Đức Giê-su và gặp Ngài, là biết Ngài và cùng với Ngài biết Chúa Cha. Đức tin còn là hồng ân và một sự lôi cuốn của Chúa Cha.
Người tin bước vào một cuộc sống mới. Đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa, là một ân huệ Đấng Mê-si-a mang lại. Tin là từ bỏ bóng tối của tội lỗi, của gian tà, của ma quỉ. Phải, chính trong đêm tối của tối tăm mà con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa, miễn là đùng khép kín lòng lại: “Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta đã yêu mến sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm họ đều xấu xa” (Ga 3,19). Hãy tin vào Đức Giê-su thì sẽ được tha thứ và được hưởng nhờ ơn cứu độ (R Veritas).
4. “Ai tin vào Con của Ngài thì không bị xét xử…”
Tình yêu vốn là tiêu chuẩn để con người được xét xử. Trong cuộc thẩm xét chung cuộc, Đức Giê-su chỉ tra vấn con người về một điều duy nhất, đó là nó có sống yêu thương không? Người Ki-tô hữu do đó không lo sợ về một cuộc chung thẩm trong ngày sau hết; họ lại càng không phải bận tâm về bức tranh mà trí tưởng tượng con người đã tô vẽ cho ngày ấy, bởi lẽ họ biết rằng sự phán xét diễn ra ngay trong hiện tại qua từng lựa chọn của họ. Mỗi khi họ sống yêu thương thì lương tâm sẽ không luận phạt họ, trái lại, khi họ để thù hận xâm chiếm tâm hồn và thúc đẩy họ khước từ tình yêu, thì đó là lúc họ bị xét xử. Thật thế tâm hồn họ sẽ không có bình an, nếu họ không sống yêu thương.
5. Tình yêu của Thiên Chúa, là tình yêu cho đi, cho đi chính con Một, cho đi tất cả để cho nhân loại có được sự sống. Tình yêu này mời gọi chúng ta là những người con biết cho đi làm quà tặng cho nhau, vì đó là tình yêu dâng hiến mà Chúa Cha muốn chúng ta – người con thực thi như Đức Giê-su hiến thân vì mạng sống vì người mình yêu.
6. Truyện: Tượng Thánh giá ban phép lành.
Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha có một tượng Thánh giá rất đặc biệt: Chúa Giê-su chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế đang ban phép lành.
Chuyện kể rằng: một lần, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh, vị Linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó, ra khỏi tòa giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục đành răn đe: “Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh”. Hối nhân ra khỏi tòa giải tội mà lòng trĩu nặng đau khổ.
Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị Linh mục dứt khoát: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha”. Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị Linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây Thánh giá, bàn tay phải của Đức Giê-su được rút ra khỏi lỗ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị Linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy với chính mình: “Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con”.
Kể từ đó, bàn tay phải của Đức Giê-su không gắn vào Thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi: “Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ”.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM: CHÂN THÀNH TIN KÍNH
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Tuần 2 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã phục hồi phẩm giá nguyên thủy cho nhân loại, để hết thảy chúng ta được hy vọng phục sinh, giờ đây, chúng ta chân thành tin kính, mừng Đức Kitô sống lại, xin cho chúng ta cũng hết lòng cảm mến đón rước Người.
Chân thành tin kính Đức Kitô sống lại, là trung thành tuân giữ những gì Chúa truyền dạy, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền đã cho thấy: Ai thắng và giữ cho đến cùng các việc Ta truyền, Ta sẽ ban cho người ấy quyền cai trị các dân: Người ấy sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt chúng, sẽ nghiền nát chúng như đồ sành đồ gốm. Đó là quyền mà chính Ta đã được Cha Ta trao cho. Ta sẽ ban Sao Mai cho người ấy. Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh.
Chân thành tin kính Đức Kitô sống lại, là hết lòng cảm mến đón rước Người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Lêô Cả đã nói: Chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Kitô là để được biến thành Đấng chúng ta rước lấy. Một khi cùng chết, cùng được mai táng và cùng sống lại với Người, chúng ta hãy luôn mang Người cả trong tâm trí lẫn trong thân xác chúng ta.
Chân thành tin kính Đức Kitô sống lại, là can đảm làm chứng cho Đức Kitô, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc các Tông Đồ bị tống ngục và khi được giải thoát, thì các ngài lại tiếp tục đứng trong Đền Thờ mà giảng dạy. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 33, vịnh gia cũng một niềm tin tưởng vào sự giải thoát của Thiên Chúa: Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhận lời. Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Người. Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan nói: Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Đức Kitô là Đấng Cứu Độ Duy Nhất của chúng ta, tin vào Người, chúng ta sẽ được hưởng ơn cứu độ. Chân thành tin kính Đức Kitô sống lại, là trung thành tuân giữ những gì Người đã truyền dạy, hết lòng cảm mến đón nhận thập giá để trở nên đồng hình đồng dạng với Người, và mạnh dạn làm chứng cho Người, cho dẫu, bị khinh chê, bị ngược đãi, bị bắt bớ. Ước gì chúng ta cảm nghiệm được tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa, khi Người ban chính Con Một của Người để cứu độ chúng ta, để chúng ta mau mắn đáp lại tình yêu đó bằng thái độ hoàn toàn tin tưởng, phó thác mọi sự trong bàn tay từ ái của Người. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
SUY NIỆM: CAO CẢ NỬA VỜI
“Người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng!”.
“Chúng ta có thể dễ dàng tha thứ cho một đứa trẻ sợ bóng tối, nhưng bi kịch thực sự của một cuộc đời là khi con người sợ ánh sáng!” - Platon.
Kính thưa Anh Chị em,
“Bi kịch thực sự của một cuộc đời là khi con người sợ ánh sáng!”. Nhận định của Platon phù hợp với câu nói khá xót xa của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, “Người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng!”.
Lời Chúa nói đến bóng tối và ánh sáng. Các tông đồ trong ngục tối được thiên thần dẫn ra ánh sáng. Tin Mừng tiếp tục trình bày cuộc đàm đạo trong đêm tối giữa Nicôđêmô và Chúa Giêsu, hai người nói về ánh sáng - điều làm con người nên cao cả - Thế nhưng, đó chỉ là một sự ‘cao cả nửa vời!’. Tại sao? Vì “Người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng!”.
Trong cuốn ‘Le Maître du désir’, ‘Thầy Dạy Khát Khao’, người viết dịch, cha Éloi Leclerc nhận định, “Nicôđêmô, một thầy dạy vị vọng, không chỉ đến vào ban đêm; ông ‘đến từ đêm’, ‘lộ ra từ đêm’ như một người khát khao ánh sáng canh thức trông chờ bình minh. Bởi lẽ, con người chỉ thực sự tồn tại trong chuyển động vốn đem nó lại gần ánh sáng; ở ngoài chuyển động ấy, con người chỉ là một ‘mảng đêm’ của thế giới. Nó chỉ tìm thấy mình trong chân lý bằng cách sinh ra trong ánh sáng. Đó là sự cao cả của nó! Nhưng đó là một sự ‘cao cả nửa vời’; bởi lẽ, trong mọi khoảnh khắc, con người có thể để mình bị chộp lại bởi các thế lực của bóng tối!”. Bằng chứng là mỗi ngày, bạn và tôi thích đọc, nghe và xem bao điều xấu xa hơn là điều tốt lành!
Dĩ nhiên, không phải ai cũng thế! Nhiều người không quan tâm đến bóng tối và những tội lỗi nổi cộm đó đây; nhưng thực tế là bóng tối luôn bủa vây chúng ta và điều đó nói lên một cảnh báo nhất định về bản chất của con người sa ngã. Biết được điều đó, chúng ta chiến đấu cho ánh sáng, chống lại bóng tối. Ánh sáng nơi chúng ta thật cao cả nhưng nó quá mong manh; vì lẽ, chúng ta dễ chiều theo bóng tối, dễ dàng để mình bị cuốn vào ‘màn đêm’ và cảm thấy ‘hạnh phúc’ ở đó; nhưng thật ra, chỉ là bất hạnh! Thật tốt khi bạn và tôi ý thức được điều này và xác định nó là một phần của xu hướng dễ sa ngã của bản thân, hầu một chỉ cậy trông vào Chúa; tìm cách đề phòng và tránh xa mọi cám dỗ đưa đến hỗn loạn, mất trật tự và vô kỷ luật.
Kính thưa Anh Chị em,
“Người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng!”. Là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta được kêu gọi yêu mến Ánh Sáng Giêsu; Ngài là ‘Vầng Dương’, ‘Định Tinh’ soi rọi cho mọi ‘hành tinh’ quay chung quanh Ngài. Không chỉ là Ánh Sáng, Ngài còn là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, Sự Cao Cả Đích Thực. Không có Ngài, ánh sáng của chúng ta chỉ là ánh sáng ảo; sự cao cả của chúng ta chỉ nửa vời nếu không nói là ‘thê thảm!’. Vì thế, ước muốn nên thánh, ước muốn sống một đời hoàn hảo có nghĩa là ngay cả những đam mê và ước vọng của bạn và tôi, cuối cùng, phải được cuốn hút về Chúa Kitô, Ánh Sáng đích thực của thế giới, của cuộc đời mỗi người.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con rơi vào “bi kịch thực sự” khi con sợ ánh sáng; khi con nuông chiều bóng tối khiến sự sáng, sự cao cả nơi con trở nên thê thảm hoặc nửa vời!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế