THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH Mc 16,9-15

Thứ tư - 23/04/2025 09:59
THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Mc 16,9-15

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mac-cô
9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.
12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. 13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.
14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. 15 Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

 SUY NIỆM: RAO GIẢNG TIN MỪNG PHỤC SINH
Trong khi các Thánh sử Matthêu, Luca và Gioan lần lượt trình bày cho chúng ta biết cách chi tiết, về từng lần hiện ra của Chúa Giêsu sau khi Ngài sống lại từ cõi chết, thì Thánh sử Maccô lại thâu tóm cả 3 lần hiện ra ấy trong một trang Tin mừng ngắn gọn được thuật lại hôm nay. Nhưng điều đáng nói là, kết thúc bài Tin mừng hôm nay, Thánh Maccô đã nhắc lại cho chúng ta nhớ lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Đối với Thánh Maccô, việc Chúa Giêsu hiện ra đến ba lần đã là quá đủ để chứng minh Ngài đã sống lại thật, đã là quá đủ để chúng ta cần và phải tuyên xưng niềm tin ấy, mà không cần phải giải thích gì thêm. Điều quan trọng lúc này là, mỗi người hãy rao giảng Tin mừng Phục sinh cho người khác, để những ai tin thì cũng được hưởng ơn cứu độ.
Vậy rao giảng bằng cách nào?
Thứ nhất là rao giảng bằng lời nói. Chúng ta đang sống trong một đất nước chủ trương là vô thần. Và việc Chúa Giêsu sống lại vẫn còn là dấu chấm hỏi rất lớn đối với nhiều người. Do đó, Thánh Phêrô khuyên chúng ta là những kitô, “hãy sẵn sàng trả lời cho những ai chất vấn về niềm tin của chúng ta” (1Pr 3,15) vào Đức Kitô phục sinh. Và mỗi người cũng hãy cam đảm nói cho người khác biết, Chúa chúng ta đã chết và đã sống lại như thế nào.
Thứ hai là rao giảng bằng đời sống. Ông bà ta thường nói: Lời nói lung lay còn gương bày thì lôi kéo. Chúa Giêsu cũng từng nhắn nhủ với chúng ta tương tự như thế: “Người ta sẽ nhìn thấy việc lành nơi các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5,16).
Thật vậy, chính đời sống của chúng ta là lời rao giảng hùng hồn và thuyết phục nhất. Do đó, là con cái Chúa, mỗi người hãy tiếp tục phát huy những nét đẹp đạo đức qua các thực hành đức tin hằng ngày, qua việc sống hiệp nhất, yêu thương và tha thứ cho nhau, qua lối sống ngay thẳng và thật thà trong việc làm ăn buôn bán… Mỗi người hãy trở nên ánh sáng bừng lên giữa đời thường, để mọi người tìm đến và ca tụng Thiên Chúa (x.Is 60, 1-6).
Và thứ ba là rao giảng bằng cầu nguyện. Có lần Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: Các con hãy cầu xin Chúa Cha để Ngài sai thêm nhiều thợ đến gặt lúa trong cánh đồng của Người (x.Lc 10,2). Còn Thánh Phaolô thì khuyên như sau:“Tôi khuyên ai nấy hãy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van Thiên Chúa, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2, 1.5). Do đó, mỗi người hãy cầu nguyện, để xin Chúa thúc đẩy tâm hồn chúng ta nhiệt thành rao giảng Tin mừng, và hãy cầu nguyện, để người ta biết mở lòng ra đón nhận ơn cứu độ.
Tóm lại, lời Chúa hôm nay nhắc nhớ chúng ta, tin trong lòng thì được nên công chính, nhưng có xưng ra ngoài miệng thì mới được ơn cứu độ (x.Rm 10,10). Mỗi người hãy dùng miệng lưỡi, đời sống và lời cầu nguyện của mình để làm chứng cho Tin mừng Phục sinh của Chúa Kitô.
Và đây là phần thưởng mà Chúa Giêsu dành cho những ai nhiệt thành loan báo Tin mừng: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Lc 12,8). Amen.
Lm. Antôn


SUY NIỆM: CHÚA LUÔN TIN TƯỞNG Ở CHÚNG TA
Trong bài đọc I hôm nay, chúng ta tiếp tục nghe lời chứng của Phêrô và Gioan trước công hội. Sự thay đổi nơi Phêrô và Gioan sau sự kiện Phục Sinh đã làm các thủ lãnh Do Thái, các kỳ mục và kinh sư ngạc nhiên. Họ ngạc nhiên vì thấy hai ngài “mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giêsu; đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào” (Cv 4:13-14). Chúng ta nhận ra ở đây một điều đáng suy gẫm, đó là khi những người “không học thức” để cho ánh sáng của phục sinh chiếu toả trên họ, hay nói một cách đơn giản, khi những người “bé mọn” để cho Chúa Giêsu Phục Sinh biến đổi mình thành con người mới, họ sẽ trở nên những nhân chứng thuyết phục đến nỗi những người tự xưng là “có học thức, có chữ nghĩa và có bằng cấp” không thể nào sánh với họ.
Đứng trước lời chứng đầy thuyết phục của Thánh Phêrô và Gioan, Thượng Hội Đồng phải công nhận lời chứng của các ngài: “Ta phải xử làm sao với những người này? Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giêrusalem, và ta không thể chối được” (Cv 4:16). Tuy nhiên, họ không muốn ra khỏi sự chai đá của họ. Họ không muốn đối diện với sự thật là họ đã sai trong việc đóng đinh Chúa Giêsu. Điều này cũng thường xảy ra trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta để lòng chúng ta trở nên chai đá dù chúng ta thấy Chúa đã thực hiện thật nhiều phép lạ cho chúng ta. Nói cách khác, nhiều lần chúng ta không chấp nhận mình sai. Chúng ta luôn cho anh chị em chúng ta sai và ngăn cấm họ làm những điều tốt nhân danh Chúa vì chúng ta sợ người anh chị em của mình có tầm ảnh hưởng rộng hơn mình. Đừng sợ anh chị em của mình có ảnh hưởng tốt trên người khác hơn mình. Nhưng hãy sợ chính mình không ảnh hưởng tốt trên người khác, hay để người khác ảnh hưởng xấu trên mình.
Đứng trước thái độ chống đối và đe doạ của Thượng Hội Đồng, Thánh Phêrô và Gioan không sợ hãi. Chính sự can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu, làm chứng cho sự thật của các ngài mà “ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra” (Cv 4:21). Điều đáng ngạc nhiên ở đây là mọi người không ca ngợi tôn vinh Thánh Phêrô và Gioan, nhưng là tôn vinh Thiên Chúa. Điều này xảy ra vì Thánh Phêrô và Gioan không để cho cái bóng của mình che mờ Đấng họ làm chứng. Hay nói theo ngôn từ của bài đọc là các ngài nghe lời Thiên Chúa hơn là nghe lời con người (x. Cv 4:19). Và điều Thiên Chúa muốn là họ phải làm chứng cho “những gì tai đã nghe, mắt đã thấy” (Cv 4:20). Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: khi chúng ta làm việc cho Chúa [khi chúng ta phục vụ], đừng tìm vinh danh cho chính mình, đừng để cho cái bóng của mình che khuất bóng Thiên Chúa. Khi người đời tôn vinh chúng ta hơn là tôn vinh Thiên Chúa qua việc phục vụ của mình, chúng ta cần xem xét lại liệu chúng ta đang rao giảng về Thiên Chúa hay đang rao giảng về chính mình.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Máccô thuật lại cho chúng ta những lần Chúa Giêsu hiện ra. Theo các học giả Kinh Thánh, đây là phần kết dài và nguyên thuỷ không thuộc về Tin Mừng vì ngôn từ và cách viết hoàn toàn khác với phần còn lại của Tin Mừng. Đoạn này có thể xuất hiện vào thế kỷ thứ hai và là một bản tóm lược những lần Chúa Giêsu hiện ra được trình thuật trong Tin Mừng Thánh Luca (chương 24) với một ít ảnh hưởng của Tin Mừng Thánh Gioan (chương 20). Chúng ta thấy bài Tin Mừng bao gồm ba lần hiện ra: (1) với Maria Mácđala (Mc 16:9-11//Mt 289-10; Lc 2410-11; Ga 20:14-18); (2) với hai môn đệ đang trên đường về quê (Mc 16:12-13//Lc 24:13-35); và (3) với nhóm Mười Hai và sai các ông đi rao giảng (Mc 16:14-15//Lc 24:36-43). Chúng ta cùng nhau suy gẫm trên ba sự kiện này để rút ra những bài học cho ngày sống của mình.
Sự kiện hiện ra với Maria Mácđala giúp chúng ta hiểu rằng mầu nhiệm phục sinh phải trở thành một sứ mệnh, phải được công bố: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin” (Mc 16:9-11). Sau khi gặp Chúa Giêsu phục sinh, điều đầu tiên là bà về báo cho các môn đệ biết. Nhưng họ không tin. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng khi chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu, không phải ai cũng đón nhận lời chứng của chúng ta. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta nản chí và bỏ cuộc. Những khó khăn trong đời sống làm chứng giúp chúng ta trở nên sáng tạo, yêu thương, cảm thông và tha thứ hơn.
Đề tài sự phục sinh trở thành sứ mệnh được lặp lại trong hình ảnh của hai môn đệ trên đường về quê: “Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này” (Mc 16:12-13). Chi tiết cần lưu ý ở đây là việc Chúa Giêsu “hiện ra dưới một hình dạng khác.” Điều này khuyến cáo chúng ta rằng Chúa Giêsu có thể đến với chúng ta dưới nhiều hình dạng khác nhau: trong người nghèo, trong người bị bỏ rơi, trong người đang than khóc, v.v. Ngài luôn muốn đồng hành với chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Liệu chúng ta có con mắt thể lý và con mắt con tim để nhận ra Ngài đang hiện diện dưới những hình dạng khác nhau không?
Bài Tin Mừng kết thúc với việc Chúa Giêsu hiện ra trong bối cảnh bữa ăn, khiển trách, tha thứ và sai các ông đi loan báo Tin Mừng: “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo’” (Mc 16:14-15). Sự kiện này mang lại cho chúng ta sự an ủi. Dù chúng ta có cứng lòng tin như các môn đệ, nhưng Chúa Giêsu vẫn đến và mời gọi chúng ta trở thành những nhân chứng Tin Mừng của Ngài. Chúng ta có đón nhận lời mời gọi này không dù biết mình là những con người lầm lỗi và yếu đuối.
Lm. Ngọc Dũng, SDB


SUY NIỆM: NIỀM TIN PHỤC SINH LÀM THAY ĐỔI LỐI SỐNG
Thánh Phao-lô đã từng khẳng định: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em nữa cũng trống rỗng… và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1 Cr 15,14.17). Sự kiện Phục sinh là nền tảng đức tin và hy vọng của chúng ta. Tuy nhiên, đây không phải là một chuyện dễ tin, ngay cả với các Tông Đồ, dù họ đã được nghe Chúa Giê-su báo trước nhiều lần khi Ngài còn ở với các ông, dù có những người trong nhóm làm chứng mình đã thấy Thầy sống lại.
Thánh Mác-cô hôm nay cho thấy sự buồn lòng của Đấng Phục sinh, Ngài đã hiện ra với các ông và trách móc các ông cứng lòng, đã không tin những người đã thấy Người sống lại. Đức Giê-su phục sinh hiện ra trước tiên cho bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Bà đi báo tin Thầy sống lại cho những môn đệ đang buồn bã khóc lóc, nhưng họ không tin. Tiếp đến, Đức Giê-su tỏ mình cho hai môn đệ khi họ trên đường về quê. Khi hai ông này báo tin cho những môn đệ khác, thì họ cũng không tin. Để rồi hôm nay, Đức Giê-su đích thân tỏ mình cho nhóm Mười Một. 
Họ không tin, bởi tâm hồn họ còn trĩu nặng với bản tin Thứ Sáu tuần thánh, lớp sương mù dày đặc nghi nan chán nản đã khiến họ không đọc được sứ điệp mà Đức Giê-su đã từng loan báo “Ngài phải chịu khổ rồi mới vào vinh quang Phục sinh”, “Ngài phải chịu nhiều đau khổ… nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại”. Dường như ở lại trong nỗi thất vọng, buồn phiền thì dễ hơn sống lạc quan vui tươi. Các môn đệ không ra khỏi được nỗi đau do cái chết của Thầy. 
Nhưng Đức Giê-su Phục sinh vẫn không bỏ rơi các học trò cứng cỏi của mình. Ngài kiên trì chinh phục họ bằng cách đến với họ và dùng bữa. Ngài đưa họ ra khỏi thế giới nhỏ bé của họ và giao cho họ một sứ mạng lớn lao: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.
Tin Đức Giê-su Phục sinh cũng không dễ đối với chúng ta hôm nay. Có lẽ chúng ta mới chỉ tuyên xưng bằng môi miệng, còn lòng chưa thực sự xác tín. Bởi nếu thực sự tin vào sự phục sinh ở đời sau, chắc chắn chúng ta sẽ sống khác: thanh thoát hơn, nhẹ nhàng hơn, quảng đại hơn, vui tươi hơn… Nhiều khi chúng ta vẫn loan báo Tin Mừng với vẻ mặt buồn bã, vẫn nói về đời sau mà lòng còn quá nặng với vinh hoa đời này. 
Sứ điệp Phục sinh chỉ được loan báo cách trọn vẹn khi giữa những đau khổ, thử thách, các ki-tô hữu vẫn thể hiện được niềm tin tưởng phó thác vào tình yêu của Chúa; khi giữa những cảnh đời xâu xé chối bỏ lẫn nhau, các ki-tô hữu vẫn một mực sống yêu thương, quảng đại, quên mình. Ước gì, cả cuộc sống chúng ta trở thành sứ điệp Phục sinh cho mọi người, để làm tròn sứ mạng Thầy trao phó “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.
Lm. Giu-se Vũ Công Viện


SUY NIỆM: RAO GIẢNG ĐỨC KI-TÔ PHỤC SINH
1. Phần cuối của Tin Mừng thánh Mác-cô (cũng không do Mác-cô viết, và do ai đó viết thêm vào) ghi tóm lược ba cuộc hiện ra chính của Đức Giê-su sau khi sống lại:
– Đức Giê-su Phục sinh hiện ra cho bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, cho hai môn đệ ở Em-mau và nhóm Mười Một (Mc 16,9-14),
– Đức Giê-su Phục Sinh  sai các Tông đồ đi rao giảng và hứa cho các ông được làm dấu lạ (Mc 16,15-18).
– Đức Giê-su Phục Sinh lên trời, còn các Tông đồ thì chăm lo rao giảng (Mc 16,19-20).
Đoạn Tin mừng hôm nay ghi lại những lần Chúa Phục Sinh hiện ra và sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng.
2. Các môn đệ lúc đầu đã không tin mặc dù đã nghe các phụ nữ kể lại việc Đức Giê-su hiện ra. Các ông cũng vẫn không chịu tin khi nghe thêm hai môn đệ thuật lại cuộc gặp gỡ của họ với Đấng Phục Sinh. Phải tới lúc Chúa đến thì các ông mới tin. Xét như vậy thì chúng ta thấy  đức tin không do suy luận, cũng không do có sằn chứng người ta kể lại, nhưng đức tin là việc Chúa làm, do Chúa ban.
Theo Tin Mừng, sau khi khiển trách các môn đệ về thái độ cứng lòng tin của họ, Đức Giê-su đã củng cố lại niềm tin đó, rồi Ngài mới sai các ông đi rao giảng. Rao giảng là chia sẻ niềm tin của mình cho người chưa tin hay còn yếu đức tin.Vì thế, phải tin rồi mới đi rao giảng. Các môn đệ đã có đức tin rồi, nên Chúa tin tưởng trao trách nhiệm loan báo Tin Mừng của Chúa để loan báo lại cho những người khác.
3. Ở đây, chúng ta thấy cách Đức Giê-su hành động: Ngài sai người được Ngài hiện ra đem Tin Mừng Phục sinh đến cho người khác. Những thế hệ Kitô đến sau chắc chắn không thể nhìn thấy trực tiếp Đức Giê-su, nhưng phải qua trung gian của các Tông đồ là những người đã được nhìn thấy Chúa. Đó là hoàn cảnh của mọi Kitô hữu hôm nay: tin Chúa nhờ lời chứng  của những người đã được củng cố trong niềm tin. Chính  Đức Giêsu đã nhìn thấy điều ấy, do đó trong lần hiện ra cho các Tông đồ như được kể lại nơi Tin Mừng Gio-an, Ngài đã nói: ”Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
4. Niềm tin vào Đấng Phục Sinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả  một cách sống mới trong cộng đồng. Sách Công vụ Tông đồ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới trong Đấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Đấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau. Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và huynh đệ (Mồi ngày một tin vui).
5. Tin vào Chúa Phục Sinh không phải tin rồi ngồi đó, mà phải đem Tin Mừng ấy đến cho tha nhân, như bài Tin Mừng hôm nay nói đến điều đó. Sau khi hiện ra với các môn đệ. Đức Giê-su bảo các ông: ”Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Khi các Tông đồ nhận được niềm vui phục sinh của Thầy mình, họ thay đổi hẳn thái độ. Thay vì sợ hãi, yếu tin luôn trốn tránh ban đầu khi Thầy chết, họ đã mạnh mẽ dám công nhiên tuyên bố rằng thời điểm Thiên Chúa thi ân nay đã đến như Đức Giê-su đã báo trước. Họ tin rằng Đức Giê-su đã “sống lại” và “Nước của Thiên Chúa “ đã đến.
Niềm vui Phục Sinh cần được diễn tả bằng đời sống chứng nhân, ánh sáng Phục Sinh phải được chiếu tỏa ra cho môn dân. Ánh sáng tự nó phải phản chiếu – không có niềm vui Phục sinh thật nếu không ra đi loan báo Tin Mừng.
6. Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Đấng Phuc sinh, Ngài chỉ thực sự được nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo hội lặp lại cử chỉ trao ban của Đức Giê-su, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn dung mạo của Đấng Phục Sinh, nếu nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ thể của Giáo hội và của các Ki-tô hữu. Cuộc đời của người tín hữu Kitô phải là một Thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Đấng Phục Sinh.
7. Truyện: Giáo hội cần Tông đồ giao dân.
Số giáo dân thêm nhiều, và hầu hết các họ đạo đứng vững được trong thử thách, dù lâu ngày vắng Linh mục, một phần lớn còn là nhờ hoạt động tông đồ giáo dân của một số người nhiệt thành với công cuộc của Nước Chúa.
Ở Trại Mỹ (Chaimi) tỉnh Quãng Ngãi, cha Đắc Lộ gặp gia đình ông cụ Phao-lô và bà Mô-ni-ca. Tuy bị lòa cả hai mắt, nhưng ông cụ rất nhiệt thành truyền giáo. Cụ thật là linh hôn sống động của họ đạo đó. Các ngày chủ nhật và lễ trọng, cụ họp giáo dân trong căn nhà, trong khu nhà cụ và cụ giảng dạy khuyên răn họ.
Cụ còn giúp cho họ tất cả phương tiện cần thiết để bảo vệ đức tin họ đã lãnh nhận. Lòng nhiệt thành của cụ  lan rộng ra  với tất cả những người ngoại đạo và giúp được nhiều người sẵn sàng chịu phép rửa. Thiên Chúa lại cho cụ quyền trên cả ma quỉ. Những người bị quỉ ám vùng đó đều được cụ trừ quỉ (Lm. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam).
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM:
Đây là bản tường thuật duy nhất của thánh sử Máccô về biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Bài tường thuật ngắn gọn nhất nhưng lại tóm tắt tất cả các cuộc hiện ra. Thánh sử Máccô nói rõ rằng, các môn đệ không tin Chúa sống lại qua những người đã gặp Chúa kể lại, mà các ngài chỉ tin khi chính các ngài tận mắt chứng kiến Chúa Giêsu hiện đến với mình. Từ đó, các ngài nhận lệnh truyền ra đi rao giảng minh chứng về những điều mắt thấy tai nghe và lòng cảm nhận về Đấng Phục Sinh.
Chính sự cứng lòng tin của các Tông Đồ và môn đệ mà đức tin của chúng ta được củng cố chắc chắn hơn.
Các tông đồ và môn đệ Chúa Giêsu không dễ gì tin vào việc Thầy đã phục sinh, dứt khoát không dựa vào tin đồn, chỉ khi đã được gặp chính Thầy bằng xương bằng thịt, được chính Thầy mở trí cho hiểu Thánh Kinh rồi các ông mới tin, từ đó các ông xả thân rao giảng Tin Mừng và sẵn sàng chết để minh chứng niềm tin đó. Chính vì vậy, có thể nói được rằng, điều đáng trách về sự cứng lòng của các Tông Đồ và môn đệ Chúa Giêsu trước khi gặp Thầy sống lại và sự xả thân đổ máu làm chứng cho Đấng Phục Sinh là bằng chứng củng cố cho đức tin của chúng ta ngày hôm nay vào sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô.
Niềm tin vào sự Phục Sinh chỉ thật chắc chắn và mạnh mẽ khi chúng ta gặp được chính Đấng Phục Sinh, chứ không phải chỉ nghe nói hay qua những tin đồn.
Đây cũng là điều giúp chúng ta phân định đâu là thật đâu là giả về những thứ mặc khải ngày hôm nay được tuyên truyền nhan nhản khắp nơi: Nếu mặc khải nào cho thấy Chúa Giêsu trong Thánh Kinh, trong các bí tích và theo hướng dẫn của Giáo Hội được Chúa Giêsu ủy thác thì tin, còn những tin đồn không qua huấn quyền Giáo Hội thì nên tránh xa. Tuy nhiên, không ít trong chúng ta lại dễ bị những thứ lạ lẫm kia mê hoặc.
Tin vào Chúa Phục Sinh không phải tin rồi ngồi đó, mà là phải đem Tin Mừng ấy đến cho tha nhân, như trong bài Tin Mừng hôm nay nói lên điều đó.
Sau khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu bảo các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Niềm vui Phục Sinh cần được diễn tả bằng đời sống chứng nhân, ánh sáng Phục Sinh phải được chiếu tỏa ra cho muôn dân. Ánh sáng tự nó phải phản chiếu – không có niềm vui Phục Sinh thật nếu không ra đi loan báo Tin Mừng.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một niềm tin sắt đá vào sự Phục Sinh, để chúng con hăng hái đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho mọi người chúng con gặp gỡ. Amen
Hiền Lâm

SUY NIỆM:
Hôm nay là ngày cuối của tuần bát nhật phục sinh, GH như muốn chúng ta cùng với thánh Mác-cô tổng kết lại về những lần hiện ra của Chúa phục sinh. Thánh sử Mác-cô tóm gọn lại những lần hiện ra của Chúa phục sinh như sau:
– Trước hết Người hiện ra với bà Maria Mađalêna, bà đi báo tin vui cho các môn đệ đang buồn thảm khóc lóc, nhưng họ không tin.
– Tiếp đến Người hiện ra với hai môn đệ (Clêophas và Luca), hai ông trở về báo tin mừng cho anh em mình, nhưng họ cũng không tin.
– Sau hết, Chúa hiện ra với 11 tông đồ đang ngồi ăn, Chúa khiển trách các ông cứng lòng. Sau đó sai các ông ra đi khắp thế gian rao giảng Tin mừng cho muôn loài.
Qua đó cho thấy rằng để tin vào Chúa phục sinh không phải là chuyện một sớm một chiều nhưng cần phải có thời gian. Chính Chúa cũng phải kiên nhẫn thuyết phục các môn đệ rất nhiều lần, bằng nhiều cách và ở nhiều nơi khác nhau.
Hiểu được như thế, chúng ta mới không thất vọng trước những thất bại trong việc loan báo tin mừng, bởi vì việc thuyết phục người khác tin vào Tin mừng phục sinh không phải là chuyện dễ dàng chút nào nên đòi buộc chúng ta phải cố gắng thật nhiều.
Trước hết bản thân người rao giảng tin mừng phải có một đức tin kiên vững vào Chúa. Bởi vì có xác tín niềm tin vào Chúa, ta mới dám sống chết cho sứ mạng loan báo tin mừng, như thánh Phêrô và Gioan đã xác quyết trong bài đọc 1: “Trước mặt Chúa, các ngài hãy xét coi: nghe các ngài hơn nghe Chúa, có phải lẽ không? Vì chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe”. 
Sau nữa là phải kiên nhẫn trong việc loan báo Tin mừng, không nên nóng vội vì “mưa dầm thấm đất”. Đó cũng là kinh nghiệm bản thân của các tông đồ xưa và của GH trãi qua hơn 2000 năm qua.
Chúa đã trao ban cho chúng ta sứ mạng làm chứng cho Chúa trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội.  Xin cho chúng ta biết noi gương các thánh tông đồ, vâng nghe lời Chúa biết hy sinh dấn cho công cuộc rao giảng tin mừng, cho dẫu phải đối mặt với những khó khăn, ngay cả nguy hại đến mạng sống.
Lm Seoka

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây