THỨ SÁU TUẦN II PHỤC SINH - Ga 6,1-15

Chủ nhật - 27/04/2025 09:34
THỨ SÁU TUẦN II PHỤC SINH
Ga 6,1-15
 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan
1 Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. 2 Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật.
3 Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. 5 Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người.
Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn ?” 6 Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. 7 Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”.
8 Một trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: 9 “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”.
10 Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. 11 Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích.
12 Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. 13 Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.
14 Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Đấng Tiên tri phải đến trong thế gian”. 15 Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

SUY NIỆM:
Sứ điệp: Để làm phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi sống trên năm ngàn người ăn no nê, Chúa Giêsu cần đến sự đóng góp nhỏ nhoi của con người. Ngài mời gọi ta góp phần của mình trong công cuộc cứu độ nhân loại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, dù biết việc mình sẽ làm, Chúa vẫn hỏi ông Phi-líp-phê tìm đâu ra bánh. Chúa muốn các tông đồ cộng tác với Chúa. Và ông An-rê đã tìm được một bé trai có năm chiếc bánh và hai con cá. Đây là thức ăn của người nghèo, nhưng cậu bé cũng đã quảng đại dâng tất cả cho Chúa.
Lạy Chúa, với năm chiếc bánh và hai con cá đó, Chúa đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi sống trên năm ngàn người ăn no nê. Quyền năng của Chúa có thể làm được tất cả mọi sự, không cần ai góp sức. Thế nhưng Chúa vẫn mời gọi, vẫn chờ đợi sự đóng góp của con người, và sự đóng góp dù rất tầm thường nhỏ bé, Chúa vẫn nhận và làm phát sinh hậu quả dồi dào tốt đẹp.
Lạy Chúa, ngày nay, xuyên qua những biến cố trong cuộc sống hằng ngày, trong một thế giới còn rất nhiều người đang đói khát vật chất và tinh thần, con biết Chúa vẫn đang chờ đợi con đóng góp phần của mình để xoa dịu những cơn đói khát khổ đau ấy: có thể là một ly nước lã cho người đang khát, một chén cơm cho người đang đói, hay một chiếc áo cho người đang lạnh, có thể là một lời ủi an cho người đang đau khổ, một nụ cuời thân ái cho người bất hạnh, và ngay cả một lời thứ tha cho kẻ thù. Xin cho con luôn thiết tha cộng tác với Chúa trong công cuộc cứu độ nhân loại. Và xin cho con luôn ghi nhớ mỗi ngày ít ra con phải làm một việc thiện nào đó để góp phần xây dựng thế giới hoà bình hôm nay. Xin Chúa giúp con. Amen.
Ghi nhớ: “Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”.
TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM: TÌNH CHÚA YÊU TA
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Trình thuật này không chỉ diễn tả cho chúng ta thấy quyền năng của Thiên Chúa, nhưng còn hàm chứa nhiều ý nghĩ sâu xa khác. Một trong những ý nghĩa đó là, minh chứng cho ta thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
Khi thuật lại phép lạ này, Thánh sử Gioan đã khéo léo diễn tả cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa mang hai đặc điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu rất thực tế. Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người không nằm nơi đầu môi chót lưỡi. Tình yếu ấy cũng không chỉ lẩn quẩn trong trái tim của Ngài. Tin mừng nói rõ, Ngài không chỉ chạnh lòng thương nhưng đã hành động, đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều.
Thật vậy, tình yêu mà không có hành động chỉ là một tình yêu khô cứng. Cho nên, khi nói đến mến Chúa và yêu người, thì ta phải nghĩ ngay đến việc tôi phải làm gì để minh chứng cho điều ấy. Cha mẹ, vợ chồng, con cái và anh chị em ruột thịt, là những người tôi yêu thương nhất; vậy tôi đã làm gì để chứng minh là tôi yêu thương họ? Và tôi đã làm gì để chứng tỏ tôi yêu giáo xứ của tôi, yêu Giáo Hội và đồng loại của mình?
Tình yêu mà chúng ta dành cho nhau cần những cái thực tế như vậy thưa anh chị em. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại điều ấy, và mỗi người hãy tự trả lời cho chính mình.
Điểm nổi bật thứ hai, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu quảng đại với hết mọi người.
Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều không chỉ để cho các tông đồ hay cho những người Ngài thương mến, nhưng cho tất cả mọi người. Ngài không phân biệt trong đám đông năm ấy ai giàu ai nghèo. Ngài cũng không quan tâm những ai theo Ngài vì lòng yêu mến, và những ai theo Ngài chỉ để bắt bẻ Ngài. Tình yêu của Chúa là vậy: không phân biệt, không điều kiện.
Chúng ta cũng được mời gọi sống tình yêu kitô giáo một cách quảng đại như thế với hết mọi người: không phân biệt lương hay giáo, lạ hay quen, giàu hay nghèo, thù hay bạn…
Ước gì một khi chúng ta nhận ra được tình yêu mà Chúa dành cho mình là một  tình yêu thực tế,  tình yêu quảng đại; thì mỗi người cũng hãy sống yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng ta. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM: CHÚA GIÊSU - BÁNH HẰNG SỐNG
Bài đọc 1 tiếp tục trình bày cho chúng ta cuộc họp của Thượng Hội Đồng để xét xử Phêrô và các môn đệ. Điều làm chúng ta suy gẫm là lời nói của Gamaliên và sự vui mừng của các Tông Đồ vì được chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Trong hình ảnh của Gamaliên, “một kinh sư được toàn dân kính trọng” (Cv 5:34), chúng ta thấy Thiên Chúa ban cho ngay cả những người chống đối sự khôn ngoan để bảo vệ những chứng nhân của Ngài. Lời nói của ông đã thuyết phục Thượng Hội Đồng. Những lời đáng suy gẫm của ông là: “Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa” (Cv 5:38-39). Trong những lời này, chúng ta đọc thấy một sự thật là: sự gì đến từ Thiên Chúa sẽ trường tồn, còn những gì đến từ con người sẽ chóng qua như cây cỏ; những gì đến t Thiên Chúa thì dù con người có muốn phá huỷ cũng không thể, còn những gì do người phàm thì tự nó sẽ bị diệt vong. Những chi tiết này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc tìm kiếm những gì thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta không cần phải ghen tỵ và so sánh với sự hưng thịnh của người khác, vì nếu điều đó đến từ Thiên Chúa thì chúng ta không bao giờ có thể dập tắt, còn nếu là của người phàm, thì nó sẽ tự sụp đ, chúng ta không cần phải bận tâm.  
Chi tiết thứ hai chúng ta có thể suy gẫm là thái độ của các Tông Đồ khi bị ngược đãi vì danh Chúa Giêsu: “Họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giêsu, rồi thả các ông ra. Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5:40-41). Các Tông Đồ vui không phải vì bị đánh đòn hoặc cấm giảng dạy, nhưng hân hoan vì cảm thấy mình được coi là những người xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Chính vì niềm vui này mà các Tông Đồ tiếp tục “vâng phục Thiên Chúa hơn người phàm,” nên “mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Kitô Giêsu” (Cv 5:42). Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ của mình khi chúng ta đối diện với đau khổ và những thử thách trong cuộc sống. Những giây phút ấy, chúng ta có thấy mình gần Chúa không? Chúng ta có cảm thấy hãnh diện vì được xem là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu không? Hay chúng ta cảm thấy xấu hổ khi chịu đau khổ vì danh Ngài?
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu bài giảng của Chúa Giêsu về bánh hằng sống (Ga 6:1-71). Đây là một trong những chương dài trong Tin Mừng Thánh Gioan. Bài giảng này có sự tương đồng với những sự kiện được Thánh Máccô thuật lại trong 6:30-54 và 8:11-33. Những sự kiện đó bao gồm: (1) hoá bánh cho năm ngàn người ăn (Ga 6:1-15; Mc 6:30-44); (2) Chúa Giêsu đi trên biển (Ga 6:16-24; Mc 6:45-54); (3) đòi một dấu lạ (Ga 6:25-34; Mc 8:11-13); (4) bình luận về bánh hằng sống (Ga 6:35-59; Mc 8:14-21); (5) lời tuyên xưng của Phêrô (Ga 6:60-69; Mc 8:27-30); (6) [tiên báo về] cuộc thương khó (Ga 6:70-71; Mc 8:31-33). Những hình ảnh [biểu tượng] về Chúa Giêsu như Đấng cung cấp “nước hằng sống” trong chương 4 và bánh từ trời được phát triển cùng với nền Kitô học của Thánh Gioan như một vị vua – ngôn sứ theo Môsê. Đối với thánh sử, toàn bộ câu chuyện về bánh hằng sống trở thành một cuộc đối diện khác giữa đám đông không tin và Đấng đến từ trời với lời ban sự sống. Cấu trúc của bài Tin Mừng hôm nay như sau: (1) bối cảnh xa (Ga 6:1-4); (2) bối cảnh gần: Chúa Giêsu đối thoại với các môn đệ (Ga 6:5-10); (3) Chúa Giêsu thực hiện phép lạ (Ga 6:11-13); (4) phản ứng của dân chúng và hành động của Chúa Giêsu sau phép lạ (Ga 6:14-15). Chúng ta cùng nhau suy gẫm trên những điểm mà cấu trúc Tin Mừng đã gợi ý cho chúng ta.
Trước tiên, chúng ta cần lưu ý rằng Thánh Gioan đã nới rộng phần giới thiệu bằng việc thêm vào đó những chi tiết sau: (1) một cột móc không rõ ràng về thời gian [“sau những điều này”]; (2) một nơi chốn cụ thể [“bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria.”]; (3) động lực của đám đông tìm đến Chúa Giêsu [“Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm.”]; (4) thời điểm quy chiếu [“Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái.”]. Trong phần này, điều đáng để chúng ta suy gẫm là động lực của đám đông đến với Chúa Giêsu. Thánh Gioan trình bày rõ ràng cho chúng ta là đám đông đến với Chúa Giêsu vì họ thấy ‘những dấu lạ người làm cho những kẻ đau ốm,’ nói cách khác là họ nhìn thấy Chúa Giêsu chữa lành những kẻ đau ốm. Như chúng ta biết, một trong những hành động quan trọng trong Tin Mừng Thánh Gioan là ‘thấy.’ Tuy nhiên, ‘thấy’ chỉ mới là bước đầu của tin. Đám đông đến với Chúa Giêsu chỉ vì ‘thấy’ Ngài thực hiện những dấu lạ chứ chưa biết và tin Ngài. Điều này được chỉ rõ trong phần kết của bài Tin Mừng, đó là họ chỉ nhận ra Ngài như một vị ‘ngôn sứ’ giống như Môsê, người đã cho dân Israel bánh ăn trong sa mạc. Chúng ta cũng đến với Chúa mỗi ngày [hoặc mỗi tuần], nhưng động lực của chúng ta là gì? Nhiều người trong chúng ta đã ‘thấy’ nhiều dấu lạ Chúa thực hiện mỗi ngày trong cuộc đời của mình [hay của người thân], nhưng chúng ta đã đóng cửa lòng mình lại, chúng ta không nhận ra Ngài và đặt trọn niềm tin yêu phó thác vào tay Ngài. Chúng ta chỉ đến với Chúa chỉ vì chúng ta cần những nhu cầu của mình được đáp ứng, chứ chúng ta không đến với Ngài vì tin yêu Ngài.
Bối cảnh gần của phép lạ là một cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, cụ thể là với Philipphê và Anrê. Chúng ta viết lại cuộc đối thoại này như sau:
Chúa Giêsu [“Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mìnhNgười hỏi ông Philípphê]: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” [“Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi]
Ông Philípphê: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” 
Anrê: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” 
Chúa Giêsu: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” [Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn]
Trong phần phép lạ, chúng ta đọc thấy như sau: “Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi. Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng” (Ga 6:11-13). Điều đáng để chúng ta lưu ý là sự tương phản và tiếp nối giữa hành động của Chúa Giêsu và các môn đệ. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, chính Chúa Giêus là người phân phát cho dân chúng bánh và cá sau khi đã dâng lời tạ ơn. Các môn đệ chỉ là những người đi thu lại những gì Chúa Giêsu đã phân phát. Điều này khác với Tin Mừng Nhất lãm là Chúa Giêsu dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ đi phân phát cho dân chúng và cũng chính các môn đệ đi thu lại những gì Chúa Giêsu đã bẻ ra và các ông phân phát. Chúng ta rút ra từ những chi tiết này điều để suy gẫm là: Chúa Giêsu luôn là Người trao ban chính mình và mọi sự cho chúng ta. Về phần chúng ta, chúng ta chỉ cộng tác với Ngài trong việc phân phát những gì của Chúa Giêsu đã trao vào tay chúng ta cho anh chị em của mình. Sứ vụ của chúng ta là sự tiếp nối của sứ vụ Chúa Giêsu. Những gì chúng ta trao ban đều thuộc về Chúa Giêsu. Chỉ khi hiểu được điều này, sứ vụ của chúng ta mới sinh được nhiều hoa trái để mọi người được ăn no nê mà vẫn còn dư thừa.
Bài Tin Mừng kết thúc với phản ứng của đám đông sau khi nhìn thấy dấu lạ là: “Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! (Ga 6:14). Đứng trước sự hiểu lầm về chân tính của mình, Chúa Giêsu liền tránh mặt: “Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6:15). Đứng trước dấu lạ Chúa Giêsu thực hiện, dân chúng chỉ dừng lại ở những gì “thuộc về thân xác, thuộc về đất.” Vì vậy, họ không hiểu được thực tại trên trời mà qua dấu lạ Chúa Giêsu ám chỉ đến. Qua dấu lạ, họ chỉ dừng lại ở việc tuyên xưng Chúa Giêsu là một vị ngôn sứ như Môsê, người đã cho họ bánh ăn trong sa mạc. Họ không thể đạt đến việc tuyên nhận rằng, Ngài là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, là Con Thiên Chúa. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài của sự kiện để rồi không thể đọc và hiểu được điều Thiên Chúa nói với chúng ta. Hãy vượt qua những gì mà con mắt thể lý có thể nhìn, và nhìn với con mắt đức tin, chúng ta mới hiểu được những thực tại của Thiên Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB

SUY NIỆM:
Chắc chắn rằng, phép lạ “hóa bánh ra nhiều” là một sự kiện lịch sử. Bởi vì đây là sự kiện không chỉ được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại, mà Tin Mừng thứ IV cũng đã tường thuật một cách rất chi tiết về địa danh, thời gian và những nhân vật cụ thể trong phép lạ này. Câu chuyện được xảy ra trên núi, gần bờ biển hồ Galilêa, nơi Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng và chọn gọi bốn môn đệ đầu tiên. Thời gian của sự kiện là gần dịp lễ vượt qua của người Do-thái, và đối tượng là dân chúng đi theo người rất đông chừng hơn năm ngàn người đàn ông. Hai môn đệ được nhắc đến trong sự kiện này là Philípphê và Anrê: một vị được Chúa Giêsu hỏi thử về việc lấy đâu đủ bánh cho dân ăn, một vị phát hiện ra một em bé mang mấy cái bánh và báo cáo với Chúa Giêsu.
Hành động của Chúa Giêsu trong sự kiện hóa bánh ra nhiều hôm nay, bao gồm cùng lúc hai công việc của Đấng Cứu Thế, là chữa lành và nuôi dưỡng dân Người. Cả hai đều nói lên lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người đau khổ, vì họ vừa mang lấy bệnh tật thể lý vừa mang nặng bệnh tật tâm linh, vừa đói khát của ăn vật chất vừa đói khát của nuôi linh hồn. Hành động yêu thương của Chúa được cụ thể qua việc ra tay chữa lành các bệnh tật cho dân, và đặc biệt chạnh lòng thương hoá bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ.
Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đông đảo dân chúng đến với mình… Chúa Giêsu chạnh lòng thương (cái đói vật chất cũng như tinh thần của con người). Chúng ta cũng được mời gọi “ngước mắt lên” để nhìn thấy hoàn cảnh của mọi người mà cảm thông với họ, chứ không phải ru rú cho mình mà bất biết với mọi người xung quanh đang cần đến chúng ta.
Chúa Giêsu không dùng quyền năng để hô biến đem của ăn từ đâu tới, nhưng Người muốn con người cộng tác dâng lên của ăn từ bàn tay lao động của con người (nghề trồng trọt – bánh; nghề đánh lưới – cá). Phép lạ xảy ra khi biết đem chia sẻ cho nhau và cùng ngồi xuống ăn chung với nhau, chứ phép lạ không thể xảy ra khi chúng ta giữ khư khư năm chiếc bánh và hai con cá để ăn một mình.
Vì thế, Cần có tâm trạng “chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu trước những người kém may mắn, những người đói khát cả tinh thần lẫn vật chất (nghèo tinh thần là đói khát Lời Chúa và Thánh Thể…, nghèo đói vật chất là thiếu những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống).
Hành động như Chúa Giêsu là dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha rồi bẻ ra phân phát cho dân:
Chia sẻ: Giúp đỡ người khô khan trở về với Chúa, san sẻ phần mình cho kẻ đói nghèo trong mức độ có thể.
Tạ ơn: mỗi người dâng cho Chúa phần của mình, dâng lời tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta lương thực hắng ngày.
Bẻ ra: Mọi người đừng ăn một mình, nhưng hãy bẻ ra để chia cho những người khác thiếu may mắn hơn chúng ta.
Trao cho: Nhạy bén trước nhu cầu của người đang đói mà đến trao cho họ, chứ không đợi họ phải xin rồi mới cho.
Chúa muốn các môn đệ phải lo cho dân no đủ, chứ Chúa không bảo ông này bà kia cho họ ăn. Nghĩa là chính mỗi người chúng ta có liên đới trách nhiệm với mọi người xung quanh chúng ta (nơi giáo xứ, trường học, nơi làm việc) cả tinh thần và vật chất.
Về tinh thần: Có trách nhiệm về đức tin và đạo đức với cận nhân. Đó không phải chỉ là chuyện chỉ dành cho cha xứ, dành cho các giáo lý viên, mà là mọi người con Chúa đều mang trên mình sứ mạng phải truyền bá và làm chứng đời sống đức tin và đạo đức cho anh em.
Về vật chất: Biết chia cơm sẻ áo cho người thiếu thốn hơn mình. Đó không phải chỉ là việc của những nhà từ thiện, những tổ chức cứu trợ, mà là trong khả năng chung tay đóng góp của mình. 
Lưu ý, “cho” chứ không bảo họ phải mua của mình, không phải đưa ra lời khuyên bảo họ ra quán mà mua (như giải pháp của các môn đệ đưa ra).
Mọi người có tương quan liên đới và chịu trách nhiệm với nhau trong một giáo xứ, trong một trường học, trong nơi mình sống và làm việc, liên đới với đồng loại. Khi một thành viên trong giáo xứ làm điều xấu, thì thiên hạ đàm tiếu rằng nó là người của xứ đó, người của lớp đó, người của trường đó, người thuộc sự dạy dỗ của cha xứ đó, thầy cô đó… Và ngược lại, một người làm điều tốt, thì cũng liên đới như vậy… Chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ nhau sống đạo, giúp đỡ nhau sống đời. Chúng ta có bổn phận đưa tiễn và cầu nguyện cho người đã qua đời…
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mặc lấy tâm tình của Chúa, để không những có lòng cảm thương, mà còn biết cộng tác thiết thực với Chúa trong khả năng mình có thể, để xoá dần sự đói nghèo vật chất cũng như tinh thần của những người cần đến chúng con. Amen.
Hiền Lâm

SUY NIỆM:
Đến trần gian với sứ mạng Chúa Cha trao phó là cứu độ nhân loại khỏi nô lệ tội lỗi, nghĩa là chủ yếu về mặt tâm linh, nhưng không vì thế mà Chúa Giêsu quên đi nhu cầu thể chất của con người.
Thật vậy, Tin Mừng hôm nay thuật lại: khi “nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình”, Ngài liền hỏi môn đệ: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Thật ra, Ngài có thể để mặc họ trở về nhà với cái bụng lép xẹp, và chắc chắn chẳng ai lên tiếng trách móc Ngài. Nhưng Ngài không làm thế. Tình thương và sự nhạy cảm đối với đau khổ và hạnh phúc của con người đã thúc đẩy Ngài đáp ứng nhu cầu của họ. Đã khiến Ngài luôn sẵn sàng “mở rộng bàn tay và thi ân” cho chúng ta, điều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng “mở rộng bàn tay, cõi lòng của mình” để đón Ngài vào cuộc đời của chúng ta hay không mà thôi.
Bí tích Thánh Thể chính là một phép lạ mà Chúa Giêsu đang thực hiện mỗi ngày để từng người chúng ta có được nguồn lương thực. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người ở giữa chúng ta đi tham dự Thánh lễ nhưng lại chẳng cần hiệp lễ. Như vậy, chúng ta có khác gì một người đi tham dự một bữa tiệc, nhưng đến nơi, chẳng chịu ăn, cứ ngồi nhìn người khác ăn, thì điều chắc chắn là sau đó, phải mang bụng đói trở về nhà. Và nhiều lần “nhịn đói” như thế, sẽ trở thành “suy dinh dưỡng”, và hậu quả tất yếu đối với những người “suy dinh dưỡng” là họ sẽ không đủ sức để làm bất cứ việc lành nào, và rất dễ mắc bệnh, tức là phạm tội khi bị các “vi trùng” là các cơn cám dỗ của ma quỷ tấn công.
Chớ gì, khi tham dự Thánh lễ, tất cả chúng ta đều mở rộng tâm hồn mình để sẵn sàng đón Chúa vào lòng. Để một khi được liên kết cùng Chúa, chúng ta cũng biết mặc lấy tâm tình của Ngài, là tiếp tục lo lắng và chia sẻ cho anh em đồng loại. Và như vậy trong Chúa, chúng ta vượt qua được khó khăn và trở ngại trong cuộc sống. Và chúng ta tất cả đều được no thoả không chỉ bánh phần xác mà còn là lương thực nuôi sống linh hồn. Amen.
Lm. Phaolô Nguyễn Nguyên

SUY NIỆM: CON NGƯỜI SỐNG TRONG ÂN SỦNG CỦA THIÊN CHÚA
Trong cuộc sống, con người cần ăn cần uống mỗi ngày để nuôi sống bản thân. Nhưng, muốn có được lương thực đó, con người cần phải lao nhọc vất vả mới có. Đứng trước sức mạnh của tạo hóa và cuộc sống con người hay thay đổi, nếu chúng ta chỉ dựa vào sức riêng của mình để làm tất cả thì sẽ thất bại và uổng công, vì chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng và nhờ Ngài mà chúng ta mới có thể sống, tồn tại, và tất cả đều qui hướng về Ngài.
Thật vậy, sứ điệp lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy, phép lạ hóa bánh ra nhiều là sự cộng tác của con người với ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Phép lạ được khởi đi từ lòng thương xót của Chúa Giêsu khi thấy dân chúng đói khát. Nhưng tấm lòng quảng đại của một em bé sẵn sàng dâng “năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá” là điều kiện đủ để phép lạ xảy ra. Chúa Giêsu đã đón nhận tấm lòng nhỏ bé nhưng tinh thần lớn lao của em để kết hợp với lòng thương xót của Ngài, để làm nên phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng.
Do đó, Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ chúng ta hãy biết chia cơm sẻ bánh cho nhau, tức là sống với nhau trong tinh thần liên đới, trách nhiệm. Bên cạnh đó, chúng ta còn học được bài học tin tưởng, phó thác nơi Chúa, vì có Chúa là có tất cả.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết sống quảng đại, biết nghĩ đến người khác hơn là nghĩ đến bản thân mình; biết cộng tác với Chúa trong mọi hoàn cảnh dù thuận lợi hay khó khăn. Xin cũng ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con luôn vững tin vào quyền năng của Chúa.
Tu sĩ Giuse  Mai Văn Dương, SVD
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây