Thứ bảy tuần 15 thường niên.
"Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời đã phán".
Lời Chúa: Mt 12, 14-21
Khi ấy, các người biệt phái đi ra ngoài, bàn mưu kế chống lại Chúa Giêsu để hãm hại Người. Biết thế, Chúa Giêsu rời bỏ nơi ấy. Có nhiều kẻ đi theo Người, và ai có bệnh, đều được Người chữa lành. Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã chép rằng:
"Này là tôi tớ Ta đã chọn, là người Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thần trí ngự trên Người. Người sẽ rao giảng sự công chính cho dân ngoại. Người không cãi cọ hay dức lác, và không ai nghe tiếng Người ngoài đường phố. Người không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói, cho đến lúc Người khiến sự công minh được toàn thắng. Dân ngoại sẽ hy vọng vào danh Người".
Suy Niệm 1: Hài lòng về Người
Suy niệm :
Chúng ta đã từng thấy một Đức Giêsu đầy uy quyền
trong Bài Giảng trên núi và trong các phép lạ (Mt 6-9).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy một Đức Giêsu ở vào thế yếu.
Khi biết nhóm Pharisêu tìm cách giết mình thì Ngài lánh đi (c. 15).
Ngài đã lánh đi nhiều lần khi gặp chống đối và đe dọa.
Ngài lánh đi khi nghe tin Gioan bị nộp, rồi bị giết (Mt 4, 12; 14, 13).
Đức Giêsu không đối đầu với kẻ bách hại như Ngài đã dạy môn đệ (Mt 10, 23).
Ngài chỉ đón lấy cái chết khi Cha muốn.
Đức Giêsu có tiếng tăm nhưng cũng rất âm thầm.
Ngài chữa bệnh cho đám đông theo Ngài, nhưng lại muốn giữ kín (c. 16).
Ngài không muốn những phô trương rầm rộ, những biểu dương hoành tráng.
Đây là chọn lựa của Ngài ngay từ đầu sứ vụ
khi Ngài từ chối không nhảy xuống từ nóc đền thờ để người ta vỗ tay.
Và Ngài đã sống sự âm thầm này đến cuối đời
khi Ngài không bước xuống khỏi thập giá để được kẻ thù tin kính.
Sự phục sinh của Ngài có thể nói cũng là chuyện âm thầm,
vì Ngài chỉ hiện ra với các môn đệ của Ngài (1 Cr 15, 5-8).
Ngài chẳng hiện ra để đòi mạng Philatô, Caipha, Hêrốt…
Giáo hội nhỏ bé của Ngài cũng đã âm thầm lớn lên sau hai mươi thế kỷ.
Giáo hội này vẫn từ chối dùng quyền lực và bạo lực để xây dựng Nước Trời.
Các Kitô hữu đầu tiên đã thấy khuôn mặt người Tôi Trung nơi Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã làm trọn từng nét của người Tôi Trung này (Is 42, 1-4).
Đây là người được Thiên Chúa yêu mến, tuyển chọn và hài lòng,
là người có Thần Khí Thiên Chúa, để được sai đến với muôn dân.
Người Tôi Trung này sẽ loan báo công lý trước muôn dân,
và sẽ đưa công lý đến toàn thắng (c. 20).
Tuy nhiên việc loan báo của người Tôi Trung này lại không ồn ào.
“Người sẽ không cãi vã, không kêu to,
chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường” (c. 19).
Đức Giêsu đã loan báo Tin Mừng như một lời mời gọi.
Ngài không dùng quyền năng Cha ban để đe dọa hay làm hại ai,
nhưng để phục vụ mọi người trong âm thầm và khiêm hạ.
Không bẻ gẫy cây lau bị giập, không làm tắt tim đèn leo lét (c. 20).
Nâng niu những gì còn có chút hy vọng,
gìn giữ những sự sống mong manh và khơi dậy những thiện chí còn ẩn giấu.
Đó là điều Đức Giêsu vẫn làm khi đến với những người bị loại trừ,
những tội nhân và người thu thuế.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắn nhủ các Đức Giám mục Việt Nam
trong buổi triều yết ngày 27-6-2009 như sau:
“Trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau,
chỉ mong Giáo hội có thể góp phần xứng đáng vào sinh hoạt quốc gia,
vào việc phục vụ tất cả người dân.”
Xin cho chúng ta biết sống phục vụ như người Tôi Trung Giêsu
để “xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng.”
Cầu nguyện :
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: NIỀM HI VỌNG CHO MUÔN DÂN
Từ khi có xã hội loài người chưa có ngày nào không có chiến tranh. Hòa bình luôn là một khao khát không bao giờ đạt tới. Xây dựng hòa bình đường như là một công việc vô ích làm nản lòng những tâm hồn thiện chí nhất. Tại sao con người mơ ước hòa bình nhưng không bao giờ đạt tới hòa bình? Thưa vì con người chưa đạt tới công lý. Con người cư xử với nhau theo thú tính. Kẻ mạnh hiếp kẻ yếu. Cá lớn nuốt cá bé. Ai cũng muốn chiếm đoạt của cải thật nhiều. Ai cũng muốn thống trị người khác. Thú tính được tự tung tự tác khi ta có sức mạnh.
Người Ai cập có sức mạnh liền bắt người Do thái làm nô lệ cho mình. Hơn nửa triệu người Do thái làm nô lệ đã đem lại biết bao lợi ích kinh tế cho người Ai cập. Nghe thấy tiếng rên siết của người Do thái bị áp bức bóc lột, Chúa đã ra tay giải thoát họ. Phải có sức mạnh vô biên của Chúa, người Ai cập mới chịu để người Do thái ra đi (năm lẻ).
Thời Mi-ka cũng xảy ra như vậy. Những người có quyền bính trong tay “muốn cánh đồng nào là chúng cướp lấy, muốn ngôi nhà nào là chúng chiếm đoạt. chúng bắt giữ cả chủ lẫn nhà, cả người lẫn gia nghiệp”. Và tiên tri cho biết Chúa sẽ ra tay để đem lại công lý (năm chẵn).
Thời Chúa Giê-su xuất hiện là thời Chúa thực hiện lời hứa. Là Thiên Chúa quyền năng vô biên làm nên những phép lạ cả thể. Nhưng Chúa không dùng quyền năng để phục vụ quyền lợi cá nhân. Trái lại Người dùng quyền năng để phục vụ con người. Tất cả những ai đau yếu bệnh tật đều được Người chữa lành. Tất cả những người tội lỗi đều được tha thứ. Tất cả những người bị hất hủi đều được yêu thương.
Chúa không dùng quyền năng để áp bức bóc lột. Chúa không giết chết, nhưng cứu sống. Chúa không đè bẹp, nhưng nâng dậy con người. Chúa không dìm xuống, nhưng nâng những người bé nhỏ lên. Như Isaia đã tiên báo: “Cây lau bị giập, Ngươi không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi”.
Như thế Người đưa công lý đến toàn thắng không bằng quyền uy thống trị, sức mạnh đàn áp. Nhưng bằng cúi xuống yêu thương phục vụ. Phục hồi những gì tàn tạ. Chữa lành những ai đau yếu. Và hồi sinh những người thoi thóp. Đó chính là niềm hi vọng lớn lao cho muôn dân. Vì công lý sẽ tràn lan khắp địa cầu.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Suy Niệm 3: Người Tôi Trung Hiền Lành
Chúa Giêsu biết rõ những người Biệt Phái ghen ghép và mưu hại Ngài, Ngài đã kín đáo rời khỏi miền Galilê để tiếp tục sứ mệnh của Ngài tại nhiều nơi khác, Ngài còn cấm những kẻ theo Ngài không được tiết lộ cho thiên hạ biết Ngài là ai. Thánh Mátthêu đã nhận ra trong sự kiện này lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Ðấng Thiên Sai là Con Thiên Chúa. Thần Khí Thiên Chúa luôn ngự trên Ngài, nhưng theo lời tiên tri Isaia, khi Ngài xuất hiện thì đây là dấu để nhận ra Ngài; một con người hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng, Ngài không cãi vả, không la lối, Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Ðó chính là lòng nhân từ kiên nhẫn, xót thương của Chúa. Nhưng Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng vào Ngài.
Thật ra, trong suốt cuộc sống tại thế và cho đến hôm nay, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn chờ đợi với hy vọng mọi người trở về với Ngài để được cứu thoát. Chẳng hạn với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, một thứ tội phải bị ném đá, Chúa Giêsu chỉ nói: "Tôi cũng không kết án chị, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa". Ngài luôn quả quyết: "Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở lại", và thực tế, Ngài đã chữa lành những kẻ bị coi là tội lỗi và bị xã hội ruồng bỏ.
Lời Chúa hôm nay một lần nữa cho thấy ơn cứu rỗi ở tầm tay chúng ta: được cứu rỗi hay không là do chúng ta, vì Chúa vẫn kiên nhẫn và ban ơn đầy đủ, chỉ cần chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Người trộm lành chỉ trong giây phút hướng tâm hồn về Chúa và tin tưởng nơi Ngài, đã được Chúa hứa cho ở trên Thiên Ðàng với Chúa ngay hôm đó. Còn Giuđa đã thất vọng đến chỗ tự vẫn, thì đó là dấu chưa hiểu lòng Chúa thương yêu bao la đến mức nào.
Xin Chúa cho chúng ta thấu hiểu lòng Chúa luôn yêu thương kiên nhẫn chờ đợi chúng ta. Xin cho chúng ta hết lòng trở về với Chúa để được ơn cứu độ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Làm Chứng Cho Sự Thật (Mt 12,12-21)
Chúng ta có thể nhận ra hai phần khá rõ của đoạn Tin Mừng trên. Phần một tóm lược cuộc đời của Chúa Giêsu, nhất là về những hành động chữa lành các bệnh nhân như dấu chỉ Nước Chúa ngự đến. Và phần thứ hai là một đoạn trích từ sách Ngôn sứ Isaia chương 42, 1-4, nói về dung mạo người tôi tớ của Giavê Thiên Chúa được áp dụng cho chính Chúa Giêsu. Khi tóm lược về những việc làm của Chúa Giêsu, đoạn Phúc Âm hôm nay nhấn mạnh đến hai chi tiết: một bên là những người Pharisiêu chống đối Chúa họp nhau lại để tìm cách bắt Ngài, trong khi đó thì dân chúng lại theo Chúa rất đông và những người bệnh được chữa lành.
Bị chống đối nơi này, Chúa Giêsu đi nơi khác và tiếp tục sứ mạng của Người. Chúa không ngừng thi ân, mặc dù có những kẻ khước từ không nhìn nhận những ân ban đó. Rồi nơi những lời trích từ sách Ngôn sứ Isaia, nói về người tôi tớ hiền lành của Thiên Chúa được áp dụng cho Chúa Giêsu Kitô, chúng ta có thể lưu ý đến những lời nói về Chúa Giêsu như là kẻ luôn trung thành làm chứng cho sự thật: "Ta sẽ đặt Thánh Linh của Ta trên Người, và Người sẽ rao giảng sự thật cho các ông. Người sẽ không cãi cọ, không có những hành động bạo lực. Cây sậy đã giập, Người không bẻ đi. Cho đến khi Người đem sự thật đến chỗ toàn thắng".
Rao giảng sự thật và đem sự thật đến chỗ toàn thắng, đó là lời tóm gọn đủ và đúng cuộc đời của Chúa Giêsu trên trần gian này. Sau này, trước mặt quan Philatô xử án Chúa, thì Chúa Giêsu cũng đã mạnh mẽ chấp nhận: "Ta sinh ra trên trần gian là để làm chứng cho sự thật. Ai hành động theo sự thật thì nghe theo Ta". Chúa Giêsu cương quyết làm chứng cho sự thật, nhưng với công thức hiền lành, với tình thương nhân từ, biết thông cảm và nâng dậy những ai lạc bước như chủ chăn nhân từ đi tìm con chiên lạc.
Là đồ đệ của Chúa, mỗi người được mời gọi theo gương Chúa làm chứng cho sự thật giữa anh chị em, nhưng làm chứng với một tâm hồn tràn đầy tình yêu thương và diệu hiền.
Lạy Chúa, Xin dạy con sống noi gương Chúa làm kẻ phục vụ anh chị em hết tình thương mến, nhân hậu và thông cảm.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 5: Bất Bạo Lực
Đây là người tôi trung Ta đã tuyển chọn,
Đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người.
Ta cho thần khí Ta ngự trên Người.
Người sẽ loan báo công lý trước mặt muôn dân.
Người sẽ không cãi vã, không kêu to,
Chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.
Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy,
Tim đèn leo lét. Chẳng nỡ tắt đi,
Cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng.
Và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.” (Mt. 12, 18-21)
Người có khả năng cứu kẻ khác.
Bạn hãy đọc lại Kinh thánh cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, bạn sẽ nhận thầy điều này. Người được Thiên Chúa sai đến với con người để cứu họ, không phải là kẻ tàn bạo. Đó là một người hiền lành, một người nhân hậu. Người hùng mạnh, nhưng không bao giờ ỷ sức mạnh để ức hiếp, đàn áp đập tan. Người nhẫn nại, có khả năng chịu khổ, biết chịu đựng. Sức mạnh lớn lao của Người là yêu thương, cảm thông cho đi và tha thứ.
Con Người đã cứu loài người ấy tên là Giêsu. Để cứu vớt muôn người, Người đã không đả kích sự sống của ai, mà lại trao ban sự sống mình cho họ. Ta phải nhìn ngắm con người đó, phải tin tưởng vào Người, phải bắt chước Người.
Hãy giết chết bạo lực.
Mỗi ngày xã hội thời nay ngày càng trở nên tàn bạo, ngày càng có nhiều người nghĩ rằng chỉ có bạo lực. Thể lý hay tinh thần. Mới có thể duy trì được hòa bình, giải phóng người bị áp bức, đem lại quyền lợi cho những người bị tước mất. Họ đi sai đường rồi. Họ lầm lạc đáng thương. Bạo lực chỉ có thể sinh thêm bạo lực mà thôi.
Ta phải giết chết bạo lực. Phải lấy yêu thương, nhẫn nhịn và nhân hậu để thắng bạo lực. Phải học cho biết sự hiền hòa. Chỉ những sức mạnh đó, chứ không sức mạnh nào khác mới có thể cứu vớt con người.
Người có sức mạnh thật là người hiền từ. Kẻ bạo lực hóa ra lại là người yêu. Yêu thương dẫn đến sự sống, bạo lực đưa đến chết chóc. Khi gieo chết chóc cho người khác, người ta chỉ làm cho chết chóc thêm lên. Khi tự mình biết chết đi, ta gieo vãi sự sống. Chính những con người không dùng bạo lực mới cứu được thế giới này.
J.Y.G
Suy Niệm 6: ĐỨC GIÊSU, NGƯỜI TÔI TRUNG CỦA THIÊN CHÚA (Mt 12, 14-21)
Đoạn Tin Mừng này nằm trong bối cảnh Đức Giêsu chữa lành một người bại liệt, lần này xảy ra ngay giữa Hội Đường và lại vào đúng ngày Sabát. Vì thế, những người Pharisêu tính kế lập mưu để tìm cách giết Đức Giêsu.
Khi biết được ý định của họ, Đức Giêsu đã tìm cách để lánh đi nơi khác. Ngài cũng cấm không cho những kẻ theo mình tiết lộ điều gì liên quan đến Ngài. Sự tránh né này không phải vì sợ hay do nhát đảm hoặc yếu thế..., nhưng là để tránh đi sự hiểu lầm vì “giờ” của Ngài chưa tới. Đây cũng chính là thái độ của những người cao thượng lấy “nhu thắng cường, nhược thắng cương”.
Sang phần hai của bài Tin Mừng, thánh Mátthêu đã khéo léo khi giới thiệu Đức Giêsu như người Tôi Trung trong Cựu Ước mà tiên tri Isaia đã loan báo. Những đặc tính để nhận ra Ngài là: hiền lành và khiêm nhường, không cãi vã, không la lối. Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói.
Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta hãy sống yêu thương, nhân từ và kiên nhẫn. Không vì ghen tức mà tìm cách hại người khác chỉ vì việc tốt họ đã làm. Cũng không vì ích kỷ đến độ thấy người khác tốt lành hơn, nhân hậu hơn, làm được nhiều việc tốt hơn mà sinh lòng ác độc đối với anh chị em chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, hình ảnh Chúa hiền hậu, khiêm nhường và hết lòng yêu thương luôn là lời mời gọi cho chúng con noi theo. Xin Chúa cho chúng con trở nên những con người thánh thiện, luôn biết yêu thương người khác. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM
Trước đó, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su chữa lành người bại tay trong Hội Đường (c. 9-13) ; và chính vì chuyện này mà, như câu đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay kể lại, nhóm Pha-ri-sêu tìm cách loại trừ Người : « Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su » (c. 14).
1. Lời ban sự sống
Đức Giê-su chữa người bại tay vào ngày sa-bát: “Anh giơ tay ra” (x. Mt 12, 9-13). Ngày sa-bát là trung tâm của Mười Điều Răn, và Mười Điều Răn là trung tâm của Lề Luật. Vì thế, luật sa-bát tượng trưng cho Lề Luật. Đức Giê-su không dời việc chữa lành vào ngày hôm sau và cũng không trình bày lập trường của mình về ngày sa-bát; theo lời kể của thánh sử Mác-cô (Mc 3, 1-6), Ngài đáp lại sự im lặng bằng cái nhìn giận dữ, Ngài đau khổ (thương cảm) vì con tim bệnh tật của họ, và Ngài thực hiện quyền năng chữa lành người bệnh bằng Lời Sự Sống, chứ không phải bằng việc làm, vốn bị cấm trong ngày sa-bát. Lời giảng của Ngài về ngày sa-bát không phải là một giáo huấn lí thuyết, nhưng là hành động, hành động chữa lành. Hành động trong thinh lặng này loan báo sự thinh lặng của cuộc Thương Khó.
Hành động của Đức Giêsu làm rõ ước ao sự sống của Ngài đối với người bệnh. Ước ao trao ban sự sống vô hạn, nhưng lại được biểu lộ trong một hành vi hữu hạn. Khi làm thế, Ngài làm lộ ra ước ao sự chết đang hiện diện trước mặt Ngài, bởi vì Ngài không vi phạm luật sa-bát, khi chữa bệnh bằng lời; do đó, lề luật không còn là chỗ ẩn nấp của họ. Chính những người rình rập Ngài chứng kiến vực thẳm của lựa chọn sự chết mở ra trong lòng họ. Để đáp lại, chứ không chống lại, ở đây Đức Giêsu còn làm hơn cả lời giảng “đừng chống lại kẻ dữ”, Ngài để mình bị chi phối bởi lựa chọn sự chết của kẻ dữ, vì đó là cách duy nhất để thuyết phục nó.
Quyền năng, nơi Đức Giêsu vốn là một với lời của Ngài, được bày tỏ ngang qua một hành vi chữa lành rất giới hạn, nhưng lại nói cho chúng ta quyền năng sự sống vô hạn, nói cho chúng ta lòng ước ao trao ban sự sống Thiên Chúa cho con người. Lời loan báo này được cảm nhận từ xa như là việc hủy bỏ ngày sa-bát, xét như là một giải pháp dành chỗ cho quyết định, nhưng lại có thể chứa chấp lựa chọn hướng tới sự chết. Nếu con tim của những kẻ đối nghịch hướng tới cực điểm như thế, nghĩa là quyết định giết chết, chính là vì đã cảm nhận được nơi hành vi của Đức Giêsu lời loan báo về một ngày sa-bát được đẩy tới cùng đích, nhằm giải phóng hoàn toàn chân lý của ngày sa-bát, đó là ước ao sự sống nơi con người và trao ban sự sống nơi Thiên Chúa.
2. « Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó »
Nhưng, thay vì tranh cãi, phản đối hay dùng sức mạnh để chống lại những người tìm cách làm hại mình, Đức Giê-su lánh đi, nói cách khác, Ngài « băng qua » giữa họ mà đi ; như lời ngôn sứ Isaia loan báo về Người Tôi Trung được Đức Chúa tuyển chọn, Người được Đức Chúa yêu dấu và Đức Chúa hài lòng về Người :
Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. (c. 19)
Và chính khi Đức Giê-su lánh đi, chính lúc Ngài « băng qua » những người có ý đồ muốn giết chết Ngài, thì dân chúng theo người đông đảo và Người chữa lành hết (c. 15), và cũng như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo :
Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi. (c. 20)
Những gì mà bài Tin Mừng hôm nay kể lại, loan báo cho chúng ta thật rõ ràng mầu nhiệm Vượt Qua : chính lúc người ta muốn làm hại Đức Giê-su, thì Ngài trở nên nguồn ban phát ơn chữa lành, Ngài tỏ bày Đức Công Chính đích thật của Thiên Chúa cho con người, như Thánh Phao-lô xác tín một cách rõ ràng và mạnh mẽ :
Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa,24 nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su. (Rm 3, 23-24).
3. « Niềm hy vọng nơi Danh Người »
Tuy nhiên, có điều khác biệt tuyệt đối là, trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su không còn băng qua ý muốn giết chết Ngài, nhưng Ngài băng qua chính sự chết. Thực vậy, trong mầu nhiệm Thập Giá, Đức Giê-su để cho Sự Dữ có nơi lòng của con người đi đến cùng, là giết chết Ngài, nhưng Ngài lại mạnh hơn sự chết, Ngài chiến thắng sự chết, Ngài vượt qua sự chết để đi vào sự sống mới, sự sống Phục Sinh, và trở thành Nguồn Ơn Cứu Độ cho muôn người. Đó chính là sự toàn thắng của Đức Công Chính thần linh mà ngôn sứ Isaia đã loan báo :
Cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người. (c. 20-21)
Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm và cảm nếm Đức Công Chính đích thật của Thiên Chúa, được bày tỏ cho chúng nơi ngôi vị của Đức Ki-tô, và nhất là nơi ngôi vị của Ngài trong mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ:
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
Saturday (July 18): Until Jesus brings justice to victory Scripture: Matthew 12:14-21 14 But the Pharisees went out and took counsel against him, how to destroy him. 15 Jesus, aware of this, withdrew from there. And many followed him, and he healed them all, 16 and ordered them not to make him known. 17 This was to fulfill what was spoken by the prophet Isaiah: 18 “Behold, my servant whom I have chosen, my beloved with whom my soul is well pleased. I will put my Spirit upon him, and he shall proclaim justice to the Gentiles. 19 He will not wrangle or cry aloud, nor will any one hear his voice in the streets; 20 he will not break a bruised reed or quench a smoldering wick, till he brings justice to victory; 21 and in his name will the Gentiles hope.” |
Thứ Bảy 18-7 Cho tới khi Đức Giêsu mang công lý tới toàn thắng Mt 12,14-21 14 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su.15 Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết.16 Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai.17 Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói:18 “Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân.19 Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.20 Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng,21 và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.
|
Meditation: How do we achieve success and victory in our lives? In everyone’s life, there are key moments or turning points on which the whole of one’s life hinges. The mounting confrontation between the Pharisees and Jesus was such a decisive event and crisis. The religious leaders became intolerant of Jesus because of their prejudice. Nothing that Jesus would do or say from this point on would be right in their eyes. They conspired, not simply to oppose Jesus but to eliminate him.
Courage and determination to do God’s will Jesus met this defiance with courage and determination to do his Father’s will. He used the crisis to teach his disciples an important lesson for God’s way to success and victory. The only way to glory in God’s kingdom is through the cross – the cross of suffering and humiliation – which Jesus endured for our sake and for our salvation. We, too, are called to take up our cross every day – to die to sin, selfishness, envy, pride, strife, and hatred – and to lay down our lives in humble service and love for one another, just as Jesus did for our sake.
Matthew quotes from the “Suffering Servant” prophecies of Isaiah to explain how Jesus the Messiah would accomplish his mission – not through crushing power – but through love and sacrificial service (Isaiah 42:1-4). In place of a throne, Jesus chose to mount the cross and wear a crown of thorns. He was crucified as our Lord and King (John 19:19; Philippians 2:11) There is no greater proof of God’s love for us than the sacrificial death of his only begotten Son for our sake and our salvation (John 3:16).
Jesus died not only for the Jews but for all the Gentile nations as well. Isaiah had prophesied centuries before, that the Messiah would bring justice to the Gentiles. To the Greek mind, justice-involved giving to God and to one’s fellow citizen that which is their due (whatever is owed to them). Jesus taught his disciples to give God not only his due but to love him without measure just as he loves us unconditionally – without limits or reservation.
Justice tempered with love and mercy Jesus brings the justice of God’s kingdom tempered with divine love and mercy. He does not bruise the weak or treat them with contempt, but rather shows understanding and compassion. He does not discourage the fainthearted but gives hope, courage, and the strength to persevere through trying circumstances. No trials, failings, and weaknesses can keep us from the mercy and help which Jesus offers to everyone who asks. His grace is sufficient for every moment, every situation, and every challenge we face. When you meet trials and difficulties, do you rely on God’s help and grace?
“Lord Jesus, your love and mercy know no bounds. Give me strength when I am weak, hope when I am discouraged, peace when I am troubled, consolation when I am sad, and understanding when I am perplexed. Make me an instrument of your love and peace to those who are troubled and without hope.”
|
Suy niệm: Làm sao chúng ta có được sự thành công và chiến thắng trong đời mình? Trong cuộc đời của mỗi người, có những giây phút chủ yếu hay những bước ngoặt mà toàn bộ cuộc đời của họ xoay quanh. Cuộc chạm trán căng thẳng giữa những người Pharisêu và Ðức Giêsu như là một biến cố và cuộc khủng hoảng quyết định. Các nhà lãnh đạo tôn giáo trở nên cố chấp với Đức Giêsu, bởi vì thành kiến của họ. Không có gì mà Ðức Giêsu làm hay nói từ lúc này lại được coi là đúng trong mắt họ. Họ liên kết lại với nhau, không chỉ đơn giản để chống đối ÐG, mà còn để loại trừ Người. Can đảm và quyết tâm thực hiện ý Chúa Ðức Giêsu tiếp nhận sự thách thức này với lòng can đảm và cương quyết để thực hiện ý Cha. Người đã dùng sự khủng hoảng để dạy các môn đệ một bài học quan trọng về đường lối của Thiên Chúa dẫn tới thành công và chiến thắng. Con đường duy nhất dẫn tới vinh quang trong vương quốc của Thiên Chúa là ngang qua thập giá – thập giá đau khổ và nhục nhã mà Ðức Giêsu chịu vì chúng ta và vì phần rỗi chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi để mang lấy thánh giá của mình mỗi ngày – để chết cho tội lỗi, tính ích kỷ, ghen tị, kiêu ngạo, xung đột, và thù hận – và hiến mạng sống mình trong sự phục vụ và yêu thương khiêm tốn vì nhau – như ÐG đã làm vì chúng ta. Mátthêu trích dẫn từ những lời tiên báo về “Người Tôi tớ đau khổ” của Isaia để giải thích làm thế nào Ðức Giêsu sẽ hoàn tất sứ mệnh của mình, không phải qua quyền lực đàn áp, nhưng ngang qua sự phục vụ yêu thương và hy sinh (Is 42,1-4). Thay vì ngồi trên ngai vàng, Ðức Giêsu đã chọn treo trên thập giá và mang lấy mão gai. Người bị đóng đinh với tư cách là Chúa và Vua của chúng ta (Ga 19,19; Pl 2,11). Không có bằng chứng nào về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta lớn hơn cái chết hy sinh của Con một yêu dấu của Người cho chúng ta và phần rỗi chúng ta (Ga 3,16). Ðức Giêsu không chỉ chết cho người Do thái, nhưng còn cho tất cả mọi dân tộc ngoại giáo nữa. Isaia đã tiên báo nhiều thế kỷ trước, rằng Đấng Mêsia sẽ đem công lý tới cho dân ngoại. Đối với trí tuệ người Hylạp, công lý liên hệ với việc dâng cho Thiên Chúa và cho người đồng hương của mình đáng được hưởng (bất cứ điều gì có được đối với họ) Ðức Giêsu đã dạy các môn đệ dâng tiến cho Thiên Chúa không chỉ món nợ của Người, nhưng yêu mến Người không giới hạn giống như Người yêu thương chúng ta vô điều kiện – không giới hạn hay giữ lại. Công lý hòa hợp với tình yêu và thương xót Ðức Giêsu đem công lý vương quốc của Thiên Chúa cùng với tình yêu và lòng thương xót của Người. Người không đè bẹp những người yếu đuối hay đối xử với họ bằng sự khinh thường, nhưng đúng hơn bằng bày tỏ sự hiểu biết và trắc ẩn. Người không làm nản lòng những người nhụt chí, nhưng ban cho họ sự hy vọng, can đảm, và sức mạnh để kiên nhẫn qua những biến cố thử thách. Không có những thử thách, thất bại, và yếu đuối nào có thể ngăn cản chúng ta với lòng thương xót và sự trợ giúp mà Ðức Giêsu ban cho những ai cầu xin. Ơn sủng của Người đủ cho mọi lúc, mọi tình huống, và mọi thách đố chúng ta đối diện. Khi bạn gặp những thử thách và khó khăn, bạn có cậy dựa vào sự trợ giúp và ơn sủng của Thiên Chúa không? Lạy Chúa Giêsu, tình yêu và lòng thương xót của Chúa thì không biên giới. Xin ban cho con sức mạnh khi con yếu đuối, hy vọng khi con chán nản, bình an khi con phiền muộn, an ủi khi con buồn sầu, và hiểu biết khi con bối rối. Xin biến con thành khí cụ tình yêu và bình an của Chúa cho những ai đang buồn phiền và đánh mất niềm hy vọng.
|
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn