Thứ Sáu đầu tháng, tuần 31 thường niên.
"Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng".
Lời Chúa: Lc 16, 1-8
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: "Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa". Người quản lý thầm nghĩ rằng: "Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ".
"Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: "Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?" Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu". Anh bảo người ấy rằng: "Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi". Rồi anh hỏi người khác rằng: "Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?" Người ấy đáp: "Một trăm giạ lúa miến". Anh bảo người ấy rằng: "Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi".
"Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng".
Suy Niệm 1: Hành động khôn khéo
Suy niệm
Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho ta câu chuyện về Mạnh Thường Quân.
Ông là tướng quân của nước Tề vào thời Chiến Quốc.
Khi ông sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ về cho mình,
Phùng Huyên lại đốt giấy nợ của nhiều người và tha luôn nợ cho họ.
Mạnh Thường Quân không hiểu hết được ý nghĩa việc làm này.
Một năm sau, khi không được vua Tề tin dùng nữa,
Mạnh Thường Quân phải lui về đất Tiết để cư ngụ.
Dân chúng đổ xô ra đón ông như một vị ân nhân đáng kính.
Bấy giờ ông mới hiểu việc làm khôn ngoan trước đây của Phùng Huyên.
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bối rối.
Người quản gia bị mang tiếng là phung phí tài sản của chủ.
Anh phải nghỉ việc, dù không rõ tiếng tiếng đồn ấy có đúng không.
Anh không được bào chữa gì cho chính mình.
Bây giờ anh chỉ lo chuyện tương lai, sau khi thất nghiệp.
Anh suy nghĩ như một độc thoại: “Mình sẽ làm gì đây?”
Và anh nhận ra những hạn chế của mình về thân xác và tâm lý.
“Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi” (c. 3).
Dường như một ý nghĩ đã lóe lên trong anh.
“Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia,
sẽ có người đón rước mình về nhà họ !” (c. 4).
Anh quản gia chỉ có một thời gian ngắn để thu xếp trước khi ra đi.
Anh đã gọi các con nợ của chủ đến,
và trong tư cách là người còn có quyền, anh cho họ tự tay viết lại giấy nợ.
Họ đều là người nợ ông chủ những số nợ lớn.
Số nợ này được giảm đáng kể, dưới sự gợi ý của anh quản gia.
Một trăm thùng dầu ôliu, nay chỉ còn nợ năm mươi thôi.
Một ngàn giạ lúa, bây giờ chỉ còn nợ năm trăm.
Dĩ nhiên đối với anh, tất cả đều phải theo nguyên tắc có qua có lại.
Anh đã cho họ được hưởng lợi vào lúc này,
thì hẳn họ sẽ phải nhớ đến anh lúc anh sa cơ lỡ vận (c. 4).
Ông chủ chắc đã biết trò gian xảo của anh.
Những lời đồn đãi trước đây quả không hoàn toàn vô căn cứ (c.1).
Đúng anh là một tên quản gia bất lương.
Vậy mà ông chủ đã khen anh, điều này làm chúng ta bị sốc.
Nhưng chủ không hề khen sự bất lương của anh.
Ông chỉ khen anh về cách hành động khôn khéo (c. 8).
Anh khôn khéo vì anh biết nghĩ ra cách để tìm được bảo đảm cho mình,
dù đó chỉ là thứ bảo đảm vật chất ở đời này có tính tạm bợ.
Đức Giêsu lấy làm tiếc vì con cái ánh sáng là chúng ta
lại không có được sự khôn ngoan như con cái đời này.
Người ngoài đời có nhiều bí quyết để làm giàu, để thành đạt.
Họ có đủ khôn khéo để công việc kinh doanh được trôi chảy.
Họ dám có sáng kiến và dám liều để đem ra thực hiện.
Ước gì chúng ta có sự khôn ngoan đích thực và ngay thẳng,
nghĩa là biết khéo tận dụng mọi sự mình có,
để được gặp Chúa ở đời này và được hạnh phúc ở đời sau.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Giàu sang, danh vọng, khoái lạc.
Là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
Và không cho chúng con tự do ngước lên cao
Để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
Khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
Nhờ cảm nghiệm được phần nào
Sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
Bán tất cả những gì chúng con có,
Để mua được viên ngọc quí là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
Trước những lời mời gọi của Chúa,
Không bao giờ ngoảnh mặt
Để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Suy Niệm 2: QUẢN GIA KHÔN NGOAN
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Người quản gia được ông chủ khen là khôn ngoan. Vì ông không có của cải nhưng đã biết lợi dụng của cải của chủ để làm lợi cho mình. Vì ông biết thời hạn làm quản gia của ông sắp hết nhưng ông biết chuẩn bị cho tương lai lâu dài. Vì ông biết mua chuộc bạn hữu để sau này họ đón tiếp khi ông hết thời. Ông đã làm ơn cho những người mắc nợ chủ. “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy’? Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu’. Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi’….Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo”. Và Chúa kết luận: “Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại”.
Chúng ta cũng là quản gia của Chúa. Thời hạn quản gia của chúng ta cũng có hạn. Hãy biết noi gương người quản gia kia. Biết dùng của Chúa mà mua lấy bạn hữu. Biết chuẩn bị để khi hết thời làm quản gia họ sẽ đón tiếp chúng ta.
Thánh Phao-lô là người quản gia khôn ngoan. Vì Thiên Chúa ban cho ngài ân sủng chuyên rao giảng Tin Mừng. Ngài đã sinh lợi là đưa nhiều người về cho Thiên Chúa. “Tôi viết thế là dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi làm người phục vụ Đức Giê-su Ki-tô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Theien Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hoá mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa”. Ngài đã biết dùng ân sủng Thiên Chúa ban. Và ngài tự hào về điều đó. Những người nhận biết Thiên Chúa làm lợi cho Nước Chúa. Nhưng cũng là niềm tự hào của ngài. “Thật thế, tôi đâu dám nhắc đến chuyện nào khác, ngoài những gì Đức Ki-tô đã dùng tôi mà thực hiện để đưa các dân ngoại về phục vụ Thiên Chúa, thực hiện bằng lời nói, việc làm, bằng sức mạnh của những dấu lạ điềm thiêng, bằng quyền năng của Thánh Thần…Tôi đã làm tròn sứ mạng loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô” (năm lẻ).
Ngài kêu gọi mọi người hãy noi gương bắt chước ngài. Hãy lo làm giàu ở trên trời. Vì cuối cùng Chúa sẽ biến đổi chúng ta. “Thưa anh em, xin hãy cùng nhau bắt chước tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống theo gương chúng tôi để lại cho anh em”. Ngài yêu mến họ và mong họ cùng ngài kết hợp với Chúa để cùng được hưởng niềm vui và hạnh phúc: “Hỡi anh em thân mến, lòng tôi hằng tưởng nhớ, anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi. Anh em rất thân mến, anh em hãy kết hợp với Chúa mà sống vững vàng như vậy” (năm chẵn).
Suy Niệm 3: Hành xử khôn khéo
Một đạo sĩ đi ngang qua cây dừa, một chú khỉ hái dừa ném xuống đầu ông. Ðạo sĩ lẳng lặng bổ ra lấy nước uống rồi ăn luôn cùi dừa, còn lại vỏ dừa, ông làm thành chén ăn cơm. Nét điềm tĩnh của đạo sĩ là nắm lấy mọi cơ hội trong cuộc sống để mưu ích cho mình. Ông quên đi niềm đau trên đầu của mình cũng như sự tinh nghịch của chú khỉ, để sử dụng tối đa ích lợi của trái dừa.
Khôn ngoan để luôn luôn tích cực xây dựng Nước Trời, đó là lời Chúa Giêsu nhắn nhủ qua dụ ngôn người quản lý trong Tin Mừng hôm nay. Dụ ngôn có lẽ dựa trên một cuộc biển lận xẩy ra trong bất cứ xã hội nào. Chúa Giêsu không có ý tán thành hành vi biển lận của người quản lý; Ngài chỉ khen cung cách giải quyết vấn đề của ông: ông biết nhìn xa thấy rộng để tìm phương thế cho hoạn nạn sắp phủ xuống trên ông. Bài học có thể rút ra từ dụ ngôn chính là tận dụng thời gian, biết tất cả thành cơ may để gặp gỡ Chúa và xây dựng Nước Trời.
Thái độ của con người thường là nổi loạn, than trách, buông xuôi, bỏ cuộc. Chúa Giêsu khuyên chúng ta khôn ngoan điềm tĩnh để biến đau khổ thành cơ may đưa đến một ơn ích cao đẹp hơn. Ðạo sĩ trong câu truyện trên đây không dừng lại để rủa xả con khỉ, nhưng điềm nhiên sử dụng trọn vẹn trái dừa. Người điềm tĩnh khôn ngoan là người biết nhìn một cách lạc quan những thất bại, mất mát trong cuộc sống. Thánh Phaolô đã có cái nhìn lạc quan ấy, khi nói: "Ðối với những ai yêu mến Chúa, thì mọi sự đều dẫn về điều thiện".
Dưới cái nhìn của con người, loài người được xếp theo những hơn thua về tài năng, may mắn, thành công, thông minh, nhưng trong cái nhìn yêu thương của Chúa, tất cả đều là ân sủng. Chúng ta hãy tín thác cho Chúa, đón nhận mọi biến cố như lời mời gọi yêu thương, tin tưởng. Bên kia những gì chúng ta có thể ước đoán, tưởng tượng, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Hãy xử thế như người quản lý trong dụ ngôn: biến tất cả thành cơ may để nhận ra tình yêu Chúa, để loan báo, chia sẻ tình yêu ấy với mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Kẻ bất lương
Ðể nói về mầu nhiệm của nước Trời, Chúa Giêsu không những dùng những hình ảnh, những câu chuyện, những nhân vật tốt mà Chúa còn dùng cả những câu chuyện nói được là không tốt gì cho lắm. Và khi dùng đến những câu chuyện, những hình ảnh, những nhân vật không tốt, Chúa Giêsu không cố ý cho các đồ đệ bắt chước sống theo thái độ xấu nhưng để làm nổi bật một đặc tính nào đó và khuyên các đồ đệ hãy làm điều tốt với cùng một đặc tính như vậy. Chẳng hạn nơi Mt 10,16 Chúa Giêsu đã dùng đến hình ảnh con rắn để khuyên các đồ đệ hãy khôn ngoan như con rắn; và trong Phúc Âm thánh Mátthêu chương 24, Chúa Giêsu so sánh mình với hình ảnh kẻ trộm đến ban đêm vào giờ chủ nhà không ngờ. Chúa không đề cao nếp sống của con rắn hay của tên ăn trộm, mà chỉ muốn nói đến đặc tính lanh lợi của con rắn để tránh những cạm bẫy và nhắc đến sự việc Chúa đến một cách bất ngờ như kẻ trộm, để kêu gọi các đồ đệ hãy tỉnh thức sẵn sàng luôn luôn.
Ðể hiểu thêm về dụ ngôn người quản lý gian ngoan này, chúng ta hãy nhớ rằng vào thời Chúa Giêsu, tại vùng đất Palestina, những người sống về nghề quản lý tài sản cho người giầu là những kẻ có toàn quyền sắp đặt việc kinh doanh tài sản của ông chủ, miễn sao được lợi cho ông chủ. Và người quản lý được chia phần trong khoản lời kiếm được. Do đó, trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể trên đây, sau khi biết rõ là ông chủ sẽ sa thải mình do những lỗi lầm đã phạm, người quản lý dùng quyền của mình mà bớt xuống số nợ và dĩ nhiên, khi làm như thế anh sẽ chịu thiệt thòi, vì tiền lời không còn nhiều và sẽ được chia lời với ông chủ ít đi. Nhưng anh chấp nhận chịu thiệt thòi như vậy trong hiện tại để có lợi khác là tình bằng hữu của những người mắc nợ ông chủ. Họ sẽ giúp lại anh sau đó khi anh mất việc. Ðó là thái độ khôn ngoan của người đầy tớ bất trung. Và câu cuối cùng của dụ ngôn: "Con cái tối tăm khôn ngoan hơn con cái sự sáng" nhấn mạnh đến ý nghĩa chính của dụ ngôn. Chúa Giêsu không nhắm đề cao người quản lý gian ngoan sắp bị ông chủ cho nghỉ việc, nhưng chỉ nhắm nhấn mạnh đến những cố gắng toan tính của người quản lý sao cho có lợi cho cuộc sống vật chất của mình.
Áp dụng cho các đồ đệ của Chúa Giêsu, những con cái của sự sáng, Chúa Giêsu muốn sao cho các đồ đệ của Ngài cố gắng vận dụng hết khả năng trí khôn của mình để làm cho những nén bạc tài năng Chúa ban cho được trổ sinh những hoa trái tốt đẹp. Những kẻ xấu, những người ác mà còn biết ra sức vận dụng hết khả năng trí khôn của họ để làm chuyện xấu, nghịch luật Chúa, hại anh em. Trong khi đó, tại sao những người đồ đệ đích thực của Chúa Giêsu, những con cái sự sáng lại không dấn thân hết sức mình, không sử dụng hết khả năng trí tuệ của mình để làm điều tốt, bổ ích cho chính mình cũng như cho anh chị em chung quanh.
Người đồ đệ đích thực của Chúa không thể nào có một thái độ ỷ lại, lười biếng trong việc tốt và phải dấn thân tích cực hết sức lực mình. Con hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, nhưng cũng phải hết sức lực, với hết khả năng trí khôn Chúa ban cho.
Lạy Chúa
Xin thức tỉnh mỗi người chúng con khỏi sự ù lì, lười biếng tinh thần. Nước Chúa dành cho những kẻ mạnh, cho những ai dấn thân hết mình cho điều tốt. Xin thương ban cho chúng con nghị lực kiên trì trong việc tốt, đẹp lòng Chúa, bổ ích cho anh chị em chung quanh. Xin cho chúng con biết hăng say làm việc tốt mà không cần phần thưởng nào khác hơn là biết chúng con đang làm tròn ý Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 5: Quản lý bất trung
Mình biết phải làm gì rồi! để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ! Anh ta cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: Bác cầm lấy biên lai này của bác đây ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. Rồi anh ta hỏi người khác: Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: Một ngàn thùng lúa. Anh ta bảo: Bác cần lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.
Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế! Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. (Lc. 16, 4-8)
Trên đường đi Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu khi thì nói với biệt phái, lúc nói với dân chúng hay các môn đệ, Người muốn giáo huấn họ đặc biệt về trách nhiệm của họ như người quản lý của Thiên Chúa.
Người xảo quyệt của thế giới đen
Người quản lý bất lương thấy thế giới của hắn bỗng chốc sụp đổ. Ngày phán xét đến cũng bỗng chốc thế. Hắn mất địa vị và danh tiếng. Đời sống hiện tại vật chất cũng lâm nguy, nhưng chủ còn để hắn một ít lâu để tính sổ. Hắn tự nhủ và nhận thấy phải hành động mau chóng và liều lĩnh để bảo đảm nuôi thân sau này. Hắn tha cho những con nợ của chủ một số nợ bằng năm trăm ngày công. Như thế, hắn có thể bảo đảm đời sống sau khi mất chức quản lý. Đức Giêsu khen tên quản lý trộm cắp này vì đã hành động khôn khéo biết lo cho đời sống.
Sự khôn khéo đó đáng làm gương cho con cái ánh sáng
Đức Giêsu không ca ngợi tên quản lý quỷ quyệt hỗn láo đó. Nhưng sự khôn khéo của hắn đúng là dấu chỉ của thời đại. Hắn đã hết thời vào ngày chủ đòi hắn tính sổ. Điều Đức Giêsu muốn rút ra bài học là sự táo bạo của hắn, khiến hắn khai thác tối đa một ít thời giờ còn lại, đã giúp bảo đảm tương lai của hắn.
Cũng thế, môn đệ không biết khôn khéo khi Chúa đến và đòi tính sổ, các ông phải biết tha thứ tất cả những ai mắc nợ với mình để Chúa cũng tha nợ cho các ông. Các ông còn phải chăm sóc mọi gia nhân trong nhà chủ đã trao phó cho các ông. “Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ về thấy nó đang làm việc chu đáo”.
Đối với những công việc ở thế giới này, những người muốn bảo đảm được tương lai vật chất, phải tỏ ra rất khôn khéo. Họ đã khôn khéo xử đối với đồng loại mình, nhưng lại không khôn khéo với những công việc nước trời. Trái lại con cái ánh sáng, những người tin vào Đức Giêsu, Đấng là ánh sáng, lại không biết khôn ngoan để bảo đảm được ơn cứu độ. Họ phải cố gắng thực hiện được sự táo bạo và khôn khéo, và hành động khi còn thời giờ, như con cái của xã hội đen.
RC
Suy Niệm 6: HÃY KHÔN NGOAN THEO TIN MỪNG (Lc 16, 1-8)
Xem thêm CN 25 TN C
Khi nói đến Đức Giêsu, chúng ta biết Ngài là Đấng Chân Thật, vì thế, Ngài luôn bênh vực sự thật và tố cáo bất công, gian tham... Ấy vậy mà bài Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa cho chúng ta ngỡ ngàng khi Đức Giêsu đề cao thái độ gian lận, giả dối của tên quản lý bất trung!
Tin Mừng kể lại: khi hắn biết chắc mình không còn được trọng dụng nữa vì những thất thoát mà hắn gây nên. Người quản gia này đã sử dụng mánh khóe theo kiểu: “Dùng phương tiện xấu để đạt được mục đích tốt”. Vì thế, anh ta đã gọi từng con nợ của chủ đến hỏi về số nợ, rồi lấy văn tự ra, viết giảm số nợ đi. Đây là một hình thức biển lận của chủ mà tên quản lý bất lương gỡ gạc vào những giờ phút chót trước khi bị xa thải.
Sau khi kể dụ ngôn này, nhiều người chưng hửng khi thấy ông chủ đã khen người quản lý bất lương đó khôn ngoan, nhanh nhạy khi hành động cách khôn khéo!
Tuy nhiên, Đức Giêsu không hề có thái độ tôn vinh hay chấp nhận hành vi bất chính của người quản gia này, nhưng ngang qua hành vi đó, Đức Giêsu muốn dạy các môn đệ và cho mỗi chúng ta rằng: phải khôn ngoan, biết nhìn xa trông rộng, biết tận dụng mọi cơ hội và biến cố để loan báo Tin Mừng, biết chuẩn bị cho tương lai, biến chúng thành những cơ may để gặp gỡ Chúa, ngõ hầu đạt được Nước Trời làm gia nghiệp.
Nếu người quản gia kia đã khôn khéo và mánh khóe thì mỗi chúng ta hôm nay cũng phải có sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan ấy trước hết phải được thể hiện qua chính mục đích chúng ta đang theo đuổi trong cuộc sống.
Vậy đâu là mục đích và lẽ sống của chúng ta? Hẳn không phải là tiền của, quyền bính, danh vọng, lạc thú... Những thứ đó không phải là mục đích, điểm đến của người Kitô hữu. Nhưng mục đích tối hậu của chúng ta chính là Nước Trời. Vì thế, ngay giây phút này, mỗi chúng ta hãy biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu mai ngày trên Thiên Quốc.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chọn Chúa làm gia nghiệp của đời chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM
1. Thiên Chúa và Tiền Của
Câu chuyện về người quản gia mà Đức Giê-su kể trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ thứ sáu tuần XXXI mùa Thường Niên, sẽ dẫn đến lời mời gọi, mà chúng ta sẽ nghe trong bài Tin Mừng của thứ bảy:
Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa,
vừa làm tôi Tiền Của được. (c. 13)
Lời cảnh báo này của Đức Giê-su chất vấn cách đặc biệt chúng ta trong thời đại ngày nay. Thực vậy, trong những thập niên vừa qua, đời sống của chúng ta có rất nhiều thay đổi, theo hướng càng ngày càng có nhiều phương tiện, và những phương tiện này càng ngày càng cao cấp hay còn gọi là chất lượng cao, điều này có nghĩa là càng đắt tiền. Đó là những phương tiện liên quan đến nhu cầu ăn, mặc, nhà ở, tiện nghi trong nhà, nhu cầu giải trí, nhu cầu truyền thông bằng điện thoại, internet, nhu cầu đi lại, đi lại trong nước và ngoài nước, nhu cầu học tập. Vì thế, ai trong chúng ta cũng cảm thấy có áp lực rất lớn, là phải có việc làm, và phải làm ra tiền, càng nhiều càng tốt.
Và đời sống tu trì cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi bối cảnh hiện nay của xã hội, khi phải đối diện với những vấn đề chưa từng có, đó là vấn đề sử dụng các phương tiện truyền thông, và cùng với các phương tiện, là những tương quan và nội dung lệch lạc đi thẳng vào nội vi của đời tu, từ đó hình thành nên những nhân cách không còn hướng về những điều cao quí, thiếu chiều sâu thiêng liêng, không có tương quan thực sự và thiết thân với Chúa.
* * *
Làm việc để có tiền có của, qua đó mua sắm những phương tiện là điều cần thiết trong cuộc sống. Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự tai hại của một cuộc sống “làm tôi tiền của”, nghĩa là chỉ chạy theo tiền của, chỉ chạy theo việc mua sắm các phương tiện, chỉ lo thỏa mãn những nhu cầu vật chất của mình. Lúc đó, người ta không còn làm chủ tiền của nữa, nhưng bị tiền của làm chủ, và hậu quả là gây đổ vỡ những tương quan làm cho chúng ta sống hạnh phúc, đó là tình thương và sự liên đới. Bởi lẽ, chúng ta không chỉ sống bằng tiền của, bằng phương tiện, bằng việc thỏa mãn nhu cầu, nhưng còn sống bằng tương quan đón nhận, tin tưởng, bao dung, tha thứ, và nhất là hiệp thông, tình bạn và tình thương mà Lời Chúa đem lại cho chúng ta.
Thiếu tình thương, thì dù có tiền của, đời sống của chúng ta cũng trở thành chết chóc, thậm chí trở thành địa ngục. Chính vì thế, Đức Giê-su nói với chúng ta: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”. Điều này không có nghĩa là tiền của tự nó là xấu, và chúng ta phải từ bỏ, hay phải càng có ít càng tốt. Nếu hiểu như thế, chúng ta sẽ “tự lên án” mình, vì chúng ta không thể sống mà không có tiền của, nhất là trong cuộc sống và cách thức làm việc hiện đại hôm nay, càng ngày càng đòi hỏi những chi phí rất lớn và những phương tiện đắt tiền. Tiền Của (trong bản văn Hi lạp, đó là chữ “Mamon” viết hoa) trở nên xấu trong mức độ, chúng ta coi nó như thần linh, thay thế hay đối lập với Thiên Chúa. Trong khi nó chỉ là phương tiện.
2. Người quản gia
Đức Giê-su mời gọi từ bỏ thái độ và lối sống tôn thờ Của Cải. Người không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ tiền bạc của cải, vì làm sao sống mà không có tiền bạc và của cải, nhưng là sử dụng tiền của, như là phương tiện để phụng sự Chúa, và để làm điều đẹp lòng Chúa, là dùng tiền của để diễn tả sự hiệp thông, liên đới, diễn tả lòng biết ơn, lòng mến, như Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng ngày mai:
Hãy dùng của cải mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.(c. 9)
Và để giúp chúng ta hiểu điều này, Người kể dùng một dụ ngôn về người quản gia. Người quản gia bất lương, bất lương nhưng mà lại được ông chủ khen là khôn khéo. Người quản gia, như chúng ta biết, là người giữ tiền và có một quyền hạn nào đó trong việc tiêu tiền. Vì vậy, ông này đã phung phí của cải của chủ nhà, và vì thế, bị đuổi việc. Người quản gia phải tính sổ, nhưng anh lợi dụng việc tính sổ để chuẩn bị cho tương lai đầy khó khăn của mình. Và để chuẩn bị, ông này tiếp tục phung phí của cải, nhưng lần này, ông gian lận với những người mắc nợ.
Khi kể dụ ngôn này, dường như Đức Giê-su muốn lấy người quản lí bất lương làm gương cho các môn đệ và cho chúng ta. Đúng như thế, nhưng Đức Giê-su không muốn chúng ta bắt chước sự bất trung và gian dối, nhưng muốn chúng ta học sự khôn khéo của ông này.
3. « Nơi Ở Vĩnh Cửu »
Chính từ sự khôn khéo này của người quản gia, mà Đức Giê-su rút ra một bài học có tầm quan trọng tối hậu cho chúng ta:
Hãy dùng của cải mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.(c. 9)
Quan trọng tối hậu là vì, không chỉ chúng ta được mời gọi sử dụng tiền của như là phương tiện để tạo ra tình thương, lòng mến và tình bạn ở đời này, nhưng còn tạo ra tình thương, lòng mến và tình bạn, giúp chúng ta được rước vào « Nơi Ở Vĩnh Cửu », nghĩa là sự sống viên mãn và vĩnh cửu ở trong Nhà của Chúa, cùng với những người thân yêu của chúng ta.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta « trung tín » trong việc sử dụng tiền của. Dưới ánh sáng của dụ ngôn Người Quản Gia, chúng ta có thể hiểu, trung tín trong việc sử dụng tiền của, là, thay vì coi tiền của là chủ nhân và tự biến mình tôi tớ, thành nô lệ, chúng ta được mời gọi sử dụng tiền của, và chúng ta hiểu rộng ra mọi sự khác, như thời giờ, sự sống, khả năng, cuộc đời nhỏ bé và giới hạn của chúng ta, như là phương tiện để tạo ra tình thương, lòng mến và tình bạn không những ở đời này, nhưng còn tạo ra tình thương, lòng mến và tình bạn, giúp chúng ta được rước vào « Nơi Ở Vĩnh Cửu ».
* * *
Đức Giê-su đã sống đến cùng điều giảng dạy, bởi vì Lời và Ngôi Vị của Người là một. Chúng ta được gọi chiêm ngắm Đức Giê-su chịu đóng đinh trên Thập Giá: Ngài vốn giàu có, nhưng đã chia sẻ và cho đi đến cùng, để làm cho chúng ta giàu có trong ơn tha thứ, ơn chữa lành và ơn hòa giải với Thiên Chúa và với nhau muôn đời. Đức Giê-su đã quảng đại đối với chúng ta, chính là để chúng ta có thể quảng đại đối với nhau.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Friday (November 6): The necessity of prudent foresight
Scripture: Luke 16:1-8 1 He also said to the disciples, “There was a rich man who had a steward, and charges were brought to him that this man was wasting his goods. 2 And he called him and said to him, `What is this that I hear about you? Turn in the account of your stewardship, for you can no longer be steward.’ 3 And the steward said to himself, `What shall I do, since my master is taking the stewardship away from me? I am not strong enough to dig, and I am ashamed to beg. 4 I have decided what to do, so that people may receive me into their houses when I am put out of the stewardship.’ 5 So, summoning his master’s debtors one by one, he said to the first, `How much do you owe my master?’ 6 He said, `A hundred measures of oil.’ And he said to him, `Take your bill, and sit down quickly and write fifty.’ 7 Then he said to another, `And how much do you owe?’ He said, `A hundred measures of wheat.’ He said to him, `Take your bill, and write eighty.’ 8 The master commended the dishonest steward for his shrewdness; for the sons of this world are more shrewd in dealing with their own generation than the sons of light.” |
Thứ Sáu 6-11 Sự cần thiết của sự nhìn xa trông rộng
Lc 16,1-8 1 Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông.2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!3 Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!5 “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?6 Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.7 Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.8 “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. |
Meditation:
Do you make good use of your money and possessions? Jesus seemed to praise a steward (a manager entrusted with his master’s goods) who misused his employer’s money. What did the steward do that made Jesus praise him? The steward was responsible for managing his wealthy landowner’s property. The steward very likely overcharged his master’s tenants for their use of the land and kept more than his fair share of the profit. When the landowner discovered the steward’s dishonest practice he immediately removed him from his job, leaving him penniless and ashamed to beg or do manual work. The necessity of prudent foresight to avert disaster Before news of his dismissal became public knowledge, the shrewd steward struck a deal with his master’s debtors. In discounting their debts he probably was giving up his generous commission. Such a deal won him great favor with the debtors. Since the steward acted as the landowner’s agent, such a deal made his master look very generous and forgiving towards those who owned him money. Surely everyone would praise such a generous landowner as the town hero! Since the master could not undo the steward’s cancellation of the debts without losing face and making his debtors resent him, he praised the steward for outwitting him and making him appear as a generous and merciful landowner. Jesus obviously thought that the example of a very clever steward would be a perfect illustration for a spiritual lesson about God and how God treats those who belong to his kingdom. What’s the point of Jesus’ parable? The dishonest steward is commended not for mishandling his master’s wealth, but for his shrewd provision in averting personal disaster and in securing his future livelihood. The original meaning of “shrewdness” is “foresight”. A shrewd person grasps a critical situation with resolution, foresight, and the determination to avoid serious loss or disaster. Faith and prudent foresight can save us from moral and spiritual disaster Jesus is concerned here with something more critical than a financial or economic crisis. His concern is that we avert spiritual crisis and personal moral disaster through the exercise of faith and foresight. If Christians would only expend as much foresight and energy to spiritual matters, which have eternal consequences, as they do to earthly matters which have temporal consequences, then they would be truly better off, both in this life and in the age to come. God loves good stewardship and generosity Ambrose, a 4th century bishop said: The bosoms of the poor, the houses of widows, the mouths of children are the barns which last forever. True wealth consists not in what we keep but in what we give away. Possessions are a great responsibility. The Lord expects us to use them honestly and responsibly and to put them at his service and the service of others. We belong to God and all that we have is his as well. He expects us to make a good return on what he gives us.
God loves generosity and he gives liberally to those who share his gifts with others. The Pharisees, however, had little room for God or others in their hearts. The Gospel says they were lovers of money (Luke 16:14). Love of money and wealth crowd out love of God and love of neighbor. Jesus makes clear that our hearts must either be possessed by God’s love or our hearts will be possessed by the love of something else. What do you most treasure in your heart? “Lord Jesus, all that I have is a gift from you. May I love you freely and generously with all that I possess. Help me to be a wise and faithful steward of the resources you put at my disposal, including the use of my time, money, and possessions.”
|
Suy niệm:
Bạn có sử dụng tiền bạc và tài sản của bạn tốt không? Đức Giêsu dường như ca ngợi người quản lý (người được ủy thác quản lý tài sản của chủ mình) người đã lạm dụng tiền bạc của chủ mình. Người quản lý đã làm gì khiến Đức Giêsu phải khen ngợi ông? Người quản lý có trách nhiệm về việc trông coi tài sản của người chủ giàu có của mình. Có lẽ ông đã đòi hỏi những người thuê đất của ông chủ nhiều hơn và giữ phần huê hồng của mình cũng nhiều hơn. Khi ông chủ phát hiện việc làm gian dối của người quản lý, ngay lập tức ông cho anh ta thôi việc, không cho anh ta đồng xu nào, và anh ta phải xấu hổ đi ăn xin hoặc làm công việc nặng nhọc.
Sự cần thiết của tầm nhìn xa khôn ngoan để tránh tai họa Trước khi tin tức sa thải truyền ra công chúng, người quản lý khôn ngoan lập tức đi thương lượng với những người thuê đất. Qua việc giảm giá cho những con nợ, anh ta đang đề cao lòng quảng đại của mình. Cuộc thương lượng như thế đem lại ơn ích lớn cho những con nợ. Vì anh ta hành xử với tư cách của người đại diện chủ đất, nên cuộc thương lượng như thế sẽ làm cho ông chủ ra vẻ rất quảng đại và tha nợ cho những người thuê đất. Chắc chắn mọi người sẽ ca ngợi một ông chủ quảng đại như thế như một vị anh hùng của thành phố! Vì người chủ không thể thu hồi lại việc tha nợ của người quản lý mà không bị mất mặt và sẽ làm cho những con nợ oán giận ông. Nên ông khen ngợi người quản lý về việc đánh lừa ông như một người chủ đất quảng đại và giàu lòng thương xót. Rõ ràng Đức Giêsu nghĩ rằng ví dụ về người quản lý rất thông minh sẽ là một minh họa hoàn hảo cho một bài học thiêng liêng về Thiên Chúa, và việc Thiên Chúa đối xử thế nào với những ai thuộc về vương quốc của Người! Quan điểm bài dụ ngôn của Đức Giêsu là gì? Người quản lý bất trung được khen ngợi không phải vì sự quản lý ma giáo tài sản của chủ mình, nhưng đối với việc tiên liệu khéo léo của mình trong việc đề phòng tai họa sẽ xảy ra cho mình, và bảo đảm cho cuộc sống tương lai của mình. Ý nghĩa ban đầu của “sự thông minh” là “tầm nhìn xa”. Một người thông minh hiểu thấu một tình huống suy thoái với cách giải quyết, tầm nhìn xa, và việc quyết định để tránh tổn thất hay thảm họa nghiêm trọng. Đức tin và tầm nhìn khôn ngoan có thể cứu chúng ta khỏi tai họa luân lý và tôn giáo Đức Giêsu muốn đề cập ở đây đến sự nguy hiểm hơn là cuộc khủng hoảng tài chính hoặc kinh tế. Mối quan tâm của Người là chúng ta ngăn chặn sự khủng hoảng thiêng liêng, và thảm họa đạo đức cá nhân, qua việc sống đức tin và sự tiên đoán. Nếu các Kitô hữu sẽ chỉ ra sức tiên liệu, và nỗ lực cho những vấn đề thiêng liêng mà có những hậu quả đời đời, giống như họ thực hiện những vấn đề trần thế mà có những hậu quả nhất thời, thì lẽ ra họ đã thực sự sống tốt hơn, trong cả cuộc sống đời này và đời sau. Thiên Chúa thích sự quản lý tốt và lòng quảng đại Thánh Ambrose, một giáo phụ ở thế kỷ thứ 4 nói rằng: “Sự đùm bọc người nghèo, làm nhà cửa cho các bà góa phụ, việc cho các trẻ em ăn uống là những kho lẫm tồn tại mãi mãi. Sự giàu có đích thực không ở trong những gì chúng ta có, nhưng ở trong những gì chúng ta cho đi. Sự chiếm hữu và của cải vật chất đi liền với một trách nhiệm nặng nề. Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng chúng một cách thành thật và có trách nhiệm, sử dụng chúng vào việc phụng sự Người và phục vụ anh em. Chúng ta là những tôi tớ của Chúa, và tất cả những gì chúng ta có đều thuộc về Người. Người muốn chúng ta sử dụng tốt những gì Người ban cho chúng ta. Thiên Chúa yêu thích sự quảng đại và Người cho đi cách tự do cho những ai biết chia sẻ ơn sủng cho người khác. Tuy nhiên, trong trái tim của những người Pharisêu lại không có chỗ cho Thiên Chúa hay người khác. Phúc âm nói rằng họ là những người yêu tiền của (Lc 16:14). Sự yêu thích tiền bạc và giàu có xua đuổi tình yêu Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân. Đức Giêsu nói rõ ràng rằng tâm hồn chúng ta một là được chiếm hữu bởi tình yêu Thiên Chúa, hoặc bị chiếm hữu bởi sự yêu thích những thứ khác. Đâu là kho báu quý nhất của tâm hồn bạn? Lạy Chúa Giêsu, tất cả những gì con có là ơn sủng của Chúa. Chớ gì con yêu mến Chúa cách tự do và quảng đại với tất cả những gì con có. Xin Chúa giúp con trở thành một người quản lý khôn ngoan và trung tín về những tài nguyên mà Chúa giao phó cho con sử dụng, kể cả việc sử dụng thời gian, tiền bạc, và của cải vật chất. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn