Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan 35 Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông, 36 nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. 37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. 38 Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?” 39 Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười. 40 Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. 41 Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô”, 42 và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”.
SUY NIỆM: ĐẤNG CÔNG CHÍNH Công chính là trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Ma quỉ muốn chiếm đoạt quyền Thiên Chúa. Luôn cám dỗ loài người đi theo chúng. Bà E-và là điển hình. Đó là tội lỗi. Chúa Giê-su là Đấng Công Chính. Đến để tái lập sự công chính. Để “phá huỷ công việc của ma quỉ”. Chúa Giê-su công chính vì được Thiên Chúa sinh ra. “Mầm sống của Thiên Chúa ở lại trong người ấy, và người ấy không thể phạm tội, vì đã được Thiên Chúa sinh ra”. Từ đây thế giới phân định rạch ròi. Ai theo Chúa Giê-su thì sống công chính và trở thành con Thiên Chúa. “Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ: phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa”. Không chỉ sinh ra bởi Thiên Chúa, Chúa Giê-su còn sống công chính trọn đời. Vì luôn làm theo ý Chúa Cha. Vâng phục Chúa Cha trong mọi sự. Cho đến nỗi chết trên thánh giá. Nhận tất cả từ Chúa Cha. Dâng hiến tất cả cho Chúa Cha. Chúa Giê-su thật là Đấng Công Chính. Vì vâng phục Chúa Cha mà Chúa Giê-su trở thành “Chiên Thiên Chúa” như lời thánh Gio-an Tẩy giả giới thiệu. Là Chiên Thiên Chúa để tự hiến thân mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha. Là Chiên Thiên Chúa để gánh lấy tội nhân loại. Làm cho nhân loại nên công chính. Làm cho nhân loại trở nên con Thiên Chúa. Sinh lại nhân loại trong đức công chính. Thánh Gio-an Tẩy giả sống công chính. Vì giới thiệu Chúa Giê-su cho các môn đệ của mình. Trả các môn đệ mình cho Chúa. Vì tất cả là của Chúa. An-rê và Gio-an sống công chính. Vì bỏ tất cả mà theo Chúa. Bỏ cả người thầy yêu quí. Vì Chúa Giê-su mới là đường thật. Mới thật là Thầy. Dạy chân lý. Dẫn đến sự công chính đích thực. Đến sự sống đời đời. An-rê sống công chính nên đã dâng cho Chúa cả người em của mình. Vì Si-mon cũng thuộc về Thiên Chúa. Si-mon sống công chính. Vì từ bỏ tất cả. Từ bỏ cả con người cũ. Cả tên họ. Tên là người. Chúa đặt tên mới. Vì ông là con người mới. Thuộc về Chúa. Tên mới của Si-mon là Phê-rô. Là đá tảng xây toà nhà mới. Là đầu trong dân mới. Dân được Chúa sinh ra để sống công chính. Để dâng hiến cho Chúa tất cả cuộc đời. Xin cho con được sinh lại. Được đặt tên mới. Được trở thành con Chúa. Được dâng hiến mọi sự cho Chúa. Để thuộc về dân mới. Sống công chính thánh thiện. TGM Giuse Ngô Quang Kiệt SUY NIỆM: SỐNG MẦU NHIỆM GIÁNG SINH Cả 2 bài đọc lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, một khi đã tin nhận Ngôi Hai Thiên Chúa vừa giáng sinh làm người là Đấng Cứu Độ, thì mỗi người hãy sống tinh thần từ bỏ, để ơn cứu độ có thể đổ tràn vào tâm hồn của mỗi chúng ta. Vậy chúng ta cần từ bỏ những gì? Thứ nhất là từ bỏ đàng tội lỗi để sống công chính thánh thiện.Trong bài đọc I, Thánh Gioan cho biết, Chúa Giêsu là Đấng Công Chính. Ngài sinh xuống trần gian là để phá hủy những việc làm của ma quỷ. Do đó, những ai thuộc về Thiên Chúa thì không hề phạm tội, còn ai phạm tội, kẻ ấy là người của ma quỷ. Vì mầm mống của Thiên Chúa không ở trong người ấy. Và Thánh Gioan kết luận, “phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa”. Thứ hai là từ bỏ những cái ở đời này để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau. Bài Tin mừng hôm nay cho biết, sau khi nhận ra Chúa Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa, 2 anh em Anrê và Phêrô đã bỏ tất cả mọi sự mà đi theo Chúa Giêsu. Vì 2 ông hiểu rằng, những gì mà các ông đang có ở đời này, chẳng đáng là gì so với cuộc sống vĩnh cửu mà Chúa Giêsu mang lại. Thưa anh chị em, Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người là nhằm giúp chúng ta nhận ra và đạt được điều ấy. Ngài xuống thế làm người là để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi, và đưa chúng ta trở về tình trạng công chính thánh thiện như ban đầu. Ngài xuống thế làm người là để nói cho chúng ta biết rằng, trần gian chỉ là túp lều tạm, hạnh phúc Nước Trời mới là quê hương đích thực của người ki-tô hữu chúng ta, sự sống đời đời mới chính là gia nghiệp mà mỗi người cần phải vươn tới. Ơn cứu độ của mầu nhiệm giáng sinh chính là món quà đã được dành sẵn cho chúng ta. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chọn 1 trong 2. Nếu chúng ta chọn ơn cứu độ, thì buộc chúng ta phải từ bỏ đàng tội lỗi và những quyến rũ ở đời này. Còn nếu chúng ta chọn thế gian và theo đàng tội lỗi, thì mất ơn cứu độ. Chọn cái nào là tùy thuộc vào mỗi anh chị em! Amen. Lm. Antôn
SUY NIỆM: Câu chuyện Cha Anthony De Mello mở đầu tập sách “Một phút khôn ngoan” có kể một câu chuyện dẫn nhập: Môn sinh hỏi thầy: - Có thể nào có sự khôn ngoan chỉ trong một phút? - Chắc chắn có chứ, vị thầy trả lời. - Nhưng chỉ một phút, có quá ngắn không? - Năm mươi chín giây đủ rồi đó. Về sau, vị thầy nói với các đồ đệ: - Cần bao nhiêu thời giờ để thoáng thấy mặt trăng? Và vì sao phải cần bao nhiêu năm tháng dài để học sống đời sống thiêng liêng. Có thể mất tất cả để mở mắt. Hay chỉ cần một tích tắc… Vâng, chỉ cần một tích tắc với lòng khao khát khám phá sẽ gặp được sự khôn ngoan cho cả cuộc sống… Suy niệm Hai môn đệ theo lời giới thiệu của Gioan đi tìm sự khôn ngoan của đời sống, tìm Đấng Cứu Độ - Chiên Thiên Chúa như lời vị Tẩy giả giới thiệu, chỉ một tích tắc của khao khát: “Thầy ở đâu”, và lời mời gọi đáp trả: “Đến mà xem”. Lời mời không chỉ là đến tham quan cho biết chỗ Ngài ở, mà là đi vào một cuộc gặp gỡ thân thiết với Ngài, là biết Người một cách thâm sâu hơn, là “kiểm nghiệm bằng mắt thấy tai nghe, bằng con người xương thịt, cái thực tại lịch sử sẽ làm nền tảng cho đức tin” (x. P.E Jacquemin, ”Assemblées du Seigneur”, số 33, tr.57) Đáp lại lời mời gọi của Thầy “Đến mà xem”, các ông chỉ có một giây cho sự quyết định: Đến hay không? Một quyết định của cả cuộc đời của hai ông, chỉ một giây thôi khi quyết định “đến”, các ông đã gặp được Đấng Mêssia, Nước Hằng Sống - Nguồn Suối Thiêng (x. Ga 4, 10-14) và giới thiệu đến với người anh em mình. Một giây phút quyết định đến xem thầy và “Họ đã lưu lại với Người”. Lưu lại bên Thầy, gắn bó say mê, các ông đã sống những giây phút triển nở trong sự hiệp thông sâu xa nhất: lưu lại trao đổi và thân thiết bên Thầy, như Thầy kêu mời: “Hãy lưu lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). Lưu lại trong Thầy như cành nho sống được nhờ liên kết với cây, và cành nho không thể tự sinh trái nếu không lưu lại trong thân nho (x. Ga 15, 4) vì dòng nhựa sống lan tỏa toàn thân, đã nuôi sống và làm nho kết trái. Sự gặp gỡ huyền bí giữa Thầy - trò này ảnh hưởng các ông và cả cho mọi thế hệ ở mọi thời đại: “Cuộc gặp gỡ được bao trùm trong một bức màn kín đáo, đem đến cho bài tường thuật một chiều kích vừa mầu nhiệm vừa sáng tỏ: từng người tín hữu chúng ta, đều được mời gọi thực hiện cùng một bước đi ấy” (A. Marchadour, L’evangile de Gioan, Centurion, trang 48). Trở về sau cuộc gặp gỡ huyền nhiệm với Thầy, môn đệ Anrê đã kể lại với Phêrô - người anh em: “Chúng tôi đã gặp Đức Mêssia”. “Gặp” (heuriskein), là sự gặp gỡ và khám phá Đấng Mêssia khiến cho những ai đã gặp được, tôn Ngài làm tôn sư và muốn làm cho những kẻ mình gặp sau đó cũng khám phá ra Ngài như Gioan đã chia sẻ: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến... Chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi” (1 Ga 1, 1-3). Sự hiệp thông như: “Ngọn lửa loan tin được chuyền đi, từ người này sang người khác” (X. Léon-Dufour).Dọc theo các ngả đường của cuộc sống hằng ngày, tôi và bạn có nhiều cơ hội gặp Chúa. Chúng ta nhớ về các môn đệ bên bờ sông Giođan được Gioan Tẩy giả chỉ cho biết Ðấng Thiên Sai - Chiên Thiên Chúa. Chúng ta bước theo, khám phá và gặp gỡ Ngài, mang tâm tình mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khuyến khích: “Chúng con đừng sợ đến gần Ngài, đừng sợ bước qua ngưỡng cửa nhà Ngài, đừng sợ nói chuyện với Ngài diện đối diện, như chúng ta nói chuyện với người bạn thân” (x. Et 33, 11).Như các môn đệ, tôi và bạn: Hãy đến mà xem… Ý lực sống: “Họ xem chỗ Người ở, và ở lại với Người”(Ga 1, 39). Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM: Có lẽ hiếm tìm được ai như thánh Gioan Tiền Hô. Thay vì lôi kéo người khác theo mình, không dành giật đệ tử đã là may, thì ngài lại giới thiệu đệ tử của mình cho thầy khác là Chúa Giêsu. Thánh Gioan làm thế, vì ngài ý thức về thời gian và sứ vụ của vị Tiền Hô, là chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến và khi Đấng Cứu Thế đến thì sứ vụ ngài đã hoàn thành. Chúng ta cũng thế, mỗi người đều nhận một sứ vụ và một giai đoạn trong chương trình của Thiên Chúa. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy ý thức chỗ đứng của mình và biết mình là một giai đoạn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Cũng như thánh Gioan, chúng ta biết giới thiệu Chúa cho những ai chúng at gặp gỡ. 1. Giới thiệu Chúa cho nhau. Một ý tưởng nữa bao trọn bài Tin Mừng hôm nay đó là việc giới thiệu cho người chúng ta gặp gỡ đến với Chúa. Thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu cho môn đệ đến với Chúa. Đến lượt Anrê (học trò cũ của Gioan) đem anh mình là Phêrô đến giới thiệu với Chúa Giêsu. Ý nghĩa của những sự giới thiệu này mang tính tiếp nối của ơn gọi trong Giáo Hội và sứ vụ truyền giáo của chúng ta. Ơn gọi làm Kitô hữu hay ơn gọi tu trì, đôi khi được Chúa gọi cách trực tiếp qua sự thôi thúc trong lòng, nhưng có lúc cũng cần đến những người khôn ngoan, những người đã đi trước, cha xứ… hướng dẫn và giới thiệu chúng ta đền với đạo hay đến với đời tu. Sứ vụ truyền giáo là một sự tiếp nối trường kỳ, khi chúng ta được phúc đón nhận Tin Mừng, thì đến lượt chúng ta cũang phải làm cho Tin Mừng đó được lan toả trên mọi người xung quanh chúng ta và hết những ai chúng ta gặp gỡ. 2. Ở với Chúa. Một điểm nữa cần lưu tâm mà bài Tin Mừng dạy chúng ta là, khi chọn theo Chúa thì hãy đến ở lại với Chúa. Ở với Chúa không chỉ là ở với người bằng một thân xác và một nơi chốn cụ thể, mà là mọi ý nghĩ và hành động đều luôn trong sự hiện diện của Chúa, trong sự kết hiệp mật thiết với Người. Đang khi nhiều người khi đã chọn theo Chúa, thì thay vì đến ở với Chúa, thì lại vẫn tìm ở với “ai đó” hoặc ở với ông ‘thần tài” hay danh vọng. Mọi chuyện lo lắng việc đời và đam mê danh vọng đã lấn át sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời thì làm sao theo Chúa được. “Hãy đến mà xem”: Việc biết Chúa không phải là chuyện bàng quang không thèm gia nhập đạo; theo đạo không phải là dửng dưng không quan tâm đến việc đạo đức, tham dự thánh lễ và cầu nguyện với Chúa; việc trở nên bạn hữu của Chúa không phải chỉ là chuyện nghe nói về Người… Nhưng cần sự gặp gỡ giữa ta với Chúa, không ai giữ đạo thay cho ta được, không ai tu thay cho chúng ta được, không ai đền tội hay lập công cho chúng ta được… Vì thế, cần một sự “đến mà xem” nghĩa là phải đến gặp gỡ Chúa qua các bí tích và đời sống đạo để được Người cứu độ. Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, một Kitô hữu đích thực phải luôn biết kết hiệp với Chúa mọi nơi mọi lúc, để rồi từ đó cũng biết giới thiệu Chúa cho mọi người. Amen
Hiền Lâm
SUY NIỆM: TÔI TÌM GÌ? TÌM AI? Trong những ngày sau khi mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh và chuẩn bị cho lễ Hiển Linh là việc dân ngoại đi tìm kiếm Đấng Cứu Độ, chúng ta được nghe Tin Mừng Gioan về việc tìm kiếm của các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Câu hỏi Chúa Giêsu đưa ra cho hai người đi theo sau mình là: “Các anh tìm gì thế?” và họ đáp: “Thưa Rabbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” (Ga 1,38). Từ ngữ Hy Lạp “Ti” (τί) có thể dịch là ai, cái gì, tại sao (who, which, what, why) nhưng trong các bản dịch các tác giả Thánh Kinh đều hiểu “cái gì” (what). Trong khi Chúa Giêsu hỏi: các anh tìm cái gì, thì họ trả lời là tìm một người, một vị thầy. Trong não trạng thời đó, khi hướng về Đấng Messia, người Do Thái đi tìm “cái gì” nhiều hơn, tức là họ nuôi tham vọng về một quốc gia hùng mạnh, một cuộc sống no cơm ấm áo... Và Chúa Giêsu đặt vấn nạn với hai người này ngay từ đầu. Thế nhưng hai người này ý thức đi tìm một người, một vị thầy, theo lời giới thiệu của thầy cũ là Gioan Tiền Hô. Hỏi thầy ở đâu có nghĩa là muốn xin làm môn đệ. Và Chúa Giêsu đáp lại: đến mà xem. Đến ở với Thầy để đi vào một tương quan, chứ không dừng lại ở một lớp học, một kiến thức. Đó là bước đầu. Trong suốt 3 năm ở bên Thầy Giêsu, các môn đệ sẽ phải “vật lộn” giữa hai điều ấy: “tìm cái gì” và “tìm ai”. Họ vẫn dễ dàng nghiêng về việc tìm kiếm một cái gì đó cho bản thân họ hơn là đi theo Thầy Giêsu! Tác giả thư thứ nhất Gioan khuyên nhủ: anh em đừng để lạc đường (x. 1Ga 3,7). Điều này thực sự là vấn nạn lớn lắm, bởi vì chúng ta dễ đi tìm “cái gì” hơn là đi tìm “một ai đó” trong đời sống kitô hữu, trong đời sống gia đình và cả trong đời sống Giáo Hội, đời sống tu trì nữa! Cái gì đó thường có dấu vết của bản thân tôi, cho dù tôi gán cho nó danh hiệu là vinh quang Chúa hay vinh danh cho Giáo Hội! Nếu tôi thực sự đi tìm Thiên Chúa, là đi theo Chúa Giêsu, thì tôi sẽ gặp được con người. Còn khi tôi thấy mình đã gây ra căng thẳng không đúng đắn với người khác, gây ra xung đột, có khi làm tổn thương người khác nữa, thì cũng có nghĩa là chẳng có Chúa, chẳng có Giáo Hội nào ở đây cả, chỉ có cái tôi mà thôi. “Phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy.” (1Ga 3,10). Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
SUY NIỆM: TRUYỀN GIÁO BẰNG ĐỜI SỐNG Có một hôm, cha bề trên của một hội dòng muốn cho các đệ tử của mình sống đức khó nghèo! Tuy nhiên, thao thức của ngài, ngài không chỉ nói, mà hôm ấy, ngài đã dẫn một nhóm đi đến thăm một cha xứ tại một họ đạo ngay tại trung tâm thành phố. Khi đến nơi, nhóm đệ tử không khỏi ngạc nhiên về lối sống giản dị, nghèo khó của cha xứ ấy! Phòng của ngài chỉ vỏn vẹn có khoảng 6 mét vuông, trong đó, sách vở và những vật dụng cần thiết khác đã chiếm hết chỗ ngủ của ngài. Trong phòng chỉ còn có một lối đi nhỏ bé chừng 40cm. Đêm về, ngài thường thu gọn sách vở lại và ngủ ngay trên lối đi. Sau cuộc gặp gỡ đó, khi trở về, các đệ tử đã không dám đòi hỏi điều gì nữa, ngược lại, sẵn sàng vui vẻ sống khó nghèo, bởi vì những gì đang có thì đã hơn hẳn cha xứ của một họ đạo rồi! Tin Mừng hôm nay thuật lại: sau khi nghe Gioan giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa bỏ tội trần gian”, ngay lập tức đã có hai môn đệ đến gặp Đức Giêsu, khi thấy họ, Ngài đã hỏi họ đi đâu và tìm ai? Họ đã thưa với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”; Đức Giêsu đã mời họ đến và xem chỗ của Ngài, họ đã đi và ở lại ngày hôm ấy, sau đó một trong hai người là Anrê đã đi theo Đức Giêsu. “Hãy đến mà xem”, ấy là lời mời gọi của Đức Giêsu dành cho hai môn đệ của ông Gioan. Khi nói: “Hãy đến mà xem”, Ngài muốn các ông phải có kinh nghiệm thực sự về Ngài, chứ không phải chỉ có nghe Gioan nói rồi đi theo. . . Vì khi đến và xem, các ông sẽ thấy tận mắt đời sống và việc làm của Đức Giêsu. Như thế, lựa chọn đi theo Chúa hay không là tùy thuộc vào quyết định của các ông sau khi đã cảm nghiệm. “Hãy đến mà xem”, Đức Giêsu không muốn họ chỉ tin rằng “có” Ngài, mà khi đến và xem, Đức Giêsu muốn các ông tin “vào” Ngài. Bởi tin “vào” Đức Giêsu không có nghĩa thuần túy là chấp nhận một giáo điều nào đó, mà là chấp nhận chính Ngài cũng như sứ vụ của Ngài. Nói khác đi, tin “vào” Đức Giêsu chính là có một kinh nghiệm sống động, gần gũi đến riêng tư về Ngài. Khi tin “vào” Ngài như thế, Đức Giêsu muốn các môn đệ đặt Ngài làm trung tâm cuộc đời và sứ vụ của họ. Nếu không có một kinh nghiệm thì trong khi thi hành sứ vụ, các ông sẽ tìm cách làm theo ý riêng và quy chiếu mọi sự về phía các ông thay về Chúa. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Hãy đến mà xem” để có kinh nghiệm thực sự về Thiên Chúa. Bởi nếu có đến tận nơi và xem cho kỹ thì mới có những lời chứng hùng hồn về Thiên Chúa trong cuộc đời và sứ vụ của mình được! Nếu không, lời chứng của chúng ta có khi chỉ dừng lại trên giấy tờ, những khái niệm trừu tượng, không ăn nhập gì với con người và cuộc sống hôm nay. Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho tinh thần của hai môn đệ Gioan khi xưa được trở nên lựa chọn của chính chúng con ngày hôm nay khi chúng con sẵn sàng “đến và xem” rồi ở lại với Chúa để được hạnh phúc đời đời. Amen. Ngọc Biển SSP