Thứ Bảy tuần 3 mùa vọng.

Thứ sáu - 18/12/2020 07:08

Thứ Bảy tuần 3 mùa vọng.

"Thiên Thần Gabriel báo trước việc Gioan Tẩy Giả sinh ra".

 

LỜI CHÚA: Lc 1, 5-25

Vào thời Hêrôđê làm vua xứ Giuđêa, có một tư tế tên là Giacaria, thuộc phiên ban Abia, và vợ ông bởi dòng dõi Aaron, tên là Elisabeth. Cả hai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa, không ai trách được điều gì. Nhưng họ lại không con, vì Elisabeth son sẻ, và cả hai đã đến tuổi già.

Xảy ra khi Giacaria chu toàn chức vụ tư tế trước mặt Thiên Chúa, theo lượt của phiên mình như tục lệ hàng tư tế, ông bắt thăm và trúng việc vào cung thánh Chúa mà dâng hương. Ðang lúc toàn thể đám đông dân chúng cầu nguyện bên ngoài, trong giờ dâng hương. Bấy giờ Thiên Thần Chúa hiện ra cùng ông, đứng bên phải hương án. Giacaria thấy vậy hoảng hốt, sự kinh hoàng đột nhập vào ông. Nhưng Thiên Thần nói với ông rằng: "Giacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Elisabéth  vợ ngươi sẽ hạ sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên trẻ là Gioan. Ngươi sẽ được vui mừng hân hoan, và nhiều người cũng sẽ vui mừng, vì việc trẻ sinh ra. Vì trẻ nầy sẽ nên cao trọng trước mắt Chúa, sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Trẻ nầy sẽ đi trước Người, trong thần trí và quyền lực của Elia, để đổi lòng dạ cha ông về với con cháu, kẻ ngổ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị.

Giacaria thưa với Thiên Thần rằng: "Làm sao tôi biết được, vì tôi đây đã già, và vợ tôi cũng đã cao niên?" Thiên Thần liền đáp: "Ta là Gabriel, ta đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, ta được sai đến nói với ngươi, và báo cho ngươi tin lành nầy. Thì đây, ngươi sẽ nín câm và không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra; bởi vì ngươi đã không tin lời ta, là những lời sẽ nên trọng khi đến thời của chúng".

Dân chúng đang trông đợi Giacaria, lấy làm lạ vì ông ở lâu trong cung thánh. Nhưng lúc ra, ông không nói được, và họ biết ông đã thấy điềm lạ trong cung thánh. Còn ông thì chỉ làm hiệu cho họ, và vẫn bị câm. Khi những ngày thánh vụ của ông đã mãn, ông trở về nhà. Sau những ngày ấy, Elisabéth vợ ông thụ thai, và bà ẩn mình trong năm tháng, bà nói rằng: "Chúa đã làm cho tôi thế nầy, trong những ngày Người đoái thương, cất nỗi khổ nhục tôi khỏi người đời.

 

Suy Niệm 1: Chuẩn bị sẵn sàng

Suy niệm:

Ở nước Do Thái, vợ chồng lấy nhau mà không con nối dõi

là một điều bất hạnh, thậm chí là một hình phạt của Thiên Chúa.

Chúng ta không rõ hai ông bà Dacaria và Êlisabét

đã sống với nhau bao lâu mà không có con.

Chỉ biết bây giờ ông đã cao niên rồi, và bà đã quá tuổi sinh sản (c. 7).

Hai vợ chồng già đã kiên nhẫn cầu xin và chờ đợi trong nhiều năm.

Có vẻ Đức Chúa ngoảnh mặt đi, không nghe lời họ,

dù cả hai đều thuộc dòng tộc tư tế Aharon và rất mực đạo đức (cc. 5-6).

Bây giờ họ có còn hy vọng nữa không?

Chính khi ta thất vọng, thì Chúa đến loan báo Tin Vui (c. 19).

Tư tế Dacaria may mắn trúng thăm, nên ông được vào Nơi Thánh

để lau hương án và dâng hương mới.

Tại nơi thâm nghiêm này, khi ông lo việc tế tự,

ông được sứ thần Chúa báo tin về đứa con sắp chào đời của mình.

Gioan, nghĩa là Đức-Chúa-thi-ân, sẽ là món quà ông được tặng.

Nhưng Gioan sẽ còn là món quà cho nhiều người Ítraen,

vì Gioan có sứ mạng giải hòa dân tộc ông với nhau và với Chúa.

Một con người chưa được mang thai và chào đời,

nhưng về người ấy, Thiên Chúa đã có bao ước mơ và dự tính.

Ngài cho Gioan được đầy Thánh Thần từ trong lòng mẹ (c. 15).

“Làm cho kẻ ngỗ nghịch trở về nẻo chính đường ngay,

và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (c. 17).

Đó là những việc Gioan sẽ làm sau này trong tư cách là Êlia mới.

Dacaria có vẻ không tin vào lời sứ thần,

Có vẻ ông không còn nuôi hy vọng có một đứa con (c. 18).

Ông quên mất chuyện Ápraham đã sinh con trong lúc tuổi già.

Là một tư tế hẳn ông phải biết có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn

đã sinh con làm thủ lãnh đất Ítraen (Tl 13, 2; 1Sm 1-2; St 16, 1).

Việc ông bị câm là một hình phạt, nhưng ông không bị loại trừ.

Thinh lặng chín tháng là thời gian ông chờ đợi để lời hứa nên trọn.

Từ khi bà Êlisabét có thai, bà ẩn mình một thời gian.

Bà chưa muốn cho ai hay biết chuyện này.

Niềm vui bất ngờ đến với bà, người được hưởng hạnh phúc làm mẹ.

“Chúa đã làm cho tôi như thế đó,

khi Ngài đoái thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”

Mỗi một trẻ thơ chào đời đều có nét của Gioan.

Chẳng người nào thấy ánh mặt trời mà lại nằm ngoài ý Thiên Chúa.

Như Gioan, ngay từ khi tôi chưa hiện hữu trong lòng mẹ,

Thiên Chúa đã nghĩ đến tôi, và biết tên tôi.

Tôi có chỗ rất riêng trong chương trình của Chúa.

Chúa có một sứ mạng rất riêng cho tôi hôm nay.

Thời nào cũng cần Gioan, cần những người kêu gọi hoán cải.

Nhân loại thời nay cần những người dọn đường sáng tạo,

có khả năng mở những con đường mới đi vào lòng thế nhân.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,

Chúa đã làm người như chúng con,

nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.

Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc

mà con người lại yếu đuối mong manh.

Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,

và giữa ánh sáng,

cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,

nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,

xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu

Chúa đã buồn muốn chết được.

Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,

xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá

Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con ?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.

Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.

Xin cho con yêu đời luôn

dù đời chẳng luôn đáng yêu.

Xin cho con can đảm

đối diện với những thách đố

vì biết rằng cuối cùng

chiến thắng thuộc về người

có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: THÀNH ĐẠT

Sam-son và Gio-an có nhiều điểm giống nhau. Trước hết các ngài đều là người của Thiên Chúa. Cha mẹ các ngài đều cao niên và hiếm hoi. Trước mặt người đời thì các ngài không còn khả năng sinh con. Nhưng Thiên Chúa đã ra tay. Quyền năng Thiên Chúa thật lớn lao. Có thể làm từ không ra có. Từ chết thành sống. Các ngài là ân huệ của Thiên Chúa. Tuy nhiên các ngài phải tuân thủ một số qui luật của Thiên Chúa. Đây chính là điều làm nên khác biệt giữa các ngài.

Sam-son và Gio-an có những khác biệt. Khi được thiên sứ báo tin thì bà Ma-nô-ác tin ngay. Còn ông Gia-ca-ri-a không tin. Nên bị câm cho đến ngày Gio-an chào đời. Nhưng khi lớn lên thì xảy ra điều ngược lại.

Sam-son thất bại. Vì không thực hành Lời Chúa. Sam-son được lệnh không được cạo đầu: “Dao cạo sẽ không được lướt trên đầu nó, vì con trẻ sẽ là một na-dia của Thiên Chúa. Chính nó sẽ bắt đầu cứu Ít-ra-en khỏi tay người Phi-li-tinh”. Sam-son yếu đuối rơi vào chước cám dỗ của Đa-li-la, để bị cạo đầu. Ông không giữ được lệnh Chúa truyền. Nên không cứu được Ít-ra-en. Chính ông bị rơi vào tay người Phi-li-tinh. Ông trở nên mù tối. Và làm tôi mọi cho họ.

Gio-an thành công. Vì hoàn toàn tuân giữ Lời Chúa. Ông vào sa mạc. Chuyên tâm cầu nguyện. Ăn châu chấu và mật ong. Mặc áo da thú. Đã thành công trong việc dọn đường cho Chúa. Giới thiệu Chúa cho mọi người. Ông hoàn thành nhiệm vụ “đi trước mặt Chúa, để đưa tâm hồn cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa”. Được Chúa khen ngợi là người cao cả nhất. Là ngọn đèn chiếu sáng.

Chúng ta sinh ra không phải do quyền năng người phàm. Nhưng do quyền năng Thiên Chúa. Khi sinh ra ta, Chúa trao cho ta một nhiệm vụ phải hoàn thành. Ta sẽ thất bại nếu không tuân giữ Lời Chúa. Ta sẽ thành đạt nếu tuân theo chỉ thị của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên con. Sự sống là một hồng ân cao cả. Chỉ có Chúa mới ban tặng được. Và khi cho con có mặt ở đời, Chúa đã dành sẵn cho con một định mệnh cao quí. Xin cho con biết chu toàn mệnh lệnh của Chúa. Để con thành đạt trong Chúa.

 

Suy Niệm 3: Gioan Tẩy Giả Sinh Ra

Trong bài đọc I hôm nay, sách Thẩm Phán cũng kể lại việc thiên thần Chúa hiện ra với bà có chồng là Manuel thuộc chi họ Dan, và nói với bà rằng: "Ngươi son sẻ không có con, nhưng sẽ được thụ thai và sinh một con trai. Vậy ngươi hãy cẩn thận đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn món gì không thanh sạch vì ngươi sẽ thụ thai hạ sinh một con trai. Lưỡi dao cạo sẽ không chạm đến đầu nó, nó sẽ được hiến dâng cho Thiên Chúa từ thuở nhỏ và từ lòng mẹ. Chính nó sẽ bắt đầu giải phóng Israel khỏi tay người Philitinh. Bà hạ sinh một con trai và con trẻ sinh ra tên là Samson".

Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay nêu lên hai ý tưởng:

- "Không có sự gì mà Thiên Chúa không làm được". Hai người đàn bà son sẻ vợ của Zacharia và Manuel, tuổi đã già vậy mà sinh được hai người con là Gioan Tẩy Giả và Samson. Theo tục lệ Á Ðông xưa của chúng ta có nói: "Nữ thập tam, nam thập lục". Nghĩa là người nữ khoảng mười ba đến bốn mươi tuổi là cơ thể bắt đầu biến đổi để có thể chuẩn bị trở thành một người mẹ. Luật Giáo Hội xác định mười sáu tuổi, mà đa số các quốc gia chấp nhận mười tám tuổi là tuổi trưởng thành cho nữ giới để có thể kết hôn. Khả năng sinh con của người đàn bà có thể kéo dài từ đó đến quãng đời từ bốn mươi lăm đến năm mươi tuổi. Qua khỏi tuổi năm mươi thì hầu như không thể thụ thai được nữa. Lẽ dĩ nhiên phải năm mươi đến sáu mươi tuổi thì mới gọi là đã già, lại càng không thể có hy vọng sinh con cái được nữa. Hơn nữa khi nhìn vào trường hợp của Abraham, ông được mệnh danh là cha của kẻ tin. Mặc dầu Sara vợ ông đã già nhưng được thiên thần báo tin sẽ sinh một con trai trong lúc tuổi già. Abraham đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Ðấng mà ông tôn thờ: "Không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được".

- Muốn hiến thánh cho Thiên Chúa để lo việc phụng sự Ngài, Thiên Chúa đòi hỏi con người phải cộng tác với Người: "Ngươi hãy cẩn thận, không uống rượu và thức ăn có men, cũng đừng ăn những món gì không thanh sạch". Tất nhiên chúng ta cũng không hoàn toàn hiểu theo nghĩa đen nhưng phải hiểu theo nghĩa bóng nữa.

Mùa Vọng là mùa chuẩn bị mừng Chúa Cứu Thế đến, chúng ta không chỉ sửa soạn sạch sẽ, tô vôi, sơn quét lại ngôi thánh đường thân yêu trong Giáo Xứ, làm hang đá thật đẹp, thật lộng lẫy để Chúa Hài Nhi nằm nhưng chúng ta còn phải lo quét dọn tâm hồn, trang hoàng hang đá và làm cho ngôi thánh đường nhỏ bé xinh xinh ở trong tâm hồn chúng ta luôn sạch sẽ để như chiên bò ngày xưa thở hơi ấm áp cho Chúa nơi hang đá giá lạnh trần gian. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm tình đón Chúa như lời thánh Gioan Tẩy Giả đã rao giảng: "Núi đồi hãy san cho bằng, hố sâu hãy lấp cho đầy, đường quanh queo hãy uốn cho ngay thẳng, và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".

Lạy Chúa, không có gì mà Chúa không làm được. Xin cho chúng con nhận biết Quyền Năng của Chúa để chúng con luôn sống trong tin yêu và hy vọng trong cuộc đời. Lạy Chúa, để dấn thân phục vụ Nước Chúa cho rộng lớn, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con luôn biết dùng tự do, thời giờ, tâm trí và tài năng riêng của mỗi người mà Chúa đã ban cho để tham dự vào việc mở mang nước Chúa mà không một đắn đo suy tính thua thiệt theo kiểu nhân loại. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 4: Truyền tin cho Zacaria

Bài tin mừng hôm nay làm nổi bật tác động cứu độ của Thiên Chúa: Thiên Chúa không bỏ rơi ý định cứu độ của Ngài, nhưng Ngài chuẩn bị và thực hiện bằng những bước vững chắc suốt chiều dài lịch sử- cho đến Gioan, vị sứ giả sống sát thời Đấng Mêsia.

Việc Thiên Chúa can thiệp tích cực trong mầu nhiệm cứu độ chính là biểu hiện của tình thương hải hà. Thiên Chúa can thiệp và cứu độ chỉ có nghĩa là Ngài quá xót thương con người mà thôi. Bởi đó, càng nhìn lại những sự kiện, những hoàn cảnh hay những con người đã giúp thực hiện việc cứu độ, chúng ta càng nhận thấy vai trò sự cứu độ viên mãn. Đây là một điểm quan trọng, bởi vì đứng trước hoạt động lớn lao của Thiên Chúa, con người thời này thường có thái độ phản kháng khi cho rằng Thiên Chúa xử sự bằng cách giữ phần chủ chốt tức là đã coi thường con người, trong khi lẽ ra họ phải bày tỏ tâm tình khiêm tốn, thán phục và biết ơn Thiên Chúa. Đấng đã yêu thương, đã dấn thân và làm mọi sự chỉ vì hạnh phúc cho con cái mình.

Sống mùa vọng, ước gì chúng ta biết  nhận ra tác động của Thiên Chúa trong đời mình và trong lịch sử nhân loại, đồng thời biết hướng theo lời mời gọi hoán cải tâm hồn để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

 

Suy Niệm 5: Một Thiên Chúa đột xuất

Vậy một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Da-ca-ri-a đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan…”. (Lc. 1,11-13)

Ở tuổi già và với người vợ son sẻ, ông già Gia-ca-ri-a không còn hy vọng gì có con nữa. Đứa con trong ước mơ đã được ông liên lỉ cầu nguyện. Nhưng bây giờ về cuối đời rồi, ông không còn cầu nguyện xin sinh cậu ấm như trước nữa. Không còn trông cậy kêu xin một điều hão huyền đó với Thiên Chúa.

Tuy nhiên, với Thiên Chúa, không có gì hão huyền, không có gì bất lực. Điều không thể đó sẽ xảy ra. Ê-li-gia-bét, vợ ông, sẽ sinh Gioan tẩy giả.

Ông Gia-ca-ri-a đã suy ngắm Kinh thánh suốt đời ông, tuy vậy, ông vẫn nghi ngờ một chút rằng Thiên Chúa đã luôn luôn hài lòng nắm giữ trong tay mọi sự và thực hiện những kỳ công trong lúc bất ngờ. Ông đã biết rõ rằng trong quá khứ, nhiều lần hình như tuyệt vọng, như mất hết, Thiên Chúa đã can thiệp giải thoát cho dân khốn cùng. Ông đã biết thế, nhưng ông không thể tưởng tượng được Thiên Chúa lại làm như thế cho ông.

Chúng ta nhiều lần có những nghi ngờ như ông Gia-ca-ri-a. Đọc Kinh thánh, chúng ta thấy lạ lùng trước những sự kiện cao cả đã được Thiên Chúa thực hiện trong suốt dòng lịch sử, nhưng ý nghĩ như thế không còn xảy đến nên không còn làm cho chúng ta ngạc nhiên nữa. Chúng ta tin nhiều kỳ công Thiên Chúa đã làm cách đột xuất lạ lùng xưa kia hơn là ngày nay. Chúng ta phải tự hỏi mình xem mình còn tin thật rằng Thiên Chúa luôn luôn sống động không?

Hiện thời Giáo hội đang trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng. Giáo hội đang đi trong đen tối, không còn ảnh hưởng như xưa. Nhiều con cái đã bỏ Giáo hội. Nhiều con cái khác lại phản đối Giáo hội trầm trọng. Hầu như chạy tán loạn! Sau cùng … nhiều kẻ nghĩ và nói rằng: “Tương lai không còn Giáo hội nữa”.

Nhưng chính những lúc đó, khi tất cả đều đen tối và như tuyệt vọng, thì Thiên Chúa lại hiện ra mạnh mẽ hơn xưa. Chúng ta có còn đủ niềm tin rằng Ngài sẽ lại hiện đến không? Chúng ta còn đủ lòng hy vọng cậy trông rằng khủng hoảng hiện thời sẽ là một khủng hoảng trưởng thành, khủng hoảng thăng tiến không?

Thiên Chúa mà chúng ta cử hành lễ tạ ơn Ngài là một Thiên Chúa đột xuất và sống động hàng ngày.

G.F

 

Suy Niệm 6: THIÊN CHÚA BAN ƠN CHO NGƯỜI CÔNG CHÍNH (Lc 1, 5-25)

Trong cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu làm cho chúng ta phải ngỡ ngàng. Đây là tâm trạng của ông Giacaria và bà Êlisabét. Hai ông bà là người cao niên. Qua nhiều năm, họ đã tha thiết khẩn cầu Thiên Chúa ban cho mình một mụn con. Tuy nhiên, càng mong càng mất. Vì thế, đã có lúc, ông bà thất vọng và không còn dám mơ ước một điều mà ông bà cho là viển vông.

Tuy nhiên, giờ của Thiên Chúa đã đến, Người đã đoái thương đến người công chính, vì thế, Ngài đã ban cho ông bà một điều kỳ diệu, đó là cho bà Êlisabét mang thai một người con trai, mà sau này chính là Gioan Tẩy Giả.

Đây là một phép lạ cả thể, đến nỗi chính bản thân ông Giacaria cũng ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì không phải do ông không tin Thiên Chúa, bởi vì trong suốt lịch sử dân Israel, nhiều lúc Thiên Chúa đã can thiệp cách phi thường cho dân. Tuy vậy, vì sự chờ mong quá lâu, và hai ông bà đã về già, nên những chuyện mà hai ông bà đang cầu xin là điều khó có thể xảy ra! Nhưng Chúa có cách của Ngài.

Trong cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay cũng vậy. Nhiều khi niềm tin của chúng ta bị thử thách bằng thời gian, đôi khi trong sự chờ mong của chúng ta bị đánh đổi bằng đau khổ và nước mắt. Thiên Chúa để chúng ta chờ mong như vậy, không có nghĩa Ngài là vị Thiên Chúa vô cảm, nhưng ngang qua đó, Thiên Chúa muốn biểu lộ quyền năng mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, trong lịch sử cho thấy, đã có biết bao người thua cuộc. Đã có nhiều người phải đầu hàng vì thiếu niềm tin mạnh mẽ, can trường.

Thật vậy, muốn chứng minh niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, đôi khi chúng ta phải có đủ độ lỳ trong hy vọng vào quyền năng của Người.

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con thêm niềm hy vọng. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7Truyền tin cho ông Giacaria

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Thời vua Hêrôdđê, có vị tư tế tên là Giacaria và vợ là Elizabeth. Cả hai là người công chính, nhưng đã già mà không có con. Một hôm ông Giacaria trúng thăm vào cung thánh dâng hương cho Chúa. Đang lúc dâng hương ông thấy Thiên thần hiện ra báo cho ông biết: Chúa đã nhận lời ông cầu nguyện, vợ ông sẽ mang thai và sinh con trai đặt tên là Gioan. Người này sẽ nên cao trọng, sống khắc khổ, sẽ dọn đường cho Chúa Cứu Thế.

Nhưng ông Giacaria không tin, nên ông bị câm. Còn vợ ông thì thật sự có thai đúng như lời Thiên thần truyền.

2. Thử thách đối với ông Giacaria và bà Elizabeth.

Trong những lúc bị thử thách, chúng ta không biết bám víu vào đâu vì những người chung quanh đều bất lực không thể giúp chúng ta. Lúc đó, chúng ta chỉ biết dựa vào đức tin phó thác cho Chúa, xin Ngài đến cứu giúp.

Kinh Thánh cho biết hai ông bà là người công chính trước mặt Thiên Chúa (Lc 1,6), nhưng Chúa lại để cho hai ông bà bị hiếm muộn, son sẻ, mà theo quan niệm người Do thái là người có tội bị Thiên Chúa phạt, như người ta nói: “Cây khô không lộc, người độc không con”.

Nhưng công việc của Thiên Chúa thì chúng ta không hiểu được. Có thể đó là những điều Chúa thử thách rồi Người sẽ ban ơn cho như trường hợp hai ông bà hôm nay.

Vấn đề son sẻ được đề cập đến rất nhiều trong Cựu Ước như bà Sara, bà Rebecca, bà Rakhen, mẹ ông Samson, mẹ ông Samuel và Elizabeth đều là những phụ nữ son sẻ, nhưng đã sinh con và những người con của họ đều là những người đã được Thiên Chúa chọn và dùng vào trong công trình vĩ đại của Người. Điều đó cho chúng ta thấy sự bất lực của con người lại tỏ bày quyền năng của Thiên Chúa trong công việc của Người.

3. Theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay, một gia đình đã có một lời cầu nguyện rất sốt sắng: Lạy Chúa, qua câu chuyện trên đây, Chúa muốn cho con biết: nếu con sống đẹp lòng Chúa, thì dù con xin điều gì khó khăn cách mấy, Chúa cũng sẽ sẵn sàng ban cho con. Như trường hợp vợ chồng ông Giacaria không hy vọng gì có con, nhưng ông bà là người công chính luôn luôn sống đẹp lòng Chúa, nên chẳng những cho được sinh con mà còn chọn con ông bà làm tiền hô dọn đường cho Chúa.

Xin cho gia đình con và các gia đình luôn sống đẹp lòng Chúa, hằng ngày siêng năng sốt sắng thờ phượng Chúa, tuân giữ luật Chúa, để được Chúa ban ơn cần thiết, nhất là để được Chúa thương chọn nhiều người trong gia đình chúng con giúp việc Chúa.

4. Theo gương thánh Gioan Tẩy giả đến làm chứng cho ánh sáng cũng là làm chứng cho Chúa Cứu Thế. Chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa bằng bất cứ cách nào: ” Các con là chứng nhân của Thày” (Lc 24,48).

Chúng ta có thể làm chứng cho Chúa bằng lời nói, chữ viết hay bất cứ phương tiện nào, nhưng phương tiện có tính cách thuyết phục nhất là đời sống thực tế của chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa để người ta trông thấy chúng ta  thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa. Trong việc phong thánh cho Linh mục Gioan Vianney, cha sớ xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy  chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: ”Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.

5. Truyện: Một chứng tích hùng hồn.

Sau những tháng năm làm đầy tớ cho một gia đình quí phái, Sophie Beranski phải thất nghiệp.

Ngày kia, gia đình Hersten, một gia đình Do thái thuê nàng về chăm sóc cho mấy đứa trẻ trong nhà họ.  Ngay hôm đầu tiên khi biết được Sophie là người Công giáo,  ông chủ đã đặt điều kiện là nàng không được “giảng đạo” cho con cái ông. Sophie nhận lời. Và chiều hôm ấy, lúc còn lại một mình trong phòng, nàng lấy một mảnh giấy nhỏ, viết một dòng chữ xếp lại và bỏ vào chiếc huy chương cha nàng để lại, rồi mang vào cổ. Lũ trẻ trong nhà nhiều lần đòi Sophie cho coi chiếc huy hương ấy nhưng nàng nhất định không cho: bí mật của đời cô mà !

Dưới sự săn sóc chỉ bảo của Sophie, lũ trẻ trong gia đình của Hersten càng ngày càng trở nên nhu mì ngoan ngoãn. Cuộc sống đang lặng lẽ trôi qua, tai họa dồn dập xẩy đến: Bé Naim đau nặng. Cả nhà cuống quít đưa đi bệnh viện. Sophie tình nguyện túc trực ngày đêm ở đó. Rồi thêm hai đứa nữa cũng ngã bệnh. Gánh đã nặng lại càng nặng thêm. Tuy nhiên Sophie vẫn tận tình phục vụ cách vui vẻ cho đến khi ba đứa nhỏ  trở lại bình thường. Rồi một hôm, kết quả của những ngày lao nhọc thức khuya dậy sớm, Sophie ngã bệnh và từ trần.

Hai năm trôi qua. Hôm nay là ngày giỗ của Sophie Beranski. Người ta thấy cả gia đình Hersten dậy sớm và cùng nhau đến nhà thờ Công giáo dự thánh lễ. Phải chăng là phép lạ?

Không! Sau khi Sophie đã mất được ít lâu, tình cờ khi mở chiếc huy chương mà tụi trẻ đã vất lăn lóc từ lâu trong một hộc tủ, ông Hersten rút ra được mảnh giấy trên có ghi dòng chữ: ”Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi, tôi quyết sống đạo của tôi trước mặt họ như một chứng từ hùng hồn”.

Ông hết sức cảm phục. Cả gia đình ông cũng thế. Sau đó tất cả mọi người đều đến nhà thờ xin được học đạo và lãnh nhận bí tích Rửa tội.



 

SUY NIỆM

1. Truyền tin cho ông Dacaria và truyền tin cho Đức Maria

Sự kiện ông Dacaria và bà Elizabet, vừa hiếm muộn và vừa cao niên, nhưng vẫn sinh con như lời sứ thần loan báo trong bài Tin Mừng, có tương quan đặc biệt đối với lịch sử cứu độ và đối với lời “xin vâng” của Đức Maria, vốn làm cho lịch sử cứu độ được hoàn tất nơi Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể. Chúng ta sẽ nghe lại lời “xin vâng” của Đức Maria trong biến cố truyền tin trong Thánh Lễ ngày mai.

Thực vậy, trong trình thuật truyền tin cho Đức Maria, trường hợp bà Elizabet, vừa hiếm muộn và vừa cao niên, nhưng vẫn thụ thai, được nêu ra hai lần một cách long trọng:

  • Lần đầu, trường hợp của bà Elizabet làm nên bối cảnh của trình thuật truyền tin : « Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a » (Lc 1, 26-27)
  • Và lần thứ hai, trường hợp của bà Elizabet làm nên chứng từ về quyền năng sáng tạo sự sống của Thiên Chúa; và lời chứng này đủ mạnh để cho Đức Maria can đảm thưa « xin vâng ». Thực vậy, sứ thần Gabrien đã thuyết phục Đức Maria : « Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được »

Như thế, sự kiện bà Elizabeth với cung lòng vừa hiếm muộn và vừa già cỗi nhưng vẫn có thể mang thai, có ý nghĩa đặc biệt trong lời xin vâng của Mẹ và trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, bởi vì sự kiện này nhắc nhớ cách hành động của Đức Chúa trong toàn bộ lịch sử cứu độ. Đó là trường hợp các phu nhân hiếm muộn của các tổ phụ, mà vẫn cứ sinh con được, và tiêu biểu nhất là bà Sara, vợ của tổ phụ Abraham. Và rộng hơn nữa, Đức Chúa có thể mở lối cho Dân Người đi, ở nơi không thể, là biển cả, là đường cùng, là tai họa, là sự dữ, là tội lỗi, như lời Thánh Vịnh diễn tả :

Đường của Chúa băng qua biển rộng,
lối của Người rẽ nước mênh mông,
mà chẳng ai nhận thấy vết chân Người. 
(Tv 77, 22)

Và hơn thế nữa, Đức Chúa là Đấng sáng tạo ra sự sống, làm trào vọt ra sự sống từ lòng dạ « vô sinh » của thiên nhiên, trong công trình tạo dựng. Như thế, Thiên Chúa là Đấng có thể làm phát sinh sự sống ở nơi mà con người không còn hi vọng gì và không thể làm gì được.

 2. « Ông không nói với họ được »

Về chuyện ông Dacaria bị câm, như bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta, nhưng sau này, ngay sau khi đặt tên cho con là Gioan, thì ông nói được, cũng rất có ý nghĩa. Sự kiện ông không nói được, là một dấu chỉ nhắc nhở ông rằng, có một lúc ông đã không tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể thi ân ở nơi mà con người không còn hi vọng gì, có thể làm phát sinh sự sống nơi cung lòng hiếm hoi và già cỗi của bà Elizabeth. « Không nói được », không chỉ là không nói được ngôn ngữ, nhưng nhất là không thể ca tụng Chúa được. Thật vậy, khi người ta không tin, không nhận ra ơn Chúa ban cho mình và người khác, thì không thể ca tụng Chúa được; và khi ghen tị nhau và kêu trách Thiên Chúa, người ta càng không thể tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa.

Chính khi ông đặt tên cho con là Gioan, « Gioan » có nghĩa là Thiên Chúa Thi Ân, thì ông « lưỡi ông lại mở ra, ông nói được » và lời nói đầu tiên là lời chúc tụng Thiên Chúa:

Chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa Israel,
đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. 
(c. 68)

Đó là lời tán tụng Benedictus bất hủ, vang lên mỗi ngày trong Giờ Kinh Sáng của chúng ta. Ước gì, khi đọc hay hát lời chúc tụng này, chúng ta mặc lấy tâm tình của ông Dacaria. Hình ảnh giấc ngủ còn dẫn chúng ta đi xa hơn, đó là lúc chúng ta nhắm mắt và câm lặng tuyệt đối trong sự chết, nhưng với niềm hi vọng lại được mở mắt và mở miệng chúc tụng Thiên Chúa trong niềm vui của Sáng Tạo Mới.

Xin cho chúng ta tin tưởng và nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban, để có thể cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa: « Lạy Chúa, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài ». Nếu không, dù chúng ta có nói bi bô suốt ngày, thì cũng như là « người câm » vậy thôi ! Nhưng chúng ta được mời gọi đi xa hơn, bằng cách định hướng đời mình và từng ngày sống theo năng động chúc tụng Thiên Chúa. Và để được như thế, chúng ta cần tín thác và nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban, cần đặt đời sống, ngày sống và hành động trên nền tảng tâm tình biết ơn.

3. Hành trình hướng tới lời ca tụng

Mỗi sáng, khi hát bài ca Benedictus, có lẽ chúng ta ít chú ý đến điều gì hay đúng hơn hành trình nào, đã dẫn ông Dacaria đến lời ca tụng bất hủ này. Thực vậy, theo Tin Mừng Luca, bài ca này là điểm tới của cả một hành trình thật dài: khởi đi từ kinh nghiệm lắng nghe Lời Chúa, ngang qua biến cố gặp gỡ sứ thần Gabriel trong đền thờ, mà bài Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta, tiếp theo là thời gian hơn chín tháng thinh lặng, tương ứng với thời gian bé Gioan được cưu mang trong bụng mẹ, và kết thúc bằng biến cố đặt tên; và từ đó trào vọt lời nói đầu tiên, là bài ca Benedictus, mãi mãi được hiện tại hóa nơi lời kinh hằng ngày và nơi cuộc đời của chúng ta.

Hơn chín tháng câm lặng về mặt thể lí, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu đó một cuộc « tĩnh tâm » dài ; vì chắc chắn, đối với ông Dacaria, đó là thời gian suy niệm và chiêm niệm, để khám phá sự hiện diện và cách hành động của Thiên Chúa trong lịch sử thánh của Dân Chúa, trong đời mình và đặc biệt nơi hồng ân lạ lùng « Gioan ». Như thế, rốt cuộc, đối với ông Dacaria, chín tháng mười ngày thinh lặng, chính là thời gian « cưu mang » Lời Chúa. Cũng cùng một thời gian đó, Gioan được cưu mang trong dạ mẹ cách lạ lùng: 

« Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn,
ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai,
bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ:
« Chúa đã làm cho tôi như thế đó,
khi Người thương cất nỗi hổ nhục
tôi phải chịu trước mặt người đời. » 
(c. 23-25)

Chín tháng thinh lặng phải là chín tháng cầu nguyện, để có thể hát lên lời ca tụng Thiên Chúa tuyệt vời như vậy, lời mà Giáo Hội đặt vào miệng chúng ta trong Giờ Kinh Phụng Vụ ban sáng:

Chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa Israel,
đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người.

Hơn nữa, đó là lời được thốt ra bởi người « đầy Thánh Thần » (c. 67). Lời ca tụng như thế đã trở thành Lời Chúa, được trao ban cho chúng ta mỗi ngày.

Mùa Vọng 2020
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Nhiều người sẽ vui mừng về ngày sinh của bé – SN song ngữ 19.12.2020

Saturday (December 19): “Many will rejoice at his birth”

 

Scripture: Luke 1:5-25

    5 In the days of Herod, king of Judea, there was a priest named Zechariah, of the division of Abijah; and he had a wife of the daughters of Aaron, and her name was Elizabeth. 6 And they were both righteous before God, walking in all the commandments and ordinances of the Lord blameless. 7 But they had no child, because Elizabeth was barren, and both were advanced in years. 8 Now while he was serving as priest before God when his division was on duty, 9 according to the custom of the priesthood, it fell to him by lot to enter the temple of the Lord and burn incense. 10 And the whole multitude of the people were praying outside at the hour of incense. 11 And there appeared to him an angel of the Lord standing on the right side of the altar of incense. 12 And Zechariah was troubled when he saw him, and fear fell upon him. 
 

 

   13 But the angel said to him, “Do not be afraid, Zechariah, for your prayer is heard, and your wife Elizabeth will bear you a son, and you shall call his name John. 14 And you will have joy and gladness, and many will rejoice at his birth; 15 for he will be great before the Lord, and he shall drink no wine nor strong drink, and he will be filled with the Holy Spirit, even from his mother’s womb. 16 And he will turn many of the sons of Israel to the Lord their God, 17 and he will go before him in the spirit and power of Elijah, to turn the hearts of the fathers to the children, and the disobedient to the wisdom of the just, to make ready for the Lord a people prepared.”
    18 And Zechariah said to the angel, “How shall I know this? For I am an old man, and my wife is advanced in years.” 19 And the angel answered him, “I am Gabriel, who stand in the presence of God; and I was sent to speak to you, and to bring you this good news. 20 And behold, you will be silent and unable to speak until the day that these things come to pass, because you did not believe my words, which will be fulfilled in their time.” 21 And the people were waiting for Zechariah, and they wondered at his delay in the temple. 22 And when he came out, he could not speak to them, and they perceived that he had seen a vision in the temple; and he made signs to them and remained dumb.  

23 And when his time of service was ended, he went to his home. 24 After these days his wife Elizabeth conceived, and for five months she hid herself, saying, 25 “Thus the Lord has done to me in the days when he looked on me, to take away my reproach among men.”

Thứ Bảy     19-12                Nhiều người sẽ vui mừng về ngày sinh của bé

 

Lc 1,5-25

5 Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron.6 Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì.7 Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên.8 Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông:9 Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa.10 Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài.11 Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án.12 Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông.13 Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an.

14 Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời.15 Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần.16 Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ.17 Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.”

 

 

 

18 Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi.”19 Sứ thần đáp: “Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông.20 Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.”21 Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế.22 Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm.

 

 

23 Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà.24 Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng.25 Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”

 

Meditation: 

Do you believe that God will fulfill all his promises just as he said? Advent is a time to renew our hope and confidence in God’s faithfulness to the covenant he made with his people. In preparing the way for a Savior, we see the wondrous miracle of two barren couples who conceive and bear sons – Samson in the Old Testament (Judges 13) and John the Baptist in the New Testament (Luke 1:5ff) – who are called by God to bring hope and deliverance at a time of spiritual darkness and difficulty for the people of God.

 

A blessing beyond expectations

Zechariah was a godly man who was tuned to God’s voice. He was born into a priestly family and it was his privilege to be chosen to enter the inner court of the temple to offer sacrifice to God. Luke records that the people wondered at Zechariah’s delay and were amazed that he was speechless when he withdrew from the inner sanctuary. They rightly perceived that he had a special encounter with God. God’s angelic messenger greeted Zechariah with a blessing beyond his expectations. 

“Your prayer is heard! You will have a son! And his mission will be great for all of Israel.”

Now that seemed like a lot for Zechariah to take in all at once. Could God really do a miracle for his barren wife, Elizabeth? The angel somewhat wisely put Zechariah in his place before God’s mighty action. He became speechless until the day the infant was dedicated to the Lord and given the name, John. When God draws us into his presence, he wants us to be still and quiet before him so we can listen to his voice as he speaks to our hearts and reveals his mind to us. Do you listen attentively to the Lord and do you ponder his word in your heart with trust and confidence?

 

 

The Lord is gracious

In the annunciation of the birth of John the Baptist, the angel explains to Zechariah the role his son is to play in preparing the way for the Messiah. John will be great in the sight of God. He will live as a Nazarite (see Numbers 6) – a person set apart for the Lord. He will be filled with the Holy Spirit even within his mother’s womb. And he shall be sent to the people of God, in the spirit and power of Elijah, to turn the hearts of fathers and children to God and one another, by turning the “disobedient to the wisdom of the just.” The name John means “the Lord is gracious”. When God acts to save us he graciously fills us with his Holy Spirit and makes our faith “alive” to his promises. Do you pray that “the hearts of parents and children may be turned to God and one another”?

“Lord Jesus, you bring hope and restoration to your people. Restore and strengthen Christian family life today. Help me to love and serve my family. May your love rule in all my relationships and remove any barriers to peace and harmony.”

Suy niệm:

 

 Bạn có tin rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện tất cả các lời hứa của mình như Người đã phán không? Mùa Vọng là thời gian để canh tân niềm hy vọng và tin tưởng của chúng ta vào sự trung thành của Thiên Chúa đối với giao ước Người đã thiết lập với dân Người. Trong việc chuẩn bị con đường cho Đấng cứu thế, chúng ta nhìn thấy phép lạ kỳ diệu của hai cặp vợ chồng son sẻ mang thai và sinh những người con trai – Samson trong Cựu ước (Tl 13) và Gioan tẩy giả trong Tân ước (Lc 1,5) – người được Thiên Chúa kêu gọi để đem niềm hy vọng và sự giải thoát khỏi thời gian tăm tối và khó khăn thiêng liêng cho dân Thiên Chúa.

Phúc lành ngoài những mong đợi

Giacaria là người đạo đức, người hòa nhịp với tiếng nói của Thiên Chúa. Ông sinh ra trong một gia đình tư tế và ông được đặc ân chọn vào trong chính điện đền thờ dâng của lễ cho Thiên Chúa. Luca tường thuật lại rằng mọi người ngạc nhiên về sự trì hoãn của Giacaria và sửng sốt khi ông không thể nói được lúc ông từ thánh điện đi ra. Lập tức, họ nhận ra rằng ông đã có cuộc gặp gỡ đặc biệt với Thiên Chúa. Sứ thần của Chúa đã chào mừng ông với lời chúc phúc vượt trên những mong đợi của ông.

 

“Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin! Ông sẽ có một người con trai! Và sứ mạng của nó sẽ cao trọng trước toàn thể Israel.”

Giờ đây, dường như có quá nhiều điều để ông Giararia tiếp nhận cùng lúc. Chẳng lẽ Thiên Chúa thật sự đã làm phép lạ cho người vợ son sẻ của ông, bà Êlizabét? Sứ thần khá khôn ngoan khi cho Giacaria cảm nghiệm tác động quyền năng của Thiên Chúa. Ông đã trở nên câm cho tới ngày con trẻ được dâng cho Chúa và đặt tên là Gioan. Khi Thiên Chúa lôi kéo chúng ta vào trong sự hiện hữu của Người, Người muốn chúng ta ở yên và thinh lặng trước Người để chúng ta có thể lắng nghe tiếng nói của Người khi Người nói với linh hồn chúng ta và mặc khải ý định của Người cho chúng ta. Bạn có chăm chú lắng nghe Chúa và bạn có suy gẫm lời Người trong lòng với sự phó thác và tin tưởng không?

Đức Chúa khoan dung

Trong lời loan báo ngày sinh của Gioan Tẩy giả, sứ thần giải thích cho Giacaria vai trò của nó là để dọn đường cho Đấng Mêsia. Gioan sẽ trở nên cao trọng trước mắt Thiên Chúa. Ông sẽ sống như một người thánh thiện (Ds 6) – người dành riêng cho Chúa. Ông sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ. Và ông sẽ được sai tới với dân Chúa, trong tinh thần và uy quyền của ngôn sứ Êlia, để đưa các tâm hồn cha ông và con cái về với Thiên Chúa và với nhau, bằng việc biến đổi “người bất tuân trở thành người khôn ngoan công chính”. Tên Gioan có nghĩa là “Chúa nhân từ”. Khi Thiên Chúa hành động để cứu độ chúng ta, Người đổ trên chúng ta Thần Khí của Người và làm cho đức tin của chúng ta trở nên “sống động” trước những lời hứa của Người. Bạn có cầu nguyện cho tâm hồn của các cha mẹ và con cái có thể được quay về với Chúa và với nhau không?”

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đem lại hy vọng và sự phục hồi cho dân của Chúa. Xin phục hồi và củng cố cho đời sống gia đình Kitô hữu ngày hôm nay. Xin giúp con biết yêu thương và phục vụ gia đình con. Chớ gì tình yêu của Chúa cai trị tất cả mọi mối quan hệ của con và cất khỏi những chướng ngại cho sự bình an và hòa thuận.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây