Thứ Hai tuần 1 thường niên.

Chủ nhật - 10/01/2021 07:20

Thứ Hai tuần 1 thường niên.

"Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".

 

LỜI CHÚA: Mc 1, 14-20

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".

Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người.

Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

 

 

Suy Niệm 1: Thấy - Gọi - Bỏ - Theo

Suy niệm :

Sau khi chịu phép rửa của Gioan ở sông Giođan

Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải rời bỏ gia đình ở Nadarét,

phải chia tay với người mẹ thân yêu,

phải từ giã nghề nghiệp mà mình đã theo đuổi mấy chục năm trời.

Sau khi nhận Thánh Thần từ trên xuống,

Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải lên đường

dấn thân cho sứ mạng do Cha ủy thác.

Vùng Galilê là vùng Ngài bắt đầu rao giảng Tin Mừng về Nước Trời (c.14).

Ngài mời người ta sám hối và tin vào Tin Mừng mà Ngài rao giảng.(c.15).

Nhưng Đức Giêsu không nghĩ rằng mình có thể tự mình làm mọi sự.

Ngài cần người cộng tác, dù nước Ítraen chỉ là một nước bé nhỏ.

Đức Giêsu đi tìm môn đệ, và Ngài bắt gặp các anh đánh cá nơi hồ Galilê.

Có hai đôi anh em ruột đã lọt vào mắt của Ngài.

Ngài THẤY Phêrô và Anrê đang quăng lưới bắt cá.

“Hãy theo tôi. Tôi sẽ làm các anh thành những kẻ lưới con người” (c. 17).

Đây là một mệnh lệnh nhưng cũng là một lời mời thân thương.

Ngài GỌI họ đi theo Ngài, theo chính con người của Ngài,

chứ không phải theo một lý tưởng hay một chủ nghĩa nào đó, dù là cao đẹp.

Theo Ngài sẽ dẫn đến một thay đổi lớn nơi họ: từ lưới cá đến lưới con người.

Bây giờ con người là mối bận tâm của họ, không phải là cá như xưa nữa.

Đức Giêsu cũng thấy cặp anh em ruột thứ hai là Giacôbê và Gioan.

Họ đang vá lưới trong khoang thuyền với người cha.

Khung cảnh cha con thật êm đềm, tưởng như chẳng gì có thể làm xáo trộn.

Tiếng gọi của Thầy Giêsu vang lên, gây cuộc chia ly.

Bốn anh đánh cá đầu tiên này đã BỎ để dáp lại tiếng gọi của Thầy Giêsu.

Họ đã bỏ chài lưới, bỏ nghề dánh cá, bỏ những thú vui của sông nước.

Hơn nữa họ còn bỏ gia đình, bỏ vợ, bỏ cha, để gắn bó với Thầy Giêsu.

Họ bỏ một giá trị để sống cho một Giá Trị lớn hơn,

bỏ một tình yêu để sống cho một Tình Yêu lớn hơn.

Đức Giêsu đã có kinh nghiệm về sự đau đớn khi phải từ bỏ như vậy.

Nhưng bỏ chính là để THEO (cc. 18.20).

Theo một Đấng sống không chỗ tựa đầu, và bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.

Hôm nay Đức Giêsu vẫn cần những con người dám sống cho người khác,

dám bỏ lại những điều rất quý giá và thân thương,

dám bỏ lại cuộc sống ổn định và ấm êm, tiện nghi và dễ chịu.

Xin cho chúng ta nghe được tiếng gọi thì thầm của Ngài và vui sướng đáp lại.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,

một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,

để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.

Chúa xây dựng Giáo Hội

trên một tảng đá mong manh,

để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con

theo Chúa, sống cho Chúa,

đặt Chúa lên trên mọi sự :

gia đình, sự nghiệp, người yêu.

Chúng con chẳng thể nào từ chối

viện cớ mình kém đức kém tài.

Chúa đưa chúng con đi xa hơn,

đến những nơi bất ngờ,

vì Chúa cần chúng con ở đó.

Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,

bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,

hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: HÃY SÁM HỐI

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thời đã mãn”. Đã hết thời cũ. Gioan Tẩy giả là tiên tri cuối cùng của thời cũ đã bị bắt giam. Hết thời của các trung gian. Nay đến thời mới, thời Thiên Chúa trực tiếp nói với nhân loại. Con Thiên Chúa xuất hiện với đầy đủ quyền năng. Người là trưởng tử mọi loài thọ sinh. Người mở đường cho đoàn em đông đảo đi theo Người vào con đường đạt tới vinh quang (năm lẻ).

Khởi đầu một thời kỳ mới đòi phải có con người mới. Hôm nay, khi đầu tiên ngỏ lời với nhân loại, Người kêu gọi đào tạo con người mới bằng 2 phương thế: Sám hối và Tin vào Tin mừng. Sám hối là từ bỏ con người cũ để trở thành người mới. Tin vào Tin Mừng để sống một đời sống mới.

Bốn môn đệ đầu tiên đã thực hành Lời Chúa dậy. Các ngài bỏ con người cũ để đi theo Thiên Chúa. Xưa kia các đệ tử đi theo thầy. Như Anrê và Gioan đã từng là môn đệ của Thánh Gioan Tẩy giả. Chỉ qua trung gian người thầy mới đến với Thiên Chúa. Nay con người mới trực tiếp được Chúa kêu gọi, trực tiếp đi theo Thiên Chúa, đến với Thiên Chúa, sống cùng Thiên Chúa.

Bỏ con người cũ với những lo toan cũ như Phêrô và Anrê. Xưa lo toan về cuộc sống trần gian. Nay lo toan về cuộc sống thiên đàng. Xưa chài lưới để bắt tôm cá. Nay đi qui tụ con người. Xưa bận tâm đến phát triển cuộc sống trần gian với bữa cơm có cá ngon. Nay lo dọn bữa tiệc trên trời.

Bỏ người cũ với những tài sản, địa vị cồng kềnh như Gioan và Giacôbê, có cả lưới và thuyền, có cả cha mẹ và những người làm công, để từ nay sống không cửa không nhà, không kẻ hầu người hạ, không có người thân thích bên mình, để hoàn toàn sống cho Nước Trời, chỉ có Chúa làm gia nghiệp, sống chết cho ơn cứu độ.

Bỏ con người cũ chỉ tin vào loài người như bà Anna. Để hoàn toàn tin vào Thiên Chúa. Quả nhiên Thiên Chúa ban cho bà một người con để sống đời sống mới vui tươi trong Chúa. Người con này là Samuel, Thiên-Chúa-nhận-lời, sẽ chấm dứt thời cũ của Hêli vì các con thầy cả không còn giữ lề luật Chúa. Chính Samuel cũng khởi đầu thời kỳ mới cho lịch sử Israel khi ông tấn phong hai vị vua đầu tiên cho Dân Chúa (năm chẵn).

Xin ban ơn cho con biết sám hối và tin vào Tin Mừng.

 

Suy Niệm 3: Sám hối và tin vào Tin Mừng

Trong sưu tập về các thánh ẩn tu trong sa mạc, có kể giai thoại như sau: Có hai tội nhân quyết tâm vào sa mạc để ăn chay đền tội. Nguyên một năm ròng rã, mỗi người giam mình trong một túp lều riêng, ngày đêm ăn chay, cầu nguyện và đánh tội. Ngày ngày các tu sĩ của cộng đoàn nọ đem thức ăn đến tận căn lều riêng cho từng người. Sau đúng một năm thử thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai người: một người thì vui vẻ, khỏe mạnh; một người thì ốm o buồn phiền. Cả hai đến trình diện trước Bề Trên cộng đoàn để chờ xem họ có xứng đáng được gia nhập cộng đoàn hay không. Khi được hỏi suốt một năm qua, họ đã suy niệm về những gì.

Người ốm o buồn sầu cho biết:

- Trong năm qua, ngày ngày tôi nhớ lại những tội đã phạm, từng giây từng phút tôi nhớ đến những hình phạt sẽ gánh chịu, tôi sợ hãi đến mất ăn mất ngủ.

Ðến lượt mình, người vui vẻ khỏe mạnh trả lời:

- Suốt một năm qua, từng giây từng phút, tôi hằng cảm tạ Chúa vì đã tha thứ cho tôi: tôi luôn nghĩ tới tình yêu của Ngài.

Các tu sĩ trong cộng đoàn rất cảm kích trước tâm tình của người vui tươi khỏe mạnh vì lòng sám hối của anh đã biến thành lời ca cảm tạ tri ân tình yêu Chúa.

Sám hối là khởi đầu của sự nên thánh. Dĩ nhiên, không phải tất cả những vị thánh đều bắt buộc phải là những tội nhân, nhưng tất cả đều phải bắt đầu với ý thức về tội lỗi và sự yếu hèn của mình. Càng ý thức về con người tội lỗi, bất toàn của mình, con người càng cảm nhận được tình yêu của Chúa. Ðó là cảm nhận của vua Ðavít, của thánh Phêrô, của thánh Augustinô và của tất cả các vị đại thánh trong lịch sử Giáo Hội.

Lời đầu tiên Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài chính là: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Chúa Giêsu đã nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin Mừng là gì, nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người Chúa Giêsu Kitô. Sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là ngõ tất yếu dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc.

Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải qua cuộc sống và nhất là qua cái chết của Ngài, là một người Cha muốn được con cái yêu mến hơn là sợ hãi. Ðạo mà Chúa Giêsu thiết lập không phải là đạo của buồn phiền, của khổ đau, nhưng là đạo của Tin Mừng, của tình yêu, của hân hoan và hy vọng. Ðành rằng Thập giá là biểu tượng của Kitô giáo, nhưng người Kitô hữu không dừng lại ở chết chóc, khổ đau, buồn phiền; trái lại họ luôn được mời gọi để nhìn thấy ánh sáng, hy vọng, tin yêu và sự sống bên kia Thập giá.

Ước gì Lời Chúa hôm nay ban sức sống để chúng ta không bị đè bẹp dưới sức nặng của tội lỗi, của yếu hèn. Xin cho chúng ta luôn tiến bước trong hân hoan và tin tưởng, vì biết rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương, không ngừng nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Chúa Giêsu đi qua, Người gọi các ông.

Người đang đi dọc biển hồ Galilê, thì thấy ông Simon với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ là người đánh cá. Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người (Mc. 1, 16-18)

Phúc âm Maccô có một lối văn sống đọng và cụ thể, dùng đối thoại vắn gọn và sắc bén. Câu chuyện kể cũng có một tính cách giản dị. Hiếm có những bài nói và lời giải thich dài dòng. Trái lại, chỉ bằng một từ ngữ, một chi tiết nhỏ thôi, thánh Maccô tạo cho Phúc âm của ngài một sức diễn đạt phong phú mà lại cô đọng lạ thường.

Hôm nay Maccô tóm tắt cả Tin Mừng trong vài tiếng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần… Anh em hãy sám hối”. Liền sau đó ngài đưa ra một thí dụ là câu chuyện Chúa gọi các môn đệ đầu tiên. Chúng ta dừng lại suy niệm ở trích đoạn này.

Người liền gọi các ông.

Chúng ta thường nhấn mạnh đến việc các môn đệ đã tỏ ra mau mắn đáp lời Chúa gọi. Thực ra không phải chỉ có sự mau mắn đáp lời, mà tiếng gọi cũng diễn ra mau lẹ: “Đi xa hơn một chút. Người thấy hai ông Gia-cô-bê và Gioan, Người liền gọi các ông”.

Việc Chúa Giêsu đi dọc theo Biển Hồ là dấu chỉ Nước Trời đang hiện diện. Thiên Chúa đi vào vũ trụ, đến với con người như thế, coi như Người đã gióng lên tiếng mời gọi tức thời và khẩn thiết vậy.

Các ông liền đi theo Người.

Người ta không phải chờ đợi sự đáp trả. Cả bốn ông Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đều dấn thân vào một nghề mới. Và thánh Maccô ghi nhận một cách rất tế nhị việc dấn thân đi theo Chúa này có điều đáng giá. Phêrô và Anrê phải bỏ lại chài lưới, dụng cụ sinh sống của các ông, còn Giacôbê và Gioan phải giã biệt người cha, không những các ông phải từ bỏ một tay nghề sẵn có, mà còn tất cả những mối giây liên hệ và tình cảm thân thương nữa.

Dấn thân trở lại với Chúa không chỉ là hành động khác trước, là thực hiện một điều gì khác, mà cũng còn là hướng dẫn con tim và cuộc sống của ta về một bến bờ khác.

Còn chúng ta…

Mỗi ngày có biết bao hoạt động đòi ta phải có sức, có tài. Cùng với mọi người. chúng ta cùng đồng lao cộng tác. Chúa Giêsu đang đi qua, Nước Trời đang hiện diện ngay tại những ven bờ này, và tiếng Chúa gọi vẫn đang vang lên cho mỗi người đang cùng ta chung sức. Đến lượt chúng ta cũng phải xem lại những mối giây liên hệ của ta hầu nối kết với những ai Chúa Kitô đang quan tâm tới.

 

Suy Niệm 5: DỨT KHOÁT (Mc 1, 14-20)

“Hãy theo Thầy” chính là lời mời gọi đầy yêu thương, trìu mến của Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Nhưng sự đáp trả: “Xin theo Thầy” chính là thể hiện thái độ dứt khoát của các ông cũng không kém phần tin yêu với Đấng đã yêu thương mình trước.

Hôm nay, Kinh Thánh thuật lại việc Đức Giêsu đi dọc biển hồ Galilê, Ngài thấy các ông Simon và Anrê đang quăng lưới xuống biển, rồi đi xa hơn chút nữa, Ngài thấy Giacôbê và Gioan đang vá lưới trong thuyền, cùng một mẫu số chung, Ngài cất tiếng mời gọi các ông: “Hãy theo Tôi”.  Ngay lập tức, các ông bỏ mọi sự để đi theo Ngài.

Sự dứt khoát của các ông cho thấy họ đã tìm được kho tàng, chân lý, lẽ sống đích thực là chính Chúa. Các ông cũng khám phá ra lý tưởng của cuộc đời. Vì thế, các ông đành mất hết và coi mọi sự là rơm rác so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của các ông. Từ đây, các ông được sống cùng và sống với Đấng là đường, là sự thật và là sự sống. Thật là hạnh phúc cho bốn môn đệ đầu tiên này!

Đến lượt chúng ta, mỗi người cũng được Chúa gọi rất nhiều lần trong cuộc đời! Ngài gọi chúng ta qua lương tâm, qua các dấu chỉ, qua những sự kiện, biến cố, qua những người này hay người kia...

Ngài mời gọi chúng ta thi hành bác ái, yêu thương người nghèo, từ bỏ con đường tội lỗi, hoán cải, sống công chính và trung thành với đức tin... Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta đã không nhạy bén đủ, hay cũng có những lúc chúng ta không muốn đáp lại lời mời gọi đó và viện cớ đủ mọi lý do để khước từ.

Như vậy, chúng ta không lạ gì khi Lời Chúa hằng ngày vẫn đọc, nhưng Lời ấy không hề ăn nhập gì với cuộc sống của mỗi chúng ta! Và lẽ tất nhiên, chúng ta vẫn trơ trọi như cây không sinh trái mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho tâm hồn chúng con khao khát Chúa, để chúng con nhạy bén nhận ra tiếng Chúa gọi và can đảm đi theo Chúa như các Tông đồ khi xưa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Chúa Giêsu gọi và chọn 4 môn đệ - tông đồ đầu tiên

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Socrate gặp chàng trai trẻ Xenophon lần đầu. Thoạt tiên, ông hỏi chàng có biết ở đâu bán cái này, cái nọ, và ở đâu người ta chế ra vật này, vật kia. Xenophon chỉ cho Socrate những thông tin cần thiết. Rồi Socrate hỏi:

- Anh có biết người ta chế tạo điều lành và nhân đức ở đâu không ?

- Không.

- Vậy anh hãy theo Ta.

Đó cũng là câu của Chúa Giêsu: Hãy theo Ta.

Suy niệm

Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Đức Kitô đã gọi và chọn môn đệ - tông đồ đầu tiên: Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, ông Giacôbê và người em là ông Gioan, Người bảo: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Nghe được tiếng Chúa gọi, các ông đã bỏ lại mọi sự để lên đường bước đi theo Chúa. Tin Mừng ghi nhận lại thái độ của các ông: “Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người”. Các ông bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ gia đình lại mà “bước theo”. Bước theo Đức Giêsu có nghĩa là dấn thân trọn vẹn vào một cuộc phiêu lưu, cuộc phiêu lưu mà Thầy đang đi.

“Các anh hãy theo Ta”, theo Người, “Ở với Người và để Người sai đi” (x. Mc 3,14). Lời mời gọi gắn bó với Đức Kitô là ánh sáng, là nguồn sống: “Sự sáng thế gian, chính là Ta! Ai theo Ta sẽ không phải đi trong tối tăm, nhưng nó sẽ có ánh sáng sự sống” (Ga 8,12), và lên đường chia sẻ thao thức của Ngài đem ánh sáng Tin Mừng cứu độ cho mọi tâm hồn, mọi dân tộc khắp cùng trái đất.

Chúa cũng đang thì thầm gọi tôi, gọi bạn, Ngài gọi đích danh tên mỗi người: “Hãy theo Ta”, theo Ngài trước tiên là gắn bó với Ngài, sống thân mật với Ngài như Ngài mời gọi: “Hãy lưu lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9). Có tình yêu, người môn đệ ra đi tiếp nối công trình của Ngài, mang Tin Mừng cứu độ cho anh em.

Ý lực sống: “Hãy theo Thầy”, các tông đồ đã bỏ mọi sự theo Chúa, con có dứt khoát một phen theo Chúa không ? Chúa phải gọi con mấy lần rồi ? (Đường Hy Vọng, 61)

 

Suy Niệm 7Gọi bốn môn đệ đầu tiên

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Nghe tin Gioan bị bắt, Chúa Giêsu trở về Galilê và giảng cho mọi người biết : Nước Chúa đã gần đến. Hãy sám hối và tin theo Người... Và khi đi rao giảng dọc bờ biển, Người gặp ông Simon và anh là Anrê đang thả lưới. Người gọi hai ông theo Người để “lưới người ta”. Và Người cũng gặp ông Giacôbê và em là Gioan đang vá lưới. Người cũng gọi hai ông. Hai ông liền bỏ chài lưới và cha là Giêbêđê mà theo giúp Người.

2. Sự việc Gioan bị tống giam trong ngục đã chấm dứt sứ vụ của ông dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Lời đầu tiên Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài là :”Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Chúa Giêsu đã nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin mừng là gì, nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người của Chúa Giêsu Kitô.

Satan phàn nàn với Chúa: “Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời”. Chúa nói:”Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa”? (Góp nhặt)

3. Sám hối gồm hai khía cạnh. Khía cạnh tiêu cực là nhìn về dĩ vãng, về quá khứ của cuộc đời mình để xem mình đang sống đúng hay sai, còn thiếu những gì cần bổ khuyết.  Sám hối còn mang khía cạnh tích cực là hướng đến tương lai, quyết tâm thay đổi cuộc đời để sống tốt đẹp hơn. Muốn được như vậy thì người sám hối phải biết trở nên khiêm tốn, trở nên bé nhỏ và đặt tất cả niềm tin vào Người Cha Nhân ái là Thiên Chúa tình yêu.

Ngoài ra, sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là cửa ngõ tất yếu dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc...

4. Chúa Giêsu nhìn sự việc Gioan bị bắt giam bằng cái nhìn siêu nhiên và Người coi đó là sứ vụ dọn đường của Gioan chấm dứt, nên Người khởi sự đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, hòng mọi người sẽ được hưởng ơn cứu rỗi.

Để thực hiện chương trình đó, Chúa đã kêu gọi nhiều người đến cộng tác với Người trong công cuộc lớn lao này.  Đúng như lời thánh Augustinô đã nói :”Khi dựng nên chúng con, Chúa không cần chúng con, nhưng để cứu rỗi chúng con, Chúa cần chúng con giúp Chúa”. Chúa đã gọi các tông đồ đầu tiên trong hoàn cảnh đời thường như làm nghề chài lưới và ít chữ nghĩa, nhưng Chúa chỉ cần người ta có thiện chí và nhiệt thành theo Chúa. Nên khi gọi bốn tông đồ đầu tiên, thì “Lập tức các ông đã bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1,18).

5. Chúa gọi các môn đệ trong những tình huống khác nhau. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy ơn gọi xem ra thật bất ngờ. Marcô cho thấy họ đang sinh hoạt  bình thường (thả lưới), bỗng Chúa đến bất ngờ và gọi các ông, và điều làm cho ta ngạc nhiên là phản ứng của họ : Họ cũng theo Chúa một cách mau mắn , cũng là một bất ngờ không kém :”Họ liền bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1,18). Nghe kêu là đi liền, làm như hai bên đã hẹn hò với nhau trước. Đối với loài người thì thật là bất ngờ, nhưng đối với Thiên Chúa thì không, và người ta gọi đó là Chúa quan phòng.

Cái bất ngờ thứ hai là Thiên Chúa thường chọn những con người mà người đời cho là không mấy hứa hẹn hay không còn hy vọng (Abraham già nua tuổi tác), không mấy khả năng (những môn đệ đầu tiên là những người chài lưới), không mấy tốt lành (Matthêu là ngươi thu thuế). Hình như Thiên Chúa không theo tiêu chuẩn của loài người: chọn những người có tài có đức, có triển vọng tương lai. Việc Chúa làm thật bất ngờ !

6. Truyện: Chúa làm những việc không thể ngờ.

Trong dịp lễ nhậm chức của Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, người ta đọc được bài thơ này :

Khi Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình, Người chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên.

Thiên Chúa cần một người phát ngôn, Người lại chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng. Thế là Maisen đứng lên.

Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân của mình, Người lại chọn một người thanh niên nhỏ nhất và yếu nhất trong nhà. Thế là Đavít đứng lên.

Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo hội, Người đã chọn một anh chối đạo. Thế là Phêrô đứng lên.

Thiên Chúa cần một khuôn mặt để diễn tả tình Người cho nhân thế, Người lại chọn một cô gái điếm. Đó là Maria Madalena.

Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô vang sứ điệp của mình, Người lại chọn một kẻ bắt đạo. Đó là Phaolô gốc thành Tarsô.

Thiên Chúa cần một ai đó để dân Người được qui tụ và đi đến với những người khác,

Người đã chọn ngươi. Cho dù run sợ, lẽ nào ngươi không đứng lên đáp lại lời Người.



 

Nước Thiên Chúa đã gần đến – SN song ngữ 11.01.2020

Monday (January 14): “The kingdom of God is at hand”

Scripture: Mark 1:14-20

14 Now after John was arrested, Jesus came into Galilee, preaching the gospel of God, 15 and saying, “The time is fulfilled, and the kingdom of God is at hand; repent, and believe in the gospel.” 16 And passing along by the Sea of Galilee, he saw Simon and Andrew the brother of Simon casting a net in the sea; for they were fishermen. 17 And Jesus said to them, “Follow me and I will make you become fishers of men.” 18 And immediately they left their nets and followed him.19 And going on a little farther, he saw James the son of Zebedee and John his brother, who were in their boat mending the nets. 20 And immediately he called them; and they left their father Zebedee in the boat with the hired servants, and followed him.

Thứ Hai   14-1           Nước Thiên Chúa đã gần đến

 

Mc 1,14-20

14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.15 Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá.17 Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền.20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

Meditation: 

What is the Gospel of God which Jesus came to preach? The word “gospel” literally means “good news”. When a king had good news to deliver to his subjects he sent messengers or heralds throughout the land to make a public announcement – such as the birth of a newborn king or the victory over an invading army or occupied force. God sent his prophets to announce the coming of God’s anointed King and Messiah. After Jesus was baptized in the River Jordan and anointed by the Spirit he begins his ministry of preaching the Gospel – the good news that the kingdom of God was now at hand for all who were ready to receive it.

 

God rules over all

What is the kingdom of God? The word “kingdom” means something more than a territory or an area of land. It literally means “sovereignty” or “reign” and the power to “rule” and exercise authority. The prophets announced that God would establish a kingdom not just for one nation or people but for the whole world. The Scriptures tell us that God’s throne is in heaven and his rule is over all (Psalm 103:19). His kingdom is bigger and more powerful than anything we can imagine because it is universal and everlasting (Daniel 4:3). His kingdom is full of glory, power, and splendor (Psalm 145:11-13). 

 

In the Book of Daniel we are told that this kingdom is given to the Son of Man (Daniel 7:14,18,22,27). The Son of Man is a Messianic title for God’s anointed King. The New Testament word for “Messiah” is “Christ” which literally means the “Anointed One” or the “Anointed King”. God sent us his Son not to establish an earthly kingdom but to bring us into his heavenly kingdom – a kingdom ruled by truth, justice, peace, and holiness. The kingdom of God is the central theme of Jesus’ mission. It’s the core of his gospel message.

 

As soon as John the Baptist had finished his testimony, Jesus began his in Galilee, his home district. John’s enemies had sought to silence him, but the gospel cannot be silenced. Jesus proclaimed that the time is fulfilled and the kingdom of God is at hand. Jesus takes up John’s message of repentance and calls disciples to believe in the gospel – the good news he has come to deliver. What is the good news which Jesus delivers? It is the good news of peace (restoration of relationship with God – Ephesians 6:15), of hope (the hope of heaven and everlasting life – Colossians 1:23 ), of truth (God’s word is true and reliable – Colossians 1:5), of promise (he rewards those who seek him – Ephesians 3:6)), of immortality (God gives everlasting life – 2 Timothy 1:10), and the good news of salvation (liberty from sin and freedom to live as sons and daughters of God – Ephesians 1:13).

 

Two conditions for the kingdom – repent and believe

How do we enter the kingdom of God? In announcing the good news, Jesus gave two explicit things each of us must do to in order to receive the kingdom of God: repent and believe. When we submit to Christ’s rule in our lives and believe the gospel message the Lord Jesus gives us the grace and power to live a new way of life as citizens of his kingdom. He gives us grace to renounce the kingdom of darkness ruled by sin and Satan, the father of lies (John 8:44) and the ruler of this present world (John 12:31). That is why repentance is the first step. 

 

Repentance means to change – to change my way of thinking, my attitude, disposition, and life choices so that Christ can be the Lord and Master of my heart rather than sin, selfishness, and greed. If we are only sorry for the consequences of our sins, we will very likely keep repeating the sin that is mastering us. True repentance requires a contrite heart (Psalm 51:17) and sorrow for sin and a firm resolution to avoid it in the future. The Lord Jesus gives us grace to see sin for what it really is – a rejection of his love and wisdom for our lives and a refusal to do what is good and in accord with his will. His grace brings pardon and help for turning away from everything that would keep us from his love and truth. 

 

To believe is to take Jesus at his word and to recognize that God loved us so much that he sent his only begotten Son to free us from bondage to sin and harmful desires. God made the supreme sacrifice of his Son on the cross to bring us back to a relationship of peace and friendship with himself. He is our Father and he wants us to live as his sons and daughters. God loved us first and he invites us in love to surrender our lives to him. Do you believe that the gospel -the good news of Jesus – has power to free you from bondage to sin and fear?

 

 

Like fishermen – we are called to gather in people for the kingdom of Christ

When Jesus preached the gospel message he called others to follow as his disciples and he gave them a mission – “to catch people for the kingdom of God.” What kind of disciples did he choose? Smelly fishermen! In the choice of the first apostles we see a characteristic feature of Jesus’ work:  he chose very ordinary people. They were non-professionals, had no wealth or position. They were chosen from the common people who did ordinary things, had no special education, and no social advantages. Jesus wanted ordinary people who could take an assignment and do it extraordinarily well. He chose these individuals, not for what they were, but for what they would be capable of becoming under his direction and power. 

 

 

When the Lord calls us to serve, we must not think we have nothing to offer. The Lord takes what ordinary people, like us, can offer and uses it for greatness in his kingdom. Do you believe that God wants to work in and through you for his glory?

 

 

Jesus speaks the same message to us today: we will “catch people” for the kingdom of God if we allow the light of Jesus Christ to shine through us. God wants others to see the light of Christ in us in the way we live, speak, and witness the joy of the gospel. Paul the Apostles says, But thanks be to God, who in Christ Jesus always leads us in triumph, and through us spreads the fragrance of the knowledge of him everywhere. For we are the aroma of Christ to God among those who are being saved and among those who are perishing (2 Corinthians 2:15). Do you witness to those around you the joy of the Gospel and do you pray for your neighbors, co-workers, and relatives that they may come to know the Lord Jesus Christ and grow in the knowledge of his love?

 

 

“Lord Jesus, you have called me personally by name, just as you called your first disciples, Simon, Andrew, James, and John. Help me to believe your word and follow you faithfully. Fill me with the joy of the gospel that your light may shine through me to many others.”

Suy niệm:

 

Tin mừng của Thiên Chúa mà Ðức Giêsu đến rao giảng là gì? Hạn từ “tin mừng” có nghĩa đen là “tin vui, tin tốt”. Khi một vị vua có tin vui muốn báo cho thần dân của mình biết, ông sai các sứ giả của mình hay người đưa tin đi khắp đất nước để thông báo cho mọi người biết – chẳng hạn như ngày sinh của vị vua mới hay sự thất bại của quân xâm lược hay quân đội chiếm đóng. Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ của Người đến loan báo vị Vua và Đấng Mêsia được Thiên Chúa xức dầu sắp đến. Sau khi Ðức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan và được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần, Người khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin mừng – Tin mừng nước Thiên Chúa giờ đây đã đến gần cho tất cả những ai sẵn sàng đón nhận nó.

Thiên Chúa cai quản mọi sự

Vương quốc của Thiên Chúa là gì? Hạn từ “vương quốc” nghĩa là cái gì đó còn hơn cả một lãnh thổ hay một vùng đất. Theo nghĩa đen nó là “chủ quyền” hay “triều đại” và sức mạnh để “thống trị” và quyền cai trị. Các ngôn sứ công bố rằng Thiên Chúa sẽ thiết lập một vương quốc không chỉ cho một quốc gia hay một dân tộc, nhưng cho toàn thể thế giới. Kinh thánh nói với chúng ta rằng ngai tòa của Thiên Chúa trên Thiên đàng và sự thống trị của Người trên tất cả mọi loài (Tv 103,19). Vương quốc của Người rộng lớn và mạnh mẽ hơn tất cả những gì chúng ta có thể hình dung, bởi vì nó phổ quát và vĩnh cửu (Đn 4,31). Vương quốc của Người đầy dẫy vinh quang, uy quyền, và rực rỡ (Tv 145,11-13).

Trong sách Đaniel, chúng ta thấy rằng vương quốc này được trao cho Con Người và cho các thánh (Đn 7,14.18.22.27). Con Người là tước hiệu của Đấng Mêsia dành cho vị Vua được Thiên Chúa tấn phong. Trong Tân ước, hạn từ “Mêsia” tức là “Đức Kitô”, có nghĩa đen là “Đấng hay Vua được xức dầu”. Thiên Chúa gởi đến chúng ta Con của Người không chỉ để thiết lập một vương quốc trần thế, mà còn đem chúng ta vào trong vương quốc Thiên đàng của Người – một vương quốc được thống trị bởi sự thật, công bình, bình an, và thánh thiện. Vương quốc của Thiên Chúa là chủ đề chính về sứ mạng của Ðức Giêsu. Đó chính là trọng tâm sứ điệp Tin mừng của Người.

Sau khi Gioan tẩy giả hoàn thành sứ mệnh làm chứng của mình, Ðức Giêsu bắt đầu sứ mệnh của Người ở Galilê, nơi vùng đất quê hương của Người. Các đối thủ của Gioan tìm cách làm cho ông phải im lặng, nhưng Tin mừng không thể bị im lặng. Ðức Giêsu công bố rằng thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã đến gần. Ðức Giêsu tiếp tục rao giảng sứ điệp thống hối của Gioan và kêu gọi các môn đệ hãy tin vào Tin mừng – Tin mừng Người mang đến để giải thoát. Tin mừng của Ðức Giêsu mang đến là gì? Đó là Tin mừng của sự bình an (phục hồi lại mối quan hệ với Thiên Chúa – Ep 6,15), Tin mừng của hy vọng (hy vọng Thiên đàng và sự sống vĩnh cửu – Col 1,23), Tin mừng của sự thật (lời Chúa là sự thật và đáng tin cậy – Col 1,5), Tin mừng của lời hứa (Người ban thưởng cho những ai tìm kiếm Người – Ep 3,6), Tin mừng của sự sống vĩnh cửu (Thiên Chúa ban sự sống vĩnh cửu –  2Tm 1,10), và Tin mừng cứu độ (giải thoát khỏi tội lỗi và tự do sống như những người con cái của Thiên Chúa – Ep 1,13).

Hai điều kiện dành cho vương quốc – sám hối và tin tưởng

Làm thế nào chúng ta vào được nước Thiên Chúa? Trong việc rao giảng Tin mừng, Ðức Giêsu đưa ra hai điều rõ ràng mà mỗi người chúng ta phải làm để đón nhận nước Chúa: thống hối và tin tưởng. Khi chúng ta quy phục sự cai trị của Ðức Kitô trong đời sống của mình và tin tưởng vào sứ điệp của Tin mừng, Chúa Giêsu sẽ ban cho chúng ta ơn sủng và sức mạnh để sống đời sống mới như những công dân nước trời. Người ban cho chúng ta ơn sủng để từ bỏ vương quốc tối tăm bị thống trị bởi tội lỗi và Satan, cha của những kẻ dối trá (Ga 8,44), và là kẻ thống trị thế giới hiện tại (Ga 12,31). Đó là lý do tại sao thống hối phải là bước đầu tiên.

Thống hối có nghĩa là thay đổi – thay đổi cách suy nghĩ, thái độ, tính tình, và những lựa chọn của đời sống để Đức Kitô có thể làm Chúa và làm Thầy của linh hồn chúng ta hơn là tội lỗi, ích kỷ, và tham lam. Nếu chúng ta chỉ hối tiếc cho những kết quả của tội lỗi mình, chúng ta sẽ tiếp tục tái diễn những tội lỗi đã thống trị chúng ta. Sự thống hối đích thật đòi hỏi một tâm hồn ăn năn (Tv 51,17), hối tiếc cho tội lỗi, và quyết tâm mạnh mẽ xa tránh nó trong tương lai. Chúa Giêsu ban cho chúng ta ơn sủng để nhìn thấy tội lỗi thật sự là gì – là sự khước từ tình yêu và sự khôn ngoan của Người dành cho đời sống của chúng ta và từ chối thực hiện những gì tốt lành chiếu theo ý muốn của Người. Ơn sủng của Người đem lại sự tha thứ và giúp chúng ta quay lưng lại với những gì có thể ngăn cản chúng ta khỏi tình yêu và chân lý của Người.

Tin tưởng là tiếp nhận Ðức Giêsu nơi lời của Người và nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã sai Con Một yêu dấu đến giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của tội lỗi và những ước muốn nguy hại. Thiên Chúa đã làm của lễ hy sinh về Con mình trên thập giá để đem chúng ta trở về với mối quan hệ bình an và tình bằng hữu với chính Người. Người là Cha chúng ta và Người muốn chúng ta sống như những người con trai con gái của Người. Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước và mời gọi chúng ta trong tình yêu dâng hiến đời sống chúng ta cho Người. Bạn có tin rằng Tin mừng – Tin mừng của Ðức Giêsu – có sức mạnh giải thoát bạn khỏi sự thống trị của tội lỗi và sự sợ hãi không?

Như các ngư phủ – chúng ta được gọi để đưa mọi người về với vương quốc của Đức Kitô

Khi Ðức Giêsu rao giảng sứ điệp Tin mừng, Người đã kêu gọi người ta trở thành môn đệ của Người và Người trao cho họ một sứ mạng – “bắt người ta cho vương quốc của Thiên Chúa”. Người chọn loại môn đệ nào? Những người đánh cá hôi thối! Trong sự lựa chọn những môn đệ đầu tiên, chúng ta thấy được một đặc điểm của hành động Ðức Giêsu: Người chọn những người rất bình thường. Họ không phải là những nhà chuyên môn, không giàu có hay thế giá. Họ được chọn từ những con người bình thường, làm những công việc bình thường, không có học thức cao, cũng không có uy thế trong xã hội. Ðức Giêsu muốn những người bình thường có thể nhận lấy sứ mạng và thực hiện nó một cách hết sức phi thường. Người đã chọn những người này không vì những gì họ có, nhưng vì những gì họ thể là, dưới sự dẫn dắt và uy quyền của Người.

Khi Chúa kêu gọi chúng ta phục vụ, chúng ta không nên nghĩ rằng mình chẳng có gì để cho. Chúa nhận những gì nơi người bình thường như chúng ta, có thể dâng hiến và sử dụng nó cho sự cao quý trong vương quốc của Người. Bạn có tin tưởng rằng Thiên Chúa muốn hành động qua bạn và trong bạn cho vinh quang của Người không?

Ðức Giêsu cũng nói cùng một sứ điệp với chúng ta hôm nay: chúng ta sẽ “bắt người ta” cho vương quốc của Thiên Chúa, nếu chúng ta để cho ánh sáng của Đức Giêsu Kitô chiếu sáng qua chúng ta. Thiên Chúa muốn người khác nhìn thấy ánh sáng của Đức Kitô trong chúng ta, trong cách chúng ta sống, nói chuyện, và làm chứng về niềm vui của Tin mừng. Thánh Phaolô tông đồ nói rằng: “Tạ ơn Chúa là Đấng đã dùng chúng tôi mà làm cho sự nhận biết Đức Giêsu Kitô, như hương thơm, lan tỏa khắp nơi. Vì chúng tôi là hương thơm của Đức Giêsu Kitô dâng kính Thiên Chúa, tỏa ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất.” (2Cr 2,14-15). Bạn có làm chứng cho những người chung quanh niềm vui của Tin mừng và bạn có cầu nguyện cho những người hàng xóm, bạn đồng nghiệp, và bà con thân thuộc của mình, để họ có thể nhận biết Chúa Giêsu Kitô và lớn lên trong sự hiểu biết về tình yêu của Người không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã gọi tên con một cách cá biệt, như xưa Chúa đã gọi các môn đệ đầu tiên, Simon, Anrê, Giacôbê, và Gioan. Xin giúp con tin tưởng vào lời Chúa, và trung thành bước đi theo Chúa. Xin lấp đầy lòng con niềm vui của Tin mừng để ánh sáng của Chúa có thể chiếu sáng cho nhiều người khác qua con.

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

SUY NIỆM

1. “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”

“Sau khi Gioan bị nộp”, điều này có nghĩa là, về phương diện lịch sử, ông bị bắt, bị giam và bị giết một cách bất công bởi những con người cụ thể. Như thế, đó là kế hoạch của con người phát xuất từ lòng ghen ghét đi đôi với bạo lực, không chấp nhận những gì thuộc sự thật và ánh sáng.

Nhưng đồng thời, đó cũng là, một cách mầu nhiệm, “kế hoạch của Thiên Chúa”, như cách nói “bị nộp” diễn tả về phương diện đức tin, theo khuôn mẫu của cách Thiên Chúa đã hành động trong lịch sử cứu độ, và vẫn còn hành động như thế. Ngài nương theo hành trình của sự dữ và tội lỗi để thực hiện kế hoạch của mình. Thật vậy,

Sự kiện Gioan bị nộp (in divine passive, ở thể thụ động thần linh) lại loan báo mầu nhiệm Thương Khó của Đức Giêsu, như lời truyền phép trên bánh trong Thánh Lễ: “Anh em hãy nhận lấy mà ăn. Đây là mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em”. Và ngay sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.

Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần…” (c. 14-15)

Chúng ta có thể nghĩ đến những kinh nghiệm “bị nộp’ nho nhỏ hằng ngày của chúng ta: đó là những lúc chúng ta bị coi thường, không được tôn trọng, bị hiểu lầm, bị phân biệt; và những kinh nghiệm “bị nộp” lớn hơn: bị ghét, bị loại trừ, bị bách hại.

Nhưng đó lại là những cơ hội tốt, Chúa mời gọi để chúng ta công bố Tin Mừng của Thiên Chúa, làm chứng cho tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, sống sự “hiền lành và khiêm nhường” của Đức Ki-tô, bày tỏ lòng thương xót và bao dung của Thiên Chúa, như chính Đức Giê-su mời gọi:

Người ta sẽ nộp anh em…,
nhưng đó là cơ hội làm chứng cho họ được biết. 
(Mc 13, 9)

Hay đúng hơn, đó là những cơ hội để cho Đức Kitô đến công bố Tin Mừng của Ngài ngay trong những khó khăn và thử thách của chúng ta.

 2. Ơn gọi đi theo Đức Ki-tô

Vẫn chưa hết hoa trái của biến cố “thánh Gioan bị nộp”, vì đó còn là lúc Chúa thực hiện kế hoạch kêu gọi các môn đệ đầu tiên để chia sẻ sự sống và sứ mạng của Ngài một cách nhưng không. Điều này giúp chúng ta hiểu ơn gọi đi theo Đức Ki-tô một cách mới mẻ: ơn gọi đi theo Đức Ki-tô của chúng ta thuộc về Tin Mừng Nước Trời, là dấu chỉ của Tin Mừng Nước Trời. Thực vậy, đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, gia đình, đời dâng hiến, giữa đời hay trong một Hội Dòng, là dấu chỉ sống động của Nước Trời.

Và cách Ngài kêu gọi các môn đệ đầu tiên phải đánh động chúng ta, bởi vì đó sẽ là khuôn mẫu cho mọi ơn gọi, trong đó có ơn gọi thánh hiến của chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy dành nhiều thời gian để chiêm ngắm cách Đức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên.

*  *  *

Ngài đi dọc theo bờ hồ Galilê, Ngài nhìn thấy hai anh em Simon và Anrê, họ đang quăng lưới xuống hồ, vì họ là dân chài. Ngài đi xa hơn một chút, thì thấy hai anh em khác, Gia-cô-bê và Gioan đang vá lưới trong thuyền. Đức Giêsu đi ngang qua và gọi họ, khi họ đang lay hoay với công việc, với những bận tâm của riêng mình, và những điều rất đời thường; tiếng gọi của Đức Giêsu thật nhưng không, Ngài đặt hết lòng tin nơi người nghe.

Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển…

Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an…

(c. 16 và 19)

Ngài cũng đi ngang qua cuộc đời của chúng ta một lúc nào đó, và đi ngang qua mỗi ngày, và lúc nào Ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó. Nhưng Ngài vẫn gọi chúng ta thật bao dung và quảng đại; và chúng ta được mời gọi đáp lại cách bao dung và quảng đại mỗi ngày, giống như lời đáp đầu tiên của chúng ta thuở ban đầu ra đi theo Chúa.

 3. Sức mạnh của Lời Chúa

Khi nghe tiếng gọi, hai anh em Simon (là thánh Phê-rô sau này) và An-rê “lập tức bỏ chài lưới mà theo Người”; còn hai anh em Gia-cô-bê và Gioan thì bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công mà đi theo Người. Hai anh em kia bỏ công danh sự nghiệp, còn hai anh em này thì bỏ những người thân yêu, bỏ gia đình êm ấm và khá giả nữa (vì có người làm công). Lời Chúa có sức mạnh như thế đó, mạnh đến độ làm bật tung các môn đệ đầu tiên ra khỏi ra khỏi những người các ông đang gắn bó và yêu mến, ra khỏi các phương tiện nuôi sống các ông và gia đình, ra khỏi sự nghiệp, ra khỏi những dự tính bình thường của các ông.

Chúng ta còn chậm chạp và dây dưa trong cách đáp lại, chính là vì chúng ta chưa thực sự nghe được tiếng Chúa. Vì thế, chúng ta hãy ước ao và quảng đại mở lòng ra để đích thân nghe được tiếng Chúa gọi với tất cả sức mạnh của Lời Chúa, không chỉ một lần, nhưng hằng ngày và suốt đời. Lời Chúa sẽ đụng chạm đến chốn sâu thẳm nhất nơi con người của chúng ta, sẽ biến đổi chúng ta, vì Lời Chúa là Lời tạo dựng nên chúng ta, là Lời tái tạo chúng ta, và là sự sống mới của chúng ta. Tương tự như dân thành Ni-ni-vê, Lời Chúa, được công bố ngang qua lời rao giảng của ngôn sứ Gio-na, đã biến đổi toàn diện và tặn căn như thế nào cả một thành đô: “Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ”! (Gi 3, 1-5)

Và để cho Lời Chúa được gieo và sinh hoa kết quả trong lòng chúng ta, thánh Phao-lô mời gọi chúng ta sống sự thật này mỗi ngày, một sự thật rất đời thường, nhưng lại hay bị gạt bỏ, vì thế chúng ta thường hay tuyệt đối hóa những điều tương đối:

Thời gian chẳng con bao lâu nữa…
Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.

(1Cr 7, 29.31)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây