Thứ Hai tuần 15 thường niên.

Chủ nhật - 11/07/2021 08:17

Thứ Hai tuần 15 thường niên.

"Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo".

 

Lời Chúa: Mt 10,34 - 11,1

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy.

Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.

Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu".

Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.

 

 

Suy Niệm 1: Không xứng với Thầy

Suy niệm:

Văn Cao là một nhạc sĩ có tài với bản Tiến Quân Ca bất hủ.

Nhưng ông cũng là một thi sĩ ít được ai biết đến.

Ông có làm một bài thơ ngắn Không Đề như sau:

“Con thuyền đi qua để lại sóng.

Đoàn tàu đi qua để lại tiếng.

Đoàn người đi qua để lại bóng.

Tôi không đi qua tôi để lại gì?”

Ông muốn để lại chút gì cho đời của kẻ đã mang tiếng ở trong trời đất.

Và ông hiểu rằng mình không thể để lại gì, nếu không vượt qua chính mình.

Cái tôi và tất cả những gì thuộc về nó, đều là đối tượng phải vượt qua.

Vượt qua cái tôi không làm tôi mất nó, nhưng lại được một cái tôi viên mãn.

Phải chăng đó là điều Văn Cao, một Kitô hữu ẩn danh đến lúc chết,

muốn gửi gấm qua những vần thơ này?

Có những giá trị hầu như được mọi người nhìn nhận.

Có những giá trị thiêng liêng máu mủ như cha mẹ, con cái.

Đặc biệt trong xã hội Do thái, hiếu thảo với cha mẹ là điều được đề cao.

Đức Giêsu cũng đã phê phán thái độ bất hiếu đối với cha mẹ (Mt 15, 3-6).

Mạng sống của con người cũng là một giá trị cao quý.

Đụng đến mạng sống con người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa,

như ta thấy trong chuyện Cain giết em là Aben (St 4, 9-10).

Trước những giá trị thiêng liêng như thế, ta cần yêu mến, giữ gìn.

Yêu cha, yêu mẹ, yêu con trai, con gái, là những điều hợp đạo lý.

Giữ gìn mạng sống của mình là điều phải làm.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đưa ra một đòi hỏi mới mẻ và đáng sợ.

Ngài không cấm các môn đệ yêu cha mẹ, con cái, hay mạng sống,

vì đó là những giá trị thiêng liêng cao quý.

Nhưng Ngài không chấp nhận họ yêu những giá trị này hơn Ngài.

Ngài không muốn họ đặt Ngài ở dưới những giá trị đó.

Đơn giản Ngài muốn họ coi Ngài là một Giá Trị hơn hẳn, Giá Trị viết hoa.

Khi cần chọn lựa giữa các giá trị, Ngài đòi họ ưu tiên chọn Ngài.

Cụm từ “không xứng đáng với Thầy” được nhắc đến ba lần (cc. 37-38).

Chỉ ai dám yêu Ngài hơn người thân yêu, dám vác thập giá mình mà theo,

người ấy mới xứng đáng với Thầy.

Chỉ ai dám mất mạng sống của mình vì Thầy,

người ấy mới lấy lại được sự sống tròn đầy ở đời sau (c. 39).

Đức Kitô là ai mà đòi chúng ta phải đặt Ngài lên trên các thụ tạo như vậy,

nếu Ngài không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa?

Đừng quên chính Ngài đã mất mạng sống mình vì tôi trước.

Chỉ khi tôi đi qua tôi, nhờ đặt tôi và mọi sự thuộc về tôi dưới Đức Kitô,

tôi mới có gì để lại cho đời, tôi mới giữ lại được mọi giá trị khác.

Xin làm được điều thánh Biển Đức dạy:

“Phải tuyệt đối không coi gì trọng hơn Đức Kitô.”

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,

để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.

Xin cho con thấy Chúa thật bao la,

để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,

để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

Lạy Chúa Giêsu,

xin làm cho con thật mạnh mẽ,

để không nỗi thất vọng nào

còn chạm được tới con.

Xin làm cho con thật đầy ắp,

để ngay cả một ước muốn nhỏ

cũng không còn có chỗ trong con.

Xin làm cho con thật lặng lẽ,

để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

Xin Chúa ngự trong con thật sống động,

để không phải là con,

mà là chính Ngài đang sống.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Bình an của Chúa

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giêsu đến khiến người ta phải dứt khoát chọn lựa. Hoặc Chúa hoặc ma quỉ. Hoặc trần gian hoặc Nước Trời. Chọn lựa đó dẫn đến hai con đường khác nhau.

Trần gian tìm thu tích vun quén cho mình. Vì thế nên áp bức bóc lột người khác. Mạnh được yếu thua. Trần gian được thể hiện rõ nét trong toan tính của Pha-ra-ô. Để bảo vệ quyền lực và để làm giầu cho mình, Pha-ra-ô ra lệnh giết con trai của người Do thái. Và bắt người Do thái làm nô lệ (năm lẻ).

Trần gian trở thành tinh vi hơn khi ngụy trang dưới lớp vỏ đạo đức. Người Do thái một mặt thờ kính Chúa rất sốt sắng. Dâng rất nhiều lễ vật. Nhưng mặt khác lại không ngừng phạm tội ác, áp bức bóc lột đồng loại. Chúa dùng I-sa-i-a cảnh báo họ đó là lối sống đạo không đẹp lòng Chúa (năm chẵn).

Trái lại người đi theo Chúa phải luôn từ bỏ tất cả những gì ngăn cản ta đến với Chúa. Dù đó là cha mẹ, anh em, con cái. Thậm chí phải bỏ chính mình, bỏ cả mạng sống mình nữa.

Nhưng kết quả thật khác xa. Kết quả trước mắt là bình an. Người chỉ lo chiếm đoạt và ức hiếp bóc lột sẽ tạo ra chiến tranh, bất bình. Bản thân người chỉ lo tính toán để hại người cũng không được bình an. Những nhà độc tài luôn lo sợ và nghi ngờ. Dục vọng làm cho tâm hồn con người không bao giờ an nghỉ.

Trái lại những người theo Chúa, từ bỏ mình lại luôn được bình an. Một niềm bình an sâu thảm vì đã thoát được tất cả những dục vọng, thèm muốn, chiếm đoạt. Và nhất là vì đã được chính Chúa làm phần thưởng.

Trong tầm nhìn cánh chung, những người chỉ lo thu tích, chiếm đoạt bằng áp bức bóc lột người khác sẽ mất tất cả khi bước vào đời sau. Tệ hơn thế, họ còn bị xét xử, kết án và bị trừng phạt.

Trái lại những người đã biết cho đi, quên mình sẽ được phần thưởng trọng hậu. Ngay cả những cử chỉ bác ái quên mình bé nhỏ như cho một ly nước lã thôi, Chúa cũng ghi nhớ và thưởng công xứng đáng. Khi sống quên mình và biết nghĩ đến người khác, người môn đệ kiến tạo hòa bình trên thế giới. Đó là nền hòa bình chân thực phát xuất từ tâm hồn. Đó là bình an của Chúa.

 

Suy Niệm 3: Chúa Sẽ Ðền Bù

Có thể nói, bài Tin Mừng hôm nay cho hệ quả của bước đường theo Chúa. Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.

Chắc chắn, khi chọn lựa như vậy, người môn đệ không tránh khỏi những mất mát, thua thiệt. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không để họ phải thất vọng, Ngài sẽ đền bù vượt quá sự chờ đợi của họ. "Ðón tiếp một tiên tri, sẽ nhận được phần thưởng dành cho một tiên tri; đón tiếp người công chính, sẽ nhận được phần thưởng dành cho người công chính; đón tiếp kẻ rao giảng, sẽ nhận được phần thưởng dành cho kẻ rao giảng". Người môn đệ của Chúa đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành trong bổn phận của mình mà thôi.

Với Thiên Chúa, dù công khai hay âm thầm, sứ mệnh kẻ rao giảng bao giờ cũng cần thiết. Thiên Chúa luôn cần đến những người ngày đêm nhiệt thành rao giảng và làm chứng cho Ngài bằng đời sống hoạt động tông đồ, nhưng Ngài cũng cần đến những người hỗ trợ cho công việc tông đồ bằng đời sống âm thầm cầu nguyện và hy sinh. Lịch sử chỉ nhớ đến những vĩ nhân, chứ lịch sử không đủ giấy bút để ghi lại hết những khuôn mặt đã góp phần vào đời sống của các vĩ nhân. Lịch sử không nhớ, nhưng Thiên Chúa lại ghi nhớ tất cả, Ngài không bỏ sót một khuôn mặt nào, và phần thưởng của họ cũng có giá trị như của các vĩ nhân.

Xin Chúa cho chúng ta biết biểu lộ lòng trung thành với Chúa và Giáo Hội bằng những đóng góp nhỏ bé trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Dù chỉ là những việc nhỏ bé, âm thầm, không được ai biết đến, nhưng chúng ta hãy tin rằng chúng vẫn hiện diện và có giá trị trước mặt Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Thực hành giới răn của Chúa (Mt 10,34-11,1)

Với cái nhìn trần tục, chúng ta có thể cho rằng những lời dạy của Chúa Giêsu cho các đồ đệ xem ra thật chói tai: "Thầy đến để đem chia rẽ con trai với cha, con gái với mẹ. Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy. Ai không vác thập giá mình hàng ngày mà theo Thầy, thì cũng không xứng đáng làm môn đệ Thầy".

Thử hỏi, trên trần gian này có ai dám yêu cầu những điều như vậy nơi những kẻ theo họ không? Nhưng Chúa Giêsu đã không ngần ngại dùng ngôn ngữ như vậy, để khắc ghi mạnh mẽ vào tâm trí những người nghe điều Người muốn nói trong cách thức phù hợp với tâm thức của những người đương thời.

Thật vậy, để nhấn mạnh điều gì đó người ta thường dùng cách nói táo bạo, nghịch lý thường tình như những lời chúng ta vừa đọc lại trên: "Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy". Chúa muốn chỗ ưu tiên trên hết mọi người và mọi sự. Chính vì vậy mà sự hiện diện của Chúa là dấu gây nên mâu thuẫn, gây chia rẽ: "Thầy không đến mang sự bình an, nhưng chia rẽ. Thầy đến để chia rẽ con trai với cha, con gái với mẹ".

Sự trung thành với Chúa, việc sống thực hành những giới răn Chúa làm cho mỗi người Kitô trở thành như kẻ thù của chính người thân thuộc, vì nếp sống mới mẻ của người Kitô không phù hợp với nếp sống trần gian, tinh thần Phúc Âm không phù hợp với tinh thần phàm tục. Luật Chúa luôn luôn dạy điều nghịch lại những ước mơ ích kỷ của con người. Giáo huấn Phúc Âm không bao giờ là điều tiện lợi dễ dàng. Thánh giá hy sinh là chiều kích không thể nào tách rời ra khỏi cuộc đời của người theo Chúa. Thánh giá là dấu chỉ, là bằng chứng của tình yêu.

Nhìn vào Chúa Giêsu, Thầy chúng ta, bị treo trên thập giá, chúng ta hiểu được mức tận cùng của tình yêu đích thực. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi trao nộp Con Một của Ngài cho thế gian giết chết trên thập giá. Hy sinh mạng sống mình cho Chúa và anh chị em, đó là vận mệnh không thể tránh được của người Kitô. Ðể theo Ngài trọn vẹn, trung thành cho đến cùng, người đồ đệ cần nhiều can đảm, hy sinh và ơn soi sáng hướng dẫn Chúa.

Lạy Chúa, Xin đổ tràn tình yêu Chúa xuống trên chúng con, để chúng con sống trung kiên với Chúa và quảng đại với anh chị em chung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Chúa Giêsu không đem đến bình an

“Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.”

Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì sẽ không xứng với Thầy. Ai giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt. 10, 34. 38-39)

Những lời gây kinh ngạc

Nếu có ai hỏi ta Chúa Giêsu đến mang lại và dạy dỗ cho con người cái gì, ta sẽ trả lời rằng Chúa đến dạy người ta biết sống yêu thương nhau; Người đem hòa bình, Người hiệp nhất những ai chia rẽ. Và chúng ta sẽ có thể trưng ta nhiều câu Phúc Âm minh chứng rằng vì những mục đích trên, mà Chúa Giêsu đã làm người ở giữa chúng ta, đã chết và sống ại vì hạnh phúc loài người.

Vậy thì những lời của Phúc Âm vừa nghe, quả làm ta ngạc nhiên Chúa Giêsu khẳng định rằng Người “Không đến đem bình an cho trái đất, nhưng để đem gươm giáo”. Người dám nói rằng Người đến: “Để gây chia rẽ giữa con trai với cha mình, giữa con gái với mẹ…” Chúa Giêsu Người gieo rắc chia rẽ! Chúa Giêsu gây chia rẽ hơn là tạo hiệp nhất! Có ai dám nghĩ như vậy không? Ai mà cho rằng những lời đó là từ môi miệng Chúa? Vậy mà đúng như thế đó.

Những sự kiện minh chứng.

Ta nên lưu ý rằng Chúa Giêsu không khẳng định là Người có chủ tâm gây chia rẽ người ta. Người chỉ nhìn nhận sự kiện xảy ra. Người ta sẽ bất đồng ý kiến với nhau về Người. Có những người sẽ ủng hộ Người, người khác lại chống đối Người. Sẽ có những hiểu lầm, những cắt đứt quan hệ, những xung đột ở khắp nơi trên thế giới và ngay cả trong các gia đình, là vì Người và vì giáo huấn của Người.

Đó chính là điều vẫn xảy ra, mãi mãi những kẻ tin và những kẻ không tin Chúa Kitô vẫn xung khắc với nhau. Mãi mãi chồng và vợ, cha và con chia rẽ nhau và gây khổ cho nhau vì đôi bên không cùng một lập trường khi phải đối mặt với giáo huấn của Chúa Kitô.

Chúa Giêsu lúc nào cũng vẫn muốn gieo sự bình an, nhưng Người cũng là con người thực tế, vì biết rằng trên trần gian Người sẽ mãi mãi là chủ đề gây trang cãi, chống đối và chia rẽ vậy.

J.Y.G

 

Suy Niệm 6: HÒA BÌNH TRONG CHÂN LÝ (Mt 10, 34 - 42; 11, 1)

Sống trong bối cảnh xã hội hiện nay, chúng ta thấy tình hình căng thẳng trên Biển Đông ngày càng leo thang! Các nước có liên quan đã lên án sự ngang ngược, cách hành xử vô lý của Trung Quốc muốn bá chủ vùng Biển này. Đồng thời người ta lo ngại sẽ xảy ra chiến tranh!

Qua câu chuyện Biển Đông, người dân đều mong muốn có hòa bình, không chiến tranh. Tuy nhiên, ai cũng biết, muốn không xảy ra đụng độ, các bên phải ngồi lại để đàm phán, tôn trọng và chấp nhận sự thật. Có thế, chúng ta mới hy vọng hòa bình lặp lại trên Biển Đông.

Hôm nay, Đức Giêsu tuyên bố một câu xem ra rất nghịch lý: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà" (Mt 10, 34-36). Thoạt nghe, chúng ta thấy xem ra có vẻ mâu thuẫn, bất thường và khó hiểu. Tuy nhiên, đi vào chiều sâu của vấn đề, chúng ta mới thấy sáng tỏ một chân lý, đó là: chỉ có bình an đích thực khi chấp nhận sự thật; chấp nhận loại trừ những sai quấy. Bao lâu ta còn để cho sự ác, bất công, gian dối lộng hành, thì bấy lâu chúng ta không có bình an, nếu có, cũng chỉ là thứ bình an giả tạo.

Như thế, chúng ta cũng đâu lạ gì khi trong gia đình có những thành phần chống đối nhau. Tại sao thế? Thưa, chỉ vì có những chuẩn mực trong cuộc sống, những lựa chọn khác nhau, dẫn đến hệ quả khác nhau.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải đắn đo và cẩn trọng khi chọn lựa. Khi đã chọn điều tốt, phải kiên trì bảo vệ để đạt được sự bình an đích thực.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chiến đấu trong sự thiện, để luôn đứng về phía sự thật, hầu đem lại sự bình an thực sự. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Đặt Chúa lên địa vị ưu tiên

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Người môn đệ của Chúa Giêsu phải dứt khoát chọn lựa Tin Mừng hơn mọi sự, phải đặt tình yêu đối với Chúa hơn mọi tình cảm gia đình, hơn cả bản thân mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa đã mời gọi con làm môn đệ của Chúa, và đã ban cho con biết bao hồng ân để con được theo Chúa cho đến hôm nay. Đứng trước tình yêu cao vời đó, con chưa biết đáp lại như ý Chúa muốn, con chưa đặt Chúa lên địa vị ưu tiên và chưa yêu mến Chúa trên hết mọi sự.

Lạy Chúa, nhiều khi với cái nhìn nông cạn, con đã sống cho tình người nhiều hơn là sống cho tình Chúa. Con để mặc cho tình cảm tự nhiên làm chủ cuộc sống. Con chỉ làm những điều mình ưa thích, hoặc chỉ làm để đẹp lòng người ta hơn là quan tâm đến việc làm đẹp lòng Chúa. Con vẫn ngại hy sinh, sợ thua thiệt. Con chỉ muốn yên thân. Chính vì sợ phiền toái hay chống đối, mà con đã không dám sống Tin Mừng. Rút cuộc, con đã gặt hái sự chán nản thất vọng, hơn là niềm vui và tình yêu Chúa.

Lạy Chúa, chính Chúa quả quyết: “Ai tìm sự sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm thấy được”. Xin Chúa giúp con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự, trên tình cảm gia đình, trên những người mà con hằng yêu mến, trên những vật mà con hằng gắn bó, trên cả bản thân con. Xin cho con biết nhìn lên Chúa trên thập giá ngõ hầu con cảm nhận được thế nào là tình yêu Chúa dành cho con, để con sống xứng đáng với tình yêu Chúa. Đòi hỏi của Chúa thật là quyết liệt và tuyệt đối. Các tông đồ đã nghe được lời mời gọi của tình yêu Chúa và đã sống trọn vẹn cho Chúa và cho Tin Mừng. Xin cho con bắt chước đời sống các ngài, để con dứt khoát đi theo Chúa, can đảm dâng cuộc sống cho Chúa và chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng. Amen.

Ghi nhớ: “Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo”.

 

Suy Niệm 7: Tin tưởng vào Chúa

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Ngày hôm sau, khi một chút ánh sáng mặt trời lọt vào hầm tàu, tôi nhận ra chung quanh tôi những gương mặt buồn sầu và tuyệt vọng của các tù nhân khác. Bầu khí sầu thảm như đám tang. Một trong các tù nhân đã tìm cách treo cổ tự tử với một sợi dây thép. Những người khác gọi tôi. Tôi đến nói chuyện với anh. Sau cùng anh lắng nghe lời tôi. Cách đây hai năm trong một cuộc họp liên tôn tại California, tôi đã gặp lại anh. Mặt mừng rỡ, anh tiến tới gặp tôi và cám ơn tôi. Anh đã cho mọi người xem các vết sẹo còn hằn trên cổ.

Trong cuộc hành trình, khi các tù nhân biết có giám mục Nguyễn Văn Thuận, họ đến với tôi để kể lể các nỗi âu lo của họ. Tôi đã chia sẻ các khổ đau của họ và an ủi họ hàng giờ và suốt cả ngày. Trong ba ngày trên tàu, tôi an ủi các tù nhân khác và tôi suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đêm thứ hai, giữa cái lạnh của Thái Bình Dương trong tháng mười hai, tôi bắt đầu hiểu rằng ơn gọi của tôi bắt đầu một giai đoạn mới. Trong giáo phận, tôi đã đưa ra các sáng kiến khác nhau cho công tác rao truyền Tin Mừng cho người bên lương. Giờ đây, tôi phải cùng Chúa Giêsu đi về nguồn gốc của việc loan báo Tin Mừng, phải cùng Ngài ra đi chết “bên ngoài tường thành” bên ngoài tường thánh (ĐHY Phan xicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chứng nhân Hy Vọng).

Suy niệm

Trong ngữ cảnh của đoạn Tin Mừng hôm nay là tất cả những xung đột, chia rẽ mà Chúa Giêsu nói đến, đó là hình ảnh biểu tượng những sự việc xảy ra trong sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục sinh. Các ngôn sứ cũng nói tiên tri về hình ảnh biểu tượng chia rẽ của ngày sau hết, thời kỳ Mêssia: “Quả thật, con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà hóa ra thù địch” (Mk 7,6; x. Ml 3,24).

Chia rẽ xung đột còn xảy ra giữa Đức Kitô và những người liên hệ: Thầy trò chia ly, môn đệ phản Thầy, bán Thầy, chối Thầy... Giáo hội cũng đã trải qua những cuộc bách hại, xung đột và chia rẽ với những thế lực chống Tin Mừng trong suốt chiều dài lịch sử, từ những cuộc bách hại đầu tiên ở đế quốc Rôma vào thế kỷ I. Ngày hôm nay Giáo hội vẫn còn bị bách hại tại nhiều nơi trên thế giới đặc biệt nơi các nước Hồi giáo. Gần nhất, chúng ta thấy rõ trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, những cuộc bắt hạch đạo đẫm máu giữa những người cùng một dân tộc. Sự chia rẽ nơi Giáo hội Chúa Kitô trong lịch sử: Chính Thống Giáo ở thế kỷ X, Tin Lành ở thế kỷ XVI...

Denys le Chartreux đã suy tư về sự chia rẽ, xung đột trong Giáo hội như sau:

“Những người tin, yêu mến Thiên Chúa tìm kiếm sự bình an tâm hồn, họ sẽ cảm nghiệm bổn phận bất tuân với những điều xấu. Họ sẽ chia rẽ với những gì làm cản trở đời sống thiêng liêng và sự trong sáng của tình yêu Thiên Chúa”....

Đứng trước xung đột nội tâm, chia rẽ, những cảnh tang thương mà ta phải đối diện. Chúng ta hãy chiêm ngắm sự tranh đấu hiệp nhất trong thánh ý Cha của Đức Kitô nơi vườn Cây Dầu để tiếp tục chiến đấu, vượt qua xung đột để lửa tình yêu, bình an và hy vọng được đốt lên trong tâm hồn. Chúng ta ngắm nhìn khuôn mặt của Chúa Kitô vác thập giá, Ngài đang cùng ta tranh đấu, gánh trên vai xung đột chia rẽ, để chúng ta cùng với Ngài lãnh nhận chiến thắng Phục sinh.

Ý lực sống:

“Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn” (Dt 12,2).

 

Suy Niệm 8: Phải chọn lựa dứt khoát (Mt 10,34-11,1)

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Bài Tin mừng hôm nay làm cho chúng ta có cảm tưởng Chúa Giêsu đưa ra toàn là những điều nghịch lý. Tại sao Chúa Giêsu không đem đến hoà bình mà lại đem chiến tranh? Thực sự phải đi sâu vào vấn đề mới có thể hiểu được. Chúng ta đừng tưởng hòa bình là không có chiến tranh. Nhưng đúng hơn hoà bình đích thực chỉ có sau những trận chiến ác liệt. Trận chiến là cuộc phân chia phải-trái, thiện-ác, và quyết liệt là chọn lựa điều thiện. Vì thế, nếu chưa chiến đấu là còn lưỡng lự chưa dứt khoát. Thiên Chúa không chấp nhận tình trạng dở dở ương ương. Nóng thì nóng hẳn, nguội thì nguội hẳn, hâm hâm dở dở, Thiên Chúa sẽ loại trừ.

Sự chọn lựa của người môn đệ theo Chúa

“Anh em đừng tưởng Thầy đem đến bình an cho trái đất: Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10,34-36).

Nghe có vẻ ngược đời, nhưng sự chia rẽ ở đây nói lên một sự lựa chọn cho người môn đệ. Những ai dám sống và hành động theo con đường Chúa Giêsu, thì thường bị người đời coi là dại dột, là ngu xuẩn, là điên rồ, thậm chí còn bị ghen ghét hoặc bị bách hại đủ điều. Vì thế, Người đòi môn đệ phải sẵn sàng chia sẻ sự đau khổ mà Chúa Giêsu phải chịu. Vì thực tế sẽ có sự chia rẽ từ trong gia đình: trong cùng một nhà mà có những người tin Chúa và có kẻ lại không tin. Nhưng ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được ơn cứu độ.

Có thể nói, bài Tin mừng hôm nay cho biết hệ quả của bước đường theo Chúa. Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.

Thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn

“Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37).

Phải chăng Chúa Giêsu đặt ra một điều kiện của Chúa quá khó? Sở dĩ Ngài đưa ra điều kiện như vậy, để nói lên một sự dứt khoát chứ không phải nửa vời. Ngài không khuyến khích việc vô ơn bất hiếu với cha mẹ, hoặc phải sống vô tâm vô tình với người thân, nhưng là Ngài muốn nhấn mạnh đến sự ưu tiên chọn Chúa là trên hết và Ngài đòi hỏi sự so sánh hơn kém khi phải chọn lựa. Nếu phải chọn lựa giữa Chúa Giêsu với cha mẹ và người thân, thì những người quyết tâm theo Chúa phải dám chọn Chúa Giêsu là gia nghiệp.

Bỏ cha, bỏ mẹ, vợ con, anh em là bỏ những cái gì ngoài mình, nhưng Chúa còn đòi hỏi hơn nữa là dám bỏ cả mạng sống nếu phải làm chứng cho Chúa (Mỗi ngày một tin vui).

Hoa quả của lòng bác ái

“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy... Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,40.42).

Chúa Giêsu khẳng định về chiều kích tương quan hàng dọc với Thiên Chúa dựa trên tương quan đức ái với đồng loại. Khi chúng ta làm điều gì cho anh em là chúng ta đang làm cho chính Chúa Giêsu và cũng đồng thời đang làm cho Chúa Cha.

Việc bác ái dù nhỏ nhất nhưng luôn có giá trị cứu độ. Thiên Chúa sẽ trả lẽ cho chúng ta trong nước của Ngài bằng với những gì chúng ta đã trao tặng cho tha nhân, dù chỉ là một bát nước lã thì Thiên Chúa cũng ghi nhận.

Vấn đề được Thiên Chúa ân thưởng không hệ tại ở giàu hay nghèo, cũng không hệ tại cho hàng tỷ đồng hay chỉ là một bát nước lã, nhưng là biết sống tương quan đức ái với tha nhân, giúp đỡ nhau vì lòng mến Chúa và yêu đồng loại. Người cho nhau một ly nước vì Chúa thì có giá trị hơn gấp bội so với người cho cả gia tài chỉ vì được ca tụng đời này (Hiền Lâm).

Truyện: Cách vác thập giá

Một hôm, Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ, Ngài đưa họ đến đầu con đường rồi trao cho mỗi người một cây thập giá và nói: “Các con hãy vác thập giá này và đi đến cuối con đường, Thầy sẽ đợi các con ở đó”. Nói xong, Chúa biến đi. Và hai môn đệ bắt đầu vác lấy thập giá của mình.

Người thứ nhất xem ra vác nhẹ nhàng, chân rảo bước mỗi lúc một nhanh. Nội trong ngày hôm đó, anh đã đến cuối đường và vui mừng gặp Chúa Giêsu đang đứng chờ sẵn ở đó.

Còn người thứ hai mãi đến chiều hôm sau mới đi hết con đường, xem ra anh ta mệt mỏi, không còn vác, nhưng kéo lê thập giá mỗi lúc một nặng thêm và làm anh ta gần kiệt sức. Vừa gặp Ngài, anh ta phàn nàn ngay: “Chúa đối xử bất công quá. Chúa cho con cây thập giá nặng, còn anh kia Chúa cho thập giá nhẹ, nên anh ấy đã đến trước con lâu như vậy”.

Gương mặt vui tươi của Chúa bỗng trở nên nghiêm nghị. Ngài nói: “Này con, Ta không đối xử bất công, hai cây thập giá giống và nặng như nhau. Con đừng trách thập giá nặng nhẹ, nó trở nên nặng là vì tâm hồn con ngay từ đầu và trong suốt quãng đường Ta đã chỉ, con luôn than phiền và càng than phiền thì nó càng trở nên nặng nề. Người bạn đồng hành của con đến trước, vì tâm hồn lúc nào cũng tràn đầy yêu thương”.

 

Thầy không đến để mang bình an nhưng là gươm giáo- SN song ngữ 12.7.2021

 

 

Monday (July 12):  “I have not come to bring peace, but a sword”

Scripture:  Matthew 10:34 – 11:1

34 “Do not think that I have come to bring peace on earth; I have not come to bring peace, but a sword. 35 For I have come to set a man against his father, and a daughter against her mother, and a daughter-in-law against her mother-in-law; 36 and a man’s foes will be those of his own household. 37 He who loves father or mother more than me is not worthy of me, and he who loves son or daughter more than me is not worthy of me; 38 and he who does not take his cross and follow me is not worthy of me. 39 He who finds his life will lose it, and he who loses his life for my sake will find it. 40 “He who receives you receives me, and he who receives me receives him who sent me. 41 He who receives a prophet because he is a prophet shall receive a prophet’s reward, and he who receives a righteous man because he is a righteous man shall receive a righteous man’s reward.  42 And whoever gives to one of these little ones even a cup of cold water because he is a disciple, truly, I say to you, he shall not lose his reward.” (Matthew 11) 1 And when Jesus had finished instructing his twelve disciples, he went on from there to teach and preach in their cities.

Thứ Hai     12-7                Ta không đến để mang bình an nhưng là gươm giáo

Mt 10,34-11,1

 34 “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.35 Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng.36 Kẻ thù của mình chính là người nhà.37 “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.38 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.39 Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.40 “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.41 “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.42 “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” 1 Ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Đức Giê-su rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị trong miền.

 

Meditation: 

Why does Jesus describe his mission and the coming of God’s kingdom in terms of conflict, division, and war? Jesus told his disciples that he did not “come to bring peace, but a sword”(Matthew 10:34). The “sword” which Jesus speaks of here is not a physical weapon that cuts people down, but a spiritual weapon that cuts through the inner core of our being to expose the corruption of sinful thoughts and intentions as well as the lies and deception of Satan and his kingdom of darkness.

 

Sword of the Spirit

Scripture speaks of God’s word as a sharp two-edged sword that “pierces to the division of soul and spirit… discerning the thoughts and intentions of the heart” (Hebrews 4:12, Revelations 19:15). Scripture also describes “God’s word” as the “sword of the Spirit” which has the power to destroy every spiritual stronghold that keeps people in bondage to sin, deception, and Satan (Ephesians 6:17). Jesus came to rescue us and bring us the freedom to live as citizens of God’s kingdom of righteousness, peace, and joy in the Holy Spirit (Romans 14:17).

Spiritual warfare 

Jesus’ mission was an act of war against the spiritual forces who oppose the kingdom of God and his rule over the earth and the heavens. That is why Jesus identified Satan as the ruler of this world whom he will cast out (John 12:31). The battle Jesus had in mind was not an earthly conflict between individuals and nations, but a spiritual warfare between the forces of Satan and the armies of heaven. Jesus came to wage war against the spiritual powers of this present world that turn the minds and hearts of people away from God and his kingdom of peace and truth.

Kingdom of light versus kingdom of darkness 

The Scriptures make clear that there are ultimately only two kingdoms or powers and that they stand in opposition to one another – God’s kingdom of light and  Satan’s kingdom of darkness. John the Apostle contrasts these two opposing kingdoms in the starkest of terms: We know that we are of God, and the whole world is in the power of the evil one (1 John 5:19). The Scriptures describe the “world” as that society of people who are opposed to God and his kingdom of righteousness, truth, and goodness. Jesus came to overthrow Satan’s power and to set us free from everything that would hold us back from knowing, loving, and serving God who has loved each one of us with boundless mercy, compassion, and goodness.

 

God must take first place 

Jesus told his disciples that if they followed him it would be costly because they must put God’s kingdom first and obey his word. Whenever a great call is given it inevitably causes a division between those who accept and reject it. When Jesus remarked that division would cut very close to home his listeners likely recalled the prophecy of Micah: a man’s enemies are the men of his own household (Micah 7:6). The love of God compels us to choose who will be first in our lives. To place any relationship or any other thing above God is a form of idolatry. Jesus challenges his disciples to examine who they love first and foremost. A true disciple loves God above all else and is willing to forsake all for Jesus Christ. Jesus insists that his disciples give him the loyalty which is only due to God, a loyalty which is higher than that owed to spouse or kin. It is possible that family and friends can become our enemies if the thought of them keeps us from doing what we know God wants us to do.

 

 

 

 

The just reward 

True love for God compels us to express charity towards our neighbour who is created in the image and likeness of God. Jesus declared that any kindness showed and any help given to the people of Christ will not go unrewarded. Jesus never refused to give to anyone in need who asked for his help. As his disciples, we are called to be kind and generous as he is. Jesus sets before his disciples the one goal in life that is worth any sacrifice and that goal is the will of God which leads to everlasting life, peace, and joy with God. Does the love of Jesus Christ compel you to put God first in all you do (2 Corinthians 5:14)?

 

 

 

 

“Lord, no eye has seen, no ear has heard, no heart has conceived the things you have prepared for those who love you. Set us ablaze with the fire of the Holy Spirit, that we may love you in and above all things and so receive the rewards you have promised us through Christ our Lord.” (from A Christian’s Prayer Book)

 

Suy niệm:

Tại sao Ðức Giêsu diễn tả sứ mạng của mình và nước Thiên Chúa sắp đến trong những hạn từ của mâu thuẫn, chia rẽ, và chiến tranh? Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng Người không “đến để mang bình an nhưng là gươm giáo” (Mt 10,34). Hạn từ “gươm giáo” mà Đức Giêsu nói ở đây không phải là vũ khí vật chất để chém người ta, nhưng là vũ khí thiêng liêng để cắt xẻ nội tâm con người để phơi bày sự mục nát của những tư tưởng và ý định tội lỗi, cũng như những dối trá của Satan và vương quốc tối tăm của nó.

Gươm của Thần Khí

Kinh thánh nói lời Thiên Chúa như lưỡi gươm hai lưỡi sắc bén để “xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh… phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Hr 4,12; Kh 19,15). Kinh thánh cũng mô tả “lời Chúa” như “gươm của Thần Khí” có sức mạnh mọi thành trì thiêng liêng mà kiềm hãm người ta trong sự ràng buộc với tội lỗi, sự dối trá, và Satan (Ep 6,17). Đức Giêsu đến để cứu chúng ta được tự do để sống như những công dân vương quốc công chính, bình an của Thiên Chúa, và niềm vui trong Chúa Thánh Thần (Rm 14,17).

Lợi ích thiêng liêng

Sứ mạng của Đức Giêsu là hành động chiến tranh chống lại sức mạnh thiêng liêng kình địch với vương quốc của Thiên Chúa và sự cai quản của Người cả trời và đất. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu đã mô tả Satan như kẻ thống trị thế gian, kẻ sẽ bị tống ra ngoài (Ga 12,31). Trận chiến Ðức Giêsu nói tới không phải là sự xung đột trần thế giữa các quốc gia, nhưng là trận chiến thiêng liêng giữa lực lượng của Satan và đạo binh của thiên quốc. Đức Giêsu đến để khơi dậy chiến tranh chống lại sức mạnh thiêng liêng của thế giới hiện tại này đã khiến lòng trí con người ta xa cách Thiên Chúa và vương quốc bình an và sự thật của Người.

Vương quốc ánh sáng và vương quốc tối tăm

Kinh thánh xác định rõ ràng rằng cuối cùng chỉ có hai quyền lực hay vương quốc đối chọi với nhau – vương quốc ánh sáng của Thiên Chúa và vương quốc của tối tăm của Satan. Thánh Gioan tông đồ làm tương phản hai vương quốc này trong những lời lẽ mạnh mẽ nhất: Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn cả thế giới ở trong quyền lực của ma quỷ (1Ga 5,19). Kinh thánh mô tả “thế gian” như là xã hội của những người chống đối Thiên Chúa và vương quốc công chính, sự thật, và nhân hậu của Người. Đức Giêsu đến để lật đổ quyền lực của Satan và giải thoát chúng ta khỏi mọi thứ kéo lùi chúng ta khỏi sự hiểu biết, yêu mến, và phụng sự Thiên Chúa, Đấng yêu thương mỗi người chúng ta với lòng thương xót, trắc ẩn, và nhân hậu vô bờ bến.

Thiên Chúa phải ở vị trí hàng đầu

Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng nếu họ đi theo Người sẽ phải trả giá đắt bởi vì họ phải đặt để vương quốc của Thiên Chúa lên hàng đầu và phải vâng phục lời Người. Bất cứ khi nào một ơn gọi cao cả được ban, chắc chắn nó sẽ gây ra sự chia rẽ giữa những kẻ đón nhận hay chống đối nó. Khi Ðức Giêsu nói về sự chia rẽ này, chắc hẳn đã khiến cho các thính giả của Người nhớ tới lời tiên đoán của ngôn sứ Mica: Kẻ thù của người ta lại là những người trong gia đình (Mk 7,6). Tình yêu của Thiên Chúa thúc bách chúng ta chọn ai sẽ là người ưu tiên trong cuộc đời chúng ta. Đặt để bất kỳ mối quan hệ hay bất cứ điều gì khác trên Thiên Chúa là một hình thức thờ bụt thần. Ðức Giêsu đòi hỏi các môn đệ xét xem ai là người mà họ yêu thương trước nhất và nhiều nhất. Người môn đệ đích thật yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự luôn sẵn sàng từ bỏ tất cả vì Ðức Giêsu Kitô. Ðức Giêsu nhấn mạnh rằng các môn đệ phải dành cho Người sự trung thành chỉ dành cho Thiên Chúa, hơn cả với người phối ngẫu hay ruột thịt. Gia đình và bạn bè rất có thể trở nên những kẻ thù nếu như suy nghĩ của họ ngăn cản chúng ta thực hiện những gì chúng ta biết Thiên Chúa muốn chúng ta phải làm.

Phần thưởng đích đáng

Tình yêu thật sự dành cho Thiên Chúa thúc bách chúng ta bày tỏ lòng bác ái đối với tha nhân, những người được tạo dựng theo hình ảnh giống Thiên Chúa. Ðức Giêsu tuyên bố rằng không một việc tốt lành và sự giúp đỡ nào dành cho người của Đức Kitô mà không được trọng thưởng. Ðức Giêsu không bao giờ từ chối ban ơn cho bất kỳ ai cầu xin Người trợ giúp. Giống như các môn đệ, chúng ta cũng được kêu gọi thể hiện lòng tốt và quảng đại như Người. Ðức Giêsu đưa ra cho các môn đệ một mục đích duy nhất trong đời, xứng đáng với bất kỳ sự hy sinh nào, và mục đích đó chính là ý của Thiên Chúa, sẽ dẫn tới sự sống vĩnh cửu, sự bình an, và niềm vui với TC. Tình yêu của Ðức Giêsu Kitô có thúc bách bạn đặt để TC lên hàng đầu trong tất cả những việc bạn làm không (2Cr 5,14)?

Lạy Chúa, không mắt nào đã thấy, không tai nào đã nghe, không lòng nào hiểu được những điều mà Chúa đã chuẩn bị cho những ai yêu mến Chúa. Xin cho chúng con cháy lên ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, để chúng con có thể yêu mến Chúa trong và trên hết mọi sự, và để lãnh nhận phần thưởng Chúa đã hứa cho chúng con ngang qua Đức Kitô, Chúa chúng con (trích từ sách cầu nguyện của người tín hữu).

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

SUY NIỆM

1. Bình an hay gươm giáo?

Một trong những lời khó hiểu và dường như mâu thuẫn nhất của Đức Giê-su chính là lời sau đây, được thánh Mát-thêu kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay:

Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà. (c. 34-36)

Thật vậy, lời này của Đức Giê-su dường như mâu thuẫn với tất cả những lời còn lại của Ngài, với sứ điệp hòa giải, hòa bình và hiệp thông của Nước Trời mà Ngài rao giảng và làm cho hiện diện giữa chúng ta. Như khi các thiên thần cất tiếng hát trong biến cố Giáng Sinh: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 13-14).

Một trong những nguyên tắc giúp cho việc đọc hiểu và cầu nguyện với một bản văn Kinh Thánh, đó là điểm tối tăm sẽ được soi sáng khởi đi từ điểm sáng tỏ. Và nguyên tắc này rất thích hợp với bài Tin Mừng của chúng ta. Ngọn lửa tình yêu mà Đức Giêsu đem đến và muốn cho bùng cháy (x. Lc 12, 49-50) tất yếu sẽ đốt cháy, loại bỏ, và nói theo trình thuật “Sáng Tạo Bảy Ngày”, sẽ phân rẽ (x. St 1, 4.6.7.14.18). Giống như một thửa đất, để trở thành đất tốt, thì phải được mổ xẻ, phân chia, vun xới; chúng ta hãy đặt mình trong vị trí của đất, thật đau đớn biết bao, khi được đào xới và cày bừa để loại bỏ sỏi đá, gai góc, cây cỏ… Nhưng tiến trình mổ xẻ, phân chia, vun xới, chính là để chữa lành, để làm cho chúng ta trở nên “đất tốt”.

Và để sống theo lửa tình yêu của Đức Giêsu, chúng ta không chỉ gặp nhưng xung khắc nội tâm, nhưng còn có nhưng xung khắc trong tương quan với người khác, đôi khi với những người thân yêu, mỗi khi chúng ta muốn sống sự đơn sơ, nghèo khó và khiêm tốn theo Tin Mừng của Đức Giê-su. Khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa, hẳn chúng ta sẽ có kinh nghiệm này: Lời Chúa có thể “xâu xé”, “cắt tỉa” chúng ta, nhưng là để chữa lành và làm cho chúng ta sinh nhiều hoa trái, như chính Đức Giê-su đã nói, khi dùng hình ảnh cây nho (x. Ga 15, 1-8): Hình ảnh rau sa-lát phải được quấy nát để thấm nước sốt, diễn tả phần nào kinh nghiệm này.

Chính Đức Giê-su cũng sẽ đối diện với những xung khắc, mà Ngài gọi là “Phép Rửa”. Phép Rửa Ngài phải chịu là cuộc thương khó và cái chết trên thập giá. Thập giá là điên rồ và sỉ nhục, nhưng đối với Thiên Chúa và những ai đặt niềm tin nơi Ngài, thì đó lại là sức mạnh và khôn ngoan, dẫn đến bình an và niềm vui vô hạn.

Trong sách Xuất Hành, có một hình ảnh rất tuyệt vời nói lên Ngọn Lửa Tình Yêu thần linh, đó là hình ảnh bụi gai bừng cháy, nhưng không bị thiêu rụi (x. Xh 3,2). Hình ảnh bụi gai bừng cháy diễn tả rất tuyệt vời hai đặc tính trái ngược nhau của tình yêu: vừa mạnh mẽ và vừa hiền lành, không loại trừ hay hủy diệt. Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu Thiên Chúa là ngọn lửa bừng cháy, lan tràn, thanh tẩy, nhưng không thiêu rụi.

 2. Dứt bỏ điều không thể

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su không chỉ nói những lời khó hiểu và mâu thuẫn, nhưng còn có những lời khó chấp nhận:

Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.
Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy
. (c. 37)

Trong sách Tin Mừng theo thánh Luca, Đức Giê-su còn nói mạnh hơn: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26-27). Để trở thành môn đệ của ngài, Đức Giê-su đưa ra một đòi hỏi quá khó khăn. Vì thế, chúng ta thường hiểu đòi hỏi này chỉ dành cho một số ít người thôi, đó là các tông đồ, và bây giờ là những người đi tu. Hiểu như vậy là không đúng, vì như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói lời này với đám người rất đông đang cùng đi đường với Ngài; và trong Giáo Hội, dù lập gia đình hay đi tu, chúng ta đều là Ki-tô hữu, nghĩa là thuộc về Đức Ki-tô, chúng ta đều là môn đệ của Đức Ki-tô theo những cách thế khác nhau, trong đời sống hôn nhân hay đời sống tu trì. Hơn nữa, Đức Giê-su còn mời gọi người ta dứt bỏ “vợ con”, nghĩa là Ngài ngỏ lời với cả người đã có gia đình, đã có vợ có chồng và đã cả con cái!

Vậy thì phải làm sao đây trước đòi hỏi quá rõ ràng và khó khăn của Đức Giê-su, ngỏ với từng người trong chúng ta, không phân biệt? Chúng ta được mời gọi dành thời gian để tìm cách hiểu Lời Chúa theo khả năng của mình, trước khi nghĩ đến việc phải thực hành làm sao. Trong nhiều trường hợp, nếu chúng ta “nhắm mắt” thực hành ngay, sẽ đi đến bế tắc, làm khổ thậm chí làm hại mình và làm hại nhau, như trong trường hợp đòi hỏi phải từ bỏ này. Thế thì, chúng ta phải hiểu như thế nào đòi hỏi quá lớn lao đến độ phi lí này của Đức Giê-su? Trước hết, chúng ta cần nhận ra rằng đòi hỏi này thật là lạ lùng, nếu không muốn nói là khó chấp nhận. Khó chấp nhận, vì Đức Giê-su không đòi chúng ta dứt bỏ của cải, tiện nghi, nhà cửa, ruộng đất, nhưng là dứt bỏ những con người cụ thể.

Và khó chấp nhận, nhất là vì Đức Giê-su không đòi hỏi chúng ta dứt bà con họ hàng, bạn bè hay là người yêu. Dứt bỏ những người này cũng không phải dễ, nhưng không phải là không làm được. Như chúng ta đã biết, có nhiều người trẻ nam nữ đã phải chia tay với người yêu để trở thành môn đệ Đức Ki-tô trong đời tu. Và dĩ nhiên là cũng có những người không chia tay được!

Nhưng, ở đây, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta dứt bỏ những người ruột thịt: đó là cha mẹ, vợ con, anh em, chị em. Và ruột thịt hơn nữa là chính sự sống của mình, bởi vì chúng ta phải đối diện với chính mình hằng ngày: phải ăn phải mặc, phải chăm sóc sức khỏe, và còn phải chú ý đến ngoại hình nữa. Có thể nói, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta dứt bỏ điều không thể dứt bỏ, bởi vì đó là ruột là thịt của mình. Ví dụ, dù chúng ta đi đâu, làm gì, sống ơn gọi nào, thì khi làm tờ khai, chúng ta vẫn phải khai mình là con của ai, khai vợ khai chồng nếu có, khai tất cả anh chị em ruột. Hơn nữa, người Việt Nam chúng ta rất coi trọng đạo hiếu với cha mẹ và tình nghĩa anh chị em và bà con thân thuộc.

Vậy “dứt bỏ” Chúa nói ở đây có nghĩa là gì? Dứt bỏ những người thân yêu, chính là để nhận lại như một quà tặng Thiên Chúa ban. Nếu không, chúng ta sẽ coi những người thân yêu là của riêng mình, và tự coi mình là chủ có quyền định đoạt theo ý riêng. Kinh nghiệm cho thấy, làm như thế chúng ta sẽ đánh mất mình và đánh mất nhau.

  • Tổ phụ Abraham vì tình yêu đối với Chúa, đã dứt bỏ người con trai duy nhất, nhưng cuối cùng đã nhận lại như một ơn huệ Thiên Chúa ban, và cùng với người con ơn huệ Isaac là cả một dân tộc đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển.
  • Có thể nói, chính Thiên Chúa Cha cũng dứt bỏ người Con duy nhất, là Đức Giê-su Ki-tô trong cuộc Thương Khó, nhưng để nhận lại Ngài trong sự sống Phục Sinh và cùng với Ngài, là cả một đoàn con đông đúc, là nhân loại mới, là Giáo Hội, là chúng ta, được cứu chuộc bởi cái chết trên Thập Giá của Đức Ki-tô.

Vỉ thế, chúng ta được mời gọi trở thành môn đệ của Đức Giê-su, ngang qua việc nghe Lời của Ngài và đón nhận mình và máu ngài trong Thánh Lễ, để nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Và cách Đức Giêsu yêu mến chúng ta, cũng chính là cách thức chúng ta yêu mến nhau. Như Chúa nói: “Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy yêu mến anh em”.

Nếu chúng ta yêu nhau như Chúa yêu chúng ta, tương quan tình yêu giữa chúng ta, sẽ không bị lệch lạc, không bị biến dạng thành tương quan ham muốn, chiếm hữu hay độc quyền, nhưng trở thành tương quan hiệp thông trong sự tôn trọng, chia sẻ cho nhau và chia sẻ cho nhau đến tận cùng. Và Ngài hứa với chúng ta là chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm. Bởi vì tất cả những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành sẽ trở thành người thân của Chúa và vì thế, trở thành người thân của nhau. Lời hứa này không chỉ được ứng nghiệm trong cộng đoàn đời tu, nhưng trong Giáo Hội, trong cả trong cộng đoàn giáo xứ của chúng ta nữa.

Dứt bỏ mọi sự để trở thành môn đệ của Đức Giê-su bằng mọi giá, để yêu mến và đi theo Ngài, chúng ta sẽ không “đánh mất nhau”, nhưng ngược lại, chúng ta sẽ “tìm lại được nhau” trong tương quan tình yêu đích thật và muôn đời. Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay, mời gọi chúng ta phải hi sinh từ bỏ rất lớn để trở nên môn đệ đích thật của Chúa. Nhưng đó chính là để chúng ta đón nhận tình yêu bao dung và thương xót của Chúa, và để chúng ta nhận lại nhau như hồng ân Chúa ban và yêu thương nhau; và không phải yêu thương nhau theo kiểu của chúng ta, nhưng là yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng ta.

 3. “Phần thưởng”

Nếu những lời trên đây của Đức Giê-su gây ra nhiều khó khăn, thì những lời tiếp theo lại mang lại cho chúng ta sự bình an và hi vọng. Thật vậy, một ơn rất nhỏ, là một « chén nước », mà chúng ta trao ban cho những người thuộc về Đức Ki-tô, cũng được Chúa ghi nhận, coi trọng, và sẽ làm cho sinh hoa trái kết quả, như Người nói : « Người đó sẽ không mất phần thưởng đâu ». Và vì đó là « phần thưởng » đến từ Đức Ki-tô, con Thiên Chúa, nên sẽ tồn tại mãi mãi.

Chắc chắn ai trong chúng ta cũng trao ban hơn thế nhiều, cho những người thuộc về Chúa, hay rộng hơn, cho những gì thuộc về Chúa và cho chính Chúa. Vậy, dựa vào lời của Chúa, một đàng, chúng ta hãy xác tín về « phần thưởng », nghĩa là những hoa trái Chúa sẽ ban cho chúng ta, cho sự sống hôm nay và mai sau, cho dù chúng ta còn đầy thiếu sót, yếu đuối và tội lỗi ; và đàng khác, chúng ta được mời gọi trao ban hơn nữa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây