Thứ Hai tuần 21 thường niên.
"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù".
Lời Chúa: Mt 23, 13-22
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đóng cửa nước trời không cho người ta vào: vì các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào.
"Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đọc kinh cho dài để nuốt tài sản của các bà goá, bởi thế, các ngươi sẽ chịu phán xét nặng hơn.
"Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi rảo khắp biển khơi và lục địa, để tìm cho được một người tòng giáo, nhưng khi đã cho người đó tòng giáo, các ngươi làm cho nó trở thành con cái hoả ngục gấp hai lần các ngươi.
"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù! Vì các ngươi nói rằng: Ai lấy đền thờ mà thề, thì không có giá trị gì, nhưng ai lấy vàng trong đền thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi kẻ ngu ngốc và đui mù, chớ thì vàng hay là đền thờ thánh hoá vàng, cái nào trọng hơn? Các ngươi còn bảo rằng: Ai lấy bàn thờ mà thề, thì không giá trị gì, nhưng ai lấy của lễ để trên bàn thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi những kẻ đui mù, chớ thì của lễ hay là bàn thờ thánh hoá của lễ, cái nào trọng hơn?
"Vậy ai lấy bàn thờ mà thề, thì lấy cả bàn thờ và mọi sự để trên bàn thờ mà thề. Kẻ nào lấy đền thờ mà thề, thì lấy cả đền thờ và Ðấng ngự trong đền thờ mà thề. Và kẻ nào lấy trời mà thề, thì lấy ngai toà Thiên Chúa và Ðấng ngự trên ngai toà ấy mà thề".
SUY NIỆM 1: Đạo đức giả
Suy niệm:
Trong Bài Giảng trên núi, Đức Giêsu đã nói đến Các Mối Phúc.
Ngài chúc mừng những ai thuộc về Nước Trời bằng các lời Phúc cho.
Còn trong chương 23 của Tin Mừng Mátthêu,
Đức Giêsu lại 7 lần dùng lối nói Khốn cho,
khi nói với giới lãnh đạo Do Thái giáo là các kinh sư và nhóm Pharisêu.
Đức Giêsu không phải là người đầu tiên dùng lối nói khó chịu này.
Các ngôn sứ thời xưa như Amốt hay Isaia (Am 6, 1; Is 5, 8-24)
cũng đã lắm khi dùng lối nói này để tố cáo những người quyền thế.
Mục đích của các ngôn sứ là vạch trần những sai phạm của họ,
và cảnh báo cho mọi người biết mà tránh xa.
Đức Giêsu đã nói như một vị ngôn sứ.
Khi nói khốn cho, Ngài không có ý nguyền rủa hay kết án ai,
cho bằng nói lên sự đau xót, thậm chí giận dữ đến độ trách phạt.
“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! khốn cho ngươi, hỡi Bétsaiđa!”
Đức Giêsu đã nói như thế với các thành phố từ chối Ngài (Mt 11, 21).
“Khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26, 24).
Đây không phải là một lời chúc dữ cho Giuđa,
hay kết án anh phải đời đời hư mất.
Đúng hơn đây diễn tả một tiếc nuối xót xa về tội của người môn đệ.
Vào thời thánh Mátthêu viết sách Tin Mừng, từ sau năm 70,
có một sự xung đột nghiêm trọng giữa các Kitô hữu gốc Do Thái
với những nhà lãnh đạo Do Thái giáo lúc bấy giờ.
Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh sự căng thẳng đó.
Các vị kinh sư và những người pharisêu đầy quyền lực
không muốn đồng bào của mình tin vào một ông Giêsu bị đóng đinh.
Ai tin sẽ bị trục xuất khỏi hội đường (x. Ga 9, 22).
Như thế họ đã khóa cửa Nước Trời để chẳng ai vào được, kể cả họ (c. 13).
Các vị kinh sư và nhóm Pharisêu hăng say trong việc truyền giáo.
Họ muốn làm cho dân ngoại trở thành Dân Chúa.
Tiếc thay, sau khi đã vào đạo rồi, những người tân tòng này
có thể trở nên cứng nhắc vì nệ luật, và rơi vào thói giả hình.
Họ “trở thành con cái của hỏa ngục gấp đôi các ông” (c. 15).
Đức Giêsu cũng tố cáo sự phân biệt quá chi li về giá trị những lời thề.
Đối với Ngài, thề nhân danh Đền thờ hay vàng trong Đền thờ,
nhân danh bàn thờ hay lễ vật trên bàn thờ (cc. 16-20),
thì cũng chẳng khác gì thề nhân danh chính Thiên Chúa (cc. 21-22).
Tất cả lời thề đều phải được giữ như nhau, đều ràng buộc như nhau.
Những lời tố giác của Đức Giêsu đối với giới lãnh đạo Do Thái giáo
vẫn đặt câu hỏi cho chúng ta thời nay.
Làm sao để tôn giáo mở đường cho con người gặp gỡ Thiên Chúa,
chứ không khép lại hay gây cản trở?
Làm sao để người tân tòng thực sự trở thành con cái Nước Trời?
Làm sao để chúng ta khỏi sa vào những chi li thái quá của luật lệ?
Những lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại mình và thay đổi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: Lãnh đạo sáng suốt
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Vận mệnh một cộng đoàn tùy thuộc rất nhiều vào lãnh đạo. Lãnh đạo sáng suốt sẽ giúp cộng đoàn phát triển. Lãnh đạo sai lầm sẽ tàn phá cộng đoàn nhanh chóng. Chúa Giêsu chê trách người Pha-ri-sêu vì họ đưa dân vào chỗ sai lạc, chết chóc.
Họ sai lạc vì giữ tín đồ lại cho mình, chứ không dẫn đưa kẻ tin đến với Chúa. Tự giam hãm, trói buộc mình trong những mớ luật lệ tỉ mỉ, phức tạp làm thui chột sức sống, họ không chịu vào Nước Trời mà còn ngăn cản không cho người khác vào.
Họ sai lạc vì dẫn đưa người khác đến chỗ chết, xô đẩy họ vào hỏa ngục khi loan truyền một thứ đạo không mến Chúa, cũng chẳng yêu người.
Họ sai lạc quá xa khi đưa ra một thứ đạo dừng lại ở vật chất, hình thức bên ngoài. Thề thốt và tin rằng những vật chất quí giá là vàng bạc và lễ vật có thể chứng giám lời thề. Nhưng không đặt mình trước mặt Chúa, thiếu đức tin vào Chúa. Đạo không có Chúa chỉ là trống rỗng. Thờ phượng chỉ dừng lại ở vật chất và lễ nghi chỉ là lừa bịp. Sống đạo chỉ vụ lề luật là một thứ vong thân, tha hóa khiến ta thành nô lệ.
Thánh Phao-lô tỏ ra là người dẫn đường sáng suốt khi không biến mình thành ngẫu tượng. Tuy được dân đón nhận, tin yêu, thánh nhân không bắt họ dừng lại nơi mình, nhưng đã dẫn họ đến với Chúa. Ngài biết rằng tín hữu có niềm tin không phải nhờ tiếng nói của ngài nhưng “còn có quyền năng của Thánh Thần” (năm lẻ).
Ngài khen ngợi dân thành Thessalonica vì họ đã biết “từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với thiên Chúa để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật”. Hơn nữa họ đã vượt qua những khó khăn thử thách mà vẫn vững tin vào Chúa, vẫn yêu mến Chúa và nhất là vẫn trông cậy, chờ đợi Chúa Giêsu Kito, Đấng Cứu Độ ngự đến.
Ngài mặc khải cho họ biết đạo Chúa là đạo tình yêu. Ngài chúc mừng tín hữu Thessalonica vì họ “là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em”. Vì thế đạo không phải là một khái niệm trừu tượng hay một mớ luật lệ vô hồn. Vì trong đạo họ được sống trong tự do, được gặp gỡ Thiên Chúa sống đọng trong một tương quan liên chủ thể.
Với người lãnh đạo sáng suốt, dân Chúa được dẫn đưa trên đường ngay nẻo chính, được gặp Chúa. Và được sống. “Như thế, danh của Chúa chúng ta là Đức Giêsu, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người” (năm chẵn).
SUY NIỆM 3: Kết Án Tội Mù Quáng
Toàn chương 23 Phúc Âm thánh Mátthêu ghi lại những lời kết án của Chúa Giêsu đối với các Luật sĩ và Biệt phái. Nhưng trước khi công bố 7 lời kết án đó, tác giả Mátthêu ghi lại nhận định chung của Chúa Giêsu (c.1-12). Chúa Giêsu, Ngài đề ra luật sống mới cho tất cả những ai muốn theo Ngài, Ngài là vị thầy duy nhất thay thế Môsê và các vị thầy nhân loại khác, Ngài muốn cho các môn đệ đừng rơi vào thái độ của những Luật sĩ và Biệt phái: mù quáng, giả hình, vụ hình thức, chú trọng đến cái phụ thuộc mà bỏ quên giáo lý làm linh hồn cho những hình thức bên ngoài.
Ba lời lên án của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay có cùng một điểm chung là sự mù quáng. Vì mù quáng, các Luật sĩ và Biệt phái chẳng những không được vào Nước Trời, mà còn cản trở những ai muốn vào đó; vì mù quáng, họ chỉ muốn khoe khoang lòng nhiệt thành tông đồ của họ, chứ không thực sự nhằm đến ơn cứu rỗi của những người họ muốn đưa về cùng Chúa; vì mù quáng, họ thay đổi luật Chúa theo ý riêng để có lợi cho cá nhân, chứ không thực sự màng đến luật Chúa.
Ðó là ba lời kết án của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã tự ví mình như người chăn chiên nhân lành đi tìm chiên lạc, như thầy thuốc cần cho bệnh nhân, như một Vị Thiên Chúa quyền năng sẵn sàng tha thứ và giải phóng con người tội lỗi. Thế nhưng, Ngài đã không sợ đưa ra những lời kết án mạnh mẽ, thẳng thắn: "Khốn cho các ngươi", không phải vì Ngài không còn lòng nhân từ và tha thứ, nhưng vì sự cứng lòng chai đá của con người đã đến mức tột cùng; không hoán cải khỏi thái độ giả hình, mù quáng, lạm dụng tôn giáo, con người không thể hưởng được tình yêu thương nhân từ của Thiên Chúa.
Ước gì Lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta khỏi thái độ mù quáng, khép kín, tư lợi, và cho chúng ta biết sống khiêm tốn, chân thành trước mặt Chúa và đối với anh em, để chúng ta xứng đáng hưởng chúc lành của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Lắng Nghe Tiếng Nói Của Lương Tri (Mt 23,13-22)
Những lời "khốn cho các ngươi" được lập lại nhiều lần tương ứng với những điều chướng tai gai mắt cũng là những tội của các kinh sư và biệt phái. Họ đã cố tình làm những điều phi lý, khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào, nuốt hết tài sản của các bà góa, rảo khắp các biển cả đất liền rủ cho được một người theo đạo, nhưng khi họ theo rồi thì lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục hơn. Chúa Giêsu đã gọi các kinh sư và biệt phái là những người sống mù quáng. Ðiều đáng nói ở đây là các kinh sư và biệt phái cố tình chia lìa trong lỗi lầm của mình, họ thích danh vọng và chạy theo những bả vinh hoa, vì vậy họ cố gắng tìm mọi cách để đạt đến nó bằng bất cứ cách nào. Có thể nói đây là những người chủ trương lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện. Cứu cánh của họ đã không công minh, chính trực và phương tiện lại còn đê hèn hơn, nên họ đã lợi dụng những dân đen, là những người thấp cổ bé họng, không có khả năng tự bảo vệ mình.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của lương tri, là lời của Chúa muốn dạy chúng ta cách cụ thể trong từng trường hợp của đời sống ta.
Lạy Chúa,
Xin Chúa ban cho mỗi chúng con luôn biết xa tránh những điều xấu xa và tìm đến nguồn mạch ân sủng là Lời Chúa, nhờ đó lương tâm của chúng con mãi trong sáng để rọi lên hình ảnh sống động của Chúa và thánh ý Ngài trong mỗi giây phút của cuộc sống chúng con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 5: Khốn cho kẻ giả hình.
Đức Giêsu nói: “Khốn cho các ngươi, những kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng không để họ vào.” (Mt. 23, 13)
Nếu có ai hỏi sao một người hiền lành, dịu ngọt nhất như Đức Giêsu lại có những lời như xẻ cưa, lửa đốt như vậy trong Tin Mừng của Người khi Người khiển trách những kẻ giả hình và những kẻ làm gương mù? Vì lợi ích tương lai của công trình Người, Người phải lột mặt nạ tập đoàn kinh sư lợi dụng quyền thế tách rời Người ra khỏi những người thường dân bé nhỏ. Hôm nay, Người nói rõ sự thật về họ một cách trịnh trọng:
Những kẻ giả hình xưa:
Tiếng kêu: “Khốn cho” kẻ giả hình, họ giả hình vì chỉ thực hành những nghi thức tôn giáo hoàn toàn hình thức bên ngoài, khác xa với lòng đạo đức chân thực sống động bên trong con người. Kẻ giả hình luôn lợi dụng việc thờ phượng Thiên Chúa hằng sống để thượng tôn pháp luật và nghi lễ bên ngoài một cách xảo quyệt. Chính ra việc phụng sự Thiên Chúa phải thành thực và sống động bởi lòng yêu mến chân chính.
Những lời khiển trách của Chúa còn tới chúng ta ngày nay không?
Kẻ giả hình ngày nay.
Chúng ta có là kẻ giả hình không? Không nên khóc thương những kẻ giả hình khốn khổ xưa, cũng không xét đoán ai. Nhưng chính mình chúng ta có sống chân thật không? Trong đời sống chúng ta? trong lúc hành đạo? có thể chúng ta có nhiều thái độ giả hình được biện minh nhân danh phục vụ, cần cho hợp thời dựa vào sự đổi mới của Công đồng Va-ti-can 2 hay liệng bỏ lời Giáo Hội là Thầy dạy.
Chúng ta giầu và phong phú lắm. Phải, đúng là chúng ta rất phong phú về lễ nghi. Nhưng chúng ta có biết tự hạ mình xuống giúp những kẻ không có gì chăng? có lẽ chúng ta cầu nguyện nhiều, nhưng có vừa đủ để cho người khác cầu nguyện không? và có khi họ cầu nguyện còn thành thực hơn chúng ta nhiều.
CG
SUY NIỆM 6: LỜI RAO GIẢNG PHẢI ĐI ĐÔI VỚI HÀNH ĐỘNG
Mahatma Gandhi là anh hùng dân tộc Ấn Độ, ông đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân.
Lúc còn là sinh viên, ông say mê đọc Kinh Thánh và có ý định gia nhập đạo Công Giáo vì ông thấy giáo lý của Đức Giêsu về “đạo yêu thương” quá tuyệt vời! Nhưng vào một lần, ông đi đến nhà thờ của người da trắng để dự lễ, ngay lập tức, ông bị ngăn lại và được mời đến nhà thờ của người da đen, vì nơi đây không phải là nhà thờ của người da đen. Mahatma Gandhi ra về trong thất vọng. Kể từ đó, ông không bao giờ đến nhà thờ và quyết liệt từ bỏ ý định trở thành người Công Giáo vì hành động phản yêu thương của những người da trắng.
Thật vậy, trong xã hội ngày nay, vẫn còn đó những hình ảnh, cử chỉ của người Công Giáo như những người da trắng trong câu chuyện trên. Họ là những người giả hình “hạng ưu”!
Tại sao vậy? Thưa! Ấy là lúc chúng ta nói những lời tốt đẹp, khuyên người ta ăn ngay ở lành. Nào là: phải bao dung, tha thứ; phải nâng đỡ những cô nhi quả phụ; phải đứng về phía người nghèo; phải khước từ bóc lột, áp bức... Những lời khuyên như vậy rất “kêu”, rất “trội” và rất “thánh”...
Tuy nhiên, khi chính bản thân phải đối diện thì hẳn chúng ta lại là những người “sụt hố” đầu tiên chỉ vì một điều đơn giản là: “Nói mà không làm. Hăng say chất những gánh nặng lên vai người khác, nhưng chính mình thì lại không buồn động ngón tay vào”. Tệ hơn nữa lại tìm cơ hội để trả thù nhân danh đạo đức, lề luật...!
Những lúc như thế, chúng ta đâu có khác gì những Kinh Sư và Pharisêu mà trong bài Tin Mừng hôm nay đã bị Đức Giêsu vạch trần tội ác của họ?
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở nên chứng nhân cho Chúa qua hành động tốt của mình. Nói cách khác, muốn dạy người khác điều gì, chính chúng ta phải là những người đã sống và cảm nghiệm trước khi khuyên bảo người khác. Làm tất cả vì vinh danh Chúa, chứ không phải lấy Chúa làm “bình phong” để “tô son chát phấn” nhằm đề cao danh dự, tiếng tăm cho bản thân mình.
Có thế, chúng ta mới là người mang trong mình và giới thiệu một vị Thiên Chúa là Cha yêu thương. Một Vị Thiên Chúa được hiện tại hóa qua đời sống chứng nhân và lời rao giảng cũng như cảm nghiệm của chính chúng ta. Nếu không thì mọi việc chúng ta làm chỉ là hành vi của kẻ “phá hoại” sứ điệp “yêu thương” của Thiên Chúa mà thôi. Và nguy hiểm hơn nữa là “mù dắt mù cả hai cùng xuống hố”. Tyu nhiên, để làm được điều đó không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế, rất cần lời cầu nguyện và ơn Chúa trợ giúp.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết trở nên những người loan báo Lời Chúa bằng chính đời sống của mình. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 7: Chúa khiển trách các luật sĩ và biệt phái
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Bài Tin Mừng hôm nay nghe thật nặng nề, vì lời lẽ Chúa Giêsu nặng lời lên án những người thuộc nhóm biệt phái sống giả hình. Thế nhưng, suy rộng ra, cách sống của họ không là cá biệt mà nó phản ánh chính cuộc sống của không ít chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta cũng nhìn lại và suy gẫm về chính cuộc đời mỗi chúng ta lần lượt qua từng câu trong đoạn Tin Mừng hôm nay.
2. Hôm nay chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã mạnh mẽ lên án những tội của luật sĩ và biệt phái: giải thích lề luật một cách tỉ mỉ khiến không ai có thể giữ được; chất gánh nặng trên vai người khác, mà chính mình không muốn giơ ngón tay lay thử; làm bộ đọc kinh cho nhiều, nhưng lại toan tính nuốt cả tài sản người khác; tìm hư danh ngay cả trong việc truyền đạo; cắt nghĩa lời thề bằng những giải thích hoàn toàn có lợi cho mình, nhưng đó chỉ là cách giải thích tùy tiện theo ý loài người, chứ không tuân giữ lời Chúa.
3. Ta có thể nhận thấy Chúa Giêsu lên án 5 cung cách đạo đức giả nơi người luật sĩ như sau: một là không muốn ai tiếp cận chân lý (c.13); hai là biến các tân tòng thành con cái hỏa ngục, qui về mình hơn là về Chúa (c.15); ba là an tâm tự tại với một số đồ dâng cúng mà bỏ qua những điều cần phải tuân giữ cho đẹp lòng Chúa (cc 16-19); bốn là nộp mọi thứ thuế, nhưng lại bỏ qua những điều quan trọng hơn là công lý, lòng nhân lành và thành tín (cc.23-24); năm là chú trọng nghi thức thanh tẩy bên ngoài, mà bên trong đầy chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ (cc.25-26).
Sở dĩ các luật sĩ có những cung cách đạo đức giả đáng ghét này vì họ muốn trục lợi vật chất, thích phô trương thanh thế, tôn thờ mình thay vì thật sự thờ phượng Chúa. Họ biết thế, nhưng họ không muốn làm theo điều mình lẽ ra phải làm, mà vẫn khư khư ôm chặt cái lợi về mình nên bị Chúa quở trách là giả hình, giả hiệu (5 phút Lời Chúa).
4. Các nhà sinh vật học đã tìm ra một loài bướm có đôi cánh rất lạ. Khi chúng bay, cánh có mầu sắc rất sặc sỡ, nhưng khi chúng đậu, cánh lại có mầu giống như chiếc lá khô. Nhờ sự thay đổi mầu sắc ấy, loài bướm này dễ dàng đánh lừa kẻ thù và ít bị tấn công.
Trong thế giới tự nhiên có những loài vật biết ngụy trang và thay đổi bề ngoài để đánh lừa loài khác. Trong thế giới con người, cũng có những kẻ giả hình để lừa gạt người khác như vậy.
Đức Giêsu lên án gay gắt những kẻ giả hình. Họ là những người đứng đầu, lãnh đạo và đại diện cho dân, nhưng lại bị Ngài lên án vì lối sống giả tạo của họ. Sau lời chúc dữ, Đức Giêsu vạch trần lối sống giả hình của họ. Qua đó, Ngài muốn thức tỉnh họ, cũng như chúng ta hôm nay, hãy biết thay đổi mà sống chân thật với mình, và với Chúa (Học viện Đa Minh).
5. Nói chung, các luật sĩ và biệt phái kiêu căng, háo danh, giả hình, ưa chuộng hình thức bên ngoài mà tâm hỗn rỗng tuếch, nói và làm không đi đôi với nhau, như tục ngữ Việt nam nói: “Khẩu phật tâm xà” hay “Miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm” để diễn tả những người mang mặt nạ giả danh đạo đức tốt lành bên ngoài với dụng ý che giấu lòng dạ hiểm độc bên trong: “Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.
6. Chúng ta hãy sống với Chúa như con đối với cha, đừng quá chú trọng đến lề luật. Mỗi khi làm một điều gì, câu hỏi trước tiên của chúng ta phải là: “Tôi làm như thế có đẹp lòng Chúa không”?, chứ không phải là “Tôi làm như thế có đúng luật không”? Luật lệ chỉ là thước giữ cho con người khỏi đi quá trớn, chứ không phải để đo mức thánh thiện đạo đức của con người.
Xin Chúa cho chúng ta biết sống chân thành với Chúa, với tha nhân, với chính bản thân, để cuộc sống chúng ta thực sự phản ánh tình yêu Chúa qua những hành vi yêu thương phục vụ của chúng ta.
7. Truyện: Nhà tu hành bất đắc dĩ.
Trong kho tàng truyện cổ của Ấn độ, có câu chuyện này: Một nhà phú hộ kia có một hồ cá rất lớn. Ông cho thả rất nhiều cá ở đó. Một đêm kia có một tên ngư phủ nghèo lén vào trong hồ cá của ông để thả lưới tính bắt trộm cá. Thế nhưng, chưa kịp kéo lưới thì người giầu đã phát hiện ra có người đang tính bắt trộm cá của ông. Ông cho gia nhân của ông bổ đi khắp nơi, quanh cái hồ mênh mông của mình để tìm cho bằng được tên trộm.
Đám gia nhân đốt đuốc đi tìm khắp nơi mà không thấy bóng dáng tên trộm đâu cả.
Trong khi đó thì anh ngư phủ nghèo lấy tro rắc lên đầy mình và đến ngồi dưới một gốc cây gần đó, y hệt một nhà hiền triết hay một đạo sĩ.
Sau nhiều giờ tìm kiếm, đám gia nhân không thấy kẻ trộm đâu mà chỉ thấy một đạo sĩ ngồi dưới gốc cây đang đắm mình suy tư và cầu nguyện.
Chỉ một ngày hôm sau, tiếng đồn đã vang đi khắp nơi rằng, có một đạo sĩ đang tu luyện dưới gốc cây bên bờ hồ của nhà phú hộ.
Thế là thiện nam tín nữ từ các ngả đường đổ xô đến gốc cây để chiêm ngưỡng vị tu hành. Người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc. Không mấy chốc mà quà cáp đổ tràn lan chung quanh nhà tu hành bất đắc dĩ.
Nhà tu hành mới nhủ thầm trong bụng: thà đánh lừa bà con để sống còn hơn là đánh cá suốt ngày mà chẳng được gì. Nghĩ như thế rồi, ông ta tiếp tục đóng vai tu hành, ngày đêm tụng niệm và chờ đợi sự tiếp tế của dân làng.
Người đánh cá bất đắc dĩ phải trở thành vị tu hành trên đây cũng có thể là một hình ảnh không xa lạ bao nhiêu đối với chúng ta. Một cách nào đó, có khi chúng ta cũng tự sơn vẽ cho mình một chiếc áo đạo đức để đánh lừa bà con và đánh lừa chính mình.
Suy Niệm 8: Khiển trách luật sĩ và biệt phái
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Tin Mừng của 3 ngày liên tiếp (hôm nay, thứ ba và thứ tư) ghi 7 lời khiển trách nặng nề của Chúa Giêsu nhắm vào giới luật sĩ và biệt phái vì thói giả hình của họ. Đoạn hôm nay gồm 3 lời:
1. Khóa cửa Nước Trời (c13)
- “Các ngươi khóa cửa Nước Trời… Các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào các ngươi cũng không cho vào”: các kinh sư và pharisêu là những người hiểu luật và giải thích luật nên thực sự họ là những người nắm giữ chìa khóa “Nước Trời”. “Nước Trời” ở đây có thể hiểu theo 2 nghĩa: a/ Đó là Giáo Hội thập niên 80: nhiều người do thái muốn gia nhập Giáo Hội nhưng bị các kinh sư và pharisêu ngăn cấm; b/ đó là Giáo Hội cách chung: những luật lệ do các kinh sư và pharisêu đặt ra quá khắt khe tỉ mỉ làm cho người ta khó mà giữ nổi nên không thể vào Giáo Hội (CGKPV). Chính họ không muốn vào Giáo Hội, còn những người khác muốn vào thì họ cũng ngăn cản không cho.
2. Làm hại việc Truyền giáo (c 15)
- “Khốn… Các ngươi rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi các ngươi lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các ngươi”: những người do thái, đặc biệt là các kinh sư và pharisêu, rất nhiệt thành truyền giáo. Nhưng họ không đưa người tân tòng đến với Thiên Chúa mà lại đưa vào não trạng hẹp hòi và lối sống hình thức của họ.
3. Dẫn đường mù quáng (cc 16-22)
- “Khốn… những kẻ dẫn đường mù quáng…”: Những người do thái lo cho đám dân ngoại trở lại tự cho mình là “kẻ hướng dẫn những người mù” (x. Rm 2,19). Chúa Giêsu nói chính họ cũng mù không kém gì những người ngoại mới trở lại ấy. Họ là những người mù dắt người mù ! Để lấy một bằng chứng về sự dẫn đường mù quáng, Chúa Giêsu đề cập đến các lời khấn hứa có kèm theo lời thề. Những kẻ hướng dẫn ấy bám lấy những lời thề. Mà những thứ lời thề này đã bị bài giảng trên núi bác bỏ (x. 5,33-37). Hơn nữa, do bị thúc đẩy bởi lợi nhuận của hệ thống kinh tài Đền thờ, họ lại đưa ra nhiều cách giải thích theo ý muốn của họ. Vì thế chuyện thực hiện và giữ những lời khấn hứa trở thành một thứ đạo đức giả. Chính những người dẫn đường mà đã đi lạc như tế thì những kẻ được họ hướng dẫn cũng sẽ lạc theo.
B.... nẩy mầm.
1. Khóa cửa Nước Trời: Luật của Chúa Giêsu thì êm ái và nhẹ nhàng vì cốt lõi là tình thương. Thế nhưng nếu kẻ có quyền mà không có tình thương khi áp dụng luật thì thay vì luật dẫn người ta đến gần Chúa, lại đẩy người ta xa Chúa.
Ta hãy cầu nguyện cho những người lãnh đạo trong Giáo Hội và trong cộng đoàn chúng ta…
2. Truyền giáo là một việc khó, nhưng giữ những người tòng giáo trong nhiệt tình theo Chúa là việc khó hơn nhiều. Nhiều người lương hăng hái theo đạo vì thấy đạo dạy bác ái yêu thương. Nhiều người gia nhập cộng đoàn vì nghĩ cộng đoàn có tình yêu thương huynh đệ. Nhưng khi đã vào Giáo Hội hoặc cộng đoàn rồi, nhiều người ê chề thất vọng vì thấy thực tế ngược hẳn những điều họ đã nghe “quảng cáo”.
3. Dẫn đường mù quáng: con đường chính của Đạo là mến Chúa yêu người. Thế nhưng nhiều người không lưu ý tới điều đó mà chỉ chăm chú vào những nố tỉ mỉ của luật. Chẳng hạn khi ăn chay kiêng thịt thì món nào được ăn, món nào không được; trước giờ dự lễ, lỡ uống nước trà có được rước lễ không v.v. Nhiều người khác còn giải thích đạo một cách mê tín dị đoan…
4. Sau khi li hôn, người chồng dọn đồ đạc ra khỏi nhà. Đứa con gái hỏi mẹ
- Sao mẹ đuổi bố?
- Tại bố hư.
Để nó khỏi vặn vẹo lôi thôi, người mẹ mua cho nó cái bánh. Thằng anh từ đâu phóng tới bẻ của em một miếng bánh bỏ ngay vào mồm. Con bé khóc thét bắt đền. Người mẹ dỗ:
- Anh con hư quá. Nhưng thôi nín đi con, bỏ qua cho anh một lần đi.
Đứa bé phụng phịu:
- Thế mẹ có bỏ qua cho bố đâu?
Người mẹ nhìn xa xăm:
- … Ừ, mẹ cũng hư… (Góp nhặt)
5. “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình ! Các ngươi khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào ! Các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào các ngươi cũng không để họ vào.” (Mt 23,13)
Chúa muốn con yêu mến mọi người mà không giữ lấy riêng ai... Chúa muốn con nắm chặt bàn tay thân tình mà không giật lại cho mình.
Thế mà hình như con lại toàn làm những điều ngược lại. Con có thể yêu người khác và sẵn sàng làm tất cả cho họ; thế nhưng kèm theo đó là gì?
- Là những đòi hỏi, những điều kiện mà con muốn người khác phải trả cho con xứng với cái mà con đã cho họ. Hoặc giả như có một ai khác đến và chiếm lấy chỗ đứng của con trong tâm hồn họ, thì con lại tỏ ra ganh tỵ, hiếm khích và hơn thế nữa con có thể nêu tiếng xấu cho người đã cướp đi vị trí của con.
Vâng, con là thế đó. Con thường nghe người ta nói: mình không ăn được thì nên phá đi, đừng để kẻ khác chiếm lấy. Và con cũng thế.
Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng cõi lòng vá nắm chặt bàn tay thân tình, để con được đón nhận và cho đi những gì có thể. (Hosanna)
Phân tích
Tin Mừng của ba ngày liên tiếp: hôm nay, thứ ba và thứ tư ghi 7 lời khiển trách nặng nề của Chúa Giêsu nhắm vào giới Biệt phái và nhóm Luật sĩ vì thói giả hình của họ. Đoạn hôm nay gồm ba lời:
1. Khóa cửa Nước Trời: câu 13
“Các ngươi đã khóa cửa Nước Trời. Các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào các ngươi cũng không cho vào”: Các Kinh sư và Pharisêu là những người hiểu luật và giải thích luật nên thực sự họ là những người nắm giữ chìa khóa “Nước Trời.” “Nước Trời” ở đây có thể theo 2 nghĩa:
a/ Đó là Giáo Hội thập niên 80: Nhiều người Do Thái muốn gia nhập Giáo Hội nhưng bị các Kinh sư và Pharisêu ngăn cấm.
b/ Đó là Giáo Hội cách chung: những luật lệ do các kinh sư và Pharisêu đặt ra quá khắt khe và tỉ mỉ làm cho người ta khó mà giữ nổi nên không vào Giáo Hội. Chính họ không muốn vào Giáo Hội, còn những người khác muốn vào thì họ ngăn cản không cho vào.
2. Làm hại việc truyền giáo: Câu 15
“Khốn cho các ngươi hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi làm cho họ theo đạo rồi các ngươi lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các ngươi”: những người Do Thái đặc biệt là nhóm kinh sư và Pharisêu, rất nhiệt thành truyền giáo. Nhưng họ không đưa người tân tòng đến với Thiên Chúa mà lại đưa vào não trạng hẹp hòi và lối sống hình thức của họ.
3. Dẫn đường mù quáng: câu 16-22
“Khốn cho những kẻ dẫn đường mù quáng”: những người Do Thái lo cho đám dân ngoại trở lại tự cho mình là “kẻ hướng dẫn những người mù”. Chúa Giêsu nói chính họ cũng mù không kém gì những người ngoại mới trở lại ấy. Họ là những người mù dắt người mù! Để lấy bằng chứng về sự dẫn đường mù quáng, Chúa Giêsu đề cập đến lời khấn hứa có kèm theo lời thề. Những kẻ hướng dẫn ấy bám lấy những lời thề. Mà những lời thề này đã bị bài giảng trên núi bác bỏ. Hơn nữa, do bị thúc đẩy bởi lợi nhuận của hệ thống kinh tài đền thờ, họ lại đưa ra nhiều cách giải thích theo ý muốn của họ. Vì thế chuyện thực hiện và giữ những lời khấn hứa trở thành một đạo đức giả. Chính những người dẫn đường mà đã đi lạc như thế thì những kẻ được họ hướng dẫn cũng sẽ lạc theo.
Suy gẫm
1. Khóa cửa Nước trời: Luật của Chúa Giêsu thì êm ái và nhẹ nhàng vì cốt lõi là tình thương. Thế nhưng nếu kẻ có quyền mà không có tình thương khi áp dụng luật thì thay vì luật dẫn người ta đi đến gần Chúa, lại đẩy người ta xa Chúa.
Ta hãy cầu nguyện cho những người lãnh đạo trong Giáo Hội và trong cộng đoàn chúng ta.
2. Truyền giáo là một việc làm khó khăn, nhưng giữ những người tòng giáo nhiệt thành theo Chúa là một việc làm khó hơn nhiều. Nhiều người lương hăng hái theo đạo vì thấy đạo dạy bác ái yêu thương. Nhiều người gia nhập cộng đoàn vì nghĩ cộng đoàn có tình yêu thương huynh đệ. Nhưng khi đã vào Giáo Hội hay cộng đoàn rồi. Nhiều người ê chề thất vọng vì thấy thực tế ngược lại hẳn những điều họ đã nghe “quảng cáo.”
3. Dẫn đường mù quáng: con đường chính của đạo là mến Chúa yêu người. Thế nhưng nhiều người không lưu ý đến điều đó mà chỉ chăm chú vào những chỗ tỉ mỉ của luật. Chẳng hạn khi ăn chay kiêng thịt thì những món nào được ăn. Món nào không được, trước giờ dự lễ mà lỡ uống nước trà có được rước lễ không? Nhiều người khác còn giải thích đạo là một cách mê tín dị đoan.
4. Sau khi ly hôn, người chồng dọn đồ đạc ra khỏi nhà, đứa con gái hỏi mẹ:
- Sao mẹ đuổi bố?
- Tại bố hư!
Để nó khỏi vặn vẹo lôi thôi, người mẹ mua cho nó cái bánh. Thằng anh từ đâu phóng tới bẻ ngay một miếng bỏ vào mồm. Con bé khóc thét bắt đền. Người mẹ dỗ:
- Anh con hư quá. Nhưng thôi nín đi con, bỏ qua cho anh một lần đi.
Đứa bé phụng phịu:
- Thế mẹ có bỏ qua cho bố đâu?
Người mẹ nhìn xa xăm:
- Ừ, mẹ cũng hư.
5.”Khốn cho các người hỡi các kinh sư và Pharisiêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào” (Mt 23, 13).
Chúa muốn con yêu mến mọi người mà không giữ gì làm của riêng. Chúa muốn con nắm chặt bàn tay thân tình mà không giật lại cho mình.
Thế mà hình như con lại làm toàn những điều ngược lại.
Con có thể yêu người khác và sẵn sàng làm tất cả cho họ; thế nhưng kèm theo đó là gì?
Là những đòi hỏi, những điều kiện mà con muốn người khác phải trả cho con xứng với cái mà con đã làm cho họ. Hoặc giả như có một ai khác đến và chiếm lấy chỗ đứng của con trong tâm hồn họ, thì con lại tỏ ra ganh tỵ, hiềm khích và hơn thế nữa con có thể nêu tiếng xấu cho người đã cướp đi vị trí của con.
Vâng, con là thế đó. Con thường nghe người ta nói: mình không ăn được thì nên phá đi, đừng để kẻ khác chiếm lấy. Và con cũng thế.
Chúa khiển trách các luật sĩ và biệt phái (Mt 23,13-22)
Sở dĩ các luật sĩ có những cung cách đạo đức giả đáng ghét này, vì họ muốn trục lợi vật chất, thích phô trương thanh thế, tôn thờ mình thay vì thật sự thờ phượng Chúa. Họ biết thế, nhưng họ không muốn làm theo điều mình lẽ ra phải làm, mà vẫn khư khư ôm chặt cái lợi về minh, nên bị Chúa quở trách là giả hình, giả hiệu (5 phút Lời Chúa).
Trong thế giới tự nhiên có những loài vật biết ngụy trang và thay đổi bề ngoài để đánh lừa loài khác. Trong thế giới con người, cũng có những kẻ giả hình để lừa gạt người khác như vậy.
Đức Giêsu lên án gay gắt những kẻ giả hình. Họ là những người đứng đầu, lãnh đạo và đại diện cho dân, nhưng lại bị Ngài lên án vì lối sống giả tạo của họ. Sau lời chúc dữ, Đức Giêsu vạch trần lối sống giả hình của họ. Qua đó, Ngài muốn thức tỉnh họ, cũng như chúng ta hôm nay, hãy biết thay đổi mà sống chân thật với mình, và với Chúa (Học viện Đa Minh).
Xin Chúa cho chúng ta biết sống chân thành với Chúa, với tha nhân, với chính bản thân, để cuộc sống chúng ta thực sự phản ánh tình yêu Chúa qua những hành vi yêu thương phục vụ của chúng ta.
Trong kho tàng truyện cổ của Ấn độ, có câu chuyện này: Một nhà phú hộ kia có một hồ cá rất lớn. Ông cho thả rất nhiều cá ở đó. Một đêm kia có một tên ngư phủ nghèo lén vào trong hồ cá của ông, để thả lưới tính bắt trộm cá. Thế nhưng, chưa kịp kéo lưới thì người giàu đã phát hiện ra có người đang tính bắt trộm cá của ông. Ông cho gia nhân của ông bổ đi khắp nơi, quanh cái hồ mênh mông của minh, để tìm cho bằng được tên trộm.
Đám gia nhân đốt đuốc đi tìm khắp nơi mà không thấy bóng dáng tên trộm đâu cả. Trong khi đó thì anh ngư phủ nghèo lấy tro rắc lên đầy mình và đến ngồi dưới một gốc cây gần đó, y hệt một nhà hiền triết hay một đạo sĩ. Sau nhiều giờ tìm kiếm, đám gia nhân không thấy kẻ trộm đâu, mà chỉ thấy một đạo sĩ ngồi dưới gốc cây đang đắm mình suy tư và cầu nguyện.
Chỉ một ngày hôm sau, tiếng đồn đã vang đi khắp nơi rằng: có một đạo sĩ đang tu luyện dưới gốc cây bên bờ hồ của nhà phú hộ. Thế là thiện nam tín nữ từ các ngả đường đổ xô đến gốc cây, để chiêm ngưỡng vị tu hành. Người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc. Không mấy chốc mà quà cáp đổ tràn lan chung quanh nhà tu hành bất đắc dĩ.
Nhà tu hành mới nhủ thầm trong bụng: thà đánh lừa bà con để sống còn hơn là đánh cá suốt ngày mà chẳng được gì. Nghĩ như thế rồi, ông ta tiếp tục đóng vai tu hành, ngày đêm tụng niệm và chờ đợi sự tiếp tế của dân làng.
Người đánh cá bất đắc dĩ phải trở thành vị tu hành trên đây cũng có thể là một hình ảnh không xa lạ bao nhiêu đối với chúng ta. Một cách nào đó, có khi chúng ta cũng tự sơn vẽ cho mình một chiếc áo đạo đức, để đánh lừa bà con và đánh lừa chính mình.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn