Tiệc Cưới Cana – Một Tiệc Cưới Khác Thường
Thứ bảy - 15/01/2022 16:10
Chúa Nhật 2 TN C
TIỆC CƯỚI CANA – MỘT TIỆC CƯỚI KHÁC THƯỜNG
Trình thuật tiệc cưới Cana vốn quá quen thuộc đối với người Công giáo chúng ta, nhất là với những người thường hay tham dự lễ cưới, quen thuộc đến độ nhiều người nghe mà không còn bận tâm đến nội dung. Tuy nhiên, qua trình thuật này, thánh sử Gioan muốn chuyển tải nhiều nhiều ý nghĩa sâu xa.
1. Trước hết, tiệc cưới Cana là nơi khẳng định giá trị cao cả của đời hôn nhân.
Trong khi nhiều người đề cao tự do luyến ái, tự do sống chung mà không muốn làm lễ cưới, không muốn mở tiệc mừng tình yêu, càng không muốn nhận trách nhiệm đối với nhau và đối với con cái sẽ được sinh ra..., thì ta thấy nơi tiệc cưới Cana nói riêng và tiệc cưới của người Do Thái nói chung một hình ảnh khác hẳn. Tiệc cưới thường kéo dài đến bảy ngày. Việc kéo dài tiệc cưới suốt bảy ngày muốn nói lên rằng chuyện hôn nhân là chuyện hệ trọng, mà tiệc cưới là bước khởi đầu. Đặc biệt, trong tiệc cưới Cana có Chúa Giêsu hiện diện, chúc lành và thánh hoá. Hơn nữa, Ngài còn ưu ái thực hiện một phép lạ lớn lao cả khi “giờ” của Ngài chưa đến.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu ở tiệc cưới Cana mở màn cho hôn nhân Kitô giáo một kỷ nguyên mới. Đây là lễ hôn phối đầu tiên trong đạo mới. Chính Chúa Giêsu làm phép cưới, trước sự chứng giám của Mẹ Maria và các Tông Đồ. Bí tích Hôn phối của đạo mới khai nguyên từ đám cưới này. Dựa trên học thuyết của thánh Phaolô trong thư gửi Êphêsô, ca tụng tình yêu chồng vợ cao đẹp như tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Giáo Hội là hiền thê (x. Ep 5,22-33), Giáo Hội khẳng định “Chúa Kitô đã nâng hôn nhân giữa hai người được rửa tội lên hàng bí tích” (Giáo Luật điều 1055). Từ nay, hôn nhân có đặc tính là nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly; hôn nhân được Chúa chúc phúc và được Giáo Hội chứng nhận.
2. Thứ đến, tiệc cưới Cana là nơi biểu lộ tình yêu huyền nhiệm của Đức Kitô dành cho Hội Thánh.
Trong Cựu Ước, để diễn tả Tình Yêu Thiên Chúa đối với dân Israel, các Ngôn Sứ, đặc biệt là Isaia, đã dùng hình ảnh hôn lễ, ở đó Thiên Chúa “kết ước” cùng dân của Ngài (Bài đọc I). Tại Cana, chúng ta không gặp một đám cưới bình thường. Bởi lẽ, trong tiệc cưới đó, cô dâu không được kể ra. Điều này không kỳ lạ sao! Nếu Đức Giêsu là Tân Lang thật sự, thì Tân Nương thật sự là người "phụ nữ" mà Ngài đã gọi bằng một từ ngữ mang tính tượng trưng sâu sắc: “Thưa Bà”. Tân nương của Thiên Chúa, chính là Israel đang chờ đợi "giao ước mới" khi thừa nhận mình không còn rượu nữa. Israel ấy, dân tộc ấy được Thiên Chúa “cưới” trong “giao ước mới”, rồi đây sẽ là Giáo Hội. Và Đức Maria đại diện cho cả hai: bà là "con gái của Israel" và là khuôn mặt của Giáo Hội. Như thế, Tân nương không được nói tên trong tiệc cưới đó chính là nhân loại chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Thiên Chúa đã “cưới” nhân loại chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, khi vui cũng như lúc buồn! Như thế, nơi tiệc cưới Cana, tình yêu huyền nhiệm của Đức Kitô dành cho Hội Thánh được biểu lộ một cách rõ nét nhất.
Người ví mình là chú rể, là tân lang thực sự của nhân loại. Người biến nước thành rượu, biến “nước” Cựu Ước thành “rượu” Tân Ước. Rượu của Người vừa ngon vừa nhiều, có cả phẩm lẫn lượng. Hình ảnh này cũng cho thấy Ơn Cứu Độ do Chúa Giêsu mang đến thật là nguồn ơn quý giá và dư đầy.
3. Sau nữa, tiệc cưới Cana còn là nơi đề cao vai trò cầu bầu thần thế của Đức Trinh Nữ Đức Maria.
Chúng ta thấy tại tiệc cưới Cana, Đức Maria chỉ nói hai câu ngắn gọn, một câu với Chúa Giêsu: “Con ơi, họ hết rượu rồi”, và một câu với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo”. Dù Mẹ rất “kiệm lời”, nhưng lời chuyển cầu của Mẹ rất có thần thế trước mặt Chúa.
Tin Mừng cho thấy rõ điều đó. Ban đầu Chúa Giêsu đã từ chối khéo, nhưng vì lời đề nghị đầy tình mẫu tử của Mẹ, mà Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ kỳ diệu đầu tiên trong cuộc đời tại thế, dù là “giờ” của Ngài chưa đến. Quả vậy, vì lời cầu xin của Mẹ, mà Chúa Giêsu đã phải thay đổi “giờ” của Ngài. Và đây cũng là lần duy nhất Chúa Giêsu thay đổi “giờ” của Ngài, giờ biểu lộ vinh quang Thiên tính. Nhờ lời chuyển cầu thần thế của Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã “ra tay” giúp cho đôi bạn trẻ không những thoát khỏi nguy cơ mất mặt với mọi người, mà còn được tràn đầy vui sướng vì đã tiếp đãi rượu ngon cho đến giờ phút cuối cùng.
Rõ ràng nơi tiệc cưới Cana, ta thấy Mẹ Maria đóng một vai trò hết sức quan trọng, với tư cách là đấng cầu bầu rất thần thế trước toà Thiên Chúa.
Ước gì thế giới hôm nay biết tái khám phá và nhìn nhận giá trị cao quý của đời hôn nhân để luôn ra sức vun bồi và gìn giữ. Ước gì mọi Kitô hữu luôn cảm nghiệm được tình yêu mà Đức Kitô dành cho Giáo Hội của mình để từ đó biết trân quý và tạ ơn liên lỉ. Và ước gì mỗi người trong chúng ta, đặc biệt là các gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn đau khổ, luôn ý thức vai trò cầu bầu thần thế của Mẹ Maria trong đời sống gia đình để biết chạy đến với Mẹ những khi gia đình mình hết rượu yêu thương, rượu cảm thông, rượu tha thứ… Để nhờ đó mà tìm lại được niềm vui và hạnh phúc cho gia đình mình. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long