Ba Lan kỷ niệm biến cố Đức Mẹ Fatima 'bị giam giữ' tại Sân bay Warsaw
Thứ tư - 02/06/2021 22:34
Tờ Aleteia, nghĩa là “Chân Lý Tỏ Tường” cho biết hôm thứ Ba 1 tháng 6, ngày lễ kính nhớ Bậc Đáng kính Stefan Wyszyński, người bạn chiến đấu của Thánh Gioan Phaolô II, và sắp được tuyên phong Chân Phước, người Công Giáo Ba Lan cũng nhớ đến câu chuyện Đức Mẹ Fatima “bị bắt” tại Sân bay Warsaw.
Người Ba Lan liên kết lòng sùng kính Đức Mẹ Fatima trước hết và quan trọng nhất với Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đặc biệt là sau sự sống sót kỳ diệu của ngài trong vụ ám sát vào ngày 13 tháng 5 năm 1981.
Nhưng thông điệp của Fatima đã được biết đến ở Ba Lan sớm hơn nhiều.
Những câu chuyện về các cuộc hiện ra của Đức Mẹ năm 1917 ở Bồ Đào Nha đã đến được Ba Lan ngay giữa Thế chiến thứ Nhất.
Ngay sau Thế chiến thứ Hai, vào tháng 10 năm 1945, các giám mục Ba Lan đã đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Piô XII và quyết định hiến dâng Ba Lan cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria. Đó cũng là điều mà Đức Maria đã yêu cầu khi hiện ra ở Fatima. Những nỗ lực về mặt này chủ yếu được thực hiện bởi Đức Hồng Y August Hlond, Giáo Chủ Ba Lan, đã được tuyên phong Tôi tớ Chúa.
Việc cung hiến diễn ra trong ba giai đoạn: đầu tiên tại các giáo xứ của Ba Lan vào ngày 7 tháng 7 năm 1946, sau đó ở cấp giáo phận vào ngày 15 tháng 8, và cuối cùng vào ngày 8 tháng 9, cả nước được cung nghinh Trái Tim Đức Trinh Nữ Maria.
Những sự kiện này có sự tham dự của một thành viên mới của Hội đồng Giám mục Ba Lan, Đức Cha Stefan Wyszyński, được tấn phong giám mục vào ngày 12 tháng 5 năm 1946. Cuộc đời và sứ vụ của ngài chủ yếu gắn liền với đền thánh Đức Mẹ Jasna Góra, nên thông điệp Fatima có một ý nghĩa rất lớn với ngài.
Đức Hồng Y Wyszyński được ghi nhận là người đã giúp bảo tồn và củng cố Kitô Giáo ở Ba Lan bất chấp các cuộc đàn áp của chế độ cộng sản từ năm 1945 trở đi.
Ngài được gọi là “Giáo chủ của Thiên niên kỷ” bởi vì trong tư cách là Giáo chủ Ba Lan, ngài đã giám sát một chương trình chuẩn bị kéo dài 9 năm với đỉnh điểm là lễ kỷ niệm trên toàn quốc vào năm 1966 biến cố 1000 năm Ba Lan đón nhận ánh sáng Tin Mừng.
Chế độ Cộng sản ở Ba Lan đặc biệt phản đối Đức Mẹ Fatima bởi vì trong những lần hiện ra, Đức Trinh Nữ Maria đã kêu gọi những lời cầu nguyện cho sự hoán cải của nước Nga, trực tiếp gọi chủ nghĩa Cộng sản là “sự tuyên truyền vô thần” và đề cập đến tội ác của những người Bolshevik.
Không có gì đáng ngạc nhiên, tất cả các hình thức sùng kính liên quan đến Fatima đều bị bọn cầm quyền Ba Lan xem là rất bất lợi. Cộng sản cấm không cho đưa tượng Đức Mẹ Fatima vào Ba Lan.
Năm 1961, một người mang lén được một bức tượng Đức Mẹ Fatima vào Ba Lan tặng cho Đức Hồng Y Wyszyński. Lo sợ bị tịch thu, ngài đưa bức tượng đến một trong những ngôi đền nổi tiếng ở Krzeptówki tuốt trên dãy núi Tatra của Ba Lan. Bức tượng vẫn ở đó cho đến nay.
Bức tượng thứ hai đặt chân đến Ba Lan là một trong 45 bức tượng được Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục thánh hiến vào năm 1967 tại Fatima. Năm 1969, một linh mục Ba Lan sử dụng hộ chiếu Hoa Kỳ đưa được bức tượng vào Ba Lan. Đức Hồng Y Wyszyński đã chuyển tượng Đức Mẹ Fatima đến một nhà thờ của dòng Phanxicô ở Niepokalanów. Tuy nhiên, vì sợ bị tịch thu, bức tượng không được trưng bày công khai trong nhà thờ mà được cất giữ trong tu viện của dòng Phanxicô.
Câu chuyện thú vị nhất được kết nối với bức tượng thứ ba, đến Ba Lan bằng đường hàng không vào đầu tháng 5 năm 1978. Đó là bức tượng Đức Mẹ thực hiện chuyến “Hành hương Hòa bình Thế giới”, bắt đầu ở Fatima.
Các thành viên của “Đội quân xanh” mang bức tượng đi vòng quanh thế giới. Năm 1973, bức tượng này đã đến miền Nam Việt Nam và được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chào đón trong một buổi lễ long trọng trước công viên gần nhà thờ Đức Bà.
Vào đầu tháng 5 năm 1978, khi đến Ba Lan, các thành viên của “Đội quân xanh” mang tượng Đức Mẹ được phép rời khỏi máy bay vào Ba Lan. Tuy nhiên, theo lệnh của chế độ Cộng sản, bức tượng đã bị giam giữ trên tàu, bị nhốt trong buồng lái.
Trong gần một tuần, chiếc máy bay chở tượng Đức Mẹ Fatima đã “bị bắt”, bị di chuyển vào một đường băng kín, bị canh gác bởi một đại đội công an vũ trang.
Thấy không có triển vọng đưa được bức tượng vào Ba Lan, Đội quân xanh đã yêu cầu các tu sĩ dòng Phanxicô ở Niepokalanów vẽ một bức tranh Đức Mẹ Fatima phỏng theo bức tượng họ đang cất giữ. Bức tranh có dòng chữ “Mẹ không bao giờ rời đi” đã đi quanh Ba Lan đến Warsaw, Katowice, Krakow, và Jasna Góra, nơi bức tranh được Hồng Y Giáo Chủ Ba Lan chào đón với 75,000 tín hữu.