Bốn người Công Giáo thiệt mạng trong cuộc tấn công quân sự vào một nhà thờ ở Myanmar(Tin Vatican - Robin Gomes)
Quân đội Myanmar hôm thứ Hai 24/5/2021 đã nã súng vào một nhà thờ Công Giáo ở miền đông Myanmar, giết chết 4 thường dân đang trú ẩn tại đây vì cuộc giao tranh giữa quân đội và Lực lượng Phòng vệ Nhân dân.
Nhà thờ Thánh Tâm Giáo xứ Kayanthayar gần Loikaw, thủ phủ của bang Kayah, một khu vực có nhiều người Công Giáo cư trú và là mục tiêu của vụ tấn công vào rạng sáng ngày 24/5.
Tất cả những người thiệt mạng hoặc bị thương đều là người Công Giáo. Theo một thành viên kháng chiến địa phương, ngoài 4 người tử thương còn có 8 người bị thương. Theo tin của hãng Irrawaddy cho biết quân đội đã di tản các xác chết và thu dọn chỗ nhà thờ bị sập và thánh giá bị hư hại.
Hơn 300 người của ít nhất 60 gia đình đã phải lánh nạn trong khuôn viên nhà thờ vì những cuộc giao tranh vào cuối tuần qua giữa quân đội và một nhóm kháng chiến chống đảo chính được gọi là Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Karenni (PDF).
Cha Soe Naing, phát ngôn viên của Giáo phận Loikaw, cho biết tất cả những người trú ẩn trong nhà thờ đã bỏ trốn vào thời điểm quân đội kiểm tra nhà thờ vào sáng 24/5. Cha cũng cho biết hàng nghìn người đã trú ẩn tại các nhà thờ, nhà xứ và các tu viện, vì họ nghĩ tại những nơi đó họ sẽ được an toàn.
Cha Soe Naing nói với hãng tin UCA: “Giáo hội đang hỗ trợ nhân đạo cho dân chúng, nhưng Giáo hội đang gặp khó khăn vì số lượng người di tản trong nước đang tăng vọt trước các cuộc chiến bùng nổ”. Người Công Giáo đã lên án các vụ tấn công vào các nhà thờ.
Cuộc chiến ngày càng gay gắtGiao tranh đang diễn ra dữ dội ở các khu vực của các sắc dân như ở bang Karen, Kachin và Chin, nơi có đông người theo đạo Thiên chúa, khi quân đội đẩy mạnh cuộc tấn công chống lại du kích quân và các nhóm kháng chiến chống cuộc đảo chính của quân đội và chính quyền quân sự đã dùng máy bay chiến đấu và pháo hạng nặng để ngăn chặn các cuộc phản đối tại Kachin, nơi có 116.000 người Công Giáo trên một dân số 1,7 triệu người.
Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc thì có khoảng 10.000 người đã di tản khỏi Kachin, trong khi hơn 42.000 người phải di cư khỏi bang Karen và hàng nghìn người đã phải di tản khỏi thị trấn Mindat ở bang Chin do tình trạng thù địch leo thang kể từ ngày 12/5. Nhiều người trong số những người di cư này đã tìm kiếm nơi trú ẩn ở các nước láng giềng.
Cuộc đảo chínhMyanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2 lật đổ chính phủ dân cử và bắt giữ các nhà lãnh đạo của chính quyền do bà Aung San Suu Kyi thành lập. Các cuộc biểu tình và một chiến dịch bất tuân quân luật nhằm chống lại cuộc đảo chính đã làm tê liệt nền kinh tế.
Quân đội coi chiến thắng áp đảo của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi trong cuộc bầu cử tháng 8 năm 2020 là gian lận. Một loạt các cáo buộc khác đã được đưa ra... Bà Suu Kyi, đã xuất hiện tại một tòa án đặc biệt ở thủ đô Naypyitaw, lần đầu tiên kể từ khi bà bị bắt. Lần hầu tòa duy nhất trước đây của bà qua video.
Sợ nội chiếnTheo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (Miến Điện), một tổ chức phi chính phủ cung cấp tài liệu và tổng kết thì các nạn nhân tử thương trong các cuộc biểu tình ở Myanmar, đã lên tới 824 người tính đến ngày 24 tháng 5.
Trong khi đó theo bà Christine Schraner Burgener, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc ở Myanmar, hôm thứ Hai 24/5/2021 cảnh báo rằng quốc gia Đông Nam Á này có nguy cơ rơi vào một cuộc nội chiến. Bà ấy phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến cho hay mọi người, thất vọng với quân đội và bạo lực quy mô lớn của các đảng phái và phe nhóm, đang bắt đầu tự trang bị để chống lại chính quyền và đang chuyển các hành động phòng thủ sang tấn công, sử dụng vũ khí tự chế và đào tạo từ những nhóm vũ trang dân tộc.
Người theo đạo Thiên Chúa được coi là thiểu số ở đất nước chủ yếu Phật giáo là quốc giáo, người theo Thiên chúa giáo chỉ chiếm 6,2% trong tổng số 54 triệu dân. Các khu vực bị chiếm đóng bởi các nhóm sắc tộc Kachin, Chin, Karen và Kayah, những người đã phải đối sự đàn áp và bức hại của quân đội trong nhiều thập kỷ qua.
Ước tính một phần ba lãnh thổ của Myanmar - chủ yếu là các khu vực biên giới - hiện đang bị kiểm soát bởi 20 nhóm phiến quân có vũ trang. Quân đội đã và đang chiến đấu chống lại các nhóm này.
Nền dân chủ bị bao vâyMyanmar, còn được gọi là Miến Điện, đã phải chịu đựng một thời gian dài dưới sự cai trị của một chính quyền quân sự áp đặt từ năm 1962 đến năm 2011. Trong gần 5 thập kỷ, hầu như tất cả những người bất đồng chính kiến đều bị đàn áp, khiến quốc tế lên án và trừng phạt. Quá trình tự do hóa dần dần bắt đầu vào năm 2010, dẫn đến các cuộc bầu cử tự do vào năm 2015 và thành lập chính phủ do bà Suu Kyi lãnh đạo vào năm sau đó. Cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2 đã cản trở bước tiến của Myanmar trên con đường tiến tới dân chủ. (Nguồn: UCA News)