Sau ba ngày hội thảo căng thẳng, Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội đã kết thúc với thánh lễ do Đức Thánh Cha và các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục đồng tế tại hành lang Regia, trong điện Tông Tòa Vatican.
Thánh lễ đã diễn ra vào lúc 9 giờ 30. Đồng tế với Đức Thánh Cha có 114 vị Chủ tịch của các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh của tổng giáo phận Huế đại diện cho Giáo Hội Việt Nam. Ngoài ra còn có 14 nhà lãnh đạo của các Giáo Hội Công Giáo phương Đông, 15 vị bản quyền không thuộc về các Hội Đồng Giám Mục, 12 Bề trên tổng quyền các dòng nam, 10 vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, và 5 vị là thành viên của Hội đồng Hồng Y Cố vấn.
Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đọc diễn từ kết luận. Ngài nói:
Anh chị em thân mến,
Khi cám ơn Chúa đã đồng hành cùng chúng ta trong những ngày này, tôi muốn cám ơn tất cả anh chị em vì tinh thần giáo hội và dấn thân cụ thể mà anh chị em đã thể hiện rất hào phóng.
Công việc của chúng ta đã khiến chúng ta nhận ra một lần nữa tầm mức nghiêm trọng của tai ương lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên hiện nay, và trong lịch sử, đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong tất cả các nền văn hóa và xã hội. Chỉ trong thời gian gần đây, nó mới trở thành chủ đề của các nghiên cứu có hệ thống, nhờ những thay đổi trong dư luận liên quan đến một vấn đề trước đây được coi là một điều cấm kỵ; mọi người đều biết về sự hiện diện của nó nhưng không ai nói về nó. Tôi cũng được nhắc nhở về tập tục tôn giáo tàn ác, đã có thời lan rộng trong các nền văn hóa nhất định, trong đó người ta sát tế con người - thường là trẻ em - trong các nghi lễ ngoại giáo. Tuy nhiên, ngay cả ngày nay, số liệu thống kê về lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên do nhiều tổ chức và cơ quan quốc gia và quốc tế (như WHO, UNICEF, INTERPOL, EUROPOL và các tổ chức khác) đưa ra vẫn không thể hiện được mức độ thực sự của hiện tượng này, thường bị đánh giá thấp, chủ yếu là vì nhiều trường hợp lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên không được báo cáo, [1] đặc biệt là con số rất lớn diễn ra trong các gia đình.
Thực tế là hiếm khi các nạn nhân lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. [2] Đằng sau sự miễn cưỡng này có thể có sự xấu hổ, bối rối, sợ bị trả thù, sự đa dạng của các hình thức tội lỗi, mất lòng tin vào các định chế, các hình thái chi phối văn hóa và xã hội, nhưng cũng thiếu thông tin về các dịch vụ và các phương tiện có thể giúp đỡ. Nỗi thống khổ bi thảm dẫn đến cay đắng, thậm chí tự tử hoặc đôi khi tìm cách trả thù bằng cách làm điều tương tự. Một điều chắc chắn là hàng triệu trẻ em trên thế giới là nạn nhân của nạn khai thác và lạm dụng tình dục.
Điều quan trọng ở đây là trích dẫn dữ liệu tổng thể - mà theo tôi vẫn chỉ là một phần - ở bình diện toàn cầu, [3] rồi đến các dữ liệu từ Âu Châu, Á Châu, Mỹ Châu, Phi Châu và Đại Dương Châu, để hình dung ra tầm mức nghiêm trọng và quy mô của tai ương này trong xã hội của chúng ta. [4] Để tránh các tranh cãi tiểu tiết không cần thiết, tôi xin nói ngay từ đầu rằng việc đề cập đến các quốc gia cụ thể hoàn toàn là vì mục đích trích dẫn dữ liệu thống kê được cung cấp bởi các báo cáo nói trên.
Sự thật đầu tiên xuất hiện từ các dữ liệu có trong tay là những kẻ gây ra lạm dụng, nghĩa là gây ra các hành vi bạo lực thể xác, tình dục hoặc tình cảm, chủ yếu là những bậc cha mẹ, người thân, những người chồng của các cô dâu nhi đồng, các huấn luyện viên và các giáo viên. Hơn nữa, theo dữ liệu năm 2017 của UNICEF về 28 quốc gia trên toàn thế giới, cứ 10 cô gái bị ép buộc quan hệ tình dục thì có 9 cô tiết lộ rằng họ là nạn nhân của một người quen biết hoặc là người thân trong gia đình.
Theo dữ liệu chính thức của chính phủ Mỹ, tại Hoa Kỳ, hơn 700,000 trẻ em mỗi năm là nạn nhân của các hành vi bạo lực và ngược đãi. Theo Trung tâm quốc tế về trẻ em mất tích và bị khai thác (ICMEC), cứ 10 trẻ em thì có 1 trẻ đã từng bị lạm dụng tình dục. Ở châu Âu, 18 triệu trẻ em là nạn nhân của lạm dụng tình dục. [5]
Tại Ý, chẳng hạn, Phúc trình Telefono Azzurro năm 2016 khẳng định rằng 68.9% các vụ lạm dụng diễn ra trong gia đình của trẻ vị thành niên. [6]
Hành vi bạo lực không chỉ diễn ra trong gia đình, mà còn ở các khu phố, trường học, cơ sở thể dục thể thao [7] và, đáng buồn thay, cũng trong các cơ sở giáo hội.
Nghiên cứu được thực hiện trong những năm gần đây về hiện tượng lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên cũng cho thấy sự phát triển của mạng lưới điện toán toàn cầu và các phương tiện truyền thông đã góp phần làm gia tăng đáng kể các trường hợp lạm dụng và các hành vi bạo lực gây ra trên mạng. Nội dung khiêu dâm đang nhanh chóng lan truyền trên toàn thế giới thông qua mạng lưới điện toán toàn cầu. Tai ương hình ảnh khiêu dâm đã mở rộng đến mức đáng báo động, gây ra những tổn hại tâm lý và làm tổn thương mối quan hệ giữa nam và nữ, và giữa người lớn và trẻ em. Đó là một hiện tượng đang gia tăng liên tục. Điều bi thảm là, một phần đáng kể của việc sản xuất phim ảnh khiêu dâm liên quan đến trẻ vị thành niên, là những người bị vi phạm nghiêm trọng về phẩm giá của họ. Thật đáng buồn là các nghiên cứu trong lĩnh vực này ghi lại những gì đang xảy ra theo những cách thức khủng khiếp và bạo lực hơn bao giờ hết, thậm chí đến mức hành vi lạm dụng đối với trẻ vị thành niên được mua bán và xem trực tiếp qua mạng. [8]
Ở đây tôi muốn được nhắc đến Hội Nghị Thế giới được tổ chức tại Rôma về chủ đề phẩm giá trẻ em trong kỷ nguyên số, cũng như Diễn đàn đầu tiên của Liên Tôn vì Cộng đồng An toàn hơn được tổ chức với cùng chủ đề tại Abu Dhabi vào tháng 11 năm ngoái.
Một tai họa khác là du lịch tình dục. Theo dữ liệu năm 2017 do Tổ chức Du lịch Thế giới cung cấp, mỗi năm có 3 triệu người trên khắp thế giới đi du lịch để có quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên. [9] Điều đáng đề cập đến là thủ phạm của những tội ác này trong hầu hết các trường hợp thậm chí không nhận ra rằng họ đang phạm một tội hình sự.
Do đó, chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề phổ quát, hiện diện một cách bi thảm ở hầu hết mọi nơi và ảnh hưởng đến mọi người. Tuy nhiên, chúng ta cần phải rõ ràng rằng, bất kể ảnh hưởng nghiêm trọng của nó lên toàn bộ xã hội của chúng ta, [10] điều xấu xa này không vì thế mà bớt đi sự khốn nạn của nó khi diễn ra trong Giáo Hội.
Sự tàn bạo của hiện tượng toàn cầu này còn trở nên nghiêm trọng và tai tiếng hơn hết trong Giáo Hội, vì nó hoàn toàn không phù hợp với thẩm quyền đạo đức và uy tín đạo đức của Giáo Hội. Những người tận hiến, được Thiên Chúa chọn để hướng dẫn các linh hồn đến với ơn cứu rỗi, lại để cho bản thân mình bị thống trị bởi sự yếu đuối hay bệnh tật của con người và do đó trở thành công cụ của Satan. Trong sự lạm dụng, chúng ta thấy bàn tay của cái ác không tha cho cả sự ngây thơ của trẻ em. Không có lời giải thích nào biện minh được cho những lạm dụng liên quan đến trẻ em. Chúng ta cần nhận ra với sự khiêm nhường và can đảm rằng chúng ta đang phải đối mặt với mầu nhiệm sự ác, đang tấn công dữ dội nhất những người dễ bị tổn thương nhất, vì họ là hình ảnh của Chúa Giêsu. Vì lý do này, Giáo Hội ngày càng nhận thức được sự cần thiết không chỉ hạn chế các trường hợp lạm dụng nghiêm trọng bằng các biện pháp kỷ luật và các tiến trình dân sự và giáo luật, mà còn phải đối đầu dứt khoát với hiện tượng này cả trong và ngoài Giáo Hội. Giáo Hội cảm thấy được mời gọi để chiến đấu với cái ác đang tấn công vào trung tâm của sứ vụ mình, đó là rao giảng Tin Mừng cho những người nhỏ bé và bảo vệ họ khỏi những con sói hung dữ.
Ở đây một lần nữa tôi khẳng định rõ ràng rằng: nếu trong Giáo Hội mà xuất hiện dù chỉ một trường hợp lạm dụng mà thôi – chứ đừng nói đến chuyện nó đã tác oai tác quái - thì trường hợp đó phải được đối diện với sự nghiêm trọng nhất. Thưa anh chị em: trong cơn giận dữ chính đáng của người dân, Giáo Hội nhìn thấy sự phản chiếu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, bị phản bội và xúc phạm bởi những người tận hiến gian trá này. Tiếng vang từ tiếng khóc thầm lặng của những trẻ thơ, thay vì tìm thấy những người cha và những hướng dẫn tâm linh đã gặp phải những kẻ hành hạ, làm rúng động những con tim đờ đẫn bởi sự giả hình và quyền lực. Bổn phận của chúng ta là phải chú ý đến tiếng khóc nghẹn ngào, câm nín này.
Rất khó thấu triệt được hiện tượng lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên mà không xem xét đến quyền lực, vì nó luôn là kết quả của sự lạm quyền, một sự khai thác sự yếu thế và dễ bị tổn thương của người bị lạm dụng, nhằm thao túng lương tâm và yếu điểm tâm lý và thể chất của họ. Lạm dụng quyền lực cũng có mặt trong các hình thức lạm dụng khác ảnh hưởng đến gần 85,000,000 trẻ em, đang bị mọi người lãng quên: bao gồm lính nhi đồng, gái mại dâm trẻ em, trẻ em bị đói khát và trẻ em bị bắt cóc và thường là nạn nhân của nạn buôn bán dã man cơ phận người, các trẻ nạn nhân chiến tranh, trẻ em tị nạn, trẻ em bị phá thai và rất nhiều người khác.
Trước tất cả sự tàn bạo này, trước tấtt cả sự sát tế trẻ em cho các thứ thần quyền lực, tiền bạc, niềm tự hào và sự kiêu ngạo, những giải thích hời hợt dựa trên kinh nghiệm mà thôi thì không đủ. Những giải thích đó không giúp chúng ta nắm bắt được bề rộng và chiều sâu của thảm kịch này. Ở đây một lần nữa chúng ta thấy những hạn chế của một cách tiếp cận thực chứng [Positivism - Chủ nghĩa thực chứng là một lý thuyết triết học nói rằng kiến thức của chúng ta có được từ việc cảm nghiệm các hiện tượng tự nhiên, rồi giải thích các hiện tượng ấy, cũng như tính chất và quan hệ của chúng thông qua lý trí và luận lý. Chủ nghĩa thực chứng cho rằng chỉ những kiến thức được tìm thấy thông qua tiến trình này mới là các kiến thức được chứng thực – chú thích của người dịch]. Nó có thể mang đến cho chúng ta một lời giải thích thực sự hữu ích cho việc thực hiện các biện pháp cần thiết, nhưng không thể cung cấp cho chúng ta một ý nghĩa. Ngày nay chúng ta cần cả lời giải thích và ý nghĩa. Lời giải thích sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong lĩnh vực hoạt động, nhưng sẽ chỉ đưa chúng ta đi được nửa đường.
Còn nữa...