G. Trần Đức Anh, O.P.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài phát thanh Công giáo Cope của Tây Ban Nha, truyền đi chiều ngày 5/4/2021, Đức Hồng y Parolin gọi tình trạng xung khắc này là điều đáng lo âu và ngài nghĩ rằng “vấn đề này có lẽ nảy sinh từ điều này là Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh rất nhiều về việc cải tổ Giáo hội và có nhiều lẫn lộn về điều này. Cơ cấu của Giáo hội, kho tàng đức tin, các bí tích, thừa tác vụ tông đồ là những điều không thể thay đổi được, nhưng toàn thể đời sống của Giáo hội có thể canh tân”, đó là một cuộc sống trong đó có những người tội lỗi hoạt động, và vì thế cũng cần được liên tục đổi mới”.
Đức Hồng y giải thích rằng: “Nhiều khi những chia rẽ và chống đối nảy sinh từ sự hiểu lẫm, lẫn lộn, từ sự thiếu khả năng phân biệt giữa điều thiết yếu và không thể thay đổi, với điều không cốt yếu và phải được cải tổ, phải thay đổi theo tinh thần của Tin mừng”.
Về hy vọng tương lai của Giáo hội tại Trung Quốc, Đức Hồng y Parolin nhấn mạnh rằng: “Tòa Thánh nhìn Giáo hội tại Trung Quốc với lòng tôn trọng, đối với một Giáo hội có lịch sử đau khổ rất lớn, nhưng cũng có nhiều hy vọng. Những bước tiến được thực hiện cho đến nay, tuy không giải quyết được tất cả những vấn đề còn tồn đọng, và có lẽ sẽ đòi nhiều thời gian, nhưng những bước đó tiến theo chiều hướng đúng, để đạt tới một sự hòa giải giữa lòng Giáo hội tại Trung Quốc. Điều đã và đang được cố gắng thực hiện là bảo vệ cộng đoàn Công giáo tại Trung Quốc, tuy còn nhỏ bé nhưng có một sức mạnh và sự sinh động lớn. Tất cả những gì đang được làm là nhắm mục đích bảo vệ một cuộc sống bình thường cho Giáo hội tại Trung Quốc, bảo đảm một không gian tự do tôn giáo, hiệp thông, vì không thể sống trong Giáo hội Công giáo mà không có sự hiệp thông với Người Kế nhiệm thánh Phêrô, là Đức Giáo hoàng”.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng bày tỏ lo âu vì sự mất đức tin tại Âu châu, với sự xuất hiện những đạo luật mới về các vấn đề luân lý đạo đức, ngày càng xa lìa căn cội Kitô. Đức Hồng y nói: “Sự đánh mất căn tính con người, hơn cả sự đánh mất đức tin, là một sự đánh mất lý trí. Trong bối cảnh đó, Giáo hội tại Âu châu càng phải chu toàn sứ mạng làm chứng về đức tin, về niềm hy vọng, và bác ái, không áp đặt, nhưng trình bày một chứng tá về đời sống Kitô, có sự nhất quán giữa đức tin và hành động, như đã xảy ra trong các thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, khi các tông đồ và các môn đệ của Chúa tới một xã hội thiếu các giá trị Kitô, và qua chứng tá, họ đã thay đổi được não trạng và du nhập các giá trị Tin mừng vào đời sống xã hội bấy giờ”.
(Rei 5-4-2021)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn