Tiếng nói của giáo hoàng, tiếng kêu trong sa mạc

Thứ tư - 16/03/2022 08:20

Tiếng nói của giáo hoàng, tiếng kêu trong sa mạc

Trong những năm gần đây, người kế vị Thánh Phêrô thường cảnh báo một cách tiên tri về một Thế chiến thứ ba đang diễn ra, ngài tiếp bước các vị tiền nhiệm của ngài, đứng về phía người vô tội và chiến đấu cho điều thiện.

 

Trong buổi Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật ngày chúa nhật 13 tháng 3, Đức Phanxicô đã dứt khoát nói lên án “sự dã man của việc giết trẻ em, những người vô tội” đang diễn ra, ngài kêu gọi chấm dứt “cuộc thảm sát”, chấm dứt cái mà ngài gọi là “hành động gây hấn vũ trang không thể chấp nhận được” đối với Ukraine. Ngài lưu ý, những người  ủng hộ bạo lực bằng cách cho nó có động cơ tôn giáo là “xúc phạm danh Thiên Chúa” Đấng chỉ là Thiên Chúa của hòa bình.

Cũng trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 20 tháng 2, trước cuộc tấn công của Nga, ngài cũng đã lên tiếng “Thật đáng buồn khi những người, những dân tộc tự hào là kitô giáo lại xem người khác là kẻ thù và nghĩ đến việc gây chiến với nhau! Thật đáng buồn.” Ngài xin dành ngày Thứ Tư Lễ Tro là ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình. Thêm nữa, một ngày sau khi cuộc xung đột bùng phát, ngài đích thân đến sứ quán Nga tại Tòa Thánh để bày tỏ mối lo âu của ngài về cuộc chiến với đại diện của Điện Kremlin, thúc giục họ đi theo con đường thương thuyết và mở hành lang nhân đạo cho người dân được thoát. Trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 6 tháng 3, ngài nêu bật thực trạng đạo đức giả của chính phủ Nga, khi gọi cuộc chiến đang diễn ra là “hoạt động quân sự đặc biệt”, che đậy thực tế đích thực và sống sượng đằng sau trò chơi chữ, vì đây là một chiến tranh xâm lược.

Để thể hiện sự gần gũi cá nhân của ngài với các nạn nhân và với hàng triệu người phải di tản chạy trốn khỏi chiến tranh, ngài đã cử hai hồng y, Konrad Krajewski và Michel Czerny đến để giúp đỡ và hỗ trợ người tị nạn và những người rộng lòng tiếp nhận họ. Ngoài ra hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đã bày tỏ sự sẵn sàng của Tòa thánh để hỗ trợ bằng mọi cách, dưới bất kỳ hình thức nào để có được hòa giải và đã yêu cầu Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngừng các cuộc tấn công, đảm bảo các hành lang nhân đạo. Chính sách ngoại giao của Vatican liên tục nhắc, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu các cuộc thương thuyết thực sự, và không bao giờ là quá muộn để ngừng bắn trong một cuộc chiến với những hậu quả khôn lường và không ngừng có nguy cơ dẫn đến leo thang chiến tranh đáng sợ.

Trong những tuần vừa qua, ngài bị chỉ trích của những người hy vọng các tuyên bố công khai của ngài sẽ nêu rõ tên ông Vladimir Putin và nước Nga, như thể những lời của vị chủ chăn Giáo hội hoàn vũ sẽ phản ánh được những bức chế theo thời sự của truyền hình. Vì điều này không xảy ra nên tiếng nói của ngài không được chú ý nhiều, vì lời kêu gọi của ngài không tương ứng với lời sáo rỗng mong muốn giáo hoàng là “tuyên úy” cho phương Tây, sẵn sàng đóng vai Chúa để nhân danh Ngài ban phép lành cho chiến tranh.

Có những người cáo buộc ngài “im lặng” không nêu rõ tên ông Putin, họ quên rằng khi chiến tranh bắt đầu, các giáo hoàng không bao giờ gọi kẻ xâm lược bằng tên riêng và tên họ, không phải vì hèn nhát hay thận trọng ngoại giao thái quá, nhưng để cánh cửa không bị đóng, để cánh cửa luôn mở ra một kẽ hở có thể ngăn chặn cái ác và cứu sống mạng sống con người. Ngay cả Thánh Gioan Phaolô II, sinh ở một nước tử đạo như nước Ba Lan, nạn nhân của chủ nghĩa đức quốc xã và chủ nghĩa cộng sản, trong cuộc chiến ở Kosovo năm 1999, ngài cũng không bao giờ nêu tên các thủ phạm thanh trừng sắc tộc, ngài luôn giữ một con đường liên lạc mở ra cho Serbia. Tòa thánh tin rằng cần phải có những nỗ lực để chấm dứt các cuộc thảm sát nhằm vào người dân Albania, ngay cả khi đau đớn thấy khối NATO dôi bom hàng loạt gây chấn thương cho người dân. Thậm chí Đức Gioan-Phaolô II cũng không nêu tên các nguyên thủ quốc gia phương Tây, những người năm 2003 muốn tiến hành chiến tranh chống lại Iraq, dựa trên cơ sở thông tin sai lệch về vũ khí tiêu  diệt hàng loạt. Trong một số trường hợp, ngài đã cố gắng ngăn chặn các cuộc tấn công, thanh trừng sắc tộc và chiến tranh, ngài cố gắng khuyến khích việc mở các hành lang nhân đạo và đảm bảo làm sao để không có cái gì tình cờ có thể dùng đến vũ khí. Điều này không có nghĩa và chưa bao giờ có nghĩa là đặt kẻ xâm lược và kẻ bị tấn công trên cùng một mặt bằng.

Do đó, thật là nghịch lý khi chúng ta quên những trang lịch sử gần đây của chúng ta, muốn giải thích cho giám mục giáo phận Rôma những từ “đúng” ngài nên dùng, sau nhiều năm không màng đến những từ mà ngài đã nói ra rất nhiều,  cảnh báo chống lại cuộc chạy đua tái vũ trang hạt nhân, chống lại nạn buôn bán vũ khí, chống lại chiến tranh, chống lại khủng bố, chống lại một hình thức kinh tế loại bỏ và tiêu diệt, chống lại sự hủy diệt Tạo dựng.

Tiếng nói của giáo hoàng là tiếng kêu trong sa mạc. Trong chín năm triều giáo hoàng, ngài đã nhiều lần nói về một Thế chiến thứ ba đang diễn ra, dù đang còn “phân mảnh.” Vì thế đã nhiều lần, ngài lên tiếng chống những kẻ buôn bán vũ khí, chống lại cuộc chạy đua vũ trang và chống lại chiến tranh. Gần đây, nhà báo Michele Serra luy, “năm mươi quả bom nguyên tử đủ để hủy diệt nhân loại. Nhưng trên thế giới bom nguyên tử không phải chỉ có năm mươi. Đó là mười lăm ngàn”. Tháng 9 năm 2014, Đức Phanxicô đã nói đến chiến tranh “hủy diệt” tại đền thờ quân sự Redipuglia nhân kỷ niệm một trăm năm ngày Thế chiến thứ nhất bùng nổ: “Nó cũng hủy hoại công trình đẹp nhất của bàn tay Thiên Chúa: con người. Chiến tranh hủy hoại mọi thứ, ngay cả mối quan hệ giữa anh em với nhau. Chiến tranh là phi lý, kế hoạch duy nhất của nó là hủy diệt: nó tìm cách phát triển bằng cách hủy diệt.” Trong lời tiên tri này, thường những người có chức vụ cao lờ đi, nhưng lại được nhiều người trên thế giới tiếp nhận, ngài bước theo bước chân của các vị tiền nhiệm thế kỷ trước, những người giống như ngài đã phải đương đầu với các cuộc chiến thế giới, với các cuộc chiến ở các khu vực khác nhau của hành tinh, với bạo lực và với khủng bố.

Vậy giáo hoàng có thể làm gì khi bây giờ người dân đang bị bắn, đang bị giết?  Nhà báo Gianni Valente gần đây đã viết: “Có lẽ không có gì hơn là cầu nguyện xin Chúa, xin phép lạ rút ngắn nỗi đau của người nghèo, chấm dứt sự tàn sát. Nhưng nếu ngài có thể làm gì đó về mặt chính trị ngoại giao, điều đó sẽ chỉ có thể thực hiện được, vì các nhà lãnh đạo Nga biết ngài không phải là người trung gian quanh co, một tác nhân ngụy trang của phương Tây, mà họ đã bước vào một quá trình đụng đến ngày tận thế ”.

Đức Phanxicô, người kế vị Thánh Phêrô không có vấn đề cần cho biết “ngài ở phía nào”, vì  Đại Diện của Chúa Kitô, cũng như Chúa của ngài, luôn ở với những người vô tội chịu đau khổ như Chúa Giêsu đã chịu trên thánh giá. Mỗi lời ngài nói, mỗi nỗ lực ngài làm đều nhằm mục đích cứu sống con người, ngài không theo lô-gích của cái ác, nhưng chiến đấu với cái ác bằng điều thiện. Ở trung tâm Âu châu, trong cuộc chiến bẩn thỉu mà chúng ta cảm thấy rất gần gũi, cũng như ở các vùng ngoại vi của thế giới, nơi mà trong những năm này, những cuộc chiến bị lãng quên đã diễn ra và đang diễn ra, với số lượng người chết hàng ngày, những người bị thương, những người di tản tương tự như những gì đang xảy ra ở Ukraine.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây