Toàn Văn Diễn từ của ĐTC Phanxicô nhân cuộc gặp gỡ chúc mừng Giáng Sinh
Thứ tư - 23/12/2020 19:13
Toàn Văn Diễn từ của ĐTC Phanxicô nhân cuộc gặp gỡ chúc mừng Giáng Sinh
Lúc 10:30 sáng thứ Hai 21 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với các thành viên trong Hồng Y Đoàn và Giáo triều Rôma tại phòng họp Benedizione (Chúc lành) trong dinh Tông Tòa của Vatican.
Sau lời chúc mừng Giáng Sinh của Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn, Đức Thánh Cha đã có một diễn từ trong đó ngài thúc giục Giáo triều Rôma không nên đánh giá Giáo Hội một cách vội vàng theo khía cạnh những xung đột, nhưng hãy xem “cuộc khủng hoảng giáo hội” hiện nay như một lời kêu gọi đổi mới.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáng Sinh năm nay được đánh dấu bởi một thời kỳ khủng hoảng đối với xã hội và Giáo Hội trước khi phân biệt giữa khủng hoảng và xung đột. Theo Đức Thánh Cha, khủng hoảng thường có một kết quả tích cực, trong khi xung đột luôn tạo ra bất hòa và cạnh tranh, đó là một sự đối kháng dường như không thể hòa giải, chia cách tha nhân thành bạn để yêu, và kẻ thù để chiến đấu.
Ngài bày tỏ lời cầu xin tất cả các vị trong Giáo triều Rôma, những người cùng ngài phục vụ Tin Mừng, một món quà Giáng Sinh là sự cộng tác quảng đại và hết lòng của các vị trong việc loan báo Tin Mừng
Nguyên bản tiếng Ý và các bản dịch sang các ngôn ngữ khác có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Anh chị em thân mến,
1. Chúa Giêsu thành Nagiarét chào đời là mầu nhiệm Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta rằng “loài người dù phải chết nhưng không phải sinh ra để chết, nhưng là để bắt đầu”, [1] như nhà triết học người Do Thái Hannah Arendt đã quan sát trong một cách thế vừa đánh động vừa linh hứng. Arendt đã đảo ngược suy nghĩ của thầy mình, là Heidegger, theo đó con người sinh ra để bị ném về phía cái chết. Giữa đống đổ nát của các chế độ độc tài trong thế kỷ 20, Arendt thừa nhận sự thật sáng chói này: “Phép lạ cứu được thế giới, cứu được thực tại nhân sinh, khỏi sự huỷ diệt bình thường và ‘tự nhiên’ của nó, chung cuộc chính là mầu nhiệm Giáng Sinh. Đây là niềm tin và hy vọng cho một thế giới tìm thấy biểu hiện có lẽ là huy hoàng nhất và ngắn gọn nhất của mình trong một vài từ mà các sách Phúc âm dùng để công bố ‘tin vui’ của mình: ‘Một hài nhi đã được sinh ra cho chúng ta’”. [2]
2. Khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm Nhập thể, trước hài nhi nằm trong máng cỏ (x. Lc 2:16), và mầu nhiệm Vượt Qua, trước sự hiện diện của Đấng bị đóng đinh, chúng ta chỉ tìm được vị thế thích hợp của mình chỉ khi chúng ta không có khả năng tự vệ, khiêm tốn và loại bỏ các thành kiến; chỉ khi chúng ta làm theo, ở bất cứ nơi nào chúng ta sống và làm việc (kể cả ở Giáo triều Rôma), chương trình sống do Thánh Phaolô đề ra: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4:31-32); chỉ khi chúng ta “mặc lấy tấm lòng khiêm nhường” (x. 1 Pr 5: 5) và noi gương Chúa Giêsu, Đấng “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11:29); chỉ sau khi chúng ta tự đặt mình “vào địa vị thấp hèn nhất” (Lc 14:10) và trở thành “nô lệ của mọi người” (x. Mc 10:44). Về điểm này, Thánh Inhaxiô, trong cuốn Linh Thao của mình, thậm chí còn yêu cầu chúng ta tưởng tượng mình là một phần của quang cảnh trước máng cỏ. Ngài viết: “Tôi sẽ trở thành một người nô lệ nghèo nàn, thấp hèn và bất xứng, và như thể ngay bây giờ, hãy nhìn họ, chiêm ngưỡng họ và phục vụ họ theo nhu cầu của họ” (114, 2).
Tôi thay mặt tất cả cảm ơn Đức Hồng Y Niên Trưởng Hồng Y Đoàn đã gửi lời chúc mừng Giáng Sinh. Xin cảm ơn Đức Hồng Y Re.
3. Đây là lễ Giáng Sinh giữa một cuộc khủng hoảng đã tấn công tràn lan toàn thế giới trên các phương diện đại dịch, sức khỏe, kinh tế, xã hội và thậm chí cả Giáo Hội nữa. Cuộc khủng hoảng này không còn chỉ là một điểm chung trong các cuộc trò chuyện của giới trí thức; nhưng nó đã trở thành một thực tế được cảm nghiệm bởi tất cả mọi người.
Đại dịch là một thời gian thử thách và trắc nghiệm, nhưng cũng là một cơ hội đáng kể để hoán cải và canh tân sự chân thực.
Vào ngày 27 tháng 3 vừa qua, trước tiền đình của Đền Thờ Thánh Phêrô, trước một Quảng trường trống rỗng mà dù thế vẫn đưa chúng ta từ mọi nơi trên thế giới đến với nhau, trong tinh thần, tôi muốn cầu nguyện cho và với tất cả mọi người. Tôi đã nói rõ ràng về tầm quan trọng tiềm tàng của “cơn bão” (xem Mc 4:35-41) đã tấn công thế giới của chúng ta: “Bão tố phơi bày tính dễ bị thương tổn của chúng ta và vạch trần những định tín giả tạo và hời hợt trên đó chúng ta đã xây dựng những dự định, những dự án, các tập quán và ưu tiên của chúng ta. Nó cho thấy chúng ta đã khờ khạo và mù mờ trước những điều căn cơ nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban sức mạnh cho cuộc sống và cộng đoàn của chúng ta. Bão tố để lộ tất cả những ý tưởng định kiến và sự lãng quên những gì nuôi dưỡng linh hồn con người; nó làm lộ ra tất cả những toan tính gây mê chúng ta bằng những nếp nghĩ và cách hành xử được cho là “cứu” chúng ta, nhưng thực ra lại cho thấy không có khả năng quy chiếu đến những căn cội và giữ cho sống động ký ức của những người đi trước chúng ta, và vì thế đánh mất các kháng thể cần thiết để đương đầu với nghịch cảnh.
Trận bão này cũng đánh trôi cái mã bề ngoài của những định kiến chúng ta dùng để ngụy trang “cái tôi” của mình, luôn lo lắng về hình ảnh của mình; và một lần nữa, chúng ta khám phá thấy điều tốt lành là chúng ta cùng thuộc về nhau, cùng là anh chị em của nhau.”
4. Ơn Chúa quan phòng, chính vào thời điểm khó khăn đó, tôi mới có thể viết Fratelli Tutti, là Thông điệp dành cho chủ đề tình huynh đệ và tình bạn xã hội. Một bài học mà chúng ta học được từ các trình thuật Tin Mừng về sự ra đời của Chúa Giêsu là tình liên đới liên kết những người hiện diện: Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng, các đạo sĩ và tất cả những ai, bằng cách này hay cách khác, đã trao ra tình huynh đệ và tình bạn của mình để giữa bóng tối của lịch sử, Ngôi Lời hóa thành nhục thể (x. Ga 1:14) có thể tìm thấy một sự chào đón. Như tôi đã trình bày ở đầu Thông điệp: “Tôi mong muốn rằng, trong thời đại chúng ta, qua việc thừa nhận phẩm giá của mỗi con người, chúng ta có thể góp phần vào việc tái sinh một khát vọng phổ quát về tình huynh đệ. Tình anh em giữa tất cả những người nam nữ. ‘Ở đây chúng ta có một bí mật huy hoàng chỉ cho chúng ta cách ước mơ và biến cuộc sống của chúng ta thành một cuộc phiêu lưu tuyệt vời. Không ai có thể đối mặt với cuộc sống trong tình trạng lẻ loi … Chúng ta cần một cộng đồng hỗ trợ và giúp đỡ chúng ta, trong đó chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau để tiếp tục nhìn về phía trước. Ước mơ cùng nhau quan trọng biết bao… Tự bản thân chúng ta, chúng ta có nguy cơ nhìn thấy những ảo ảnh, những thứ không có ở đó. Trái lại, những giấc mơ phải được xây dựng cùng nhau’. [3] Vậy, chúng ta hãy mơ ước như một gia đình nhân loại, như những người bạn đồng hành cùng chung một con thuyền, như những người con của cùng một trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người chúng ta mang theo sự phong phú từ những niềm tin và xác tín của mình, mỗi người chúng ta với tiếng nói của chính mình, tất cả là anh chị em với nhau” (số 8).
5. Cuộc khủng hoảng của đại dịch này là thời điểm thích hợp để suy ngẫm ngắn gọn về ý nghĩa của một cuộc khủng hoảng, là điều xem ra có lợi cho tất cả chúng ta.
Khủng hoảng là điều ảnh hưởng đến mọi người và mọi thứ. Các cuộc khủng hoảng hiện diện ở khắp mọi nơi và trong mọi thời đại của lịch sử, liên quan đến các ý thức hệ, chính trị, kinh tế, công nghệ, sinh thái và tôn giáo. Khủng hoảng là một thời điểm cần thiết trong lịch sử của cá nhân và xã hội. Nó xuất hiện như một sự kiện bất thường, luôn tạo ra cảm giác bối rối, lo lắng, buồn bã và không chắc chắn khi phải đối mặt với các quyết định được đưa ra. Chúng ta thấy điều này trong động từ “krino” là nguyên ngữ của khủng hoảng: khủng hoảng là việc sàng lọc để tách lúa mì ra khỏi trấu sau vụ thu hoạch.
Chính Kinh Thánh cũng chứa đầy những cá nhân bị “sàng lọc”, “những người đang gặp khủng hoảng”, những người trong chính cuộc khủng hoảng đó đã đóng vai trò của mình trong lịch sử ơn cứu độ.
Theo quan điểm thần học, cuộc khủng hoảng của Ápraham, người phải rời quê hương (Stk 21: 1-2) và trải qua thử thách lớn lao khi phải hy sinh cho Thiên Chúa đứa con trai duy nhất của mình (Stk 22: 1-19), đã dẫn đến sự ra đời của một dân tộc mới. Tuy nhiên, điều này không giúp Ápraham thoát khỏi một tình huống gay cấn, trong đó sự bối rối và mất phương hướng đã không chiếm được ưu thế, vì ông có sức mạnh đức tin.
Cuộc khủng hoảng của ông Môisê có thể được nhìn thấy nơi sự thiếu tự tin của ông. Ông nói với Chúa: “Con là ai mà dám đến với Pharaô và đưa con cái Israel ra khỏi Ai-cập?” (Xh 3:11); “Con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi” (Xh 4:10), “người ăn nói không được dễ dàng” (Xh 6, 12,30). Vì lý do này, ông cố trốn tránh sứ mệnh Chúa giao phó: “Lạy Chúa, xin sai người khác đi” (x. Xh 4:13). Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng này, Thiên Chúa đã làm cho ông Môisê trở thành người tôi trung dẫn dắt dân tộc của ông ra khỏi Ai Cập.
Êlia, nhà tiên tri có sức mạnh như lửa (x. 1 V 18: 24), vào một thời điểm cực kỳ khủng hoảng đã khao khát được chết, nhưng sau đó ông cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa, không phải trong một cơn gió dữ dội, một trận động đất hay một ngọn lửa, nhưng qua một “giọng thì thầm” (x1 V 19: 11-12). Tiếng nói của Thiên Chúa không bao giờ là tiếng ồn ào của cuộc khủng hoảng, mà là tiếng nói thầm thì trong cơn khủng hoảng.
Gioan Tẩy Giả băn khoăn không biết Đức Giêsu có phải là Đấng Mêsia hay không (x. Mt 11:2-6) vì Người không đến với tư cách là Đấng minh oan mạnh mẽ cho ông, mà có lẽ Gioan đã mong đợi (x. Mt 3:11-12). Tuy nhiên, việc ông Gioan bị cầm tù đã tạo tiền đề cho việc Đức Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa (x. Mc 1:14).
Kế đó chúng ta có là cuộc khủng hoảng về “thần học” mà Phaolô thành Tắcsô phải trải qua. Choáng ngợp trước cuộc gặp gỡ đầy kịch tính của mình với Đức Kitô trên đường đến Đamát (x. Cv 9: 1-19; Gl 1:15-16), ông xúc động bỏ lại tất cả để theo Chúa Giêsu (x. Pl 3: 4-10). Thánh Phaolô thực sự là người sẵn sàng thay đổi bởi một cuộc khủng hoảng. Vì lý do này, ngài sẽ là tác giả của một cuộc khủng hoảng khiến Giáo Hội vượt ra ngoài biên giới Israel và đi đến tận cùng trái đất.
Chúng ta có thể tiếp tục với danh sách dài các nhân vật trong Kinh Thánh như thế, trong đó mỗi người chúng ta có thể tìm thấy hoàn cảnh của chính mình. Có rất nhiều những nhân vật như vậy.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hùng hồn nhất là cuộc khủng hoảng của Chúa Giêsu. Các Phúc Âm Nhất Lãm chỉ ra rằng Chúa Giêsu đã bắt đầu cuộc sống công khai của mình bằng cách trải qua cơn khủng hoảng của những cám dỗ. Có vẻ như nhân vật trung tâm trong tình huống này là ma quỷ với những lời hứa hão huyền, nhưng thực ra nhân vật chính thực sự lại là Chúa Thánh Thần. Vì Ngài đã hướng dẫn Chúa Giêsu trong thời điểm quyết định này của cuộc đời mình: “Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu ma quỷ cám dỗ.” (Mt 4: 1).
Các Thánh Sử nhấn mạnh rằng bốn mươi ngày Chúa Giêsu ở trong sa mạc được đánh dấu bằng kinh nghiệm đói khát và yếu đuối (x. Mt 4: 2; Lc 4: 2). Chính từ sâu thẳm của sự đói khát và yếu đuối này, ma quỷ đã tìm cách thực hiện bước cuối cùng của nó, lợi dụng sự mệt mỏi của con người Chúa Giêsu. Tuy nhiên, nơi con người yếu đuối vì kiêng ăn đó, tên cám dỗ đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Đấng có thể chiến thắng sự cám dỗ bởi lời Chúa, chứ không phải lời của chính mình. Chúa Giêsu không bao giờ bước vào cuộc đối thoại với ma quỷ. Chúng ta cần học hỏi từ điều này. Không thể có cuộc đối thoại với ma quỷ. Chúa Giêsu đuổi nó đi, hay buộc nó phải tiết lộ danh tính của mình. Với ma quỷ, không thể có đối thoại.
Sau đó, Chúa Giêsu phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khôn tả tại vườn Giệtsimani: cô độc, sợ hãi, đau khổ, sự phản bội của Giuđa và sự bỏ rơi của các Tông đồ (x. Mt 26:36-50). Cuối cùng, có một cuộc khủng hoảng tột độ trên thập giá: một kinh nghiệm về tình liên đới với những người tội lỗi thậm chí đến mức cảm thấy bị Chúa Cha bỏ rơi (x. Mt 27:46). Tuy nhiên, với sự tin tưởng tuyệt đối, Người đã “phó dâng thần khí của mình trong tay Chúa Cha” (x. Lc 23:46). Sự phó thác hoàn toàn và đầy lòng tin tưởng của Ngài đã mở ra con đường phục sinh (x. Dt 5: 7).
6. Thưa anh chị em, suy tư này về ý nghĩa của khủng hoảng cảnh báo chúng ta chống lại việc đánh giá Giáo Hội một cách vội vàng dựa trên những khủng hoảng gây ra bởi các vụ tai tiếng trong quá khứ và hiện tại. Tiên tri Êlia có thể là một ví dụ. Để trút bỏ nỗi thất vọng của mình trước mặt Chúa, Êlia thưa với Chúa về sự vô vọng: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Israel đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con.” (1 V 19:14). Thông thường, những đánh giá của chúng ta về đời sống Giáo Hội cũng giống như những câu chuyện về sự vô vọng. Tuy nhiên, việc đọc thực tế một cách tuyệt vọng không thể được gọi là thực tế. Hy vọng mang đến cho các đánh giá của chúng ta một khía cạnh mà trong tầm nhìn quá gần của chúng ta, chúng ta thường không thể nhìn thấy. Thiên Chúa đáp lại ông Êlia bằng cách nói với ông rằng thực tế khác với những gì ông nghĩ: “Ngươi hãy đi con đường ngươi đã đi trước qua sa mạc cho tới Đamát mà về … Nhưng Ta, Ta sẽ dành ra cho Ta bảy nghìn người trong dân Israel: tất cả những kẻ đã không hề bái gối trước Baan, những môi miệng không hề hôn kính nó”. (1 V 19: 15,18). Không phải là Êlia cô đơn; nhưng đúng ra ông đang bị khủng hoảng.
Thiên Chúa tiếp tục làm cho hạt giống Nước Người lớn lên giữa chúng ta. Ở đây trong Giáo triều này, có rất nhiều người làm chứng âm thầm bằng công việc của họ, khiêm tốn và kín đáo, không tán gẫu, không thành kiến, trung thành, trung thực và chuyên nghiệp. Rất nhiều anh chị em như thế, và tôi xin cảm ơn. Thời đại của chúng ta có những vấn đề của nó, nhưng nó cũng là nhân chứng sống động cho sự thật rằng Chúa đã không bỏ rơi dân Ngài. Sự khác biệt duy nhất là các vấn đề ngay lập tức được đưa lên mặt báo; điều này luôn luôn như vậy, trong khi các dấu chỉ hy vọng, nếu có được lên báo, thì luôn luôn muộn hơn nhiều.
Những ai không đánh giá một cuộc khủng hoảng dưới ánh sáng của Tin Mừng chỉ đơn giản thực hiện một cuộc khám nghiệm tử thi. Họ nhìn thấy cuộc khủng hoảng, nhưng không nhìn thấy hy vọng và ánh sáng do Tin Mừng mang lại. Chúng ta hoang mang trước các cuộc khủng hoảng không chỉ vì chúng ta đã quên cách đánh giá các cuộc khủng hoảng ấy như Tin Mừng bảo với chúng ta, nhưng vì chúng ta đã quên rằng Tin Mừng là điều đầu tiên đưa chúng ta vào khủng hoảng. [4] Nếu chúng ta có thể phục hồi can đảm và khiêm tốn để thừa nhận rằng thời khủng hoảng là thời của Thánh Linh, thì bất cứ khi nào chúng ta phải đối mặt với kinh nghiệm của bóng tối, yếu đuối, dễ bị tổn thương, mâu thuẫn và mất mát, chúng ta sẽ không còn cảm thấy bị choáng ngợp nữa. Thay vào đó, chúng ta sẽ tiếp tục tin tưởng rằng mọi thứ sắp có một hình dạng mới, chỉ xuất hiện từ trải nghiệm của một ân sủng ẩn sâu trong bóng tối. “Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục” (Cn 2: 5).
7. Cuối cùng, tôi mong anh chị em đừng nhầm lẫn giữa khủng hoảng và xung đột. Chúng là hai thứ khác nhau. Khủng hoảng thường có một kết quả tích cực, trong khi xung đột luôn tạo ra bất hòa và cạnh tranh, đó là một sự đối kháng dường như không thể hòa giải, chia cách tha nhân thành bạn để yêu, và kẻ thù để chiến đấu. Trong tình huống như vậy, chỉ có một bên có thể giành được chiến thắng.
Xung đột luôn cố gắng tìm kiếm những phe “có tội” để khinh miệt và bêu xấu, và những phe “công chính” để bảo vệ, như một phương tiện để tạo ra một cảm thức (thường huyền diệu) rằng những tình huống nhất định chẳng có liên quan gì đến chúng ta. Việc đánh mất đi cảm thức chung thuộc về nhau gây ra hoặc củng cố một số thái độ nhất định cho mình là tinh hoa và hình thành nên các “phe phái” thúc đẩy những tư duy hạn hẹp và phiến diện làm suy yếu tính phổ quát trong sứ mệnh của chúng ta. “Ở giữa xung đột, chúng ta đánh mất ý thức về sự hiệp nhất sâu xa của thực tại” (Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm, 226).
Khi Giáo Hội được nhìn nhận dưới góc độ xung đột – hữu khuynh so với tả khuynh, cấp tiến so với truyền thống - thì Giáo Hội trở nên phân tán và phân cực, bóp méo và phản bội thực chất của mình. Mặt khác, Giáo Hội là một thực thể bị khủng hoảng liên tục, chính vì Giáo Hội vẫn sống động. Giáo Hội không bao giờ được trở thành một thực thể đang trong tình trạng xung đột, có kẻ thắng và người thua, vì như thế, Giáo Hội sẽ gieo rắc sự sợ hãi, trở nên cứng ngắc hơn và ít đồng nghị hơn, và áp đặt một sự đồng nhất khác xa với sự phong phú và đa dạng mà Thánh Linh đã ban cho Giáo Hội của Ngài.
Sự mới mẻ sinh ra từ khủng hoảng và theo thánh ý của Thánh Linh không bao giờ là một sự mới mẻ đối lập với cái cũ, nhưng là cái mới nảy sinh từ cái cũ và làm cho nó liên tục sinh hoa kết quả. Chúa Giêsu giải thích quá trình này bằng một hình ảnh đơn giản và rõ ràng: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24). Sự chết của một hạt giống có tính chất mâu thuẫn nội tại: nó vừa là sự kết thúc vừa là sự khởi đầu của một cái gì đó mới. Nó có thể được gọi là cả hai vừa là “chết chóc và suy tàn” lại vừa là “sinh sôi và triển nở”, vì cả hai là một. Chúng ta thấy một sự kết thúc, nhưng đồng thời, trong cái kết thúc ấy, một khởi đầu mới đang hình thành.
Theo nghĩa này, việc chúng ta không muốn rơi vào khủng hoảng và không muốn để cho mình được Thánh Linh dẫn dắt vào những thời khắc thử thách sẽ giữ chặt chúng ta trong tình trạng vô vọng và không sinh hoa kết quả, hoặc thậm chí trong tình trạng xung đột. Khi tìm cách tránh né khủng hoảng, chúng ta cản trở công việc của ân sủng Thiên Chúa, ân sủng này sẽ biểu lộ trong chúng ta và qua chúng ta. Nếu một tầm nhìn hiện thực nào đó khiến chúng ta thấy lịch sử gần đây của mình chỉ là một chuỗi những thảm họa, những tai tiếng và thất bại, những tội lỗi và mâu thuẫn, những hụt hẫng và trở ngại trong chứng tá của chúng ta, thì chúng ta không nên lo sợ. Chúng ta cũng không nên phủ nhận mọi thứ trong bản thân và trong cộng đồng của chúng ta, là những thứ rõ ràng đã bị ô nhiễm bởi cái chết, và đang đòi phải có sự hoán cải. Mọi điều xấu xa, sai trái, yếu đuối và không lành mạnh được đưa ra ánh sáng như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về việc chúng ta cần phải chết đi đối với một lối sống, một lối suy nghĩ và hành động không phản ánh Phúc Âm. Chỉ khi chết đi đối với một não trạng nào đó, chúng ta mới có thể có chỗ cho sự mới mẻ mà Thánh Thần không ngừng đánh thức trong lòng Giáo Hội. Các Giáo phụ của Giáo Hội nhận thức rõ điều này, và họ gọi nó là “metanoia“.
8. Mọi cuộc khủng hoảng đều chứa đựng một nhu cầu chính đáng phải đổi mới và phải có một bước tiến về phía trước. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự mong muốn đổi mới, chúng ta phải có can đảm để hoàn toàn cởi mở. Chúng ta cần phải ngừng xem việc cải tổ Giáo Hội như việc vá lại một chiếc áo cũ, hay chỉ đơn giản là soạn thảo ra một Hiến chế mới. Sự cải tổ của Giáo Hội là một cái gì đó khác xa như thế.
Không thể là chuyện vá chỗ này chỗ kia, vì Giáo Hội không chỉ là một y phục của Đức Kitô, mà là Nhiệm thể của Người, bao trùm cả lịch sử (x. 1 Cr 12:27). Chúng ta không được kêu gọi để thay đổi hay cải tổ Nhiệm thể Đức Kitô - “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13: 8) - nhưng chúng ta được mời gọi mặc áo mới cho Nhiệm thể ấy sao cho mọi người thấy rõ ràng rằng ân sủng mà chúng ta có không đến từ chính chúng ta nhưng đến từ Thiên Chúa. Thật vậy, “kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4: 7). Giáo Hội luôn là một cái bình sành, quý giá chính vì những gì nó chứa đựng chứ không phải vì dáng vẻ bên ngoài của nó. Lát nữa đây, tôi sẽ hân hạnh được tặng cho anh chị em một cuốn sách, đó là món quà của Cha Ardura, cuốn sách cho thấy cuộc đời của một bình sành làm rạng rỡ sự vĩ đại của Thiên Chúa và những cải cách của Giáo Hội. Ngày nay, dường như rõ ràng là đất sét mà chúng ta được tạo ra bị sứt mẻ, hư hỏng và nứt nẻ. Chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa, kẻo sự yếu đuối của chúng ta trở thành chướng ngại cho việc rao giảng Tin Mừng hơn là làm chứng cho tình yêu bao la mà Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, đã yêu thương chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta (x. Ep 2: 4). Nếu chúng ta loại bỏ Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, ra khỏi cuộc sống của chúng ta, cuộc sống của chúng ta sẽ là một lời nói dối, một sự giả trá.
Trong thời kỳ khủng hoảng, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta chống lại một số nỗ lực nhằm thoát ra khỏi nó đã có thể thấy trước ngay từ đầu là sẽ thất bại. Nếu ai đó “xé áo mới lấy vải vá áo cũ”, thì kết quả có thể đoán trước được: “không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.” Tương tự, “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới.” (Lc 5:36-38).
Trái lại, đường lối đúng đắn là đường lối của “người kinh sư đã được học hỏi về Nước Trời”, là người “cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”(Mt 13: 52). Kho tàng đó là Truyền thống, như Đức Bênêđíctô XVI đã nhắc lại, “là dòng sông sống động liên kết chúng ta với những cội nguồn, là dòng sông sống động mà những cội nguồn luôn hiện diện, là dòng sông vĩ đại dẫn chúng ta đến những cửa vĩnh cửu” (Bài Giáo lý ngày 26 tháng 4 năm 2006). Tôi nghĩ đến câu nói của một nhạc sĩ vĩ đại người Đức: “Truyền thống là bảo chứng cho tương lai, không phải là một viện bảo tàng, hay một bình tro”. Cái “cũ” là sự thật và ân sủng mà chúng ta đã có. Cái “mới” là những khía cạnh khác nhau của sự thật mà chúng ta dần dần hiểu ra. Không có hình thái sống Phúc Âm nào trong lịch sử có thể làm cạn kiệt sự hiểu biết đầy đủ về Phúc Âm. Ở thế kỷ thứ năm, người ta nói thế này về ý nghĩa của truyền thống và cách thức phát triển của nó: “Ut annis scilicet consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate” [đó là một câu nói của Thánh Vinh Sơn thành Lerins có nghĩa là: truyền thống “được củng cố qua năm tháng, được mở rộng theo thời gian và được tinh luyện theo tuổi tác” – chú thích của người dịch]. Nếu chúng ta để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thì hàng ngày chúng ta sẽ đến gần hơn với “tất cả chân lý” (Ga 16:13). Trái lại, nếu không có ân sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta thậm chí có thể bắt đầu hình dung ra một “Thượng Hội Đồng” Giáo Hội trong đó, thay vì được linh hứng từ sự hiệp thông với sự hiện diện của Thánh Linh, chung cuộc chỉ là một thứ nghị viện dân chủ khác được tạo thành bởi các nhóm đa số và các nhóm thiểu số. Chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mới tạo nên được sự khác biệt, nếu không Giáo Hội chỉ như một nghị viện, và đây không phải là tính đồng nghị.
9. Chúng ta nên làm gì trong thời kỳ khủng hoảng? Trước tiên, hãy chấp nhận đó là thời gian ân sủng được ban cho chúng ta để phân định thánh ý Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta và cho toàn thể Hội Thánh. Chúng ta cần tiến vào một khái niệm xem ra có vẻ nghịch lý là “khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:10). Chúng ta nên ghi nhớ những lời trấn an của Thánh Phaolô đối với các tín hữu thành Côrinhtô: “Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10:13).
Điều cần thiết là không được làm gián đoạn cuộc đối thoại của chúng ta với Thiên Chúa, bất kể điều đó có thể khó chứng minh đến đâu. Cầu nguyện không dễ dàng. Chúng ta không được mệt mỏi cầu nguyện liên tục (xem Lc 21:36; 1 Thes 5:17). Ngoài giải pháp là cầu nguyện nhiệt thành hơn và đồng thời làm mọi thứ trong khả năng của mình với đức cậy cao hơn, chúng ta không biết có giải pháp nào khác hơn như thế cho những vấn đề mình đang gặp phải. Cầu nguyện sẽ cho phép chúng ta “trông cậy khi không còn gì để hy vọng” (x. Rm 4:18).
10. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy duy trì sự bình an và thanh thản tuyệt vời, với ý thức đầy đủ rằng tất cả chúng ta, bắt đầu từ chính bản thân tôi, chỉ là những “đầy tớ bất xứng” (Lc 17:10) mà Chúa đã dủ lòng thương xót. Vì lý do này, sẽ rất tốt cho chúng ta khi ngừng sống trong xung đột và một lần nữa cảm thấy rằng chúng ta đang đồng hành cùng nhau, sẵn sàng đối mặt với khủng hoảng. Hành trình luôn bao gồm các động từ liên quan đến chuyển động. Khủng hoảng tự nó là chuyển động, là một phần của cuộc hành trình của chúng ta. Trái lại, xung đột là một con đường mòn dẫn chúng ta lạc lối, không mục đích, không định hướng và bị mắc kẹt trong một mê cung; đó là một sự lãng phí năng lượng và là cơ hội cho ma quỷ. Điều ác đầu tiên mà xung đột dẫn chúng ta đến, và chúng ta phải cố gắng tránh, là tin đồn. Chúng ta hãy chú ý đến điều này! Tung tin đồn không phải là nỗi ám ảnh của tôi; nhưng nó là lời tố cáo cho thấy ma quỷ đã xâm nhập vào Giáo triều. Ở đây trong Điện Tông Tòa này, có nhiều cửa ra vào và cửa sổ, ma quỷ đi vào và chúng ta quen với điều này. Những lời đàm tiếu khiến chúng ta rơi vào trạng thái quy hướng vào chính mình buồn bã, và ngột ngạt. Nó biến khủng hoảng thành xung đột. Tin Mừng cho chúng ta biết các mục đồng đã tin lời sứ thần truyền và lên đường hướng về Chúa Giêsu (x. Lc 2:15-16). Trái lại, Hêrôđê đã khép lòng mình lại trước câu chuyện do các đạo sĩ kể lại và biến sự khép kín ấy thành gian dối và bạo lực (x. Mt 2:1-16).
Mỗi người trong chúng ta, dù ở vị trí nào trong Giáo Hội, nên tự hỏi liệu chúng ta muốn theo Chúa Giêsu với sự ngoan ngoãn của những người chăn cừu, hay với thái độ phòng thủ của Hêrôđê; muốn đi theo Người giữa cuộc khủng hoảng hay muốn ngăn chặn Người trong cuộc xung đột.
Cho phép tôi bày tỏ lời cầu xin tất cả anh chị em, những người cùng tôi phục vụ Tin Mừng, món quà Giáng Sinh là sự cộng tác quảng đại và hết lòng của anh chị em trong việc loan báo Tin Mừng trên hết cho người nghèo (x. Mt 11: 5). Chúng ta hãy nhớ rằng chỉ có họ mới thực sự biết Thiên Chúa, Đấng chào đón những người nghèo khó, Đấng từ trời cao ngự xuống trong sự khốn cùng của họ, nhưng chính vì những người như vậy Người đã được sai đến từ trời cao. Chúng ta không thể nhìn thấy Thiên nhan Chúa, nhưng chúng ta có thể cảm nghiệm được điều đó khi Ngài hướng về chúng ta bất cứ khi nào chúng ta thể hiện sự tôn trọng đối với người lân cận, đối với những người đang kêu gào chúng ta trong cảnh khốn cùng của họ. [5] Đối với người nghèo, những người là trung tâm của Tin Mừng. Tôi nghĩ về điều mà vị Thánh Giám Mục người Brazil đã từng nói: “Khi tôi quan tâm đến người nghèo, họ gọi tôi là một vị thánh; nhưng khi tôi hỏi đi hỏi lại tại sao sự nghèo đói kinh hoàng như thế cứ tồn tại mãi, thì họ gọi tôi là một tên cộng sản”.
Đừng ai cố ý cản trở công việc Chúa đang hoàn thành vào lúc này, và chúng ta hãy xin ơn để phục vụ trong khiêm nhường, để Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi. (x. Ga 3:30).
Tôi gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả anh chị em và gia đình và thân bằng quyến thuộc. Cảm ơn anh chị em, cảm ơn anh chị em đã làm việc, cảm ơn anh chị em rất nhiều. Và xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi, để tôi có thể can đảm tiếp tục trong cơn khủng hoảng. Chúc Giáng Sinh vui vẻ! Cảm ơn anh chị em.
[Sau đó, Đức Thánh Cha ban phép lành cho những người hiện diện. Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, ngài nói thêm]
Tôi quên nói với anh chị em rằng tôi sẽ tặng anh chị em một món quà là hai cuốn sách. Một cuốn là cuộc đời của Charles de Foucauld, một bậc thầy về khủng hoảng, là người đã để lại cho chúng ta một di sản đẹp đẽ. Đó là một món quà mà tôi nhận được từ Cha Ardura, người mà tôi rất biết ơn. Cuốn thứ hai được gọi là “Olotropia: i verbi della familiarità cristiana”, là những từ giúp chúng ta sống cuộc sống của mình. Cuốn sách vừa được xuất bản và được viết bởi một học giả Kinh Thánh và là một đệ tử của Đức Hồng Y Martini; ngài làm việc ở Milan nhưng là linh mục của Giáo phận Albenga-Imperia.
[1] The Human Condition, Chicago, University of Chicago Press, 1958, p. 246. (Tình trạng con người, Chicago, Nhà xuất bản Đại học Chicago)
[2] Thượng dẫn, tr. 247.
[3] Diễn từ tại Cuộc gặp gỡ Đại kết và Liên tôn với Người trẻ, Skopje, Bắc Macedonia (7 tháng 5 năm 2019): Quan Sát Viên Rôma, ngày 9 tháng 5 năm 2019, tr. 9.
[4] “Nghe thế, nhiều môn đệ của Người liền nói: ‘Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?’ Nhưng Đức Giêsu tự biết là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: ‘Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?’”(Ga 6: 60-61). Tuy nhiên, chỉ trên nền tảng của cuộc khủng hoảng đó, một lời tuyên xưng đức tin mới có thể xuất hiện: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68).
[5] x. E. LEVINAS, Totalité et infini (Toàn thể và vô hạn), Paris, 2000, 76.