1.
Đang sống mệt mỏi trong tuổi già yếu, mà được một lớp học trò cũ ngỏ ý muốn tới thăm, tôi rất vui.
Niềm vui được tăng thêm, khi lớp học trò cũ này lại muốn tôi, nhân dịp này, dạy thêm điều gì, mà thầy cho là mới.
2.
Để đáp ứng, tôi sẽ không dạy, mà chỉ tâm sự. Tôi chia sẻ những gì Chúa đã và đang làm cho tôi. Những gì đó được tôi cảm nhận là rất mới.
3.
Những cảm nhận rất mới đó được tóm tắt vào hai điểm sau đây:
Điểm thứ nhất là: Tôi nhận ra mình là kẻ hay sợ hãi.
Điểm thứ hai là: Tôi nhận ra mình là kẻ rất cậy tin vào lòng thương xót Chúa.
Tôi xin vắn gọn.
4.
Trước hết, tôi thú nhận thành thực tôi có tính hay sợ hãi. Sợ hãi nhiều thứ, nhưng sợ hãi nhất là sợ chết dữ, và sợ phải sa hỏa ngục.
Ngay từ nhỏ, tôi đã được dạy phải biết sợ chết dữ và sợ phải sa hỏa ngục. Lớn lên, càng học nhiều, càng đi nhiều nơi, nhiều nước, và càng tiếp xúc với đủ hạng người, tôi càng nhận thấy phát triển trong tôi sự sợ chết dữ và sợ phải sa hỏa ngục.
5.
Hai nỗi sợ đó có nền tảng từ Kinh thánh. Lại được nhắc tới trên thực tế cuộc đời.
6.
Trên thực tế cuộc đời, tôi đã chứng kiến những cái chết dữ và những cảnh phải sa xuống hỏa ngục một cách thê thảm kinh hoàng. Bởi vì những người đó chú ý dấn thân vào con đường chết dữ và xuống hỏa ngục. Chú ý dấn thân vào, cố ý dấn thân vào, nhất định dấn thân vào, thì kết quả sẽ phải lãnh đủ.
7.
Do vậy, khi tôi thấy mình biết sợ chết dữ và sợ phải sa hỏa ngục, thì tôi coi đó là một ơn Chúa ban, để mà xa tránh mọi thứ dấn thân liều lĩnh.
Phải biết sợ những gì đáng sợ và phải sợ. Nếu không sẽ khốn khổ vô cùng.
8.
Khủng hoảng lớn nhất hiện nay tại nhiều nơi là tình trạng không biết sợ chết dữ và sa hỏa ngục. Khủng hoảng đó càng trở nên nghiêm trọng, khi chính những người có trách nhiệm giáo dục, ngay trong Hội thánh, lại cũng khuyến khích người ta đừng nên sợ gì cả.
Biết sợ, đó là điểm thứ nhất, tôi cho là rất mới, rất cần cho tôi.
9.
Điểm thứ hai là: Tôi nhận ra mình là kẻ hết lòng cậy tin vào lòng thương xót Chúa.
Tôi cậy tin vào lòng thương xót Chúa, bởi vì tôi biết mình trong tình trạng nguy hiểm, cần được Chúa cứu từng phút, từng giây.
10.
Lòng thương xót Chúa là điều tôi không thấy. Nhưng tôi nhận ra lòng thương xót Chúa, mỗi khi Chúa cắt đứt những gì tôi cho là điểm tựa hữu hình của tôi. Những điểm tựa hữu hình thì nhiều như cơ sở, tổ chức, tiền bạc, Chúa cắt đứt từng cái một, tôi trở nên bơ vơ, để chỉ còn tìm nương tựa ở Chúa mà thôi.
11.
Vì thế, mà đã có những đêm tăm tối lạnh lùng trên con đường về với Chúa, tôi đã trải qua. Những lúc đó, chỉ còn bám vào lòng thương xót Chúa mà thôi.
12.
Bám vào lòng thương xót Chúa là một sự cậy tin được thử thách trong những thất vọng, những khổ đau, những cơn hấp hối thiêng liêng. Kinh khủng lắm, mới hiểu được sự bám vào lòng thương xót Chúa không phải điều dễ dàng, mình muốn là được đâu.
13.
Do vậy, mà chúng ta phải coi sự bám vào lòng thương xót Chúa là một ơn Chúa ban.
14.
Phong trào lòng thương xót Chúa đang được phổ biến rộng rãi hiện nay. Nhưng hãy ý tứ, kẻo bị Satan nhảy vào quấy phá cho mục đích ác độc của nó.
15.
Tới đây, tôi thấy mình được hạnh phúc vì những gì Chúa đã ban tôi như vừa chia sẻ.
Hạnh phúc đó lại được tăng thêm, do lớp học trò cũ muốn tới thăm tôi, mang tên lớp: “Đức Mẹ vô nhiễm”. Xin Mẹ vô nhiễm luôn dắt dìu chúng ta trong hoàn cảnh phức tạp hiện nay. Hoàn cảnh hiện nay là rất phức tạp, cả ngoài đời lẫn trong đạo.
16.
Phần tôi, tôi không có chương trình nào cho chính mình, chỉ biết cậy tin vào Chúa mà thôi. Xin gửi lớp “Vô nhiễm” chia sẻ trên đây, như một lời trăng trối.
Xin cầu nguyện nhiều cho người thầy 92 tuổi đang rất mệt mỏi với gánh nặng là chính những tội lỗi yếu đuối của mình.
Long Xuyên, ngày 06.5.2019
GM. GB Bùi Tuần