“Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11).
Nhiều bạn không cùng niềm tin với chúng ta lấy làm ngạc nhiên về việc linh mục có thể tha tội cho hối nhân. Dĩ nhiên, chúng ta hiểu quyền tha tội mà vị linh mục ấy nhận được chỉ đến từ Thiên Chúa. Đó là câu chuyện xôn xao trong giới lãnh đạo Do Thái năm xưa khi Đức Giêsu nói “Người có quyền tha tội trên mặt đất này.” Với họ, đó là câu nói lộng ngôn, phạm thượng vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội mà thôi. Khi Đức Giêsu nói như thế, hóa ra Người chính là Thiên Chúa. Thế là họ chống đối và tìm cách giết Đức Giêsu.
Bạn có bao giờ nghĩ ơn tha tội là một sáng kiến tuyệt vời của Thiên Chúa không? Thử lấy vài ví dụ để hiểu rõ hơn! Có lần Đức Giêsu tha tội cho người phụ nữ ngoại tình. Chúa cứu chị khỏi cơn mưa đá của những người đang tố cáo chị. (Ga 8,2-11). Lần khác Đức Giêsu nói với anh bại liệt: “Này con, tội con đã được tha rồi.” Dĩ nhiên những người tiến sĩ luật tố cáo Người nói phạm thượng! Dẫu sao Đức Giêsu đã chữa lành cho anh, khiến cả đám đông phải thốt lên: “Chúng tôi chưa thấy vậy bao giờ!” (Mc 2,1-12). Hoặc, Ðức Giêsu chữa người câm bị quỷ ám, Người cho kẻ phong cùi được sạch. (Mt 9,32-34) và (Lc 17,11-19).
Cần lưu ý rằng người Do Thái quan niệm rằng những bệnh tật ấy đều do tội lỗi gây nên. Theo đó, khi Đức Giêsu chữa lành bệnh, nghĩa là Người tha tội cho họ. Rồi trên thập giá, Đức Giêsu cũng xin Cha tha tội cho họ, vì họ không biết việc họ làm. (Lc 23,34).
Như thế, cả cuộc đời Đức Giêsu luôn chứa chan lòng thương xót và ơn tha thứ dành cho con người. Điều ấy được Giáo hội trải nghiệm và xác tín rằng: “Lòng thương xót là nội dung căn bản của sứ điệp Cứu Thế của Đức Kitô và là sức mạnh xây dựng của sứ mạng Người.” (Denzinger, số 4680). Đó là hoa quả từ quyền năng và sáng kiến của Thiên Chúa thể hiện chương trình cứu độ nơi trần gian này. Tội nhân vui dường nào khi được tha thứ. Giả như không có ơn tha tội, thử hỏi làm sao chúng ta giao hòa với Thiên Chúa và con người? Dĩ nhiên chỉ một mình Chúa Giêsu có quyền tha tội, nhưng Người còn trao cho Hội Thánh nhiệm vụ và quyền giải thoát con người khỏi tội lỗi của họ. Nói như thánh Gioan Kim Khẩu:
“Linh mục đã nhận được nơi Thiên Chúa một quyền năng đầy đủ mà Thiên Chúa đã không ban cho các thiên thần hay các tổng lãnh thiên thần. Thiên Chúa ở trên trời cao xác nhận điều linh mục làm ở dưới thế.”
Đó chẳng phải là món quà vô giá ư!? Bạn đừng quên chính linh mục, giám mục và giáo hoàng cũng cần lãnh nhận ơn tha tội. Nói chung sáng kiến ấy Thiên Chúa dành cho hết thảy mọi người.
Cụ thể sáng kiến ấy của Thiên Chúa được trình bày nhứ thế nào? Các bạn biết chúng ta thường tuyên xưng rằng: “Tôi tin phép tha tội.” Giáo Hội có một phép rửa duy nhất để tha tội. Đó là ngày chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội để tẩy rửa sạch tội tổ tông. Kế đó là Bí tích[1] Giải Tội (Giao Hòa) nhằm giúp ta được sạch tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa cũng như với Hội Thánh. Đây là Bí tích quen thuộc với mỗi người chúng ta. Nhất là mỗi dịp mùa Vọng, hay mùa Chay về, dòng người xếp hàng để lãnh nhận ơn giao hòa thật đẹp biết bao! Từ đó, người Công giáo, kể cả các bạn trẻ may mắn có được phương thế tẩy rửa tội lỗi nơi mình. Hơn nữa, nơi bí tích này, Thiên Chúa là Đấng duy nhất ban ơn cứu độ, xóa bỏ tội lỗi và tái sinh chúng ta trong ân sủng của Người.
Ước gì mỗi người trẻ chúng ta trân quý sáng kiến này của Thiên Chúa với tất cả niềm hân hoan. Như Thiên Chúa và Giáo Hội luôn mời gọi:
“Chúng ta đừng bao giờ mỏi mệt xin ơn tha thứ của Chúa, vì khi chúng ta yếu đuối, sự gần gũi với Chúa làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn, và giúp chúng ta sống đức tin của chúng ta với niềm vui lớn lao hơn!”
Được như thế, chúng ta hy vọng tội lỗi không thể đè bẹp chúng ta trong đau khổ buồn phiền, nhưng phía trước luôn có Thiên Chúa nhẫn nại chờ chúng ta đến để được tha tội. Đừng ngại đón nhận sáng kiến tuyệt vời này của Thiên Chúa chúng ta, bạn nhé!
Để kết thúc chủ đề này, chúng ta nhớ lại lời chia sẻ thú vị của thánh Augustinô thành Hippo:
“Nếu Hội Thánh không có quyền tha tội, thì chúng ta không còn hy vọng nào, không còn hy vọng được sống đời đời và được ơn giải thoát vĩnh cửu. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho Hội Thánh một hồng ân như vậy!”
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Bí tích là dấu hiệu hữu hình của một thực tại vô hình trong đó Kitô hữu có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa có mặt ở đó để chữa chạy, tha thứ, nuôi dưỡng, làm cho mạnh sức, và giúp Kitô hữu sẵn sàng để yêu thương. Tất cả các công việc trên đều do ân sủng Thiên Chúa tác động. (Youcat, 172).
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn