Ý nghĩa của hang đá Giáng sinh.
Lúc 15g15 ngày Chúa Nhật, 1 tháng 12 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô khởi hành từ sân bay trực thăng của Vatican để bay đến Greccio cách Vatican 96km về phía Bắc. Đến nơi lúc 15g45, ngài được Đức Cha Domenico Pompili, Giám Mục giáo phận Rieti và Cha Francesco Rossi, bề trên dòng Phanxicô quản thủ đền thờ Giáng Sinh tại Greccio ra đón. Tại đền thờ này, Đức Thánh Cha đã ký Tông thư “Admirabile Signum” – Dấu chỉ tuyệt vời, giải thích về ý nghĩa của hang đá Giáng sinh.
Trong số 2, Đức Thánh Cha nhắc lại nguồn gốc Tin Mừng của hang đá Giáng sinh của Chúa Giêsu như được trình bày trong các Phúc âm. Từ nguyên ngữ Latin “Praesepium” có nghĩa là máng cỏ, Đức Thánh Cha trích dẫn lời của thánh Augustinô, người cảm thấy ấn tượng với biểu tượng của máng cỏ: Chúa Giêsu “nằm trong máng cỏ, trở thành lương thực cho chúng ta”. Và Đức Thánh Cha đã nhắc lại nguồn gốc làm hang đá giáng sinh của chúng ta ngày nay.
Tháng 12/1223, trên đường từ Roma trở về, thánh Phanxicô đã dừng chân tại Greccio, một thị trấn nhỏ của Ý. Các hang động ở Greccio gợi lại trong tâm trí thánh nhân miền quê Bêlem mà ngài đã thăm viếng trước đó. 15 ngày trước lễ Giáng sinh năm 1223, thánh nhân đã yêu cầu một người địa phương tên là Gioan giúp ngài thực hiện mong ước “tái hiện ký ức về hài nhi được sinh ra ở Bêlem, để có thể thấy với chính đôi mắt của tôi, sự nghèo khó thiếu thốn của hài nhi, cách Người nằm trong máng cỏ, và cách Người được đặt nằm trên một chiếc giường đệm cỏ với các con bò lừa đứng bên cạnh. Ngày 25/12 các tu sĩ từ nhiều nơi và dân chúng trong vùng kéo đến Greccio và trang trí nơi này với những bông hoa và những ngọn đuốc chiếu sáng đêm đen. Mọi người hiện diện vui mừng hân hoan với hang đá đầu tiên. Thánh Phanxicô đã cử hành Thánh lễ trên mang cỏ, chứng tỏ sự liên kết giữa mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa và bí tích Thánh Thể.
Trong số 3, Đức Thánh Cha nhận định: “Thánh Phanxicô, bằng sự đơn giản của dấu hiệu đó, đã thực hiện một công việc truyền giáo tuyệt vời. Giáo huấn của ngài đã đi vào trái tim của các Kitô hữu và vẫn tồn tại cho đến thời đại của chúng ta như một hình thức chân chính để tái tạo vẻ đẹp đức tin của chúng ta bằng sự đơn giản.”
Tại sao hang đá Giáng sinh khơi dậy sự ngạc nhiên và xúc động nơi chúng ta? Đức Thánh Cha giải thích: “Hang đá khơi dậy rất nhiều điều kỳ diệu và khiến chúng ta cảm động bởi vì nó biểu lộ sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng hạ mình đến với sự nhỏ bé của chúng ta, Đấng trở nên nghèo khó để mời gọi chúng ta đi theo con đường khiêm nhường để gặp và phục vụ Người với lòng thương xót dành cho những anh chị em nghèo khổ nhất”. (Hồng Thủy – Vatican).
Bên Hang Đá, thinh lặng chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu giang đôi tay chúc lành; Máng Cỏ Bêlem tỏ bày nhiều ý nghĩa.
Trong máng cỏ có Chúa Giêsu bé nhỏ. Đức Thánh Cha nhận xét: Việc làm của Thiên Chúa thì không thể đoán trước được, nằm ngoài kế hoạch của chúng ta và “Người tỏ mình ra như một đứa trẻ, để chúng ta ôm nhận Người trong vòng tay của mình. Bên dưới sự yếu đuối và mong manh, Người che giấu sức mạnh của mình, sức mạnh tạo ra và biến đổi mọi thứ bằng tình yêu. Hang đá làm cho chúng ta thấy, khiến chúng ta chạm vào sự kiện độc đáo và phi thường này, đã thay đổi tiến trình lịch sử”.
Hài nhi nằm trong máng cỏ biểu thị sự yếu đuối của Thiên Chúa. Một sự yếu đuối mà Người đã tự ý chọn lựa. Thiên Chúa trong hình hài một bé thơ. Một Thiên Chúa yếu đuối. Trí khôn con người không thể nào hiểu và chấp nhận nổi. Mọi lý luận đều bất lực trước nghịch lý thần linh này. Thiên Chúa Đấng khôn tả của triết học bỗng dưng trở thành diễn tả được.Thiên Chúa Đấng vô hình của tôn giáo đã chọn cho mình một thể thức xuất hiện hữu hình. Thiên Chúa Đấng cứu độ đã mạc khải qua các ngôn sứ giờ đây ngỏ lời trực tiếp với con người qua Hài Nhi bé bỏng nắm trong Máng Cỏ. Chúng ta hãy từ bỏ ngôn ngữ của lý tính ở đây và thinh lặng để cho con tim thán phục. May chi ngôn ngữ tình yêu có thể bập bẹ đuợc điều gì đó chăng? Quả thực, sự yếu đuối của Thiên Chúa là sự yếu đuối của tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ dưới những hình thức khác nhau, như lòng thương xót, lòng trắc ẩn và sự âu yếm. Một Thiên Chúa uy quyền trong sự yếu đuối của tình thương…Chúa Giêsu, Vua Vũ Trụ lên ngôi trên thập giá.Thành công cuối cùng của Chúa Cứu Thế là sự phục sinh nằm bên kia cái chết, và con đường dẫn tới đó phải khởi đi từ Máng Cỏ đến Núi Sọ.
Cảnh Giáng sinh còn có các quang cảnh, các mục đồng, các thiên thần, ngôi sao chỉ đường, những người nghèo. Cũng thường có những cảnh quan với những ngôi nhà và tòa nhà cổ đổ. Đức Thánh Cha giải thích, đó là “một dấu hiệu hữu hình của nhân loại sa ngã” mà Chúa Giêsu đã đến “để chữa lành và xây dựng lại”. Có những ngọn núi, dòng suối, chiên cừu, đại diện cho tất cả công trình sáng tạo tham gia vào ngày hội Đấng Thiên Sai đến. Các thiên thần và sao chổi là dấu hiệu cho thấy “chúng ta cũng được kêu gọi lên đường đến hang đá và thờ lạy Chúa”.
Trong đêm Giáng Sinh, Sứ thần loan báo cho các mục đồng: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa“ (Lc 2, 11). Khung cảnh thật đơn sơ, thanh bạch, nghèo hèn: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,12).
Mẹ Maria và Thánh Giuse vất vả một hành trình xa xôi từ Nadarét về Bêlem để kê khai nhân hộ khẩu. Các quán trọ khinh người nghèo hất hủi. Hài Nhi Giêsu chào đời nơi đồng hoang giá lạnh. Chẳng có ai thân thích. Chỉ có các mục đồng và bò lừa sưởi ấm. Chẳng có gì kỳ diệu, không có gì ngoại thường, không có gì huy hoàng được trưng dẫn như một dấu chỉ cho những mục đồng. Tất cả những gì họ thấy chỉ là một Hài Nhi bọc tã, một hài nhi như bao hài nhi khác, cần sự chăm sóc của người mẹ; một Hài Nhi sinh ra trong chuồng súc vật, và như thế, không nằm trong nôi nhưng là trong máng cỏ. Dấu chỉ của Thiên Chúa là một hài nhi cần sự trợ giúp và đang sống trong nghèo khó. Chỉ bằng con tim, những mục đồng mới có thể thấy nơi hài nhi này sự viên mãn lời hứa của tiên tri Isaia: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai” (Is 9,5).
Dấu chỉ của Thiên Chúa thật là đơn sơ. Đó là một Hài Nhi mới sinh. Dấu chỉ của Thiên Chúa là Ngài trở nên bé nhỏ vì chúng ta. Ngài không đến với quyền lực và một bề ngoài xa hoa. Ngài đến như một hài nhi cần sự giúp đỡ của chúng ta. Ngài không muốn choáng ngợp chúng ta với sức mạnh của Ngài. Vì thế, Ngài đã hóa chính mình thành nhỏ bé. Ngài không muốn điều gì khác nơi ta ngoại trừ tình yêu, qua đó chúng ta phải học biết cách tiếp cận với cảm giác, tư duy và ý chí của Ngài. Chúng ta học biết sống với Ngài và thực hành với Ngài sự khiêm hạ từ bỏ mình là điều tinh túy nhất của tình yêu. Ngài đã hóa thành nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu Ngài, chào đón Ngài, và yêu thương Ngài.
Trong các số từ 4-9, Đức Thánh Cha giải thích về ý nghĩa của các dấu hiệu và các nhân vật được đặt trong hang đá. Trước hết là bầu trời đầy sao trong bóng tối và trong sự im lặng của màn đêm: đó là đêm đen đôi khi bao quanh cuộc sống của chúng ta. Đức Thánh Cha viết: “Dù vậy, ngay cả trong những khoảnh khắc đó, Thiên Chúa không để chúng ta đơn độc, mà Người hiện diện và mang ánh sáng đến nơi chìm trong bóng tối và chiếu sáng những người vượt qua bóng tối của đau khổ”.
Hài Nhi giáng sinh là một sự kiện đặc biệt của lịch sử nhân loại, là sự “hoàn tất” Lời Hứa của Thiên Chúa, là trung tâm của nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa, là đỉnh cao và là chủ đích của Thánh Kinh.
Chính nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn toàn tỏ mình và ban chính mình cho nhân loại. Ngôi Lời Nhập Thể là tuyệt đỉnh thời gian viên mãn đối với Ba Ngôi Thiên Chúa.
Hài Nhi Giêsu đã trở nên một sự tái tạo mới. Tái tạo khởi đi từ tha thứ và yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.Đức Thánh Cha khẳng định: “được sinh ra trong máng cỏ, chính Thiên Chúa bắt đầu cuộc cách mạng thực sự và duy nhất mang lại hy vọng và phẩm giá cho những người bị khinh miệt, bị gạt ra bên lề: đó là cuộc cách mạng của tình yêu, cuộc cách mạng của sự dịu dàng”.
Mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Cứu Độ làm nên trọng tâm sứ điệp của đức tin Kitô giáo. Từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, Giáo Hội công bố niềm tin ấy dọc dài thời gian giữa những thách đố của thế giới. Giáo Hội uỷ thác cho con cái mình như kho tàng quí giá để gìn giữ và chia sẻ cho người khác. Nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh ra tại Bêlem, Thiên Chúa nhận lấy thân phận con người, để chúng ta có thể đến được với Thiên Chúa và để thiết lập giao ước với loài người và con người giao ước liên đới với nhau.
Giáng Sinh, đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của tình yêu cứu độ.Thiên Chúa làm người, nối nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, bắc nhịp cầu nối liền giữa con người với nhau.Thiên Chúa yêu thương con người và muốn mọi người đáp lại bằng lòng yêu mến Ngài và yêu thương nhau. Máng Cỏ luôn làm cho con người thổn thức bùi ngùi xúc động, vì đối diện với một Tình Yêu khiêm tốn. Máng Cỏ mang ý nghĩa của thập giá và hướng về mầu nhiệm Thánh Thể. Qua Hài Nhi Giêsu trong Máng Cỏ Bêlem, chúng ta hiểu được phần nào tâm tình của Thiên Chúa muốn ngỏ với loài người.Qua Máng Cỏ Bêlem, Thiên Chúa trở nên thật gần gũi và đáng yêu. Từ suối nguồn yêu thương của Thiên Chúa “tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16).Tình yêu thương ấy là ánh sáng soi đường và là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn chúng ta. Niềm vui giáng sinh không nhất thiết phải đến từ những bữa tiệc thịnh soạn hay khung cảnh huy hoàng lộng lẫy bên ngoài. Niềm vui giáng sinh đến từ nội tâm khi chiêm ngắm Máng Cỏ Bêlem.
Đức Thánh Cha kết luận trong số 10, số cuối cùng: “Hang đá là một phần của quá trình quý giá và đòi hỏi của việc loan truyền đức tin”: không quan trọng là nó được làm như thế nào, “điều quan trọng là nó nói với cuộc sống của chúng ta”, nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta , “Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một hài nhi để nói với chúng ta rằng, Người gần gũi với con người, dù chúng ta ở trong bất cứ hoàn cảnh nào” và nói với chúng ta rằng “hạnh phúc ở nơi chính điều này”.
Noel này, bạn hãy dừng lại nơi hang đá máng cỏ, dành thời gian thinh lặng để ngắm nhìn và suy niệm, bạn sẽ khám phá thật nhiều sự kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa nhập thể làm người và ở cùng chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn