Lúc 7 sáng thứ Bẩy 4 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những ai đang mưu toan lợi dụng tình cảnh khủng hoảng hiện nay để làm giàu bất chính.

Mở đầu thánh lễ thứ Bẩy tuần Thứ Năm Mùa Chay được truyền hình trực tiếp từ nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha nói:

Trong những thời khắc hỗn loạn, khó khăn và đau khổ này, mọi người nhìn thấy có thể làm việc này hay việc khác, nhiều việc trong số đó rất tốt lành. Tuy nhiên, cũng xảy ra là một số người có thể có ý tưởng làm một việc gì đó không tốt, để lợi dụng tình hình, để thu lợi cá nhân từ tình hình này. Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho mọi người một lương tâm ngay thẳng và minh bạch, để họ có thể để cho Chúa nhìn đến họ mà không phải xấu hổ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã giải thích về cách thứ cám dỗ hoạt động trong chúng ta, sử dụng các thầy thông luật và các thượng tế được đề cập đến trong bài Phúc âm làm ví dụ

PHÚC ÂM: Ga 11, 45-56

“Ðể quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giêsu. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: “Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta”. Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: “Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối.

Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do Thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: “Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?” Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Cám dỗ thường bắt đầu với những cảm giác bồn chồn nhỏ. Trong trường hợp của các thầy thượng tế, sự bồn chồn bắt đầu trong trường hợp của Thánh Gioan Tẩy Giả. Nhưng vì thánh nhân không gây ra hậu quả gì, nên họ để yên cho ngài. Nhưng sau đó đến Chúa Giêsu, người mà Thánh Gioan đã hết lời ca tụng.

Ngài bắt đầu thực hiện các dấu chỉ và phép lạ, nhưng trên hết là nói chuyện với mọi người. Và họ hiểu, và đi theo Ngài. Nhưng Chúa Giêsu không phải lúc nào cũng tuân thủ luật pháp. Đây là điều khiến họ bồn chồn không yên.

Sau đó thử thách bắt đầu nổi lên. Đôi khi những câu hỏi của họ hướng đến Chúa Giêsu khiến họ ngạc nhiên về sự khôn ngoan của Ngài, như trong trường hợp người phụ nữ có bảy người chồng (xem Mt 22: 23-34). Những lần khác, họ bị sỉ nhục, như trong trường hợp người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình (xem Gia 8: 1-11). Khi thấy mọi thứ đều không đi đến đâu, họ đã sai lính đến bắt Ngài. Ngay cả những người lính cũng đã bị quyến rũ bởi những gì Chúa Giêsu nói. Một số người tin vào Chúa Giêsu, những người khác đi báo cáo Ngài với chính quyền.

Cuối cùng cũng đến lúc mà các thượng tế phải đưa ra quyết định để thanh toán Chúa Giêsu.

Ông ta nguy hiểm quá, chúng ta phải đưa ra quyết định. Chúng ta nên làm gì? Tên này thực hiện nhiều dấu hiệu lạ - như thế là họ nhận ra phép lạ - nhưng họ nói nếu chúng ta để tên này tiếp tục, mọi người sẽ tin vào hắn. Thế thì nguy hiểm quá. Người ta sẽ ùn ùn theo hắn và họ sẽ lìa bỏ chúng ta - người La Mã sẽ đến và phá hủy các đền thờ của chúng ta và quốc gia của chúng ta. Có một số sự thật ở đây, nhưng không phải là toàn bộ sự thật. Đó là một sự ngụy biện nhằm biện minh cho những hành động của họ.

Sau khi đã phác thảo quá trình này diễn ra như thế nào trong các nhà lãnh đạo vào thời Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng cách thức các cơn cám dỗ hoạt động trong chúng ta cũng y như thế. Nó bắt đầu với một mong muốn hay một ý tưởng nhỏ nào đó. Sau đó, nó trở nên mạnh mẽ hơn, để rồi, nó bắt đầu lây nhiễm cho người khác. Cuối cùng, chúng ta tự biện minh cho mình. Biện minh là hành động cần thiết nhằm trấn an và ru ngủ lương tâm chúng ta.

Có một loại thuốc giải độc cho quá trình này. Nó bao gồm việc xác định quá trình này đang hoạt động trong chúng ta, quá trình này đang làm thay đổi trái tim của chúng ta, từ tốt lành thành xấu xa. Thật hiếm, khi cám dỗ xuất hiện ngay lập tức. Ma quỷ thường đi theo con đường này với chúng ta.

Khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang ở trong tội lỗi, chúng ta phải bừng dậy, đi và xin Chúa tha thứ. Đây là bước đầu tiên mà chúng ta phải thực hiện. Sau đó, chúng ta nên tự hỏi mình, ‘Làm thế nào tôi lại rơi vào cái nông nỗi này? Làm thế nào quá trình này bắt đầu trong tâm hồn tôi? Làm thế nào nó phát triển? Tôi đã lây nhiễm cho ai? Cuối cùng, làm thế nào mà tôi lại đi tự biện minh cho sự gục ngã của mình?

Trước khi kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ chúng ta rằng cuộc sống của Chúa Giêsu, luôn luôn là một ví dụ cho thấy những gì xảy ra với Chúa Giêsu cũng sẽ xảy ra với chúng ta. Lời cầu nguyện cuối cùng của Ngài được hướng đến Chúa Thánh Thần.

Xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta để có được nhận thức nội tâm này.
 
Source:Vatican NewsPope at Mass: the fight against temptation