Chúa hay tiền ?

Thứ tư - 17/11/2021 05:23
CHÚA HAY TIỀN ?

Lm.Anphong Nguyễn công Vinh

1.Là con người ai cũng có tính tham lam[1], tiếng Hi lạp là Pleonezia có nghĩa là muốn nhiều hơn nữa. Tham lam là ước muốn thái quá đối với tiền bạc của cải vật chất. Theo nghĩa hẹp, tham lam là quá thiết tha nắm giữ của cải thay vì dùng chúng vào những mục tiêu xứng đáng. Của cải mà con người muốn thu giữ là tiền bạc. Tiền bạc có nhiều bộ mặt, là: nhà cửa, xe cộ, nữ trang, đồ dùng, của ăn, quyền lực…Người ta nói: Có tiền mua tiên cũng được; có tiền là có quyền vì sai khiến được người khác; kẻ nghèo nói không ai nghe, người giàu chỉ mới ho một tiếng đã có nhiều người chạy lại. Vì thế, tiền bạc là cám dỗ lớn lao cho hết mọi người trong mọi thời đại. Đồng tiền chất chứa những điều thật tốt đẹp cũng như những điều thật ghê tởm. Nơi nó vừa có thiện vừa có ác. Người ta coi nó như phương thế toàn năng để thành đạt mọi chuyện ở đời, có khi cả tình yêu và hạnh phúc. Người ta tìm kiếm nó bằng mọi cách, không ngừng nghỉ và một khi rơi vào vòng mê tham tiền bạc, thì dám phạm mọi tội ác, dùng mọi thủ đoạn để có tiền. Trong những ngày dịch bệnh, những phương tiện thông tin đăng tải nhiều tội ác: làm khẩu trang giả, làm thuốc giả, làm sổ sách giả để lấy thuốc bán ngoài, ăn chận tiền, phần ăn của người bệnh, người nghèo, nhiều lắm…mở mạng ra mà xem. Trong khi người bệnh lây lất, không có thuốc thì bọn tham lam, vô lương tâm vơ vét tiền tỷ, đem về cho gia đình, vợ con, làm giàu trên cái chết của người khác.

2.Tội tham lam nầy không phải bây giờ mới có. Kinh Thánh Cựu Ước đã kể đến và tố cáo tội ác nầy từ xưa rồi[2]. Bọn buôn bán gian tham: bất lương (x.Hc 26,29-,27,1); đàn áp người nghèo, làm cân nặng thêm, lệch cân, thu đấu nhỏ lại, ép cầm cố thế chấp, bán lúa gạo mục nát…(x.Am 8,5-8), đòi quà hối lộ, ức hiếp kẻ nghèo tại cửa công (5,12); dùng tiền lừa đảo tậu hết nhà nọ đến nhà kia, mua đất đầu cơ (x.Is 5,8; Mk 2,2.9); không tính công thợ, không trả thù lao (x.Gr 22,13); các thủ lãnh đồng loã cùng bọn trộm cướp, thích ăn hối lộ, không phân xử công minh (x.Is 1,23; 5,23; Mk 7,3…). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến nguồn cội của mọi thứ tham lam là từ trong tâm hồn và Người bảo : “Hãy giữ mình tránh mọi thứ tham lam” (Lc 12,15); tránh hối lộ: ví dụ người quản lý bất lương (15-21); đưa đến keo kiệt, bần tiện (x.2Cr 9,5). Thánh Phaolô thường liên kết tính tham lam của cải với những lộn xộn xác thịt (1Cr 5,10tt; 6,9; Rm 1,29; Cl 3,5; Ep 5,3.5); nó bóp nghẹt Lời Chúa ( Mc 4,19) và loại chúng ta ra khỏi hàng ngũ của Chúa.

3.Trong xã hội hiện tại chúng ta đang sống, tiền bạc trở thành tiêu đề và là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người. Người ta đánh giá nhau qua sự giàu có. Kẻ nào có nhiều tiền, nhiều nhà cửa, nhiều xe sang…thì kẻ ấy có giá trị, đáng kính nể, cho nên đua nhau kiếm tiền! Thật sự không có tiền là khổ. Bạn đang đầy đủ, thì bạn không thể có cảm giác khổ sở của một người có bữa trưa mà không có bữa tối; của một người cứ ít ngày lại bị người ta hỏi nợ; của một người bệnh nặng mà không có tiền mua thuốc chữa trị; của một người không có nơi nương tựa, không có ngày mai. Nhưng có tiền cũng chưa hẳn sung sướng. Hằng ngày, có biết bao nhiêu chuyện nói về đau khổ của những người giàu: thiện ác giao chiến trong họ, phá sản, không hạnh phúc, bị phản bội, tù tội vì làm ăn phi pháp. Nhiều khi bạn có cảm giác ganh tị với những người có nhà cao cửa rộng, vàng bạc đầy người, êm ái trong chiếc xe hơi sang trọng, và bạn nghĩ rằng họ thật hạnh phúc, họ thoả mãn tràn đầy. Không phải hoàn toàn thế đâu, sự thật khác lắm, cuộc đời họ có nhiều góc khuất mà bạn không biết. Ngày 17/11/2021, báo VNEXpress đăng tải: Tỷ phú công nghệ Mỹ Jeff. Green 44 tuổi đã lý thoả thuận từ thiện 90% số tài sản 6 tỷ USD của mình, ngay khi ông qua đời, vì tiền không mua được hạnh phúc, nhưng có thể giúp đỡ mọi người.

4.Thánh Phaolô nhắc nhở sự tham lam của cải làm cho chúng ta không xứng danh Kitô hữu và lòng mê đắm tiền bạc là cội rễ của mọi điều xấu xa (1Tm 6,10). Ngài quả quyết rằng mình không chút ham hố nào về vật chất (1Tx 2,5; Cv 20,33); Ngài cố gắng tự sống bằng lao động của mình, không nhờ vả ai, để làm chứng điều đó (Cv 29,34; 1tx 2,9; 1Cr 9,6-14; 2Cr 11,9). Ngài nêu gương buông bỏ nầy cho các cộng sự viên của mình và khuyến dụ: các giám quản (1Tm 3,3; Tt 1,7); các phó tế (1Tm 3,8) không được tìm kiếm của cải, tư lợi thấp hèn. Ngài cũng dạy hãy cảnh giác những người, vì ham lợi lộc thấp hèn, dạy giáo lý sai lạc, (Tt 1,11; 2Tm 3,2); hạng người coi đạo như là một nguồn lợi (1Tm 6,5). Lời khuyên nầy cũng phải nằm lòng với chính bản thân chúng ta. Vì mặc dầu đã dâng hiến đời mình cho Chúa và khấn hứa nghèo khó, nhưng vẫn còn là con người, nên dễ bị vật chất, những tiện nghi lôi kéo và nhiều khi không thành thật với Chúa trong tiền bạc, cuả cải. Một lần kia tôi nói với một người dâng hiến cho Chúa mà tôi giới thiệu đi tu: “Con nhớ, đi tu mà không lo làm việc cho Chúa, cho Giáo Hội, chỉ lo làm cho có tiền thì sai với ơn gọi của mình đó”. Người ấy đáp một cách nhanh chóng gọn gàng, như đã thuộc bài trước: “Thưa Cha, chúng con cũng phải làm để có tiền mà sống chớ”. Tôi hỏi: “ Đồng ý cần có tiền để sống, nhưng sống để làm gì? Sống để làm ra tiền rồi để sống, để xây nhà xây cửa, sắm đầy đủ tiện nghi, chừng đó sao? Nếu chỉ có thế thì tu làm gì?”. Thật sự, nhiều khi chúng ta cho rằng chúng ta nghèo, nhưng chúng ta không phải là những người nghèo. Người nghèo là người không có bảo đảm gì cả về của ăn, áo mặc, nhà cửa, phương tiện. Chúng ta thì luôn có những bảo đảm đó cho mình nơi Giáo Hội, nơi Tập Thể của mình: có bao giờ thiếu ăn,thiếu mặc, bệnh tật đã có người lo, mọi chuyện mình không phải lo gì cả, nhà cửa cao ráo sang trọng, xe máy, xe hơi. Đó là cuộc sống của người giàu, chứ đâu phải của người nghèo. Tập thể giàu, cá nhân cũng giàu!

5.Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn cảnh giác về sự tham lam của cải và Người làm gương về điều đó bằng nếp sống giải dị, nghèo khó của Người. Sinh ra nơi hang nuôi bò lừa; sống thì không nhà cửa: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20; Lc 9,58); chết thì không có mộ phần, phải nhờ lòng hảo tâm của người khác (x.Mt 27,57-60). Người dạy về sự tham lam: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì giàu có mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15); khó vào Nước Trời: “ Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (x. Mt 19,23-26); về điều kiện để theo Người: “ Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi” (x. Mt 19,16-22); khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu dặn họ phải thanh thoát khỏi của cải, phương tiện vật chất: “ Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy” (x.Mt 10,5-16); về nếp sống lý tưởng của người tín hữu: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3; Lc 6,20). Con rất nhiều giáo huấn của Chúa Giêsu về điều nầy trong Tin Mừng.

6. Vì thế, để tin Chúa và theo Chúa trọn vẹn, thì phải giũ bớt bụi bặm trần gian, nhất là bụi bặm bạc tiền của cải. Bạn có nhiều lý do để biện minh cho việc thu giữ tiền bạc và sử dụng phương tiện vật chất. Điều nầy không tranh cãi, mỗi người tự xét để thấy lý do nào là chính đáng, cần thiết cho mình. Một cuộc sống đơn giản thanh thoát, ít lòng tham, chỉ dùng những gì cần thiết, bằng lòng với những gì mình đang có, sẽ làm cho bạn bớt bận tâm và khoẻ khoắn. Bớt đi những tham lam cũng giúp bạn dễ nhìn thấy những nhu cầu thiết yếu của người nghèo và sẵn sàng chia sẻ cho họ. Ngược lại, lòng tham thường che mắt chúng ta trước nỗi đau khổ của người khác. Mỗi ngày trong kinh Lạy Cha, bạn chỉ xin hằng ngày dùng đủ, nhưng trong cuộc sống bạn lại làm khác, quên lời Chúa dạy!

*Có một ông nhà giàu kia mới phất lên nhưng lại hết sức ích kỷ và keo kiệt. Một hôm, ông chợt nhận ra mình sống quá dư dật sung túc mà hình như vẫn còn thiếu một thứ duy nhất, đó là hạnh phúc, bởi ông thấy thật sự mình cô độc. Ông bèn tìm đến một nhà hiền triết để xin tham vấn.

Nhà hiền triết chậm rãi bảo: “ Ông thử nhìn qua khung kính cửa sổ kia và nói cho tôi biết ông thấy những gì nào? Ông nhà giàu làm theo và trả lời: Tôi chỉ thấy người ta đang qua lại ngoài đường. Nhà hiền triết lại đưa cho ông ta một cái gương soi: Bây giờ thì ông nhìn thấy gì trong chiếc gương nầy? Ông ta đáp: tôi nhìn thấy chính tôi. Nhà hiền triết im lặng một lát rồi hỏi lại: Ông thử nhìn kỹ lại xem, thế ông không còn nhìn thấy ai khác nữa sao? Ông nhà giàu soi lại tấm gương một lần nữa rồi quả quyết: không, tôi chỉ nhìn thấy có một mình tôi mà thôi.

Đến  đây thì nhà hiền triết mới diễn giải: ông cần hiểu rằng cả kính cửa sổ kia và tấm gương soi nầy đều làm bằng chất liệu thuỷ tinh. Tuy nhiên, tấm gương soi còn được tráng thêm một lớp sơn bạc ở mặt sau, để khi nhìn vào thì ông chỉ thấy có ông mà thôi. Trái lại, ông có thể trông thấy mọi người ngoài kia khi ông nhìn qua lớp kính trong vắt ở khung cửa sổ. Cũng vậy, khi còn nghèo ông thấy mọi người chung quanh và có thâm tình với họ. Thế rồi khi ông đã tráng lên mình ông một lớp sơn của tiền bạc, vật chất, thì ông chỉ còn thấy có minh ông mà thôi. Vì thế, ông hãy vứt bỏ lớp áo giàu có đi, ông sẽ tìm lại được hạnh phúc trong đời, hạnh phúc được ở giữa tha nhân anh em của mình.
                                                        
***
Một cuộc sống buông bỏ là một cuộc sống đơn giản. Một cuộc sống đơn giản đem lại sự thanh thản và hạnh phúc. Bạn và tôi, chúng ta phải cố gắng về điều nầy.

                                                          (Vinh An, tản mạn mùa Covid 21)
*Xin chia sẻ cho người khác
 

[1] X. Lm.Anphong Nguyễn công Vinh, Trẻ Mãi Không Già, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2012.
[2] X.VTB, Cupidité.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây