Thánh nữ Mácta. Lễ nhớ.

Thứ ba - 28/07/2020 07:39

Thánh nữ Mácta. Lễ nhớ.

"Mát-ta đã đón Chúa vào nhà mình, Maria đã chọn phần tốt nhất".

 

Mácta là chị của cô Maria và ông Lagiarô ở Bêtania. Trong sách Tin Mừng, thánh nữ xuất hiện ba lần: lần thứ nhất trong bữa ăn ở Bêtania, khi cùng với cô em là Maria tiếp đãi Đức Giêsu; lần thứ hai khi ông Lagiarô được Chúa cho phục sinh, lúc đó thánh nữ đã tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giêsu; và lần cuối trong bữa tiệc đãi Chúa Giêsu sáu ngày trước lễ Vượt Qua.

Trong cả ba câu chuyện, ta luôn thấy thánh nữ đóng vai trò chủ nhà.

 

Lời Chúa: Lc 10, 38-42

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Mát-ta rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người.

Mát-ta bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Mát-ta, Mát-ta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất".

 

 

SUY NIỆM 1: Đón Người vào nhà

Suy niệm:

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khuôn mặt Maria khá nổi bật.

Chúng ta dễ thấy là Thầy Giêsu nghiêng về cô em hơn.

Mácta đón Thầy vào nhà trong tư cách là chị.

Còn Maria sau đó là người tiếp Đức Giêsu.

Maria thanh thản, lặng lẽ ngồi bên chân Thầy để lắng nghe.

Còn chị Mácta thì ngược lại.

Hẳn là chị phải xuống bếp ngay để lo bữa ăn.

Cuộc viếng thăm của Thầy Giêsu và các môn đệ là khá bất ngờ.

Làm sao để đãi một số vị khách như thế?

Đó là mối lo chính đáng của chị Mácta.

Mácta là người đảm đang, thạo việc, nhanh nhẹn.

Nhưng trong tình thế này, chị thấy rất cần sự giúp đỡ của cô em.

Rõ ràng là Mácta bị cuống lên vì thấy mình có nhiều việc phải làm gấp.

Chị không muốn khách phải chờ đợi lâu,

và chị cũng muốn đãi khách một bữa ăn tương đối thịnh soạn.

“Xin Thầy bảo em giúp con một tay!”

Đó là ước mơ của Mácta, rất đỗi bình thường.

Tiếc thay, Thầy Giêsu lại đang kể chuyện cho Maria,

và cô này đang lắng nghe một cách thích thú (c. 39).

Nhờ Thầy kêu em xuống bếp là phá vỡ câu chuyện còn dang dở của Thầy.

Mácta bị mối lo về bữa ăn chi phối khiến chị quên cả lịch sự cần có.

Chị quên rằng Thầy Giêsu không chỉ cần bữa ăn, mà còn cần tình bạn.

Và tiếp khách cũng là một cách phục vụ không kém giá trị.

Thầy Giêsu nhìn thấy sự căng thẳng, lúng túng của Mácta.

và nhận ra lòng tốt của chị, khi chị muốn dọn một bữa ăn xứng đáng.

Thầy gọi tên chị hai lần cách trìu mến: Mácta, Mácta.

Ngài nhẹ nhàng trách chị vì đã lo lắng băn khoăn về nhiều chuyện quá.

“Chỉ cần một chuyện thôi. Maria đã chọn phần tốt hơn” (c. 42).

Thầy Giêsu không bảo rằng điều Mácta làm là điều không tốt.

Chắc chắn Thầy và trò đều cần bữa ăn ngon sau những ngày rong ruổi.

Nhưng ngồi nghe Thầy vẫn là điều tốt hơn, cần hơn.

Vì thế Thầy sẽ không kêu cô em xuống bếp để phụ giúp cô chị.

Điều mà Maria đã chọn, chẳng ai có thể lấy đi.

Chị Mácta là thánh nữ được tôn kính trong Giáo Hội.

Chúng ta phải bắt chước chị qua công việc tận tụy và đầy trách nhiệm.

Nhưng chúng ta phải làm một cách an bình, khiêm tốn, vui tươi,

không coi việc mình làm là quan trọng hơn việc người khác.

Cuộc sống hôm nay dễ làm ta trở nên Mácta, bị đè nặng bởi công việc.

Nhưng phải cố dành giờ để làm Maria mỗi ngày.

Phải thu xếp để khỏi phải ở dưới bếp quá lâu, để có người thay mình.

Đời sống của người Kitô hữu là kết hợp của Mácta và Maria.

Vừa đón, vừa tiếp; vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa;

nhưng dù hoạt động hay cầu nguyện, lúc nào cũng hướng về Chúa.

 

Cầu nguyện:

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,

xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,

xin cho con quý chuộng những lúc

được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,

xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa

để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,

xin cho con thoát được lên cao

nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,

ước gì tinh thần cầu nguyện

thấm nhuần vào cả đời con.

Nhờ cầu nguyện,

xin cho con gặp được con người thật của con

và khuôn mặt thật của Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

SUY NIỆM 2: Chiêm Niệm Và Hoạt Ðộng

"Mácta, con lo lắng chi nhiều việc chỉ có một điều cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất rồi". Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Mácta đáng cho chúng ta suy nghĩ thêm. Các nhà chú giải đề ra hai điểm:

Trước hết Chúa Giêsu không có ý định giảm giá trị của việc đón rước Chúa mà Mácta đang làm, nhưng Ngài trực tỉnh Mácta về nguy hiểm mà chị đang lao vào đó là thái độ ganh tị. Kế đến Chúa Giêsu làm nổi bật một điểm tốt mà Maria đã rút ra từ hoàn cảnh, đó là đến ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Người nói.

Việc lắng nghe có ưu tiên hơn "vì con người không chỉ sống nguyên bởi bánh mà thôi nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Vì thế hãy tìm Nước Thiên Chúa trước, rồi mọi sự khác sẽ được ban cho dư đầy" (Mt 4,4). Tuy nhiên, Chúa Giêsu không đề ra một sự chọn lựa giữa một trong hai điều hoặc thái độ làm việc của Mácta hoặc thái độ chiêm niệm của Maria để rồi chỉ chấp nhận có một thái độ duy nhất của Maria thôi.

Không có sự đối nghịch giữa hoạt động và chiêm niệm trong đời sống của người Kitô, bởi vì cả hai đều phát xuất từ một nguồn mạch là Lời Chúa và cùng hướng đến một việc, một mục tiêu là phục vụ Nước Chúa. Việc lắng nghe Lời Chúa được hướng đến hành động và hành động cần được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Ðây là hai khía cạnh của mối phúc thật "lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa". Ðó là khi trả lời cho người phụ nữ trong dân chúng cất tiếng chúc tụng Mẹ Chúa cũng như khi trả lời cho những kẻ báo tin cho Chúa biết là có Mẹ và anh em Chúa đang chờ, nhưng Chúa trả lời "những kẻ nghe Lời Chúa mà đem ra thực hành, kẻ đó mới là Mẹ Ta và anh em Ta" (Mt 12, 50).

Hai chị em Mácta và Maria nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô cũng như cho mọi người Kitô qua mọi thời đại về hai thái độ luôn bổ túc cho nhau. Ðể tiếp nhận Lời Chúa hiện diện nơi chính Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ cầu nguyện chiêm niệm mà thôi, cũng không phải chỉ có hoạt động vì hoạt động. Nhưng chiêm niệm và hoạt động phải là hai chiều kích luôn được kết hợp với nhau của cùng một chức vụ, đây là hai yếu tố không thể nào thiếu vắng đi được trong việc theo Chúa.

Trong những hoàn cảnh cụ thể và tùy theo hoàn cảnh ấy, người đồ đệ Chúa có thể hòa hợp việc làm một cách cụ thể giữa cầu nguyện và hoạt động theo một chương trình riêng. Nhưng thật là sai lầm nếu chúng ta muốn canh tân Giáo Hội mà không cầu nguyện, nghĩa là không lắng nghe Lời Chúa, không đối thoại với Ngài, ngõ hầu để hoạt động của chúng ta có thể trổ sinh kết quả. Người đồ đệ của Chúa cần dành thời giờ im lặng để lắng nghe Lời Chúa và đối thoại với Ngài. Trong ý nghĩa này chiêm niệm là phần tốt nhất mà Maria đã chọn, nhưng không phải tách rời ra khỏi việc làm. Ðức tin phải có sức tác động qua đức bái ái. Ðàng khác, cầu nguyện không làm cho người đồ đệ xa lạ với cuộc sống và những vấn đề của con người, nhưng ngược lại cầu nguyện làm cho người đồ đệ có thêm sức mạnh hoạt động biến đổi xã hội, ngõ hầu Thiên Chúa được tôn vinh và con người được hạnh phúc.

Lạy Chúa,

Xin giúp chúng con hiểu và thành công hòa hợp được hai yếu tố không thể tách rời của đời sống Kitô đích thực là làm việc và cầu nguyện. Ước chi việc chúng con làm đều phát xuất từ lời cầu nguyện là việc lắng nghe Lời Chúa và được nâng đỡ bởi sức mạnh của Chúa, sức mạnh trao ban trong những giây phúc chúng con trở về lắng nghe Chúa nói.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Thánh Mát-ta

“Đức Giêsu yêu quý Mácta, Maria và Lagiarô”. Câu nói độc đáo này trong Phúc Âm của Thánh Gioan cho chúng ta biết về sự tương giao đặc biệt giữa Ðức Giêsu và Mácta, người em Maria, và người anh Lagiarô của thánh nữ.

Hiển nhiên, Ðức Giêsu là người khách thường xuyên đến nhà Mácta ở Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng hai dặm. Chúng ta thấy ba lần đến thăm của Ðức Giêsu được nhắc đến trong Phúc Âm Luca 10,38-42, Gioan 11,1-53, và Gioan 12,1-9.

Nhiều người dễ nhận ra Mácta qua câu chuyện của Thánh Luca. Khi ấy, Mácta chào đón Ðức Giêsu và các môn đệ vào nhà của mình, và ngay sau đó Mácta chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách là điều rất quan trọng trong vùng Trung Ðông và Mácta là điển hình. Thử tưởng tượng xem ngài bực mình biết chừng nào khi cô em Maria không chịu lo giúp chị tiếp khách mà cứ ngồi nghe Ðức Giêsu. Thay vì nói với cô em, Mácta xin Ðức Giêsu can thiệp. Câu trả lời ôn tồn của Ðức Giêsu giúp chúng ta biết Người rất quý mến Mácta. Ðức Giêsu thấy Mácta lo lắng nhiều quá khiến cô không còn thực sự biết đến Người. Ðức Giêsu nhắc cho Mácta biết, chỉ có một điều thực sự quan trọng là lắng nghe Người. Và đó là điều Maria đã làm. Nơi Mácta, chúng ta nhận ra chính chúng ta -- thường lo lắng và bị sao nhãng bởi những gì của thế gian và quên dành thời giờ cho Ðức Giêsu. Tuy nhiên, thật an ủi khi thấy rằng Ðức Giêsu cũng yêu quý Mácta như Maria.

Lần thăm viếng thứ hai cho thấy Mácta đã thấm nhuần bài học trước. Khi ngài đang than khóc về cái chết của anh mình và nhà đang đầy khách đến chia buồn thì ngài nghe biết Ðức Giêsu đang có mặt ở trong vùng. Ngay lập tức, ngài bỏ những người khách ấy cũng như gạt đi mọi thương tiếc để chạy đến với Ðức Giêsu.

Cuộc đối thoại của ngài với Ðức Giêsu chứng tỏ đức tin và sự can đảm của ngài. Trong cuộc đối thoại, Mácta khẳng định rõ ràng là ngài tin vào quyền năng của Ðức Giêsu, tin vào sự phục sinh, và nhất là tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Và sau đó Ðức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại từ cõi chết.

Hình ảnh sau cùng của Mácta trong Phúc Âm đã nói lên toàn thể con người của ngài. Lúc ấy, Ðức Giêsu trở lại Bêtania để ăn uống với các bạn thân của Người. Trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt. Lagiarô là người mà ai cũng biết khi được sống lại. Còn Maria là người gây nên cuộc tranh luận trong bữa tiệc khi cô dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Ðức Giêsu. Về phần Mácta, chúng ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản: "Mácta lo hầu hạ." Ngài không nổi bật, ngài không thi hành những việc có tính cách phô trương, ngài không được hưởng phép lạ kỳ diệu. Ngài chỉ hầu hạ Ðức Giêsu.

Thánh Mácta được đặt làm quan thầy của các người hầu hạ và đầu bếp.

Lời Bàn

Các nhà chú giải Kinh Thánh nói rằng trong đoạn văn diễn tả việc Lagiarô sống lại, Thánh Gioan có ý nhắn nhủ chúng ta phải coi lời của Mácta nói với Maria (trước khi Lagiarô sống lại) như tóm lược những gì một Kitô Hữu phải vâng theo. "Thầy có mặt ở đây và đang hỏi đến em." Chúa Giêsu kêu gọi mọi người chúng ta đến sự phục sinh -- mà sự phục sinh ấy hiện có trong đức tin khi rửa tội, được chia sẻ vĩnh viễn sự chiến thắng của Người đối với sự chết. Và tất cả chúng ta, cũng như ba người bạn của Chúa Giêsu, được mời gọi kết tình bằng hữu với Chúa trong một phương cách độc đáo.

(Trích trong nguoitinhuu.com)

 

SUY NIỆM 4: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.

(Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.)

2.1/ Em Maria chọn ngồi bên chân Chúa để nghe Ngài giảng dạy: Nhiều người chắc cũng nghĩ như chị Mát-ta: con bé này lười quá hay "mồm miệng đỡ tay chân!" Nhưng đây là một lựa chọn rất tính toán và khôn ngoan, như Chúa Giêsu đã phải khen Maria bên dưới. Một số lý do có thể Maria đã dựa vào để làm sự lựa chọn này:

+ Cô biết rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: phải chọn Thiên Chúa trước hết. Maria biết chẳng có ai có những lời khôn ngoan và mang lại sự sống như Chúa Giêsu; vì thế, cô phải hoãn tất cả các việc khác để lắng nghe những gì Ngài muốn truyền đạt.

+ Cô biết nắm lấy cơ hội khi nó xảy đến: Một người bận rộn rao giảng như Chúa không dễ gặp. Cô biết cơ hội để đàm đạo với Chúa không thường xảy ra: nếu không biết nắm lấy ngay, cô không biết có còn cơ hội nào khác không! Chúng ta phải học nơi Maria điều này, để khi Chúa gởi những nhà rao giảng đến, chúng ta biết sắp xếp công việc hàng ngày để nghe những gì họ rao giảng. Đừng giả sử cơ hội sẽ có mãi, kẻo phải tiếc nuối sau này!

+ Khách đến nhà không chỉ để ăn, nhưng còn để chuyện vãn, tâm sự. Maria thấy chị bận rộn nấu nướng; cô chọn để trò chuyện với Chúa. Nhiều người chúng ta không chịu để ý đến khía cạnh tế nhị này; nên đã để cho khách ngồi một mình trong phòng khách chờ đợi trong khi chúng ta chuẩn bị thức ăn dưới bếp. Hiểu như thế, quyết định của Maria thật sáng suốt: chị lo nấu ăn, em lo tiếp khách.

2.2/ Chị Mát-ta chọn để vất vả lo việc phục vụ Chúa Giêsu: Khi một thượng khách như Chúa Giêsu đến nhà, đó là lúc để chủ nhà biểu tỏ tài nội trợ, nấu nướng, và tính hiếu khách. Chúng ta không lạ gì khi Mát-ta quá vất vả lo lắng tới độ cô tiến lại Chúa Giêsu và than phiền với Ngài: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!" Ngược lại với những gì Mát-ta mong đợi, Chúa Giêsu đáp: "Mát-ta! Mát-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." Có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ câu trả lời của Chúa Giêsu:

+ Mát-ta không hiểu rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: Chúa Giêsu sữa chữa lỗi lầm cho cô khi Ngài nói: "Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." Thức ăn có ngon mấy chăng nữa rồi cũng qua đi; nhưng Lời Chúa sẽ ở lại trong tâm hồn và soi sáng cho con người biết cách sống thế nào để có hạnh phúc trong cuộc đời.

+ Mát-ta không quan tâm đến người khác: Cô có thể nghĩ chỉ có việc của cô mới đáng làm, việc của Maria không quan trọng! Đây là một lỗi lầm mà nhiều người chúng ta mắc phải. Chúng ta đừng bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như mình, vì mỗi người có những suy nghĩ và hành động khác nhau. Chúng ta cũng không hiểu đủ để xác quyết việc nào là việc tốt nhất, cho đến khi được tuyên bố rõ ràng bởi Thiên Chúa.

+ Mát-ta không biết sắp xếp thời giờ: Có thể Mát-ta không biết khi nào Chúa đến, vì ngày xưa không có thói quen có giờ hẹn như thời nay. Dù sao chăng nữa, Mát-ta không nên lo lắng quá nhiều đến chuyện ăn uống, vì khách tới nhà để thăm viếng chứ không chỉ để ăn! Các gia đình Việt-nam chúng ta cần chú trọng điều này, để đừng làm quá nhiều thức ăn mỗi khi tiếp khách. Hầu hết trong các bữa tiệc, khách không dùng hết một nửa các thức ăn của chủ nhà bày ra. Hậu quả là gia chủ phải ăn đồ thừa hay phải lãng phí thức ăn cách không cần thiết.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải dành ưu tiên hàng đầu cho mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa bằng cách dành thời giờ để cầu nguyện, lắng nghe, học hỏi, và thực hành những gì Chúa dạy.

- Lời Chúa soi sáng cho chúng ta biết cách lựa chọn những điều xảy ra cho phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa; đồng thời cũng cung cấp cho chúng ta sức mạnh để làm theo.

 

SUY NIỆM 5: Thánh Mát-ta

(daminhvn.net)

Chúng ta biết chắc về thánh Mát-ta qua 2 giai thoại trong Tin Mừng. Khi bà nhiệt thành đón rước Chúa Giêsu (Lc 10, 38-42) hay khi bà tín thác vô giới hạn vào Chúa Giêsu trước cái chết của Laxarô (Ga 11,1-44). Mát-ta, theo tiếng tramêô, có nghĩa là bà chủ. Bà hai anh em Maria và Lazarô ở làng Bêtania, là những người bạn thân tình của Chúa Giêsu. Người hay đến trú ngụ ở nhà họ để nghỉ ngơi sau những chuyến hành trình mệt nhọc.

Mát-ta đóng vai gia chủ, đã tỏ ra rất hiếu khách và tận tụy. Ngày kia, trong lúc bận rộn với việc phục dịch, bà nói: - Thưa Thày, Thày không màng nghĩ tới sao, em tôi để cho tôi một mình phục dịch? Vậy xin Thầy bảo nó đỡ đần tôi.

Chúa Giêsu đáp lại: - Mát-ta, Mát-ta, con lo lắng xôn xao về nhiều chuyện. Cần thì ít thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất rồi và sẽ không bị ai giựt mất.

Như thế Chúa Giêsu đã cho Mát-ta biết rằng đối với Người không có gì quý hơn một tâm hồn biết suy tư cầu nguyện, Mát-ta đã hiểu, bà sẽ để lộ đức tin ấy ra dịp Lazarô từ trần. Bà nhắc tin cho Chúa Giêsu: - Thưa thầy, kẻ Thầy thương đang ốm liệt.

Vượt đường xa, Chúa Giêsu đã đến. Nhưng Người cố ý đến chậm, khi Lazarô đã chết. Đức tin của Mát-ta vẫn không thay đổi.

- Thưa Thầy, nếu thầy có mặt ở đây, em con đã không chết.

Và bà thêm: - Nhưng ngay lúc này, con biết là bất cứ điều gì Thầy xin với Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ ban cho thầy.

Khi Chúa Giêsu cho biết Người là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Người thì dù chết cũng sẽ sống, rồi Người hỏi: - Con có tin thế không?

Mát-ta đã mau mắn tuyên xưng: - Vâng, thưa Thầy, con tin Thầy là đức Kitô Con Thiên Chúa, đấng phải đến trong thế gian.

Và bà đã không lầm. Chúa Giêsu đã phục sinh Lazarô.

Tin Mừng không nói rõ các bạn hữu của Thiên Chúa sẽ ra sao. Chắc chắn Mát-ta có mặt trong số phụ nữ theo Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn và xức xác Người trước khi mai táng.

Có truyền thuyết nói rằng ba chị em làng Bêtania đã bị người Do thái bắt thả trôi trên một con thuyền không buồm không chèo không lái. Nhưng họ đã trôi dạt và cặp bến Marseille nước Pháp. Lazarô đã trở thành Giám mục tiên khởi Chúa thành này. Riêng Mát-ta Ngài đã rao giảng Tin Mừng ở Aix Avignon và Tarascon. Một huyền thoại còn kể thêm việc thánh nữ tiêu diệt quái vật Tarasque. Dân chúng khổ cực vì con vật dữ tợn, mồm phun lửa, đuôi cắn xé. Thánh nữ đã dùng cây thánh giá áp đảo con vật, rồi trói chặt nó lại. Quái vật bị hạ sát và nó bị tiêu diệt, người ta gọi là Tarascon.

 

SUY NIỆM 6: Thánh Mát-ta

(http://giaoxutanviet.com)

Gương Thánh nhân: Thánh Mát-ta là chị của Ma-ri-a và La-da-rô ở Bê-ta-ni-a. Ngài là chị cả trong gia đình, nên điều khiển quán xuyến mọi việc: Ngài đối xử dịu dàng thân ái đối với hai em, nhân lành bác ái đối với người nghèo khổ, bệnh tật, và ân cần tiếp đón Chúa Giê-su với các môn đệ Người, vì đây là nơi Chúa thường trú ngụ sau những ngày truyền giáo mệt nhọc:

“Trong khi Thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mát-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô nầy cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người dạy. Còn cô Mát-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: – Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao! Xin Thầy bảo nó giúp con một tay.

Chúa đáp: – Mát-ta, Mát-ta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”. (Lc. 10, 38-42)

Mát-ta tận tụy phục vụ Chúa. Nhưng Chúa muốn dạy cho Mát-ta biết: việc sống gần gũi thân mật và cầu nguyện với Chúa cao quý hơn. Tốt nhất phối hợp cả hai, vừa phục vụ vừa cầu nguyện.

Thánh Giám mục Au-tinh đã diễn giảng việc nầy như sau:

“Lời Đức Giê-su Kitô Chúa chúng ta khuyên chúng ta, đang khi lo lắng nhiều công việc ở trần gian nầy, phải vươn tới một đích điểm. Chúng ta đang vươn tới đó bao lâu chúng ta còn là lữ khách chứ chưa phải là cư dân; còn đang trên đường đi chứ chưa ở quê thật; còn đang khát vọng, chứ chưa được an hưởng. Tuy nhiên chúng ta phải vươn tới không ngừng, không biếng nhác để có ngày có thể đạt tới…

“Hỡi bà Mát-ta, xin bà để yên cho tôi nói, bà có phúc trong công việc phục vụ tốt, nhưng phần thưởng mà bà tìm được cho công việc lo lắng nầy là sự nghỉ ngơi. Bây giờ bà đang lo trăm công nghìn việc; bà muốn nuôi nấng thân thể con người cho dù là của bậc thánh nhân; nhưng khi đã tới quê thật, hỏi bà có còn gặp lữ khách để tiếp rước nữa không? Có còn gặp người đói để chia sẻ cơm bánh nữa không?…

“Nơi quê thật không còn những sự đó nữa. Vậy sẽ có gì? Có điều mà Ma-ri-a đã chọn: nơi đó ta sẽ được nuôi nấng chứ không phải nuôi nấng ai nữa. Thế nên điều mà Ma-ri-a chọn bây giờ, sau nầy ở nơi quê thật sẽ được đầy đủ và hoàn toàn…”

Khi La-da-rô bệnh nặng, thánh nữ đã báo tin cho Chúa Giê-su. Nhưng Người bảo: “Bệnh nầy không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh nầy, Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga. 11,4).

Và La-da-rô đã chết. Cái chết của La-da-rô là dịp để Chúa khơi dậy niềm tin cho các môn đệ và dân chúng, vì khi được tin La-da-rô chết, Chúa và các môn đệ đến với anh.

‘‘Vừa được tin Đức Giê-su đến, Mát-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. Cô Mát-ta nói với Đức Giê-su: – Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.

Đức Giê-su nói: – Em chị sẽ sống lại… Chị có tin thế không?

Cô Mát-ta thưa: – Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.

Và Chúa đã làm phép lạ cho La-da-rô chết chôn 4 ngày được sống lại trước sự kinh ngạc của mọi người, nhờ lòng tin và nhiệt tâm của Thánh nữ.

Quyết tâm: Noi gương Thánh Mát-ta, tôi hết lòng tin tưởng Chúa, và tận tâm phục vụ Người hằng ngày, qua các anh chị em nghèo khó bệnh tật xung quanh tôi.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xưa Con Một Chúa đã nhận lời mời và đến trú ngụ tại nhà Thánh nữ Mát-ta. Nhờ lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con hết tình phục vụ Đức Ki-tô hiện diện trong mọi người để mai sau được Chúa đón nhận vào nhà Chúa.

 

SUY NIỆM 7: Thánh Mát-ta – con người của phục vụ

(http://daminhrosalima.net // Maria Nguyễn Thái)

Thế giới ngày nay đang rất cần những con người biết quên mình phục vụ tha nhân. Trước nhu cầu đó, có biết bao vị thánh đã hy sinh phục vụ vì lợi ích của người khác; cũng như xã hội ngày nay, có nhiều tấm gương quảng đại dấn thân trong hoạt động tông đồ. Trong Kinh Thánh, khi nhắc đến hai từ “phục vụ”, chúng ta liên tưởng ngay đến thánh nữ Mattha, một con người phục vụ. Thánh nữ Mattha là người phục vụ như thế nào? Chúng ta cùng nhìn trong hai giai thoại trong Tin Mừng Luca (Lc 10, 38 – 42).

Khi đọc đoạn Tin Mừng trong trình thuật thánh Luca, chúng ta nhận ra, Mattha là một người rất hiếu khách. Ngài đã đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ rất nhiệt tình.

Tin Mừng Luca (Lc 10, 38) kể lại rằng: “Khi Đức Giêsu vào làng kia, có một người phụ nữ tên là Mattha đón người vào nhà”, và ngay sau đó, Mattha tất bật chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách nơi Mattha, có thế nói là rất quan trọng trong vùng Trung Đông, tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, Mattha rất bất bình với em cô là Maria, khi cô em không chịu giúp chị mình trong việc bếp núc. Thay vì giúp chị, Maria cứ ngồi bên chân Chúa Giêsu mà nghe Người giảng.  Đáng lẽ ra, lúc đó, Mattha có thế đến nói với em mình một cách tế nhị (nói nhỏ, nói khéo) để Maria giúp mình một tay, thế nhưng, Mattha lại xin Đức Giêsu can thiệp: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?”  Phải chăng Mattha đang tìm sự cảm thông nơi Thầy mình? Muốn Thầy bênh vực cho mình? Nhân cơ hội này Chúa Giêsu dạy bài học, Ngài muốn mời gọi Mattha hướng một mối tương giao sau xa hơn nên đã trả lời rằng: “Mattha Mattha! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá, chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất mà không bị lấy đi” (Lc 10, 38 - 42). Quả thật, lo lắng của Mattha là làm sao chuẩn bị cho Thầy và các môn đệ một bữa ăn ngon. Điều đó đã khiến cho Mattha không còn thực sự biết đến Thầy đang hiện diện ở đây nữa. Sự nhiệt tình phục vụ của Mattha đã làm cho cô không còn thực sự thấy được điều gì là quan trọng nhất, mà cô chỉ vì nghĩ đến phục vụ. Thật vậy, Chúa Giêsu không chối từ sự phục vụ của Mattha, Ngài đề cao tinh thần đó, nhưng điều đó chỉ là phần thứ yếu cho cuộc sống vật chất mà thôi. Ngài muốn Mattha chọn cho mình một bữa ăn tinh thần, đó là việc lắng nghe Lời Chúa dạy với tâm hồn khiêm hạ.

Đến giai thoại thứ hai trong trình thuật Gioan (Ga 11, 1-53), chúng ta sẽ nhận ra một nét rất riêng, một hình ảnh đặc biệt nơi thánh nữ Mattha. Tin Mừng Gioan kể lại mà ta có thể tóm tắt như sau: Đức Giêsu rất quý mến cô Mattha, cùng hai người em là cô Maria và anh Lazarô. Và vừa được tin Đức Giêsu đến, cô Mattha liền ra đón Người. Một sự đón tiếp mau mắn, Mattha muốn Chúa Giêsu vào nhà mình mà đã quên đi mất người em yêu quý, đã bỏ lại những người bà con lối xóm đến chia buồn với gia đình cô, trong khi đó cô là chủ nhà. Thêm nữa, Mattha gạt đi mọi thương tiếc, đau buồn, lưu luyến... để chạy đến với Đức Giêsu. Cuộc đối thoại giữa Mattha với Chúa Giêsu cho ta thấy: Mattha có một niềm tin rất vững mạnh vào quyền năng của Chúa về sự phục sinh và nhất là về niềm tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.

Hình ảnh sau cùng của thánh nữ Mattha theo Tin Mừng Gioan (Ga 12, 1-9) đã toát lên căn tính phục vụ nơi con người của Thánh nữ. Tin Mừng kể lại: ít lâu sau, Đức Giêsu trở lại Bêtania để thăm ba chi em cô Mattha, trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt đó là: Em trai cô Mattha là Lazaro người đã được Chúa làm cho sống lại từ cõi chết, tạo nên cả một sự chấn động lớn trong làng cũng như những vùng lân cận. Người thứ hai là cô Maria, Tin Mừng Gioan kể: cô đã dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Đức Giêsu, đã gây lên một cuộc tranh luận trong bữa tiệc. Nhưng về phần Mattha, ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản và ngắn gọn: “Cô Mattha lo hầu bàn”. Cô không làm gì nổi bật, cô chỉ làm một việc đơn thuần là phục vụ Đức Giêsu. Một việc tuy rất tầm thường, nhưng với Mattha cô đã làm vì tình yêu mến của mình dành cho Đức Giêsu và các môn đệ. Matta không đòi hỏi Đức Giêsu làm cho mình nhưng cô chỉ làm một cách phục vụ âm thầm với tình yêu.

Nơi Thánh nữ Mattha, chúng ta thấy ngài là một người phục vụ Chúa hết tình, hết mình. Mattha vừa là một người có niềm tin mạnh mẽ vào quyền năng của Chúa, vừa có tình yêu mến Đức Giêsu cách đặc biệt. Quả thật, gương sáng của ngài làm cho chúng ta rất cảm phục bởi tình yêu âm thầm phục vụ.

Trong sinh hoạt đời thường của chúng ta, có nhiều điều xem ra rất cần thiết, từ chuyện mục vụ, giáo dục, huấn luyện phục vụ. Vậy, đã có bao lần chúng ta tự hỏi mình rằng: chúng ta đã làm điều đó vì lòng yêu mến Chúa hay chưa, hay chỉ làm tròn bổn phận được giao mà thôi? Chúng ta cần xem lại thái độ của mình. Với công việc phục vụ hằng ngày, tôi và bạn đã bao lần hỏi ý kiến của Chúa hay chưa? Hay chúng ta có nhờ Chúa can thiệp vào trong việc phục vụ của đời sống thường ngày chúng ta? Trong những mối tương quan với Chúa và tha nhân, hay trong những quyết định...chúng ta có tìm ý Chúa không hay vẫn muốn làm theo ý mình? Chúng ta đã tế nhị thành thật khi được người khác sửa lỗi hay khi sửa lỗi cho người khác hay chưa?

Mời bạn cùng tôi, chúng ta vào nơi thinh lặng của tâm hồn, để tìm ra ý Chúa muốn chúng ta phục vụ Chúa và tha nhân bằng cách nào; với thái độ nào; theo tinh thần của ai. Chúng ta hãy đặt mình trước mặt Chúa và hỏi lòng mình rằng: tôi có cảm nhận được niềm vui, bình an và hạnh phúc khi phục vụ Chúa và tha nhân không?

Ước mong rằng tôi và bạn, chúng ta mang tâm tình phục vụ như thánh nữ Mattha, phục vụ Chúa cách âm thầm với lòng yêu mến bởi: “Phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ là không đòi đền đáp, phục vụ ơn nghĩa không màng”.

 

SUY NIỆM 8: Thánh Mát-ta

(http://tinmung.net // SUSAN HELEN WALLACE, FSP)

Thánh nữ Matta là chị ruột của Maria và Lazarô. Các ngài sống tại một ngôi làng nhỏ bé tên Bêtania gần thành phố Giêrusalem. Các ngài là những người bạn rất thân của Đức Chúa Giêsu, và Đức Chúa Giêsu cũng thường hay đến thăm các ngài. Thật vậy, sách Tin mừng nói cho chúng ta biết: “Chúa Giêsu yêu Matta, Maria và Lazarô.” Chính thánh nữ Matta đã phục vụ Chúa Giêsu cách rất âu yếm khi Người đến thăm gia đình Matta.

Một ngày kia, thánh nữ Matta đang bận sửa soạn bữa ăn cho Chúa Giêsu và các tông đồ của Người. Thánh nữ nhận thấy rằng công việc sẽ dễ dàng hơn nếu cô Maria em ngài phụ giúp ngài một tay. Matta thấy Maria đang ngồi bên chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người. Matta liền đề nghị: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo em con giúp con với!” Chúa Giêsu rất hài lòng với công việc phục vụ dễ thương của Matta. Tuy vậy, Người muốn cho Matta hiểu rằng việc nghe lời Chúa và cầu nguyện thì có tầm quan trọng hơn. Vì thế, Chúa Giêsu đã dịu dàng nói: “Matta, Matta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện! Chỉ có một chuyện cần mà thôi! Maria em con đã chọn phần tốt nhất!”

Lòng tin tưởng mãnh liệt vào Chúa Giêsu của thánh nữ Matta còn được biểu lộ khi em trai Lazarô qua đời. Ngay lúc nghe tin Đức Chúa Giêsu đang đến Bêtania, Matta đã đi ra tiếp đón Người. Matta tin tưởng vào Chúa Giêsu và thốt lên cách rất tự nhiên: “Lạy Thầy, nếu Thầy ở đây thì em con không chết!” Sau đó, Chúa Giêsu nói với Matta rằng em Lazarô sẽ sống lại. Người nói: “Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ sống. Con có tin điều đó không?” Và Matta thưa: “Lạy Thầy, vâng con tin rằng Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian.” Hôm ấy, Chúa Giêsu đã làm một phép lạ vĩ đại cho Lazarô sống lại từ cõi chết!

Sau đó, Chúa Giêsu lại đến dùng bữa với Lazarô, Matta và Maria. Thánh nữ Matta phục vụ bàn ăn như thường lệ. Tuy nhiên, lần này với thái độ đáng yêu hơn: Matta đã phục vụ với một trái tim thật vui tươi!

Thánh nữ Matta đã nêu cho chúng ta một tấm gương sáng về lòng hiếu khách. Khi chúng ta chào đón hay phục vụ ai, Đức Chúa Giêsu coi đó như là chúng ta làm cho chính bản thân Người. Thánh nữ Matta cũng nêu gương sáng về lòng tin tưởng và niềm trông cậy. Ngài là bạn thân của Đức Chúa Giêsu và ngài biết có thể tin tưởng vào lời Đức Chúa Giêsu đã nói. Xin thánh nữ Matta cũng giúp chúng ta biết tạo mối tương quan thân thiện với Đức Chúa Giêsu như ngài.

 

Hoặc đọc: Lời Chúa: Ga 11, 19-27

Khi ấy, nhiều người Do-thái đến nhà Mát-ta và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Mát-ta đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Mát-ta thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy".

Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Mát-ta thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".

 

SUY NIỆM 9: Thánh Mát-ta

(www.5phutloichua.net)

Suy niệm: Qua việc cho La-da-rô sống lại, Chúa Giê-su dẫn đưa Mác-ta tiến sâu vào con đường đức tin, giúp cho cô vững tin Ngài chính “là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (c.27). Đối với Mác-ta, niềm vui này còn lớn hơn niềm vui tìm lại được người em đã chết, bởi vì niềm tin ấy đưa cô đến sự sống đời đời: “Ai tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (c.26). Tin vào con người Đức Ki-tô thì cũng đồng thời là tin vào Lời của Ngài, bởi vì Ngài chính là Ngôi Lời (Ga 1,1), và Lời Ngài là Lời hằng sống, Lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6,68).

Mời Bạn: Giữa cơn thử thách lớn lao, Mác-ta đã gặp Đức Ki-tô, và lời Ngài đã vực chị dậy để chị đứng vững trong niềm tin. Bạn đã làm gì khi gặp thử thách trong đời sống, trong đức tin? Trong năm Sống Lời Chúa, bạn được mời gọi năng đọc, suy niệm và sống Lời Chúa. Việc này phải dẫn bạn đến chỗ tin tưởng vào Ngài mỗi ngày một hơn.

Chia sẻ: Khi gặp thử thách mới thấy niềm tin của mình như thế nào! Bạn hãy cùng bạn bè, người thân chia sẻ kinh nghiệm cá nhân khi đối diện thử thách, dựa vào  gương của Mác-ta trong câu truyện Tin Mừng hôm nay, và hãy khích lệ nhau vững tin vào Chúa hơn.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy tập thói quen khi gặp thử thách lớn nhỏ, nhớ đến một câu Lời Chúa, để tâm niệm, và xin ơn kiên vững trong niềm tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con bài học về đức tin của Mác-ta. Ước gì những thử thách con gặp phải, không đẩy con xa Chúa, nhưng giúp con thêm vững tin vào Chúa, và dẫn con đến sự sống đời đời.



 

SUY NIỆM:

1. Niềm vui
    đón tiếp (c. 38)

 
  2. Lắng nghe và
phục vụ
(c. 39-40a)
3. « Băn khoăn
    lo lắng » (c. 40b-42)
 

Tương quan giữa điểm 1 và điểm 3: nơi nội tâm của chị Mác-ta, từ “niềm vui đón tiếp” lúc ban đầu, sau một thời gian, trở thành “băn khoăn lo lắng”. Chúng ta có thể tự hỏi: tại sao như vậy?

Phải chăng, để được bình an và lưu lại trong niềm vui, chị Mác-ta được mời gọi để hết tâm hồn vào công việc “phục vụ”, như chị Maria đã để hết tâm hồn vào việc “lắng nghe”, như lời của Giê-su nói với chị?

*  *  *

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay, cũng được đọc trong ngày lễ nhớ thánh nữ Mác-ta, rất quen thuộc với chúng ta ; quen thuộc, nhưng luôn thu hút, vì hình ảnh đầy ý nghĩa của hai người phụ nữ hiện diện chung quanh Đức Giêsu. Hình ảnh thật « năng động » của cô Mác-ta và hình ảnh, có thể nói, thật « bất động » của cô Maria.

Khi chiêm ngắm chị Mác-ta đón tiếp Đức Giê-su, chúng ta nhận ra sự biến chuyển trong tâm hồn của chị : từ niềm vui sang « băn khoăn lo lắng ». Vậy, chúng ta hãy tự hỏi tại sao và lời của Đức Giê-su chữa lành chị như thế nào ?

*  *  *

Câu chuyện được đặt ở giữa dụ ngôn « Người Samari tốt lành » và sự kiện Đức Giêsu cầu nguyện và dạy các môn đệ cầu nguyện. Nếu dụ ngôn Người Samari mời gọi thực hành : « hãy đi và anh, anh cũng hãy làm như thế » (10, 37), câu chuyện ở làng Bêtania đặt « việc làm » trong một chiều kích sâu xa hơn.

Có một « việc làm » khác, và việc làm này không đòi phải làm gì cả, chỉ ngồi đó nghe Đức Giêsu nói thôi. Cầu nguyện không phải là việc làm, theo nghĩa lao động, nhưng còn hơn cả việc làm. Và như chúng ta có kinh nghiệm, cầu nguyện là một « công trình » của Chúa và của chúng ta. Như chính Đức Giêsu nói : « công trình của Thiên Chúa là anh em tin nơi Đấng Ngài sai đến » (Ga 6, 29).

Lao mình vào những công việc phục vụ người khác là điều tốt, nhưng vẫn chưa đủ, còn một điều khác nữa nền tảng hơn, đó là chúng ta làm việc, phục vụ trong tâm trạng nội tâm nào. Và để có được sự bình an và niềm vui trong hành trình đi theo Đức Ki-tô, ngang qua ơn gọi được ban cho chúng ta, Đức Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện trong những lúc dành riêng và sống tâm tình cầu nguyện trong mọi sự, nghĩa là giữ tương quan mật thiết với Chúa.

1. Niềm vui đón tiếp (c. 38)

« Khi Đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường », từ Galilê đi Giêrusalem. Khi bắt đầu cuộc hành trình, Đức Giêsu nói những lời thật triệt để (Lc 9, 60. 62). Trong viễn tượng của ơn gọi tu trì, những lời này thường được hiểu như là phải đoạt tuyệt hay ít nhất là « cách li » với gia đình, với bạn bè và với những người thân yêu.

Tuy nhiên, nhìn ngắm Đức Giêsu trên đường đi Giêrusalem với viễn tượng của mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta sẽ nhận ra rằng không hoàn toàn như vậy : « Đức Giêsu đi vào một làng, và một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Ngài vào nhà mình ». Đức Giêsu vẫn giữ tương quan với những người thân yêu, Ngài vẫn trân trọng tình thương của họ, vẫn cảm nếm sự dịu ngọt của tình người, chữa lành và hướng nó tới sự sống viên mãn. Xin Chúa làm cho trái tim của chúng ta giống trái tim của Người hơn, trong những gì liên quan đến tương quan của chúng ta với những người thân yêu.

*  *  *

Nhìn ngắm chị Mác-ta đón Đức Giêsu vào nhà mình với niềm vui. Chúng ta được mời gọi nhận ra những người phụ nữ chúng ta từng gặp thấy trong cuộc đời : đầy lòng tin, quảng đại, hiếu khách, và đảm đang. Thực vậy, cô Mác-ta thật đảm đang : tay làm một lúc nhiều việc, nhưng con mắt lại chú ý đến những việc khác trong nhà, chú ý đến những người khác trong nhà. Và chính ở điểm này mà cô Mác-ta cần được Lời Đức Kitô biến đổi, chữa lành ở mức độ sâu xa nhất, để tìm lại niềm vui, bình an và hạnh phúc bền vững trong tâm hồn.

Trong giờ cầu nguyện hằng ngày, và nhất là trong những ngày tĩnh tâm, Chúa cũng muốn đến thăm “nhà” của chúng ta: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20). Tôi có ước ao và sẵn sàng không? Và tôi đón Người như thế nào?

2. Lắng nghe và phục vụ (c. 39-40a)

Hãy dừng lại bao lâu chúng ta muốn để chiêm ngắm khung cảnh đầm ấm và rất đỗi bình thường: nhà có hai chị em, có khách quí đến, em tiếp chuyện và chị lo nước nôi và bữa ăn để đãi khách. Không thể hai người cùng nghe; và cũng không thể hai người cùng làm, để khách loay hoay một mình. Nhất là cảm nếm niềm vui của cuộc gặp mặt giữa hai chị em và Đức Giêsu.

  • Nhìn ngắm cô Maria và Đức Giêsu: cô Maria cứ ngồi bên chân chúa mà nghe lời người dạy; bản gốc thân tình hơn, đời thường hơn: cô em Maria ngồi bên chân Đức Giêsu nghe lời của Ngài. Hãy cố gắng nghe dù bản văn Tin Mừng vẫn chưa tường thuật lời nói: lời của Đức Giêsu dành cho cô Maria, và lời của Maria dành cho Đức Giêsu (cô chỉ lắng nghe, nhưng chắc chắn có cảm xúc và cả tiếng lòng nữa). Chúng ta có thể hình dung ra tư thế của Đức Giêsu. Trong giờ cầu nguyện này và trong thời gian Linh Thao, tôi có ước ao có được tư thế và tâm hồn của cô Maria không ?
  • Chúng ta có thể “xuống bếp” nhìn ngắm chị Mác-ta “tất bật lo việc phục vụ” (bản gốc: bận rộn với nhiều việc phục vụ). Chúng ta hãy cố gắng lắng nghe lời, lời trong lòng hoặc lời lẩm bẩm của chị Mác-ta; nhất là nhận ra chuyển động nội tâm của chị. Diễn biến nội tâm của chỉ có thể được chia làm ba bước: lúc đầu chị chú ý lo việc trong niềm vui ; sau đó nhìn bên này, nhìn bên kia, nhìn những công việc mình phải làm, rồi nhìn lên nhà trên ; và cuối cùng chị bỏ bếp đi lên! Điều gì đã xẩy ra trong cô, khiến cô bỏ bếp đi lên nhà trên?

3. « Băn khoăn lo lắng » (c. 40b-42)

Ở điểm cầu nguyện này, chúng ta hãy lắng nghe lời của cô Mác-ta và lời của Đức Giêsu. Cô Mác-ta bỏ bếp đi lên, tiến lại và nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Trong câu nói của Mác-ta, hàm chứa hai lời trách móc: trách em và trách Đức Giêsu, dựa trên hai sự kiện rất khách quan: Maria chỉ biết ngồi đó nghe, còn Đức Giêsu thì chỉ biết ngồi đó nói! Như thế, chị Mác-ta thật có lí.

Chúng ta cũng hay trách Chúa và trách (anh) chị em như thế. Ngoài ra, chị còn gợi ý cho Đức Giêsu điều Ngài cần làm cho chị : « Xin Thầy bảo nó… »! Tuy nhiên, chị có một vấn đề thâm sâu mà Đức Giêsu mời gọi chị hoán cải. Nhưng trước hết, chúng ta hãy cảm nếm sự thương cảm của Đức Giêsu dành cho Mác-ta: “Mác-ta, Mác-ta ơi!”. Hai lần gọi tên!

Khi nói với cô Mác-ta: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Đức Giêsu dường như đề cao, thậm chí tuyệt đối hóa, việc lắng nghe lời của Ngài trong cầu nguyện. Chính vì thế, truyền thống thiêng liêng thường hiểu lời của Đức Giêsu theo hướng này.

Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, Đức Giêsu cũng nhấn mạnh không kém đến việc phục vụ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20, 26-28); “anh em hãy rửa chân cho nhau, như Thầy rửa chân cho anh em” (Ga 13, 14). Và ngày nay, trong Giáo Hội cũng như trong xã hội, việc làm cụ thể và thái độ dấn thân phục vụ được đề cao cách đặc biệt. Vì thế, người ta còn hiểu lời của Đức Giêsu theo hướng trung dung, nghĩa là cầu nguyện và hoạt động không đối nghịch nhau, nhưng qui về nhau.

*  *  *

Nhưng nếu chúng ta khởi đi từ vấn đề nội tâm của cô Mác-ta: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!”, chúng ta sẽ hiểu lời của Đức Giêsu theo một hướng khác, có lẽ đúng hơn, sâu hơn và đánh động chúng ta nhiều hơn. Thật vậy, lời của Đức Giêsu không nhắm tới “sự việc”, việc phục vụ hay việc cầu nguyện, và cũng không nhắm tới tương quan giữa hai việc này; nhưng lời Đức Giêsu liên quan đến con mắt, diễn tả thái độ nội tâm, khi chúng ta cầu nguyện cũng như khi chúng ta làm việc phục vụ.

Vì thế, sứ điệp sâu xa chất chứa trong lời của Đức Giêsu liên quan đến đôi mắt. Mác-ta làm việc ở dưới bếp nhưng lại hay ngó lên trên nhà. Đức Giêsu không phủ nhận giá trị của việc phục vụ mà chị đang thực hiện cách quảng đại, nhưng vấn đề là con tim của chị: “băn khoăn và lo lắng”. Sống và làm việc, nhưng đôi mắt lại nhìn bên này, nhìn bên kia, nhìn ở đây, nhìn ở trên kia và rốt cuộc “bỏ bếp đi lên”! đôi mắt diễn tả sự không bình an của tâm hồn, nhất là diễn tả sự ghen tị không chấp nhận sự khác biệt.

  • Đức Giêsu nói: “Chỉ có một điều cần thiết thôi”, đó là con đường mình đang đi, ơn gọi mình đang sống, việc mình đang làm, giờ cầu nguyện mình đang thực hiện…, hãy nhìn vào đó và xác tín rằng đó là ơn huệ Chúa ban và là điều tốt nhất. Trong nhiều lựa chọn, Maria đã chọn một; và đối với cô đó là lựa chọn tốt nhất và cô hướng đôi mắt và tâm hồn của mình vào điều này.
  • “Chỉ có một điều cần thiết”, còn có nghĩa là thái độ nội tâm biết lắng nghe Lời Chúa trong mọi sự, dù chúng ta đang ở đâu, hay đang làm công việc nào, đang cầu nguyện hay đang làm việc, đang đọc kinh hay đang học tập, đang làm việc thiêng liêng hay đang phục vụ[1].

[1] Nếu đặt trình thuật Luca như khởi điểm của hai trình thuật tiếp theo trong Tin Mừng Gioan, chúng ta có thể nhận ra sự “lớn lên” của Mác-ta trong tương quan với Đức Kitô, với những người khác và với công việc: chị quan tâm đến công việc của mình, nên trách em và trách Thầy; tiếp đến chị thương em Lazarô của chị đến độ trách “yêu” Đức Giêsu: “Nếu Thầy ở đây em con đã không chết” (Ga 11, 32); và sau cùng, ngay trước ngưỡng của cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, chị chẳng nói gì nữa, tác giả Tin Mừng chỉ kể lại: “Cô Mác-ta lo hầu bàn”. Như thế, chị đã như đạt được ơn bình an sâu thẳm trong tâm hồn:

Bình an, nghĩa là tự do với mọi sự để yêu mến và phục vụ Đức Giêsu vẫn với và ngang qua công việc phục vụ nhỏ bé không tên của mình.

Bình an, nghĩa là tôn trọng sự khác biệt nơi những ngôi vị khác và đi vào hiệp thông dẫn đến hiệp nhất, thay vì ghen tị giản lược người khác vào chính mình hay ngược lại giản lược mình vào người khác.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Niềm vui tìm được kho báu chôn giấu và viên ngọc quý – SN song ngữ 29.7.2020

 

Wednesday (July 29): “Joy in finding hidden treasure and pearl of great price”

Scripture:  Matthew 13:44-46

44 “The kingdom of heaven is like treasure hidden in a field, which a man found and covered up; then in his joy he goes and sells all that he has and buys that field. 45 “Again, the kingdom of heaven is like a merchant in search of fine pearls, 46 who, on finding one pearl of great value, went and sold all that he had and bought it.

Thứ Tư     29-7           Niềm vui tìm được kho báu chôn giấu và viên ngọc quý

Mt 13,44-46

44 “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.45 “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

Meditation: 

What do you treasure above all else and how do you keep it secure? In a peasant community, the best safe was often the earth. The man in the parable “went in his joy” to sell everything he had (Matthew 13:44). Why? Because he found a hidden treasure worth possessing above everything else he had. He did not, however, have enough to buy the treasure. Fortunately, he only needed enough money to buy the field. In a similar fashion, God offers his kingdom as incomparable treasure at a price we can afford! We can’t pay the full price for the rich and abundant life which God offers us – but when we will exchange our life for the life which God offers, we receive a treasure beyond compare.

 

Searching for the greatest treasure of all 

The pearl of great price also tells us a similar lesson (Matthew 13:45). Pearls in the ancient world came to represent the supremely valuable. Why would a merchant sell everything for a single pearl of peerless value? No doubt because he was attracted to what he thought was the greatest treasure he could possess for himself. On another occasion, Jesus told his disciples, “do not throw your pearls before swine” (Matthew 7:6). Beautiful unblemished pearls were intended to enhance the beauty and value of those who wore them. Do you recognize and value the hidden treasure of God’s kingdom and the peerless pearl which the Lord Jesus offers to all who believe in him?

Discovering heavenly treasure 

Discovering God’s kingdom is like stumbling across a hidden treasure or finding the one pearl of great price. When we discover the kingdom of God we receive the greatest possible treasure – the Lord himself. Selling all that we have to obtain this incomparable treasure could mean many things – our friends, possessions, job, our “style of life”, what we do with our free time. Treasure has a special connection to the heart, the place of desire and longing, the place of will and focus. The thing we most set our heart on is our highest treasure.

In this parable what does the treasure of the kingdom of heaven refer to? It certainly refers to the kingdom of God in all its aspects (a kingdom of righteousness, peace, and joy in the Holy Spirit – Romans 14:17). But in a special way, the Lord himself is the treasure we seek. “If the Almighty is your gold and your precious silver, then you will delight yourself in the Almighty” (Job 22:22-23).  Is the Lord the treasure and delight of your heart?

 

“Lord Jesus, reveal to me the true riches of your kingdom. Help me to set my heart on you alone as the treasure beyond compare with any other. Free my heart of any inordinate desires or attachment to other things that I may freely give to you all that I have in joy and gratitude for all that you have given to me. May I always find joy and delight in your presence.”

Suy niệm:

 

Bạn quý trọng điều gì và làm thế nào bạn gìn giữ nó an toàn? Đối với những người nông dân, cái an toàn nhất thường là ruộng đất. Người trong dụ ngôn “đi trong hân hoan” bán hết mọi sự. Tại sao? Thưa, bởi vì ông đã tìm được một kho báu giá trị hơn tất cả những gì ông đang có. Tuy nhiên, ông đã không có đủ tiền để mua kho báu đó. Nhưng ông lại có đủ tiền để mua miếng đất đó. Trong cùng một cách thức tương tự, Thiên Chúa ban tặng nước Trời như kho báu vô giá với một giá chúng ta có thể trả được! Chúng ta không thể trả hết toàn phần cho cuộc sống mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Nhưng khi chúng ta đổi cuộc sống của mình với cuộc sống Thiên Chúa ban tặng, chúng ta nhận được một kho báu không thể nào so sánh.

Tìm kiếm kho báu quý giá nhất

Viên ngọc quý cũng cho chúng ta một bài học tương tự (Mâu thuẫn 13,45). Ngọc đối với thế giới xưa kia là biểu tượng của một vật có giá trị vô cùng. Tại sao người lái buôn bán hết mọi sự vì một viên ngọc vô giá? Rõ ràng bởi vì ông bị viên ngọc thu hút mà ông tin rằng nó có giá trị hơn tất cả những gì ông có thể sở hữu. Vào một dịp khác, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “không được quăng ngọc trước mặt đàn heo” (Mt 7,6). Những viên ngọc xinh đẹp không tì vết có ý nói tới việc nâng cao vẻ đẹp và giá trị của những người đeo chúng. Bạn có nhận ra và coi trọng kho tàng ẩn giấu của nước Thiên Chúa và viên ngọc có một không ai mà Chúa Giêsu ban cho tất cả những ai tin tưởng vào Người không?

Khám phá ra kho báu trên trời

Khám phá ra được nước Thiên Chúa là giống như vấp vào kho tàng ẩn giấu hay tìm được viên ngọc quý. Khi chúng ta tìm được nước Thiên Chúa, chúng ta nhận được kho báu quý nhất trên đời – là chính Thiên Chúa. Bán đi tất cả những gì chúng ta có để được kho báu không thể sánh ví này mang nhiều thứ: bạn bè, công việc, “lối sống”, những gì chúng ta làm lúc rảnh rỗi. Kho báu có một mối liên kết đặc biệt với tâm hồn, nơi chốn của mọi ước muốn, mọi ý định và chú tâm. Điều gì mà lòng trí chúng ta hướng về nhiều nhất, chính là kho báu cao quý nhất.

Trong dụ ngôn này, kho báu đề cập tới là điều gì? Nhìn chung, chắc hẳn đó chính là nước Chúa trong tất cả mọi khía cạnh của nó (vương quốc công chính, bình an, và niềm vui trong Chúa Thánh Thần – Roma 14,17). Nhưng trong khía cạnh đặc biệt, chính Chúa mới là kho báu chúng ta tìm kiếm. Nếu Đấng Toàn Năng là vàng là bạc của bạn, bấy giờ Đấng Toàn Năng sẽ là nguồn hoan lạc của bạn (G 22,22-23). Có phải Thiên Chúa là nguồn hoan lạc và là kho báu của bạn không?

Lạy Chúa Giêsu, xin tỏ cho con sự giàu có đích thực của Nước Chúa. Xin Chúa giúp con hướng lòng con về một mình Chúa, như kho báu không có gì có thể so sánh được. Xin Chúa giải thoát lòng con khỏi bất cứ những ước muốn quá đáng, hay gắn bó với những điều khác để con có thể thanh thoát dâng hiến cho Chúa tất cả con có với lòng hân hoan và biết ơn vì tất cả những ơn lành Chúa đã ban cho con. Chớ gì con luôn luôn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong sự hiện diện của Chúa.

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây