Thứ sáu tuần 15 thường niên.
"Con Người cũng là chủ ngày sabbat".
Lời Chúa: Mt 12, 1-8
Khi ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người đói, liền bứt bông lúa mà ăn.
Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng: "Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat".
Người nói với các ông rằng: "Các ông không đọc thấy Đavít và những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao? Các ông cũng không đọc thấy Đavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao? Hay các ông không đọc thấy trong luật rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội đó sao?
Tôi bảo cho các ông biết, đây có Đấng còn trọng hơn đền thờ nữa. Vì nếu các ông biết được điều này là: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ", chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, vì chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat".
Suy Niệm 1: Ta muốn lòng nhân
Suy niệm :
Đức Khổng Tử đòi người quân tử phải có năm đức tính gọi là ngũ thường.
Đứng đầu của ngũ thường là lòng nhân.
Ngài viết: “Người quân tử mà bỏ đức nhân thì làm sao được gọi là quân tử?
Người quân tử dù trong một bữa ăn cũng không làm trái điều nhân,
dù trong lúc vội vàng cũng theo điều nhân (Luận Ngữ, IV, 5).
Trong giáo huấn của Đức Giêsu, lòng nhân có một chỗ đứng đặc biệt.
Hai lần câu này của ngôn sứ Hôsê được trích dẫn trong Mátthêu:
“Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế” (9, 13; 12, 7).
Xem ra câu này không dễ hiểu, nên Ngài khuyên ta học cho biết ý nghĩa.
Giữ ngày sabát là điều rất quan trọng trong Do thái giáo.
Theo Luật Chúa, đó là ngày nghỉ ngơi, ngừng mọi công việc.
Đối với người Pharisêu, bứt lúa được xem như gặt lúa, nên là việc bị cấm làm.
Hành vi bứt lúa của các môn đệ bị coi là vi phạm ngày sabát.
Thay vì trách họ theo lời người Pharisêu, Thầy Giêsu lại bênh vực họ.
Ngài trưng dẫn trường hợp Đavít và các thuộc hạ khi đói bụng
đã ăn bánh thánh hiến vốn dành riêng cho các tư tế (Lv 24,5-9; 1 Sm 21,1-6).
Hiển nhiên đây là chuyện vi phạm Lề Luật vì có nhu cầu chính đáng.
Nếu chấp nhận chuyện Đavít thì càng phải chấp nhận chuyện của các môn đệ,
vì họ đi theo một Đấng mà Đavít phải gọi là Chúa (Mt 22, 43).
Luật giữ ngày sabát thật ra không phải là một đòi buộc luân lý tuyệt đối.
Các tư tế phải làm việc phụng sự Chúa, chuẩn bị các lễ vật vào ngày sabát.
Nếu họ được phép vi phạm ngày sabát mà không mắc tội (c. 5),
thì huống hồ là Thầy Giêsu và các môn đệ của Ngài,
những người làm việc cho Nước Trời, nhưng lại phải chịu đói nên mới bứt lúa.
Đức Giêsu không có thái độ bất kính với ngày sabát.
Nhưng Ngài là chủ ngày sabát, Ngài có quyền xác định điều gì được phép làm.
Ngài thấy gánh nặng đè lên con người bởi những cấm đoán chi li,
khiến con người ngột ngạt, mệt mỏi.
Giữ Luật phải đem lại cho con người hạnh phúc,
phải đi với lòng nhân.
Giữ Luật mà cứng nhắc, thiếu lòng nhân, lòng bao dung,
thì đó là thứ hy lễ Chúa không cần (Hs 6, 6).
Thật ra không có sự đối nghịch giữa luật lệ với lòng nhân.
Giữ luật là cách biểu lộ lòng nhân, vì luật trên hết là luật yêu thương.
Người giữ luật thực sự là người có khuôn mặt vui tươi và trái tim rộng mở.
Khi yêu thì người ta trở nên chi li.
Không phải chi li để xét đoán người khác.
Nhưng chi li vì thấy những nhu cầu nhỏ bé của tha nhân.
Chỉ xin giữ mọi luật lệ nhỏ bé thật chi li, chỉ vì yêu bằng tình yêu quá lớn.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.
Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi ngày,
những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau đớn.
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.
Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.
Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy niệm 2: GIÁ TRỊ TỐI THƯỢNG
Cuộc sống thế giới hôm nay đảo điên. Bậc thang giá trị đảo lộn. Con người u u mê mê chẳng còn phân biệt được thật giả, đúng sai, ác thiện. Người ta không còn phân định được đâu là giá trị tối thượng. Chúa Giê-su phân định rạch ròi.. Theo Chúa Giê-su Thiên Chúa yêu thương con người. Và vì thế con người cần phải xác đinh 3 chân lý.
Giá trị tối thượng là sự sống. Sự sống là món quà quí giá nhất Chúa ban cho con người. Có sự sống là có tất cả. Mất sự sống là mất tất cả. Vì thế những gì vi phạm sự sống cần được tháo bỏ. Những người hủy diệt sự sống phải bị trừng phạt. Vì thế Chúa đề cao việc cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống. Vì thế Chúa trừng phạt người Ai cập vì hủy hoại sự sống của người Ít-ra-en (năm lẻ). Vì thế Chúa bênh vực các tông đồ tuốt lúa ngày sa-bát. Sự sống là giá trị tối thượng.
Lề luật tối thượng là lòng nhân hậu. Để bảo vệ con người cần phải có luật lệ. Để xã hội tiến triển trật tự cần phải có luật lệ. Nhưng nếu những luật lệ đó trở thành bất nhân, không bảo vệ con người, không đem lại hạnh phúc cho con người, cần phải phá bỏ. Thờ phượng Chúa là điều phải làm. Nhưng nếu vì lề luật mà bất nhân thì Chúa không ưng nhận. Chúa khẳng định: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần hi lễ”. Lòng nhân hậu là lề luật tối thượng.
Quyền tối thượng là ở nơi Thiên Chúa. Có sự sống. Có luật lệ để bảo vệ sự sống. Nhưng Thiên Chúa mới là chủ của cả sự sống lẫn luật lệ. Vì thế Thiên Chúa có quyền trên sự sống và luật lệ. Mà Thiên Chúa lại là Đấng Giầu Lòng Thương Xót. Vì lòng nhân hậu Người sẵn sàng phá vỡ luật lệ cho vua Khít-ki-gia được sống thêm 15 năm khi thấy những giọt nước mắt và nghe tiếng khóc của vua (năm chẵn). Người ra tay trừng phạt Pha-ra-ô và người Ai cập vì đã thấy Ít-ra-en bị bóc lột và nghe thấy tiếng họ rên siết than van. Người bênh vực các tông đồ tuốt lúa ăn vì Người thương các ông đói bụng. Và Người làm chủ ngày sa-bát.
Xin cho con nhận biết quyền tối thượng của Thiên Chúa trong lịch sử, trong thế giới và trong đời con. Để con giữ luật tối thượng theo lòng nhân hậu của Người. Biết kính trọng giá trị tối thượng là sự sống Chúa ban tặng.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Suy niệm 3: Ngày Hưu Lễ
Chương 12 Tin Mừng Mátthêu qui tụ những tranh luận giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do thái giáo thời Chúa Giêsu về những đặc tính của nếp sống tôn giáo. Cuộc tranh luận hôm nay liên quan đến việc thực hành đạo đức căn bản của người Do thái, đó là việc giữ ngày Hưu lễ. Ðây là một thực hành quan trọng đến độ người Biệt Phái đã dùng việc Chúa Giêsu không tuân giữ luật Hưu lễ để lý luận và nói với dân chúng rằng Chúa Giêsu không phải là Ðấng đến từ Thiên Chúa, không phải là Ðấng Mêsia.
Việc dành riêng một ngày nghỉ cho Thiên Chúa đã bị lạm dụng đến mức việc tuân giữ ngày Hưu lễ không còn là do tình yêu mến tôn thờ đối với Thiên Chúa, nhưng là một hình thức ràng buộc con người. Qua cuộc tranh luận với những người Biệt Phái về việc giữ ngày Hưu lễ, Chúa Giêsu mở rộng cho chúng ta thấy giá trị tôn giáo đích thực của ngày Hưu lễ, và do đó phải sống tinh thần ngày Hưu lễ đó như thế nào?
Cuộc tranh luận của Chúa Giêsu đều được trình thuật đầy đủ trong các Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng nơi Tin Mừng Mátthêu, tác giả lưu ý hai điểm: thứ nhất, quyền hành của Chúa Giêsu trên các việc thực hành đạo đức; thứ hai, lòng nhân từ có ưu tiên trên việc thực hành đạo đức. Trả lời cho thắc mắc của những người Biệt Phái tại sao các môn đệ Ngài không giữ luật Hưu lễ, Chúa Giêsu nhắc lại việc xẩy ra trong Cựu Ước liên quan đến Ðavít và những người tùy tùng khi đói, tức khi khẩn thiết, đã làm điều không được phép làm, hoặc việc các tư tế trong Ðền thờ không nghỉ ngày Hưu lễ mà cũng không mắc tội. Rồi Chúa kết luận: "Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông sẽ chẳng lên án kẻ vô tội". Lòng nhân từ phải là căn bản cho những phán đoán của chúng ta đối với anh em; cần phải hành xử theo lòng nhân từ này hơn là chỉ xét đoán anh em theo những việc bên ngoài.
Vả lại, những việc đạo đức và việc nghỉ ngày Hưu lễ, là để con người đến gần Thiên Chúa, thế mà Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã hiện diện giữa họ, thì lòng đạo đức không còn là một cái gì tuyệt đối phải thi hành nữa. Các tư tế làm việc trong Ðền thờ ngày Hưu lễ mà không lỗi luật, thì các môn đệ Chúa Giêsu lỗi luật thế nào được, vì đã có Chúa Giêsu bên cạnh họ. Ngài là Con Thiên Chúa cao trọng hơn Ðền thờ. Chúa Giêsu muốn nhân dịp này để mạc khải chính Ngài là Ðấng Mêsia cao trọng hơn Ðền thờ và làm chủ cả ngày Hưu lễ; nhưng các người Biệt Phái không nhìn nhận điều này.
Xin Chúa giúp chúng ta vượt qua tinh thần vụ hình thức trong đời sống đức tin. Xin cho chúng ta tâm hồn nhân từ như Chúa để biết đối xử với người khác mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 4: Tinh Thần Vụ Hình Thức (Mt 12,1-8)
Cuộc tranh luận trên của Chúa Giêsu với những người biệt phái được tường thuật cách đầy đủ trong cả bốn Phúc Âm, nhưng nơi Phúc Âm thánh Mátthêu này thì tác giả xem ra muốn lưu ý độc giả hai điểm: thứ nhất là lòng nhân từ ưu tiên trên việc thực hành những việc đạo đức và thứ hai là quyền hành của Chúa Giêsu vượt lên trên những việc đạo đức.
"Ta ưa thích lòng nhân từ chứ không ưa thích của lễ". Lòng nhân từ phải là căn bản cho những phán đoán của ta đối với anh chị em. Cần hành xử theo lòng nhân từ này hơn là chỉ lo xét đoán anh chị em theo những việc bề ngoài. Hơn nữa, những việc đạo đức trong đó có việc nghỉ ngày sabát là để con người đến gần Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đang hiện diện giữa các tông đồ, Người làm cho những việc đạo đức khác trở thành thứ yếu, bởi vì một khi đã đạt đến mục tiêu là sống hiện diện với Chúa rồi, thì những phương tiện, những việc đạo đức phải nhường chỗ. Nếu các biệt phái chấp nhận rằng các thầy tư tế làm việc trong đền thờ vào ngày nghỉ sabát sẽ không lỗi luật nghỉ sabát, thì những đồ đệ của Chúa Giêsu lỗi luật ngày sabát sao được vì đã có Chúa bên cạnh họ rồi.
"Ðây có Ðấng cao trọng hơn đền thờ". Chúa Giêsu dùng việc tranh luận để mạc khải về chính mình là Ðấng cao trọng hơn đền thờ, là Ðấng Thiên Sai, Ðấng dĩ nhiên có quyền trên ngày sabát. Ước chi chúng ta đừng xét xử anh chị em qua những việc đạo đức bên ngoài. Những việc làm này là điều tốt, đáng làm, nhưng không phải là tiêu chuẩn tuyệt đối để ta dựa vào mà xét xử anh chị em. Lòng nhân từ thì quan trọng hơn.
Lạy Chúa, Xin giúp con vượt qua được tinh thần vụ hình thức trong đời sống đức tin. Xin thương ban cho con tâm hồn nhân từ yêu thương như Chúa, để biết cảm thông và đối xử với anh chị em chung quanh mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 5: Những Luật Phải Vi Phạm.
Khi ấy vào ngày sa bát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Những người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm trong ngày sa bát!” (Mt. 12, 1-2)
Các môn đệ đói.
Các môn đệ Chúa bị cơn đói dày vò. Luật ngày sa bát không cho phép các ông bứt lúa mà ăn trong ngày ấy. Các môn đệ vẫn cứ bứt lúa ăn. Các người Pha-ri-sêu cho đó là xì-căng-đan. Đức Giêsu dùng sự cố này để bày tỏ quan điểm của Người về ngày sa bát.
Quan điểm đó của Chúa, chúng ta biết rõ rồi. Ngày sa bát phải phục vụ con người… ngày sa bát được phép làm điều lành. Nếu những luật chi phối ngày sa bát đã nén cản trở yêu thương, ta không được làm nô lệ cho những luật ấy và ngần ngại vi phạm. Nhưng thực tế không phải là phạm luật, bởi lẽ có môt luật được đặt lên hàng ưu tiên và làm lu mờ mọi luật khác: Luật tình yêu. Để yêu thương để giúp người đang túng đói, ta đừng phải sợ thay đổi nội quy, tập tục và luật lệ.
Có những người đang đói.
Theo thói quen ta vốn nghĩ là mình không còn nô lệ cho những luật lệ bất công vốn ngăn trở ta phục vụ tha nhân. Ta lầm rồi đấy. Những luật ấy tuy không áp dụng cho việc tuân giữa này sa bát hoặc ngày chúa nhật, nhưhg nó vẫn tồn tại.
Trên thế giới có những người đang đói ăn. Có nhiều người đang đói ăn. Cónhững người đang chết đói. Cần phải cho họ ăn. Cần phải có đủ trí tưởng tượng và con tim mới giúp họ sống được. Những điều gì đang xảy ra. Có những luật ngăn cản người ta chừng nào hay chừng ấy trong công việc cứu giúp những con người đói khổ kia.
Những luật này, chính các nước giầu tự ấn định cho mình, không những để cho mình vẫn là những nước giầu có mà muốn khuếch trương thêm sự giầu có của họ. Những luật ấy chính chúng ta tự đặt ra cho mình để tiếp tục sống trong tiện nhgi xa hoa.
Ngày nào chúng ta mới dám vi phạm tất cả những luật lệ này để có được một con tim rộng mở biết yêu thương hơn nữa.
J.Y.G
Suy Niệm 6: GIỮ LUẬT VÌ LÒNG MẾN (Mt 12, 1-8)
Chúng ta vẫn thường nghe những người khác tôn giáo nhận định về người Công Giáo như sau: “Những người theo đạo Công Giáo sướng thật! Ngày Chủ nhật họ ăn mặc đẹp, nghỉ ngơi để đi lễ nhà thờ”.
Lời nhận định tuy thật đơn sơ nhưng cũng đủ để cho chúng ta thấy rằng: Ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa. Ngày tưởng niệm và tạ ơn Chúa vì Ngài đã tạo dựng nên tất cả cho con người hưởng dùng. Đồng thời cũng là ngày tưởng niệm hồng ân cứu chuộc của Đức Giêsu nơi lịch sử nhân loại. Trong ngày này, chúng ta thi hành việc bác ái, nâng đỡ những người túng thiếu, bần cùng. Đồng thời, chúng ta cũng dùng ngày này để làm mới lại tình yêu của mọi thành viên trong gia đình.
Như vậy, vì tình yêu, Thiên Chúa dựng nên tất cả. Cũng vì tình yêu, con người được đón nhận tất cả. Nên cũng chỉ có con đường duy nhất chính là tình yêu để dẫn đưa con người đến gặp Thiên Chúa và đến được với nhau.
Nếu làm mọi chuyện chỉ vì sợ tội, sợ mất chức, sợ tiếng chê, rồi sinh ra nhu nhược hay tàn ác trong khi thi hành bổn phận thì thật là tắc trách. Tự bản chất, con đường này không thể gặp được Thiên Chúa và không thể có mối tương quan thân tình với nhau, bởi vì nó được thi hành bằng mệnh lệnh của cái đầu mà không phải bằng tình thương của trái tim.
Hôm nay, Đức Giêsu khiển trách những người Pharisêu về thái độ nệ luật của họ, nên đã đánh mất đi tương quan với Thiên Chúa và với nhau trong tình yêu. Họ đã thể hiện và củng cố uy quyền của mình bằng sự tàn ác, vô nhân đạo và mất đi tính người. Vì thế, Đức Giêsu cho họ biết là lòng nhân hậu thì quý hơn của lễ được làm nên bởi sự ích kỷ, bất nhân, tàn ác. Thiên Chúa cần sự bao dung, tha thứ và nhân hậu trong của lễ. Vì thế, Đức Giêsu đã nói: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế” (Mt 12, 7).
Như vậy, Đức Giêsu nhấn mạnh đến ý nghĩa cốt lõi của ngày Sabát và đưa con người đến chỗ nhận ra ý định yêu thương của Chúa, đồng thời mời gọi con người biết cộng tác vào việc thánh hóa ngày ấy theo như ý Thiên Chúa muốn.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa vì nhờ lề luật của Chúa mà chúng con được tự do, hạnh phúc. Xin cho chúng con biết tuân giữ luật vì lòng yêu mến. Amen.
Ngọc Biển SSP
Friday (July 17): “I desire mercy and not sacrifice” Scripture: Matthew 12:1-8 1 At that time Jesus went through the grainfields on the Sabbath; his disciples were hungry, and they began to pluck heads of grain and to eat. 2 But when the Pharisees saw it, they said to him, “Look, your disciples are doing what is not lawful to do on the Sabbath.” 3 He said to them, “Have you not read what David did, when he was hungry, and those who were with him: 4 how he entered the house of God and ate the bread of the Presence, which it was not lawful for him to eat nor for those who were with him, but only for the priests? 5 Or have you not read in the law how on the Sabbath the priests in the temple profane the Sabbath and are guiltless? 6 I tell you, something greater than the temple is here. 7 And if you had known what this means, `I desire mercy, and not sacrifice,’ you would not have condemned the guiltless. 8 For the Son of man is lord of the Sabbath.” |
Thứ Sáu 17-7 Ta muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ Mt 12,1-8 1 Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn.2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát! “3 Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng?4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao?6 Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. –7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội.8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”
|
Meditation: What does the commandment “keep holy the Sabbath” require of us? Or better yet, what is the primary intention behind this command? The religious leaders confronted Jesus on this issue. The “Sabbath rest” was meant to be a time to remember and celebrate God’s goodness and the goodness of his work, both in creation and redemption. It was a day set apart for the praise of God, his work of creation, and his saving actions on our behalf. It was intended to bring everyday work to a halt and to provide needed rest and refreshment.
Mercy and not sacrifice Jesus’ disciples are scolded by the scribes and Pharisees, not for plucking and eating corn from the fields, but for doing so on the Sabbath. In defending his disciples, Jesus argues from the Scriptures that human need has precedence over ritual custom. In their hunger, David and his men ate of the holy bread offered in the Temple. Jesus also quoted of the Sabbath work involved in worship in the Temple. This kind of work was usually double the work of worship on weekdays. Jesus then quotes from the prophet Hosea (6:6): I desire mercy, and not sacrifice. While the claims of ritual sacrifice are important to God, mercy and kindness in response to human need are even more important. Do you honour the Lord in the way you treat your neighbour and celebrate the Lord’s Day?
“Lord, make us walk in your way: Where there are love and wisdom, there is neither fear nor ignorance; where there are patience and humility, there is neither anger nor annoyance; where there are poverty and joy, there is neither greed nor avarice; where there are peace and contemplation, there is neither care nor restlessness; where there is the fear of God to guard the dwelling, there no enemy can enter; where there are mercy and prudence, there is neither excess nor harshness; this we know through your Son, Jesus Christ our Lord.” (Prayer of Francis of Assisi, 1182-1226)
|
Suy niệm: Điều răn “giữ ngày Sabbath thánh thiện” đòi hỏi chúng ta điều gì? Nói đúng hơn, mục đích chính đằng sau mệnh lệnh này là gì? Các nhà lãnh đạo tôn giáo đối chất với Ðức Giêsu về vấn đề này. “Việc nghỉ ngày Sabbath” được xem là thời gian để tưởng nhớ và mừng kính lòng nhân từ của Thiên Chúa và công việc tốt đẹp của Người, cả trong sự tạo dựng lẫn cứu chuộc. Đó là ngày dành riêng để ca tụng Thiên Chúa, sự tạo dựng, và những hành động cứu chuộc của Người thay cho chúng ta. Nó có ý nghĩa tạm dừng mọi công việc hằng ngày để đem lại sự nghỉ ngơi và bồi dưỡng cần thiết. Lòng thương xót chứ không phải hy tế Các môn đệ của Ðức Giêsu bị những người luật sĩ và Pharisêu quở trách không phải vì việc bứt bông lúa ăn, nhưng vì làm việc trong ngày Sabbath. Để bênh vực các môn đệ, Ðức Giêsu đã trích dẫn từ Kinh thánh để nói rằng nhu cầu con người có quyền ưu tiên hơn phong tục tập quán: Trong lúc đói, vua Đavít và đoàn tùy tùng đã ăn bánh dâng tiến trong Đền thờ. Ðức Giêsu cũng trích dẫn công việc ngày Sabát có liên hệ đến việc thờ phượng trong Đền thờ. Công việc này thông thường gấp đôi công việc thờ phượng những ngày thường. Ðức Giêsu liền trích dẫn từ ngôn sứ Hôsê (6,6): Ta muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ. Trong khi những đòi hỏi hy tế theo nghi thức rất quan trọng đối với Thiên Chúa, nhưng lòng thương xót và nhân từ đối với tha nhân cũng rất cần thiết, thậm chí còn quan trọng hơn. Bạn có tôn kính Chúa trong cách thức bạn đối xử với tha nhân và ca tụng Ngày của Chúa không? Lạy Chúa, xin cho chúng con bước đi trong đường lối Chúa: Nơi nào có tình yêu và khôn ngoan, nơi đó không có sợ hãi hay ngu dốt; nơi nào có kiên nhẫn và khiêm tốn, nơi đó không có nóng giận hay phiền muộn; nơi nào có thiếu thốn và niềm vui, nơi đó không có tham lam hay hám lợi; nơi nào có bình an và thanh tịnh, nơi đó không có âu lo hay bối rối; nơi nào có sự kính sợ Chúa canh giữ, nơi đó không một kẻ thù có thể đi vào; nơi nào có lòng thương xót và thận trọng, nơi đó không có quá đáng hay vội vàng; chúng con biết điều này nhờ Con Chúa, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. (Lời cầu nguyện của thánh Phanxicô Assisi, 1182-1226)
|
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
SUY NIỆM
1. Vi phạm lề luật
Đi băng qua cánh đồng lúa, các môn đệ đói bụng và bứt lúa ăn. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu chất vấn Đức Giê-su: « Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát !» Trước hết, chúng ta ta hãy cảm thương Đức Giê-su, vì trò phạm lỗi, nhưng người ta lại đi chất vấn Thầy, như thể Thầy phải chịu trách nhiệm. Sau này, trong cuộc Thương Khó và trên Thập Giá Đức Giê-su sẽ nhận vào mình tất cả mọi tội lỗi, dưới sự phán xét của Lề Luật, không chỉ của các môn đệ, nhưng là của cả loài người chúng ta.
Xét về luật, những người Pha-ri-sêu thật có lý để lên án các môn đệ, vì, để ăn hạt lúa, họ phải « gặt và xay » cây lúa. Như thế, họ đã phạm luật cấm lao động trong ngày Sa-bát ! Tuy nhiên, lỗi này là chuyện nhỏ, không nghiêm trọng gì mấy; có lẽ Đức Giê-su chỉ cần nhắc nhở các môn đệ là xong chuyện. Nhưng có điều gì đó thật nghiêm trọng và không hề là chuyện nhỏ ; Đức Giê-su sẽ mặc khải cho chúng ta điều này.
2. Dò xét và tố cáo
Thật vậy, chúng ta có thể tự hỏi: làm sao, ở ngoài đồng bao la như thế, những người Pha-ri-sêu lại biết được việc này? Chắc họ đã phải kín đáo nhiều ngày đi theo, rình mò, theo dõi và quan sát thật kĩ nhóm của Đức Giê-su, giống như khi người ta muốn bắt quả tang người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8, 2-11). Hành động này hàm chứa thái độ không tin tưởng, thậm chí thái độ lên án, và chỉ cần chờ hoặc tìm kiếm dịp mà thôi. Và, như chúng ta thấy, khi không có dịp, chính họ sẽ tạo ra dịp để Đức Giê-su và các môn đệ phạm luật ; các Tin Mừng gọi hành động này là thử hay giăng bẫy.
Thế mà, Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta biết rằng, ý muốn lên án cho dù chưa có lý do, vốn thuộc về Satan (x. St 3, 1-7 ; Dcr 3, 1; Gi 1, 11 ; 2, 6; Kh 12, 7-10 » ; xem bài đọc thiêng liêng « Sự Dữ). Là thuộc về Satan, nhưng hành động này lại không hiếm thấy trong cuộc sống của chúng ta. Thật vậy, những người hành động theo Satan, cho dù không nhận ra mình đang hành động theo Satan, là những người có ý muốn lên án và để lên án, thì phải dựa vào lề luật để tìm kiếm, rình mò, thậm chí gài bẫy hay ngụy tạo nhằm có bằng chứng hành vi vi phạm lề luật. Vì thế, một đàng thật hợp lý khi người ta dựa vào lề luật để lên án hành vi vi phạm, như trường hợp các môn đệ bứt lúa ăn vào ngày sa-bát, nhưng đàng khác, ý muốn lên án, vốn là đặc điểm của Satan và tự nó là xấu xa, đã luôn có đó rồi. Biết như thế, nhưng không ai làm gì được, vì có lề luật là chỗ dựa, thậm chí, là chỗ ẩn nấp thật kín đáo, kín đáo nhất của Sự Dữ. Và đó chính là cách người ta lên án chết Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó. Trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su là Đấng Vô Tội tuyệt đối (chúng ta thì không, vì bị rình mò một hồi là ra tội), vì thế kẻ kết án chỉ có thể là Satan, hành động nơi những con người cụ thể ; và khi kết án Đấng Vô Tội tuyệt đối, nhân danh Lề Luật : « Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết » (Ga 19, 7), Sự Dữ bị lộ ra nguyên hình.
Hơn nữa, và điều này còn nghiêm trọng hơn, ngày Sa-bát là ngày được lập ra để tưởng nhớ ơn huệ sự sống được cứu khỏi sự chết của cả một dân tộc trong biến cố Xuất Hành, bởi lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Đnl 5, 12.15). Nhưng trong thực tế, ngày Sa-bát đã biến thành một bộ luật phức tạp bao gồm những quy định chi li, dùng để dò xét và lên án. Ngày Sa-bát là ngày được lập ra để tưởng nhớ sự sống, nhưng đã biến thành phương tiện để lên án và giết chết chính Đấng Ban Sự Sống, là Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa. Điều này sẽ được khởi động rất sớm: « Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su ». Và mưu đồ này sẽ đi đến cùng trong cuộc Thương Khó, khi người ta nhân danh Lề Luật để giết Đấng Vô Tội tuyệt đối.
3. Sự sống và lề luật
Như các môn đệ, không ai trong chúng ta không vi phạm luật ; và như những người Pha-ri-sêu, không ai trong chúng ta tránh được sức mạnh của Sự Dữ thúc đẩy chúng ta dùng lề luật để dò xét và tố cáo bản thân mình và người khác. Vậy, « tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! » (Rm 7, 24-25)
Thật vậy, Đức Giê-su đã đứng về phía các môn đệ, những « bị cáo », và qua các môn đệ, Ngài đứng về phía chúng ta. Ngài biện minh cho họ bằng những lời mạc khải có tầm mức hết sức rộng lớn. Trước hết, Ngài dựa vào Lời Chúa trong Sách Thánh. Trong sách Samuel quyển 1, chương 21, kể lại chuyện vua Đa-vít và những người tùy tùng của ông, lúc đói đã vào nhà Thiên Chúa ăn bánh dùng để dâng tiến, thứ bánh chỉ có tư tế mới được ăn.
Khi nêu ra một biến cố lịch sử, được kể lại trong Sách Thánh, Đức Giê-su muốn nói cho người Pha-ri-sêu, và qua họ, cho chúng ta về chính khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa :
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] ĐTC Phanxicô, Misericardiae Vultus (Dung Mạo Lòng Thương Xót), Tông Sắc mở Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót, “Trong sứ vụ của mình, họ được dẫn dắt bởi lời của thánh Tông Đồ: Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong sự bất tín, để thương xót mọi người (Rm 11, 32)”, số 18, năm 2015.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn