“Các trẻ em được thấy cha mẹ biểu lộ sự dịu dàng là các trẻ em may mắn”

Thứ hai - 24/02/2020 17:38

“Các trẻ em được thấy cha mẹ biểu lộ sự dịu dàng là các trẻ em may mắn”

fr.aleteia.org, Mathilde de Robien, 2020-01-09

Giữa sự kín đáo-giả tạo tránh biểu lộ tình cảm trước mặt con cái và sự gợi cảm phô trương quá lố, vẫn còn một con đường khác để duy trì một tình yêu đẹp đẽ, đó là sự dịu dàng giữa cha mẹ với nhau, được thể hiện một cách tự nhiên và cởi mở.

Bà Inès Pélissié du Rausas xác nhận trong quyển sách Chúng ta nói về tình yêu cho con cái nghe (Parlons d’amour à nos enfants, nxb. Artège): “Một đứa bé được yêu, nó sẽ hiểu thế nào là tình yêu, sẽ cảm nhận mình được yêu và với cảm nhận thấy cha mẹ thương nhau là đủ để đứa bé an tâm về tình yêu của họ”. Cũng giống như Thánh Tôma, “thấy mới tin.” Làm thế nào cảm nhận được tình yêu của cha mẹ? Qua các cử chỉ họ biểu lộ sự dịu dàng với nhau: khi thấy người cha tặng hoa, tặng quà cho mẹ, khi thấy mẹ mở lòng dịu dàng với cha, khi thấy họ cười với nhau, ôm hôn nhau hay thấy họ làm hòa sau khi cãi cọ nhau.

Bà Inès Pélissié du Rausas, chuyên gia về giáo dục tình trìu mến cho biết sự dịu dàng giữa vợ chồng giúp cho con cái hiểu thế nào là tình yêu: “Trẻ em nào thấy được cha mẹ biểu lộ sự dịu dàng cho nhau là các trẻ em may mắn! Chúng sẽ biết thế nào là yêu thương, gần người khác, giúp đỡ người khác và nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình”. Họ nói lên một cách gián tiếp kinh nghiệm niềm vui trong tâm hồn người nhận, sự trìu mến, nụ cười, ánh nhìn dịu dàng của người khác. Bà nhấn mạnh: “Trong sự vén mở đơn giản và kín đáo sự thân mật của cha mẹ, đứa bé nhận ra tình yêu là món quà tặng của người này cho người kia, món quà được sống qua thân xác.” Khi khám phá cơ thể có thể cho thấy một cách nhưng không tình yêu và niềm vui, đứa bé cảm nhận được một thực tế sâu đậm và thiết yếu của tình yêu.

Khi ghen tương lấn chiếm

Bà Inès Pélissié du Rausas nhận xét, trẻ con cần cảm nhận cha mẹ thương nhau, nhưng không phải lúc nào chúng cũng vui khi thấy. Đôi khi trẻ con đến chận cha mẹ khi họ ôm nhau. Nhưng bà khẳng định, đứa bé phải chấp nhận cha mẹ có khi cần ở một mình, cần đi chơi riêng với nhau, cần đóng cửa phòng lại buổi tối. Ngoài ra không phải lúc nào cũng là chuyện ghen tương hay mặc cảm Oedipe quá độ. Tác giả giải thích, “khi rúc vào giữa cha mẹ khi họ đang ôm nhau, đứa bé đi tìm sự yên tâm của tình yêu, dù không phải lúc nào nó cũng ý thức. Nó cũng muốn nhận một niềm vui nào đó, khi trong lúc này nó đang cảm nhận có một cái gì sâu đậm.”

Tuy nhiên chỉ có sự dịu dàng đích thực mới lôi kéo được trẻ em. Không phải sự dịu dàng giả tạo, hơi mơ hồ và cho thấy ý muốn muốn chiếm hữu người kia hơn là quan tâm thực sự đến họ. Đức Gioan-Phaolô II trong quyển sách Tình yêu và Trách nhiệm đã định nghĩa sự dịu dàng thực sự đến từ tâm hồn: “Sự dịu dàng phải được bao quanh một hình thức chú tâm nào đó (…) để các biểu hiện khác nhau không trở thành phương tiện thỏa mãn tình cảm và nhu cầu tình dục. Vì thế không thể làm mà không có sự tự chủ thực sự, ở đây trở thành một dấu hiệu cho thấy sự tinh tế và tế nhị nội tâm của một thái độ đối với người khác giới”.

Chính sự dịu dàng này mà cha mẹ nên bày tỏ trước mặt con cái mình. Và chính đó mới thực sự giáo dục con cái có một tình yêu đích thực, chứ không phải một khao khát tình cảm.

Marta An Nguyễn dịch

Sách Chúng ta nói về tình yêu cho con cái nghe (Parlons d’amour à nos enfants, Inès Pélissié du Rausas, nxb. Artège).

Nguồn tin: phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây