Tâm Tình Mục Tử Tháng 1 Năm 2016 Đăng lúc: Thứ sáu - 25/12/2015 20:45 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thứ sáu - 02/08/2019 21:49
Anh chị em thân mến, Ngày đầu năm là khởi điểm cho một vòng quay thời gian mới, với những điểm nhấn đặc biệt, vừa như ánh sáng dẫn đường, vừa như đỉnh cao vươn tới.
TÂM TÌNH MỤC TỬ THÁNG 1 NĂM 2016

Kính gửi: Các linh mục, tu sĩ, chủng sinh,
và cộng đoàn dân Chúa giáo phận.
Anh chị em thân mến,
Ngày đầu năm là khởi điểm cho một vòng quay thời gian mới, với những điểm nhấn đặc biệt, vừa như ánh sáng dẫn đường, vừa như đỉnh cao vươn tới. Năm mới đến với chúng ta như một thời điểm may mắn, không vì con số 2016 có tổng số là 9 như có người giải đoán, mà vì chủ đề “Lòng Chúa Thương Xót” đã được Giáo Hội chọn để nêu cao.

1. Ngày mừng Bổn mạng Giáo phận
Lễ Mẹ Thiên Chúa năm nay vẫn được mừng trọng thể vào ngày đầu năm Dương Lịch, và phẩm chức Mẹ Thiên Chúa vẫn được bền bỉ tuyên xưng, nhưng cách riêng trong năm thánh Lòng Chúa Thương Xót, Đức Mẹ còn được tôn vinh với danh xưng đặc biệt là “Mẹ của lòng thương xót” như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu lên trong Kinh Năm Thánh. Thực ra, đây không phải là phẩm tước hoàn toàn mới và cũng chẳng thêm gì cho danh xưng Mẹ Thiên Chúa, nhưng chỉ muốn lặp lại cho tín hữu hiểu và sống một cách tích cực hơn một chiều kích luôn hiện diện trong Thánh Kinh và trong Phụng vụ, nhưng giữa thế giới có nhiều hận thù và chia rẽ như hiện nay, tôn vinh Đức Mẹ là “Mẹ của lòng thương xót” xem ra còn cấp thiết và thời sự hơn.
Nhìn vào hồng ân Chúa, Đức Maria-Mẹ Thiên Chúa chính là tác phẩm toàn bích đã được Chúa thương xót chọn mẫu giữa muôn ngàn phụ nữ, được ban đầy tràn ơn phúc để nâng cao xứng tầm với việc cưu mang và sinh hạ Đấng là “Con Thiên Chúa làm người”. Nhìn vào việc đáp ứng hồng ân, Đức Maria-Mẹ Thiên Chúa lại là gương mẫu biết đón nhận lòng thương xót của Chúa và đáp lại bằng cả chiều dài cuộc sống, qua tiếng “xin vâng” khiêm tốn vắn gọn trong ngày Truyền Tin, nhưng kiên cường quyết liệt trong chiều Tử Nạn dưới chân thập giá. Và nhìn vào Giáo Hội là nhiệm thể Chúa Kitô, Đức Maria-Mẹ Thiên Chúa còn là hiền mẫu, vốn đã có kinh nghiệm về lòng Chúa thương xót, cả trong cách đón nhận và cách đáp trả, nên Mẹ luôn sẵn sàng thi thố lòng xót thương cho mọi người tìm đến Mẹ với lòng cậy trông, như trạng sư bênh vực tội nhân, hoặc như mẹ hiền đỡ nâng con cái.

2. Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới
Cùng trong nhãn giới về Lòng Chúa Thương Xót, năm nay trong sứ điệp hòa bình, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi thế giới hãy tẩy trừ thái độ dửng dưng đối với sự hiện diện của Thiên Chúa và đẩy lùi thái độ vô cảm đối với nỗi thống khổ của anh em đồng loại. Đây là hai thái độ có thể phân biệt nhưng thực tế lại liên hệ chặt chẽ với nhau: vì dửng dưng với Thiên Chúa nên rất dễ vô cảm với tha nhân, và ngược lại vì vô cảm với tha nhân đang hiện diện hữu hình nên cũng dửng dưng với Thiên Chúa chỉ hiện diện cách vô hình. Nếu trong lịch sử cứu độ, dân thánh đã bao phen gặp phải chiến tranh tàn sát, nhưng đã thoát nạn nhờ lòng Chúa xót thương, thì ý thức và sống trong tình thương xót của Chúa chính là phương dược hiệu quả để thoát khỏi hiểm họa chiến tranh và sống trong hòa bình đích thực.
Tất nhiên, trong ngày đặc biệt này, tín hữu cần trang bị cho mình tinh thần cầu nguyện, xin Chúa Giáng Sinh là Hoàng Tử Hòa Bình ban cho người thế được vui hưởng bình an tâm hồn và an bình đời sống; nhưng cách riêng nhằm đẩy lùi thói vô cảm, đang có nguy cơ lây lan như một nạn dịch, tín hữu còn cần thể hiện những nỗ lực của tình yêu cách cụ thể, trước hết là niềm thông cảm, sau đó là tình thương xót và cuối cùng là lòng thiện nguyện liên đới ra tay cứu giúp. Vì, xét cho cùng, nỗi niềm, tâm tình và tấm lòng cũng đều phát xuất từ một nguồn mạch là chính trái tim biết rung cảm của mình. Không phải vô tình mà hình ảnh người Samaritanô nhân hậu được nêu cao như mẫu gương ngời sáng, mà hữu ý cho thấy thông cảm, thương xót và tình nguyện đều phải được thể hiện qua những việc làm cụ thể, cho dẫu có làm cho mình phải hụt đi một chút gì trong cuộc sống thường ngày.

3. Ngày khởi động Năm “tân phúc-âm-hóa đời sống xã hội”
Cách riêng, đối với Giáo Hội Việt Nam, năm 2016 cũng là năm cuối cùng trong ba năm hướng đến chủ đích tân phúc-âm-hóa, từ đời sống gia đình qua đời sống giáo xứ đến đời sống xã hội. Một cách nào đó, chủ đích này đã trở thành mối quan tâm và từ lâu đã được lặp đi lặp lại trong giáo huấn chính thức cũng như trong huấn dụ thông thường của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, như kiểu nói “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Thư Chung 1980 hay kiểu nói “người công giáo tốt cũng là người công dân tốt” trong huấn dụ của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dịp Ad Limina 2009. Nhưng những nỗ lực ấy xem ra chưa đem lại hiệu quả tương ứng. Đó đây trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống cộng đoàn vẫn còn thấy cảnh phân chia đáng buồn giữa đạo một bên vả đời một bên, làm như đạo chẳng can dự đến đời và đời chẳng liên quan tới đạo, ấy là chưa muốn nói đến cảnh nhói lòng khi đạo như trống đánh xuôi, còn đời lại như kèn thổi ngược, điển hình như vấn đề li dị hiện nay chẳng hạn.
Không có tham vọng thay đổi được xã hội (đời), nhưng bằng “nhiệt tình mới, phương pháp mới, và cách diễn tả mới” trong chương trình phúc-âm-hóa, Giáo Hội (đạo) ít ra cũng sắm cho mình những hành trang cần thiết và mở cho mình một hướng đi tích cực, sẵn sàng dấn thân và ngay cả đến hiến thân, để dưới sự dẫn khởi của Chúa Thánh Thần, góp phần xây dựng một xã hội có nhiều chỗ đứng hơn cho công lý và hòa bình. Tân phúc-âm-hóa đời sống xã hội, chính là đem niềm vui Tin Mừng vào trong đời sống xã hội hiện tại và đem đời sống xã hội với những phức tạp thường tình vào trong lời kinh hằng ngày của Giáo Hội.

4. Thực hành
Anh chị em thân mến,
Hiểu như trên, ngày đầu năm 2016 đối với chúng ta quả là một ngày chất chứa nhiều sứ mạng, nhưng cậy dựa vào tình thương của Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của lòng thương xót, chúng ta quyết tâm sống hết mình với những chọn lựa chung của Giáo Hội. Cụ thể, xin đề nghị với anh chị em hướng thực hành như sau:
a/ Hướng nhìn lên Đức Trinh nữ Maria, ta xác quyết: trước hết, Mẹ là người mẫu tức là mẫu người Chúa đã tuyển chọn để thi thố lòng thương xót của Ngài, nên ta mãi một mực tôn vinh Mẹ; ngoài ra, Mẹ cũng là gương mẫu nêu cao tình yêu đáp ứng và cộng tác với lòng thương xót của Chúa, nên ta cần sống theo gương Mẹ; và hiện nay, trong tư cách là Hiền mẫu của nhiệm thể Chúa Kitô trong đó có từng người chúng ta, ta hãy tin tưởng cậy trông xin Mẹ đùm bọc che chở ta trong lòng xót thương của Thiên Chúa.
b/ Hướng đến các anh chị em đang sống trong hoàn cảnh đáng thương về mọi mặt, cả về thể chất lẫn tinh thần, ta hãy để cho con tim của mình lên tiếng nói: trước tiên là sự thông cảm để an ủi; sau đó là sự thương xót để sẻ chia; và cụ thể hơn nữa là sự tình nguyện để sẵn sàng ra tay giúp đỡ. Hy vọng ba chữ T (Thông cảm, Thương xót, Tình nguyện) sẽ giúp ta từng bước loại trừ được sự vô cảm ra khỏi đời sống, như Đức Thánh Cha Phanxicô thiết tha kêu gọi.
c/ Hướng về Giáo Hội Việt Nam trong chương trình tân phúc-âm-hóa đời sống xã hội, mỗi tín hữu trong bậc sống và theo hoàn cảnh sống của mình, hãy trở thành những chứng nhân sống khít khao tinh thần phúc-âm-hóa: biết đặt công ích lên trên quyền lợi cá nhân; biết quan tâm chia sẻ với mọi người đặc biệt là những người nghèo; và biết chăm sóc thiên nhiên, sinh thái và môi trường sống. Mong rằng ba chữ C này (Công ích, Chia sẻ, Chăm sóc) sẽ không vắng mặt trong sinh hoạt của anh chị em.
Nguyện chúc ân sủng, bình an và lòng thương xót của Thiên Chúa luôn ở với anh chị em trong suốt năm nay!
 
+ Giuse Vũ Duy Thống,
Gm. Gp. Phan Thiết

 
 

Nguồn tin: gpphanthiet.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây