G. Trần Đức Anh, O.P.
Ông Maas năm nay 54 tuổi, tín hữu Công giáo, thuộc đảng xã hội SPD và xưa kia từng là một lễ sinh, tức là trẻ giúp lễ.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo chí sau đó, ngoại trưởng Đức cho biết trong cuộc trao đổi dài 40 phút, hai bên đã đề cập đến hậu quả của đại dịch Covid-19 và việc phân phối công bằng các vắc xin, làm sao để đại dịch không đào sâu thêm số chia cách và sự chênh lệch giữa các nước giàu và nước nghèo. Về vấn đề này, ngoại trưởng Maas cho biết nước Đức đã tham gia sáng kiến quốc tế Covax cung cấp các vắcxin chống Coronavirus cho các nước nghèo. Tuy nhiên, ông cho biết trong cuộc trao đổi với Đức Thánh cha không có đề cập đến việc tạm ngưng bằng sáng chế các vắcxin. Đức Thánh cha đề nghị việc này, nhưng lập trường của chính phủ Đức, như bà thủ tướng Angela Merkel đã tuyên bố là không đồng thuận.
Ngoại trưởng Maas và Đức Thánh cha đề cập đến sự cộng tác chặt chẽ hơn giữa Đức và Tòa thánh về vấn đề các nước Mỹ châu Latinh. Ông cho biết đã xin Đức Thánh cha chia sẻ kinh nghiệm với Đức về những chuyên môn của Vatican về miền này. Châu Âu nói chung cũng muốn tăng cường dấn thân vào Mỹ châu Latinh, và Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng rất quan tâm đến vấn đề này.
Trước khi gặp Đức Thánh cha, ngoại trưởng Đức đã gặp ngoại trưởng Luigi Di Maio của Italia và đã đề cập đến vấn đề đón nhận các thuyền nhân. Trước đây, nước Đức đã tham gia việc nhận các thuyền nhân và trong tương lai cũng làm như vậy. Trong những ngày vừa qua, có hơn 2.000 thuyền nhân vượt qua Địa Trung Hải đổ bộ lên đảo Lampedusa ở miền cực nam Italia, khiến các trung tâm đón tiếp tại đảo này đầy ắp. Thủ tướng Mario Draghi của Italia đã kêu gọi các nước Âu châu khác chia sẻ việc đón tiếp các thuyền nhân, nhưng cho đến nay chưa được nước nào đáp ứng. Dầu vậy, thủ tướng Draghi nói rằng nước Ý sẽ không bỏ rơi một ai trong lãnh hải của mình.
(KNA 12-5-2021)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn