G. Trần Đức Anh, O.P.
Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ V sau Phục sinh, thuật lại lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ hãy gắn bó với Ngài để có thể mang lại nhiều hoa trái, như những ngành nho gắn liền với gốc nho.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong bài Tin mừng Chúa nhật thứ V Phục sinh này (Ga 15,1-8), Chúa tự giới thiệu như cây nho thật và nói về chúng ta như những ngành nho không thể sống nếu không kết hiệp với Ngài: “Thầy là cây nho, các con là ngành” (v.5). Không có thân cây nho nếu không có ngành, và ngược lại. Các ngành cây không thể tự túc, nhưng hoàn toàn tùy thuộc thân cây nho, là nguồn sống của chúng.
Chúa Giêsu nhấn mạnh động từ “ở lại”. Ngài lập lại bảy lần trong đoạn Tin mừng hôm nay. Trước khi giã từ trần thế này và về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu muốn trấn an các môn đệ của Ngài rằng họ có thể tiếp tục liên kết với Ngài. Chúa nói: “Các con hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong các con” (v.4). Việc ở lại này không phải là một sự ở lại thụ động, một “sự thiếp ngủ” trong Chúa, để cho mình được cuộc sống ru ngủ. Không phải vậy. Ở lại trong Chúa, như Chúa Giêsu đề nghị với chúng ta là một sự ở lại tích cực, và hỗ tương. Tại sao vậy? Thưa, vì những ngành nho mà không có cây nho thì không thể làm được gì, chúng cần nhựa sống để tăng trưởng và mang lại hoa trái; nhưng cả thân cây nho cũng cần các ngành, vì hoa trái không trổ sinh từ thân cây. Đó là một nhu cầu hỗ tương, là ở lại trong nhau để mang lại hoa trái.
Trước tiên, chúng ta cần Chúa. Chúa muốn nói với chúng ta rằng trước khi tuân giữ các giới răn, trước khi sống các mối phúc, trước khi làm các công việc từ bi bác ái, cần phải hiệp nhất với Ngài, ở lại trong Ngài. Chúng ta không thể là những Kitô hữu tốt nếu không ở lại trong Chúa Giêsu. Và trái lại, với Ngài chúng ta có thể làm mọi sự (Xc Pl 4,13).
Nhưng cả Chúa Giêsu, như thân nho với các ngành, cũng cần chúng ta. Có lẽ chúng ta thấy có vẻ táo bạo với ý niệm ấy, và chúng ta tự hỏi: theo nghĩa nào Chúa cần chúng ta? Thưa, Chúa cần chứng tá của chúng ta. Hoa trái mà chúng ta phải sinh ra trong tư cách là ngành nho, là chúng ta làm chứng bằng đời sống Kitô của chúng ta. Sau khi Chúa Giêsu lên cùng Chúa Cha, nghĩa vụ của các môn đệ là tiếp tục loan báo Tin mừng Nước Chúa trong trần thế, bằng lời nói và việc làm. Và các môn đệ làm điều đó bằng cách chứng tỏ tình yêu của Chúa: hoa trái cần mang lại là tình thương. Nhờ gắn bó với Chúa Kitô, chúng ta nhận được những hồng ân của Thánh Linh, và như thế chúng ta có thể làm điều thiện cho tha nhân và xã hội, Giáo hội. Xem quả thì biết cây. Một cuộc sống Kitô đích thực làm chứng về Chúa Kitô.
Nhưng làm sao chúng ta có thể làm được như vậy? Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Nếu các con ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong các con, các con hãy xin điều các con muốn và sẽ được ban cho các con” (v.7). Cuộc sống của chúng ta có phong phú hay không tùy thuộc kinh nguyện. Chúng ta có thể xin được suy tư, hành động như Chúa, nhìn thế giới và sự vật với đôi mắt của Chúa Giêsu. Và như thế, yêu thương anh chị em chúng ta, bắt đầu từ những người nghèo khổ nhất, như Chúa đã làm, và yêu thương họ với con tim của Chúa và mang vào thế giới những hoa trái từ nhân, bác ái và an bình.
Và Đức Thánh cha kết luận: “Chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ luôn hoàn toàn kết hiệp với Chúa Giêsu và đã mang nhiều hoa trái. Xin Mẹ giúp chúng con ở lại trong Chúa Kitô, trong tình thương, trong lời của Chúa, để làm chứng về Chúa Phục Sinh trong thế giới”.
Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh cha nhắc đến lễ phong chân phước sáng thứ Sáu 30/4 vừa qua tại Caracas, thủ đô Venezuela, cho bác sĩ José Gregorio Hernández, giáo dân, một bác sĩ đầy kiến thức và đức tin, đã biết hành động như người Samaritano nhân lành, cứu giúp trong tình bác ái theo tinh thần Phúc Âm, nhiều người đau khổ trong thân xác và tinh thần. “Chúng ta hãy vỗ tay chào mừng vị chân phước mới.”
Rồi Đức Thánh cha gởi lời chúc mừng các tín hữu Chính thống và Công giáo nghi lễ Đông phương, mừng lễ Phục sinh vào Chúa nhật 2/5 này theo niên lịch Giuliano. Xin Chúa Phục sinh ban cho họ tràn đầy ánh sáng và an bình, đặc biệt cho các cộng đoàn sống trong những hoàn cảnh khó khăn.
Đức Thánh cha nhắc đến tháng Năm mới bắt đầu, tháng mà lòng đạo đức bình dân vốn dành để kính mến Đức Mẹ, qua nhiều sáng kiến khác nhau, đặc biệt là các buổi đọc kinh Mân côi mỗi ngày, lần lượt tại 30 Đền thánh khác nhau. Chiều thứ Bảy 1/5 vừa qua, chặng thứ nhất đã được cử hành tại Đền thờ thánh Phêrô. Trong bối cảnh này, - Đức Thánh cha nói - có một sáng kiến tôi rất quan tâm, sáng kiến của Giáo hội Myanmar mời gọi cầu nguyện cho hòa bình: mỗi ngày một kinh Kính mừng khi đọc kinh Mân côi hằng ngày: Mỗi người chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ Thiên Chúa nói với tâm hồn những vị lãnh đạo tại Myanmar để họ tìm được can đảm đi trên con đường gặp gỡ và hòa giải, hòa bình.
Kế đó, Đức Thánh cha bày tỏ đau buồn và gần gũi nhân dân Israel vì tai nạn xảy ra hôm 30/4 vừa qua, tại núi Meron làm cho 45 người chết và nhiều người bị thương. Ngài cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ.
Đức Thánh cha cũng nhắc đến Hội Meter ở Italia, khuyến khích họ tiếp tục dấn thân bênh vực các trẻ bi bị bạo hành và lạm dụng. Và sau cùng ngài chào thăm mọi người, đặc biệt những người tham gia phong trào chính trị hiệp nhất, do chị Chiara Lubich, sáng lập Phong trào Tổ Ấm thành lập cách đây 25 năm.
Đức Thánh cha chào thăm các tín hữu Roma, những người hành hương và cầu chúc họ một Chúa nhật tốt lành.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn